Home Liêu Trai Chí Dị Quyển XIV – 279 -: Yên Chi (Yên Chi)

Quyển XIV – 279 -: Yên Chi (Yên Chi)

Họ Biện ở huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông) làm nghề chữa bệnh cho trâu, có cô con gái tên Yên Chi, tài sắc đủ bề. Người cha yêu dấu lắm, muốn gả cho con nhà cao quý, song những kẻ giàu sang lại khinh ông ta nghèo hèn không xứng làm thông gia, nên cô gái đến tuổi cập kê mà vẫn chưa hứa gả cho ai. Nhà đối diện có Vương thị vợ họ Cung, tính buông thả, thích đùa cợt, hay sang trò chuyện với cô gái. Một hôm cô gái đưa Vương thị ra cổng, thấy một thiếu niên đi qua, quần áo trắng tinh, phong thái hơn người, thấy lòng xao xuyến bèn liếc trộm. Thiếu niên cúi đầu rảo bước, đi xa rồi mà cô gái cứ nhìn theo mãi. Vương thi đoán được tình ý, đùa nói rằng “Tài Sắc như nương tử mà sánh đôi với người ấy thì không có gì phải hối tiếc”. Cô gái đỏ bừng mặt nín lặng không nói gì. Vương thị hỏi có biết y không, cô gái đáp là không biết. Vương thị nói “Đó là Tú tài Ngạc Thu Chuẩn con ông Cử nhân đã chết ở ngõ Nam, ta vốn là người cùng làng nên có biết. Đàn ông trên đời không ai nhã nhặn bằng y đâu. Y mặc đồ trắng vì đang còn tang vợ, nếu nương tử vừa ý ta sẽ nhắn lời mai mối cho”. Cô gái vẫn im lặng, Vương thị cười rồi về.

Mấy ngày sau vẫn không có tin tức gì, cô gái cho là Vương thị chưa rảnh đi ngay được, lại ngờ rằng họ là nhà dòng dõi không chịu hạ mình. Rồi cứ bồi hồi lo lắng, nghĩ ngợi quẩn quanh bỏ cả ăn uống, nằm liệt giường. Vương thị tới thăm, hỏi vì sao mà bị bệnh, cô gái đáp “Cũng chẳng biết nữa, từ hôm chị về rồi cứ thấy trong người khó chịu, hơi thở bây giờ chỉ còn thoi thóp, sống nay chết mai thôi?”. Vương thị nói khẽ “Chồng ta đi buôn chưa về, nên chưa có người đánh tiếng cho chàng Ngạc. Ngọc thể không yên là vì thế chứ gì?”. Cô gái thẹn thùng hồi lâu, Vương thị lại đùa nói “Nếu đúng vì thế mà bệnh nặng thế này thì còn e dè gì nữa? Trước hết cứ nhắn tới gặp nhau một tối, chẳng lẽ y lại không chịu à!”. Cô gái thở dài nói ” Sự tình tới mức này không thể làm khác được, nhưng nếu họ không hiềm nhà ta thấp hèn, nhờ người mai mối tới dạm hỏi ngay thì ắt là ta khỏi bệnh, chứ hò hẹn tư tình thì nhất định là không được”. Vương thị gật đầu trở về.

Lúc trẻ Vương thị đã tư thông với người học trò láng giềng là Túc Giới, khi đã lấy chồng rồi Túc vẫn rình lúc chồng thị đi vắng tìm tới với người xưa. Đêm ấy gặp lúc Túc tới, Vương thị kể lại chuyện cô gái để cười với nhau, lại đùa nhờ Túc đánh tiếng với Ngạc. Túc vốn biết cô gái đẹp từ lâu, nghe thế mừng thầm, định thừa gió bẻ măng. Toan bàn mưu với Vương thị nhưng lại sợ thị ghen, bèn làm ra vẻ vô tình hỏi rõ đường đi lối lại trong nhà cô gái. Đêm sau y trèo tường vào, đến thẳng phòng cô gái gõ nhẹ cửa sổ. Bên trong hỏi ai, y đáp là Ngạc. Cô gái nói “Sở dĩ thiếp nghĩ tới chàng là vì chuyện trăm năm chứ không phải vì vui một tối. Nếu quả thực chàng yêu thương thiếp thì mau nhờ mai mối tới hỏi, chứ nói chuyện lén lút kia nọ thì không dám vâng lời”. Túc vờ ưng thuận nhưng cố xin cho được cầm tay một cái làm tin. Cô gái không đành lòng cự tuyệt, gượng dậy mở cửa. Túc vào lại đòi giao hoan, cô gái nói “Sao mà ác thế, chắc không phải là chàng Ngạc. Nếu đúng là chàng Ngạc, thì người ôn hòa văn nhã biết vì sao thiếp bệnh hẳn phải xót thương chứ đâu lại cuồng bạo thế này! Nếu cứ như thế, thiếp phải kêu lên, phẩm hạnh tổn thương thì chẳng ai có lợi đâu”.

Túc sợ lộ không dám cưỡng ép nữa, chỉ xin được gặp lại, cô gái hẹn ngày nghênh hôn. Túc cho rằng còn lâu quá, cứ nài nỉ, cô gái thấy y dằng dai đành hẹn đến khi khỏi bệnh. Túc xin vật làm tin, cô gái không cho. Túc nắm chân nàng tuột bừa lấy chiếc giày thêu rồi bỏ đi. Cô gái gọi lại, nói “Đã hẹn ước thân này là của chàng, có tiếc gì chiếc giày. Chỉ sợ vẽ hổ không nên lại ra con chó, để bị chê cười thôi. Nay vật mọn đã lọt vào tay chàng, chắc không thể lấy lại được nữa, nếu chàng phụ lòng, thiếp chỉ còn một chết thôi đấy?”. Túc trở ra, lại về nhà Vương thị ngủ, đi nằm vẫn không quên chiếc giày, ngầm mò trong tay áo thì không thấy đâu nữa. Vội dậy che đèn xốc áo tìm thầm, Vương thị hỏi không đáp, ngờ là Vương thị giấu. Thị cười cợt ngờ vực, Túc không giấu được, đành kể thật mọi chuyện. Nói xong đốt đuốc ra tìm ngòai cửa nhưng vẫn không có đành ôm hận trở vào ngủ, thầm mong đêm khuya không có ai qua lại, chiếc giày rơi vẫn còn trên đường, nhưng sáng dậy sớm ra tìm cũng không thấy đâu.

Trước đó trong ngõ có Mao Đại là kẻ lông bông không nghề nghiệp vẫn ve vãn Vương thị nhưng không được, biết Túc tư thông với thị nên muốn rình bắt để ép buộc. Đêm ấy y qua nhà thị, đẩy cổng thấy chưa gài bèn lẻn luôn vào. Vừa tới ngoài cửa sổ thì giẫm phải một vật mềm như nầm lụa, nhặt lên xem thì là một chiếc giày con gái bọc trong khăn. Y bèn núp rình, nghe rõ hết lời Túc kể, vô cùng mừng rỡ, lập tức trở ra. Vài đêm sau, y leo tường vào nhà cô gái, nhưng không biết chỗ nên tới lầm phòng người cha. Ông Biện nhìn qua cửa sổ thấy đàn ông, xem dáng cách biết là tới đây tìm con gái mình, nổi giận cầm dao xông ra. Mao Đại sợ bỏ chạy, định leo tường trở ra nhưng ông Biện đã đuổi sát tới, y bí quá không biết làm sao bèn quay lại cướp dao. Bà Biện chạy ra la lên, Mao sợ không chạy được bèn đánh chết ông Biện. Cô gái đã hơi đỡ, nghe tiếng ồn ào mới vùng dậy cùng đốt đèn ra soi thì cha đã bể sọ không nói được nữa, giây lát thì chết. Tìm được dưới chân tường chiếc giày thêu, bà mẹ xem lại thì là của Yên Chi. Hỏi gặng thì cô gái khóc kể lại hết mọi chuyện, nhưng không nỡ để Vương thị bị liên lụy nên chỉ nói là Ngạc tự tìm tới mà thôi.

Sáng ra, nhà họ Biện kiện lên huyện, quan huyện sai bắt Ngạc. Ngạc vốn vụng dại nhút nhát, mười chín tuổi rồi mà gặp người lạ vẫn thẹn thùng như trẻ con. Cho nên bị bắt tra hỏi thì vô cùng sợ hăi, trước công đường chẳng biết đối đáp ra sao, chỉ run lẩy bẩy. Quan huyện thấy thế càng tin chắc là kẻ phạm tội, sai tra tấn tàn nhẫn, thân học trò yếu ớt không chịu đau nổi nên Ngạc đành nhắm mắt nhận tội bừa. Giải lên phủ cũng thế, Ngạc oan ức đầy ruột, xin được gặp mặt Yên Chi đốl chất. Nhưng vừa gặp, cô gái đã chửi mắng tàn tệ, Ngạc lại đớ lưỡi không sao phân trần được. Vì vậy Ngạc bị khép tội chết, thẩm vấn nhiều lần, qua mấy viên quan, vẫn không ai nói khác.

Sau đó án được ủy cho phủ Tế Nam phúc duyệt. Bấy giờ ông Ngô Nam Đại đang làm Tri phủ, vừa thấy Ngạc sinh đã ngờ không phải là kẻ giết người, bèn ngầm sai người nhẹ nhàng hỏi riêng, được lời khai cặn kẽ thì biết là Ngạc bị oan. Ông suy nghĩ mấy ngày mới hỏi cung lại. Đầu tiên hỏi Yên Chi rằng sau khi hẹn ước có ai biết chuyện không, cô gái trả lời là không. Lại hỏi lúc gặp Ngạc sinh có còn ai khác không, cô gái cũng trả lời là không. Ông bèn gọi Ngạc lên ôn tồn hỏi, Ngạc thưa lúc đi qua cổng nhà ông Biện thấy người hàng xóm cũ là Vương thị cùng một thiếu nữ đi ra thì vội rảo bước, đi qua không nói câu nào. Ông Ngô quát cô gái “Ngươi vừa nói khi gặp Ngạc không có ai khác, sao đây Ngạc nói có người đàn bà hàng xóm?”. Rồi định tra tấn, cô gái sợ thưa “Tuy có Vương thị, nhưng không có dính líu gì tới chuyện này”. Ông thôi hỏi cung, sai bắt Vương thị.

Mấy ngày sau Vương thị tới, ông không cho gặp cô gái, lập tức thẩm vấn. Hỏi Vương thị ai là kẻ giết người, Vương thị thưa không biết, ông giả vờ nói “Yên Chi đã khai là ngươi biết rõ người giết ông Biện, còn giấu nữa à?”. Vương thị vội kêu “Oan cho ta quá! Con dâm nữ ấy tự phải lòng trai, tuy ta có nói sẽ làm mối cho nhưng chỉ để đùa cho vui thôi. Nó tự dẫn gian phu vào nhà, làm sao ta biết!”. ông hỏi cặn kẽ, thị mới thuật lại những lời nói đùa trước sau. Ông gọi cô gái lên, tức giận nói “Ngươi nói thị không biết chuyện, sao bây giờ thị lại khai ra chuyện làm mai mối?”. Cô gái sa lệ đáp “Tự ta đã không ra gì khiến cha phải chết thảm, mà kiện tụng không biết đến năm nào mới xong, nên thật lòng không nỡ làm liên lụy tới người khác thôi!”. Ông hỏi đã đùa cợt rồi có nói lại với ai không, Vương thị khai là không. Ông giận nói !Vợ chồng đầu gối tay ấp thì chuyện gì lại không nói, tại sao còn chối?”. Vương thị khai chồng vắng nhà đã lâu. Ông nói “Dù thế nhưng kẻ đã trêu cợt người khác đều cười người ta ngu, tự cho mình là khôn, mà lại không nói với người nào, thì định lừa dối ai?”. Rồi sai kẹp mười đầu ngón tay, thị bất đắc dĩ phải khai thật là đã có nói với Túc, ông bèn cho thả Ngạc bắt Túc.

Túc tới khai là không biết gì, ông nói “Đi chơi gái thì không phải là kẻ tốt lành”. Bèn sai tra khảo, Túc phải khai thật là có lừa cô gái, nhưng sau khi làm mất chiếc giày thì không dám tới nữa, còn quả thật không rõ về việc giết người. Ông giận dữ nói “Đã leo tường rồi thì có chuyện gì mà không làm?”, rồi lại sai tra khảo, Túc không chịu nổi phải nhận bừa. Án đã thành, báo lên trên, ai cũng khen ông Ngô là thần minh. Bản án nghiêm khắc nặng nề, Túc chỉ còn có cách vươn cổ chờ chém. Nhưng Túc tuy là kẻ phóng đãng vô hạnh song vốn là một danh sĩ vùng Sơn Đông, nghe tiếng quan Học sứ họ Thi là bậc hiền năng lại yêu người tài, thương kẻ sĩ bèn làm một bài từ kêu oan rất thống thiết gởi tới. Ông Thi xem đi xem lại, ngẫm nghĩ rồi vỗ bàn nói “Gã học trò này bị oan rồi”, bèn xin với quan trên cho được xét lại vụ án.

Hỏi Túc để rơi chiếc giày ở đâu, Túc khai là không rõ, chỉ nhớ rằng khi gõ cửa nhà Vương thị vẫn còn trong tay áo. Ông quay qua hỏi Vương thị rằng ngoài Túc Giới còn dan díu với ai khác không, Vương thị thưa là không. Ông hỏi “Đã là người không trinh tiết, lẽ nào chỉ tư thông với chỉ một người?”. Khai rằng “Đã dan díu với Túc Giới từ lúc nhỏ nên chưa dứt tình, chứ về sau không phải không có kẻ ve vãn, song thực chưa từng dám đi lại với ai?”. Ông bảo nói rõ tên những kẻ ve vãn làm bằng chứng, Vương thị khai “Mao Đại ở cùng làng đã mấy lần gạ gẫm, nhưng đều cự tuyệt”. Ông nỏi “Sao lại chợt trở nên trinh tiết như thế?”, bèn sai đánh trượng. Người đàn bà rủ đầu hộc máu, song vẫn ra sức biện bạch là quả thật không có đi lại với ai khác.

Ông bèn sai thôi đánh, lại hỏi “Chồng ngươi đi vắng, chẳng lẽ không có kẻ nào kiếm cớ tới gạ gẫm à?”. Vương thị đáp “Có tên Giáp, tên Ất đều lấy cớ tới mượn gạo vay tiền, có một hai lần vào nhà tiểu nhân”. Đại khái tên Giáp, tên Ất đều là đám du đãng trong ngõ, cũng có tình ý với thị nhưng chưa tỏ vẻ gì. Ông ghi tên cả bọn, sai giải hết ra miếu Thành hoàng, bắt quỳ phục trước án thờ rồi nói “Đêm trước ta được thần báo mộng rằng kẻ giết người chỉ trong bốn năm đứa các ngươi. Nay trước mặt thần, không được dối trá. Nếu tự thú thì còn được giảm tội, nếu chối thì không tha thứ được”. Cả bọn đồng thanh kêu là không hề làm việc giết người.

Ông sai bày hình cụ ra, chuẩn bị tra khảo, buộc tóc lột trần cả bọn, thảy đều kêu khóc là oan. Ông sai ngừng tra khảo, nói “Các ngươi đã không chịu tự thú thì để quỷ thần chỉ ra”. Rồi sai người lấy chăn che các cửa sổ thật kín, bắt cả bọn cởi trần vào trong phòng tối, đưa một chậu nước bắt phải rửa tay rồi đứng im quay mặt vào vách để thần viết vào lưng kẻ có tội. Lát sau gọi cả ra để khám, ông chỉ ngay vào Mao Đại nói “Đây mới đúng là thằng giặc giết người”. Đại khái là ông đã sai người bôi than lên vách, lại lấy nước pha muội đèn bắt cả bọn rửa tay. Kẻ giết người sợ thần viết vào lưng nên lén dựa lưng vào vách, lúc trở ra lại lấy tay che nên trên lưng có vệt đen. Ông vốn đã nghi Mao, đến lúc ấy giờ càng tin chắc, bèn dùng cực hình tra khảo, Mao phải khai hết sự thật. Ông bèn viết án từ rằng:

“Túc Giới theo thánh hiền noi đường đạo nghĩa, mà dâm tà thành kẻ vô lương. Chỉ vì hai trẻ dại khờ, hóa tính chuyện lành thành chuyện rủi, bởi có một lời tiết lộ, nên đứng núi nọ trông núi kia. Đã học Trọng tử trèo tường, lại giả Lưu lang vào động. Tham dâm hiếu sắc, thẹn cùng loài chuột có da, tuốt lá bẻ hoa, nhục bấy học trò vô hạnh. May mà nghe én bệnh khò khè, cũng còn tiếc ngọc, xót liễu mềm tiều tụy, chưa phải cuồng oanh. Cứ kể tha phụng trong lồng, nói là ý văn nhân cũng đúng, nhưng lại cướp giày bắt hứa, chẳng phải kẻ vô lại là gì? Cánh bướm qua tường, ngoài song có người có ý, giày sen rơi đất, trên thềm không tiếng không tăm. Trong cái giả nảy cái giả vì vậy, ngoài nỗi oan có nỗi oan ai tin? Leo tường cạy vách, làm nhơ áo mũ nhà nho, mượn mận thay đào, khó tan oán hòn kẻ sĩ. Vậy nên tha cho tội roi gậy, trừ vào lúc ở tù, tạm lột chức sinh viên, mở cho đường sửa nết.” .

Còn như Mao Đại là lưu manh ngoài chợ, du đãng không nhà. Bị đàn bà chửi cho lòng dâm tà chẳng dứt, thấy trẻ con lén lút, ý giặc cướp chợt sinh. Theo gió xoay chiều hân hoan chiếc dép, mong tương được rượu lú lẫn mùi hương. Chẳng noi đạo lý giữ gìn thiên đức, cứ theo ma quỷ táng tận lương tâm. Cưỡi phứa bè sao trộm vào cung Nguyệt, qua bừa rạch nhỏ lén tới nguồn Đào. Để cho lửa dậy núi tình, sóng dâng bể dục. Vung dao đâm thẳng, ném chuột không kiêng bể đồ, thế cùng chạy đâu, phỏng lửa chi nề giật củi. Khoét vách vào nhà, mũ Trương Lý đội, ném giày giá họa, lưới cá chim sa. Trường phong lưu lại nảy đám quỷ ma, làng ôn nhu há dung loài độc ác. Phải chém đầu một kẻ, để thỏa dạ bao người.

Về phần Yên Chi thì thân chưa hứa giá, tuổi mới cập kê. Xét phận tiên nơi Nguyệt điện, phải sánh với Ngọc lang, nhưng người cũ đội Nghê thường, chi buồn không kim ốc. Thế mà cám Quan thư lại ước hảo cầu, sớm tối mộng xuân vương vấn, oán mơ rụng luống mong cát sĩ, ý tình thiếu nữ mê man. Chỉ vì một mối si tình, tới nỗi lũ gian gây nghiệt. Kể sắc tài sợ mất Yên Chi, ngại duyên phận nghĩ thương Thu Chuẩn. Hài sen đã chẳng vẹn mùi hương, cửa sắt lại khôn bền giá ngọc. Lệ tương tư mòn vóc tương tư, tới cho gây họa, lòng tình nghĩa xót niệm tình nghĩa, khiến phải oán người. Cỏ thơm giữ tiết, ngọc trắng may còn lành, ngục tối chịu oan, áo xanh mừng vẫn sạch. Vui bấy trong phòng cự tuyệt, tấm băng trong vẫn giữ với tình quân, hay sao ném quả trao lòng, cuộc phong nhã còn truyền dài kỳ sự. Mong quan Tri huyện, làm kẻ mai dong”.

Vụ án kết thúc, xa gần đều truyền tụng. Từ sau khi ông Ngô phúc án, Yên Chi mới biết Ngạc hàm oan. Ra khỏi công đường thấy nhau thường nhìn Ngạc nuốt lệ, như có ý đau đớn hối tiếc nhưng chưa nói ra được. Ngạc cảm động vì mối tình của cô gái, cũng rất yêu kính, nhưng lại nghĩ nàng xuất thân hèn kém, vả lại cứ ra vào nha môn, hàng ngàn người dòm ngó chỉ trỏ, nếu cưới làm vợ e thiên hạ chê cười, cứ ngày đêm băn khoăn không dút khoát được, khi bản án được đưa xuống mới quyết ý. Quan huyện an ủi Ngạc về việc bị bắt oan, đưa trống tới mừng đám cưới của hai người.

Dị Sử thị nói: Hay làm sao! Xử kiện không thể không thận trọng vậy! Cho dù biết người này oan song ai biết kẻ kia cũng bị sự việc tuy mờ ám nhưng ắt cũng có đầu mối để nhận biết, nếu không suy xét cẩn thận thì không thể nhận ra được vậy! Than ôi! Người ta đều phục các bậc hiền minh xử án sáng suốt nhưng không biết họ dụng tâm lao khổ tới mức nào. Những kẻ trị dân trên đời cứ cuộc cờ chén rượu qua ngày, mão cao áo rộng coi việc, dân tình oan khổ cũng không chịu suy nghĩ, đến buổi gióng trống ra công đường làm việc thì ngất ngưởng ngồi cao, dân bên dưới kêu ca thì dùng roi gậy gông cùm bịt miệng, lạ gì trong chốn tối tăm còn nhiều nỗi oan khiên!

Tiên sinh Ngu Thi Sơn là thầy ta, lúc ta còn nhỏ vẫn trộm thấy mỗi khi ông khích lệ học trò thì áy náy như chưa nói hết ý, có ai hơi bị oan ức thì ra sức che chở giúp đỡ cho, không bao giờ ra oai ở học đường để dua nịnh những kẻ cầm quyền, đúng là bậc Hộ pháp trong đạo Khổng chứ không phải chỉ là kẻ chủ trì văn giáo một thời mà thôi, chấm văn không hề nghe lệnh ai mà nâng cao hạ thấp cả. Lại yêu người tài như tiếc mạng sống, các quan Học sứ ngày sau chỉ biết làm theo lệ cũ không sao bằng được . Có người danh sĩ vào trường thi, làm đề bài “Bảo Tàng dữ yên?” (Cùng với núi Bảo Tàng chăng?) lại nhớ lầm núi Bảo Tàng là sông, viết xong bài thi mới biết là lầm, nghĩ rằng thế nào cũng bị đánh rót, bèn viết thêm một bài từ rằng “Bảo Tàng ở trong núi, lại lầm thành bên sông. Đầu non cũng mọc cung Thủy tinh, san hô dài trên đỉnh, ngọc trai sáng bên cây. Quay nhìn thì trong non quả có kẻ chèo thuyền, cáo với trời xanh, đánh rớt cho rồi, để bè bạn xem chơi”. Tiên sinh đọc tới đó bèn họa rằng “Bảo Tàng trong đường núi, chợt trở thành bên sông, tiều phu cứ nói lời ông chài. Tuy bài làm sai đề, nhưng văn chương lại hay, đâu nỡ xếp dưới người? Vẫn nghe kẻ lên non sợ nguy hiểm, nào gặp người thấy sông rụng rời”, rồi vẫn lấy đỗ. Đó cũng là một chuyện phong nhã, một việc yêu tài của ông vậy.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận