Home Truyện Ma Hay Đại Nam Dị Truyện Hệ Liệt – Quyển 2: Dị Loạn Truyện

Đại Nam Dị Truyện Hệ Liệt – Quyển 2: Dị Loạn Truyện

Tác giả: Phan Cuồng
Thể loại: Huyền huyễn, dị, dã sử, chuối…
Rating: 18+

Hồi dẫn: ĐẠI NAM PHÙ THỦY
Khi ấy tại thành Đại Lý đất Vân Nam, vua là Đoàn Chính Nghiêm[1] hiệu là Hiến Tông, tể tướng là Cao Lương Thành, Kinh sư là Diệp Du thành, gần hồ Nhĩ Hải. Đất ấy từ khi những người Mông Bì La Các là đại chiếu của Mông Xá Chiếu lần lượt thống nhất lục chiếu, thành lập ra một vương quốc mới, gọi là Nam Chiếu cho đến thời vua Lý Anh Tông bên Đại Việt đã ngót bốn trăm năm.
Kể ra thì vào thời kỳ đầu, Nam Chiếu hay sau này là Đại Lý là một quốc gia vững mạnh. Quốc gia ấy có địa thế hiểm trở, đến nỗi có lời đồn rằng ở những nơi như thung lũng Nhĩ Hải, một binh một tốt có thể địch lại thiên binh vạn mã. Đại Lý còn có giống ngựa hồ trân quý, leo núi như đi lại giữa chốn đồng bằng. Nhờ giống hồ mã ấy, kỵ binh Đại Lý khi chiến đấu trên vùng sơn cước thì khó có đạo kỵ binh nào sánh được. Việt sử ghi lại không ít lần giặc tới từ đất ấy, tỷ như vào tháng mười năm Thuận Thiên thứ năm[2] Dương Trường Huệ và Đoàn Chí Kính đem hai mươi vạn quân đóng ở bến Kim Hoa, định chiếm lấy Thăng Long.

dai_nam_di_truyen_2

Song, vào những năm dưới triều vua Hiến Tông, Đại Lý rơi vào thời suy yếu. Kể từ loạn Điền Đông[3], nhà vua mất ăn mất ngủ lo đối phó với phản nghịch trong nước. May mắn là bấy giờ Nam Tống đang lo đương đầu với người Kim phương bắc, thủ than còn chưa xong, nói gì đến chuyện thôn tính Đại Lý?
Cao Lương Thành, vốn là con cháu Cao Thăng Thái được Hiến Tông phong làm tể tướng, hiệu là Trung Quốc Công. Tương truyền người ấy hiền đức lắm.
Bởi truyện tiếp đây có liên quan đến đất ấy, vậy nên xin dài dòng giới thiệu sơ lược. Tỷ như ai biết rồi thì xin xá cho, coi như thuật giả đã quá rườm lời.
Vào tháng bảy năm Bảo Thiên thứ sáu[4], một hôm Trung Quốc công xin vào yết kiến Hiến tông. Vua cho vời vào. Cao Lương Thành chưa kịp nói gì, vua đã lên tiếng:
– Ta e Điền Đông sẽ lại sinh biến.
Cao Lương Thành vốn biết hoàng thượng từ khi lên ngôi, không lúc nào không lo nghĩ về việc ở Điền Đông. Ba mươi bảy tộc người ấy, đều là những đạo quân dũng mãnh, thiện chiến. Trước đây các bộ tộc phương ấy chỉ phục có ông nội y là Cao Thăng Thái. Khi Cao Thăng Thái chết đi, thân phụ y là Cao Thái Minh[5] cũng chính vì dẹp loạn ấy mà tử nạn.
Hiến Tông sai thị quan đưa cho Cao Lương Thành một biểu tấu, đó là tấu của tuần phủ Điền Đông. Tấu nêu rõ, ba mươi bảy bộ tộc ấy đã tôn Bạch Ngọc Thư làm chủ soái, thâu nạp binh mã, rèn bị khí giới, cứ trông vào những điều ấy, hẳn là sẽ có biến.
Thành kính cẩn nhận lấy tấu, cẩn trọng xem mấy lượt rồi thưa:
– Khải bẩm, những tộc ấy vốn hung hãn tàn bạo, giả mà ta dùng binh lực áp chế, chưa chắc họ đã thua. Hôm nay thần xin diện kiến, cũng chính là vì việc này.
Hiến Tông nóng ruột hỏi:
– Vậy ý khanh phải làm sao?
Thành đáp:
– Bẩm, xin bệ hạ gặp một người.
Vua thấy đó là một thiếu nữ đôi chín, thân hình lưng ong nhỏ nhắn, dáng điệu nho nhã ung dung, thị bước vào điện người ưỡn thẳng, đầu ngẩng cao, khí khái bất phàm. Vua thấy thị mặt mũi thanh tú, mắt sáng mũi cao, nước da trắng mịn như tuyết, mới trông đã thấy thiện cảm nảy sinh. Duy chỉ có điều, đôi mắt người ấy bịt kín bằng vải đen. Vua lấy làm lạ lắm, hỏi:
– Ngươi tên gì?
Người ấy đáp:
– Tôi là Triệu Trí Chi, người đất Đại Việt.
Vua lại hỏi:
– Sao mắt nàng ta lạị bịt kín?
Cao Lương Thành đáp ngay:
– Bẩm, bởi mắt người này nguy hiểm.
Vua vốn tính ham sắc (theo lời Kim Dung he he) nhất định muốn ngắm đôi mắt người đẹp. Cao Lương Thành can thế nào cũng không được, cuối cùng tâu:
– Bẩm hoàng thượng, nếu người muốn nhìn đôi mắt ấy, xin lập một bức màn ngăn, người ở trong nhìn ra có thể thấy hắn, nhưng hắn không thể thấy người.
Vua thấy Cao Lương Thành có thái độ như thế thì ngạc nhiên lắm, lại càng tò mò, bèn sai người lập màn lụa. Lụa ấy mỏng tang, vua ở gần nhìn ra có thể thấy được dung nhan mỹ nữ. Ngược lại, Triệu Trí Chi đứng từ xa nên không thể nhìn thấy mắt vua được.
Dường như Cao Lương Thành vẫn chưa yên tâm, lại thưa:
– Bẩm, việc này hệ trọng, thần sợ có biến, xin hoàng thượng cho đặt cặp kim sư trước án.
Vua liền sai người đưa cặp sư tử bằng vàng vẫn đặt trong thư phòng tới. Cặp kim sư này vốn là của Cao Lương Thành dâng lên Hiến Tông, chính là món lễ vật trong ngày đản sinh cho Hiến Tông năm vừa rồi. Nghe nói nó được sư tổ của Thổ Phồn quốc sư là Khưu Ma Trí dùng máu của mình luyện mất bốn mươi chín ngày đêm mới thành. Vị pháp sư ấy đạo hạnh cao thâm, pháp lực đạt đến tột đỉnh, thế mà đến sáu lần luyện hỏng, lần thứ bảy mới thành, tổng cổng phải mất ba trăm bốn mươi ba ngày, gần một năm trời mới chế luyện xong. Tương truyền cặp kim sư này có sức trừ tà rất mạnh, trong vòng bán kính một dặm, hễ có tà lực công kích thì tự phát sinh cảm ứng chống lại. Vua Hiến Tông biết vật này quý lắm, sai đặt ở thư phòng, bây giờ mang ra đặt ngay ngắn trên án. Vua thấy sự lạ thế thì rất thích thú, hỏi Cao Lương Thành:
– Như thế được chưa?
Thành đáp:
– Thần dám ngăn bệ hạ xét lại, việc này rất nguy hiểm. Thánh thể có bề gì, làm sao thần có thể gánh được tội ấy?
Vua đáp:
– Trẫm nhất định phải nhìn thấy đôi mắt nàng ta.
Cao Lương Thành biết khó trái ý vua, bèn hướng về phía người Triệu Trí Chi nói:
– Vậy ngươi bỏ băng che mắt ra nhưng không được nhìn về phía hoàng thượng.
Nói rồi Thành nhắm mắt bịt tai thật chặt, đứng trơ như gỗ, dáng điệu rất căng thẳng.
Người con gái ấy nghe theo lời, từ từ bỏ băng ra. Vua thấy nàng mắt phượng đen lay láy, lung liếng ướt át như thiết tha mời gọi, bất chợt nhà vua sóng dục cồn cào, tâm thần đê mê bất tận. Kỳ lạ thay, miệng Triệu Trí Chi dường như không cử động, mà vua nghe thấy toàn lời đường mật quyến luyến, rủ rỉ mời gọi. Vua nghe những lời ấy như lạc vào cõi mộng, thấy trời đất quay cuồng, tựa như đang đi trên mây trắng, ngất ngây tâm hồn.
Vua bỗng thấy nàng lặng lẽ đưa tay định đeo băng, che mắt lại. Giữa khi say đắm ngắm nhìn mỹ nhân, làm sao vua dừng lại cho đành? Ngài toan cất tiếng cản, bỗng nhận ra miệng mình cứng không sao thốt ra được thành lời, tay chân không tuân theo ý mình, trước mặt nhà vua nặng trĩu tựa như người bị bóng đè. Nhà vua bỗng thấy trời đất tối sầm, tay chân dần dần nặng tựa ngàn cân. Từ tâm can ngài, một luồng hàn khí phát ra dữ dội. Luồng khí ấy trầm xuống khiến thân thể vua nặng trĩu. Vua thấy huyệt bách hội trên đỉnh đầu mát lạnh. Vua biết bí huyệt đã được giải thông. Ngài kinh hãi nhận ra rằng hồn mình không thoát lên theo bách hội huyệt mà đang từ từ chìm xuống[6].
Bỗng vua thấy từ sau lưng mình, một luồn kình lực thúc mạnh. Nhiệt khí từ luồng lực ấy tức thì đẩy bạt cơn lạnh thấu xương trong ngài. Ngài giật mình một cái, kêu lên một tiếng “á” rồi thổ ra một ngụm máu. Trong lúc giật mình, tay ngài đẩy văng con sư tử vàng về phía trước. Con sư tử rơi xuống mặt đất, lăn xuống kêu lạch cạch.
Tức thì, ngự lâm quân nghe tiếng vua thét, tưởng có thích khách liền ùa vào, chỉ trong chốc lát gần trăm cấm quân đã vây đầy điện, gươm giáo sáng quắc. Chúng thấy trong điện chỉ có một cô gái bịt mắt, sau án rồng, nhà vua gục mình, mắt vẫn mở to kinh hãi. Bên cạnh nhà vua, Trung Quốc Công đang bịt tai nhắm mắt, thân hình hơi run rẩy, rất kỳ quái.
Ngay lập tức, mấy chục mũi gươm sáng quắc chĩa vào Triệu Trí Chi uy hiếp. Người con gái ấy bình thản đứng yên không chút phản ứng.
Qua một lúc, Hiến Tông mới từ từ gượng dậy, ngài nhận ra con sư tử bằng vàng còn lại trên mặt bàn không còn nữa, thay vào đó là một thứ chất lỏng như chì nung chảy đang bốc khói nghi ngút. Con sư tử trên sàn cũng chỉ còn lại một vũng chì như thế.
Tổng quản Ngự lâm quân khi ấy là Lưu Đức Tùng, đang vội vàng đỡ vua dậy chợt giật mình lắp bắp:
– Bẩm hoàng thượng, bẩm hoàng thượng…
Vua chưa kịp hoàn hồn, vội hướng mắt về phía Lưu Đức Tùng chỉ, ngài thấy trên mắt con rồng trong bức “thanh long hý thủy” treo phía sau mình, không biết từ đâu, một dòng máu đỏ đang chảy dài, nhỏ cả xuống mặt đất.
***
Tháng chín năm ấy, tức la hai tháng sau cuộc gặp mặt ấy, Hiến Tông nhận được hỉ tấu của tuần phủ Điền Đông, tấu chương có đoạn:
-“Nhờ long ân bệ hạ, ngày hăm tám tháng tám, Bạch Ngọc Thư đột tử, trong vòng hơn một tuần trăng, thủ lĩnh ba mươi bảy tộc man Điền Đông lần lượt chết cả, hiện các bộ tộc ấy như rắn mất đầu, nghi ngờ lẫn nhau, có nơi người trong tộc tranh dành nhau chức đầu lĩnh, có tộc cắn xé lẫn nhau, thực không khác gì quần thú tranh ăn, việc làm loạn tạm thời không còn đáng lo ngại.”
Vua xem xong mừng lắm, triệu Cao Lương Thành vào hầu. Vua hân hoan nói:
– Ái khanh quả có con mắt nhìn người, Triệu Trí Chi nàng ấy, quả nhiên đã sát hạ được Bạch Ngọc Thư.
Thành nghe xong tin ấy, hết lời câu chúc mừng, rồi hỏi vua:
– Bẩm, tấu chương có nói rõ vì sao Bạch Ngọc Thư chết không ạ?
Vua chưa hết nỗi mừng, đáp:
– Không thấy bàn tới. Khanh hỏi làm gì?
Cao Lương Thành đáp:
– Thần tò mò không biết Triệu Trí Chi làm thế nào mà giết được hắn.
Hiến Tông vui vẻ đáp:
– Được, triệu thám mã vào hỏi khắc rõ thôi.
Đoạn Hiến Tông sai thị quan triệu thám mã vào chầu.
Thám mã tới dưới điện, sụp lạy không dám ngẩng đầu. Vua bèn ban cho miễn lễ rồi hỏi:
– Ngươi có biết Bạch Ngọc Thư chết thế nào không?
Thám mã đáp:
– Bẩm, tiểu nhân không được nhìn tận mắt, không dám nói liều. Có điều dân khắp vùng đều bàn tán về cái chết ấy, ai cũng kinh hãi.
Hiến Tông nói:
– Sao lại kinh hãi?
Đáp:
– Bẩm vì nó kỳ dị, chỉ nghe qua khó mà tin được. Tiểu nhân không được nhìn tận mắt, không dám lộng ngôn trước mặt bệ hạ.
Hiến Tông và Cao Lương Thành từ chuyện Triệu Trí Chi cách đây mấy tháng, cũng đoán được sáu bảy phần cái chết của Bạch Ngọc Thư có chuyện kỳ quái trong lòng rất tò mò. Vua nói:
– Trẫm cho phép ngươi nói, mau nói nhanh.
Nào ngờ, tên thám mã khẩn khoản dập đầu lia lịa:
– Bẩm, xin bệ hạ tha cho, xin bệ hạ tha cho.
Cả Hiến Tông và Cao Lương Thành đều kinh ngạc, không hiểu tên thám mã này có tội lỗi gì mà phải xin tha tội. Cao Lương Thành quát:
– Bệ hạ hỏi mà ngươi dám nói quanh co, là đáng tội gì?
Tên thám mã lại càng hoảng hốt, dập đầu chảy máu một hồi, lát sau mới dám thưa:
– Bẩm, cả vùng ấy, hễ ai kháo nhau một lời về việc Bạch Ngọc Thư chết thế nào, thì y rằng đều chết theo đúng cách mà Bạch Ngọc Thư đã chết. Chính tiểu nhân, chính tiểu nhân…
Vua sốt ruột hỏi:
– Chính ngươi làm sao?
Thám mã đáp:
– Chính tiểu nhân cũng thấy người nói lại cho tiểu nhân chuyện ấy chết thế nào.
Vua quan hai người lấy làm kỳ dị lắm, lặng người hồi lâu. Vua lại lật lại tấu chương, lúc này ngài mới thấy lạ lắm. Bởi thường thì tấu chương phải đầy đủ rõ rang cặn kẽ, nhất là việc binh tình, có khi thiếu một vài câu cũng có thể mất đầu. Thế mà tấu ấy thực quá sơ sài, chỉ nói sơ qua tình hình trọng yếu. Có lẽ nào chính tuần phủ Điền Đông cũng sợ hãi không dám nhắc đến cái chết ấy? Vua suy đi tính lại hồi lâu, bèn nghĩ ra một kế, bèn nói:
– Ngươi đã sợ như thế thì không cần phải nói ra. Ngươi có biết viết không?
Thám mã đáp:
– Bẩm có ạ!
Vua nói:
– Vậy ta cho ngươi viết ra.
Tên thám mã biết mình không báo lại không được, đành phải xin vua ba tờ giấy. Vua thầm khen tên này nhanh trí, hẳn là cái chết ấy có lien quan đến ba từ, hắn xin ba tờ giấy, mỗi tờ viết một chữ, mong là toàn được mạng.
Tên thám mã nhận ba tờ giấy, hắn viết từ thứ nhất là “tự”, từ thứ hai là “nhai”. Khi vua và Cao Lương Thành đang chăm chú nhìn hắn viết từ thứ ba thì vua quan nhận thấy quai hàm tên thám mã động đậy không ngừng. nhìn kỹ thì thấy miệng hắn nhai ngồm ngoàm như thể đang ăn thứ gì đó ngon lành lắm.
Đột nhiên, máu từ đâu phun thành từng dòng xuống tờ giấy thứ ba. Tên thám mã bỗng lăn quay ra đất, máu lẫn với nước dãi sùi không ngừng. Mắt hắn trợn trừng trừng. Hắn dãy đành đạch một hồi rồi chết hẳn.
Hiến Tông và Cao Lương thành hoảng hốt nhìn nhau. Vua quát thị vệ vào hộ giá, lại truyền thái y vào xem mạch tên thám mã.
Thái y đến nơi thì tên thám mã đã nằm trong một vũng máu lớn, thi thể cứng đờ từ lâu. Vua sai khám nghiệm cẩn thận. Thái y xem xét một hồi rồi tâu lại:
– Máu chảy quá nhiều dẫn đến tử vong.
Hiến Tông và Cao Lương Thành nhìn nhau kinh hãi. Hồi lâu vua mới nói:
– Trước khi chết hắn có nhai vật gì đó, ngươi xem trong miệng hắn xem sao.
Thái y vâng lời xem xét một hồi, rồi lại tâu:
– Bẩm, trong miệng không có vật gì, chỉ có lưỡi là bị nát bấy. Máu từ ấy chảy ra mà dứt mạng.
Vua quan hai người lại điếng người nhìn nhau một lần nữa. Cả hai đều nhận ra chữ cuối cùng mà tên thám mã đang định viết là chữ “thiệt” nghĩa là lưỡi. Tên thám mã đã viết:
“Tự nhai lưỡi”
***
Một tháng sau, Triệu Trí Chi cầu kiến Hiến Tông vào cuối giờ than, khi trời đã xẩm tối. Thường thì giờ ấy chỉ có trọng thần khi có việc khẩn yếu mới được cầu kiến. Nhưng một tháng nay, lệnh vua ban xuống, hễ có người xưng là Triệu Trí Chi yết kiến thì cấm vệ quân phải một mặt đưa hắn tới điện “…” chờ thánh giá, một mặt tức tốc báo với tể tướng Cao Lương Thành nhập cung. Vậy nên Triệu Trí Chi được đưa vào chờ. Thị vệ không quên đưa Chi một mảnh vải đen để bịt mắt. Chi cười ruồi mỉa mai nhưng cũng đeo vào.
Quả như Triệu Trí Chi dự đoán, chỉ có Cao Lương Thành ra tiếp hắn. Hiến Tông ngự ở sau bức màn nghe hai người nói chuyện. Triệu Trí Chi nói:
– Tôi đã làm xong việc ngài yêu cầu, loạn ở Điền Đông đã được dẹp xong. Tôi đến lấy vật tôi cần.
Cao Lương Thành cung kính xá một cái rồi nói:
– Tài phép của tiên sinh, tại hạ thực cảm phục. Thứ tiên sinh cần bệ hạ đã sai chuẩn bị kỹ càng ở đây.
Đoạn Cao Lương Thành vỗ tay ba tiếng, thị quan từ bên trong bưng ra một cái khay bằng gỗ, bên trên đặt một chiếc hộp chạm bằng ngọc biếc. Dù khi ấy trong điện đèn đuốc sáng rực, mà vẫn có thể thấy rõ hộp ngọc tự phát quangtựa như sáng lên trong đêm tối. Hiển nhiên là loại ngọc quý lắm.
Triệu Trí Chi đưa tay đỡ lấy hộp ngọc, mở ra đưa tay lần lần xem xét một hồi, rồi lại đặt lên khay, xá nhẹ rồi nói:
– Đúng là thứ tôi cần rồi, xin đa tạ.
Nguyên là từ lần gặp mặt hồi tháng bảy, sau khi làm vua thất điên bát đảo, Cao Lương Thành mới trình lên vua là người ấy vốn là thầy phù thủy đất Đại Việt, đang ở đất này thì nghe tin giặc Điền Đông lăm le nổi dậy. Chi mới tìm đến Thành mà trổ chút thần thông, rồi ngỏ ý muốn xin gặp vua cầu kiến.
Triệu Trí Chi khi ấy chờ cho vua hồi phục lại rồi mới tâu lên mình có thể đơn đao dẹp giặc, chỉ xin vua khi mã đáo thành công thì có được một vật. Vật ấy hiện đang nằm trong hộp này. Hôm nay chính là ngày Chi đến lấy như đã giao ước.
Chi toan quay đi thì Thành vội nói:
– Xin tiên sinh lưu bước, tại hạ có điều muốn ngỏ.
Chi quay lại chờ đợi. Thành lại vỗ tay ba cái, ba thị quan khệ nệ mang ra ba cái mâm lớn, bên trên phủ nhiễu điều. Thành lật nhiễu điều ra, thì đó là ba mâm vàng bạc châu báu lớn. Thành nói:
– Người đâu, sao lại bắt đại nhân đây bịt mắt thế này, mau cởi ra, nhanh!
Thị vệ chưa kịp cởi băng che mặt cho Chi thì Chi nói:
– Ông đưa vàng bạc ra là có ý gì?
Cao Lương Thành vốn đã biết Chi có ma thuật, nào ngờ Chi có tài bịt mắt mà vẫn nhìn thấy được, trong lòng vừa mừng vừa sợ, nói:
– Thưa tiên sinh, chúa tôi muốn lưu ngài lại giúp cho vương nghiệp. Nếu được như thế, thực là vui mừng khôn xiết. Đây chỉ là chút lễ mọn ban đầu…
Triệu Trí Chi biết Hiến Tông sợ không dám gặp lại mình, nhưng vẫn có ý muốn thu dụng, ắt hẳn đang ở sau màn nghe chuyện. Chi vội ngắt lời Thành, lạnh lùng đáp lớn, cốt để Hiến Tông nghe thấy:
– Đa tạ hoàng thượng, cái chí của tôi không nhỏ như thế.
Nói rồi quay bước, đi thẳng.
Qua một hồi lâu, nhà vua từ bên trong mới bước ra. Vua thần đều ngẩn ngơ nghĩ đến người ấy, việc ấy. Bất giác vua than khẽ:
– Nàng ta thực xinh đẹp, chỉ tiếc…
Cao Lương Thành ngẩn người ra hỏi:
– Bẩm hoàng thượng, ai cơ ạ?
Vua lại nói:
– Còn ai vào đây nữa, nàng chứ ai.
Cao Lương Thành lại hỏi:
– Thần mu muội chưa hiểu ý hoàng thượng.
Vua hơi cáu, nói:
– Là Triệu Trí Chi nàng ấy, chỉ sợ đi khắp Đại Lý này, không có ai được như nàng. Thực đáng tiếc.
Cao Lương Thành đáp:
– Bẩm…
Nói rồi Cao Lương Thành ngập ngừng không dám tiếp. Vua Hiến Tông nói:
– Có chuyện gì thế?
Cao Lương Thành run run:
– Bẩm hoàng thượng, làm gì có nàng nào ạ? Triệu Trí Chi hắn ta… hắn ta là đàn ông mà!
Hiến Tông trợn tròn mắt nhìn Cao Lương Thành, không hiểu Thành đang nói chuyện gì. Lòng vua đang xao xuyến mỹ nhân, lại thấy hôm nay tể tướng đầu triều ăn nói lảm nhảm, vua giận lắm, cho gọi tên cấm vệ quân vừa đưa Triệu Trí Chi vào, nói với hắn:
– Ngươi tả cho ta dáng mạo người tể tướng vừa gặp cho ông ta rõ.
Tên cấm vệ quân ngạc nhiên lắm, có điều thấy hoàng thượng đang bực bội, liền nói:
– Thưa, đó là một người trạc bốn mươi, mặc giao lĩnh xanh lục, ngoài khoác trường bào, mặt vuông chữ điền, trán cao hàm rộng, da đen, râu rậm…
Vua lên tiếng cắt ngang:
– Ngươi nói râu rậm ư?
Cấm vệ quân đáp:
– Vâng, râu rậm.
Vua bàng hoàng há hốc miệng. Lúc nãy từ trong trướn, ngài có không kìm được lòng dục, có ghé mắt ghé nhìn dung nhan mỹ miều của người con gái ấy. Giờ đây cả hai người đối diện lại tả gã là trang nam tử. Lẽ nào lại có sự kỳ lạ ấy?
Vua cho hai người lui ra, mồ hôi ngài toát ra như tắm. Tể tướng Cao Lương Thành cũng kinh hãi không kém, bởi hắn thấy một lão già tóc bạc mặt quắt lại…
[1] Còn gọi là Đoàn Dự, nhân vật này còn là một trong ba nhân vật chính trong Thiên Long bát bộ của Kim Dung
[2] Tức năm 1014
[3] Gồm 37 bộ tộc thiểu số ở Điền Đông, nay là Côn Minh
[4] Tức 1935
[5] Cũng có chỗ chép là Cao Minh Thái
[6] Theo tín ngưỡng Tây Tạng, trước khi chết, nếu linh hồn người từ từ chìm xuống là điềm sẽ phải đầu thai vào kiếp ngạ quỷ hay súc sinh, không được đầu thai vào cõi Atula hay cõi người. Theo “huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” Alexandra David-Neel. Đại Lý từ thời xưa chịu ảnh hưởng rất nặng của Thổ Phồn (Tây tạng) nên cũng có những tín ngưỡng như thế.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận