Home Liêu Trai Chí Dị Liêu Trai Chí Dị Thập Di (III)

Liêu Trai Chí Dị Thập Di (III)

24. Ao Huyền Âm

(Huyền Âm Trì)

Thạch Hiến người Thái Nguyên, làm nghề buôn bán, thường đi buôn ở phía bắc đất Đại, đưa hàng từ chỗ có tới chỗ không. Một năm vào tháng năm, đang lúc bắt đầu nóng bức, Hiến trên đường từ cửa Nhạn Môn trở về, khát nước muốn uống, nhưng tìm khắp nơi không thấy suối, nhân ngồi nghỉ dưới gốc cây lớn. Chợt thấy một nhà sư, mắt lồi áo vá, diện mạo rất kỳ lạ, thoăn thoắt đi tới nói “Ta ở phía nam núi Ngữ Đài, có rừng sâu nước đọng, cách xa trần tục, thật là nơi quần tăng tránh nắng. Đàn việt có chịu theo ta tới đó chơi không? Nếu không đi được, ta thấy đàn việt sẽ vì bệnh nhiệt mà chết, há chẳng hối hận sao?”.  Hiến vì trời đang nóng bức, mà nhà sư lại lấy lời họa phúc khơi gợi nên động tâm, nhân xin với sư “Xin cùng đi với sư”. Lúc ấy nhà sư dẫn Hiến đi về phía tây, được vài dặm quả thấy rừng sâu nước đọng, quần tăng đang đùa giỡn dưới nước. Hiến kinh ngạc hỏi, sư đáp “Đây là ao Huyền âm, bọn ta tắm dưới đó,  cũng lấy nước ấm để hông áo”. Rồi đưa Hiến đi vòng quanh ao, Hiến chỉ lạ chỗ quần tăng dưới nước trạng mạo đều giống hệt nhau. Kế đó trời tối, một nhà sư nói “Đàn việt hãy nghe bọn ta tụng kinh tiếng Phạn đây”. Lúc ấy Hiến đứng trên bờ ao, quần tăng đều dưới nước, đồng thạnh tụng niệm.

Qua khoảng một bữa cơm, một nhà sư nắm tay Hiến nói “Đàn việt cứ cùng tắm  với bọn ta trong ao Huyền âm, cẩn thận thì không có chuyện gì đâu”. Hiến lập tức theo nhà sư lội xuống ao, chợt thấy toàn thân lạnh buốt, run lên bần bật, vì thế giật mình tỉnh dậy. Thấy mình vẫn nằm dưới gốc cây, giày áo ướt đẫm, mà trong người càng lạnh. Lúc ấy trời đã tối, vội tấp tểnh tới nơi có thôn xóm,  gõ cửa xin nước, nhân ngủ nhờ ở đó. Sáng hôm sau thấy bệnh đã giảm, nên lại lên đường. Trên đường chợt nghe tiếng ếch kêu, rất giống tiếng quần tăng tụng kinh tiếng Phạn bèn đi tìm. Đi vài dặm thấy một nơi rừng sâu nước đọng, có rất nhiều ếch. Bèn tìm hỏi tiều phu, quả nhiên chỗ nước ấy tên là ao Huyền Âm, mới biết quần tăng đều là bầy ếch biến ra. Hiến nói !Bầy ếch này có thể biến hình để mê hoặc người ta, chẳng phải rất kỳ quái sao! chợt đùng đùng nổi giận, giết sạch bầy ếch.

25. Trâu

(Ngưu Độc)

Đất Sở Trung có người nông dân ra chợ về, trên đường dừng lại nghỉ. Có người thuật sĩ phía sau tới, cùng nhau nói chuyện phiếm, chợt nhìn người nông dân nói “Khí sắc của ông không tốt, trong vòng ba ngày se bị hao tài, gặp quan ngục”. Người nông dân nói “Ta đã nộp thuế đủ, bình sinh không hay tranh cãi, làm sao có chuyện quan ngục?”. Người thuật sĩ nói “Ta cũng không biết, nhưng khí tượng như thế, không thể không cẩn thận”. Người nông dân rất không tin, chắp tay từ biệt rồi về. Hôm sau chăn trâu ngoài đồng, có con ngựa trạm phóng qua, con trâu nhìn thấy, lầm tưởng là cọp, xông vào húc chết ngựa. Người nông dân bị bắt lên quan, quan phạt qua loa, bắt bồi thường con ngựa. Đại khái trâu gặp cọp ắt đấu, nên những người buôn trâu ngủ lại trên đường đều lấy trâu để tự vệ. Thấy ngựa tới là xua trâu tránh đi, vì sợ húc lầm.

26. Bài Ký Trĩ Xuyên

(Trĩ Xuyên Ký)

Con nhà họ Lý ở Cô Tàng, gặp thời loạn lạc, trốn vào núi Thái Bạch, xõa tóc mặc áo vải, dứt hết trần duyên, quy y Tam bảo, đạo hiệu là Khế Hư. Không ăn cơm gạo, hàng ngày ăn lá bách đỡ lòng, như thế đã nhiều năm. Một hôm có đạo sĩ Kiều Quân dung mạo thanh tú, râu tóc trắng xóa tới thăm Khế Hư, nói “Cốt cách của sư rất thanh tú sau này nên rong chơi nơi tiên đô”. Khế Hư nói “Ta là người trần tục, làm sao tới được tiên đô?”. Kiều Quân nói “Tiên đô rất gần, sư có thể đi”. Khế Hư nhân xin Kiều Quân chỉ đường, Kiều Quân nói “Sư nên chuẩn bị thức ăn chờ ở quán trọ tại Thương Sơn, phàm thấy người nào mang giỏ tre đi buôn, thì cứ mời ăn. Có ai hỏi sư đi đâu, sư cứ nói là muốn tới Trĩ Xuyên, người ấy sẽ dẫn sư đi”. Khế Hư nghe xong, yui vẻ ra mặt, lập tức tới Thương Sơn, ngụ trong quán trọ, chuẩn bị thức ăn ngon để cho những người buôn bán qua lại Thương Sơn.

Ở đó liên tiếp mấy tháng, gặp hơn trăm người bán hàng rong mang giỏ tre, đều ăn xong rồi đi, hoàn toàn không có lễ phép gì, lòng cung kính của Khế Hư cũng hơi giảm. Lại cho rằng Kiều Quân lừa dối, định về Trường An. Đã chuẩn bị hành trang, chợt có một người bán hàng rong mang giỏ tre, tuổi còn rất trẻ, đột nhiên bước vào, hỏi Khế Hư “Sư định đi đâu?”. Khế Hư nói “Ta muốn lên Trĩ Xuyên gần một năm nay rồi”. Thiếu niên kinh ngạc nói “Trĩ Xuyên là cõi thần tiên, sư làm sao tới được?”. Khế Hư đáp “Ta từ nhỏ đã hâm mộ thần tiên, từng gặp bậc chí nhân khuyên ta tới Trĩ Xuyên, nhưng chưa biết đường thế nào”. Thiếu niên nói “Trĩ Xuyên cách đây trong gang tấc, sư có thể theo ta, có thể không bị ngăn trở”. Khế Hư nói “Nếu quả được tới Trĩ Xuyên, thì có chết cũng không hối hận”. Thiếu niên dẫn Khế Hư tới Lam Điền, mua thức ăn, rồi trong đêm ấy lên Ngọc Sơn, qua chỗ cheo leo, lên chỗ dốc hiểm, tất cả có tám mươi nơi. Tới một cái động, thấy trong động có nước chảy ra. Thiếu niên và Khế Hư lấy giỏ tre đựng đá tráng lấp cửa động, để chặn dòng nước. Sau ba ngày, nước trong động mới cạn, hai người bước vào, tối tăm không thể nhìn thấy vật gì. Thấy một cánh cửa cách vài mươi bước, bèn đi tới đó.

Ra khỏi cánh cửa thì mặt trời tỏa sáng, gió mát hiu hiu, sơn thủy xinh tươi, cảnh tiên hiển hiện trước mắt. Lại đi hơn trăm bước, thấy một hòn núi cao, đỉnh núi chót vót, đường lên cheo leo, Khế Hư hoa mắt không dám lên. Thiếu niên nói “Tiên đô đã sát bên, sao còn chần chừ?”. Rồi kéo tay Khế Hư đi. Lên tới đỉnh núi, là một bãi đất phẳng. Nhìn xuống sông ngòi đồng ruộng phía dưới, xa tít không thấy rõ. Lại đi hơn trăm dặm, vào một cái động. Đến khi ra, thấy có hồ nước rộng mênh mông, cạnh hồ có một con đường lát đá rộng hơn thước, lại theo đó đi hơn trăm dặm. Thiếu niên dẫn Khế Hư theo đường đá đi, tới chân núi, phía trước có cây cổ thụ, cành lá rậm rạp, khói mây giăng mắc, cao mấy mươi tầm. Thiếu niên trèo lên cây hú dài, hồi lâu chợt có gió thu nổi lên đầu cành cây, kế thấy có sợi dây lớn buộc một cái giỏ trúc từ đỉnh núi thả xuống. Thiếu niên bảo Khế Hư nhắm mắt ngồi vào giỏ.

Khoảng nửa ngày, thiếu niên nói “Sư có thể mở mắt ra nhìn rồi”. Khế Hư đã quên mình đang trên đỉnh núi, nhìn thấy thành quách cung khuyết vàng ngọc chớp sáng ngoài cõi ráng mây. Thiếu niên chỉ nói “Đó là Trĩ Xuyên”. Lúc ấy bèn giải thích những gì trước mắt. Có bọn tiên đồng hơn trăm người xếp hàng trước sau, một người tiên hỏi thiếu niên “Nhà sư này là ai, là người nhân gian à?”. Thiếu niên đáp “Nhà sư này tên Khế Hư, thường muốn tới Trĩ Xuyên, nên ta dắt tới đây”. Kế tới một điện, có người cài trâm cầm hốt ngồi dựa vào ghế ngọc, dáng vẻ rất oai nghiêm, thị vệ xúm quanh vòng trong vòng ngoài, quát tháo rất dữ tợn. Thiếu niên bảo Khế Hư cúi đầu bước lên ra mắt, nói “Đó là Trĩ Xuyên chân quân”. Khế Hư cúi lạy. Chân quân triệu Khế Hư lên, hỏi “Ngươi đã dứt bỏ được Tam Bành chưa?”. Khế Hư không sao trả lời. Chân quân nói “Cẩn thận đừng ở lại đây quá lâu”.

Rồi sai thiếu niên dẫn lên đình Thúy Hà. Ngôi đình ấy vươn ra không trung, lan can chạm mây, thấy một người phanh áo chớp mắt, tóc dài mấy mươi thước, da dẻ xám xịt, chỗ mắt và ngực lõm vào. Thiếu niên nói “Sư có thể ra mắt vái chào”. Khế Hư hỏi “Người này là ai, chớp mắt là nhìn cái gì?”. Thiếu niên nói “Đó là Dương Ngoại lang, vốn là Tôn thất nhà Tùy, từng làm Ngoại lang ở Nam cung, cuối thời Tùy thiên tử hoang dâm, thiên hạ phân tranh, bốn phương binh lửa, nước thuộc người khác. Vì thế ty địa vào núi, nay đã đắc đạo. Đó không phải là chớp mắt mà là nhìn thấu qua. Phàm người nhìn thấu qua thì thấy rõ cả thế gian”. Khế Hư nói “Xin ông ta đừng chớp mắt có được không?”. Thiếu niên bèn dẫn tới vái chào cầu xin. Ngoại lang chợt không chớp mắt nữa. Nhưng hai mắt phát ra ánh sáng sáng rực như mặt trăng mặt trời, mở nhắm cũng như nhau, không sao che được. Khế Hư sợ sệt toát mồ hôi lưng, lông tóc đều dựng đứng.

Kế lại thấy một người nằm trên vách đá, thiếu niên nói “Người ấy họ Nhất, tên Chi Nhuận, cũng là người nhân gian đắc đạo mà tới đây”. Thiếu niên dẫn Khế Hư trở về, vẫn theo đường cũ. Khế Hư nhân hỏi thiếu niên “Trước đây ta ra mắt chân quân, chân quân hỏi ta chuyện Tam Bành, ta không trả lời được, xin hỏi đó là ý nghĩa gì?”. Thiếu niên nói “Phàm Bành là họ của Tam Thi, thường sống trong thân thể con người, chờ xét công tội. Mỗi khi đến ngày Canh thân thì báo lên Thượng đế. Cho nên phàm những người tu tiên, trước tiên phải trừ tuyệt Tam Thi, như thế thì có thể đạt đạo. Nếu không thì tuy khổ công cũng vô dụng”. Khế Hư hiểu ra, từ đó trở về làm nhà ở núi Thái Bạch, tuyệt cốc luyện khí, chưa từng kể lại chuyện Trĩ Xuyên cho người khác. Về sau dời tới ở dưới núi Hoa Sơn.

Có Trịnh Thân người Vinh Dương, Thẩm Luật người Ngô Hưng cùng từ Trường An ra, đi ngang Hoa Sơn, gặp lúc trời tối mưa lớn, hai người dừng lại. Khế Hư đã tuyệt cốc, nên không mời cơm. Trịnh Thân lấy làm lạ vì Khế Hư không ăn mà da dẻ vẫn hồng hào, nhân hỏi sự thật. Khế Hư mới kể lại chuyện Trĩ Xuyên. Trịnh vốn là người hiếu kỳ, nghe được chuyện ấy vừa than thở vừa ngạc nhiên, đến khi từ Quan Đông trở về ghé lại thì Khế Hư đã dọn đi không biết ở đâu. Trịnh quân từng ghi lại truyện ấy, gọi là Trĩ Xuyên ký.

27. Người Nước Ngoài

(Ngoại Quốc Nhân)

Mùa thu năm Kỷ tỵ, ở Lĩnh Nam có một chiếc thuyền lớn ngoài biển gặp bão dạt vào, trên có mười một người. Đều mặc áo bằng lông chim, vằn vện rực rỡ, tự nói là người nước Lữ Tống*, gặp bão đắm thuyền, mấy mươi người đều chết, chỉ còn  mười một người bám vào thanh gỗ lớn, trôi dạt tới một đảo lớn nên thoát chết. Ở lại đó năm năm, hàng ngày tìm bắt chim chóc, côn trùng để ăn, đêm ngủ trong hang đá, dệt lông chim làm áo. Chợt lại có một chiếc thuyền bị bão dạt vào, cột buồm cánh buồm đều không có, đại khái cũng bị thổi gãy trên biển. Lúc ấy bèn lấy chiếc thuyền trở về. Lại bị bão thổi vào Áo Môn (thuộc tỉnh Quảng Đông). Tuần phủ dâng sớ về triều, rồi đưa họ về nước.

* Lữ Tống: tức singapore.

28. Rắn Sâu

(Trập Xà)

Quách sinh người huyện ta, mở trường dạy học ở trang Chi Hòa Đông Sơn. Đồng tử có năm sáu người, đều vừa vào học. Phía nam phòng sách là nhà xí, lại có một chuồng trâu dựng kề vào vách núi, trên vách núi cỏ mọc um tùm. Bọn đồng tử vào nhà xí phần nhiều cả giờ mới ra. Quách qưở mắng thì nói “Tôi trong nhà xí được lên mây”. Quách ngờ vực, lúc đồng tử vào nhà xí, bèn theo bên cạnh liếc nhìn. Thấy bay lên trên không hai ba thước, lúc lên lúc xuống, thỉnh thoảng lại bất động. Quách bước vào nhìn kỹ, thấy ở khe hở trên vách đá có một con rắn ngẩng cao đầu, to như cái chậu, hút hơi phun lên. Bèn gọi người trong trang cùng tới xem, chất lửa đốt vách đá, con rắn chết mà khe hở vỡ ra. Con rắn không dài lắm, nhưng to bằng cái thùng. Đại khái bị chẹt ở trong không ra được, đã qua nhiều năm.

29. Đầy Tớ Của Họ Bao

(Bao Thị Bộc)

Bao thị người Phiên Dương, ở ngoài cửa Tần Châu. Mua một con ngựa, giao cho đầy tớ là Trình Tam nuôi nấng. Hàng ngày dắt ngựa ra bến sông tắm, thường có con quạ khoang cổ trắng đậu xuống lưng ngựa ỉa, rất lo sợ, nhưng đuổi đi nó lại trỡ lại. Lúc ấy bèn uốn kim làm lưỡi câu, xâu vào sợi tơ dài, từ bụng ngựa buộc vòng lên lưng, móc mồi để nhử. Con quạ ăn mồi nuốt luôn lưỡi câu, không sao thoát được. Trình móc hai mắt quạ cho vào bọc về nhà, xin rượu của chủ nhân nuốt xuống. Từ đó mắt ngày càng sáng, có thể nhìn thấy ma quỷ trong cõi hư không. Có tỳ nử của họ Bao trong bếp, thấy một con ma trợn mắt lè lưỡi, dưới cổ lòng thòng một sợi dây, núp lén nhìn qua khe cửa, Trình vác gậy đập, con ma rên la hoảng sợ, dần dần lún xuống đất biến mất. Đại khái trước kia có người thắt cổ ở chỗ ấy. Về sau mỗi lần Trình ra ngoài đồng ắt nhìn thấy vật gì đó, tuy giống hình người, nhưng chân tay thân thể phần nhiều không nguyên vẹn. Quát tháo đuổi tới, thường đều bỏ chạy. Có người nói mắt con quạ ngàn năm có thể nhìn thấy vật giấu kín, hay cái mà Trình nuốt là như thế chăng.

30. Tục Đất Huy

(Huy Tục)

Người đất Huy phần nhiều hóa thành loài vật, ra ngoài kiếm ăn. Có người khách nghỉ lại quán trọ, thấy bầy chuột chui vào khạp gạo, đuổi thì bỏ chạy. Khách chờ lúc chui vào, mau lẹ đậy nắp lại, múc nước đổ vào trong, lát sau đều chết. Cả nhà chủ nhân đột nhiên chết hết, chỉ còn một đứa con sống, liền kiện lên quan. Quan theo tình tha cho người khách.

31. Tục Đất Nguyên

(Nguyên Tục)

Lý Quý Lâm quyền giữ ấn triện Nguyên Giang. Lúc vừa tới đáo nhiệm, thấy mèo chó đầy sảnh, lấy làm kinh ngạc. Liêu thuộc nói “Đó là bách tính dưới quê tới xem phong thái”. Giây lát số người và súc vật bằng nhau, lát sau đều hóa thành người, nhao nhao tan đi. Một hôm, Lý ra ngoài gặp khách, kiệu đang đi trên đường, chợt một người phu kiệu gọi lớn “Tiểu nhân bị hại rồi!”, lập tức nhờ nha dịch khiêng giúp. Nha dịch tức giận quát tháo cũng không nghe, cắm đầu chạy mau. Nha dịch đuổi theo sau, người ấy vào trong chợ, tìm thấy một ông già liền tới nhờ xem. Ông già nói “Là ngươi ăn phải vật lạ”. Bèn lấy tay vuốt vào bụng, từ trên xuống dưới, ra sức đẩy, đẩy tới bụng dưới, thấy da thịt gổ lên, bèn lấy dao sắc rạch ra, lấy ra một hòn đá, nói “Khỏi rồi”, người ấy bèn chạy về. Lại nghe nói có người nằm trong nhà mà cánh tay thì bay đi, vào nhà người ta trộm cắp tài vật. Nếu bị chủ nhân phát giác, buộc chặt cánh tay không cho bay về, thì người ấy kể như mất một cánh tay.

32. Con Ngựa Có Nghĩa

 (Nghĩa Mã)

Lưu Thừa Tiết người Chiết Tây, làm quan thu thuế ở Cống Châu được điều nhiệm, để gia đình ở lại đất Cống, chỉ cùng một con trai một đầy tớ cưỡi ngựa lên đường. Tới Quý Khê, dừng ngựa vào nhà trọ nghỉ lại. Gặp mấy người khách buôn mang hương đất Quảng, cùng ngồi hỏi han nhau từ đâu tới, muốn mua hương của khách. Khách lấy ra cho xem, đều không vừa ý. Khách chế nhạo, Lưu nói “Ta tuy không giàu có, nhưng hương của ta còn hơn hàng này”. Nhân mở rương lấy ra cho xem, trong rương có vài trăm lượng bạc, bọn khách lén nhìn trộm. Đến lúc trời tối, đều ngủ lại. Bọn kia đều là cướp, đến khuya vác gậy xông vào phòng Lưu. Lưu từ nhỏ tùng quân, có sức khỏe, vung đao chém đứt một cánh tay, bọn cướp sợ hãi tan chạy.

Chủ nhân cũng là kẻ đồng mưu, bèn nói “Bọn họ không thỏa lòng, nhất định sẽ gọi thêm bè đảng tới, không thể ngủ yên được đâu, chẳng bằng nhân lúc trời chưa sáng lên đường để tránh đi”. Lưu không ngờ là dối trá, gọi người đầy tớ dậy, không chờ ăn sáng đã lên đường. Tới dưới gù cao, gặp bọn cướp, tuy ra sức đánh nhau, nhưng ít khó chống nhiều, Lưu cùng con trai, đầy tớ đều bị giết. Vừa lúc có một người lính đưa công văn đi qua, bọn cướp cũng giết chết, vứt xác xuống hố, chia tiền bạc rồi tan đi, chỉ còn con ngựa quanh quẩn trên đường. Gặp lúc có viên Chủ bạ đi công cán về, con ngựa tới đón trước xe, khuỵu chân như lạy phục xuống, kế lúc lui lúc tiến, đuổi đi lại quay lại. Viên Chủ bạ lấy làm lạ, nỏì “Đây ắt có nỗi oan muốn tố cáo”. Bèn sai mấy người theo con ngựa. Tới dưới dốc gò, con ngựa giẫm xuống đất đứng lại, thấy máu tươi đầy đất tanh nồng, bốn cái xác trong huyệt vẫn còn ấm. Lập tức sai Lý chính truy nã tìm bắt, không đầy buổi sáng đã bắt được tất cả bọn cướp, đều khép vào tội chết.

33. Vệ Sư Hồi

 (Vệ Sư Hồi)

Vệ Uyên, tự Sư Hồi, người Đông A Trịnh Châu. Nghiện rượu thành tật, thông minh hơn người nhưng lười đọc sách, hơn bốn mươi tuổi vẫn tay trắng nghèo hèn, thủy chung chưa ra làm quan. Gặp lúc mùa hè nóng bức, Sư Hồi cùng bạn bè đầu hồ uống rượu, say nằm dưới tường, mơ thấy mình đang ở chỗ khác. Chợt có tin báo người nước Nhũng Miến vào cướp, cư dân dìu già cõng trẻ chạy tán loạn. Sư Hồi hốt hoảng lủi trốn, đến khi trở về thì trong nhà đều đầy những người bị bắt, một mình đi vào núi, bàng hoàng mấy năm, không chốn nương thân. Chợt gặp ba người bạn cũ là Diêm Trung Phu, Lý Hanh Gia, Vương Miễn Phu, hỏi han tình hình, cho biết vợ con đều không việc gì.

Sư Hồi cả mừng vì được quá cả lòng mong mỏi, bèn nói “Ta khốn khổ ba năm, đói rét phiêu linh, ăn bữa sáng không biết bữa tối, thường nghĩ lúc gặp gỡ vui chơi trước kia, uống một hơi hết vài đấu rượu, nay muốn được uống một chén cho đỡ khát, cũng không phải chuyện gì lớn. Các ông thấy sao?”. Trung Phu nói “Cách đây vài dặm có quán rượu, nhị muội của ta coi việc hâm rượu, rất xinh đẹp, cứ cùng tới thăm”. Sư Hồi càng mừng, vào tới chợ thì đúng như lời Trung Phu. Sư Hồi đầu tiên uống một vò, lại gọi lấy thêm rượu, thấy a hoàn bưng rượu ra có vẻ buồn rầu.

Sư Hồi trách nói “Người hàng rượu gặp khách thì phải vui vẻ, tại sao ngươi lại như thế?”. A hoàn khóc nói “Tiền bối không biết đó thôi. Vật người vừa uống không phải là lúa mạch nấu ra, mà đều là tinh huyết của người ta. Người là người cõi trần, lại vứt bỏ tiền trình, rước lấy tai họa, lúc chết sẽ bị ép cốt tủy mà làm rượu”, Sư Hồi chớp chớp mắt không tin. Cô gái bèn dẫn vào nhà trong, vòng qua sảnh lớn, thấy đồ nấu rượu bày la liệt, bên cạnh có hơn trăm người trần truồng ngồi đó, nam nữ lẫn lộn. Có hai con quỷ lớn cầm kích theo thứ tự xóc lên cho vào vò rượu, lấy đá lớn đè xuống. Máu từ miệng chảy ra, giây lát thành rượu, Sư Hồi hoảng sợ tỉnh dậy. Nhìn thấy tiểu đồng đang hầu bên cạnh, tân khách vẫn đang ngồi, tiếng đầu hồ vẫn khua lanh canh. Bèn kể lại giấc mộng thì vốn chưa đầy một giờ, nhớ lại những điều đã trải qua, thì lại trong vài năm. Người thời Đường chép truyện Thái thú Nam Kha* anh đào áo xanh** giấc mộng kê vàng ở Hàm Đan***, việc cũng tương tự Văn thiên lục chép việc Trương sinh xuống âm ty (4*), cũng rất giống chuyện này.

* Truyện Thái thú Nam Kha: Nam Kha ký của Lý Công Tá thời Đường chép Thuần Vu Phồn ở Quảng Lăng, phía nam nhà ở có cây hòe lớn, cành lá xanh tốt. Gặp hôm sinh nhật Phồn say rượu nằm ngủ, mơ thấy tới nước Đại Hòe An, cưới công chúa, làm Thái thú quận Nam Kha hai mươi năm, sinh năm trai hai gái, cực kỳ vinh hiển. Sau đánh nhau với giặc thua trận, công chúa cũng chết, bị cách chức. Tỉnh dậy thấy nằm ở sân, mà mặt trời chưa lặn chén rượu uống dở vẫn còn. Bèn đi tìm dưới gốc cây hòe, thấy một tổ kiến lớn, mới sực nghĩ ra nước Đại Hòe An là bầy kiến dưới cây hòe, quận Nam Kha là một cành hòe hướng về phía nam. Về sau người ta dùng từ “Nam Kha” để chỉ sự hư ảo của vinh hoa.

**Anh đào áo xanh: nguyên văn là “Anh đào thanh y”, chưa rõ là sách gì.

*** Giấc mộng kê vàng Hàm Đan: xem chú thích truyện Tục hoàng lương, quyển V.

4* Văn thiện lục… âm ty: chưa rõ là sách gì.

34. Thần Sét

(Lôi Công)

Người dân ở Hào Châu tên Vương Tùng Giả, mẹ đang ngồi trong sảnh, gặp lúc mưa nhỏ, sắc trời mờ tối. Thấy thần sét cầm chùy đập cánh sấn vào, cả sợ vội cầm cái chậu đựng nước tiểu hắt ra. Thần sét bi dính bẩn, giống như bị đao búa chém trúng, quay người chạy mau, hết sức nhảy lên mây mà không được. Lăn lộn trước sân, rống lên như bò. Mây trên trời dần dần hạ xuống ngang mái hiên, trong đám mây có tiếng ran ran như ngựa hí, ứng với tiếng của thần sét. Giây lát mưa đổ như trút, thần sét rửa sạch được nước tiểu trên người, liền nổi sấm sét mà đi.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận