Nằm bên cạnh dòng sông Bến Cả hiền hòa, ngôi làng Đại Mậu từ lâu đã nổi tiếng là nơi làm ra được nhiều con rối linh hồn và sinh động như con người. Cách đây hàng chục năm về trước, cứ mỗi lần đến dịp lễ tết thì ngôi làng này lại tấp nập kẻ ra người vào để mua con rối về biểu diễn. Ấy vậy mà những năm trở lại đây, ở trong làng Đại Mậu nghề làm rối đang dần dần mai một và có nguy cơ biến mất. Ban đầu, ngôi làng này có hơn trăm hộ làm rối, thế mà bây giờ chỉ còn lại vài ba gia đình bám trụ cái nghề này để kiếm sống. Đặc biệt trong số những gia đình đó có nhà họ Văn, dòng họ nổi tiếng ba đời làm rối…
…
Lúc ấy là mười giờ đêm, khi cả làng Đại Mậu đang chìm trong giấc ngủ yên lành thì ngôi nhà cũ xập xệ ở cuối làng lại bùng lên ánh sáng của lửa đỏ. Ở trong ngôi nhà, một bóng dáng gầy cọm đang xăm xăm ôm những con rối gỗ đang làm dở vứt vào trong lò lửa đang cháy rực.
Bà Lâm từ trong buồng bước ra nhìn thấy cảnh tượng này thì tiếc đứt ruột, bà ấy xông lên ôm chặt người đàn ông kia, sau đó mở miệng trách móc.
— Ông nó, ông bị điên hay sao? Những thứ này bỏ bao nhiêu tiền bạc ra làm, thế mà giờ ông lại vứt hết vào lò lửa vậy hả?
Ông Mậu bị vợ ôm lại, gương mặt già nua in nhiều giấu vết của thời gian, cặp mắt đục ngầu bất lực nhìn vào những con rối đang dần dần bị ngọn lửa nuốt chửng. Từng giây từng phút trôi qua, đến mãi khi trong lò lửa đã không còn cái gì ngoài tro tàn thì ông Mậu mới bất lực ngồi xuống nền đất lạnh, cả gương mặt già đi trông thấy, các nếp nhăn xếp sau đuôi mắt lại càng thêm rõ ràng.
Ông Mậu thở dài, mặc cho vợ mình tất bật dọn dẹp những thứ còn sót lại. Ông đưa mắt ra nhìn những cánh đồng lúa bị chìm trong bóng tối, tự sâu trong đáy lòng ông Mậu dâng lên sự bất lực và với tổ tiên xấu hổ vô cùng.
Ba đời nhà họ Văn của ông theo cái nghiệp làm rối gỗ. Năm ấy, gia đình ông từ trên thị xã chuyển về làng Đại Mậu để sinh sống. Khi đó, cả ngôi làng này đều chìm trong cảnh nghèo khổ, cơ cực. Người dân sống ở nơi đây quanh năm bán mặt đất, bán lưng cho trời để loay hoay kiếm cái miếng ăn qua từng ngày. Ông nội Văn cũng có chút tài sản để mua đất đai xây cất cái ngôi nhà để có chỗ chui ra chui vào, sau đó ông ấy đi mua ít mẩu đất về canh tác. Ấy thế mà ông trời lại ngặt nghèo làm khó người dân, vào cái năm ấy trời không đổ một giọt mưa nào, chỉ trong vài tháng trời những cánh đồng vốn dĩ xanh tốt đã biến thành héo úa. Mùa màng cứ vậy mà mất trắng, người dân phải chịu cảnh nhai rễ cây để sống qua từng ngày. Lúc đó trong làng chỉ có vài người biết cái chữ, những người được gọi là tri thức ấy đã hội họp với nhau để tìm ra cách giải quyết thích hợp. Và sau nhiều lần thất bại, có người nảy ra ý làm con rối bán cho đoàn xiếc. Vào cái thời ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, người nghèo đầy rẫy thì ở trên thị xã lại xuất hiện nhiều đoàn xiếc biểu diễn mua vui cho quan lớn. Người dân sống ở trong làng bàn bạc trên dưới vài chục buổi mới quyết định cho ra vài gia đình để làm thử cái nghề nghiệp mới mẻ này. Và trong đó có nhà họ Văn.
Ban đầu ông nội Văn cũng muốn chối bỏ cái việc nhọc nhằn này, ở trong nhà họ Văn cũng chưa đói khổ đến cái mức ấy. Thế nhưng dưới sự thuyết phục của bá hộ và một số người thì ông nội Văn đành phải gật đầu đồng ý. Lúc đầu kiến thức còn chưa đủ, bao nhiêu con rối làm ra đều bị hư hỏng nặng nề và không bán được. Hoặc là bán được nhưng đoàn xiếc không thể sử dụng. Nợ nần cứ thế mà chồng chất lên nhau. Đã bao nhiêu lần ông nội Văn ngồi than thở dưới mái hiên vì số tiền mình đã bỏ ra. Nhiều lần ông nội Văn cũng muốn bỏ cuộc nhưng cái lòng tự tôn lại không cho phép. Rồi trong một lần cơ duyên xảo hợp, một vị thầy pháp đi ngang làng Đại Mậu. Vị thầy pháp kia kiến thức cao thâm, ông ta đã chỉ cho ông nội Văn cách làm ra một con rối hoàn mỹ nhất. Dưới sự trông đợi của mọi người, con rối đầu tiên ra đời, nó mang hình dáng của một thiếu nữ, sinh động như một con người thật. Và đó là sự khởi đời cho cái nghề làm con rối ở ngôi làng này. Sau đó, người người nhà nhà trong làng Đại Mậu rủ nhau làm rối, và kể từ đó ngôi làng nổi lên là nơi làm rối đẹp nhất, khiến bao nhiêu đoàn xiếc ở thị xã về tìm mua lại.
Thế nhưng thời kì cực thịnh của nghề làm rối gỗ phát triển không được bao lâu, chỉ trải qua mấy chục năm đã dần bị thay thế bởi những thứ mới mẻ trên thị xã. Gần đây lại xuất hiện nhiều xưởng làm rối gỗ nằm trên cái thị xã lớn, con rối do xưởng làm ra tuy không sinh động như tự tay làm nhưng lại có giá rẻ và dễ điều khiển hơn nên những đoàn xiếc ở trên thị xã cũng ít khi về làng Đại Mâu như những năm xưa nữa. Người dân sống ở nơi này lại chán nản nên bỏ nghề, trở về với cái nghiệp làm nông ông cha để lại. Riêng chỉ có nhà họ Văn là vẫn duy trì nghề làm rối gỗ, bởi vì lời dạy của ông nội Văn.
Mấy năm trước, cha của ông Mậu qua đời vì bệnh tật, trong cơn hấp hối vô thường, cha của ông muốn ông giữ lại cái xưởng và tiếp tục công việc do ông nội để lại. Khi đó ông Mậu không nghĩ ngợi nhiều mà liền đồng ý, mấy năm đầu còn đỡ, nhưng dạo gần đây mấy con rối do chính tay ông làm ra ngày càng như khúc gỗ, nhìn qua xấu xí và đáng sợ vô cùng. Nó đã không còn giống với những con rối ban đầu mà ông nội làm ra nữa. Lúc này, dù ông có cố gắng bao nhiêu thì cũng không được, thứ mà ông làm ra rất đáng sợ, nào đâu giống với vẻ chất phác được làm theo từ con người nữa chứ.
Lão Mậu nhắm mắt, trong đầu luôn vang vảng lời dặn của cha mình. Ông cũng không hiểu tại vì sao, nhưng con rối đầu tiên mà nhà họ Văn làm ra đẹp đẽ bao nhiêu thì những năm gần đây lại càng thêm rùng rợn và âm u bấy nhiêu.
Bà Lâm dọn dẹp nhà cửa xong xuôi thì cũng quá nữa đêm, bà ấy thấy chồng vẫn còn thao thức thì đi đến bên cạnh ông ấy động viên.
— Ông nó lại nghĩ nhiều. Năm ấy thầy mất sớm, tay nghề của ông còn chưa cứng cựa thì làm sao làm ra được loạt rối tốt được. Ông nhìn thử xem, mấy ngôi nhà còn đang duy trì cái nghề này có ai làm rối đẹp được như ông không?
Ông Mậu nghe vợ an ủi, nhưng trong lòng không thoải mái một chút nào. Ông ta nắm chặt bàn tay, ánh mắt không chấp nhận.
— Bà nó đừng an ủi tôi nữa. Tôi theo cha, rồi nhìn ông nội làm rối bao nhiêu năm. Thứ chính tay tôi làm ra còn không bằng một góc của họ…
Ông Mậu cũng thấy làm lạ, những con rối do ông nội và cha ông làm ra nhìn rất sinh động. Còn thứ ông làm ra thật sự rất khó nhìn, cứ mỗi khi ông đặt tay xuống làm những con rối thì luôn có thứ gì đó thôi thúc ông tạo nên những con rối kinh dị như vậy. Dù nhiều lần ông đã kìm nén, thế nhưng vẫn không thể làm ra con rối như bình thường được.
Bà Lâm không an ủi được chồng nên chỉ đành im lặng. Bà sống với ông Mậu bao nhiêu năm, làm sao mà bà không biết được ông ấy yêu cái nghề này như thế nào chứ. Nhưng mà thói đời, đâu phải cái nghề nào cũng có duyên. Mà theo như bà thấy, những con rối mà ông Mậu làm ra cũng rất được mà, nhưng ông ấy không chấp nhận những thứ đó.
Bà Lâm nghĩ vậy thì rướm nước mắt, bà vỗ vỗ cái lưng gầy, bà nhìn chồng rồi bảo.
— Thôi ông đừng buồn. Ông cố giữ gìn sức khỏe để mà tiếp tục cái nghề này. Năm xưa ông nội cũng đâu thể thành công một sớm một chiều được…
Ông Mậu im lặng. Nghe vợ nói vậy thì cũng chỉ biết vậy, ông ta khẽ nhíu chặt chân mày, rồi cố nở ra một nụ cười hiền lành.
— Bà nó yên tâm. Tôi sẽ không làm gì dại dột đâu. Cái nhà này còn phải dựa vào tôi, còn bà và mấy đứa nhỏ nữa. Tôi thân là trụ cột, sao có thể vì chút chuyện này mà suy sụp được.
Ông Mậu càng nói lại càng ngẫm ra nhiều điều. Mấy năm nay ông vì cái chuyện làm con rối mà khổ tâm, hàng đêm thao thức trăn trở đủ điều làm vợ con cực khổ. Còn bà Tâm, tuy biết ông nhục chí thế nhưng vẫn không bảo ông bỏ cái nghề này đi, đêm đêm bà vẫn ở bên tai ông động viên đủ điều. Ấy vậy mà ông lại bị cái lòng tự tôn của mình làm cho mờ mắt.
Ông Mậu nhanh nhẹn đứa dậy, ông trở về cái bàn gỗ làm việc ngày thường của mình. Tay cầm lấy dụng cụ đục đẽo, sau đó nhìn vợ cười hiền hòa.
– Bà nó vào buồng nghĩ ngơi đi, ngày mai bà còn phải gánh hàng ra chợ bán nữa. Đừng lo cho tôi, tôi làm một chút rồi vào ngủ liền.
Bà Tâm thấy chồng vực lại tinh thần thì vui mừng khôn xiết. Bà lén lấy tay lau nước mặt, giọng nói dịu dàng.
— Vậy thì ông tranh thủ làm sớm, nghĩ sớm.
Nói xong bà bỏ vào buồng. Còn ông Mậu thì tiếp tục công việc đang làm dở của mình. Cặp mắt ông chăm chú nhìn vào khúc gỗ còn chưa thành hình. Trong bụng thầm nghĩ, không làm được con rối giống ông nội và cha thì sao, ông sẽ làm ra con rối thuộc về mình, cái con rối mà không phải ai cũng có thể làm được.