Home Chuyện Lạ Có Thật Những kiểu đón Tết kỳ lạ của các dân tộc Việt

Những kiểu đón Tết kỳ lạ của các dân tộc Việt

Tết
Nguyên đán là lễ hội lớn nhất Việt Nam, và ở đất nước có 54 dân tộc anh
em thì sẽ có những phong tục khác nhau trong dịp này. Dưới đây là những
phong tục đón Tết khác lạ của một số dân tộc ở vùng núi phía Bắc và Tây
Nguyên nước ta.
Tết Nhảy của người Dao

Quan
niệm rằng Tết là thời gian để vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng bà con,
làng xóm, người Dao đón năm mới bằng Tết Nhảy. Tết Nhảy này nhằm giúp
mọi người rèn luyện sức khỏe và võ nghệ, để có một năm mới tràn đầy sức
sống.

Khi
bắt đầu nghi lễ, một thầy cúng đứng đọc to cho mọi người nghe về nguồn
gốc của Tết Nhảy và cũng là đọc lại lịch sử cho tổ tiên. Cùng lúc đó,
một thầy cúng khác đứng lên múa cùng tốp từ 8 đến 10 người (không hạn
chế số lượng). Mỗi người tham gia tay đều cầm cờ, trống, chiêng, sập
sèng… múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống
được trình diễn như: Múa kiếm, múa dạo, múa nhảy rùa…
Trong
Tết Nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng
chuông, tiếng trống giục giã. Người tham dự Tết Nhảy, múa liên tục cả
ngày lẫn đêm, ai mệt thì nghỉ, người khác sẽ thay thế, cứ như vậy trong
suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy.
Người Cao Lan dán giấy đỏ từ nhà tới chuồng gà

Cũng
như người Kinh, người Cao Lan ăn Tết từ cuối tháng Chạp tới tháng
Giêng. Một đặc điểm của người Cao Lan là họ cúng ở cả nhà riêng lẫn đình
làng, và tới giờ họ vẫn giữ nghi lễ lấy nước ở giếng đình làng để thờ
cúng.

Trước
Tết Nguyên đán khoảng 2 ngày, người Cao Lan sẽ mang giấy đỏ (tiếng Cao
Lan là Chí dịt), để dán ở cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên, cối
xay, chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà. Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên
nhuộm sắc đỏ rực rỡ.
Bởi
theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự
tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm
mới với mong muốn an khang thịnh vượng.

Cũng theo phong tục dân
tộc Cao Lan, ngày một 1 sẽ đi thăm họ hàng, mồng 2 là làng xóm. Món ăn
đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán
bánh khảo như các dân tộc khác). Ngày Tết, bất kỳ gia đình nào cũng làm
bánh vắt vai. Đó là loại bánh được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá
chuối, nhân bánh là đỗ và đường. Trong dịp Tết, người Cao Lan đi lễ tết
họ hàng nội ngoại ở xa, bánh này được cấu tạo theo chiều dài có thể vắt
trên vai nên người ta gọi đó là bánh vắt vai.
Đi ăn trộm lấy may trong đêm giao thừa

Đây
là tục lệ khá kỳ lạ của người dân tộc Lô Lô. Người Lô Lô tin rằng, ở
thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một
cái gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Chính
vì thế, họ gọi đó là đi lấy may.

Đối
với người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thì thường sẽ lấy
trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Cũng ở Hà
Giang, nhưng ở Mèo Vạc thì số may mắn là số 3, như có thể lấy trộm 3 củ
tỏi, 3 lá rau.
Một
điều thú vị là khi đi… lấy trộm vào đêm giao thừa, người Lô Lô đi
đúng nghĩa “ăn trộm”, lặng lẽ, không rủ nhau, không để chủ nhà bắt được.
Và đã trộm là phải trộm “tận gốc”, như nhổ tỏi thì không nên để bị đứt.
Người Thái gọi hồn vào dịp Tết

Dân
tộc Thái cũng đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Tuy nhiên, một tục lệ
không thể thiếu, và là nét đặc trưng của người Thái vào ngày Tết là tục
gọi hồn. Vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình thịt hai con gà, một con
cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà.

Thầy
cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong nhà, bó chặt một đầu với nhau
rồi vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu
làng và gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2-3 lần, thầy cúng về chân cầu thang
của gia đình này gọi thêm một lần nữa. Cuối cùng, thầy cúng sẽ buộc một
sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của gia đình đó để trừ tà ma.

Dính nhiều tro, ném xôi lên mái nhà

Người
Giẻ Triêng (sống chủ yếu ở Quảng Nam và Kon Tum), đón Tết cổ truyền với
tên gọi là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Gọi là ăn than bởi theo quan niệm
của người Giẻ Triêng thì trong ngày Tết, ai dính nhiều tro đốt từ than
nhất sẽ may mắn, thu hoạch mùa màng tươi tốt.
Để
có thể dính tro than, trước Tết 3 ngày, các chàng trai cao to sẽ được
cử lên rừng đốt củi thành những đống than lớn và mang về làng. Ngoài ra,
người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên thành tro.
Hai loại tro này sẽ được hất tung lên cao và ai dính được nhiều tro nhất
sẽ là người may mắn nhất.
Người Giẻ Triêng cũng sẽ cầm một nắm xôi ném lên mái nhà, nắm xôi của ai dính lên đó sẽ năm mới người ấy sẽ có 100 gùi lúa.
Tây Nguyên vào mùa lễ hội bắt chồng

Khi
Tết Nguyên đán bắt đầu, cũng là thời điểm các dân tộc Chu Ru, Cơ Ho,
Cil , Giẻ Triêng….ở Tây Nguyên vào mùa lễ hội bắt chồng.Tục bắt chồng
của người Tây Nguyên có nét tương tự với tục cướp vợ của đồng bào miền
núi phía Bắc, chỉ có điều ở đây ngược lại, người phụ nữ đi bắt chồng chứ
không phải là người đàn ông đi bắt vợ.

Chuyện
kể rằng, ngày xưa, con gái Chu ru không có tiền để ‘’bắt chồng” thì chỉ
cần tự dệt 3 chiếc khăn thổ cẩm màu trắng, hồng, chàm sẫm, độ rộng 80
cm, dài khoảng 3 mét để mang sang nhà trai dạm hỏi. Chọn một “đêm
thiêng”, cô gái cùng khoảng 10 người trong thân tộc lặng lẽ mang lễ sang
nhà chàng trai. Ông trưởng đoàn (thường là cậu ruột) tiến lên gõ cửa.
Mặc
dù sự viếng thăm này đột ngột nhưng nhà gái vẫn ra mở cửa mời khách vào
nhà. Lúc này, cô gái cầm 3 tấm khăn được gấp gọn ghẽ tiến lên phía
trước, ông Trưởng đoàn đứng dậy thưa: “Ông bà ta xưa đã “để cửa” cho con
gái nhà nghèo “bắt chồng” không sính của cưới. Cháu tôi đã để ý cậu X.
con nhà này. Nay mạo muội đến dâng lễ xin ý kiến mẹ cha”. Cuộc nói
chuyện kéo dài cả tiếng đồng hồ. Nếu cha mẹ cô gái không đồng ý thì cũng
tìm cách khước từ một cách tế nhị để nhà trai ra về mà không cảm thấy
bẽ mặt.
Một
số dân tộc khác ở Tây Nguyên cho đến thời điểm này vẫn giữ tục “bắt
chồng”. Tuy nhiên, đa số các đôi đều đã phải lòng nhau trước, và khi cô
gái cùng họ hàng đến “bắt chồng” thì đều đã sẵn sàng cho một cuộc hôn
nhân.

Theo Thủy Nguyên
 Đất Việt
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận