Con đầu đàn thấy trời cũng sắp sáng, cứ tiếp tục cũng không chiếm được gì thì ra lệnh rút lui, chỉ tay vào Liễu Thi cười khặc khặc:
– Nguyền rủa mày lục thân không nhận, bị chồng ruồng bỏ, không con không cái cô độc đến chết!
Nó vừa nói vừa phun một hơi màu trắng vào mặt Liễu Thi. Sau đó cả đám ma cà rồng rút lui, trước khi đi chúng còn thèm thuồng nhìn về phía đứa bé.
Liễu Thi bị đẩy lui về phía sau một chút, cô thấy mình không bị thương chỗ nào nên cũng không để ý lời nguyền của ma cà rồng.
Đuổi xong đám ma cà rồng, Liễu Thi định xem cô gái đã sinh được con chưa thì thấy cảnh tượng đứa bé nằm trong tay bà cả đỏ hỏn, cả người đầy máu, không có sức cất lên tiếng khóc chào đời. Bà cả lấy đoạn dây rốn mình cần thì cất vào trong một cái hộp nhỏ bằng gỗ trầm, sau đó bà ta đem trả đứa bé lại cho mẹ của nó.
– Mẹ, mẹ làm gì vậy!
Nghe thấy Liễu Thi dám to tiếng với mình thì bà cả không vui, mặt tỉnh bơ đáp:
– Cứ dây dưa thế này sớm muộn gì nó chả chết! Là tao cứu nó từ trong tay Diêm Vương đấy!
Bà cả lại bấm bấm đốt ngón tay, chậc một tiếng:
– Đứa bé này coi như phúc lớn mạng lớn
Bà ta lấy từ trong bọc ra ít lá thuốc, vứt cho Liễu Thi, nói:
– Đắp cầm máu cho hai người kia đi. Tao chỉ cho mày một nén hương thôi đó!
Liễu Thi vâng lời, vội dùng nước sạch rửa tay, sau đó mới đắp thuốc cho đứa bé. Được một lát thì đứa bé cất tiếng khóc chào đời:
– Oa…Oa..Oa…
Liễu Thi nghe thấy thì mừng, cười tủm tỉm:
– Con thay mặt mẹ con bé cảm ơn mẹ rất nhiều ạ.
Bà cả mặt lạnh như tiền, nói:
– Đi thôi!
Trông thấy đứa bé và mẹ nó còn rất yếu, ở nhà này lại chỉ có bà lão mù trông nom, Liễu Thi không yên tâm, cố năn nỉ bà cả:
– Hay mẹ ở lại đây thêm chút nữa cho trời sáng hẳn đã ạ..
Bà cả trừng mắt lườm Liễu Thi:
– Mày đừng có quên thân phận của mình. Tao là chủ còn mày phận tôi tớ, chỉ có phục tùng, cấm có cãi biết chưa!
Liễu Thi nghe vậy thì tủi thân, chỉ đành đi theo bà cả rời khỏi căn nhà sàn. Khi ra đến cửa bà cả ném một thỏi vàng vào trong nhà rồi đi thẳng.
Bà cả lấy ra một nén hương đốt, khói hương bay theo hướng nào thì bà ta theo hướng đó. Rời khỏi bản nọ, bà cả đi về hướng rừng sâu, Liễu Thi bám sát theo bà, sợ không may lạc mất thì cái mạng nhỏ của cô cũng không còn.
Càng vào sâu bên trong, rừng càng âm u và lạnh lẽo, cây cối càng xanh ngắt lạ thường. Có một con đường mòn nhỏ phủ đầy rêu và cỏ dại xuyên qua cánh rừng, nếu không tinh mắt sẽ chẳng nhận ra được.
Đang đi thì bỗng có thứ gì đó đập nhẹ vào mặt Liễu Thi, cô ngẩng đầu nhìn lên thì trông thấy một dải khăn trắng vắt thõng thẹo trên cành cây sồi cổ thụ. Chiếc khăn rất đẹp, điểm xuyết trên đó là những bông hoa ban trắng còn thoang thoảng hương thơm dịu ngọt. Liễu Thi như bị nó hớp hồn, định giơ tay với lấy thì bà cả giáng cho cô một cái bạt tai, quát:
– Đi rừng thì đi thẳng, cấm ngó nghiêng trái phải hay quay đầu lại đằng sau. Thấy đồ lạ như khăn, ký hiệu gì đó cũng cấm được theo, dẫn đến vách núi hay thác nước mất mạng như chơi đó!
Liễu Thi ôm má, nheo mắt nhìn kỹ thì phát hiện trên thân khăn dính rất nhiều âm khí, khi nãy cô bị mùi hương của nó mê muội nên không nhìn ra.
– Dạ, con biết rồi ạ. Con xin lỗi mẹ.
Bà cả không đáp, tiếp tục đi về phía trước. Xuyên qua cánh rừng thì đến mỗi thung lung nhỏ, từ xa Liễu Thi đã trông thấy ánh lửa cùng làn khói bốc lên. Quả nhiên đám người Đinh Thăng đang đốt lửa tại đó.
Liễu Thi cảm nhận được có rất nhiều hài cốt của những oan hồn đang kêu gào dưới lòng đất. Chúng đều là những oan hồn của quân lính chết oan, không được chôn cất đàng hoàng nên vất vưởng quanh đây, thành những oán linh có sức mạnh nghiêng trời nở đất.
Hồi tối đoàn người gần hai chục người, bây giờ chỉ còn lại sáu người. Một tên gia nô dâng gà nướng cho bà cả. Bà cả xé lấy cái đùi, bỏ trong tàu lá chuối, đem đặt dưới một gốc cây cổ thụ gần đó, sau đó đổ lên đó ít rượu trắng, chắp tay cúi đầu cung kính khấn:
– Rừng cao linh thiêng, xin mời các vị thưởng thức cùng.
Đinh Thăng thấy Liễu Thi thắc mắc, liền giải thích:
– Rừng có luật rừng, bất kể là ai trước khi ăn đều phải mời “họ” trước, nếu không sẽ khó thoát ra ngoài được. Sau này có thể mợ còn đi hầu bà lớn dài dài, cố mà nhớ lấy.
Bà cả cúng thần rừng xong thì quay lại chỗ ngồi, hỏi Đinh Thăng:
– Mọi việc chuẩn bị tới đâu rồi?
– Bẩm bà lớn, tôi đã kiểm tra thế đất, long mạch tại đây, có rất nhiều “cá” cho chúng ta giăng lưới.
Bà cả gật đầu hài lòng:
– Mồi nhử đều đã có đủ, trong ngày hôm nay phải lập đàn xong, đêm nay tôi sẽ bắt đầu.
Liễu Thi nghe không hiểu lời họ nói, cô xé một miếng gà lườn bỏ vào miệng, mùi thịt nướng thơm phức làm cô cảm thấy hạnh phúc. Đang lúc ăn ngon miệng thì Liễu Thi ngửi thấy mùi ôi thiu của thịt, cô quay đầu nhìn sang thì thấy cái đùi khi nãy đã bốc mùi lạnh ngắt, cứ như có ai hút hết dưỡng chất trong nó vậy..
Đàn làm phép được xây trên một gò đất cao ở chính giữa thung lũng, được đắp bằng bùn trộn với xương cốt của ba loài trâu, ngựa và dê. Đàn được chia thành hai với 1 mặt ở trước tạo thành lối đi vào. Lối đi dài hơn 10m, hai bên cắm đầy các cây cờ, dưới chân cờ là các ngọn nến cháy bập bùng.
Liễu Thi bị trói vào một cây cột, trên mặt cô được bôi nhau thai mà bà cả lấy từ đứa bé. Mùi tanh tưởi khiến Liễu Thi không kìm được mà nôn sặc sụa. Cô ngước mắt cầu xin bà cả:
– Mẹ, xin mẹ tha cho con..
Bà cả sắc mặt lạnh lùng, nhìn cô dặn kỹ:
– Tôi đã nói nhà họ Hồ không nuôi người ăn hại. Chút nữa cô chỉ cần đứng yên là được, đảm bảo cô bình an vô sự.
Lúc này Liễu Thi mới hiểu bà cả dẫn cô theo để làm gì, thì ra cô chính là “mồi” để bà cả nhử âm binh sa lưới. Trong phút chốc miệng Liễu Thi cảm thấy đắng đắng, lúc bà cả cho thuốc cứu đứa bé kia, cô đã từng hi vọng bà cả tâm tính không hoàn toàn xấu, biết đâu có một ngày bà cả coi cô như người một nhà thì sao.
Trên đàn làm phép đã bày sẵn mọi thứ. Bà Cả lạnh lùng đứng ở trước đàn, hai cánh tay cầm lấy ba nén hương, tạo thành hình vòng cung.
Đinh Thăng đứng bên dưới hiểu ý cùng thắp lửa cho hương cháy. Bà cả huơ tay phải, vòng lên trước ngực hô:
– Cung thỉnh chư vị xa gần, đáo hạn âm môn không vào luân hồi . Đạo sư cung thỉnh chư vị nhập đàn hưởng lễ. Ứng pháp.
Lời vừa dứt thì gió bắt đầu nổi lên, các ngọn cờ tung bay phấp phới, trên mỗi đỉnh cờ có treo nhiều quả chuông nhỏ. Chúng rung lên những tiếng leng keng leng keng liên tục.
Quản gia đứng ở dưới thì thầm nói:
– Chúng tới rồi!
Trên đàn lễ là đầy đủ các loại thức ăn gồm cơm, xôi, chè, cháo, cùng với đó là 2 con lợn quay, gà vịt ê chề. Đinh Thăng cầm lấy các xấp tiền giấy, áo giấy đốt.
Trước lối đi dần xuất hiện các bóng người lấp ló. Bà cả hất tay, cắn máu ở đầu ngón tay viết thành 1 đạo bùa dán trực tiếp lên mộc kiếm. Trước mặt bà ấy là một hũ nhỏ đựng đậu, cùng với 1 con hình nhân.
Khi bóng xám vừa bước vào lối đi, lập tức con hình nhân cử động. Bà cả chớp thời cơ đọc thần chú:
– Thiên phạm chư linh, bất toái thu binh. Linh thân ứng đậu. Cấp thiết lệnh!
Sau đó bà cả cầm mộc kiếm hất lên không cùng lá bùa đánh vào mộc nhân, kéo ra 1 cái bóng xám đang vẫy vùng. Bà ấy đập vào lọ chứa đậu, một hạt đậu bỗng nổi lên 1 chấm đỏ. Bà cả vội vàng chấm mực vào hạt đậu đó rồi bảo quản gia:
– Mở thiên la địa võng. Cá vào lưới nhiều rồi!
Trong lối đi có rất nhiều bóng xám, họ bị hấp dẫn bởi bởi Liễu Thi mà tới. Bà cả đã xem kỹ bát tự của Liễu Thi, cô sinh vào đúng tiết Thanh Minh, trong sáng, đẹp đẽ, tinh khiết vô ngần, ma quỷ rất thích hấp thụ dương khí của cô rồi tu luyện.
Cả người Liễu Thi nóng ran như lửa, cô cảm thấy có hàng ngàn móng tay sắc nhọn đang cào cấu cắn xé cơ thể mình.
– Mẹ ơi, cứu con.. Con đau quá!
Khi thấy cảnh bà cả thu binh thì toàn bộ vong hồn muốn quay ra. Đinh Thăng tung 1 tấm lưới được nhúng qua máu chó mực ở ngay trước lối ra vào, thành ra chúng không cách nào thoát khỏi, hai bên bừng cháy thành hàng lửa dài. Bà cả cứ thế thu từng vong hồn vào hạt đậu…
Nhưng những vong hồn này nào có hiền lành gì, chúng thấy mình sắp bị tóm gọn thì đồng thanh rống lên một tiếng long trời lở đất. Một cơn dông lớn ập đến kéo theo đất cát mịt mù, làm tắt toàn bộ nến đã thắp.
Bà cả đưa tay chống ngực, phun ra một ngụm máu tươi. Đinh Thắng thấy tình thế không ổn, vội dập tắt hương, rất tiếc đã muộn, hương cắm trong bát bùng cháy thành lửa lớn.
– Là.. Là soái vong!
Liễu Thi nghe thấy vậy thì tuyệt vọng. Trong sách cổ từng viết rõ ràng như sau: m binh được chia làm ba dạng là âm binh thường, soái vong hoặc quan vong và mạnh nhất là đế vong. Đế vong là mạnh nhất và hiếm nhất, đó là oan hồn của những vị vua bị phá lăng mộ, bị phế truất, thi thể bị trấn yểm thành ra phải lang thang. Đế vong có sức mạnh dời non lấp biển, trong giới pháp sư chưa ai thu phục được. Tiếp theo là quan vong và soái vong, đỉnh cao trong thuật luyện âm binh. Loại binh này là oan hồn của những vị tướng chết trận nhưng linh khí vẫn còn, uy lực tuy thua đế vong rất nhiều nhưng cũng không kém phần lợi hại. Còn quan vong là những quan văn bị dính phải nỗi oan khuất tày đình nên không siêu thoát được, uy lực không kém soái vong. Tương truyền ai thu được một trong hai loại binh này thì sẽ có hơn hàng vạn âm binh khác tự khắc đi theo nhưng phải đánh đổi bằng cả tính mạng để thu phục.
Đinh Thăng đã tính toán kỹ càng, cứ tưởng ở đây chỉ có âm binh thông thường, không ngờ lại là soái vong! Ông ta tự biết lượng sức mình, biết mình và bà cả có hợp sức lại cũng không đánh nổi soái vong kia, liền dìu bà cả chạy trốn trước, mặc kệ Liễu Thi tự sinh tự diệt!