Home Liêu Trai Chí Dị – 163 – 168 -: Cây Quýt (Quất Thụ)

– 163 – 168 -: Cây Quýt (Quất Thụ)

Ông Lưu người Thiểm Tây làm Huyện lệnh Hưng Hóa (tỉnh Giang Tô). Có người đạo sĩ tới hiến một chậu cây cảnh, nhìn ra thì là một cây quýt nhỏ, thân cây vừa bằng ngón tay, ông từ chối không nhận. Nhung ông có cô con gái nhỏ mới sáu bảy tuổi, hôm ấy gặp ngày sinh nhật, đạo sĩ nói “Vật này không đáng biếu đại nhân thưởng ngoạn, chỉ là để chúc tiểu thư được phúc thọ thôi”, ông bèn nhận. Cô gái vừa nhìn thấy cây quýt thì mừng quýnh, đem đặt trong phòng ngủ, sớm tối chăm sóc, chỉ sợ nó bị thương tổn. Năm ông Lưu thôi giữ chức Huyện lệnh, cây quýt đã lớn, bắt đầu kết trái. Khi ông thu xếp hành trang lên đường, thấy nó nặng nề cồng kềnh, bèn bỏ lại. Cô gái ôm cây quýt kêu khóc, người nhà nói dối rằng “Chỉ đi một thời gian sẽ trở lại mà”, cô gái tưởng thật mới nín khóc. Nhung lại sợ có người khoẻ mạnh vác đi mất, bèn sai người nhà dời ra trồng dưới thềm rồi mới chịu lên đường. Cô gái về nhà, sau được gả cho họ Trang.

Năm Bính tuất Trang thi đỗ Tiến sĩ, được cử làm Huyện lệnh Hưng Hóa. Phu nhân rất mừng, song thầm nghĩ đã hơn mười năm, cây quýt chắc không còn. Tới nơi thì cây quýt đã lớn hơn mười ôm, trái kết từng chùm từng chùm, kể tới hàng ngàn. Hỏi thăm những người sai dịch cũ, họ đều nói sau khi ông Lưu đi, cây quýt rất tươi tốt nhưng không kết trái, đây là lần đầu tiên có trái, phu nhân lấy làm lạ lùng. Trang giữ chức ba năm, cây quýt ra trái rất sai, đến năm thứ tư thì xơ xác không có một cái hoa nhỏ. Phu nhân nói “Chàng không làm quan ở đây lâu nữa đâu”, đến mùa thu quả nhiên Trang được giải nhiệm.

Dị Sử thị nói: Cây quýt có túc duyên với cô gái chăng? Sao mà tao ngộ khéo như vậy? Kết trái tựa cảm ơn xưa, không hoa như đau ly biệt. Cây cỏ còn như vậy, huống là con người sao?

164. Người Đẹp Bằng Gỗ

 (Mộc Điêu Mỹ Nhân)

Nhà buôn Bạch Hữu Công kể lúc ở sông Lạc (huyện Lịch Thành tỉnh Sơn Đông) thấy một người mang cái giỏ tre, dắt hai con chó lớn, lấy trong giỏ ra một người đẹp bằng gỗ cao hơn một thước, tay chân có thể cử động được, xinh đẹp như người sống. Kế lấy chiếc nệm gấm nhỏ phủ lên lưng chó, đặt người đẹp bằng gỗ ngồi lên, rồi quát chó chạy mau. Người đẹp bằng gỗ tự cử động, dong ngựa diễn kịch, đứng lên bàn đạp rồi nằm rạp xuống, ưỡn lưng ngã người tựa lên đuôi ngựa, vái lạy đứng ngồi vô cùng linh hoạt. Lại diễn vở Chiêu Quân xuất tái*, lấy ra thêm một người gỗ khác, đội mũ gắn lông trĩ, mặc áo bằng da dê cưỡi chó theo sau, Chiêu Quân cứ nấn ná quay nhìn thì người mặc áo da dê vung roi thúc đi mau, giống hệt như người sống vậy.

*Chiêu Quân xuất tái: Chiêu Quân ra ải. Chiêu Quân là cung nữ đời Hán Nguyên đế, bị triều đình gả cho chúa Thiền Vu để hòa thân, lúc ra cửa ải vào đất Thiền Vu nàng có gảy khúc đàn tỏ lòng nhớ nước.

165. Kim Vĩnh Niên

(Kim Vĩnh Niên)

Kim Vĩnh Niên người huyện Lợi Tân (tỉnh Sơn Đông) tám mươi hai tuổi không có con, vợ thì bảy mươi tám tuổi, tự nghĩ đã hết hy vọng. Chợt nằm mộng thấy thần nói “Lẽ ra ngươi phải tuyệt tự nhưng nghĩ tới ngươi buôn bán lương thiện nên cho một đứa con trai”. Kim tỉnh dậy kể với vợ, vợ nói “Thật là mơ mộng hão huyền, hai người đều đã sắp vào quan tài cả rồi, con ở đâu ra?”. Không bao lâu người vợ thấy bụng máy động, mười tháng sau sinh được một con trai.

166. Hiếu Tử

(Con Hiếu)

Trước núi Đông Hương ở phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) có Chu Thuận Đình thờ mẹ rất có hiếu. Mẹ bị cái nhọt lớn ở đùi, đau không chịu nổi, đêm ngày rên rỉ. Chu bưng cơm sắc thuốc hầu hạ quên ăn quên ngủ mà mấy tháng mẹ vẫn không khỏi. Chu lo lắng không biết làm sao, nằm mơ thấy cha về nói “Mẹ con bị bệnh may nhờ được con có hiếu, nhưng bệnh này không có mỡ người thoa vào thì không khỏi được, con vất vả tội nghiệp quá”. Tỉnh dậy lấy làm lạ, liển trở dậy lấy dao cắt thịt ở sườn, thịt đứt ra nhưng không đau lắm, vội lấy vải bó quanh bụng, cũng không thấy chảy máu. Rồi rán thịt lấy mỡ thoa cho mẹ, lập tức hết đau ngay. Mẹ mừng rỡ hỏi thuốc gì mà hay thế, Chu tìm lời nói dối. Bệnh mẹ dần dần bớt, Chu vẫn giấu kín vết thương chỗ cắt thịt, vợ con cũng không biết. Đến khi lành hẳn, có cái sẹo to bằng bàn tay, vợ hỏi mới rõ sự tình.

Dị Sử thị nói: Cắt thịt mình là việc làm thương tổn sự sống, người quân tử không coi là hay, nhưng người dân ngu dại nào biết rằng làm thương tổn thân mình không phải là hiếu đâu? Đó cũng là làm theo tấm lòng không lo cho mình mà thôi, có người như thế mới hay hạng con hiếu thật sự là do trời sinh. Những người coi việc phong tục giáo hóa lắm việc quan trọng, bận rộn không thể biểu dương cho họ, thì phải cậy tới cõi u minh làm rõ điều tốt kín đáo của kẻ kiếm củi hái rau vậy.

167. Sư Tử

(Sư Tử)

Nước Tiêm La cống sư tử, tới đâu cũng có người đón xem đông nghẹt. Nhìn hình dáng thì khác hẳn lời đồn hay tranh vẽ, lông đen ánh vàng dài khoảng vài tấc. Có người ném cho con gà nó giơ vuốt chụp lấy rồi thổi, thổi một hơi thì lông gà rụng sạch, về lý kể cũng lạ.

168. Cái Thẻ Tử Chàng

(Tử Chàng Lệnh)

Tiến sĩ Thường Đại Trung là người Thái Nguyên (tỉnh thành Sơn Tây). Tới kinh đô chờ bổ nhiệm, đêm nằm mơ thấy Văn Xương đế quân tới gặp, rút thẻ bói thì được cái thẻ Tử Chàng*, lấy làm lạ. Sau Thường có đại tang trở về, hết tang trở lên kinh chờ bổ nhiệm, lại nằm mơ giống lần trước, tự nghĩ hay là mình đước bổ làm Tri huyện Tử Chàng chăng? Sau quả nhiên đúng thế.

* Văn Xương… Tử Chàng: Văn Xương đế quân theo truyền thuyết 1à họ Trương, sống vào thời Đường, giỏi văn học, chết làm thần coi việc khoa cử công danh. Tử Chàng là tên huyện thuộc tỉnh Tứ Xuyên, là nơi ở của Văn Xương đế quân nên người ta còn gọi vị thần này là Tử Chàng đế quân. Cái thẻ Tử Chàng dịch chữ “Tử Chàng lệnh”, chữ “lệnh” đây còn có nghĩa là quan Tri huyện.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận