Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, thằng Khang không hề muốn bản thân phải chịu một cái chết đau đớn và oan nghiệt như vậy.
Nó tập trung toàn bộ trí não, cố nhớ lại toàn bộ sự kiện rồi sắp xếp thành một trình tự hợp lý cho mọi người cùng nghe.
Về phía bên này, không phải vô duyên vô cớ mà ông Thái và mo Đồng lại phản ứng mạnh với hành động tự ý bước ra bãi bồi ven sông của thằng Khang đến thế.
Thân là một ngôi làng nằm sát ngang với sông Đà, ở đây sau mỗi mùa nước lớn luôn được bồi đắp vô số phù sa, lâu dần tích thành một bãi bồi ven sông rất lớn. Bãi này trải dài từ đầu cho đến cuối làng. Cứ mỗi năm đến những tháng hạn, nước rút, dân ở quang vùng lại cho máy xúc, máy rây đến đây quần thảo cả mấy tháng trời để khai thác đá và cát, cốt là để bán lại cho bên cung ứng vật liệu để xây dựng thủy điện Sơn La vào đầu những năm 2000.
Cứ thế từ năm này qua năm khác, những cái hố ấy dần bị khoét sâu và rộng ra, cuối cùng là hình thành một cái hố trũng khổng lồ.
Máy xúc, máy bơm…thì mỗi năm vẫn đến rồi đi, lâu dần cái hố ấy đã thông ra đến tận lòng sông Đà, từ đó để lại một cái bẫy cực kì chết chóc.
Theo người lớn trong làng nói lại, do bị khai thác trái phép không có quy hoạch bài bản nên bề mặt đáy hồ không bằng, hình thành nhiều vực sâu với trung tâm là một lòng chảo rộng chừng 1000m2 với độ sâu là tầm 10m, nước xoáy thành cột thẳng đứng và liên tục.
Cái đáng sợ ở khúc sông này là độ nông sâu không theo bất cứ một quy tắc nào cả, có thể chỗ này nước đến đầu gối nhưng cách đó vài bước là lại ngập quá đầu người. Đứa bơi ở chỗ nông và gần bờ thì không sao, còn những đứa nào trót dại, dám bơi ra xa rồi trót hụt chân vào vùng nước xoáy thì chỉ có một kết cục là bị cuốn ra xa bờ rồi chìm dần xuống đáy.
Số người chết vì nguyên nhân này cũng không ít, cứ mỗi tháng là lại có 1 đến 2 người phải bỏ mạng, lớn có trẻ có. Lại thêm lâu lâu có vài xác chết trôi từ thượng nguồn dạt vào bãi bồi, oán khí theo đó mà kéo về đây cũng không ít. Lâu dần… con nước ở đây như dính phải dớp, tháng nào cũng phải có vài người bán mạng cho hà bà sông Đà thì mới yên.
Nhận ra được điều đó, mo Đồng và các bô lão đã họp lại với nhau rồi ra một sắc lệnh: Trẻ con tuyệt đối không được bén mảng đến gần bãi bồi hay ven sông, nhất là vào tầm giờ ngọ ba khắc hay chiều tà.
Vì theo mo Đồng nói, ở cái làng này… có rất nhiều ma da. Và những khung giờ đó… là lúc ma da đang đi kiếm ăn và tìm người chết thay mình.
Theo quan niệm ở đây, ma da là linh hồn của những người chết đuối trên sông, chết bất đắc kỳ tử như bị sụp cát, tai nạn tàu thuyền hoặc… bị một “thứ” gì đó kéo chân cho đến chết. Thậm chí, những xác chết trôi, chết dạt vào bãi bồi cũng được xem như những kẻ sẽ trở thành ma da. Những người chết ở dưới nước như này sẽ không thể được siêu thoát, phần xác có thể nổi lên sau ba ngày nhưng phần hồn sẽ mãi mãi nằm lại nơi lòng sông Đà lạnh lẽo.
Để đầu thai, chúng bắt buộc phải tìm người hợp vía, ra sức dụ hoặc họ đến gần mé sông hay bãi bồi để tìm cách nhấn chết. Nếu thành công, xác của người xấu số đó sẽ thế chân chúng làm tôi mọi cho hà bá sông Đà, còn bản thân mình sẽ được đi đầu thai.
Đó là lí do hễ có ai nhẹ vía lỡ đi ngang qua bãi bồi, đều thấy có một đám người, già có trẻ có, trai có gái có, đứa thì ngồi vắt vẻo trên hòn đá cạnh sông, đứa thì cười đùa giữa cái nắng 12h sáng, đứa thì ụp lặn nơi giữa dòng nước xoáy, chỉ trồi mỗi cái đầu lên nhìn chằm chằm vào kẻ cũng đang trên bờ mà nhìn mình rồi nặn ra một nụ cười khoét đến tận mang tai…
Quỷ dị là thế, nhiều người chết đuối và chết dạt là vậy, thậm chí đã ban cả sắc lệnh cấm túc… ấy thế mà thằng Khang vẫn dại dột mon men ra sông Đà vào lúc 12h trưa, bảo sao mo Đồng và ông Thái lại không nổi giận?
Trở lại với thằng Khang, sau một hồi ngẫm nghĩ, nó bắt đầu lắp bắp kể lại mọi chuyện, từ việc nó bị dụ thế nào, lũ ma da tìm đến nhà nó ra sao và bài vè của quỷ dữ nó nghe như thế nào… tất tần tật rồi sẽ được nó kể ra cho bằng hết..