Home Liêu Trai Chí Dị – 54 – 55 -: Công Tử ở Gia Bình (Gia Bình Công Tử)

– 54 – 55 -: Công Tử ở Gia Bình (Gia Bình Công Tử)

Công tử Mỗ ở đất Gia Bình phong tư tuấn tú, năm mười bảy mười tám tuổi lên quận thi khoa Đồng tử, tình cờ đi ngang kỹ viện nhà họ Hứa. Ngoài cổng có một cô gái đẹp, công tử nhìn chằm chằm, nàng mỉm cười gật đầu, công tử vui vẻ tới gần trò chuyện. Cô gái hỏi chỗ trọ ở đâu, công tử nói rõ, nàng lại hỏi có ai ở cùng không, công tử đáp không. Nàng liền nói “Tối nay thiếp sẽ tới thăm, đừng để ai biết”. Công tử gật đầu rồi về, bảo gia nhân đi hết qua nơi khác. Tối quả cô gái tới, tự nói tiểu tự là Ôn Cơ, lại nói “Thiếp hâm mộ công tử phong lưu nên trốn bà chủ tới đây, phận hèn rất muốn được hầu hạ công tử trọn đời”. Công tử cũng mừng rỡ, hẹn sẽ đem món tiền lớn chuộc nàng ra khỏi kỹ viện, từ đó cứ hai ba hôm nàng lại tới một lần.

Một đêm nàng đội mưa tới, vào cửa rồi cởi chiếc áo ngoài bị ướt mắc lên giá, lại cởi chiếc hài nhỏ ở chân xin công tử gột giùm bùn đất cho. Công tử nhìn chiếc hài thấy là loại gấm mới năm màu, dính bùn bê bết cả, lấy làm tiếc. Cô gái nói “Không phải thiếp dám lấy việc hèn hạ bắt công tử phục dịch, chỉ là muốn công tử biết mối tình si của thiếp thôi”. Nghe ngoài song tiếng mưa vẫn rả rích không ngớt, bèn ngâm “Thê phong lãnh vũ mãn giang thành” (Gió buồn mưa lạnh ngập giang thành), rồi xin công tử nối vần. Công tử từ chối nói không làm được, nàng nói “Công tử là một người như thế, mà không biết chuyện phong nhã, làm thiếp mất cả hứng”. Nhân khuyên công tử cố gắng học tập, công tử vâng dạ.

Sau nàng thường lui tới nên đám gia nhân đều biết, công tử có người anh rể họ Tống cũng là con nhà thế gia nghe biết chuyện, lén xin công tử cho gặp Ôn Cơ một lần. Công tử nói lại nhưng nàng nhất định không chịu. Tống bèn tới rình trong phòng gia nhân, chờ nàng tới núp ngoài cửa sổ nhìn trộm, thấy say mê đến phát điên bèn xô cửa sấn vào, cô gái đứng dậy leo qua tường đi mất. Tống càng hâm mộ, bèn sắm sửa lễ vật tới gặp bà chủ nêu đích danh Ôn Cơ xin gặp, thì đúng là ở đó có Ôn Cơ song đã chết lâu rồi. Tống kinh ngạc về nói với công tử, công tử mới biết nàng là ma nhưng trong lòng vẫn yêu mến. Đêm nàng tới, công tử kể lại lời Tống, cô gái nói “Đúng thế, nhưng chàng muốn có vợ xinh đẹp, thiếp cũng muốn có chồng tuấn tú, ai cũng thỏa nguyện thì bàn làm gì chuyện người hay ma”, công tử cho là đúng.

Thi xong trở về, cô gái cũng về theo, người khác không ai nhìn thấy nàng mà chỉ công tử nhìn thấy. Về tới nhà, công tử để nàng ở trong phòng khách rồi cũng ngủ một mình ở đó, cha mẹ đều ngờ vực. Khi cô gái về thăm nhà công tử mới nói riêng với mẹ. Cha mẹ cả sợ, bắt công tử tuyệt tình với nàng, công tử không nghe, hai ông bà lo lắng, tìm đủ cách trừ ếm mà không được. Một hôm, công tử có tờ thiếp răn bảo gia nhân đặt ở bàn, trong đó nhiều chữ viết sai như “tiêu” viết thành “thúc”, “khương”, viết thành “giang”, “khả hận” viết thành “khả lãng”. Cô gái đọc thấy, viết thêm vào phía dưới rằng “Hà sự khả lãng, Hoa thúc sinh giang, Hữu tế như thử, Bất như vi xướng” (Việc gì “đáng sóng”, “Hoa thúc sinh giang”, Có chồng như thế, Làm đĩ còn hơn)*, rồi giã từ công tử, nói “Thiếp lúc đầu cho rằng công tử là văn nhân nhà thế gia nên mặt dày tự theo về, không ngờ chỉ có cái mẽ ngoài, chỉ biết xét người theo dung mạo thế này liệu tránh khỏi thiên hạ chê cười không?” nói xong biến mất. Công tử tuy xấu hổ căm hờn nhưng cũng không hiểu nàng viết gì, cứ đem tờ thiếp ra răn bảo gia nhân, người nghe được kể cho nhau nghe để cười.

*Việc gì… còn hơn: “khả lãng” tức “khả hận” (đáng giận), “hoa thúc” tức “hoa tiêu” (tiêu xanh), “sinh giang” tức “sinh khương” (gừng sống), vì công tử dốt nên viết sai, thành ra tối nghĩa, Ôn Cơ nhại lại để mỉa.

Dị Sử thị nói: Ôn Cơ là một cô gái khá, mà đường đường một vị công tử thế kia sao lại bề trong chỉ có bấy nhiêu thôi? Đến như hối hận “làm đĩ còn hơn” thì thê thiếp của công tử phải thẹn thùng sa nước mắt vậy. Nghĩ lại hàng trăm cách đuổi vẫn không đi, nhưng thấy tấm thiếp liền biến mất, thì câu “hoa thúc sinh giang” có khác gì việc đọc câu thơ “Đầu lâu Tử Chương” của Tử Mỹ* đâu!

* Việc đọc câu thơ… Tử Mỹ: tháng 4 năm Thượng Nguyên thứ 2 (76a) Thứ sử Tử Châu Đoàn Tử Chương làm phản đánh úp Tiết độ sứ Đông Xuyên Lý Trị ở Cẩm Châu, tự xưng là Lương vương, đặt niên hiệu là Hoàng Long, đổi Cẩm Châu làm phủ Hoàng Long, đặt bách quan. Tháng 5 Thành Đô doãn Thôi Quang Viễn đem tướng 1à Hoa Kính Định đánh Cẩm Châu, chém được Tử Chương. Đỗ Phủ nhân viết bài Hoa liễu ca, trong có câu “Tử Chương xúc lâu huyết mô hồ” (Đầu lâu Tử Chương máu bê bết). Cổ kim thi thoại chép về sau có người bị sốt rét, Đỗ Phủ bảo “Đọc thơ của ta thì khỏi”, nhân dạy người ấy đọc câu thơ nói trên, quả nhiên người ấy khỏi bệnh. Đây ý nói thơ văn hay dở có ảnh hưởng tới người khác.

 

55. Miêu Sinh

(Miêu Sinh)

Cung sinh người Dận Châu (tỉnh Tứ Xuyên) lên Tây An (tỉnh Thiểm Tây) dự thi, nghỉ lại ở quán gọi rượu uống một mình. Chợt có một người đàn ông to lớn bước vào, ngồi xuống cùng trò chuyện, sinh nâng chén mời. Khách cũng không từ chối, tự nói tên là Miêu sinh, lời lẽ rất thô hào, sinh cho là không biết văn chương, đối xử rất ngạo mạn, uống hết rượu không gọi thêm nữa. Miêu nói “Bọn học trò uống rượu làm người ta phát chán” rồi đứng lên bước ra quầy bỏ tiền mua rượu, xách một vò lớn bước vào. Sinh chối từ không uống nữa, Miêu nắm tay mời mọc, tay sinh đau buốt như sắp gãy, bất đắc dĩ phải cạn thêm vài chén. Miêu lấy tô đựng canh múc rượu uống, cười nói “Ta không biết mời khách, uống nữa hay thôi thì tùy ông”.

Sinh mang hành lý ra đi, được vài dặm thì con ngưa bị bệnh khuỵu xuống lăn ra đường, sinh ngồi đợi ven đường, hành lý nặng nề không biết làm sao. Kế Miêu tới hỏi biết chuyện, bèn đưa hành lý cho đầy tớ, vác con ngựa lên vai đi hơn hai mươi dặm mới tới quán trọ, bỏ ngựa vào chuồng, hồi lâu chủ tớ sinh mới tới. Sinh kinh ngạc cho là thần nhân, đối xử rất ân cần lễ phép, gọi lấy cơm rượu cùng ăn uống. Miêu nói “Ta ăn khỏe lắm, ông không cho ăn no nổi đâu, nhưng uống rượu thì được”. Uống cạn một vò rồi đứng lên giã từ, nói “Ông chữa bệnh cho ngựa cũng phải mất ngày giờ, ta không chờ được, bây giờ xin đi”.

Sau đó thi xong, sinh cùng ba bốn người bạn lên chơi Hoa Sơn, trải chiếu ra đất bày tiệc. Vừa ngồi vào uống rượu cười nói thì Miêu chợt tới, tay trái xách vò rượu lớn, tay phải cầm cái đùi heo, ném xuống chiếu nói “Nghe tin các vị lên chơi, xin tới hầu hạ”, mọi người đứng lên chào hỏi, kế cùng ngồi xuống uống rượu rất vui vẻ. Mọi người định làm thơ liên cú, Miêu giành nói “Uống rượu rất vui, cần gì phải nghĩ ngợi cho buồn rầu?”. Mọi người không nghe, bày lệ ai không làm được thơ thì bị phạt uống rượu. Miêu nói “Ai làm thơ không hay thì phải xử theo quân pháp”. Mọi người cười nói “Tội ấy thì không đến nỗi bị trị như thế”. Miêu nói “Nếu không bị giết thì ta tuy là kẻ vũ phu cũng làm được”.

Người ngồi đầu tiệc là Cấn sinh đọc “Tuyệt hiến bàng lâm nhãn giới không” (Lên ngắm non cao mắt trống không). Miêu ứng khẩu đọc tiếp ngay rằng “Thóa hồ kích khuyết kiếm quang hồng” (Gõ hồ hát lớn ánh gươm hồng). Mọi người trầm ngâm hồi lâu, Miêu bèn nghiêng vò tự rót rượu uống, hồi lâu cả bọn mới đọc nối theo thành bài, ý thơ quê mùa bỉ lậu. Miêu gọi nói “Thế là được rồi, đừng dọa ta nữa”, mọi người không nghe. Miêu không nhịn được nữa vùng dậy quát lên như tiếng rồng ngâm vang dội cả hang núi, lại ngẩng đầu múa điệu sư tử, mọi người tứ thơ đều rối loạn mới thôi không làm nữa. Kế lại rót rượu uống tiếp, đến lúc ngà ngà khách lại đọc những bài làm trong trường thi để tâng bốc nhau. Miêu không muốn nghe, lôi sinh ra ngoài vật tay, đã mấy phen phân thắng phụ mà đám kia còn ngâm đọc tán tụng không thôi. Miêu lớn tiếng nói “Ta đã nghe cả rồi, loại văn chương ấy chỉ đáng đem về đọc cho vợ nghe trong phòng, chứ trước chỗ đông người mà cứ lải nhải thì đáng chán lắm”.

Mọi người hổ thẹn, lại thêm ghét Miêu thô mãng, càng cao giọng ngâm nga. Miêu càng tức giận, nằm phục xuống đất gầm lớn, lập tức biến thành con cọp xông vào vồ chết cả bọn rồi gầm thét bỏ đi, những người còn sống chỉ có sinh và Cấn. Khoa ấy Cấn đỗ Cử nhân, ba năm sau lại qua Hoa âm (tỉnh Sơn Đông), chợt gặp Kê sinh, cũng là kẻ bị cọp giết trên núi, cả sợ định bỏ chạy. Kê nắm dây cương ngựa, Cấn không chạy được bèn xuống ngựa hỏi định làm gì. Kê đáp “Ta nay làm ma trành của Miêu sinh, theo hầu hạ rất khổ, phải giết một người học trò để thay. Ba ngày nữa sẽ có một người mặc áo đội mũ nhà nho bị cọp vồ dưới núi Thương Long, là người thay ta đấy. Hôm ấy ông nên mời các bậc văn sĩ tới đó để mưu việc giùm bạn cũ”. Cấn không dám nói gì, kính cẩn gật đầu rồi chia tay.

Tới nơi ngụ suy nghĩ suốt đêm không biết làm sao để giúp bèn quyết ý nuốt lời, mặc kệ con ma. Chợt có người anh bên ngoại là Tưởng sinh tới, Cấn thuật lại chuyện lạ. Tưởng là kẻ danh sĩ, trong huyện có Vưu sinh đi khảo thí được điểm cao hơn mình nên ngấm ngầm ghen ghét. Hôm ấy nghe Cấn nói, ngầm có ý hại Vưu bèn gởi thư mời Vưu hôm ấy lên núi chơi, tự mình mặc áo trắng tới đó. Vưu không hiểu ý, hôm ấy lên tới giữa núi thấy rượu thịt đã bày đủ, trò chuyện rất thân mật lễ phép. Gặp lúc quan Thái thú lên núi, Thái thú vốn là thông gia với Tưởng, nghe nói Tưởng ở dưới sai người xuống mời lên. Tưởng không dám mặc áo trắng lên gặp, bèn đổi áo mão với Vưu, vừa mặc áo nhà nho vào xong thì cọp phóng ra vồ Tưởng mang đi mất.

Dị Sử thị nói: Kẻ đắc ý hào hứng cho tay vào tay áo bắt người khác phải nghe, người nghe thì mỏi mệt buồn ngủ muốn bỏ đi, mà người đọc cứ khoa chân múa tay không tự biết. Những người biết cũng nên kéo tay giẫm chân, sợ rằng trên tiệc có người không nhịn được như Miêu sinh vậy. Còn kẻ ghen ghét đổi áo mà chết, thì biết Miêu sinh cũng là kẻ vô tâm thôi, nhưng gầm thét nổi giận thì Miêu mà không phải là Miêu vậy.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận