Home Truyen Ma HAI NẤM MỒ TRONG NGÔI NHÀ CỔ

HAI NẤM MỒ TRONG NGÔI NHÀ CỔ

Rõ ràng là bên trong có tiếng khóc rất khẽ vọng ra. Mà không phải là một, hình như có đến hai người cùng khóc! Hoàng không dám thở mạnh, anh áp sát tai vào để cố nghe cho rõ hơn. Đến khi xác định là bên trong có người đang khóc thì Hoàng cố nghe cho được những gì họ nói. Nhưng tuyệt nhiên không có tiếng nói nào khác ngoài tiếng nức nở…
Chờ một lúc lâu bỗng có một tiếng thét từ bên trong:
– Má!

Rồi thôi, không có gì tiếp theo, lúc này Hoàng không còn kiên nhẫn nữa, anh tông mạnh cửa vào, cánh cửa bật ra. Và… đúng là căn phòng hồi nãy, nhưng bây giờ tấm màn ngăn ngang đã được kéo qua, để lộ ra hai cái mộ xây nằm song song nhau, và bên thành một ngôi mộ đang mở nắp có một cô gái đang phủ phục, vừa cất tiếng khóc, cả thân người run run…
– Ngọc Hà!
Tiếng tông cửa chưa làm cho cô gái bật dậy, nhưng khi Hoàng gọi tên Ngọc Hà thì cô gái đã hốt hoảng xoay người lại và mất thăng bằng suýt ngã vào trong mộ huyệt! Cô đúng là cô gái vừa nói chuyện với Hoàng xong. Bên cạnh cô còn chiếc va-li đang nằm dưới chân.
– Ngọc Hà!
Hoàng lặp lại vừa bước tới gần, có lẽ anh sợ cô bị ngã. Nhưng cô nàng đã đưa tay ngăn lại:
– Anh không nên tới đây làm gì, má em đang…
Bỗng nhiên nàng lảo đảo, lần này không còn gượng được và ngã vào trong hố huyệt đang mở nắp. Hoàng nhanh hơn, đã lao tới và chụp được cánh tay đang chới với của Hà, anh kéo lại và giữ được cô trong vòng tay.
Nhưng chưa kịp đưa cô lại chỗ dựa thì bỗng mắt Hoàng chạm vào bên trong hố huyệt. Trong đó có một thi thể còn nguyên vẹn đang nằm im!
Hoảng chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi đờ người ra…
Lần đầu tiên Hoàng biết thế nào là cảm giác sợ. Anh không sợ ma, mà chỉ bất ngờ về một xác chết nằm trong cũng vừa khi ấy cô gái tỉnh lại, cô đưa tay đóng nắp quan tài vừa giải thích:
– Người trong đó là mẹ em. Bà ấy chết đã lâu rồi…
Hoàng ngạc nhiên:
– Chết đã lâu rồi mà sao thi thể còn nguyên và không…
– Đó là một bí mật mà chỉ em và mẹ em biết…
Bất chợt Hoàng hỏi:
– Phải bà là Ngọc Hà?
Kinh ngạc bởi câu hỏi của Hoàng, cô gái hỏi lại:
– Sao anh biết?
Không trả lời, Hoàng lại hỏi ngược:
– Cô có biết một người tên là Vĩnh, Hai Vĩnh không?
Lần này thì cô gái trợn tròn đôi mắt, kinh ngạc tột độ:
– Sao anh biết ông ấy?
– Bởi người đó là cha ruột của tôi!
Câu nói của Hoàng như một tiếng sét đánh vào tai cô gái, cô chỉ tay vào ngôi mộ bên cạnh, vừa run run hỏi:
– Anh nói… người này.
Lúc này Hoàng mới kịp nhìn xuống đầu ngôi mộ và đến lượt anh sửng sốt:
– Sao… sao lại là… là mộ của ba tôi?
Trên mộ bia ghi rõ mấy chữ: Nơi đây Nguyễn Hữu Vĩnh, biện lý Vĩnh đền tội!
Hoàng không tin vào mắt mình:
– Ba tôi chôn bên Pháp, sao lại có mộ ở đây? Sao ba tôi lại đền tội?
Bất chợt cô gái quay qua cái mộ vừa đóng nắp, cô gào thét lên:
– Sao lại như vậy mẹ? Tại sao mẹ bảo con làm chuyện này khi biết anh ấy là anh của con?
Hoàng ngơ ngác:
– Cô nói gì? Cô là…
Rồi anh chợt nhớ lời Ngọc nói… Hoàng kêu lên:
– Ba tôi và bà Ngọc Hà, mẹ cô là…
Cả hai nhìn nhau và im lặng kéo dài…
***
Giở từng trang giấy cũ trong chiếc rương chứa toàn thư từ, sổ sách, Ngọc Hà vừa kể:
– Mẹ em vừa sinh em ra chưa đầy tháng thì bà bỗng phát căn bệnh lạ. Chẳng ai biết bà bệnh gì, chỉ thấy tự mẹ rút vào phòng riêng rồi cấm mọi người không được vào. Lúc ấy ông bà ngoại em còn sống, họ là gia đình giàu có bậc nhất ở xứ này, nên đâu có thầy bà, thuốc thang gì mà họ lo không nổi. Vậy mà mẹ nhất định không cho chữa trị, mẹ dọa mọi người là nếu không để cho bà yên thì bà sẽ tự tử! Ông bà ngoại sợ quá nên chiều theo ý mẹ, ngày ngày lo cơm nước đưa vào cho mẹ. Chuyện ấy kéo dài được mấy năm… Lúc ấy em còn nhỏ đâu biết gì và được gửi đi một nơi khác nuôi dưỡng. Đến khi em được mười tuổi thì mới lần đầu tiên được trở về nhà và được vào gặp mẹ. Đúng ra thì em lén tìm gặp bà, chứ ông bà ngoại không cho, sợ em bị lây bệnh của mẹ! Và đó cũng là lần đầu em biết mẹ mình với hình hài chỉ còn da bọc xương! Bởi vì, suốt trong những năm mẹ cáo bệnh rút vào phòng kín, tách biệt với thế giới bên ngoài, để cho mọi người ngỡ mẹ bệnh nan y, thật ra khi ấy mẹ đã chuẩn bị cho mình một cái chết, nên bà chỉ ăn uống cầm chừng, chứ bà không hề bị bệnh gì hết! Lần đó khi gặp em, mẹ đã ôm em vào lòng khóc suốt một buổi, không cho em ra ngoài. Để rồi mẹ lấy hết những gì đã viết trong những năm sống biệt lập, đưa cho em, dặn là chỉ mình em đọc mà thôi, và mẹ cũng bắt em phải hứa là thay mẹ trả thù một người đàn ông. Dặn xong thì mẹ chết trên tay em!
Hoàng nghe tới đó thì chặn lời:
– Người mà mẹ em bảo trả thù có phải là ba anh không?
Cô gái gật đầu:
– Đúng. Mẹ bảo cả cuộc đời mẹ đã giao trọn cho người đàn ông đó, nhưng ông ấy đã phản bội mẹ, sau khi hay tin mẹ có thai thì ông ấy đã cao chạy xa bay, không đoái hoài gì tới bà đang đau khổ! Lúc ấy em còn quá nhỏ để hiểu những chuyện ấy, em chỉ biết đau khổ vì mất mẹ thôi, nên tính đem chuyện mẹ dặn nói lại với ông bà ngoại. Nhưng em chưa kịp nói gì thì ngay khi ấy mẹ đã hiện hồn về gào khóc, ngăn không cho em nói ra chuyện riêng của mẹ! Cũng từ đó, đêm nào hồn mẹ cũng hiện về, mẹ nói sẽ ở bên em cho đến khi nào nhìn thấy em trả thù được người đàn ông đó! Lúc em lớn và hiểu biết, em có phân tích cho mẹ nghe dẫu sao người ấy cũng là cha ruột của em. Nhưng mẹ nhất quyết không nghe, bà nói người đàn ông đó là kẻ bạc tình, vô trách nhiệm thì không xứng đáng được gọi là cha! Mẹ cứ gieo vào đầu em mỗi ngày như vậy, cho nên em cũng nhiễm hận thù và chính em đã xây hai ngôi mộ trong phòng riêng của mẹ khi ông bà ngoại vừa mất, ý của mẹ là hai ngôi mộ ấy một dành cho mẹ nằm, còn cái kia để dành cho…ông ấy!
– Bà đã hiểu lầm ba. Bà nghĩ ông đã phản bội bà để chạy theo bóng hình khác. Chứ bà đâu có biết rằng chính do ông ngoại em sau khi phát hiện ra mối tình vụng trộm của ba anh với mẹ em, ông ấy đã âm thầm vận động, đút lót tiền với một viên chức người Pháp, đẩy ba anh đi một chỗ thật xa, để ngăn không cho ông liên hệ với mẹ em nữa. Đó là nguyên nhân khiến ba anh đứt liên lạc với mẹ em. Cho đến ngày ba anh vì quá phẫn chí, đã quyết định bỏ xứ ra đi. Trong những ngày ở Pháp ông đã từng nói với anh là đã bị một người đàn bà phản bội, đã có những ngày sâu nặng với ông mà còn bỏ đi lấy chồng khác có quyền thế hơn! Ngày đó anh không hiểu gì nên cũng có ý trách người đàn bà kia, nhưng khi về đây và nhất là vừa rồi gặp được mẹ em thì anh bắt đầu hiểu, có lẽ tất cả là do ông ngoại bày ra để nhằm chia cắt hẳn cha mẹ chúng ta.
Ngọc Hà cũng gật đầu:
– Em hiểu hết rồi, và mẹ cũng hiểu. Bằng chứng là mấy chữ mẹ vừa viết lên vách huyệt đã cho thấy mẹ hối hận, mẹ bảo trong đời mẹ chỉ sai lầm có một lần, mà là sai lầm tệ hại nhất, đó là…đã hiểu sai về ba!
Ngọc Hà nhìn Hoàng với ánh mắt chờ sự cảm thông:
– Cả mẹ và em cũng đều hiểu không đúng về ba, mong anh đừng giận. Em cũng sẽ khẩn cầu vong hồn ba hãy tha thứ cho mẹ, cho em.
Hoàng chặn lời:
– Anh nghĩ ba không còn giận đâu. Anh hứa, lần này trở về Pháp anh sẽ tìm cách đem hài cốt của ba về đây, và nếu em đồng ý thì anh xin được mai táng ba ngay bên cạnh mộ phần của mẹ.
Nhưng chợt nhớ ra, Hoàng hỏi:
– Tại sao xác mẹ em nằm đây mà ngoài vườn lại có một ngôi mộ đề tên mẹ nữa?
– Đó là ý của mẹ và do em làm. Mẹ không muốn ai biết cái thế giới riêng của mẹ trong phòng này cả!
– Rồi còn cái tên nữa, sao mẹ là Ngọc Hà, mà em cũng tên đó?
– Cũng là ý của mẹ. Lúc sinh ra em có tên là Thanh Thủy, nhưng sau này mẹ đổi lại cho em mang đúng tên của mẹ. Mẹ bảo, cái tên Ngọc Hà chỉ chết một lần vì ngu dại, cả tin, còn Ngọc Hà còn lại trên thế gian thì phải làm ngược lại, phải khiến cho đàn ông ngu dại, cả tin và trả thù họ! Em thú thật, chính mẹ đã mách cho em biết lần trở về này của anh, bảo em phải tìm cách tiếp cận anh, đưa anh về đây gặp mẹ. Chứ em đâu có ngờ anh lại là…
Hoàng cười, vỗ vai cô nàng:
– Đâu có ngờ suýt nữa em đã hại chết người anh cùng cha khác mẹ của mình phải không!
Nhìn xuống chiếc va-li Hoàng thắc mắc:
– Anh có tò mò và biết trong va-li của em quần áo chỉ toàn một màu trắng, vậy là sao, chẳng lẽ em không bao giờ mặc quần áo màu khác?
Ngọc Hà lặng người đi một lúc, rồi đột nhiên cô bật khóc! Hoàng hoảng hốt:
– Em sao vậy Hà? Bây giờ mọi việc đã rõ rang rồi, chúng ta sẽ cùng lo cho nhau. Anh hứa sẽ bù lại những gì ba đã làm cho em thiệt thòi. Anh em mình sẽ cùng thờ phụng cha mẹ mà…
Đột nhiên Ngọc Hà chụp lấy vai Hoàng, khóc nức nở:
– Suýt nữa thì em đã hại anh rồi! Anh biết không, nghe lời mẹ, em tính sau khi hại anh chết thì em sẽ vào trong này, cùng nằm chết với mẹ. Những quần áo màu trắng này là em tự lo để tẩm liệm cho mình!
Hoàng vỗ về em gái:
– Mọi việc qua rồi em. Bây giờ là lúc mình phải vui lên chứ! Anh không trách gì em cả, mà trái lại anh thương em nhiều và anh thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Nhưng anh hứa, anh sẽ dành mọi sự tốt đẹp nhất cho em gái mình!
Anh em họ cùng siết chặt tay nhau. Suốt buổi chiều hôm đó, họ ở miết trong căn phòng với hai ngôi mộ và tối hôm đó, Hoàng quyết định đưa Ngọc Hà về nhà chú Ba để giới thiệu rõ.
Hai anh em thức nói chuyện gần cả đêm. Bên nồi cháo gà do Ngọc nấu chiêu đãi, Ngọc Hà đã vui miệng kể:
– Mẹ là một hồn ma, nhưng từ khi mẹ hiện về bên em, chưa bao giờ em nghe mẹ nói sẽ hại ai bao giờ. Có lẽ mẹ là một oan hồn duy nhất hiền lành như vậy.
Ngọc chen vào nói:
– Má của chị ngày trước cũng hiền lành, dễ thương lắm. Em chơi lâu nên biết mà…
Ngọc Hà nghe Ngọc gọi mình như vậy thì vội xua tay:
– Sao… sao cô gọi cháu như vậy? Cháu là con gái của mẹ, bạn cô mà!
Ngọc cười:
– Một đằng là con của bạn, nhưng trong huyết thống thì… chị là vai chị của em đó. Chị là con gái của bác Hai mà, chị chỉ nhỏ hơn anh Hoàng thôi, chứ với em thì chị là chị của em mà!
Đêm đó cả nhà thức đến sáng với niềm vui khôn tả…

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận