________
Cõi trần ai, vốn là chốn đau thương thống khổ, sầu bi trĩu nặng. Đoạn đành, hài tử lọt lòng, chưa mục được ánh quang minh, đã khóc than ai oán. Thế nhân, đâu đâu cũng muốn đến cõi thiên đàng, để dứt nghiệp sân si, tuyệt đoạn ái ố, để rồi tọa đỉnh thiên lầu, ngắm nhìn nhân gian phủ phục dưới gót hài. Thế nhưng, chưa vào địa ngục, sao biết cảnh cõi mộng thiên thai?
Năm ấy, tại vùng Thất Sơn, bốn bề là cảnh vật u tối ghê rợn, văng vẳng đâu đây là khẩu ngữ liên quốc hỗn tạp, nhưng chỉ là thoáng chốc. Một lúc, lại lặng im, nhường chỗ cho đám ếch nhái rả rích.
“Mình à! Em đã đến, để gặp lại anh!”
Trong đêm tối, thoáng thấy hình bóng nữ nhân đang quỳ trên mặt đất, hai tay đào xới, hất tung đất cát lên trời. Đất bay lên, lúc sau cả thân người đã khuất trong cái hố, nhìn lại, cảm thấy rợn người. Phía trước, rõ ràng tấm bia mộ, nữ nhân lại đào hướng hạ huyệt hạ môn, chẳng phải là… đang đào mộ ai đó lên sao?
Dưới đấy, quả thật là một cái quan tài đã hoai mục đôi chỗ, có vẻ ít cũng phải chín, mười năm. Nắp quan mở tung, bên trong là một xác người, nhưng quái lạ là thân thể vẫn nguyên hình trạng, không chút thay đổi, cứ như là người chết vừa chôn tức thì. Nữ nhân kia lấy túi vải để ở bên cạnh, lấy từ trong là những mảnh xác của trẻ nhỏ đặt vào. Mỗi phần, lại đặt ở vị trí ứng với thân thể cái xác kia.
Bỗng chốc, mùi đất tanh nồng, quện lẫn chút ngai ngái của gỗ mục ngay lập tức tan đi, để lại mùi hương phảng phất như trầm, thoang thoảng xoa dịu không gian cô tịch lạnh lẽo. Những mảnh thi thể của trẻ nhỏ, tựa hồ bị cái xác kia nuốt lấy, từ từ lặn vào da thịt. Bất giác, cái xác khẽ cựa quậy, rùng mình vài nhịp, rồi bật dậy. Người vừa sống lại kia, thở hổn hển như kẻ vừa thoát cơn ngạt, hoảng hốt nhìn xung quanh. Thoáng thấy nữ nhân kia, chỉ nói run run được vài từ.
“Nguyên… Nguyệt…!?”
_________________
Thôn Hạ từ lâu nổi danh là vùng đất lưỡng cực, chẳng phải vì linh khí địa nhân hào kiệt, cũng chẳng phải do âm dương cân bằng, mà là vì nơi đây có hai cảnh trái ngược. Cái làng này nghèo, nghèo đến xác xơ cả ra. Nhìn vào thì ai cũng thấy, năm nào cũng có người bị quan Tây bắt đi vì không nộp đủ sưu thuế. Nhẹ thì bị bắt đi tòng quân bên mẫu quốc, may mắn thì thân tàn ma dại trở về, xui rủi thì bỏ mạng nơi đất khách quê người. Còn nặng thì bị đánh cho đến nhừ tử, gia quyến đem nhục thân ấy về chưa đầy mươi ngày thì thổ huyết mà chết, âu cũng do lục phủ ngũ tạng đều bị dập nát, chỉ như ngọn nến leo lét thổi trong đêm mưa bão, một luồng gió nhẹ đi qua là tắt lịm không có chút cơ hội nào.
Thế mà cái làng kia lại có một gia môn đồ sộ, tứ phía là tường cao bao phủ ngăn cách với đám nạn dân kia. Gia môn ấy của họ Trịnh, vốn trước kia hào phú ở nơi khác, chẳng hiểu cơ duyên nào lại di dời đến đây, chỉ vài tháng đã xây dựng nên gia trang ngược ngạo kia. Dân tình xung quanh nghe bên trong có những chuyện vô luân đạo lý, nên gọi nó là Hắc Trang, dặn dò đàn bà con gái, lũ trẻ xung quanh không lai vãng đến gần, còn nguyên do thì chính họ cũng không tường tận. Còn đám đàn bà con gái trong làng cũng cấm tiệt cánh đàn ông không được nhìn ngó vào trong, vì Hắc Trang tuy bí ẩn nhưng gia chủ lại là một người phụ nữ xinh đẹp, đến nỗi có kẻ trót nhìn dung nhan mà tương tư đến bỏ ăn mất ngủ, thân thể tiều tụy rồi chẳng mấy chốc quy tiên.
Gia môn họ Trịnh đến đây được gần một năm thì có tin Trịnh chủ lâm bồn, hạ sinh được một đứa bé chẳng rõ trai hay gái, thế nhưng vẫn không biết ai là cha của nó. Đám phụ nữ cười khảy gọi là thứ đàn bà lăng loàn, đám đàn ông thì bảo đó là thứ dâm dục bất trị. Chỉ có kẻ biết điều lại cười khảy bọn chúng, thói đời là thế, đám đàn bà chẳng qua khổ quá lâu sinh ra đố kỵ, đám đàn ông thì tiếc rẻ mỹ nhân chẳng có phúc phận được hưởng thụ, rốt cuộc lại đàm tiếu xằng bậy. Đã là mỹ nhân, lại sống trong nhung lụa, hà cớ gì lại tự túc sinh con? Chẳng qua là việc nhà họ, việc gì phải trình bày với lũ người chẳng thể chạm đến ngón chân, lúc nào cũng soi mói ngoài kia?
Cũng từ thời gian ấy, làng này bắt đầu xảy ra chuyện kỳ dị, ban đầu là việc những đứa trẻ đột nhiên mất tích không rõ nguyên do.
_____________
Vào những ngày hạ chí, cả làng nóng như đổ lửa, ánh mặt trời chiếu sáng cảm giác như muốn thiêu mọi thứ. Nhưng chỉ vài ngày sau, những cơn mưa bắt đầu đổ xuống, rả rích nhiều ngày liền. Nguyên do là vì làng này vốn len lỏi giữa những rặng núi, bao quanh thành cánh cung, nên khí ẩm từ ngoài cứ thế tuôn vào.
Mưa đến, tất nhiên cả làng đổ xô nhau đi cày cấy, dặm mạ non, trong làng chỉ còn đám trẻ nhỏ ở lại. Thích thì chúng tắm mưa, không thì ngồi tụ tập lại chơi đánh đáo, ô ăn quan. Kể cũng vui, vì người lớn đi cả, chúng muốn làm gì thì làm mà chẳng sợ la mắng.
Có mưa, tất nhiên mây đen cũng kéo đến. Dù cho ban ngày, cả làng vẫn âm u như lúc chạng vạng. Nhà nào sang thì đèn vẫn để chút dầu, mỗi lúc trời chuyển tối, đám trẻ lại mở đèn, nhưng chỉ vài nhà sáng.
Chuyện bắt đầu từ lúc đứa con nhà họ Lâm thấy chuyện kinh dị.
Nhà họ Lâm vốn cũng chẳng nghèo khó gì, khác xa những nhà trong làng, tất nhiên là vẫn thua kém họ Trịnh xa. Tuy trời có âm u, nhà họ Lâm vẫn sáng như có nắng chiếu vậy, bởi vì họ có của, có đèn dầu mà thắp mỗi khi tối trời.
Mà mấy nhà được vậy đâu, chỉ có nhà họ Lâm; nhà A Lý, gốc từ tỉnh Vân Nam chạy loạn mười ba quân Tây đến đây; nhà Vân Lệ, chuyên thu mua nông sản; nhà Cát Lân, vốn cho thuê trâu bò là có điều kiện. Bốn nhà nhưng lại sát cạnh nhau, rốt cuộc cả làng chỉ có hai đốm sáng duy nhất, một là của tứ gia trên, một là từ gia trang họ Trịnh, còn cả làng, âm u đến kinh sợ.
Chuyện bắt đầu khi thằng Bảo, vốn là con trai của bác Tư Sinh, một bần nông trong làng mặt tái mét chạy đến nhà họ Lâm vào giữa trưa, năn nỉ đứa con của Lâm gia cho vào tá túc. Lâm gia vốn đi tiệc làng bên từ lúc sáng, chỉ có đứa con Lâm Quý là ở lại nhà. Thấy bạn đến, Lâm Quý lấy bao bánh nếp để sẵn mời bạn, rồi đội mưa chạy ra mở cửa cho thằng Bảo đi vào. Nhưng khi ra thì chẳng thấy nó đâu, phải gọi vài tiếng, nó mới khe khẽ trả lời rồi rúc từ gầm bàn mà đi ra. Quý gặng hỏi nhưng nó chẳng trả lời, cứ ngồi bó gối ở góc giường, có gọi cũng chẳng dám bước đi.
Lâm Quý định cứ để cửa vậy, nhủ thầm kiểu gì nó cũng vào, bất chợt thằng Bảo bỗng dưng đứng phắt dậy, kéo mạnh Lâm Quý vào nhà, mặt cắt không còn giọt máu. Nó kéo mạnh đến nỗi làm Lâm Quý ngã nhào xuống đất, nghĩ nó bị điên, Quý la mắng đuổi nó đi. Vùng vằng mãi chẳng đuổi nó ra được, thằng Quý gọi người hầu. Tuy là chuyện của con nít ranh, nhưng dù sao nó cũng là cậu ấm của nhà, họ đành kéo thằng Bảo ra ngoài dù trời đang mưa.
Nó quỳ xuống mà lạy, miệng mếu máo xin Lâm Quý:
“Tao… không! Con xin cậu Cả Quý, cậu thương tình mà cho con ở đây, làm trâu ngựa cũng được! Cậu mà bắt con đi ra, con chết mất!”
Nào thằng Quý có chịu nghe. Nó lại nghĩ thằng Bảo đang điên nặng hơn nữa. Thế là nó la hét, bắt người hầu ném thằng Bảo ra ngoài, xong đóng chặt cổng lại. Nó đứng giữa trời mưa, đập cửa ầm ĩ mà gào khóc. Được một chốc, tiếng gào khóc im bặt.
Đến khi mưa ngớt đi, nhà thằng Bảo đi tìm, được Lâm Quý kể lại chuyện trên, đâu ngờ đó là lần cuối làng này có người thấy nó. Chẳng ai biết sau đó nó đi đâu. Cha mẹ nó tìm mỏi mắt cả ngày trời cũng không thấy tung tích. Nghĩ là do yêu ma bắt đi, hai người thỉnh thầy cúng về nhưng không được, vì ma quỷ nào có xuất hiện ban ngày!
Bẵng đi vài hôm, cha mẹ nó lại mời thầy cúng đến. Dù là buổi trưa, thầy cúng đến thật. Ông vào nhà nó một chốc rồi đi ra, rồi lại lập bàn cúng. Cúng đến chiều, ông thầy bỏ đi, mang theo một số tiền mà cha mẹ thằng Bảo đưa, được để vào trong một bọc màu xám đã sờn rách đôi chỗ.
Trưa hôm sau, tiết trời vẫn âm u thế nhưng lại có chớp giật. Sợ thiên lôi đánh nhầm người, cả làng bỏ ruộng đồng mà về cả. Lúc bấy giờ, từ nhà thằng Bảo phát ra những tiếng rú ghê rợn.
Cả làng xúm vào xem, chỉ thấy cha mẹ nó ngồi ôm nhau, mặt tái mét, ai hỏi cũng không trả lời. Một lúc sau, ông Tư Sinh mới run run mà chỉ tay vào trong buồng thằng Bảo. Người đến thấy lạ, liền bấm bụng vào xem. Căn phòng thằng Bảo tuềnh toàng như cái nhà của nó, trơ trọi mỗi cái chiếu tre được dựng một góc, thêm cái bàn được làm từ củi vụn đặt sát đầu giường. Chẳng có gì ghê rợn, vậy tại sao ông bà Tư Sinh lại kinh hãi đến thế?
Chỉ đến khi một người mỏi chân, ngồi vào giường thằng Bảo, mọi người mới thấy lạ. Người này vừa ngồi vào, lập tức đứng dậy, mặt cắt không còn gịot máu mà chạy về nhà. Sinh nghi, cả làng gặng hỏi, lúc này ông bà Tư Sinh mới trả lời.
Vốn từ khi thằng Bảo bỏ đi, buồng của nó chằng ai sử dụng, chỉ có bà Tư Sinh mỗi buổi đi làm đồng về lại quét dọn chút bụi bay vào. Vào một sáng, bà Tư Sinh không ngủ được nên dậy sớm, tiện thể quét dọn phòng con luôn. Được một lúc, bà nghe thấy tiếng thằng Bảo gọi “mẹ ơi!” thảm thiết. Nghĩ con đã về, bà vội chạy lại nơi có tiếng kêu nhưng chẳng thấy người, chỉ có mỗi cái áo thằng Bảo mặc lúc bỏ đi là còn lại. Tìm khắp nơi không được, bà gọi cả ông Tư Sinh dậy. Hai người đi tìm một lúc, thất vọng mà quay về phòng con.
Lúc vào phòng, hai người thất kinh khi trên giường có cái quần thằng Bảo đã mặc, được để gọn gàng, một ống gác thành chữ chi. Nhưng cái ghê sợ hơn là cả hai nhìn thấy thằng Bảo đứng ngoài cửa sổ mà trông vào, mặt tái nhợt. Cả hai chạy lại kêu thằng Bảo thì nó bỏ đi, tuy chẳng nhanh nhưng không tài nào đuổi được. Cái lạ là dù có la hét thế nào, trên đường tuyệt nhiên không có bóng người nào, mà cũng chẳng ai mở cửa ra xem.
Đuổi theo một đoạn, hai người thấm mệt mà dừng lại nghỉ ở gốc đa đầu làng, thằng Bảo vẫn đứng đấy nhìn chằm chằm, lúc bấy giờ mới thấy rõ nó không mặc quần áo, mà trên một cánh tay lại đeo băng màu trắng, tay run run chỉ vào gia trang họ Trịnh. Hai người nhắm mắt lại một chút, đến khi tỉnh dậy mới nhận ra đã gần trưa. Đi hỏi thì chẳng ai thấy hai người nằm ở đó, cứ như bị giấu đi. Cho là có sự lạ, cả hai mời thầy cúng về.
Ông thầy chỉ nói cả hai thần hồn nát thần tính, nên thằng Bảo về cho hai người yên tâm, chẳng có chuyện gì lạ cả. Xong ông tụng kinh cầu siêu cho nó, nói cả hai tính đường lo hậu sự cho con. Tiễn thầy cúng đi, cả hai đưa cho thầy một ít tiền, hẹn sáng hôm sau quay lại. Thế nhưng chờ đến trưa chẳng thấy ai tới, thêm phần có giông chớp, nghĩ thầy bị mắc mưa mà không đến, cả hai vào buồng thằng Bảo mà dọn dẹp.
Trên bàn, có một túi được để sẵn, cả hai kinh ngạc nhận ra đó là túi tiền họ đưa cho ông thầy cúng. Lúc này trời trở lạnh, cả hai chợt nhìn ra cửa sổ thì thấy bốn cây cột trắng nhờ ngoài đó. Thấy lạ, cả hai ngước đầu ra cửa sổ mà xem. Lúc này mới thấy, thằng Bảo và ông thầy cúng đang cúi đầu nhìn xuống, đôi chân cao lêu nghêu lạ thường. Thất kinh, cả hai rú lên thì thằng Bảo và ông thầy cúng bỗng dưng biến mất.
Còn về người đã ngồi giường thằng Bảo, gặng hỏi mới nghe ông trả lời mà lạnh sống lưng. Lúc ngồi xuống, ông vô tình nhìn qua kẽ giường mới thấy rõ con nhà Tư Sinh và một người nữa, mặt trắng nhợt đang ở dưới, ngước lên nhìn mà cười kinh dị.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Đến vài ngày nữa, dân làng mới biết chuyện này thật sự khủng khiếp thế nào.
Từ sau chuyện trên, nghĩ là nhà thằng Bảo gặp chuyện linh dị, động đến ma quỷ nhiễu nhương, làng này liền tránh xa nhà nó, đến Lâm gia do có người gặp nó cuối cùng, cũng bị vạ lây mà cô lập.
Được vài ngày, đến tiết lễ hạ chí, cả làng mở cỗ để cúng thần. Nhà Lâm gia vốn là một trong bốn nhà gia thế phải có mặt đầy đủ, vậy nên làng bấm bụng mời họ đi. Lâm gia vốn biết chuyện trước đây cũng ái ngại ra ngoài, nhưng phép vua thua lệ làng, đành dẫn cả nhà đi phụ, người hầu cũng phải theo, duy chỉ có Lâm Quý lại đang vận tam tai không được có mặt, Lâm gia đành để lại ở nhà. Trước khi đi, Lâm gia khóa cổng lại và dặn nó dù cho chuyện gì xảy ra cũng không được bước ra.
Thế là cả làng đều ra ngoài đình cả, được một chốc, trời đổ mưa nặng hạt hơn. Tiếng trống làng lúc đầu vẫn nghe được, nay đã bị tiếng mưa át hẳn. Mà nói trong làng không có ai cũng chẳng đúng. Trời thì đổ mưa to, cả làng lại bận rộn, vì vậy đám trẻ con đều ở nhà. Chúng gọi nhau í ới, rủ Lâm Quý ra chơi. Nhưng cửa đã khóa, chẳng có cách nào mà đi ra cả. Muốn leo ra, nó cũng chẳng muốn.
Nhưng tiếng gọi của lũ bạn làm nó bồn chồn. Thế là nó định leo ra, nhưng nhà đã khóa cửa, nó đành chạy đi tìm cái thang tre mà Lâm gia đã cất phía sau nhà kho định dùng chạy ra ngoài. Ấy vậy mà lúc lấy được quay lại thì lũ bạn đã đi mất. Trẻ con vốn thế, chẳng kiên nhẫn được lâu.
Tiếng bọn nó cũng không xa lắm nên thằng Quý dựng thang mà đi ra. Nhưng cái thang vốn nặng, mang ngang thì còn được, chứ dựng lên thì quá sức. Nó cứ hì hục dựng cái thang lên, bỗng cái thang nhẹ bẫng như có người nâng giúp vậy. Nó hí hửng leo lên, vừa được bậc đầu tiên, tiếng ai đó làm nó chột dạ.
“Cậu không cảm ơn tôi sao? Cậu Quý?”
Thằng Quý hết hồn vì đó là tiếng thằng Bảo. Ngoái lại sau, thằng Bảo đã đứng kỳ dị ngay sau lưng nó. Đôi chân nó cao lêu nghêu như hai ngọn tre lâu năm, người tái nhợt, không mặc quần áo gì. Ngực nó thì hằn rõ những cái xương sườn như bị đói. Nó cúi xuống mà nhìn thằng Quý chằm chằm. Lúc này mới thấy cái đầu nó to lạ thường, phải gấp đôi đầu người lớn.
Thằng Quý thét lên mà chạy vào trong nhà, vứt cả cái thang lại. Nó trốn ngay dưới gầm thờ mà quên đóng cửa. Cái thứ trông như thằng Bảo thì từ từ tiến lại gần, khi đứng trước cửa nhà, chỉ thấy mỗi đôi chân của nó. Nó cúi xuống, nhìn vào trong, giọng nói như từ cõi khác.
“Chơi với tôi nào, cậu Cả Quý!”
Nói rồi nó thò tay vào trong, bò hẳn vào nhà. Con quỷ nó đang vào hẳn bên trong nhà!
Nó bò lại gần chỗ thằng Quý, đôi chân vì quá dài mà vẫn còn thòng ngoài cửa. Thấy vậy, thằng Quý cố lấy hết dũng khí mà chạy ra phía sau nhà. Tiếng nó vẫn gọi với theo.
“Cậu Cả Quý, chơi với tôi nào!”
Chạy được đến nhà kho, thằng Quý đóng chặt cửa lại, nín thở không dám phát ra tiếng động gì. Nó vẫn nghe rõ tiếng thằng Bảo đang bò ngoài kia, những tiếng sột soạt cứ gần hơn, một lúc sau nó dừng trước cửa.
Chờ một lúc lâu, lại tiếng sột soạt ấy đi xa hơn. Cuối cùng chẳng còn nghe gì nữa ngoài tiếng mưa rả rích. Thằng Quý len lén nhìn hé qua cánh cửa sổ. Bên ngoài chẳng có gì ngoài mưa tạt vào, phun mù trước mặt.
Nó lại mở cửa rộng hơn một chút, cũng chẳng thấy gì. Lại dần dần mở rộng hơn một chút, chẳng biết từ bao giờ cánh cửa sổ đã mở toang. Không có gì cả, chỉ có hai cây cột chỏng chơ dựng trước cửa.
Nó định nhìn thêm, bỗng chột dạ nhớ lại lời bà Tư Sinh “chỉ thấy bốn cây cột trắng nhờ, chỏng chơ ngoài kia…”, nó rút đầu lại, nhưng chưa kịp đóng chặt cửa thì cái đầu thằng Bảo thò vào, miệng nó cười làm lộ ra hàm răng trắng hếu.
“Tìm thấy cậu rồi!”
Thằng Quý đứng chôn chân, nhìn nó từ từ bò vào cửa.
Đúng lúc này Lâm gia trở về, không thấy thằng Quý đâu liền gọi giật:
“Thằng Quý, thằng Quý đâu rồi!”
Nó nghe thấy giọng cha, liền hét lên mà chạy ra cửa, giật tung cả thanh ngang mà nó đã gắn trước đó.
“Cứu… cứu con cha ơi!”
Nó cứ chạy mà không dám nhìn lại đằng sau. Đến khi thấy cha, nó lao vào cả người Lâm gia khiến ông ngã khuỵu xuống. Chưa kịp mắng nó, Lâm gia đã lắp bắp, chỉ tay về phía sau.
“Cái… cái gì.. thế kia…”
Thằng Bảo với đôi chân cao lêu nghêu, bước chậm rãi ra ngoài cổng. Tiếng nó vẫn còn văng vẳng.
“Không vui, không vui nữa rồi!”
__________
Trưa hôm ấy, cả làng rú lên kinh hãi. Có tổng cộng mười bốn hộ, với mười chín đứa con nít mất tích. Chẳng ai biết chúng đã đi đâu. Sau này, vài người kể lại chuyện họ thấy vào chiều hôm ấy.
Hai mươi mốt người với đôi chân cao lêu nghêu, tái nhợt, không mặc quần áo. Trong đó có một người rõ là đã đứng tuổi, còn lại hai mươi người đều là con nít, cùng nhau đi một vòng quanh làng, rồi tiến ra phía sông. Từ đó mất dạng. Có thể vì chuyện đó, mà cả làng này khi cất nhà, đều dựng một thanh ngang ngay giữa cửa. Để làm gì, ai cũng hiểu mà chẳng dám nói.
Rồi cho đến một ngày, người ta thấy một phụ nữ tuyệt trần dẫn theo một bé gái dung mạo xinh xắn lạ thường, từ Trịnh gia đi ra dạo khắp làng, nhưng kỳ dị ở chỗ lúc ấy là đêm hôm khuya khoắt. Cũng lúc ấy, người ta chứng kiến cảnh vô luân trong Trịnh gia diễn ra ngay trước mặt.