Home Liêu Trai Chí Dị — 46 – 47 -: Trần Vân Thê (Trần Vân Thê)

— 46 – 47 -: Trần Vân Thê (Trần Vân Thê)

Chân Dục Sinh người Di Lăng đất Sở (vùng Hồ Nam, Hồ Bắc) là con một Cử nhân, học giỏi đẹp trai, hai mươi tuổi đã nổi tiếng. Lúc còn nhỏ có thầy tướng đoán “Về sau sẽ lấy vợ là đạo cô”, cha mẹ đều cười nhưng bàn tới việc hôn nhân của sinh thì khổ nỗi cứ kén chọn mãi không xong.

Tang phu nhân mẹ sinh quê ở huyện Hoàng Cương (tỉnh Hồ Bắc), sinh có việc về quê ngoại nghe người ta nói “Bốn nàng Vân ở Hoàng Cương, xinh đẹp không ai sánh bằng”. Nguyên ở huyện có am thờ Lữ tổ bốn đạo cô trong am đều xinh đẹp nên có lời đồn như thế. Am cách nhà họ Tang hơn mười dặm nên sinh lén tới gọi cổng, quả có bốn đạo cô vui vẻ ra đón tiếp, phong thái đều tao nhã, có một nàng trẻ nhất xinh đẹp vô song, sinh thích lắm cứ nhìn chằm chằm. Nàng lấy tay che mặt nhìn qua chỗ khác. Các đạo cô lo lấy ấm pha trà, sinh thừa dịp hỏi thăm tên họ, nàng đáp “Họ Trần tên Vân Thê”. Sinh nói đùa “Lạ thật, tiểu sinh lại đúng họ Phan*“. Trần đỏ mặt cúi đầu không nói, đứng dậy bước ra.

*Họ Trần… họ Phan: Cổ kim nữ sử chép thời Tống ở đạo quán Nữ Trinh có đạo cô Trần Diệu Thường rất xinh đẹp, hay thơ giỏi đàn, tư thông với bạn của quan huyện Lâm Giang Trương Vu Hồ là Phan Pháp Thành. Phan kể lại với Trương, Trương ra lệnh cho hai người lấy nhau. Đây Chân Dục Sinh có ý nói đùa Vân Thê là Trần Diệu Thường còn mình là Phan Pháp Thành.

Giây lát trà quả bưng lên, các đạo cô xưng tên: một nàng tên Bạch Vân Thâm, tuổi khoảng ba mươi, một nàng tên Thịnh Vân Miên khoảng đôi mươi trở lại, một nàng tên Lương Vân Đống khoảng hăm bốn hăm lăm là đàn em, duy Vân Thê không vào Sinh mất vui bèn hỏi, Bạch đáp “Con nhãi ấy sợ người lạ”. Sinh đứng lên cáo từ, Bạch hết sức giữ lại không được, nói “Nếu muốn gặp Vân Thê, xin mời mai tới”

Sinh về nhớ nhung tha thiết, hôm sau lại tới am. Các đạo cô đều có mặt, chỉ vắng Vân Thê. Sinh chưa tiện hỏi thì các đạo cô dọn cơm mời khách, sinh cố từ chối nhưng không được. Bạch xắn bánh trao đũa mời mọc rất ân cần. Sinh hỏi Vân Thê đâu, họ đáp sẽ tự tới. Hồi lâu mặt trời xế bóng, sinh muốn về, Bạch nắm tay giữ lại nói “Xin cố ở lại, ta sẽ bắt con nhãi ra chào”, sinh bèn ở lại. Giây lát họ thắp đèn bày rượu, Vân Miên cũng ra ngoài. Rượu được vài tuần, sinh cáo đã say, Bạch nói “Cứ cạn ba chén nữa thì Vân Thê sẽ ra”, sinh bèn uống đủ ba chén. Lương cũng nài nỉ mời ba chén, sinh uống cạn rồi úp chén cáo là đã say. Bạch nhìn Lương nói “Chúng ta đáng khinh không thể mời rượu được, cô đi dắt con nhãi Trần tới đây, cứ nói chàng Phan đợi Diệu Thường lâu rồi”. Lương ra, giây lát quay lại nói Vân Thê không tới. Sinh muốn về nhưng đã khuya liền giả say nằm vật ra. Hai người cởi quần áo sinh rồi thay phiên đòi hỏi suốt đêm không sao chịu nổi, trời sáng sinh không cáo biệt về luôn, mấy ngày sau không dám quay lại.

Nhưng vẫn không sao quên được Vân Thê nên cứ lâu lâu lại tới gần am nghe ngóng. Một hôm trời đã tối, thấy Bạch cùng một thiếu niên đi ra, sinh mừng vì không sợ Lương lắm liền tới gõ cổng. Vân Miên ra mở, hỏi thăm thì Lương cũng đi vắng. Nhân hỏi Vân Thê, Thịnh dẫn tới một gian phòng gọi “Vân Thê, có khách tới!”. Chỉ thấy cửa phòng đóng sầm lại, Thịnh cười nói “Đóng cửa rồi!”. Sinh đứng ngoài cửa sổ như định nói gì, Thịnh liền bỏ đi. Vân Thê nói vọng ra “Họ đều lấy thiếp làm mồi nhử chàng, nếu chàng tới mãi sẽ mất mạng đấy. Thiếp không thể giữ trọn thanh quy nhưng cũng không dám coi thường liêm sỉ, muốn đưọc người như chàng Phan để thờ mà thôi”. Sinh thề chung sống suốt đời, Vân Thê nói “Công sư phụ thiếp nuôi dạy cũng không ít, nếu quả thương yêu nhau thì phải đem hai mươi lượng vàng chuộc thiếp, thiếp xin chờ ba năm. Còn như muốn làm trò trên bộc trong dâu thì không thể được”. Sinh nhận lời đang muốn nói rõ về mình thì Thịnh đã trở lại, đành theo ra rồi chào về. Trong lòng vẫn buồn rầu, muốn nán lại gặp nbau lần nữa thì gặp lúc người nhà tới báo cha bệnh, bèn vội vã về quê.

Không bao lâu ông Cử nhân mất, phu nhân thì dạy con rất nghiêm, sinh không dám tỏ bày tâm sự, chỉ dè sẻn để dành dụm tiền bạc. Có ai mối lái đánh tiếng thì cứ lấy cớ đang có tang từ chối. Mẹ không nghe, sinh lựa lời nói “Trước đây ở Hoàng Cương bà ngoại đã định hỏi con gái họ Trần cho con, thật đúng sở nguyện. Nay nhà có việc, tin tức cách trở, đã lâu chưa đi thăm bà, nay mai con sẽ đi một phen, nếu đám đó không xong sẽ xin vâng lời mẹ”. Phu nhân bằng lòng, sinh vội thu xếp tiền để dành được đem theo.

Tới Hoàng Cương qua am thì viện quán vắng vẻ khác hẳn ngày trước, vào trong chỉ có một ni cô già đang nấu cơm, nhân hỏi tin tức. Ni cô nói “Năm rồi đạo sĩ già chết, bốn nàng Vân mỗi người một ngả”. Hỏi họ đi đâu, bà đáp Vân Thâm, Vân Đống trốn theo bọn trai trẻ đàng điếm, nghe nói Vân Thê tới ngụ ở bắc huyện, còn Vân Miên thì không nghe tin”. Sinh nghe thế buồn rầu than thở, sai đánh xe lên bắc, gặp đạo quán là hỏi thăm mà không thấy tung tích gì. Đành rầu rĩ trở về nói dối với mẹ rằng “Cậu nói ông Trần đi Nhạc Châu (huyện thuộc Hồ Nam), đợi khi nào ông về sẽ sai người báo tin”.

Nửa năm sau phu nhân về thăm nhà, đem chuyện hỏi mẹ thì bà không biết gì. Phu nhân giận con nói dối, nhưng bà mẹ ngờ là hai cậu cháu bàn tính riêng với nhau mà chưa nói cho mình biết, may là cậu đi vắng nên sinh không bị lộ chuyện nói dối. Phu nhân lên dâng hương trên núi Liên Phong, tối nghỉ trọ ở dưới núi, đã đi nằm thì chủ nhân gõ cửa dẫn một đạo cô vào trọ chung. Nàng tự xưng tên Trần Vân Thê, nghe nói phu nhân ở Di Lăng liền qua ngồi cùng giường kể chuyện mình trắc trở, lời lẽ buồn rầu, sau cùng nói “Có người anh họ là Phan sinh cũng ở Di Lăng, phiền phu nhân sai con cháu nhắn giúp một câu là ta đang ở tạm chỗ sư thúc Vương Đạo Thành tại quán Thê Hạc, sớm tối nguy nan khổ sở, một ngày như một năm, xin tới thăm cho sớm, chứ e sau này chưa biết ra sao”. Phu nhân hỏi tên Phan sinh thì nàng lại không biết, chỉ nói “Anh ấy đã đi học ở trường huyện, các vị Tú tài chắc ai cũng biết”. Trời chưa sáng nàng đã từ biệt ra đi, còn ân cần dặn đi dặn lại.

Phu nhân về nhà kể lại với sinh, sinh quỳ xuống nói “Thưa thật với mẹ, chàng Phan sinh ấy chính là con”. Phu nhân hỏi rõ duyên cớ, giận nói “Thằng con xấu xa vào chùa quán chơi bời, nếu lấy đạo cô làm vợ thì còn mặt mũi nào nhìn họ hàng bè bạn nữa!”, sinh cúi đầu không dám nói gì. Gặp khi sinh lên quận thi, lén thuê thuyền tới thăm Vương Đạo Thành. Tới nơi thì Vân Thê đã ra đi nửa tháng không về, sinh về nhà buồn rầu phát bệnh. Kế bà Tang mất, phu nhân về chịu tang. Chôn cất xong trở về lạc đường tới nhà họ Kinh, hỏi ra thì là em họ mình. Phu nhân nhân tiện ghé vào chơi, thấy có một thiếu nữ trong phòng, tuổi khoảng mười tám mười chín, dung nhan tuyệt thế, bà chưa từng thấy ai đẹp bằng. Phu nhân thường muốn tìm một nàng dâu thật đẹp cho thằng con không oán hờn, thấy nàng thì động lòng bèn hỏi lai lịch. Bà em nói “Đây là Vương thị, cháu gọi ông Kinh bằng cậu, cha mẹ đều đã mất, tạm ở nhờ nhà ta” phu nhân hỏi chồng là ai, bà em đáp chưa có. Phu nhân cầm tay nàng trò chuyện thấy dịu dàng nết na thích lắm, vì thế nghỉ lại qua đêm, ngỏ ý riêng với bà em. Bà em nói “Xứng đôi lắm nhưng nó làm cao, nếu không thì đâu lại đến nay còn chưa lấy chồng, xin để ta bàn lại”. Phu nhân gọi cô gái tới ngủ chung giường, nàng nói cười rất vui vẻ, xin nhận phu nhân làm mẹ. Phu nhân mừng, rủ cùng về Kinh Châu. Nàng càng vui mừng, hôm sau cùng lên thuyền về.

Về tới nhà thì sinh còn ốm chưa dậy. Mẹ muốn con đỡ bệnh liền sai tỳ nữ vào nói thầm với sinh “Phu nhân đưa người đẹp về cho công tử đấy”. Sinh chưa tin, núp dưới cưa sổ nhìn ra, thấy cô gái còn đẹp hơn cả Vân Thê, nhân nghĩ “Cái hẹn ba năm đã hết, nàng ra đi không về thì hoa thơm chắc đã có chủ, được người đẹp này thì trong lòng cũng được an ủi”. Rồi đó vui vẻ trở lại, bệnh cũng dần khỏi. Phu nhân gọi hai người tới chào nhau, sinh ra. Phu nhân nói với cô gái “Có hiểu ý ta đưa con cùng về không?” nàng mỉm cười đáp “Con đã biết rồi, có điều ý con lúc đầu nhận về cùng thì mẹ chưa biết. Lúc con còn nhỏ đã đính ước với Phan sinh ở Di Lăng, nhưng tin tức vắng bặt, chắc chàng đã có vợ khác rồi. Nếu thế con sẽ làm con dâu của mẹ, nếu không thế thì con sẽ làm con gái của mẹ suốt đời, sẽ có ngày báo đáp ơn sâu. Phu nhân nói “Nếu con đã có lời đính ước ta cũng không ép. Nhưng trước đây ta ở núi Ngũ Tổ có gặp một đạo cô hỏi thăm họ Phan, nay con cũng nói tới họ Phan, song các nhà thế tộc đất Di Lăng vốn không có họ ấy” Cô gái giật mình nói “Người nghỉ lại dưới núi Liên Phong là mẹ sao? Người hỏi thăm họ Phan chính là con đây”. Phu nhân chợt hiểu ra, cười nói “Nếu đúng thế thì Phan sinh ở đây”. Cô gái hỏi ở đâu phu nhân sai tỳ nữ dẫn tới chào sinh. Sinh giật mình hỏi “Nàng là Vân Thê phải không?”. Cô gái hỏi sao biết, sinh kể lại sự tình, lúc ấy nàng mới biết sinh tự xưng là Phan lang để đùa, thẹn thùng bàn chuyện chung thân rồi vội vàng quay ra thưa với mẹ. Mẹ hỏi “Thế sao con lại lấy họ Vương” nàng đáp “Con vốn họ Vương, vì đạo sư yêu quý coi như con gái nên lấy họ Trần thôi”. Phu nhân cũng mừng, chọn ngày làm lễ thành hôn.

Nguyên trước đây cô gái và Vân Miên đều tới nương tựa Vương Đạo Thành. Đạo Thành ăn ở hẹp hòi, Vân Miên bỏ đi Hán Khẩu, còn nàng vốn yếu ớt ngây thơ không thể làm lụng vất vả, lại xấu hổ không dám đi hành nghề đạo sĩ nên Đạo Thành cũng không thích lắm. Gặp lúc ông cậu họ Kinh đỉ qua Hoàng Cương, nàng gặp mặt rơi nước mắt, ông bèn đưa về nhà, cho bỏ trang phục đạo cô, định gả cho nhà sĩ tộc nên giấu biệt việc nàng từng làm đạo cô. Nhưng có ai làm lễ vấn danh thì nàng không chịu, cậu mợ không biết nàng muốn gì nên rất bực mình. Hôm ấy nàng theo phu nhân đi, được chỗ gửi gắm tử tế, họ như cất được gánh nặng. Sau lễ hợp cẩn, hai người cùng kể lại chuyện mình, mừng quá phát khóc. Cô gái hiếu thảo kính cẩn, phu nhân rất thương yêu, nhưng nàng chỉ gảy đàn đánh cờ chứ không biết coi sóc gia nhân làm ăn nên bà rất lo lắng.

Hơn tháng sau phu nhân sai vợ chồng tới thăm họ Kinh, ở lại vài hôm rồi về. Thuyền đang trên sông chợt có một thuyền khác đi tới, trong có một dạo cô tới gần thì là Vân Miên. Vân Miên chỉ thân với cô gái nên nàng vui mừng gọi qua thuyền mình, nhìn nhau cùng chua xót. Hỏi định đi đâu, Thịnh đáp “Lâu ngày nhớ nhau, tới quán Thê Hạc tìm thì nghe tin nàng đã về nương tựa ông cậu họ Kinh nên định tới Hoàng Cương thăm thôi. Không ngờ nàng đã được đoàn tụ với người trong mộng rồi. Nay nhìn nàng như tiên, chỉ còn kẻ phiêu bạt này không biết đến lúc nào mới hết kiếp” rồi than thở mãi. Cô gái bày kế, bảo đổi bỏ trang phục đạo cô giả làm chị mình về ở với phu nhân rồi sẽ thong thả chọn nơi xứng đáng.

Thịnh nghe theo, về tới nhà cô gái vào thưa trước với phu nhân rồi Thịnh mới vào, cử chỉ như con nhà đại gia, trò chuyện thì rõ ra là người am hiểu việc đời. Phu nhân góa bụa đang buồn vì vắng vẻ cô đơn, gặp Thịnh vui lắm, chỉ sợ nàng đi. Thịnh dậy sớm giúp đỡ bà làm việc nhà, không coi mình là khách. Mẹ càng mừng, thầm muốn cưới thêm chị để át cái tiếng đạo cô của em nhưng chưa dám nói ra. Một hôm bà quên một việc, vội hỏi lại thì Thịnh đã làm giúp xong từ lâu, bèn nói với cô gái “Người đẹp như tranh mà không làm nổi việc nhà thì có làm gì. Con dâu mà được như chị thì ta không lo gì nữa”.

Không ngờ cô gái đã tính từ lâu nhưng sợ mẹ giận, nghe nói thế liền cười thưa “Mẹ đã yêu quý chị ấy thì con dâu muốn bắt chước Nữ Anh Nga Hoàng*, ý mẹ thế nào?” Mẹ không đáp nhưng cũng tươi cười cô gái lui về nói với sinh “Mẹ già gật đầu rồi”. Rồi dọn dẹp một gian phòng khác, nói với Thịnh rằng “Lúc trước cùng ngủ chung trong đạo quán, chị nói chỉ cần được một người biết thương yêu thì hai ta cùng thờ, chị còn nhớ không?”. Thịnh bất giác quắc mắt nói “Cái ta nói là “thương yêu” ấy không phải gì khác đâu, nếu ngày ngày làm lụng mà không ai biết cho nỗi ngọt bùi cay đắng. Vài hôm ở đây có chút khó nhọc, được mẹ già thương yêu thì lòng đã khác trước rồi. Nếu không ra lệnh đuổi khách thì xin được sống mãi với mẹ già là đủ thỏa nguyện, chứ không mong làm theo đúng lời nói trước đây”.

*Nga Hoàng Nữ Anh: hai con gái vua Nghiêu, chị em cùng 1àm vợ vua Thuấn, đây ý nói hai người Vân Miên Vân Thịnh cùng lấy Chân Dục Sinh.

Cô gái thưa lại với mẹ, mẹ sai chị em thắp hương thề không oán hối rồi bảo sinh làm lễ thành thân với Vân Miên. Lúc sắp đi ngủ, nàng nói với sinh “Thiếp là cô gái còn trinh già hăm ba tuổi đấy”. Sinh chưa tin, đến lúc thấy trên nệm có vết hồng mới lấy làm lạ. Thịnh nói “Thiếp sở dĩ vui được chổng tốt không phải vì không chịu được cảnh vắng vẻ, mà thật là vì tấm thân khuê các mà tươi cười thù ứng như ca kỹ thanh lâu thì không kham nổi thôi. Nên mượn dịp này vào ở nhà chàng, sẽ vì chàng phụng duỡng mẹ già, coi sóc việc nhà, chứ việc vui thú phòng the xin chàng cứ tìm người khác”. Ba ngày sau Miên ôm chăn chiếu qua ngủ với mẹ, đuổi không chịu đi. Vân Thê bèn vào phòng mẹ giành chỗ trước, Vân Miên bất đắc phải về với sinh. Từ đó cứ hai ba ngày đổi phiên một lần, dần dần thành lệ.

Phu nhân vốn đánh cờ giỏi nhưng từ khi góa bụa không rảnh mà chơi, từ khi có Thịnh coi sóc việc nhà đâu đấy nên cả ngày rảnh rỗi, cứ đánh cờ với Vân Thê. Tối đến thì thắp đèn pha trà nghe hai con dâu đàn hát, nửa đêm mới ngủ. Thường nói với người ta rằng “Lúc ông ấy còn sống cũng chưa từng được vui thế này”. Thịnh coi việc xuất nhập, thường ghi sổ trình mẹ, mẹ ngờ vực nói “Các con vẫn nói là mồ côi từ nhỏ, vậy ai dạy cho biết chữ đánh đàn chơi cờ?”. Cô gái cười kể thật, mẹ cũng cười nói “Ta lúc đầu không muốn con trai cưới một đạo cô làm vợ, nay lại cưới tới hai đạo cô. Sực nhớ lại quẻ bói lúc nó còn là trẻ con, mới biết số trời đã định thì khó mà tránh được”.

Sinh đi thi mấy lần không đỗ, phu nhân nói “Nhà ta tuy không giàu, nhưng ba trăm mẫu ruộng xấu may được Vân Miên coi sóc nên ngày càng no ấm, con cứ ở dưới gối cùng hai nàng dâu vui thú với già này, chứ ta không mong con cầu công danh phú quý”, sinh vâng lời. Sau Vân Miên sinh một trai một gái, Vân Thê sinh một gái ba trai, mẹ hơn tám mươi mới mất, các cháu nội đều được vào học trường huyện, cháu lớn do Vân Miên sinh thi đỗ Cử nhân.

 

47. Chúc Thành

(Chúc Thành)

Trong hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam) thường có việc thủy thần mượn thuyền, thuyền mà trống thì dây buộc chợt tự tháo ra, lững lờ trôi đi. Chỉ nghe trên không trung có tiếng đàn sáo trỗi lên, những người chèo thuyền quỳ mọp trong một góc không dám ngẩng nhìn, để mặc thuyền tự trôi, xong lại dạt vào chỗ cũ.

Có Liễu sinh thi rớt về say nằm trên thuyền, chợt có tiếng nhạc nổi lên, những người chèo thuyền lay gọi vẫn không tỉnh, vội ra cả đầu thuyền chui xuống dưới sạp. Chợt có người đẩy sinh, sinh say quá, theo tay lăn xuống dưới sàn, vẫn ngủ như cũ, họ bèn để cho nằm đó. Giây lát đàn trống om sòm, sinh hơi tỉnh, ngửi thấy mùi lan xạ thơm phức, hé mắt ra nhìn thấy trên thuyền đều là mỹ nhân, biết là có việc lạ bèn giả như vẫn còn ngủ. Kế nghe truyền gọi Chúc Thành, lập tức có người thị tỳ tới, đứng cạnh đầu sinh, thấy quần xanh dệt sa tía, hài nhỏ như ngón tay, trong lòng rất thích, ngầm cắn vào gấu quần. Lát sau thị tỳ bước đi bị giằng ngã xuống, người ngồi trên hỏi, bèn thưa lý do. Người ngồi trên tức giận sai đem sinh ra giết, lập tức có võ sĩ bước vào trói sinh lôi dậy. Sinh thấy một người ngồi ngoảnh mặt về phía nam, áo mão như bậc vương giả, lúc đi ra bèn nói “Nghe nói Long quân hồ Động Đình họ Liễu, thần cũng họ Liễu, ngày xưa người thi rớt, nay thần cũng thi rớt, người được gặp tiên nữ mà thành tiên, thần say đùa cô hầu mà bị giết, sao mà may rủi khác nhau tới như thế?”.

Vương nghe thấy gọi quay lại hỏi “Ngươi là học trò thi rớt à?”, sinh vâng dạ. Bèn đưa giấy bút, bảo sinh làm bài phú Tóc chải gió đầu gội mưa*. Sinh vốn là danh sĩ đất Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc) nhưng lập tứ rất chậm, cầm bút hồi lâu chưa viết. Vương nói mỉa “Danh sĩ gì hạng ngươi?”, sinh gác bút thưa “Người xưa viết bài phú Tam đô** mười năm mới xong, xem đó đủ biết làm văn quý hay chứ không quý mau”, Vương cười ngồi chờ. Từ giờ Thìn đến giờ Ngọ sinh mới làm xong, Vương xem vui vẻ nói “Đúng là bậc danh sĩ”, bèn thưởng rượu.

*Tóc chải gió đầu gội mưa nguyên văn 1à “Phong hoàn vụ mấn” (Tóc chải gió đầu gội mù), chúng tôi tạm đính là “vũ” (mưa) cho thống nhất với câu trong Phụ lục kèm theo.

** Bài phú Tam đô: tức bài Tam đô phú của Tả Tư thời Tấn, tương truyền viết mười năm mới xong, khi truyền tới kinh đô người ta đua nhau sao chép, giá giấy vì vậy tăng vọt. Đây ý nói văn chương hay.

Trong phút chốc, những thức ăn ngon bày lên la liệt. Đang lúc chuyện trò, một viên lại ôm sổ vào thưa “Danh sách những người chết đuối đã soạn xong”. Vương hỏi “Cả thảy là bao nhiêu người?”, thưa “Một trăm hai mươi tám người”. Hỏi “Công sai là ai?”, thưa “Hai viên úy ở Trạch Nam”. Sinh đứng dậy bái từ, Vương tặng mười cân vàng, lại cho một viên ngọc pha lê chặn giấy, nói “Trong hồ sắp có kiếp nạn nhỏ, cầm cái này có thể thoát chết”. Chợt thấy người ngựa mang cờ quạt chia đứng trên mặt nước, Vương xuống thuyền lên kiệu, chớp mắt đã không thấy đâu nữa.

Yên ắng hồi lâu, những người chèo thuyền mới từ dưới sạp chui lên, chèo thuyền lên phía bắc, bị gió ngược không đi được. Chợt thấy dưới nước nổi lên một con mèo bằng sắt, bọn chèo thuyền hoảng sợ nói “Mao tướng quân* xuất hiện rồi”, khách buôn trên các thuyền đều nằm rạp cả xuống. Phút chốc trên hồ lại nhô lên một cây gỗ dựng thẳng, lắc lư lay động, mọi người càng sợ, nói “Nam tướng quân* cũng xuất hiện rồi”. Liền đó sóng lớn nổi lên ầm ầm che khuất cả mặt trời, nhìn ra thuyền bốn phía trên hồ đều nhất loạt chìm hết. Sinh giơ viên ngọc chặn giấy ngồi im trong thuyền, sóng lớn muôn trượng đổ tới gần đều chợt tan hết, nhờ vậy được sống sót.

*Miêu tướng quân, Nam tướng quân: tên thủy quái ở hồ Động Đình theo truyền thuyết.

Sinh về tới nhà, mỗi lần kể chuyện lạ cho mọi người nghe đều nói “Cô gái hầu trong thuyền tuy không nhìn rõ được dung mạo, song chỉ đôi hài cũng đã không tìm được ở cõi trần”. Sau có việc tới Vũ Xương (tỉnh thành Hồ Bắc) có bà già họ Thôi gả con gái, sính lễ ngàn vàng cũng không chịu, chỉ cầm một viên ngọc pha lê chặn giấy nói “Ai có một cái như thế này ghép thành đôi sẽ gả cho”. Sinh lấy làm lạ, mang cái chặn giấy tới, bà già hớn hở đón tiếp, gọi cô gái ra chào, thấy trạc mười lăm mười sáu tuổi trở lại, phong vận yêu kiều không ai sánh được, lạy một lạy rồi quay người trở vào sau màn.

Sinh vừa thấy mặt nàng, tâm thần rúng động nói “Tiểu sinh cũng có giữ một viên ngọc chặn giấy, không rõ có sánh được với viên của lão bà không?”, kế cùng đem ra so, thì dài ngắn kiểu dáng giống hệt nhau không sai một mảy. Bà già mừng rỡ, hỏi nơi sinh ngụ, bảo sinh lập tức trở về mang xe kiệu lại đón, để viên ngọc lại làm tin. Sinh không chịu, bà già cười nói “Quan nhân đừng cẩn thận quá như thế, chẳng lẽ lão thân lại mang một viên ngọc chặn giấy trốn đi sao?”. Sinh bất đắc dĩ phải để lại, trở về thuê xe kiệu quay lại ngay, thì bà già đã đi mất. Hoảng hốt hỏi khắp cả nhữug nhà lân cận, thì không ai biết cả.

Mãi tới xề chiều mới buồn bã hối tiếc, thẫn thờ ra về. Giữa đường gặp một chiếc xe vượt lên, chợt có người vén rèm hỏi “Liễu lang sao chậm thế?”, nhìn ra  thì là bà già họ Thôi. Sinh mừng hỏi “Lão bà đi đâu?”, bà già cười nói “Chắc đã ngờ rằng lão thân lừa dối trốn đi rồi phải không? Sau khi chia tay, nhân cũng có xe, chợt nghĩ quan nhân đang ở trọ, khó lòng xếp đặt đầy đủ, nên đã đưa con gái lên thuyền rồi”. Sinh gọi dừng lại, bà già không chịu, sinh hoảng hốt không dám tin, vội chạy tới thuyền, quả thấy cô gái và một tỳ nữ.

Cô gái thấy sinh vào, cười nói ra đón tiếp, sinh thấy quần xanh hài đỏ giống hệt như thị tỳ trên thuyền ngày nào, lấy làm lạ lùng, bồi hồi nhìn chằm chằm. Cô gái cười nói “Mắt cứ trừng trừng, chẳng lẽ chưa nhìn thấy nhau lần nào sao?”. Sinh lại bò xuống nhìn, thì vết răng cắn vào gấu quần vẫn còn đó, cả kinh nói “Nàng là Chức Thành sao?”, cô gái che miệng khẽ cười. Sinh vái dài nói “Nàng đúng là người thần rồi, xin nói rõ mọi chuyện ra cho ta khỏi lo sợ”. Cô gái nói “Nói thật với chàng, người chàng gặp trên thuyền lúc trước là Long quân hồ Động Đình. Thấy chàng tài cao đem lòng ngưỡng mộ, đã muốn đem thiếp tặng cho chàng, nhung vì thiếp được vương phi yêu mến nên còn phải về bàn lại với phi. Thiếp tới đây là theo lệnh của vương phi đấy”. Sinh mừug rỡ, rửa tay thắp hương, hướng về phía Hồ Nam vái tạ rồi đưa nàng về. Sau sinh tới Vũ Xương, cô gái xin đi cùng, nhân tiện quy ninh*.

*Quy ninh: ngày xưa con gái lấy chồng, lâu lâu về thăm cha mẹ ruột gọi là “quy ninh” (về thăm để cha mẹ yên lòng). Chức Thành không phải là con của vợ chồng Long quân Động Đình, nhưng đối với Liễu sinh thì họ là bên nhà gái, nên Chức Thành về thăm họ cũng như là quy ninh.

Khi tới Động Đình, nàng rút chiếc thoa ném xuống nước, chợt có một chiếc thuyền nhỏ dưới nước nhô lên, nàng nhún chân nhảy qua như chim bay lượn đáp xuống, trong chớp mắt đã biến mất. Sinh đang ngồi trên đầu thuyền nhìn chăm chăm vào chỗ chiếc thuyền nhỏ biến mất thì có một chiếc lâu thuyền từ xa lướt tới, gần tới thì cửa sổ mở ra, chợt như có một con chim ngũ sắc bay qua, nhìn lại thì Chức Thành đã đứng trước mặt. Một người trong cửa sổ lâu thuyền đưa qua vàng lụa bảo vật rất nhiều, đều là của vương phi ban cho. Từ đó thành lệ, cứ mỗi năm về thăm viếng đôi lần, nhà sinh vì vậy giàu có, có nhiều bảo vật đưa ra cho xem thì ngay các nhà thế gia cũng không biết là gì.

Phụ: Truyện Long Nữ Của Lý Thành Uy Thời Đường (Đường Lý Thành Uy Long Nữ Truyện)

Liễu Nghị thi rớt, trên đường về đi ngang bờ hồ, thấy một thiếu phụ chăn dê bên đường. Nghị hỏi, thiếu phụ đáp “Thiếp là con gái của Long quân hồ Động Đình, được gả cho con trai thứ của Long quân hồ Kinh Dương, nhưng bị chồng ghét bỏ, lại phạm tội với cha mẹ chồng, nên bị đày ải tới nỗi này. Nghe nói chàng về đất Ngô, xin chuyển giùm một lá thư. Phía nam hồ Động Đình có một cây quít lớn, vỗ vào thân cây ba cái sẽ có người trả lời”.

Nghị tới Động Đình, vỗ vào cây quít ba cái, lập tức có người võ sĩ từ dưới sóng nhảy lên vái lạy hỏi “Quý khách có việc gì tới đây?” Nghị nói “Xin yết kiến đại vương”. Người võ sĩ rẽ nước dẫn đường, dần vào tới thủy cung, nói “Đây là điện Linh Hư”, kế thấy một người mặc áo tía cầm ngọc xanh bèn nói “Đây là Long quân”. Nghị thưa “Gặp ái nữ của đại vương chăn dê ngoài đồng, tóc chải gió đầu gội mưa, thật không nỡ nhìn”, rồi lấy thư dâng lên. Long quân hồ Động Đình xem xong ôm mặt khóc, sai đưa thư vào trong cung, tả hữu đều sa nước mắt.

Long quân nói với tả hữu rằng “Không được để cho Long quân sông Tiền Đường biết”. Nghị hỏi “Long quân sông Tiền Đường là ai?”, Long quân nói “Là em ruột của quả nhân”. Chợt nghe thấy tiếng cười nói râm ran, trong có một người đeo đầy châu ngọc khua vang, quần áo lụa là tha thướt bước tới, nhìn ra thì là người thiếu phụ nhờ Nghị đưa thư. Long quân cười nói “Đứa tù nhân ở sông Kinh về đây rồi”, bèn cho Nghị nghỉ lại ở điện Ngưng Quang. Hôm sau mở tiệc lớn ở điện Ngưng Bích, hội cả bạn bè thân thích, tấu nhạc rộn rã. Bắt đầu thì còi trống thanh la, gươm giáo cờ xí, hàng vạn người đàn ông múa bên phải, trong có một người bước ra nói “Đây là bài nhạc Tiền Đường phá trận“. Kế đó tơ trúc đàn sáo, cờ lọng gấm vóc, hàng ngàn người con gái múa bên trái, trong có một người bước ra nói “Đây là khúc nhạc Công chúa về cung”. Nghị bèn cùng về hồ Động Đình, không rõ tung tích ra sao.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận