- Home
- Chuyện tâm linh có thật by me
- Phần 6 - Ông và những câu chuyện xen lẫn câu chuyện.
Đoạn 1: Gia đình tôi.
Miền Bắc Việt Nam những năm chiến tranh người chết vô kể, xác thịt hòa trộn với đất, với cỏ, lá cây khô. Nhưng cơn mưa rào những ngày mùa hạ chợt đến rồi chợt đi, như chiếc khăn ướt nhiệm màu, lau đi tất cả những vết nhơ của thực dân Mĩ, Pháp cùng với những màu sắc bi tráng của những người Việt đã ngã xuống để bảo về quê hương trên chính nơi chôn rau cắt rốn để lại mảnh đất quê hương Việt Nam như chưa hề có vết thương. Nhưng đâu đó còn lẩn khuất những sự cô đơn, lạnh lẽo mà chỉ có những người cao tuổi mới hiểu và cảm nhận được.
Câu chuyện này em được nghe kể từ ông của tôi, một nhà văn, nhà báo quê gốc ở Thái Bình, huyện Tiền Hải. Những câu chuyện ông kể mang nhiều nét đặc tả vô cùng sinh động, với âm sắc trầm bổng, câu chữ nhấn nhả chính xác vô cùng khiến cho tôi mê mẩn mà dõi theo từng đường nét trên khuôn mặt đã 80 của ông. Ông còn tinh tường lắm, tuy thể trạng ông đã yếu nhưng về mặt trí tuệ, ông không kém cạnh với người 20 tuổi.
Tháng 11 năm 2011, tôi có dịp về nước. Biết tương lai bản thân không thể ở lại cùng ông bà, tôi tranh thủ dành nhiều thời gian về thăm nhà. Quê tôi ở Quảng Ninh, nơi đất biển đẹp lắm, đẹp như tranh, như tô như vẽ, như photoshop. Nhà tôi nằm trên một quả đồi, mang tên là Đặng Bá Hát, đối diện là biển. Nói là đẹp thế, nhưng cũng phải nói thêm rằng nó là mảnh đất lắm người nhiều ma. Nhưng chuyện nơi quê nhà tôi sẽ nhắc tới sau, câu chuyện của tôi không nằm ở đó. Cái ngày tôi về nhà là lúc đã rơi vào khoảng tranh tối tranh sáng, trời se se lạnh và gió không ngừng lùa từ ngoài biển lên cũng như tràn từ trên ngọn đồi heo hút đằng sau nhà xuống. Ngõ lên căn nhà trên là một con dốc thoai thoải hơi uốn qua một khúc quanh. Khúc quanh đó từng trồng một cây thông có từ thời Pháp, ai trồng không hay, chỉ biết rằng lúc xây nhà đã thấy nó ở đấy. Nhiều khi trong nhà có tranh chấp đất đai, ông cũng chỉ đập bàn và quát to lên rằng: “ Tao có chết chúng mày cũng không được bán cái khoanh đất đấy, chứ đừng nói là cái nhà này!”. Cái cây thông đấy khiến cho thời thơ ấu của tôi trở nên an toàn, ngoại trừ người lớn trong nhà ra, còn không kể người ngoài hay trẻ con đều không dám lên nhà tôi vào buổi tuối, lúc nhá nhem đổ lên. Đến cả trộm trong làng lúc tôi còn nhỏ cũng phải ngại, chúng không dám leo vào trộm quả mít, con chó béc-giê hay bất cứ thứ gì trong sân mà người nhà quên không mang vào. Bởi mọi người biết, biết nhiều thứ về cây thông đó và họ sợ sẽ làm liên lụy cả gia đình mình.
Với tôi thì cây thông đã bớt đi nỗi ám ảnh theo từng năm tháng tôi lớn lên, nó cũng nhỏ đi trong mắt tôi so với cái ngày tôi còn bập bẹ tập nói, vác cái cặp nhỏ nhỏ đi học trường mẫu giáo Hạ Long, nhưng mỗi ngước nhìn lên bầu trời đêm, cái bóng mờ mờ đen đen của cây thông vẫn còn hiện hữu trong tâm trí tôi, như một phần nào đó của kỉ niệm, của kí ức. Quay lại cái ngày tôi về, tôi hôm đó tôi có một bữa cơm ấm cúng bên bếp lửa gia đình. Mâm cơm có phần nhiều là hải sản, mà hải sản còn tươi, mọi người hầu như quy tụ đầy đủ cả chỉ trừ có bác Cả. Ông buồn lắm. Tôi nhìn thấy trong mắt ông cái nỗi buồn đấy và tôi hiểu vì sao ông buồn như vậy. Ông có 3 người con, vậy mà giờ đây chỉ có 2 người cháu là tôi và con gái bác Cả ở đó ngồi ăn cơm với ông. Cái thú vui tuổi già tưởng đơn giản vậy mà khó biết bao, bữa cơm đối với ông như thứ để sinh tồn, để qua những cái ngày cuối này mong sao nhìn thấy cháu chắt khương trưởng, sinh sôi nảy nở cho chi họ. Ăn cơm xong, tôi lên nhà đi tắm. Khi đi xuống nhà thì bà tôi kéo vào phòng bếp ngồi cùng với chị họ và 1 người cô. Bà bảo rằng ở yên đây, ông đang nói chuyện với bác Cả. Tiếng cãi vã từ ngoài phòng khách vọng vào, giọng bác Cả đanh, giòn tan như chứa đựng những ngôn từ sắt thép, nhưng thứ không thể bẻ gãy bằng lí lẽ, bằng lời nói. Giọng ông trầm nhưng ồm ồm và sang sảng. Ông có vẻ như phân trần điều gì đó, ông nói ít, xen giữa đó là những tiếng ho khục khặc long lên tiếng đờm trong cổ họng. Họ lớn tiếng với nhau đến tận tối muộn, bà phải ra can, nói rằng có cháu lên thăm mà trong nhà cãi vã không hay thì ông mới thôi. Nét mặt ông trùng xuống trong cái đêm đấy, trên từng nếp nhăn hiện rõ sự mệt mỏi, bực tức và thoáng chút xót xa. Ngồi cạnh bếp lò với hai chân trên ghế, ông thở dài. Căn bếp trống hươ còn lại tôi và nhà văn 80 tuổi và những hơi dài trầm mặc.
“ Có chuyện gì vậy ông?”
Ông khạc mạnh cổ họng, khục khặc nói nên lời:
“ Ông bà gần đất xa trời rồi, chả biết đi ngày nào. Không biết ông trời có thương cho để nhìn mặt chắt của mình không nữa, mà tới giờ ông vẫn còn mang cái thù hằn với con cháu thế này? Cháu là người đi xa, cháu phải nhớ về nơi đây cháu nhé, nhớ rằng chúng ta cùng chảy chung một dòng máu, một cội rễ quê hương. Đừng vì những kẻ khác mà đánh mất đi gia đình, bố mẹ, họ hàng, đừng như thế, đừng cháu ơi…”
Ông nghẹn giọng. Sống mũi tôi cay cay, khóe mắt cũng cay và đỏ. Tôi biết ông nói những lời đó không thừa. Cùng lúc đó, bác Cả lấy cái mũ nồi của nga đội lên đầu, khoác cái áo gile và mở cửa bước ra trong màn đêm, tiếng giày tây cứ lọc cọc, lạch cạch, xa dần rồi mất hẳn. Ông lắc đầu.
“ Cháu có mệt không, ông muốn kể cho cháu chuyện này để cháu không nhìn ông bằng một con mắt sai lệch.”
“Cháu không mệt ông ơi, 20 tuổi còn đi lính được cơ mà”
“ Đi lính à, hừm đi lính. Nếu vậy cháu ngồi đây đợi ông một lát nhé.”
Đoạn 2: Câu chuyện kể về đêm Trung Thu cho trẻ em? Câu chuyện của ông về đêm sáng trăng nơi vùng quê máu lửa một thời.
Tôi nghe từ dưới kho để đồ vọng lên tiếng lạch cạch như tiếng kim loại gỉ cọ vào nhau, rồi tiếng ông bước từng nhịp chậm dãi trên những bậc thang cũ mèm xen lẫn tiếng ho. Ông ngồi xuống trước mặt tôi, trải lên mặt bàn nơi ông thường viết báo một miếng vải thô đã xờn rách và ố lên màu nâu vàng. Ở giữa miếng vải là một mảnh gỗ mục, thậm chí là nát, những vẫn có mùi thơm rất lạ đến nức mũi, hít vào thấy mát nơi cuống họng.
“Cháu đừng có thấy mùi thơm thì hít vào”. Tôi giật mình, đầy lùi chiếc ghế ra sau.
“ Có nhiều thứ trên thế gian này không giống với bề ngoài của nó. Khi chúng ta bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài thì quên đi cái tác hại của nó. Thật buồn là ông đã không nói được điều này sớm hơn với mọi người trong gia đình.”
Ông hít một hơi sâu, rồi lại thở dài.
***
Thái Bình là một miền quê nghèo, người ta vẫn mỉa mai nó với cái hình ảnh nhà máy cháo, dân thường thì tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành với củ sắn củ khoai trong tay nải. Nhưng trong lịch sử chiến tranh miền Bắc không thể không nhắc đến sự hỗ trợ to lớn của mảnh đất này. Ngoài việc trở thành vựa thóc lớn của miền Bắc, Thái Bình còn có rất nhiều thanh thiếu niên và nhiều cán bộ tham gia vào cách mạng chống Mĩ cứu nước, không biết bao nhiều lần nơi đây bị lính Mĩ bỏ bom, người chết nhiều vô kể, xương trắng trải dài trên những cánh đồng heo hút.
Ở đây tôi cũng xin kể thêm về gia đình. Cụ nội tôi tên Tr – người gốc ở Thái Bình, cụ nổi tiếng là người tần tảo, hiền lành như cục đất, tuy có học nhưng cụ không tham lợi bổng lộc triều đình mà phần lớn dành thời gian canh tác cùng bà con. Nhà lúc đó giàu lắm, có thể nói là địa chủ trong làng. Căn nhà 5 gian lợp mái ngói đỏ au, bậc thềm tam cấp cao quá đầu đứa trẻ 5 tuổi cùng với mảnh sân rộng rãi trước nhà lát bằng loại đá đỏ của pháp, mỗi lần quét và dội nước lên là sáng bóng. Giàu thế phần lớn là nhờ cụ bà, cụ bà nổi tiếng ngoa ngoắt và đành hanh, tiền không ăn được của cụ một cắc, thóc không vét được của cụ một hạt. Gặp chuyện gì cụ bà cũng nhảy lên chân đứng tấn, hai tay vỗ đen đét vào hai bên đùi mà buông lời chửi đổng cả họ cái đứa vô phúc gây lộn với cụ. Thành ra cụ bòn rút không biết bao nhiêu tiền từ buôn bán. Độc địa là thế, cay nghiệt là thế nhưng cả nhà đều biết cụ bà làm như vậy là cho cái nhà này nó ăn nên làm gia để nuôi 7 cái tàu há mồm – 7 người con của cụ. Cụ Tr có 5 người con trai và 2 người con gái, người con cả là ông H chính là ông tôi. Ông tôi từ bé đã học chứ rất nhanh, giỏi văn và thơ nên sớm được giác ngộ cách mạng, được đưa vào ban giảng dạy trong quân ngũ. Còn lại 4 người con trai của ông cứ đến 18 là được nhà nước cho đi lính, về sau này còn vào tận trong Nam nhập ngũ. Cụ ở nhà thương và lo cho con cái cũng chỉ biết cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi chứ chả biết trông mong vào đâu.
Năm 1962, ông tôi được về Quảng Ninh sinh sống và làm việc tại hội văn nghệ và gặp bà ở đó. 2 năm sau bác cả ra đời đặt tên là M. Nhưng người con còn lại của cụ Tr người thì trong Đồng Hới, Quảng Bình Quảng Ngãi, người đi tận vào trong Sài Gòn, lâu lâu cũng đánh tín về nhà hai ba dòng. Cụ Tr là người duy linh, hay đi chùa lễ bái cầu khấn để lấy may cầu phước cho gia đình, cụ bà cũng vậy. Người dương cầu may cho người dương, cầu an nghỉ cho người âm, linh nghiệm thì không biết, chỉ biết mỗi năm xác những thanh niên hy sinh vẫn được chuyền về trên trạm xá, la liệt trên cái nền sân rêu phong xám xịt chờ mai táng.
Khoảng những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, vùng đất Thái Bình có những chuyện kì quái xảy ra. Thường vào những ngày rằm tháng 7 tháng 8, người dân đi đêm hay gặp những bóng người kì quái, lảng vảng đi lại trên những cánh đồng giữa đêm khuya. Hồi đó có phiên chợ đêm họp ấn định vào mấy ngày trong tháng, nhằm tránh bị lính Mĩ phát giác và tấn công vào chỗ đông người. Thoạt nhiên những đêm trăng sáng, cả người mua và người bán không ít người nhận được lá cây, mảnh kim loại, nắm đất vụn khi về đến nhà. Họ cam đoan rằng mình đã nhận tiền nhưng khi dở nắm tiền ra thì bên trong toàn lá cây, đôi khi là một mảnh gỗ thơm hay củ sâm. Lâu dần người dân nơi đây mới hiểu được rằng, đó là thứ tiền của người âm chết không siêu thoát được, lai vãng ở nơi đây vì đói khát.
Chợ Âm Phủ mọc lên từ cái thuyết đó. Vào những đêm trăng sáng tỏ nhất, đặc biệt là rằm tháng 8, khi ánh sáng mờ đục có thể soi rõ người âm trong mắt người dương, thì người dân họp chợ. Thường được tổ chức gần gây đa của làng hay miếu thờ, nơi âm khí nặng nhất, người đi chợ thì mang theo tiền và nắm vàng mã, nhang khói. Người bán hàng thì mang vàng mã, diêm thuốc, đi bán và đặc biệt là học thường mang theo một con gà đen bên mình và một thau nước. Thau nước đó dùng để phân biệt tiền âm và tiền dương, tiền âm thì chìm còn tiền dương thì nổi. Đi chợ Âm Phủ không ai tính lỗ lãi, mà chỉ để gặp lại người âm, người quá cố của mình và lấy may. Cụ bà Tr cũng rất hay đi chợ âm phủ, cụ kể rằng đã gặp nhiều người đã khuất từ chiến trường miền Nam, hồn lưu lạc về quê nhà. Họ nói bằng cái thứ giọng của gió, vang vang sang sảng, ồm ồm và khô khan không cảm xúc.
Năm đó bác Cả về Thái Bình chơi đúng dịp cận rằm. Dĩ nhiên cụ Tr sẽ không để bác M đi chợ Âm Phủ vì ở đó rất nguy hiểm đối với người dương, không rõ lí do tại sao. Cụ ông có kể về chợ Âm Phủ trong bữa cơm trưa, nhưng không quên nhắc bác M. Như thường lệ, tối hôm Rằm tháng 8 đó, cụ bà Tr mặc lên người cái áo nâu xồng với cái quần lụa đen dài qua mắt cá trùm lên đôi guốc mộc, cổ đeo tràng hạt xá lị đen bóng, cắp cái thúng lên ngang hông, cụ thong thả mở cửa bước ra đường. Ánh trăng tháng 8 sáng quắc trên bầu trời đêm không một gợn mây, rọi lên con đường đất một dải bạc trắng mờ. Bầu không khí chiến tranh ảm đạm, ngột ngạt, ngây ngây mùi xác người vọng về từ trạm xá, mùi đốt đống rấm, mùi đất quê hòa trộn nên cái mùi thum thủm lợm giọng. Đường làng không chỉ có mình cụ, còn có nhiều người cũng đang rảo bước đi, loẹt quà loẹt quẹt tiếng dép Liên Xô trên đường Làng. Nếu đến sớm, họ có thể chọn chỗ tốt cạnh gốc đa mà dựng sạp, nơi dễ có người âm lai vãng nhất. Cụ ra đến đó lúc chợ còn chưa họp, nhưng đã tấp nập từ lâu. Âm dương lẫn lộn, cụ bà may mắn lấy được một chỗ cạnh gốc đa, nơi có ánh trăng chiếu vào, đối diện phía bên kia là cái miếu thờ thổ địa đã mục nát. Mở cái thúng xếp đồ ra mảnh vải xô, nào là vàng mã, hương khói, diêm, dầu hỏa… cụ vẫn không quên mang theo một cái thau bằng đồng. Cái giếng nằm phía sau cây đa, nơi không có bóng trăng chiếu vào cũng đang túm tụm 3 4 người lấy nước, khệ nệ bê chậu nước về đặt nhẹ xuống đất thì cụ giật nảy mình. Đứng trước mặt cụ là bác M, lúc đó chạc 6 tuổi đang mếu máo. Cẩn tắc vô áy náy, chắc do lúc đi vô tình cụ không đóng cửa nên bác M đã bỏ theo, trong làng cũng hay có trẻ con chơi đêm nên nhà không quản bác M, phần chắc cũng vì hứng thú với phiên chợ này. Nếu bỏ về bây giờ để đưa bác M về thì chắc chắn sẽ mất chỗ đẹp, cụ Tr bất đắc dĩ cho bác M ngồi lại bên mình, nghiến răng ken két chửi lẩm bẩm trong mồm không ra hơi. Bác M lầm lét ngồi bên cạnh chỉ biết xoa hai bàn tay đầy đất vào nhau mà rơm rớm nước mắt, sụt sùi.