Home Truyện Ma Kinh Dị Con Heo Ăn Thịt Người

Con Heo Ăn Thịt Người

Hôm ấy tụi nhỏ trong xóm nhặt được con heo sinh non còn đỏ hon hỏn, của một nhà nào đó thấy khó nuôi nên vứt bỏ ở ngoài đồng. Chúng đem về nghịch, lấy que gẩy qua gẩy lại như chơi đánh khăng, khiến con vật tội nghiệp cứ phải co rúm lại như để tránh các vết thương ngang dọc mỗi lúc một nhiều hằn lên lớp da mỏng dính.

heo an thit nguoi

Bà Tám thấy bọn trẻ đang túm tụm hào hứng với trò chơi mới lạ, tò mò bước đến gần để xem. Thấy con vật quặt quẹo, dơ dáy, đang nằm run rẩy dưới đất, bà hét lên giận dữ:

-Tụi mày ác nhân thất đức vừa vừa chứ! Con *** con ấy có tội tình gì mà tụi mày hè nhau đánh chết nó vậy!?

Bọn nhóc bị người lớn la rầy nên im thim thít, nhưng có đứa vẫn khe khẽ lên tiếng:

-Con heo “cùi”, chứ không phải con *** đâu bà Tám ơi!

Bà Tám dang hai tay vạt bọn trẻ ra, cúi xuống nhặt con vật đang bị hành hạ lên xem, rồi xuýt xoa:

-Ủa, là con heo… sữa! Sao nhà nào không đem đi nấu cháo mà lại vứt bỏ ở đây vậy kìa?

Thằng Bỉnh, có biệt danh là “Bỉnh Heo” hỉnh hỉnh cái mũi rồi nói:

-Bà Tám không thấy nó “què” sao?

Bà Tám nhấc tai con heo lên xem, quả thật con heo mới sinh này trông rất lạ, nó có 2 chân sau, còn hai chân trước thụt đâu mất và chỉ ló dạng chút xíu như cái đầu móng tay. Thấy con heo còn nhúc nhích, bà Tám lấy tay kia âu yếm vỗ nhè nhẹ lên lưng nó, tỏ lòng thương hại:

-Tụi bây đi hết đi, để tao mang con heo này về xem có cứu được không!

Nói xong, bà Tám lột cái nón lá đang đội trên đầu ngửa ra rồi bỏ con heo con vào – rồi bước nhanh – như sợ lũ nhóc đòi lại con vật mà chúng đang bày trò đùa giỡn.

Bà Tám là bà mụ đỡ đẻ trong xóm, dù không học hành gì nhiều, nhưng khi trạm y tế của xã mở ra thì bà cũng được nhận ngay vào làm “nữ hộ sanh”. Tay nghề của bà khéo lắm, khéo đến độ có nhiều ca ở tận xã bên cũng đem xe tới rước, để mong được “mẹ tròn con vuông”. Bà Tám cũng là người có lòng nhân khác lạ, không bao giờ bà nhận phá thai cho bất cứ ai, dù người ấy có gặp hoàn cảnh éo le đến đâu, cũng như trả tiền công cao đến cỡ nào… bà cũng đều lắc đầu từ chối. Vì thế cho nên, khi gặp lũ trẻ đang đùa nghịch với con heo tật nguyền, bà liền dành đem về cứu chữa với hy vọng nó sẽ sống sót, còn nếu không thì bà sẽ đem chôn nó ở cuối vườn.

Quả thật bà Tám rất mát tay, chỉ vài ngày sau con heo bị vứt ở ngoài đống rác ấy đã cựa quậy loi choi trong cái thùng giấy lót chiếc quần đen cũ rách. Hàng ngày bà đều bơm thuốc vào miệng con heo và cho nó bú sữa bột pha loãng, tất cả các thứ này đều có từ nhà bảo sanh của xã, nơi bà làm việc, nên cũng chẳng tốn kém gì. Ðến khi con heo con biết kêu lên eng éc mỗi khi đói, bà Tám mới phát giác ra ngoài chuyện chỉ có 2 chân sau, con heo dị dạng này còn bị mù nữa! Chuyện con heo bị thương bà còn chữa được, chứ chuyện nó bị mù “bẩm sinh” thì bà chịu, dù trước đây bà đã từng kiên trì nhỏ thuốc và hút mủ cho một đứa bé bị bỏ rơi – vì mẹ nó là một cô gái giang hồ, thấy con không mở mắt vì bị mủ bít kín do bệnh tật của các tay chơi để lại. Bà Tám thấy tội nghiệp đem đứa bé gái ấy về nuôi, đặt tên là Hiếu và nay nó đã được 8 tuổi – và thật may mắn là nó không bị mù như mọi người nghĩ, và nay cô bé ấy là niềm vui to lớn của một người phụ nữ đã lớn tuổi mà không chồng không con như bà.

Khi con heo đã cứng cáp và khỏe mạnh, bà nói với bé Hiếu:

-Con đem nó ra sau bếp, nuôi ở gần cái đường mương, chứ để nó trong nhà hoài má chịu không nổi mùi phân đâu!

Bé Hiếu từ ngày có con heo mà má nuôi đem về, nó thích lắm và coi như người bạn. Nó thường xuyên tắm, cho heo ăn, rồi bồng bế nựng nịu y như người ta nuôi *** trong nhà. Mặc dù để con heo sau bếp rồi quây phên tre chung quanh, nhưng bé Hiếu vẫn thường xuyên lén má Tám để đưa lên nhà đùa giỡn. Con heo nhờ được bà Tám và bé Hiếu chăm sóc thường xuyên nên ngày càng bụ bẫm, và mới nhìn qua không ai có thể biết đó là một con heo tật nguyền – vì dù chỉ có hai chân sau, và bị mù nhưng nó vẫn biết chạy tới chạy lui mừng rỡ mỗi khi nghe thấy tiếng kêu “ụt ơi, ụt à” của bé Hiếu và bà Tám.

Con heo lớn nhanh như thổi, chỉ vài tháng sau nó đã không còn di chuyển được như lúc còn bé, bởi hai cái chân sau đã không thể nào nâng đỡ nổi cái thân xác nặng nề. Vì vậy, mỗi lần muốn xê dịch nó chỉ như lủi người về phía trước, hay nằm một chỗ quay vòng vòng chứ khó có thể tiến xa được! Tới lúc này, bé Hiếu không còn đưa con heo đi đâu chơi đùa như trước nữa, và chỉ còn biết phụ bà Tám bằng cách tạt các thau nước nhỏ vào chuồng mỗi khi ngửi thấy mùi hôi từ phân của con heo mù thải ra.

Không ai biết bà Tám nuôi con heo tật nguyền ấy bằng thứ thức ăn gì mà nó lớn và nặng cân nhanh khủng khiếp. Con heo ngày càng mập, thịt núng na núng nính cả tảng bệu ra từ đầu đến bụng, thậm chí đến cả hai chân sau của nó. Bé Hiếu vì còn nhỏ nên cũng chẳng thắc mắc về việc cho heo ăn gì, nhưng mỗi khi nó tạt nước tắm cho heo thì lại thấy những vũng máu đỏ tanh nồng trôi đi từ chỗ nằm của con vật, thậm chí nhiều lúc nó còn thấy cả dòng máu đỏ tươi trào ra từ mõm, nhất là khi con heo ăn no rồi quay ra nằm ngủ thở hồng hộc.

Có lần bé Hiếu thấy bà Tám vứt cả đống thịt bầy nhầy còn đẫm máu vào chuồng cho heo ăn. Con bé tò mò hỏi:

-Má cho heo ăn thịt gì vậy? Sao má không nấu trộn vào cám cho nó?

Bà Tám quay sang nói nhỏ:

-Má cho nó ăn thịt bò, loại “bầy hầy” ở chợ bán không ai mua, họ để rẻ cho má đem về cho heo. Con thấy không, nó ưa ăn loại thịt này lắm, cám với rau mà con trộn thêm để ở máng má thấy có lúc nào nó chịu ăn đâu?

Bé Hiếu công nhận điều má Tám nói là đúng, con heo mù này chỉ thích ăn loại “thịt bầy hầy” do má nuôi thỉnh thoảng đem về sau khi hết giờ làm việc ở phòng hộ sanh xã. Con heo ngày càng mập và đánh hơi hay kinh khủng, khi bé Hiếu xuống dội nước tắm thì nó nằm yên không cựa quậïy, nhưng khi má Tám đem bịch thịt chưa đi tới chuồng thì nó đã hích hích cái mũi đỏ ửng và rít lên những tràng dài “ư… ử” để chờ đón món ăn khoái khẩu mà bà Tám đã cho nó ăn quen từ hồi thôi bú sữa, hôm nào không có món này thì nó nằm ủ rũ như heo bịnh, trông đến phát rầu!

Năm ấy, bà Tám thấy con heo đã nặng gần cả tạ, liền nghĩ đến chuyện phải bán nó cho mấy ông hàng thịt ở chợ xã để có thêm tiền tiêu tết. Ðã có hai tay đến trả giá, nhưng chê con heo mù và què này mỡ nhiều và đòi giảm giá. Bà Tám không chịu, vì thực sự giá mỡ và giá thịt lúc này cũng ngang nhau, còn chuyện heo bị mù hay thiếu mất hai chân trước thì cũng chẳng ăn nhằm gì đến việc… xả thịt.

Gần đến tết, các tay săn lùng mua heo bò lại xuất hiện trong vùng nhiều hơn, bà Tám biết vậy nên chẳng dại gì mà phải bán ngay cho những tay trả giá rẻ. Chính vì thái độ không nôn nóng và tỏ ra chưa cần bán, nên giá cân ký con heo tật nguyền của bà ngày càng được nâng cao, và cho đến lúc bà muốn gọi người trả giá cao nhất đến cân thì lại xảy ra chuyện.

Bé Hiếu khi biết bà sắp bán con heo mù đi, thì nó làm mình làm mẩy, khóc bù lu bù loa, không chịu để cho bà Tám bán mất con vật mà nó đã bỏ ra nhiều giờ chăm sóc và coi như bạn để đùa giỡn mỗi khi đi học về. Bà Tám vỗ về đứa con gái nuôi mà bà thương yêu còn hơn là con ruột rằng, khi bán xong con heo mù thì sẽ mua về đến hai con heo con để nó nựng nịu, nuôi nấng – nhưng nó nhất định không chịu và nói con heo mù… sắp có em bé, thì phải để cho nó sanh “em bé” xong rồi thì mới được đem bán.

Nghe bé Hiếu nói thế, bà Tám muốn bật cười vì sự ngây thơ của nó, vì con heo mù mặc dù là con heo cái, nhưng nếu không cho “nhảy nọc” thì làm sao có heo con được! Nhưng nghĩ lại, bà thấy cách này cũng có thể thực hiện được, vì nếu gọi người đem heo nọc đến cho nó “đi tơ”, thì biết đâu nhà bà lại có cả đàn heo con mũm mĩm. Bà cũng suýt bật cười khi nghĩ đến lúc ông “lái lợn” chắc chắn mồ hôi sẽ vã ra như tắm, bởi phải tìm cách nâng cho con heo chỉ có hai chân sau đứng lên, rồi lại phải lùa con heo nọc sao cho vào đúng vị trí từ phía sau… Ðang khi suy tính đến chuyện bán con heo tật nguyền, hay chờ nó sinh xong lứa heo đầu rồi đem bán cũng chưa muộn, thì bà Tám gặp người hàng xóm có cái ao rau muống kế sát đằng sau nhà.

Bà Mậu nổi tiếng là người khó chịu và lắm chuyện ở xóm bên, vừa thấy bà Tám liền đưa tay vẫy gọi rối rít:

-Này bà Tám, bà lại đây tôi nói chuyện này cho bà nghe…

Bà Tám đang băng ngõ hẻm để ra đường đón xe lam, không muốn nói chuyện nhiều vì sợ lỡ chuyến xe nên khoát tay, mà chân vẫn rảo bước:

-Thôi có chuyện gì thì để đến chiều tôi đi làm về rồi ghé nhà bà nói chuyện sau nghe. Bây giờ tôi phải đi gấp, kẻo bị la rầy vì đi trễ hoài kỳ lắm! Bà Mậu bước nhanh tới, rồi hối hả nói:

-Chuyện này có liên quan tới con heo của nhà bà!

Nghe tới chuyện con heo, bà Tám nghĩ chắc bà hàng xóm này phiền hà chuyện cống rãnh thoát phân chảy sang ruộng rau muống, nên lên giọng:

-Bà đừng lo gì hết á, tôi sắp bán con heo ấy rồi. Mấy ngày nay quân buôn trả giá hà rầm mà tôi chưa chịu, chắc ít bữa nữa là có người đến cân…

Bà Mậu đưa tay áo ra chùi nước cốt trầu đang nhễu ra ở hai bên mép rồi nói:

-Bà hiểu lầm ý của tôi rồi! Tôi muốn nói với bà chuyện khác kìa…

Bà Tám ngạc nghiên hỏi lại:

-Chuyện khác là chuyện gì?

Bà Mậu ra vẻ nghiêm trọng:

-Chả là nhiều tối tôi ngủ không được, ra sau bếp làm mấy việc vặt, thấy đã khuya rồi mà sao bên chuồng heo của nhà bà vẫn còn tiếng đùa giỡn của con Hiếu với con heo. Ðêm khuya thinh vắng nên tôi nghe rõ lắm, và chỉ lạ là tại sao bà không bắt nó đi ngủ sớm. Chuyện ấy xảy ra mấy đêm liền, nên tôi để ý nghe coi con Hiếu nói gì với con heo, ai dè toàn là tiếng o oe như là trẻ sơ sinh, và tiếng cười *** nẻ cũng vậy là của trẻ nít chứ không phải là của con Hiếu. Tôi biết nhà bà chỉ có con Hiếu thôi chứ đâu có con nít mới sanh, nên tôi mới hỏi bà là…

Bà Tám ngắt ngang câu chuyện kể của bà Mậu, ra vẻ giận dỗi:

-Bà già rồi mà còn nói chuyện tầm phào! Ðêm nào con Hiếu cũng lên giường ngủ chung với tôi, khi buồn đi tiểu nó còn phải gọi tôi dậy thắp đèn đưa nó ra sau bếp, làm gì có chuyện đêm nào nó cũng xuống chơi giỡn với heo!

Bà Mậu phân trần:

-Tôi có nói với bà rồi, lúc đầu thì tôi tưởng là con Hiếu, nhưng sau nghe kỹ thì mới biết đó là tiếng cười giỡn của trẻ mới sinh. Giọng cười của nó vang lên khanh khách giữa đêm vắng, thì làm sao tôi lầm với giọng cười của con Hiếu được!

Bà Tám ra vẻ bực bội:

-Nhưng bà kể chuyện này với ý gì? Mặc dù tôi làm bà mụ đỡ đẻ, nhưng tôi chưa làm điều gì sai quấy, tôi còn mang cả con Hiếu về nuôi nữa, bà không thấy việc ấy sao? Bà Mậu chống chế:

-Lòng dạ của bà trong xóm ai mà không biết, nhưng chuyện con heo nhà bà đùa giỡn với con nít lúc nửa đêm về sáng là chuyện có thật, tôi nghe sao thì kể cho bà biết như vậy, không có ý gì hết. Mấy bữa nay có người muốn mua con heo ấy, tôi nghĩ là bà nên bán ngay đi, đừng chắc lép gì nữa!

Bà Tám nghĩ là bà Mậu muốn bà bán quách con heo để khỏi bị ngửi mùi phân mỗi khi có luồng gió thổi xuôi chiều hay những ngày nóng bức khiến mùi phân xông lên nồng nặc – bởi phía sau bếp của nhà bà thì cũng là phía sau bếp của nhà bà Mậu! Nhưng nghĩ lại, bà Tám chợt lòng dạ phân vân, bởi cách đây mấy tuần ngoài các bịch “nhau” của đàn bà đẻ mà bà đem về, còn có một thai nhi sinh non đã đầy đủ hình hài mà bà lấy lầm đem về cho heo ăn!

Bà Tám nhớ lại, hôm ấy một phụ nữ lạ mặt, nước da trắng bóc, chứng tỏ không phải là người trong xã, được xe lôi chở vào nhà bảo sanh với những triệu chứng sắp sinh. Khi nhìn bụng của thai phụ, bà Tám biết ngay đây là một ca sinh non, và không có dấu hiệu gì chứng tỏ thai nhi còn sống! Mặc dù đã chích thuốc dục, và bọc nước ối đã vỡ nhưng người đàn bà mang bầu vẫn không thể nào thúc được đứa con ra khỏi bụng mẹ. Thai phụ mồ hôi vã ra như tắm, bờ môi nứt nẻ khô rang, sức khỏe cạn dần vì lo sợ và ráng sức làm theo các phương pháp rặn đẻ của bà Tám. Thấy nguy cơ có thể dẫn đến việc chết cả mẹ lẫn con, bà Tám cùng người y tá ở nhà bảo sanh đã tính đến chuyện kêu xe lam chở người đàn bà này lên phòng bảo sanh huyện, vì ở đó có bác sĩ để làm một ca mổ cứu vãn sinh mạng của thai phụ, nhưng nghĩ đến quãng đường xa diệu vợi, và chắc chắn người đàn bà này sẽ chết trên đường đi, nên bà Tám đánh nước liều, nói với cô y tá:

-Chị chích cho bà ấy mũi thuốc khỏe, để tôi cố lấy cái thai ra…

Nói rồi, bà Tám đẩy hai chân của thai phụ dang rộng thêm, lột bỏ đôi găng tay cao su rồi thọc bàn tay sâu vào trong âm đạo, bà luồn tay qua cổ dạ con, **ng đầu thai nhi và thấy nó vẫn nằm ngửa chưa chuyển sấp trước khi ra khỏi lòng mẹ như các vụ đỡ đẻ bình thường. Nhưng cũng để chắc ăn, bà đưa bàn tay trần lên sát mũi đứa nhỏ để xem lại lần nữa coi nó còn thở không, nhưng tất cả đều bất động. Bà mạnh dạn bấu năm ngón tay xuống cằm đứa nhỏ và lôi mạnh nó ra ngoài. Cái đầu ra khỏi cổ dạ con không khó, nhưng đến cái vai của nó bà lại phải lựa thế xoay ngang thì mới kéo được cả thân hình nó ra. Mặc dù đó là một đứa nhỏ sinh non mấy tháng và đã chết trước đó không lâu, nhưng khi lôi nó được ra ngoài và cắt rốn, bà Tám thấy đó là một bé gái xinh đẹp, nhưng lạ một điều là trên đầu nó lại có một hai vết thương trí mạng!

Dù đứa bé đã chết, và trong khi cô y tá lo cho người mẹ, bà Tám vẫn đem thai nhi đi tắm, để bớt mùi hôi tanh của máu mủ, cũng như phòng việc mẹ nó muốn nhìn mặt trước khi chôn cất. Lúc tắm cho nó, bà Tám để ý thấy ngoài vết thâm tím ở cổ do bà níu vào để lôi nó ra, trên đầu đứa trẻ còn bị mấy vết thương lõm vào khá sâu như có ai dùng vật lạ thúc mạnh vào đầu, làm mất cả một mảng tóc!

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận