Hai người đi thẳng sâu vào trong con ngõ, một lát sau thì có một xóm nhỏ hiện ra trước mặt. Khác với sự ồn ào tấp nập ở ngoài chợ, xóm này có vẻ tiêu điều vắng vẻ hơn nhiều. Dọc hai bên đường là những mảnh ruộng bỏ hoang, đất khô nứt nẻ. Cây cối bên đường cũng nhuộm một màu héo úa. Ở ngay đầu xóm là một ngôi chùa nhỏ nằm im lìm không thấy có người đến viếng. Chỉ thoáng nghe bên trong có tiếng mõ vang lên đều đều. Đi qua cửa ngôi chùa rồi người đàn ông vẫn cố ngoái đầu lại nhìn. Đi sâu vào trong thêm một đoạn nữa thì bắt đầu có lác đác vài ngôi nhà tranh tre xiêu vẹo, những đứa trẻ con cởi chuồng cũng chẳng buồn chạy nhảy mà ngồi tựa lưng vào cửa nhìn ra bên ngoài như đang hóng mẹ đi chợ về. Tò mò người đàn ông cất tiếng hỏi bà lang:
“Ở đây ruộng đất không có nước để cấy cày sao hả bà? Ruộng thì bỏ không mà xóm làng lại tiêu điêu thế này?”
Bà lang chống que củi xuống đất để làm gậy, vừa tập tễnh đi những bước khó nhọc vừa nói:
“Cái xóm chùa này nằm ở vùng trũng, mùa mưa thì ngập lụt, mùa hanh thì laị hạn hán. Trước đây người ta cũng có cấy cày nhưng gần như năm nào cũng mất trắng rồi đói rã cả ra nên gần đây chẳng có ai cày cấy nữa bác ạ.”
“Chết thật, làm nông chỉ trông chờ vào ruộng đồng để có gạo ăn mà ruộng bỏ hoang thế này thì còn biết trông vào đâu?”
“Thì người lớn bỏ hết đi làm thuê rồi ở đợ cho nhà giàu có kiếm được đồng nào hay đồng đó. Chứ cứ bám vào ruộng chỉ có nước chết đói thôi. Bác không biết chứ ba năm trước ở đây hạn hán kéo dài cả năm, tiếp theo sau đó lại lụt lội triền miên. Xóm này có đến mấy chục người chết đói. Sau bận đó những ai còn sống đều quyết không bám vào ruộng nữa bác ạ. Mà có phải mất trắng rồi thôi, hằng năm vẫn còn đủ thứ sưu thuế phải đóng nữa đó chứ.”
“Thế ở đây không có đào kênh mương để dẫn nước vào đồng mùa hạn, rồi thoát nước ra mùa mưa hay sao?”
“Ôi dào, cũng nghe phong phanh triều đình có cấp ngân lượng để làm từ lâu rồi mà chờ mãi có thấy đâu bác. Chúng tôi dân đen bé họng nào biết kêu ai bây giờ. Như ba năm trước hạn hán mọi thứ đều chết cháy chết khô, cũng nghe nói triều đình mở ngân khố cứu trợ, chúng tôi chờ hoài chờ mãi đến tận bây giờ vẫn không thấy đồ cứu trợ đâu. Ai không chịu được thì chết, ai sống cũng lay lắt không ra nổi hồn người.”
Đưa mắt nhìn khắp cảnh làng xóm tiêu điều, người đàn ông khẽ nén một tiếng thở dài. Bà lang chỉ vào ngôi nhà tranh đang bốc khói nghi ngút từ phía sau nhà rồi bảo:
“Đến nhà tôi rồi. Mời quan bác vào trong đây. Chắc ông nhà tôi đang sao thuốc ở phía sau, ông ấy là thầy lang nhưng dân ở đây vẫn còn nghèo lắm, chủ yếu bốc thuốc giúp người kiếm vài hào lẻ sống qua ngày thôi. Trong nhà chẳng có gì quan bác đừng chê cười nhé.”
Người đàn ông đưa mắt nhìn căn nhà khắp một lượt trước khi bước vào. Bất giác hai hàng lông mày của ông hơi nhíu lại.
Theo bà lang bước qua cái cổng tre tiến vào trong sân, người đàn ông đặt quang gánh xuống rồi từ từ tiến vào trong nhà. Bên trong nhà lúc này đang có khách. Ông lang vừa liên tục đảo chỗ lá thuốc trên cái chảo gang ở bếp vừa nói chuyện với một người đàn ông khác. Thấy vợ về lại chống gậy bước đi tập tễnh ông bỏ dở công việc đấy chạy ra đỡ lấy bà nhanh miệng hỏi:
“Kìa bà bị làm sao mà phải chống gậy thế kia? Nhanh vào trong này ngồi xuống để tôi xem.”
Khẽ đặt mông xuống cái chõng tre đặt giữa nhà, bà lang vừa xoa xoa cái cổ chân bị đau của mình vừa kể lại chuyện hồi nãy ở chợ cho chồng nghe. Bà chỉ vào người đàn ông vừa đưa mình về rồi bảo:
“Cũng may nhờ có quan bác đây ra tay đòi lại công bằng cho chứ không hôm nay thực tình không biết phải làm sao.”
Ông lang nhìn người đàn ông cúi đầu cảm tạ. Rồi ông quay qua người khách trong nhà nãy giờ rồi bảo:
“Ông thấy đó, bà nhà tôi bị trật khớp chân rồi tôi không có đi theo ông được đâu. Mà bệnh của người nhà ông là bệnh về đường âm, tôi không có chữa được. Hôm trước tôi đã nói rồi mà không có ai tin. Thôi ông về đi, bảo ông bà Chấn tìm thầy về giúp cho, chứ tôi mà đến mất công cậu Ba Thành lại bảo đến vòi tiền, nhục cái mặt lắm.”
Vị khách này chính là ông Tuất nhận lệnh của ông bà Chấn đến mời thầy lang đến xem bệnh cho cậu Ba Thành. Tuy nhiên ông vẫn còn tự ái vì lời châm chọc của Ba Thành vài hôm trước nên không nhận lời. Thành thử nãy giờ ông Tuất cứ phải đứng ở đây mà nài nỉ.
“Tôi nhận lệnh của ông bà chủ mà không mời được ông đến hoặc tìm được thầy về thì ông bà đánh tôi chết. Ông làm ơn làm phúc không đi được thì ông có quen ai ông chỉ giùm tôi với để tôi đến rước về. Bà nhà tôi bảo hôm trước nghe ông nói chuyện có vẻ như là ông biết trong phủ nhà tôi có chuyện gì cơ mà.”
Ông lang phẩy tay rồi chối đây đẩy:
“Tôi nào có biết cái chết mẹ gì đâu. Hôm đấy lòng đỏ quả trứng gà chuyển sang màu đỏ, theo kinh nghiệm dân gian thì tôi biết là trong nhà ông có tà khí vậy thôi. Chứ việc của tôi là bốc thuốc chữa bệnh, bắt ma bắt quỷ tôi nào có làm được. Ông đi ra chợ mà hỏi, xem ai biết chỗ nào có thầy người ta chỉ cho. Tôi phải chữa cái chân cho vợ tôi rồi.”
Nghe ông lang nói vậy ông Tuất đành ngậm ngùi ra về. Vừa quay người đi chưa bước được mấy bước ông đã thấy toàn thân mình nóng ran, đầu đau như búa bổ, đầu óc ông quay cuồng như say sóng. Đưa tay ôm lấy đầu ông Tuất ngồi thụp xuống đất, khẽ nhắm mắt lại để lấy lại cân bằng. Tưởng ông định ăn vạ mình, ông lang lại lên tiếng tiếp:
“Chuyện này tôi thực sự là không giúp được đâu ông đừng làm khó tôi nữa. Tôi nói thật là tôi có giận cậu Ba Thành thật đó, nhưng nếu là chuyện cứu người thì tôi cũng không cố chấp mà không giúp đâu. Nhưng mà chuyện này thực tình tôi không giúp được.”
Ông Tuất vội phân bua:
“Nãy giờ thầy nói tôi cũng hiểu rồi. Không biết tại sao tự dưng tôi sa xẩm hết mặt mày không còn biết gì nữa.”
“Hay là ông bị say nắng rồi?” Bà lang lên tiếng.
Lúc này người đàn ông lạ mặt ngoài chợ cũng cất tiếng chen vào câu chuyện:
“Ông cho tôi hỏi, có phải ông cảm thấy toàn thân mình đột nhiên nóng ran cả lên phải không?”
Ông Tuất gật đầu.
“Có phải ông cảm thấy luồng khí nóng đấy chạy dọc lên trên đầu rồi mắc lại ở đó, khiến đầu óc quay cuồng đúng không? Đầu thì đau như bị ai đó đánh vào.”
Ông Tuất gật đầu lia lịa:
“Vâng đúng rồi, những gì bác kể đều đúng hết không sai một từ. Bác biết tôi bị làm sao phải không?”
Người đàn ông đưa tay vuốt bộ râu của mình rồi bình thản trả lời:
“Ông bị nhiễm âm khí rồi. Từ lúc ở ngoài ta đã cảm thấy ngôi nhà này có gì đó rất lạ. Theo như lời của bà lang đây thì nhà chỉ có hai vợ chồng già, nhưng ta nhìn thấy có một luồng khí âm toát ra rất mờ nhạt. Thì ra là nó ám trên người của bác.”
Ông Tuất vẻ mặt sợ sệt lắp bắp hỏi:
“Ý ông là, tôi bị… bị ma ám sao?”
“À không, ta không có ý đó. Ta chỉ nhìn thấy có âm khí ám vào người của bác thôi, chứ không có hồn ma nào ở đây cả. Bác có biết vì sao mà tự dưng bác lại có hiện tượng lạ như vậy không? Vì ta đã từng có một thời gian dài ở trong chùa nơi có nhiều linh khí tích tụ. Khi âm khí trên người bác gặp phải linh khí phát ra từ ngừoi ta gặp nhau, mà âm khí trên người bác yếu hơn thì sẽ bị đẩy ra ngoài, gây nên hiện tượng như bác vừa gặp phải.”
“Vậy tôi có nguy hiểm gì không ạ?”
“Hiện tại nguy hiểm thì chưa. tuy nhiên từ xưa đến nay âm và dương là hai thái cực đối lập với nhau, tuyệt đối không thể cùng tồn tại được. Nếu như ngừoi sống mà bị nhiễm âm khí trong một thời gian dài thì sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí là cạn kiệt dần dương khí, cơ thể sẽ mệt mỏi không còn sức lực, nếu âm khí quá mạnh thậm chí có thể dẫn đến cái chết. Tuy nhiên tình trạng của bác hiện giờ chưa đáng lo.”
Lắng nghe những gì người đàn ông nói từ nãy đến giờ, ông thầy lang lên tiếng xen vào giữa cuộc nói chuyện:
“Quan bác đây có vẻ rất rành về chuyện tâm linh thì phải. Hỏi khí không phải chứ bác là thầy pháp phải không?”
Người đàn ông mỉm cười khẽ lắc đầu:
“Ta chỉ là một vị hành khất lang bạc khắp nơi, không phải là thầy pháp gì cả. Sẵn tiện có cái bếp than của thầy lang ở đây, thầy cho tôi mượn để giúp ông đây xua đi âm khí có được không?”
“Vâng, quan bác cứ tự nhiên ạ.”
Sẵn tiện trong chỗ lá thuốc của thầy lang có một sấp rau ngải cứu, người đàn ông xin luôn mấy ngọn thả vào bếp lửa, rồi thổi cho ngọn lửa bùng lên. Khi mùi lá ngải cứu toả hương thơm bay khắp căn nhaf, người đàn ông bảo ông Tuất cẩn thận bước qua ngọn lửa. Ngải cứu từ xa xưa đã được ông bà ta trồng trước nhà với công năng trừ tà xua đuổi ma quỷ rất tốt, cộng với hơi nóng của lửa sẽ xua hết tà khí còn bám trên người. Ở các vùng quê vẫn thường có thói quen, sau khi đi đám tang về mà trong nhà có trẻ em mới sinh hoặc người già đau ốm bệnh tật, người ta vẫn thường bước qua bếp than hồng để xua đi tà khí.
Xong xuôi ông nhìn ông Tuất khẽ gật đầu ra hiệu mọi chuyện đã ổn. Lúc này ông Tuất vội quỳ xụp xuống dưới chân người đàn ông mà nói:
“Hôm nay gặp được ông ở đây quả thật là may mắn cho tôi quá. Chứng kiến những gì ông làm từ nãy đến giờ tôi biết ông phải là người rất rành về chuyện tâm linh. Đã làm ơn thì ông làm ơn cho trót, xin ông hãy tới phủ nhà tôi một chuyến để xem qua những sự lạ trong nhà. Hôm nay tôi mà không gặp ông ở đây thì cũng không biết phải đi đâu mới tìm được quý nhân tới giúp. Không tìm được thầy về cái mạng này của tôi cũng khó mà giữ được”.
Đỡ ông Tuất đứng dậy, người đàn ông ân cần nói:
“Có gì ông cứ từ từ đứng dậy đã. Có chuyện gì ông kể tôi nghe giúp được tôi hứa sẽ giúp.”
Ông Tuất liền kể lại toàn bộ những chuyện lạ xảy ra trong nhà mình từ hôm đếm giờ cho người đàn ông lạ mặt. Nghe xong ông bảo:
“À ra là câu chuyện ở phủ bá hộ Chấn, ban nãy ở chợ ta đã được nghe kể qua. Hôm nay gặp ông ở đây cũng xem như là một cái duyên. Được, ta đi cùng ông về phủ bá hộ một chuyến.”
Ông Tuất nghe vậy thì mừng lắm, cảm ơn người đàn ông rối rít. Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông gãi đầu rồi hỏi:
“Tôi sơ xuất quá, nói chuyện từ hồi đến giờ vẫn chưa hỏi danh tính của ông là gì cho tiện xưng hô ạ.”
“Ta tên là Hai Thiêm. Ông cứ gọi ta là ông Hai là được.”
Nói rồi hai người nhanh chóng tạm biệt vợ chồng ông thầy lang rồi rời đi.
***
Theo ông Tuất vào trong phủ, ông Hai không khỏi choáng ngợp với sự giàu có bề thế ở đây. Đối lập hoàn toàn với vẻ tiêu điều của xóm Chùa hồi nãy, phủ của bá hộ Chấn rộng lớn như môt tẩm cung. Khắp bốn bề được bao quanh bởi tường đá, hai cánh cổng to rộng đóng cửa im ỉm lúc nào cũng có hai tên gia nhân canh gác. Cái sân lát bằng đá hoa cương rộng lớn có trồng đủ loại cây cảnh và hoa cỏ. Đặc biệt ở trước thềm ra vào của toà nhà chính nơi mà ông bà Chấn cùng vợ chồng Ba Thành ở có hai con sư tử đá được chạm khắc hết sức tỉ mỉ và sinh động. Ông Hai ngắm nhìn hai con sư tử một hồi rồi mới bước qua theo vào trong nhà.
Thấy ông Tuất đi cả buổi sáng trưa trật mới về mà không có ông thầy lang lại dẫn theo một người đàn ông lạ, bà Chấn bực mình lắm. Từ sáng ở nhà cậu Ba Thành cứ hành động kì quặc giống một người hoàn toàn khác. Ông bà Chấn hết đi ra lại đi vào để ngóng chờ ông Tuất. Ba Thành là con trai cưng duy nhất của ông bà, sau này còn phải lo nối nghiệp của gia đình, giúp ông bà quản lý dân đinh bên ngoài. Nếu cậu có mệnh hệ gì, hoặc giả như cứ thẫn thờ cả ngày chỉ lo đòi ăn như vậy mãi thì sau này gia đình này biết dựa vào ai. Ông Chấn tuổi cũng đã cao mà bé An đứa cháu nội đích tôn cũng còn quá bé. Bà Chấn kéo ông Tuất qua một bên mà hỏi nhỏ:
“Bảo ông đi mời thầy lang tới mà sao lại dẫn ai về thế này? Thế thầy lang đâu?”
“Dạ bẩm bà thầy lang bảo chuyện nhà mình thầy không giúp được, thầy chỉ biết bốc thuốc khám bệnh thôi. con tình cờ gặp ông Hai đây ở nhà thầy lang, bẩm bà thầy đây rất rành về chuyện tâm linh, vừa nhìn con một cái đã biết ngay ở trong phủ nhà mình đang có sự lạ rồi ạ.”
Nghe ông Tuất nói vậy thì bà Chấn cũng cảm thấy an tâm đôi chút. Đưa mắt nhìn một lượt vào ông Hai, bà Chấn nhìn sơ qua cũng thấy được ông không phải người tầm thường. Tuy bộ quần áo trên người rất giản dị và đã có phần cũ kĩ, nhưng ở ông toát lên một cái gì đó rất lạ. Ông không có nét khắc khổ trên mặt như những người dân đen bà gặp ngoài đường hay lũ gia nhân trong nhà, ở ông toát lên khí chất của một người vương giả. Lần đầu đặt chân đến phủ của nhà bá hộ nổi tiếng là giàu có và hách dịch, nhưng ông không hề tỏ ra e dè lúng túng hoặc tò mò quan sát như thường thấy, vẻ mặt của ông rất thản nhiên và điềm đạm. Ông cũng không hề cúi đầu trước vợ chồng bá hộ, vẻ mặt khoan thai tự do tự tại.
Bà Chấn thay đổi hẳn thái độ với ngừoi đàn ông lạ trước mặt, niềm nở mời ông Hai ngồi xuống bộ tràng kỉ giữa nhà, sai gia nhân pha trà mời ông rồi mới bắt đầu câu chuyện.
“Chắc thầy cũng nghe qua ông Tuất đây kể lại những chuyện lạ trong nhà tôi suốt mấy hôm nay rồi phải không? Trăm sự nhờ thầy xem giúp, nếu lần này tai qua nạn khỏi chúng tôi sẽ trả công thầy thật hậu hĩnh.”
Ông Hai từ tốn thưởng một ngụm trà nóng, trong lòng cảm thấy vô cùng khoan khoái. Đã rất lâu rồi ông lại mới có cơ hội uống loại trà ngon thế này. Ông quay qua phía bà Chấn mà đáp:
“Tôi nghe qua đã nắm sơ được tình hình. Tuy nhiên đến giờ phút hiện tại tôi vẫn chưa dám chắc chắn thứ đang làm loạn trong phủ là gì. Tôi cần phải đi quan sát căn bếp nơi xảy ra những sự việc kì quái một lượt rồi mới dám khẳng định. Bà yên tâm, tôi đã đến đây rồi thì sẽ giúp hết sức trong khả năng của mình.”
Ông Hai vừa dứt lời thì từ phía ngoài cửa có bóng dáng một người phụ nữ luống tuổi đứng thập thò sau cánh cửa. Có vẻ như người này muốn vào trong nhà gặp ông bà Chấn nhưng thấy ông bà đang có khách lại ngập ngừng không dám vào. Bà quản gia vội bước nhanh ra ngoài, sau đó thì dẫn cả người phụ nữ kia vào theo. Bà Chấn hắng giọng hỏi:
“Bà Tư, bà không lo chuyện bếp núc mà lên đây có chuyện gì?”
Quệt ngang những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên mặt, bà Tư run run giọng đáp:
“Dạ bẩm bà, con lên đây để báo với bà tất cả đồ ăn dưới bếp chuẩn bị cho buổi chiều đều đã bị hỏng hết rồi ạ.”
Bà Chấn mặt biến sắc hỏi lại:
“Lại hỏng nữa sao. Mà đồ ăn buổi chiều sao lại nấu từ trưa vậy hả?”
“Dạ bẩm bà, không phải đồ ăn nấu rồi, mà là rau củ đang còn tươi sống. Con vừa vào bếp để dọn dẹp kiểm tra, thấy tất cả đều đã bị úa vàng chuyển qua phân huỷ hết rồi bà ạ.”
“Thế chỗ đồ ăn đó bà để ở đâu? Có gì lạ xảy ra không? Sao hôm trước chỉ đồ ăn nấu chín là bị hỏng, những đồ để ở trong gian bếp thì không sao mà nay lại hỏng cả rau củ sống là thế nào. Rốt cuộc chuyện này là sao?”
“Đồ ăn con vẫn để ở trong bếp như mọi khi. Buổi trưa khi cậu Ba Thành vào ăn cơm cậu không cho bọn con hầu hạ như trước đây, cậu đuổi hết ra ngoài rồi đóng cửa lại. Khi cậu ăn xong đi lên nhà thì bọn con mới dám vào để dọn dẹp. Lúc này mới phát hiện ra tất cả đồ trong bếp đều đã hỏng cả rồi.”
“Ý của bà là thằng Ba Thành nó làm hỏng đồ sao?”
“Dạ con không dám. Nhưng kì thực là trước khi bọn con ra ngoài đồ ăn vẫn còn nguyên vẹn, đến khi vào lại thì đã hỏng hết rồi. Con vội lên đây báo bà ngay kẻo buổi chiều bà không thấy đồ bà lại phạt thì oan cho bọn con lắm ạ.”
Cuộc nói chuyện giữa bà Chấn và bà Tư bếp bị cắt ngang bởi tiếng ồn ào từ phía phòng riêng của vợ chồng Ba Thành vang lại. Bà Chấn ra hiệu cho bà quản gia đi qua bên đó xem xảy ra chuyện gì. Bà ta đi một lúc thì quay về bẩm báo:
“Bẩm bà cậu Ba Thành vừa đi ăn về đến phòng lại bắt đầu lục lọi khắp phòng. Mợ Nhài hỏi thì cậu cứ bảo tìm gạo với tiền của cậu. Còn cậu An cứ thấy cậu Ba Thành thì lại khóc thét lên không chịu ở trong phòng. Lũ gia nhân sợ cậu nên không dám vào trong phòng chỉ đứng ngoài nhìn. Hay mời ông bà qua bên đó một chuyến xem sao ạ.”
Bà Chấn đập tay xuống bàn, mắt rơm rớm nước:
“Trời ơi con tôi, cớ sự làm sao mà tự dưng lại thay tính đổi nết như vậy hả trời.”
Rồi bà quay qua phía ông Hai nói bằng giọng van lơn:
“Thưa thầy nãy giờ thầy ngồi đây cũng nghe hết mọi chuyện rồi đó. Mời thầy qua bên phòng nó xem tình hình ra làm sao giúp tôi với.”
Ông Hai khẽ lắc đầu mà nói:
“Tôi đã có kế hoạch ở đây cả rồi. Hiện tại bà cứ để cậu Ba thích làm gì thì làm đi, đừng đánh động đến cậu ấy. Nếu đúng như những gì tôi đang nghĩ thì tối nay tôi sẽ giải quyết xong chuyện này. Bây giờ tôi cần ông bà và những người có mặt ở đây giúp tôi một chuyện. Trước hết, tôi cần một bộ đồ của người làm bếp. Để tránh mọi chuyện bị lộ đừng ai gọi tôi là thầy, chỉ gọi tôi là ông Hai là được rồi. Tôi sẽ theo ông Tuất vào làm trong bếp, tối nay khi cậu Ba vào ăn cơm tự tôi sẽ có dự liệu. Mọi người hãy nhớ, để cậu Ba Thành ăn cơm một mình, chỉ mình tôi và ông Tuất ở lại trong bếp. Nếu ông bà muốn biết chuyện gì đã xảy ra mấy ngày hôm nay trong phủ thì có thể đứng ở ngoài sau cánh cửa, tuy nhiên không được gây tiếng động. Còn bây giờ, hãy cứ bình thường như chưa hề biết chuyện gì, nhớ gọi hết người làm bếp ra ngoài mà dặn cho kĩ, không được bàn tán một lời nào hết tránh đánh động mà hỏng việc.”
Bà Chấn vội sai người làm chuẩn bị hết những thứ mà ông Hai cần, sau đó ông theo ông Tuất vào bếp giống như một người phụ bếp bình thường. Dọc đường đi xuống bếp, thấy ở phía bờ tường đá có một bụi dâu rất sai quả, ông Hai rẽ vào không hỏi han gì mà bẻ ngang một nhánh dâu dài có cành thẳng tắp sai trĩu quả. Vừa đi ông vừa hái dâu bỏ vào miệng ăn một cách ngon lành. Thấy vậy ông Tuất liền hỏi:
“Ông muốn ăn dâu sao? Ông là khách quý của ông bà Chấn, chỉ cần sai một tiếng sẽ có gia nhân hái những quả tươi ngon chín mọng nhất mang tới cho, sao phải bẻ cả cành thế này.”
Ông Hai đưa tay lên miệng mình khẽ suỵt một cái rồi bảo:
“Từ bây giờ, tôi chỉ là một người phụ bếp ở trong bếp của ông mà thôi.”