Mụ béo xưa giờ xấu tính, vừa nghe thế liền nghĩ người ta nói mình, bộp chộp đứng lại sừng cồ lên:
“Này cái bà kia, bà nói ai ghen ăn tức ở đấy? Bà đừng có mà đổ oan cho người khác nhá!” Mụ ta cậy mình thân trâu sức bò, sấn sổ đến sát mặt bà Đào.
“Tao chả đổ oan cho ai cả. Đứa nào thấy nhột thì cứ việc nhảy cồm cồm vào mặt tao thôi.”
Bà nói vậy thì chẳng khác nào nói kháy mụ chột dạ, mụ thẹn quá mà có bật lại được câu nào đâu. Ấm ức cả nửa ngày mới thốt ra được một câu: “Bà… đúng là đồ chua ngoa!”
“Tao chua ngoa cũng còn tốt hơn cái loại đặt điều thị phi nhà mày gấp tỉ lần.”
“Này nhá, bà đừng thấy tôi nhịn mà làm tới…”
“Tao cứ thích làm tới đấy, mày làm gì được tao nào!” Nói rồi bà Đào tiến sát tới mặt mụ béo, dáng vẻ nóng nảy không chịu lép vế.
Nom tình hình có vẻ căng thẳng, mấy bà thím đứng đằng sau sợ hai người xảy ra xung đột vội đi tới túm tay mụ béo kéo đi. Mụ béo đang trong cơn hăng máu làm gì có chuyện chịu chịu dừng, mụ vùng vằng bặm môi trợn mắt:
“Mấy bà bỏ tôi ra, để tôi cho con mụ kia một trận!”
“Thôi thôi, đi đi cho chúng tôi nhờ. Bà nhắm không lại con mụ ấy đâu!”
Mấy người lằng nhằng kéo mụ béo đi. Vừa đi được mấy bước chân, phía sau lại nghe thấy tiếng của bà Đào vang lên.
“Bố cái con xấu người, xấu nết, xấu cả vết chân đi!”
Thế là mụ béo lại giật tay ra, hùng hổ chạy quay trở lại tức tối giơ chân chỉ tay: “Này con mụ góa chồng kia, tôi là tôi nhịn bà lâu lắm rồi đấy! Bà thích đánh nhau chứ gì! Nào, lại đây, tôi với bà phân bua xem ai hơn ai.”
Bà Đào cũng ngay lập tức đáp lại: “Phân bua thì phân bua! Tao sợ gì cái loại nhà mày.”
Máu nóng dồn lên não, hai người đàn bà chua ngoa trực chờ lao vào chọi nhau. Nguyệt Hoa đứng ở đằng sau lo lắng bà Đào đánh không lại, vội vàng đi lên định bụng ngăn hai người bọn họ lại.
“Thôi bác ơi, kệ bà ấy đi…”
“Nào nào mấy cái bà này! Giữa đường giữa cái mà mấy bà làm cái gì thế hả, bộ không sợ hàng xóm người ta chê cười cho à?”
Đúng lúc này bóng dáng ông Tòng từ đâu đi tới, ông chen vào giữa hai người rồi lớn tiếng quát.
Thấy ông ngoại xuất hiện Nguyệt Hoa liền tủm tỉm cười rồi lùi người về sau. Có ông ngoại cô ở đây thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng thôi.
Ông Tòng liếc qua bà Đào một cái rồi quay sang trầm giọng nói với bà béo:
“Con người sống ở đời phải có cái tình cái nghĩa, người chết rồi dù chỉ còn lại một nắm tro tàn thì cũng phải khăn áo chôn cất đàng hoàng. Nếu bà thấy tiếc số tiền mà bà đã bỏ ra thì ngay bây giờ đến nhà ông Bồn yêu cầu rút lại tiền, ông ấy sẽ hoàn lại cho bà không thiếu một đồng. Còn nếu bà sợ tôi giấu diếm lấy làm của riêng thì tôi có làm sẵn danh sách ghi lại số tiền mà mọi người đóng góp đấy, bà muốn xem thì để tôi lấy cho bà xem.”
Nói đoạn ông Tòng quay sang nói với Lâm: “Thằng Lâm, mày về nhà lấy sổ ghi chép và sổ chi tiêu từng khoản ra đây để bà Tếnh đối chiếu đi con.”
Ngay lập tức Lâm từ đằng sau đi lên: “Dạ thưa thầy.” Nói đoạn anh hướng mắt nhìn bà Tếnh mỉm cười nói: “Cô ở đây chờ cháu một chút nhé, cháu đi nhanh lắm!”
Bà Tếnh biết mình đụng nhầm chỗ, thẹn quá giận khua tay nói quàng: “Thôi tôi chả thèm! Các người nói sao thì tôi biết vậy, nhà tôi còn bao nhiêu là việc kia kìa, không có thời gian xem đâu.” Dứt lời mụ ta vẩy áo quay đi. Mấy bà thím nọ cũng vội vàng cun cút chạy theo sau. Tiếng kèn trống đám ma ngày một xa dần rồi biến mất theo làn gió chiều.
Đám người kia đi hết rồi ông Tòng mới quay ra nhìn bà Đào thở dài nói: “Biết mụ xưa giờ hay điêu toa đặt điều rồi còn cãi nhau cãi với mụ làm gì, chỉ tổ tốn nước bọt.”
Bà Đào lúc này mới phủi áo thở dài: “Ầy, biết là vậy nhưng không nói thì mụ lại tưởng bở, quen thân quen thói ra.”
Biết bà làm vậy cũng là có ý tốt, ông Tòng cũng không nói thêm gì nữa. Ông quay sang dặn dò Lâm và Dũng về nhà trước, còn ông thì ghé vào nhà bà Đào ngồi chơi một lúc.
(Truyện được sáng tác bởi tác giả:Hồng Gấm)
Bên trong nhà bà Đào.
“Sao ông Đảo buổi sáng mới niệm, mà buổi chiều đã đưa ma ra đồng rồi?” Bà Đào nói vừa rót cho ông Tòng một chén chè đặc.
Ông Tòng đón lấy uống một ngụm nhỏ rồi mới thở dài đáp: “Cái chết của chú ấy không bình thường, hàng xóm ở quanh đây lại hay loan tin đồn lung tung, lão Bồn sợ để lâu sẽ sinh ra dị nghị không hay nên đã thống nhất là làm qua loa rồi đem đi chôn trong ngày luôn.”
Bà Đào nghe vậy cũng gật gù đồng tình. Ở cái làng này mười người thì chín người thích buôn dưa lê bán dưa chuột, mà nếu nói đúng sự thật thì cũng thôi đi đây lại toàn thêm mắm thêm muối, thổi phồng sự thật lên. Sự việc xảy ra đêm qua khéo bây giờ đã bị đồn thổi sang khắp các làng bên cạnh rồi chứ chẳng chơi.
“Thế ông đã ăn uống gì chưa?”
Ông Tòng gật đầu: “Hồi trưa có ăn lót dạ được bát cơm rồi.”
“Ờ, thế không mang cái gì về cho cái Nguyệt Hoa ăn à?”
Nghe bà Đào hỏi vậy ông liền quay sang nhìn Nguyệt Hoa, nhíu mày hỏi: “Con chưa ăn gì à? Không phải trong bếp còn cháo thừa từ tối qua đó sao?”
Nguyệt Hoa dừng hình mất mấy giây không biết phải trả lời thế nào, ngay lúc này bà Đào lại lên tiếng: “Ôi giời ơi! Cái chỗ cháo đấy khê khét hết cả rồi, ăn làm sao được nữa mà ăn.”
Thôi toang. Nguyệt Hoa toát hết mồ hôi trán, nuốt nước bọt cái ực rồi đứng phắt dậy giả bộ nhìn đồng, đánh trống lảng nói: “Ấy chết, mới đó mà đã sáu giờ tối rồi cơ à! Quá giờ nấu cơm mất rồi!” Rồi điệu bộ như vội vã lắm chạy nhanh ra cửa: “Ông ngoại ở đây nói chuyện với bác Đào nhé, con về nhà phụ hai anh nấu cơm đây không kẻo muộn mất!”
Lời vừa dứt bóng dáng đã mất tăm. Bà Đào ở đằng sau nhìn theo mỉm cười lắc đầu, con bé Nguyệt Hoa này lại thế nữa rồi.
Vừa về đến nhà là Nguyệt Hoa chạy thẳng xuống bếp kiếm cái nồi cháo khê ngay. Phải thủ tiêu tang vật trước lúc ông ngoại cô về, không là tối nay lại sưng đầu gối nữa cho mà coi!
“Ủa, quái lạ. Sao lại không thấy cái nồi đâu cả?” Đã vội thì chớ, lại còn không thấy cái nồi cháo đâu. Nguyệt Hoa nôn nóng chổng mông chổng tĩ cắm đầu xuống gầm bếp ráo riết tìm.
“Cô Nguyệt Hoa đang tìm cái này hử?”
Bỗng sau lưng có tiếng nói, Nguyệt Hoa giật mình đứng phắt dậy và quay đầu lại. Ngược chiều ánh sáng, Lâm đang xách cái nồi đúc to tổ chảng lủng lẳng trên tay chậm rãi đi vào. Bên trong nồi đã trắng tinh không còn dính một hột cháo nào, thì ra là Lâm đã mang nó đi rửa giúp cô rồi.
“Oa, anh Lâm là đỉnh nhất!” Cô hớn hở chạy đến vỗ bồm bộp vào vai anh.
Lâm phì cười, anh đem cái nồi cất xuống gầm bếp sau đó cầm lấy tay cô kéo đến chỗ bàn ăn, rồi nhẹ nhàng nhấc cái lồng bàn ra. Ngay lập tức cái đùi gà luộc to ngang cổ tay xuất hiện trước mặt, Nguyệt Hoa mắt chữ A mồm chữ O ngồi thụp xuống hít hà.
“Này là anh lấy phần về cho em đấy hả?”
“Ừm. Xin lỗi vì sáng nay vội đi quá nên không thể nấu đồ ăn cho cô được.”
Nguyệt Hoa cảm động vội lắc lắc đầu như đông tây:
“Không sao không sao, anh cũng bận mà. Cảm ơn anh đã mang đùi gà về cho em nhé, em sẽ ăn thật ngon!” Dứt lời cô nàng ham ăn cầm lấy cái đùi gà đưa lên miệng gặm một thật miếng to, thịt gà vừa dai, thơm thơm lại ngọt ngọt. Quả nhiên gà ở quê là ngon nhất!
Lâm nhìn dáng vẻ ăn uống ngon lành của cô mà trong lòng cũng vui theo, anh cười cười rồi quay đi xắn tay áo chuẩn bị nấu cơm tối.
Đêm hôm đó.
Ở làng quê thường tắt điện lên giường rất sớm, chỉ mới tầm chín giờ tối thôi mà ngoài đường đã vắng hoe không một bóng người, đèn điện ngoài đường cũng tắt hết. Nguyệt Hoa là người đã sống ở thành phố gần chục năm nay rồi nên chưa thể thích ứng ngay được, nằm trên giường hai tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa ngủ được. Trằn trọc lăn qua lăn lại hết cầm điện thoại lại mở máy tính, cuối cùng cô nàng chán quá đành ôm gối lù rù đi vào phòng ông Tòng.
“Ông ngoại ơi con không ngủ được.” Cô thỏ thẻ rồi mở cái chăn mỏng chui vào trong.
Ông Tòng thính ngủ vừa nghe tiếng của cô liền mở mắt ra, ông hơi dịch người chừa chỗ cho cô rồi ồm ồm nói: “Lại ngủ muộn quen giấc rồi đấy.”
Nguyệt Hoa liền cười hì hì: “Từ hôm nay trở đi con sẽ tập ngủ sớm ạ.”
“Nom làm được thì hãy nói, đừng có suốt ngày hứa lèo.” Giới trẻ bây giờ toàn thức khuya dậy muộn, nói cũng chả nói được.
“Sao ông lại nói thế, cháu gái của ông uy tín thế này cơ mà.” Nói rồi cô nàng rúc đầu vai ông, nằm cò quăm nói tiếp: “Ông đọc bài vè về hai vợ chồng ông Giảu cho con nghe đi ông.”
“… Đã đọc hàng tỉ lần rồi mà nghe vẫn chưa chán à?”
“Dạ. Bài vè do ông ngoại viết con nghe chẳng bao giờ thấy chán cả!”
Ông Tòng nghe vậy thì giơ tay trí nhẹ vào đầu cô: “Chỉ được cái dẻo mồm.” Rồi ông hắng giọng chậm rãi dong dỏng đọc theo nhịp:
“Việt nam dân chủ cộng hòa, việt nam độc lập nam đà thứ hai, mùng tám tháng tư vừa rồi, nước lỏng nước phém ta thời chiến tranh, nước lỏng thì cũng vô tình để cho nước phém dọn đàng ra khơi, tàu bay nó tiến tới nơi bom thì dội xuống một hồi nổ vang, chẳng may duyên số của chàng răng gãy ba chiếc máu ra chan hòa. Ai ai đủ mặt trẻ già, ai ai trông thấy cũng đà thương ngôi. Ông Giảu vốn thực là người tu nhân tích đức để thời về sau, hết lời can gián nông sâu can chồng gán vợ sự nay giảng hòa. Nghĩa đời anh em chúng ta, đã trót như thế biết đà làm sao!”
(Bài Vè do ông ngoại quá cố của mình sáng tác khi còn sống)
Nguyệt Hoa nằm gối đầu lên tay, theo từng tiết tấu chậm rãi nhấn nhá của ông ngoại, cô nàng bật cười khúc kha khúc khích. Ông ngoại kể rằng, vào một lần chứng kiến hai vợ chồng nhà ông Giảu hàng xóm đánh nhau, ông đã nảy ra ý tưởng và chế thành một bài vè để lưu giữ làm kỉ niệm. Lúc ấy ông đã bị bà ngoại mắng rất nhiều, bà bảo người ta đánh nhau ông không vào can lại còn viết ba cái thứ vở vẩn này để người ta chửi cho à. Dù đã nghe ông ngoại đọc bài vè này rất nhiều lần rồi, nhưng lần nào nghe xong cũng thấy buồn cười.
Ông Tòng nhìn đứa cháu gái cười lắc cười nẻ cũng bất giác cười theo. Hồi sau ông kéo chăn đắp lên cẩn thận cho cô nói: “Thôi, khuya lắm rồi, hai ông cháu mình cũng ngủ đi thôi.”
“Dạ ông.”
Nguyệt Hoa ngoan ngoãn duỗi tay duỗi chân nằm ngay ngắn rồi nhắm mắt lại. Một lúc sau liền chìm vào giấc ngủ sâu.
“Thùm Thùm Thùm!”
“Thầy Tòng ơi! Mở cửa cho tôi với, thầy Tòng ơi!”