Nửa đêm hôm đó, đang ngủ ông Tuất lại bị giật mình bởi tiếng người thì thào nói chuyện từ bên nhà bếp vọng lại giống như đêm hôm trước. Sau đó là tiếng vung nồi va chạm vào nhau kêu lên lẻng xẻng. Tiếng động hôm nay rõ ràng hơn của ngày hôm qua. Ông Tuất còn nghe được cả tiếng ken két như của một vật gì đó sắc nhọn cứa vào kim loại. Sau đó lại là những tiếng nhai nhóp nhép liên tục vang lên. Quá bực mình, ông Tuất lại lay gọi người phụ bếp dậy, khẽ bảo anh ta bí mật đi gọi những tên gia nhân trên nhà xuống, hôm nay ông phải quyết bắt bằng được xem là người hay cái giống ma quỷ gì mà đêm đêm lại lục bếp ăn vụng như vậy.
Cửa ra vào của nhà bếp vẫn được khoá chặt từ bên ngoài, ông Tuất vòng về phía bên hông của căn nhà nơi có cái cửa sổ cao ngang đầu người lớn. Đó là lối ra duy nhất trừ cửa ra vào nếu muốn thoát ra ngoài. Đợi khi mấy tên gia nhân trong nhà lặng lẽ đi xuống đến cửa bếp, họ đã được ngừoi phụ bếp dặn trước nên bước đi rất cẩn thận không gây ra bất cứ một tiếng động nào. Lúc này phía trong nhà bếp tiếng nhai vẫn đang không ngừng vang lên. Ông Tuất gia dấu cho mấy người đứng ở trước cửa mở cửa trước xông vào, ông cũng đẩy cánh cửa sổ trước mặt mình ra rồi la lớn:
“Là kẻ nào ở trong đó?”
Ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ, rọi thẳng vào mặt người đàn ông lúc này đang liên tục kháo một củ cà rốt còn sống. Phía dưới chân người đó, lộn xộn một đống rau củ đã bị cắn cho nham nhở. Ông Tuất không dấu nổi sự kinh ngạc thốt lên:
“Trời ơi, cậu Ba Thành!”
Phải, người đàn ônt trong bộ dạng kì dị đang ăn vụng trong bếp lúc này chính là cậu ấm của gia đình bá hộ Chấn, cậu Ba Thành. Nếu như không phải qua bộ quần áo đang mặc trên người, chắc ông Tuất cũng không dám tin người này lại là cậu chủ nổi tiếng hách dịch của mình. Ba Thành ngước mặt lên nhìn ông Tuất, củ cà rốt trên tay rơi xuống đất, cậu cười vẻ mặt ngờ nghệch rồi bảo:
“Đói. Tôi đói quá.”
Ông Tuất vội vòng chạy vào trong bếp, đỡ Ba Thành ra ngoài. Đèn trong phòng lúc này đã được mấy tên gia nhân thắp lên. Khắp người Ba Thành dính đầy bụi đất, không biết cậu ta đã chui ra từ đâu. Ông Tuất lúc này mới sực nhớ, rõ ràng hồi tối trước khi ra khỏi bếp ông đã cẩn thận kiểm tra khắp lượt một vòng, tính ông cẩn thận đến cả một con ruồi còn chẳng thể lọt qua, ban nãy khi mọi người đến đây cửa căn phòng vẫn được khoá trái, vậy Ba Thành đã vào phòng từ lúc nào? Hay là từ chiều đến giờ cậu thực sự vẫn chưa ra khỏi phòng? Cả hai điều này đều hoàn toàn vô lý.
“Cậu Ba Thành, cửa bếp vẫn khoá cậu vào trong này bằng cách nào vậy?”
Ba Thành không trả lời câu hỏi của ông Tuất, chỉ cười ngờ nghệch rồi bảo:
“Tôi đói quá. Có gì cho tôi ăn không?”
Ông Tuất ra dấu cho một tên gia nhân chạy lên nhà gọi ông bà chủ dậy, hồi tối tìm không thấy cậu nên ai cũng lo lắng. Rồi ông bảo Ba Thành ngồi vào bàn ăn đợi, ông vào bếp để nấu đồ ăn. Rút kinh nghiệm từ đêm hôm qua, trong bếp không còn sẵn thứ gì có thể ăn được, ông Tuất chỉ nấu vội bát mì chay thứ mà ngày thường sẽ không bao giờ Ba Thành đụng tới. Ấy vậy mà hôm nay, khi tô mì vừa được mang ra, cậu ta vồ lấy ăn lấy ăn để bất chấp tô mì vẫn đang còn nóng hổi. Cứ như thể cậu đã bị bỏ đói từ rất lâu rồi vậy. Ông bà Chấn và mợ Nhài lúc này hay tin cũng vội tới nới, thấy Ba Thành bưng cái tô mì chay lên hút cạn cả nước, rồi còn liếm miệng tỏ vẻ thèm thuồng mà ai nấy há miệng ngạc nhiên. Rất nhiều đồ điểm tâm và hoa quả được mang tới, Ba Thành cứ thế liên tục mà thồn vào trong miệng, hai tay cứ thay nhau mà bốc, tiếng nhai nhóp nhép cứ thế phát ra. Ông Tuất khẽ rùng mình, vì âm thanh tiếng nhai này, chính là thứ mà ông nghe được ở phòng mình hai hôm nay.
Sau khi ăn hết tất cả đồ ăn được mang tới trước con mắt kinh ngạc của tất cả mọi người, Ba Thành lúc này dường như mới cảm thấy thoả mãn, cậu khẽ ợ lên một tiếng rồi lại ngồi co mình vào trong chiếc ghế. Người ngồi đó, từ đầu tóc, quần áo, mặt mũi rõ ràng đều là của Ba Thành, nhưng cái dáng vẻ thì trông giống như một người nào hoàn toàn khác. Cậu Ba Thành trước nay vốn tính ngang tàng không biết kiêng nể ai bao giờ, ấy vậy mà nay lại ngồi rụt rè trên ghế, ánh mắt lấm lét hết nhìn người này lại nhìn người kia như đang sợ hãi.
Bà Chấn thấy bộ dạng của con như vậy thì quay qua quát lũ gia nhân trong nhà:
“Tiên sư chúng mày, tốn tiền tốn của nuôi chúng mày làm gì cho lắm mà để cậu ra nông nỗi này hả? Còn đứng lì ra đó làm gì, không mau đỡ cậu về phòng nghỉ ngơi. Cứ đợi đó mai bà sẽ xử lý hai tên hầu cận cậu cho ra nhẽ.”
Nghe tiếng bà quát, hai tên hầu thân cận của Ba Thành vội chạy lại, mỗi tên một tay đỡ cậu đứng dậy kéo ra cửa phòng. Ba Thành dằng tay chúng ra vẻ mặt vẫn lộ vẻ sợ sệt cứ ôm ghì lấy cái chân bàn ăn. Nhưng sức của cậu không lại được với hai tên lực điền vạm vỡ, mỗi tên một bên tay đỡ cậu dậy, chúng liên miệng nói:
“Chúng con xin cậu, mời cậu về phòng kẻo bà đánh bọn con chết.”
Ba Thành không chống cự được đành để mặc sức chúng kéo mình lên nhà trên, mọi người thấy vậy cũng kéo nhau về phòng. Nãy giờ mọi người chỉ chú ý vào Ba Thành mà không ai để ý, phía dưới gầm bàn ăn, tấm khăn trải bàn có một bàn tay vô hình khẽ vén nó lên, để lộ bên trong khoảng tối của gầm bàn là ba cặp mắt đỏ lòm như máu đang nhìn mọi người không hề chớp mắt.
Hai tên gia nhân dẫn Ba Thành vào trong phòng riêng của cậu và mợ Nhàn, tiếp sau đó mợ Nhàn cũng bước vào, ra hiệu cho mọi người ra ngoài rồi đóng cửa lại. Chỉ còn lại hai người trong phòng, mợ Nhài kéo tay chồng lại giường rồi nhẹ nhàng nói:
“Kìa mình sao còn đứng đó? Muộn rồi đi ngủ thôi có gì mai tính tiếp.”
Ba Thành giằng tay của vợ ra, ngồi khép nép vào một góc giường, ánh mắt nhìn Nhài đầy sợ sệt. Khi một lần nữa Nhài giục đi ngủ, Ba Thành đứng dậy chui vào gầm bàn rồi nằm co ro ở trong đó. Nhài thấy vậy muốn kéo chồng ra, nhưng Ba Thành khoát tay của mợ đi mà nói:
“Tôi… tôi ngủ ở đây được rồi. Tôi không muốn ngủ chung.”
Thấy hành động lạ lùng của chồng, Nhài bật khóc rồi bảo:
“Kìa mình, em có làm gì sai thì mình dạy bảo lại, chứ làm sao mà lại xa lạ với em như thế.”
Thấy mợ Nhài khóc, Ba Thành chỉ lắc đầu nguầy nguậy rồi lắp bắp:
“Không… không… tôi… tôi…”
“Thôi, mình không muốn ngủ chung với em cũng được. Mình lên giường nằm đi, em qua ngủ với con.”
Mợ Nhài nói rồi gạt nước mắt đứng dậy, mở cửa bước ra khỏi phòng.
Sáng sớm ngày hôm sau,Nhài mở cửa phòng để kiểm tra xem Ba Thành đã dậy hay chưa thì tá hoả khi thấy cả căn phòng đồ đạc đã bị lục tung lên như một bãi chiến trường. Tất cả quần áo, giấy tờ đồ dùng đều được vứt ngổn ngang dưới nền nhà. Ba Thành vẫn đang mò mẫm tìm kiếm một thứ gì đó. Mợ Nhài liền la lớn lên:
“Trời ơi mình, mình đang kiếm cái gì vậy?”
Tiếng la của mợ Nhài khiến ông bà Chấn ở phòng bên nghe thấy cũng vội mở cửa bước ra xem. Ba Thành lúc này vẫn đang liên tục tìm kiếm khắp căn phòng, thấy Nhài liền hỏi:
“Cô có biết gạo và tiền của chúng tôi được cất ở đâu không?”
Mợ Nhài chạy vào túm lấy hai tay của Ba Thành ngăn cho cậu ngừng lục lọi mà bảo:
“Trời ơi, mình cần gì thì bảo với em một tiếng em kêu gia nhân đi lấy, sao lại lục tung cả phòng lên thế này.”
Ba Thành vẫn lặp lại câu hỏi cũ:
“Cô có thấy gạo và tiền của chúng tôi ở đâu không?”
Mấy ngày gần đây những chuyện kì lạ liên tục xảy ra làm mợ Nhài điên đầu không biết nên làm gì nữa. Biết Ba Thành đang mất bình tĩnh nên mợ lấy cái túi dắt bên hông lấy hết tiền trong đó ra dúi vào tay Ba Thành rồi nói:
“Đây, đây, tiền của mình đây. Mình cần nữa thì em sẽ đưa thêm cho mình. Còn gạo mình lấy làm gì, mình đói thì đi em dẫn mình xuống bếp ăn cơm.”
Ba Thành nhìn thấy tiền thì nét hớn hở hiện rõ trên khuôn mặt, cậu nhanh vo hết mấy tờ tiền lại rồi nhét vội vào trong cạp quần ngủ như sợ ai đó sẽ lấy đi mất vậy. Ông bà Chấn đứng ngoài nhìn rõ từ đầu đến giờ, lắc đầu ngán ngẩm không biết nên nói gì. Sau khi mợ Nhài dắt Ba Thành xuống bếp để ăn cơm, hai ông bà mới kéo nhau vào phòng. Bà Chấn thở một hơi dài thườn thượt rồi mới nói:
“Ông ơi, cái chuyện gì đang xảy ra ở nhà mình vậy ông? Mấy hôm nay sao toàn chuyện gì đâu không à. Đầu tiên là đồ ăn tự dưng bị thiu bị thối, rồi cả tôi cả thằng An bị tím bầm hai chân mà không hiểu lý do. Giờ lại thêm thằng Ba Thành nữa, ông xem nó thành ra bộ dạng gì rồi kìa.”
Ông Chấn cũng lo lắng không khác gì vợ mình. Ông khẽ lên tiếng:
“Này bà, mấy hôm nay tôi cũng cứ suy nghĩ mãi. Bà còn nhớ lời nói của ông thầy lang hôm khám bệnh cho bé An không?”
“Ý ông là ông ta bảo nhà mình có tà khí ấy à?”
“Đúng vậy. Những chuyện này thật không thể lý giải được, nên tôi cũng đang nghĩ có khi nhà mình dính phải chuyện tâm linh gì rồi không. Hôm trước ông thầy lang nói như thể ông ta có biết gì về vấn đề này, hoặc không thì cũng sẽ biết người am hiểu chuyện này. Mọi chuyện đều bắt đầu từ trong bếp, thì ông Tuất là người nắm rõ nhất. Bây giờ bà kêu ông ta đến nhà ông thầy lang kia thuật lại toàn bộ mọi chuyện, rồi mời ông ta đến đây để xem bệnh cho thằng Ba Thành, nếu có quen biết ai rành về chuyện ma quỷ thì nhờ tới xem giúp luôn. Ý tôi vậy, bà thấy thế nào?”
Bà Chấn gật đầu liên tục, đây cũng chính là những gì bà đang muốn. Bà sai gia nhân xuống bếp gọi ông Tuất lên trên nhà để giao nhiệm vụ, không quên dặn ông phải bí mật chuyện này không được để động đến vợ chồng cậu Ba Thành.
***
9 giờ sáng, trong chợ đã dần vãn khách, mấy bà bán hàng vặt vẫn còn ngồi nán lại cố câu kéo thêm được ít nào hay ít đấy. Lúc này rảnh rang, mấy bà bắt đầu tám chuyện. Một bà bán rau vừa phe phẩy cái mo cau trên tay vừa cất giọng ra vẻ bí mật:
“Này các bà, các bà có biết tin gì chưa?”
Ngay lập tức những bà bên cạnh bắt đầu nhao nhao lên:
“Chưa. Có tin gì thế hở bà?”
“Bà hỏi thế thì bố ai biết đường nào mà lần.”
“Có gì bà mau nói nhanh đi sốt hết cả ruột.”
Bà ban nãy ra vẻ bí hiểm, ngồi giữa chợ mà kể chuyện nhưng mắt vẫn nhìn quanh quất như sợ có ai nghe thấy cái bí mật mà mình sắp kể vậy. Rồi bà ta hạ giọng xuống bảo:
“Tôi nghe đồn, trong phủ nhà bá hộ Chấn gần đây bị ma ám đó.”
“Ôi chao có thật không đó? Danh ông bà Chấn đến hà bá nghe đến còn sợ thì ma quỷ nào dám ám?”
Một người lên tiếng phản pháo lại. Bà ban nãy khẽ bĩu môi rồi lại tiếp tục:
“Thôi thôi bà không biết thì im đi tôi kể cho mà nghe này. Thông tin chính xác đó, tôi được chính bà Tư bếp nhà đó kể lại mà. Ngày nào bà ta đi chợ chả ghé hàng của tôi để nhiều chuyện.”
“Thế chuyện nó ra đầu đuôi làm sao bà kể nhanh đi xem nào.”
“Chuyện này li kì lắm. Bắt đầu vào khoảng ba ngày trước ở trong bếp của nhà ông Chấn. Tự dưng đồ ăn vừa nấu xong liền tay chưa ai đụng đũa đã bị thối hết không thể ăn được. Mà kì lạ là cùng một nồi nấu ra, phần múc ra bát để trên bàn ăn thì bị hỏng, chỗ còn lại để trong bếp thì không việc gì. Nhưng đến đêm thì đồ ăn thừa để trong bếp cùng với rau củ chưa nấu qua một đêm đều bị thối hỏng bằng sạch. Chưa hết đâu nhé, nửa đêm chính ông Tuất trưởng bếp nhà đấy nghe thấy tiếng người nói chuyện rồi ngồi ăn uống vui vẻ với nhau trong nhà bếp, tưởng là gia nhân ăn vụng, nhưng khi đẩy cửa bước vào thì lại không hề có ai. Đấy các bà bảo chứ không phải ma thì là gì?”
Kể đến đây thì bà ta dừng lại, đưa mắt nhìn một lượt khắp những bà bạn của mình đang chăm chú lắng nghe không bỏ sót một từ nào. Ai nấy đều gật gù xác nhận, kì lạ như vậy thì chỉ có ma quỷ chứ còn cái giống gì vào đây nữa. Vẫn là bà cụ lúc nãy lại lên tiếng tiếp:
“Như thế vẫn còn chưa hết đâu nhé. Mới sáng sớm đây thôi, bà Tư bếp còn kể với tôi một chuyện đáng sợ hơn thế nhiều. Chả là chiều ngày hôm qua cậu Ba Thành nhà đó kêu đói rồi xuống bếp tìm đồ ăn, mà đồ cứ hở ra cái là ma quỷ nó làm cho thối bằng hết thì lấy đâu ra, đúng không? Thế là cậu ta mới ngồi đợi ở cái bàn trong phòng ăn, ông Tuất vào bếp nấu. Khi nấu đồ ăn mang ra thì không thấy cậu Ba Thành đâu nữa. Mà cái cậu Ba Thành nhà ông Chấn nổi tiếng là ngang tàng hách dịch có ai là lạ nữa, nên việc cậu ta thích thì đòi ăn không thích thì không ăn nữa có gì mà lạ. Ông Tuất cũng cứ tưởng là cậu ta đổi ý nên cũng không thắc mắc gì. Ấy vậy mà đến tận tối vẫn không ai thấy cậu Ba Thành đâu cả, cửa nhà thì có gia nhân canh gác ngày đêm, con ruồi cũng chả lọt qua được. Cậu Ba Thành giống như là đã tự bốc hơi ra khỏi phủ nhà vậy. Đùng một cái, nửa đêm lại phát hiện ra, cậu Ba Thành đang ăn vụng đồ trong nhà bếp. Mà lúc đó cửa bếp vẫn đang được khoá chặt từ bên ngoài. Lúc tìm thấy, nghe bảo là cậu ấy cứ dở dở ương ương giống như là một người hoàn toàn khác vậy.”
Một số người bày tỏ ý kiến bán tín bán nghi. Chuyện ma quỷ vẫn nhan nhản ra nghe kể mỗi ngày, nhưng nào có ai được đến tận nơi mà kiểm chứng bao giờ. Lúc này một bà cụ bán hàng tương ngồi ở sát gian hàng bán đồ ăn mới lên tiếng:
“Chuyện này là có thật đó các bà ơi. Chính ông lang nhà tôi ba ngày trước đã được mời đến phủ nhà bá hộ Chấn để xem bệnh cho đứa con trai vừa lên ba của cậu Ba Thành. Ông ấy về kể, đứa bé tự dưng xuất hiện nhiều vết bầm tím trên chân giống như là bị ai cấu véo vậy đó. Mà con trai của Ba Thành, có ăn gan hùm cũng chẳng ai dám động vào. Khi ông nhà tôi lấy trứng luộc để lăn trên vết thâm đó, thì bên trong lòng đỏ quả trứng chuyển qua màu đỏ sậm như màu máu. Đó là trúng tà rồi chứ còn gì nữa.”
Lần này thì các bà tin thực sự. Vì ai chứ riêng ông thầy lang và vợ, trước nay chưa từng ăn không nói có bao giờ. Hôm nay đích thân bà lang kể lại, thì chuyện này chắc chắn là phải có. Mỗi người lại xì xào một câu, lời qua tiếng lại câu truyện cứ thế mà được kéo dài mỗi lúc một rôm rả.
Trong một sạp bán đồ ăn giữa chợ được che tạm bằng mái tranh, một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế dài vừa chậm rãi ăn một tô mì chay, vừa lắng nghe câu chuyện của mấy người đàn bà không sót một chữ nào. Người đàn ông ấy tầm 50 tuổi, vẻ mặt quắc thước, mắt sáng, hai hàng lông mày rậm sắc nét, chòm râu dài đã điểm hoa râm,nước da hồng hào, tướng người thanh thoát. Ông mang theo một chiếc tay nải bằng vải gọn gàng trên vai. Chỉ đi một mình nhưng vào quán ông gọi liền một lúc hai tô mì chay. Ông ăn một tô, còn một tô để ở phía đối diện mình. Bà chủ quán thấy vậy thì thắc mắc lắm nhưng không dám hỏi.
Trời đã dần về trưa, chợ mỗi lúc một vắng hơn. Câu chuyện rôm rả của mấy người đàn bà lúc này cũng đã ngớt, ai nấy đều chuẩn bị quang gánh để ra về. Người đàn ông gọi bà chủ thanh toán tiền hai tô mì, bà ta nhìn ông ái ngại:
“Sao quan bác đi một mình mà lại gọi một lúc liền hai tô vậy ạ? Còn chưa đụng đũa nhưng mà vẫn phải trả tiền đấy nhé.”
Người đàn ông cười hiền từ rồi bảo:
“Ồ không sao, tôi đã gọi là sẽ trả tiền mà. Còn tô này phiền bà chủ đem bỏ giùm tôi nha.”
Bà chủ quán khẽ lắc đầu thở dài:
“Cái thời buổi khó khăn kiếm miếng ăn còn vất vả mà quan bác làm vậy thì phí quá.”
Người đàn ông không nói gì nữa, chỉ trả tiền rồi cắp tay nải lên vai chuẩn bị rời đi. Lúc này, mấy người đàn bà bán hàng cũng quảy gánh ra về. Người đàn bà tự xưng là vợ ông thầy lang ban nãy không biết sơ ý thế nào mà xoay quang gánh, va phải một cậu thanh niên trẻ đi đường, ngã dúi dụi xuống đất, nước tương trong gánh hàng đổ tung toé ra đất, đổ cả lên bộ quần áo của người kia. Sau khi bị ngã, bà liền ôm lấy cổ chân mà rên rỉ:
“Ôi trời đất ơi, đau chết tôi mất. Chắc gãy chân tôi rồi.”
Thấy bà bị đau là thế mà người kia không những không đỡ dậy hỏi thăm, mà anh ta đằng đằng sát khí chỉ tay thẳng mặt bà mà quát lớn:
“Này bà kia, đi đứng có mắt nhìn không thế hả? Đổ hết cả tương ra hỏng bộ đồ mới của người ta rồi. Bà có biết bộ đồ này bao tiền không hả?”
Người đàn bà thấy vậy thì không còn rên rỉ nữa, vẻ mặt nhăn nhó vì đau, bà ta nhìn cậu trai trẻ mà phân trần:
“Xin lỗi cậu tôi không để ý nên mới xoay cái gánh rồi va phải cậu, mà cũng tại cậu đi đứng vội vàng nên không nhìn thấy tôi mà tránh kịp đấy chứ. Tôi cũng bị đau mà còn bị đổ nước tương nữa, thôi xem như bỏ chín làm mười, mỗi người chịu thiệt một chút vậy.”
“Này, bà ăn nói cho đúng vào nha. Đang đi tự dưng xoay gánh đụng trúng người tôi còn kêu không tự tránh hả? Chai nước tương của bà đáng mấy xu, bà biết bộ quần áo này của tôi bao nhiêu tiền không? Nó là vải lụa tơ tằm cao cấp, được kéo sợi và dệt bởi những nghệ nhân nổi tiếng. Bộ quần áo này tôi đã phải đặt từ làng kéo sợi truyền thống ở Thăng Long gửi vào. Bây giờ bà làm hỏng rồi, đền cho tôi 20 đồng rồi tôi bỏ qua cho, bằng không hôm nay bà không xong với tôi đâu.”
Người đàn bà nghe nhắc đến số tiền là 20 đồng cho một bộ quần áo thì giật mình kinh hãi. Bà lắp bắp trong miệng:
“Ôi trời ơi, một bộ quần áo đến tận 20 đồng. Tôi… tôi không có tiền đâu. Cậu xem cả gánh hàng tương của tôi chỉ đáng mấy hào, tôi kiếm đâu ra nhiều tiền vậy để đền cho cậu bây giờ.”
“Không có tiền thì theo tôi lên quan. Rồi bà về làm trâu làm ngựa cho tôi mà trả nợ dần.”
Người đàn bà cúi lạy cậu thanh niên trẻ như tế sao, miệng cầu xin rối rít:
“Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy cậu, cậu tha cho tôi. Chuyện không may sảy ra tôi cũng đâu có muốn. Xin cậu tha cho thân già này… “
Người xem mỗi lúc một đông nhưng không ai dám lên tiếng bênh vực người phụ nữ cả. Bởi lẽ không ai là lạ mặt với người thanh niên này. Gã là con của chủ chợ, dây vào gã là xem như mất đường làm ăn. Lúc này, người đàn ông lạ mặt trong quán mới lại gần mà lên tiếng:
“Cậu trai trẻ này, giữa ban ngày ban mặt đi bắt nạt một người đáng tuổi mẹ mình như vậy không thấy xấu hổ sao?”
Cậu ta quay qua nhìn người đàn ông lạ trước mặt mình, gườm gườm rồi nói:
“Ở đây không có việc của ông, mau biến đi.”
Người đàn ông sắc mặt không hề thay đổi, vẫn điềm tĩnh mà nói tiếp:
“Ta chỉ là một người khất thực đi qua đây, thấy chuyện bất bình nên muốn đứng ra hoà giải đôi chút không được sao?”
“Nếu ông muốn lo chuyện bao đồng thì bỏ 20 đồng ra trả thay bà ta rồi thích nói gì hẵng nói. Còn không có tiền thì câm và cút.”
Người đàn ông cất giọng cười hào sảng, đưa tay vuốt bộ râu của mình chậm rãi nói:
“Bộ quần áo này của cậu mà đáng giá 20 đồng sao? Cậu không đùa ta đấy chứ?”
“Bộ đồ này là loại lụa tơ tằm thượng hạng nhất, ta e là cả đời này lão còn chưa được nhìn thấy bao giờ đâu, đừng có mà già mồm.”
Người đàn ông lắc đầu mà bảo:
“Bộ đồ này của cậu, mới nhìn qua thấy vải bóng mượt rất đẹp thì ai cũng nghĩ là lụa quý. Nhưng thực chất, nó không phải là lụa tơ tằm nguyên chất, mà là lụa pha giữa sợi tơ tằm và sợi bông, thực sự không có giá trị.”
Cậu thanh niên khuôn mặt bừng đỏ vì giận, chỉ tay thẳng mặt người đàn ông mà quát lớn:
“Ông nói láo. Một kẻ lang thang như ông thì biết gì về tơ lụa mà đòi nói chuyện với ta hả?”
Qua thái độ, người đàn ông biết cậu ta đã bị công kích thành công, quay qua đám đông đang xúm lại để theo dõi sự việc mà nói lớn:
“Bà con ở đây làm chứng cho, nếu như bộ đồ này của cậu đây mà là lụa tơ tằm nguyên chất, tôi sẽ thay mặt bà đây đền cho cậu 20 đồng. Còn nếu không phải, thì cậu đây sẽ không nhận được một đồng nào hết, mà còn phải xin lỗi bà đây. Sao, cậu có đồng ý không?”
Ông vừa dứt lời thì trong đám đông có một người hỏi lại:
“Vậy làm thế nào để phân biệt được lụa thật hay là lụa pha?”
“Chuyện này dễ thôi. Lụa tơ tằm được dệt từ những sợi tơ tằm nguyên chất có độ bóng, mịn và có ánh kim. Nếu nhìn từ nhiều góc độ ánh sáng khác nhau, vải lụa sẽ óng ánh, bóng bẩy một cách lạ kì. Bộ đồ của cậu đây, thoạt nhìn thì sẽ thấy rất bóng mịn, nhưng lại không hề óng ánh mặc dù đang đứng ở dưới nắng. Điều này cho thấy, vải từ tấm áo của cậu là vải lụa pha giữa sợi tơ tằm và sợi bông, không phải lụa tơ tằm nguyên chất như cậu đã nói.”
Mọi người phía sau bắt đầu ồ lên. Câu thanh niên ban nãy lại gằn giọng:
“Lấy gì làm bằng chứng những gì ông nói là đúng? Chả nhẽ chỉ vài lời ông nói là chúng tôi phải tin sao?”
“Còn một điều này nữa. Lụa tơ tằm có nguồn gốc 100% từ sợi tơ của con tằm, có nguồn gốc từ động vật, khi đốt sẽ có mùi khét như mùi tóc cháy. Tro sau khi đốt sẽ thành muội than, dùng tay bóp sẽ tan nhanh ra chứ không hề bị vón cục. Lụa pha có cả thành phần là sợi bông, khi đốt sẽ có mùi như mùi giấy cháy, tro đốt sẽ bị vón cục như quần áo thông thường. Bây giờ nếu cậu muốn thử thì cắt thử một mẫu từ bộ đồ trên người, nếu đúng tôi sẽ đền cậu 20 đồng, không đúng thì cậu hãy xin lỗi bà đây. Bộ đồ đó kể cả có phải là lụa tơ tằm đi chăng nữa, cũng không bao giờ đến 20 đồng đâu. Cậu chỉ có lời mà không có lỗ.”
Cậu thanh niên lúc này mặt đỏ tía tai, hai tay nắm chặt vào với nhau gầm gừ trong cổ họng:
“Ông già, ông chán sống rồi phải không? Dám dây vào ta sao?”
Vừa nói cậu ta vừa hùng hổ lao tới định tấn công người đàn ông trước mặt. Ông không hề nao núng, chỉ mỉm cười đứng yên. Đang sẵn đà lao tới, không hiểu sao tự dưng cậu thanh niên kia lại ngã sấp mặt nằm sõng soài ra mặt đất, giống như là bị ai đó ngáng chân vậy. Mọi người thấy vậy thì không khỏi bật cười. Giận quá hoá thẹn, cậu ta lồm cồm ngồi dậy, tay dơ nắm đấm nhằm thẳng hướng ngừoi đàn ông mà hướng tới. Không hề nao núng, ông ta đưa tay lên là đã nắm trúng cổ tay của người thanh niên trẻ mà giữ lại. Vẻ mặt ông không hề thay đổi, đôi mắt sáng quắc, cương nghị nhìn thẳng vào mắt của cậu ta mà nói chậm rãi từng từ một:
“Cậy trẻ ăn hiếp người già, ngươi đáng tội gì?
Cậy có tiền xem thường, hiếp đáp những người dưới mình, ngươi đáng tội gì?
Ăn gian nói dối, không nói thành có, ngươi đáng tội gì?”
Ánh mắt của người đàn ông như thôi miên chàng trai trẻ, cậu ta cảm thấy như trong khoảnh khắc này ông có thể nhìn thấu rõ vào tận tâm can mình. Tuy bề ngoài ông chỉ nắm nhẹ ở cổ tay cậu giữ lại, nhưng thực chất bên trong như có một sức mạnh vô hình đang giữ lấy cánh tay, toàn thân cậu ta bất động, cánh tay tê cứng. Từng lời nói như có tiếng sấm vang trong đầu. Người đàn ông trước mặt cậu ta đây, rõ ràng không phải là một người bình thường.
Nói xong thì ông bỏ tay của mình ra, cậu trai trẻ bấy giờ mới quay trở lại bình thường. Đưa tay còn lại xoa xoa cổ tay vừa bị nắm, xong đó cậu ta thay đổi thái độ khiến ai nấy đều ngạc nhiên:
“Tôi biết lỗi của mình, sau này sẽ không dám như thế nữa.”
Người đàn ông đưa mắt nhìn về phía người phụ nữ nãy giờ vẫn đang ngồi dưới đất xoa xoa cổ chân đã sưng tấy đỏ lên. Hiểu ý cậu thanh niên vội chạy lại đỡ bà ta dậy rồi nói:
“Thím à, thím có bị làm sao không? Ban nãy là do tôi sai, tôi xin lỗi thím. Đây, tôi đền thím tiền thuốc và tiền chỗ tương bị đổ. Thím cầm lấy. Tôi… tôi có việc phải đi đây.”
Nói rồi cậu ta thò tay vào túi móc ra một xấp tiền giấy, còn không thèm đếm cứ thế dúi vào tay người phụ nữ rồi một mạch chạy chối chết. Thái độ của cậu ta thay đổi đến chóng mặt. Chỉ có người đàn ông là đứng đó, tay khoan thai vuốt râu nhìn theo dáng vẻ của cậu thanh niên vừa chạy đi bất giác khẽ nở một nụ cười.
Lúc này thấy chẳng còn gì để xem nên đám đông đã nhanh chóng tản ra. Người phụ nữ vội chắp tay cúi lạy người đàn ông trước mặt mình mà cảm ơn rối rít.
“Tôi cúi lạy cảm ơn quan bác, cũng may là có bác mà mọi chuyện mới được giải quyết, chứ không thì tôi không biết lấy tiền đâu mà đền cho cậu ta.”
“Chị đừng khách sáo, tôi đi qua thấy chuyện bất bình nên giúp thôi. Hôm nay nếu không phải là tôi, thì người khác cũng sẽ giúp mà. Mà nhà chị ở đâu, chân chị hình như là bị bong gân rồi phải đến tìm thầy thuốc thôi.”
Người đàn bà chỉ vào con đường trước mặt rồi nói:
“Nhà tôi ở trong con ngõ này, cũng không xa lắm. Ông nhà tôi là thầy thuốc, tôi sẽ về nhà để ông ấy xem là được rồi. Một lần nữa xin cảm ơn quan bác nhiều ạ.”
Nói rồi bà ghé vai xuống tính quảy cái gánh lên đi về nhà, nhưng cổ chân của bà bị đau cộng thêm gánh hàng tương nặng nên xoay sở mãi mà không bước đi được. Người đàn ông đỡ lấy quang gánh của bà rồi khẽ bảo:
“Tôi cũng không vội, để tôi gánh giúp chị về nhà rồi đi cũng không muộn.”
Người đàn bà nhìn ông ái ngại, nhưng đúng là bây giờ một mình bà không thể tự xoay sở mà về được.
“Đành làm phiền quan bác vậy. Trời cũng đã trưa rồi, về nhà tôi nấu cơm để mời quan bác một bữa xem như là để cảm tạ cho tôi đỡ áy náy có được không?”
Người đàn ông gật đầu rồi lặng lẽ quảy đòn gánh lên vai, thẳng hướng con đường mòn trước mặt mà bước tới.