Ngoài trời gió đã ngừng thổi, đám người run rẩy từ từ ngẩng đầu lên nhìn xung quanh, xác nhận đã an toàn mới dám lổm ngổm bò dậy. Song đến khi trông thấy cái xác của gã Đảo nằm ngửa tơ hơ miệng sùi bọt mép ở giữa đường cái thì đua nhau hét toáng lên, vội vàng giơ tay che mắt đám trẻ con lại. Có vài người trong đó còn sợ tới nỗi bật khóc tu tu, chẳng ai dám lại gần xem gã ta thế nào rồi. Một con người mới nãy hãy còn sống sờ sờ, vậy mà lúc này chỉ còn lại mỗi cái xác nằm vất vưởng ở đó, đã thế lại còn chết một cách không bình thường nữa. Chuyện ghê rợn như thế hỏi có ai mà không sợ cơ chứ!
Nguy hiểm mặc dù đã qua đi nhưng cũng không thể lơ là, ông Tòng dặn dò Lâm cùng Dũng đưa Nguyệt Hoa vào trong điện thờ ngồi chờ. Còn ông thì ở bên ngoài chọn ra vài người to khỏe gan dạ khiêng cái xác của lão Đảo đem đi thiêu ngay trong đêm. Xong xuôi ông lại cùng với một nhóm người trong ngõ mang theo bùa phép đi treo lên cổng làng, và dùng vôi bột rải ngang đường đi để ngăn chặn âm binh không cho bọn họ lại vào làng nữa.
Trời về khuya, đèn đường đã tắt hết. Trong ngõ nhỏ lập lòe những bóng đèn pin sáng chói, chẳng ai hay biết bóng tối là vô tận và là lúc thích hợp để những ác mộng diễn ra.
…
Ngày hôm sau, mới tờ mờ sáng mà kèn trống trong nhà gã Đảo đã vang lên inh ỏi, người ra người vào tấp lập không ngớt.
Gã Đảo nói ra thì đúng là không có phúc, lấy vợ hơn mười năm trời mới sinh được một đứa con gái, mà bà vợ đẻ xong không may bị băng huyết rồi chết, đứa con gái được vài tháng tuổi cũng yểu mệnh chết theo. Bố mẹ sau này cũng mất vì bệnh tật triền miên, bao nhiêu năm qua cũng chỉ sống có một mình, giờ không may chết rồi cũng không có ai lo ma cho. Nói không ai lo cho thì cũng không hẳn, gã Đảo có vài người họ hàng sống trên thành phố, mà tại lúc còn sống tính cách của gã oái oăm quá lại còn hay chửi người, cho nên bọn họ đều chán ghét, bỏ mặc suốt bao năm qua có thèm nhóm ngó nữa đâu mà. Nhưng được cái người trong xóm họ cũng tốt bụng, mỗi người góp một ít tiền rồi kêu ông Tòng cùng với trưởng thôn cùng nhau chủ trì làm đám tang cho gã.
Nghe đâu sau vụ đêm qua, có vài người yếu tim còn lăn đùng ra đổ bệnh nặng, cả ngày bật điện sáng trưng rồi nằm trên giường rên ư ử. Tin đồn về chuyện âm binh bắt linh hồn người sống đi lan ra cả thôn, có người tin người không, nhưng vẫn trở thành chủ để bàn tán sổi nổi của mấy bà thím thích buôn dưa lê, bán dưa chuột trong thôn. Mặc dù đã là thế kỉ hai mươi mốt, song vì ngôi làng này thi thoảng vẫn sẽ xảy ra những chuyện tâm linh kì lạ, do đó mà phần lớn những người sống trong thôn đều tin vào ma quỷ và vẫn giữ được những phong tục có từ thời xa xưa. Thỉ như là tin vào bói toán, trùng tang, thậm chí họ còn tin trên đời này yêu ma quỷ quái có tồn tại. Song đối với chuyện kì quái này, ông Tòng cũng không nói gì nhiều mà chỉ dặn dò những người có mặt đêm hôm qua, tránh nhắc tới cũng như bàn tán để tránh những điều xui rủi.
(Truyện được sáng tác bởi tác giả: Hồng Gấm)
Trong nhà ông Tòng, Nguyệt Hoa ngồi trong điện cẩn thận lau dọn đồ đạc trên bàn thờ. Bỗng ngoài cửa có tiếng gọi vọng vào:
“Thầy Tòng có ở nhà không đấy nhỉ?”
Tiếng gọi vừa dứt một người phụ nữ trung tuổi từ ngoài ngó đầu vào, trông thấy trong điện có mình cô bèn ngó nghiêng hỏi: “Nguyệt Hoa đấy hả, ông ngoại đi đâu rồi cháu?”
Nguyệt Hoa trông thấy người nọ liền phủi tay đứng dậy đáp lời: “Dạ, ông ngoại cháu sang nhà ông Đảo từ sớm rồi ạ. Bác Đào mau vào trong đây ngồi đi.”
“Thế à, giờ này rồi mà còn chưa về cơ à!” Bà Đào nhìn nhìn cái đồng hồ treo tường, thấy đã quá trưa bèn hỏi: “Thế cháu đã ăn uống gì chưa?”
“Dạ cháu ăn cháo còn thừa tối qua rồi ạ.”
Như đã liệu từ trước, bà Đào vừa nghe vậy liền ngó nghiêng nhìn xung quanh. Thấy tô cháo để trên bàn gỗ bị ruồi bâu kín bà vội đi tới cầm lên ngửi, ối dồi ôi vừa khê vừa khét.
“Chết thôi, cháo khê khét thế này rồi mà còn bỏ vào mồm được…”
“Bác đã dặn bao nhiêu lần là đồ ăn hỏng rồi thì không được ăn nữa mà, rồi lại đau bụng đi ngoài thì khổ!”
Tình cảnh này đã quá đối quen thuộc suốt nhiều năm qua, Nguyệt Hoa cười hề hề ba chân bốn cẳng đi tới túm tay bà nói lảng đi: “Cháu biết rồi mà bác, lần sau cháu sẽ không ăn nữa. Thế bác qua tìm ông ngoại con có chuyện gì vậy ạ?”
Nguyệt Hoa từ đã là một đứa trẻ thông minh lém lỉnh, học một biết mười. Nhưng chẳng hiểu làm sao vài năm gần đây, chỉ cần liên quan chuyện ăn uống là cô nàng lại như một đứa ngốc, không phân biệt nổi đâu là đồ ăn được và đâu là đồ bỏ đi. Ngày thường nếu mà không sắp sẵn đồ ăn ra cho cô, là kiểu gì cũng đi bốc đồ ôi thiêu bỏ vào mồm ăn. Mà cũng chả hiểu làm sao lại vẫn cứ ăn được, hơn nữa cơ thể còn rất khỏe mạnh và béo tốt nữa chứ!
Nhìn cái vẻ mặt cố ý đánh trống lảng của cô, bà Đào cũng đành bất lực thở dài, bà nói:
“Cũng không có gì, nhà bác có cái giếng đằng sau vườn bỏ không cũng lâu rồi, giờ bác muốn lấp đi để đánh đất trồng ít rau ăn. Nhưng giếng đã có từ đời các cụ rồi nên bác không dám tự ý lấp, bác muốn nhờ ông ngoại cháu xem xem có lấp được không.”
“Thế ạ. Vậy bác ngồi đây đợi ông cháu một lát, chắc là ông cũng sắp về rồi đấy.”
Bà Đào lắc đầu: “Thôi. Cũng không vội lắm, đợi hôm nào ông ấy rảnh thì bác nói sau cũng được.” Nói đoạn bà nắm tay Nguyệt Hoa, cười tươi nói: “Sang nhà bác chơi đi, bác có nấu ít chè đỗ đen đấy, ngon lắm.”
“Chè đỗ đen ư! Thế phải đi ngay thôi bác ơi!” Vừa nghe thấy món tủ là mắt Nguyệt Hoa sáng quắc lên, cô cười tít mắt lôi bà Đào chạy vội.
“Từ từ thôi. Trong nồi hãy còn nhiều lắm, không phải vội!” Bà Đào bị lôi đi vừa cười vừa chạy theo sau.
Bà Đào là bạn và cũng là hàng xóm thân thiết của hai ông cháu ông Tòng. Bà Đào năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, hiện tại đang ở góa, chồng của bà mười năm năm trước đi làm thợ xây trên thành phố không may ngã giàn giáo chết, để lại cho bà cậu con trai từ bé đã bị mắc chứng thiểu năng lúc đó mới mười năm tuổi. Suốt mười năm năm qua bà một thân một mình đi làm thuê chém mướn kiếm tiền nuôi con, gia đình khó khăn bố mẹ lại mất sớm nên cuộc sống khá vất vả bon chen. Nhưng được cái bà Đào tính tình mạnh mẽ lại vô tư, ngày qua ngày muối mặt dưới nắng, trắng mặt mưa cũng chẳng làm cho bà chùn bước. Hiện giờ nhà cửa đã có phần khá giả hơn, song bà lại hay đi giúp đỡ người khác, cho nên hàng xóm láng giềng ai ai người ta cũng quý.
Đứng ở trong căn nhà hai tầng thiết kế đơn giản nhưng sách sẽ thoáng mát, Nguyệt Hoa tò mò nhìn đông nhìn tây. Mới một năm không tới chơi thôi mà nhà đã khác đi nhiều, đồ đạc nhiều hơn, bên trong nhà cũng sửa sang đẹp hơn rồi. Cảm giác vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm.
“Thằng Nhất nó ở trên tầng đấy, cháu lên gọi nó xuống đi, để bác xuống bếp múc chè cho hai đứa ăn.” Bà Đào vừa nói vừa đem cái nón treo lên tường.
Nguyệt Hoa vừa nghe thấy tên nọ thì hai mắt sáng lên, liền vui vẻ gật đầu: “Dạ bác!” Dứt lời cô nàng quay người chạy tót lên trên tầng hai.
“Chú Nhất ơi!” Nguyệt Hoa đứng bên ngoài giơ tay gõ nhẹ ba các lên cánh cửa gỗ.
Bên trong không có tiếng trả lời, cô lại gõ thêm ba cái nữa: “Chú ơi, cháu Nguyệt Hoa nè! Cháu qua chơi với chú nè!”
Vẫn không có tiếng trả lời, nhưng khoảng vài giây thì cánh cửa bỗng he hé ra. Nguyệt Hoa hơi chớp chớp mắt, trần chừ một chút rồi lên tiếng:
“Vậy cháu vào đấy nhé.”
Cánh cửa gỗ dường như đã cũ kĩ, lúc kéo ra nó liền phát ra âm thanh kẽo kẹt. Nguyệt Hoa hơi giật mình khi thấy trong phòng tối om, trong không gian bí bách còn phảng phất mùi gì đó thơm thơm như là mùi thảo dược khô. Bên trong tối tới nỗi giơ năm ngón tay đều nhìn không rõ, Nguyệt Hoa nheo mắt trong bóng tối cố gắng lần mò công tắc điện. Tạch một tiếng cả căn phòng ngay lập tức sáng trưng, đập vào mắt cô là một chàng trai đang ngồi bó gối ở trên giường. Anh ta mặc chiếc quần vải đen xì và một chiếc áo trắng dài tay rộng thùng thình, mái tóc đen dài che kín hai bên mắt. Có người vào phòng, thậm chí còn bật cả điện mà người đó không hề có động tĩnh gì, giống như đang ngủ rất say vậy.
“Chú Nhất, chú đang ngủ sao?” Nguyệt Hoa hơi nhíu mày, chậm rãi đi tới gọi nhỏ.
Cái người tên là chú Nhất kia vẫn không có dấu hiệu động đậy. Hết cách, cô chỉ đành đi gần đến và giơ tay lay lay người chú ta: “Chú ơi đậy đi! Dậy xuống nhà ăn chè đỗ đen với cháu.”
Lúc này chú Nhất mới như sực tỉnh, chú ta giật mình ngẩng phắt đầu dậy. Đập vào mắt chú là một gương mặt bầu bĩnh trắng hồng hào, đôi mắt đen láy đang nhìn mình chằm chằm và nở một nụ cười tươi rói.
“…”
“Cuối cùng chú cũng chịu tỉnh. Đi, xuống nhà với cháu, bác Đào đang chờ.” Nói rồi cô choàng lấy tay chú, vô tư kéo đi.
Khuôn mặt nhợt nhạt của chú Nhất đột nhiên trầm xuống, chú ta vội giật tay ra nghi hoặc nhìn cô. Chú hơi lưỡng lự giây lát rồi mở miệng mấp máy một câu:
“Cô… là ai thế?”