Home Chuyện Lạ Có Thật Tập tục lạ ở vùng cao: Bản thờ “ma ná”

Tập tục lạ ở vùng cao: Bản thờ “ma ná”

Buồng thiêng

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là trưởng bản Cao Dung, ông cũng là một trong 4 già làng của bản. Lý giải vì sao có đến 4 già làng, ông kể, vào năm 2003 để thực hiện chương trình xóa mái tranh, bản lập ra hội đồng già làng với nhiệm vụ điều hành huy động thanh niên giúp dân dựng nhà. Lúc đó, cứ làm hết nhà này đến nhà khác và kết quả bây giờ nhà nào trong bản cũng có mái ngói.

Người Mã Liềng ở bản Kè thờ “ma ná”

Người Mã Liềng ở bản Kè thờ “ma ná”


Nói về tập tục văn hóa của người Mã Liềng ở bản Kè, ánh mắt ông Cao Dung sáng lên đầy tự hào và khẳng định tất cả còn giữ y nguyên. Phải chăng, những ngôi nhà cheo leo lưng chừng núi với trước mặt là sông, sau lưng sừng sững núi đã góp phần giữ được sự nguyên vẹn đó. Ví như tục kiêng kỵ trong cưới vợ gả chồng. Khi yêu nhau, hoặc người con trai đến tán tỉnh con gái thì tuyệt đối không được bước vô nhà người con gái mà chỉ ở ngoài hiên. Đến lúc nhà gái nhận lễ thì người con trai mới được vô nhà nhưng phải đứng hay ngồi một chỗ ở góc bên trái của nhà. Với con gái còn kiêng kỵ hơn nữa, họ tuyệt đối không được bước chân ra khu vực gian giữa nhà chồng, có thể suốt đời như vậy. Trường hợp vợ chồng người con ra ở riêng thì tùy, đi đâu làm gì đều được. Già làng Dung giải thích đó là nhà của nó, quyền của nó rồi.

Nhà ở của người Mã Liềng khác các tộc người khác khi có một gian buồng thưng kín xung quanh, chỉ chừa một ô cửa nhỏ để bước vào gọi là buồng thiêng. Trong nhà chỉ có bố mẹ mới được bước vào hay ngủ trong gian buồng này. Lúc về nhà mới, người Mã Liềng cũng rất kiêng cữ, bố và mẹ phải nằm trong buồng thiêng tròn 5 ngày đêm. Tất cả ăn uống sinh hoạt trong buồng đó, cơm nước do con cái bưng vào. Tôi thắc mắc vậy nếu con còn nhỏ thì ai nấu cho các cháu ăn? Già làng Dung cho biết sẽ có các anh chị bà con giúp việc đó.

Trước kia, người Mã Liềng sống nhờ săn bắt hái lượm nên họ rất coi trọng và phải thờ cúng thần rừng. Vì vậy những dịp tết và lễ dân bản tổ chức cúng thần rừng bằng gà, rượu, cơm. Việc cúng thần rừng do ông Cao Ngụ đảm trách, lễ cúng được tổ chức ngay tại nhà ông Cao Ngụ và diễn ra khoảng 20 phút. Dân bản tập trung đến, sau lễ cúng thì mọi người cùng ăn uống, chuyện trò để thắt chặt thêm tình cảm. Riêng trong mỗi gia đình ở bản Kè đều thờ “ma ná” chứ không thờ tổ tiên ông bà. Ná là đọc chệch từ “nỏ” trong cung nỏ, dụng cụ săn thú hữu hiệu của người Mã Liềng. Họ làm một cái nỏ rồi gắn lên mái nhà ở trong buồng thiêng, dưới vị trí đó treo một bàn thờ có bát đựng hương, mấy vòng tròn nhỏ bằng dây mây. Tôi bày tỏ muốn sờ tận tay, xem cái nỏ đó như thế nào nhưng ông Dung bảo không được, đó là điều cấm kỵ.

 Đi trên những cái cầu kiểu này để vào bản Kè

Đi trên những cái cầu kiểu này để vào bản Kè


Sợ cả… người

Tính cộng đồng ở bản Kè rất cao. Điều này thể hiện rõ khi đến mùa lấy mật ong. Trong gia đình, bất cứ ai lấy được tổ ong đầu tiên trong năm đều mang đến nhà thầy cúng Cao Ngụ để làm lễ cúng thần rừng, thần ong. Lễ cúng với ý nghĩa tạ ơn thần rừng, thần ong đã ban phát cho dân bản và cầu mong lấy được nhiều hơn cho cái bụng được ấm no. Sau đó tổ ong được biếu cho thầy cúng và thầy cúng chia cho tất cả bà con dân bản. Nhưng để mọi người ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để phát triển kinh tế, văn hóa thì có lẽ còn là chuyện xa vời chưa ai nghĩ tới.

Có đường Hồ Chí Minh xuyên qua nhưng Lâm Hóa vẫn là xã có nhiều hộ nghèo bởi nằm ở vị trí xa xôi, cách trở không có điều kiện để phát triển kinh tế. Tính từ trung tâm xã thì mất hơn 40 km mới đến được trung tâm huyện và phải đi băng qua H.Minh Hóa. Người Mã Liềng được phát hiện khi họ sức cùng lực kiệt, giờ không còn đứng trước nguy cơ biến mất nhưng vẫn đối mặt với quá nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Cao Trung Kiên cho biết đã có hướng dẫn, tập huấn này nọ nhưng thực sự người dân chưa mấy quan tâm. 45 hộ với 174 khẩu thì 100% là hộ nghèo; hiện bản chỉ có hơn 1,5 ha lúa nước, năm 1997 mới bắt đầu khai hoang ruộng.

Bản chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 3 km nhưng chẳng dễ dàng đi lại chút nào bởi bản nằm bên kia thượng nguồn sông Gianh. Có 2 con đò nằm lặng lẽ đôi bờ sông vì người dân không mấy khi sử dụng, mùa này nước cạn nên dân bản lội bộ qua, mùa mưa lũ nước sông đầy và chảy xiết nên có muốn cũng không thể chèo được. Bản chẳng có đường, đường ở đây là đường để đi xe. Vậy nên không thể tìm ra một chiếc xe trong bản. Thực ra, có mấy chiếc xe đạp của các em học sinh cấp 2 nhưng đều gửi bên kia sông, mỗi khi đi học các em lại lội bộ qua rồi đạp xe đến trường ở trung tâm xã.

Trên đường trở ra, khi biết chúng tôi đang đi tới, mấy em nhỏ bắt cá về đã trốn trong bụi cây, đợi đoàn vừa đi qua là phốc ra chạy mất hút; càng kêu chúng càng chạy nhanh hơn như bị “ma” đuổi và không ngoái đầu lại. Có lẽ chặng đường hội nhập của người Mã Liềng ở bản Kè còn thăm thẳm.

Trương Quang Nam
(Theo Thanh Niên)
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận