Home Truyện Ma Thành Viên Chuyện ma ở chùa Sư Ông và Sư Bà Quê em – Tác Giả Hoa_Hai_Duong

Chuyện ma ở chùa Sư Ông và Sư Bà Quê em – Tác Giả Hoa_Hai_Duong

Quê em có chùa Sư Ông và Sư Bà. Chiến tranh xoá sổ mất bên Ông, còn lại chùa Sư Bà nằm cạnh hai cái ao to, cây cối sum suê mát mẻ.​

Dù giữa trung tâm thành phố nhưng đời sống ngày đó còn nghèo, dân quanh chùa thường xuống cái ao nằm cạnh mặt đường mò cua bắt ốc.​

Năm đó em khoảng 13t. Một hôm đi học về ngang chùa thì thấy người xúm đông xúm đỏ quanh ao. Tính em cứ thấy chỗ đông đúc nhộn nhạo thiếu an toàn là em không bao giờ hóng, nhưng người đứng tràn ra cả mặt đường, phải chen lách mới đạp xe qua được nên em làm biếng. Vậy là tấp vô nhà bạn em ở bên kia đường. Nó rủ em lên tầng hai nhà nó dòm xuống xem dưới ao có gì mà người ta coi đông vậy. Cảnh tượng đập vào mắt cả đời em không quên được.​

truyen-chua-ke

Bọn em nhìn xuống đúng vào lúc người ta vừa vớt từ dưới ao lên một thi thể dính bùn đen ngòm, toàn thân vặn vẹo làm mấy khúc. Các bác xem phim Eorcist thấy nhân vật trong phim tay chân cơ thể gấp khúc kì dị thế nào thì điều em nhìn thấy y như thế. Nghe kể người bị nạn là bà cụ sống ở cái lều cạnh chùa. Cụ đang mò ốc thì không may cái xe công nông chạy qua mất lái lao thẳng xuống ao trúng người cụ. Lái xe được vớt kịp đưa vào viện, còn cụ bị nguyên cái xe tông vào dìm thẳng xuống đáy ao! Em bị ám ảnh cả tuần liền.​

Từ đó rất nhiều người gặp chuyện kì lạ. Trước tiên chính là anh lái xe. Dù không phải tù tội, nhưng cắn rứt vì điều mình gây ra, anh làm một lễ cúng rất to, rồi xin gửi cụ vào chùa bởi cụ sống một mình chẳng ai hương khói. Lễ cúng diễn ra trục trặc từ đầu đến cuối. Thắp nhang nhang tắt, gieo quẻ mười lần trật lất cả mười, mâm cúng để trên bàn gỗ ngay ngắn thì tự nhiên tháp hoa quả đổ nhào xuống. Đặc biệt ngày hôm đó dưới ao bốc lên mùi tanh nồng rất nặng, làm ai nấy đều đổ mồ hôi hột vì lo và mệt. Em có đến hóng xem nên còn nhớ như in (các bác biết bọn trẻ con vừa sợ vừa thích mấy vụ cờ phướn thế nào rồi đấy, đợt trước em có kể chuyện hay đi hóng người ta đưa đám ma). Đỉnh điểm là khi kiều vong, vong không nhập bà đồng mà nhập vào chính anh lái xe. Anh ngã vật ra thẳng đơ trên bãi cỏ, rồi đột nhiên từ từ, từ từ người anh co quắp lại…​

Tả thế nào cho các bác hiểu cái sự dị này, người anh lái xe từ từ co lại như cuộn nhang vòng vậy! Vợ anh sợ chồng gãy xương nên lao vào cố duỗi chồng ra thì đột ngột chân anh bật thẳng tưng đạp chị ngã ngửa, sau đó lại từ từ cuộn vào. Chị khóc như mưa. Trời tháng tư nóng nực, thầy bà đều chảy mồ hôi ròng ròng gào thét hỏi chuyện vong mà không biết phải làm gì. Rồi tự nhiên anh thè lưỡi ra, hết cỡ, cứ như bị ai kéo lưỡi vậy. Lúc này tự nhiên có đứa con nit đứng quanh đó buột mồm kêu: “Nhìn giống con ốc sên!”. Một sư bà như bừng tỉnh, chạy vào hối một người trong chùa nhảy xuống ao mò chỗ bà cụ bị nạn thì vớt lên được chiếc giỏ ốc. Trong giỏ vẫn còn vài con ốc. Mọi người rửa sạch rồi mang đặt lên bàn cúng. Từ lúc đó lễ cúng diễn ra tốt đẹp. Ai cũng thương vì cuộc đời bà đơn độc dọ dẫm quanh những cái ao này đã mười mấy năm liền…​

Tuy nhiên, sau đợt đó anh lái xe đổ bệnh. Cổ ngoẹo một bên và miệng không khép lại được, lúc nào quanh miệng cũng dãi dớt, nói không rõ. Suốt mười năm sau đó cho đến lúc qua đời vì bệnh nặng, không ngày nào anh không lên chùa thắp hương cho bà cụ và chưa từng ca thán một lời nào.​

Ngoài ra, phải gần chục người trong khu vực đều đã từng nhìn thấy hồn ma bóng quế của cụ. Cái V. bạn em nhà bên kia đường thì buổi tối ngồi hóng mát trên sân thượng nhìn xuống ao thấy một hình khối từ từ trồi lên, trôi về phía bến ao rồi mất hút. Nhiều nhất là chuyện người đi chơi về khuya bị ai đó từ dưới ao chọi đá lên, soi đèn pin thì thấy không phải đá mà toàn là ốc!!! Em nhớ có đến hai ca sợ quá chạy thẳng vào xóm em kể lể không kịp thở.​

Nhưng cũng có người bảo đó là chuyện mấy thanh niên xóm bịa ra để ngăn thanh niên xóm khác đi cua gái xóm mình. Bởi cái ao nằm gần đường ray, ranh giới của hai khối dân cư đối lập. Chuyện thật thật ảo ảo cho đến một hôm lại um sùm cả xóm giữa đêm. Trong khuya thanh vắng một đoàn tàu chạy sầm sập rồi hụ còi và thắng lại rin rít làm nhiều nhà tỉnh giấc. Tiếng khách tàu nhốn nháo kéo mọi người ra khỏi giấc ngủ hóng xem có chuyện gì.​

Tàu dừng ngay khúc đường ray cạnh cái ao. Lái tàu mặt cắt không còn hột máu nhảy xuống nhờ mấy người bạo dạn đứng hóng quanh đó cầm đèn pin soi gầm tàu. Ông cam đoan nhìn thấy từ xa một cụ già đứng lững thững quay lưng vào đoàn tàu ngay giữa đường ray không nhúc nhích. Khi tàu thắng không kịp ông sợ nhắm tịt mắt nhưng khẳng định với tốc độ và cự ly đó chắc chắn đã tông vào bà cụ.Tuy nhiên, gầm tàu trống trơn chả có gì. Mấy sư bà cũng ra xem, Mô Phật liên hồi. Lạ lùng là từ sau chuyện đó, không ai “gặp” cụ trong đêm nữa. Mọi người đùa chắc cụ “nhảy tàu” đi chơi xa rồi.​

Vậy mà cuối cùng cũng đến lượt em gặp. Năm 2014 em ở SG về quê chơi 30/4. Nhà cũ gia đình đã bán. Tha thẩn dạo chơi loanh quanh chốn cũ, 5h chiều em và bé em hàng xóm xưa ghé chùa chơi. Chùa đã được tôn tạo, nay là di tích quốc gia, mấy cái ao trồng hoa sen thơm ngát. Đang mùa sen sắp nở, chỗ này sen trắng chỗ kia sen hồng, đẹp và thanh tao vô cùng luôn.​

Vãn cảnh chùa chán, hai chị em ra bến ao ngồi hóng mát. Chuyện xưa chả còn ai nhắc đến. Trời nhập nhoạng chiều. Cái ao nay đã ngăn cách với nhà chùa bằng một hàng cây ken dày cao vút. Từ dưới bến nhìn lên bờ ao phía hàng cây, cả chị lẫn em đều nhìn thấy rõ có hai đôi chân đang đi tới (phía nửa người trên đã bị cành cây che khuất, chỉ còn thấy nửa người phía dưới từ đầu gối trở xuống). Một “đôi chân” mặc quần nâu, một “đôi chân” mặc váy đen.​

Khi những đôi chân vừa đi qua khỏi rặng cây về phía hai chị em thì bé em (tên T.) bèn ngước đầu lên như đón sẵn (nó hay làm công quả nên cũng quen với nhà chùa). Đó là sư bà M., vốn tu ở chùa từ ngày bọn em còn nhỏ xíu. Hai chị em chào sư bà rồi bé em cất tiếng hỏi: “Sư M. ơi, ngày lễ mà ai mặc váy lên chùa vậy?” Sư M. ngơ ngác không hiểu gì. Lúc này cả hai chị em mới giật mình và đưa mắt nhìn dáo dác: rõ ràng hai đôi chân theo nhau đi đến tận cuối rặng cây mà giờ chỉ thấy mỗi sư M., chả thấy “người” còn lại đâu.​

Dù nhìn tứ phía vẫn chưa hiểu ra là chỗ khoanh đất trống trơn vậy người kia biến đi đằng nào nhưng hai chị em vẫn chưa nghi hoặc gì, cố hỏi lại: “Nãy con thấy một cô mặc váy đen đi theo sư M. ra chỗ này mà. Con còn tưởng cô ấy bị sư M. mời ra ngoài vì ăn mặc thiếu nghiêm túc còn tự tiện đi vô hậu viên”. Sư M. vẫn ngơ ngác rồi như chợt nghĩ ra cái gì chỉ cười cười bảo: “Ừ, người quen thôi con. Mà là bà cụ đấy, không phải cô đâu”. Rồi sư M. chào hai chị và đi về phía chùa, còn dặn hai chị em về sớm kẻo trời tối gió ao lạnh.​

Còn lại hai đứa giữa trời nhá nhem tịch mịch, đang hỏi nhau xem người hồi nãy biến đi đằng nào nhanh thế thì đột nhiên em nghe tiếng động giữa lòng ao. Tiếng loạt xoạt khá to, cứ như có người đang rẽ lá sen đi tới. Bé T. cười cười bảo ao sen dày thế này mà cá to nhỉ, lại còn quẫy mạnh thế kia, nhưng lúc này em đã hơi chờn chợn vì đó là tiếng lá sen xát vào nhau, không phải tiếng nước vỗ!​

Trời không một tí gió và dưới ánh sáng cuối ngày vẫn có thể thấy khá rõ toàn cảnh mặt hồ rộng rãi không hề lay động dù chỉ một chiếc lá. Mà tiếng loạt xoạt vẫn to dần đều như thể người nào kia đang đến gần lắm rồi. Và đột nhiên từ đâu vài viên đá nhỏ bay tới chỗ hai chị em ngồi, rớt xuống thềm bến lộp bộp. Cái T. nhặt lên xem rồi kêu ối thất thanh một tiếng: vỏ ốc!​

Hai chị em bật tưng dậy quay đầu chạy lên bờ, tay chân quíu quéo vừa đi vừa bò. Cảm tưởng chậm tí nữa là “ai đó” rẽ lá sen hiện ra lôi cổ cả hai đứa xuống ao. Bến gần mặt đường nên hai chị em phi thẳng ra đường, túm nhau đi về nhà bé em, không dám quay vô chùa lấy xe chạy máy luôn!​

Tối đó hai chị em rủ rỉ cả đêm, e hỏi nó sao nghe bảo từ độ “nhảy tàu” cụ không về nữa. Nó bảo em biết gì đâu, nhưng mỗi lần lên chùa làm công quả, nó vẫn hay dọn cỏ và thắp nhang cho người nằm trong chùa, trong đó có cả cụ. Hôm sau lò dò dắt nhau lên chùa xin lại xe, hai chị em tìm sư M. hỏi cho ra nhẽ, sư chỉ cười bảo: nghe con hỏi có người mặc váy là sư biết rồi, các cụ ngày xưa vẫn hay mặc váy đụp màu nâu sồng hoặc đen ấy mà, lâu lâu cụ vẫn đi theo sư suốt. Hụ hụ​

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận