– Không lẽ có người hạ cổ nhà quan Trịnh sao cậu?
Cậu cả lắc đầu, đáp:
– Không phải, nhà họ Trịnh vì lý do nào đó mà dính trùng thi rồi. Con đầu đàn to béo kia gọi là trùng tổ, chính là cái xác bị trùng thi điều khiển, mỗi đêm đều sẽ đội mồ sống dậy, bò tới nhà người bị ám để hại họ. Vì mỗi nhà đều sẽ có thần bếp giữ cửa, mà trùng thi sợ nhất là lửa nên chúng không dám cứ thế bò vào, chỉ đành tách ra thành những con trùng nhỏ để tránh bị thần bếp phát hiện.
Liễu Thi dõi mắt nhìn theo hướng những con trùng nhỏ đi thì thấy chúng đang bò về phía phòng của bà Trịnh, từng con mập mạp lúc nhúc bò san sát nhau như nấm dại sau mưa.
– Có muốn xem tiếp không?
Nghe cậu hỏi thì Liễu Thi gật đầu. Cô cẩn thận đi từng bước về phía phòng bà Trịnh sợ lũ trùng thi biết được, quay ra ám cô thì nguy. Từ bên ngoài, Liễu Thi vén tấm rèm che ngó vào thì thấy đám trùng thi đã bò được lên giường, từng con từng con chui vào lỗ mũi bà Trịnh, những chiếc xúc tu của chúng còn phun ra chất tanh hôi màu trắng lên khắp mặt bà ấy. Có vẻ vì khó thở mà mặt bà Trịnh tái mét đi.
Thấy tình huống nguy cấp Liễu Thi định hô lên để đánh thức mọi người trong phủ thì bị cậu cả ngăn lại, cậu nghiêm giọng nói:
– Em mà la lên không những hại bà ta mà còn hại tất cả những người trong phủ này đấy! Đám trùng thi này chỉ đang hút dần dương khí của bà ta thôi, tạm thời chưa nguy hiểm tới tính mạng.
Liễu Thi sợ hãi gật đầu lia lịa, hỏi lại cậu:
– Vậy giờ em phải làm gì đây cậu.
Cậu đáp:
– Giờ em coi như không thấy gì, quay về phòng ngủ tiếp, sáng mai chờ đám trùng thi này ngủ yên trong cơ thể bà ta, tôi sẽ có cách diệt chúng.
Lần này Liễu Thi nghe lời cậu, quay người đi về phòng. Cô đặt tay lên đầu suy nghĩ miên man, đột nhiên hỏi cậu:
– Vậy nhà họ Trịnh không phải là trùng tang sao cậu?
Cậu luôn bên cạnh Liễu Thi để bảo vệ cô, thấy cô hỏi thì lập tức trả lời:
– Vừa là trùng tang mà cũng không hẳn là trùng tang.
Liễu Thi khó hiểu hỏi:
– Dạ? Cậu có thể nói rõ được không ạ?
– Em cứ hiểu đơn giản trùng tang là khi một người chết vào ngày giờ độc, thì sẽ bị thần trùng nhớ, bắt hồn người đó về tra tấn đánh đập cho đến khi khai họ tên ngày tháng năm sinh của người nhà để thần trùng bắt tiếp thì thôi. Còn trùng thi là trong quá trình chôn cất, người nhà người chết để làm việc gì đó động chạm tới bề trên, khiến cho ông ta phật ý, sai lính của mình là trùng thi tới ám cho cả gia tộc đó tới khi suy vong thì thôi. Chúng không giết người trực tiếp mà hút dần dương khí, cho tới khi ngã bệnh rồi chết từ từ hoặc khiến thần trí của người bị ám trở nên điên loạn do hít quá nhiều khí độc của trùng thi gây ra mà tự tử.
Liễu Thi nghe vậy thì gật gù hỏi tiếp:
– Vậy phải giải trùng thi kiểu gì đây ạ?
Cậu cả đáp:
– Trước tiên sáng mai em cứu bà Trịnh trước, trùng thi thuần âm, sợ nhất là lửa có tính hỏa, chỉ cần lấy lửa đốt thêm ít dược liệu gồm xả, củ gấu, đơn mãng tử, huyền xà thì có thể cứu được bà ta.
– Đơn giản thế thôi ạ?
Cậu cả lắc đầu:
– Có thể duy trì được tính mạng bà ta thêm một năm thôi. Cách này chỉ mới diệt được ngọn là đám trùng con, còn muốn chấm dứt hoàn toàn họa diệt tộc nhà họ Trịnh thì cần tìm đến nấm mồ của người đầu tiền chết, gọi là trùng tổ, giết được nó thì nhà họ Trịnh mới tai qua nạn khỏi.
– Vẫn là dùng cách như trên sao cậu?
Mặt cậu cả trở nên ngưng trọng, cậu nghiêm túc nói:
– Em chỉ có thể giúp họ tới đây thôi, còn lại tùy vào phúc khí của họ Trịnh. Em có biết tại sao mẹ tôi hay nhiều thầy pháp khác lại không dám nhận vụ này không?
Liễu Thi suy nghĩ, nếu thật đơn giản như cậu cả chỉ, tại sao không ai giúp quan Trịnh, ngay cả bà cả cũng đùn đẩy việc này cho cô, cô nhíu mày nói:
– Chẳng lẽ do đụng tới bề trên ạ?
Cậu cả thấy cô trả lời đúng thì gật đầu cười:
– Ừm, đúng vậy. Nhà họ Trịnh đã bị Thần Trùng viết tên trên giấy sinh tử, em còn nhớ tôi từng nói trần sao âm vậy không? Trên dương gian quan phân chia cấp bậc thì dưới âm cũng thế, Thần Trùng đã là quan tứ phẩm, phụ trách việc đưa linh hồn tới địa ngục mà trùng thi là lính của ông ta, giết đám nhỏ thì được, nếu đụng tới trùng tổ sẽ khiến Thần Trùng nổi giận, hậu quả người dương không gánh vá nổi. Những người kia vì lợi ích của bản thân, sẽ không dại đắc tội Thần Trùng.
Liễu Thi thấy cậu nói có lý, nhưng vẫn tò mò hỏi tiếp:
– Vậy còn trùng tang thì sao cậu? Chẳng phải một số thầy pháp vẫn giúp nhốt vong hay sao cậu..
Cậu cả thở dài:
– Đấy không phải cách trị tận gốc. Chỉ có thể ngăn trùng tang tầm năm, sáu đời. Lúc đó con cháu đời sau đã lãng quên nên họ lầm tưởng đó là cách dứt được trùng tang. Em đã nghe về cộng nghiệp chưa?
– Em chưa.
– Thường những người chung nghiệp sẽ trở thành người nhà của nhau. Vạn vật đều có quy luật, không tự dưng mà một người chết vào giờ độc, kéo theo những người kia được, đấy là do nhân họ đã gieo từ nhiều đời, tới kiếp này phải trả. Trùng thi cũng tương tự như thế, em có lòng tốt, nhưng không có nghĩa là sẽ giúp được hết tất cả mọi người.
Liễu Thi nghe vậy thì lòng nặng trĩu, cô đã nhận lời giúp quan Trịnh thì muốn tận lực giúp ông ấy, dù biết luật nhân quả không ai tránh được, nhưng cô vẫn muốn giảm nhẹ được phần nào hay phần đấy.
– Thực sự không còn cách nào sao ạ? Trên quan trường em không biết quan Trịnh là người ra sao, nhưng ở nhà ông ấy rất kính cha, thương vợ yêu con, nếu giờ vợ ông ấy mất sớm thì họ Trịnh sẽ sụp đổ mất cậu.
Cậu cả thấy tấm lòng lương thiện của Liễu Thi thì càng thêm khâm phục cô, cậu biết từ nhỏ tới lớn cuộc sống của cô không dễ dàng gì, từ khi gả cho cậu lại liên tục bị mẹ cậu trù dập, đẩy vào cửa tử, thế mà trong cô vẫn không oán hận ai, vẫn tìm cách giúp đỡ người khác.
Trông thấy ánh mắt sáng long lanh của cô, cậu cả không thể từ chối mà chỉ có thể đáp ứng:
– Sáng mai em hãy làm theo cách tôi nói, dùng lò than thật nóng để xông, trói bà ta thật chặt để không cắn lưỡi tử tự, khi nào người đỏ hỏn thì lấy kim châm vào đầu ngón tay để cho máu độc chảy ra thì tạm thời an toàn.
Liễu Thi thấy có hi vọng thì vui mừng, định ôm chầm lấy cậu để cảm ơn thì mới nhớ ra hiện giờ cậu là quỷ hồn, chỉ đành nói suông:
– Hì hì, em biết cậu cả trông mặt lạnh lùng thế chứ vẫn tốt bụng, thương người lắm chứ bộ.
Lần đầu tiên có người khen cậu tốt bụng, dù cậu thấy hơi ngượng ngùng nhưng trong lòng vẫn có chút gì đó vui sướng. Tuy vậy mặt cậu vẫn tỏ ra tỉnh bơ đáp:
– Em đừng dẻo miệng nữa, còn không ngủ là gà sắp gáy rồi đó. Sáng mai em hãy làm theo lời tôi nói, tôi đi chuẩn bị chút đồ.
– Dạ, tuân lệnh cậu.
Liễu Thi vui vẻ nghe lời cậu, đắp mền chợp mắt thêm một lát, tới rạng sáng con Châu tới gọi thì cô mới thức dậy.
– Mời tiểu thư dùng bữa sáng rồi tới nhà chính gặp ông lớn ạ.
Liễu Thi gật đầu, dù biết rõ chuyện đêm qua nhưng cô vẫn dò hỏi thêm:
– Đêm qua trong phủ có gì bất thường không em?
Con Châu nghĩ một lát, nghi ngờ hỏi lại cô:
– Dạ, không có chuyện gì hết. Đêm qua tiểu thư ngủ không ngon giấc sao ạ?
Liễu Thi nghe vậy thì chỉ lắc đầu, không nói gì nữa, tập trung ăn cháo. Cô vừa đặt muỗng xuống thì đã có người sốt sắng đẩy cửa đi vào, vội vàng nói:
– Không hay rồi tiểu thư, bên phía bà lớn xảy ra chuyện rồi. Ông lớn cho mời tiểu thư tới đó gấp ạ.
– Được, tôi tới liền.
Liễu Thi cầm lấy tách trà, uống một ngụm tráng miệng rồi chạy theo người hầu nọ. Trước khi đi cô không quên ngó lại chiếc giường nhìn, vẫn không thấy bóng cậu đâu! Khi cô tỉnh dậy thì cậu đã đi đâu mất.
Không còn thời gian suy nghĩ, Liễu Thi tức tốc tới phòng bà Trịnh, mùi hôi thối so với hôm qua càng lúc càng nồng, Liễu Thi có cảm giác như muốn ngạt thở, cô vội nói:
– m khí trong phòng nặng quá, mau mở cửa cho ánh nắng mặt trời rọi vào, sẽ xua tan được âm khí.
Quan Trịnh nghe vậy thì phất tay, ý bảo người hầu làm theo lời Liễu Thi nói. Lúc này Liễu Thi mới đi tới gần giường, mặt mày bà Trịnh đã xám xịt, hốc mắt lõm sâu, tối đen như người sắp chết, từ cánh tay hở ra đã có thể thấy những vết lở loét do bị trùng thi mài đục, cô lờ mờ ngửi ra được mùi tử khí nhè nhẹ bay ra từ người bà ta, hốt hoảng nói:
– Không ổn rồi, mau đem bà lớn ra ngoài phơi nắng, lại chuẩn bị thêm những thứ này cho tôi. Một sợi dây thừng thật chắc, một lò than nóng thêm một ít dược liệu gồm xả, củ gấu, đơn mãng tử, huyền xà.
Phơi nắng là cách Liễu Thi nghĩ thêm, bởi ánh nắng mặt trời buổi sáng dù chưa gay gắt, nhưng cũng đã có chút nhiệt, có thể giúp bà Trịnh cầm cự tới khi người hầu mang đủ than và dược liệu tới.
Quan Trịnh chưa từng thấy ai trị bệnh hay đuổi tà kiểu này, nghi hoặc hỏi Liễu Thi:
– Cô trước tiên giải thích cho tôi đã! Vợ tôi rốt cuộc là bị làm sao?
Liễu Thi vội nói:
– Xin ngài hãy tin tôi, cứu người cấp bách, tôi không có thời gian giải thích cặn kẽ được.
Liễu Thi thấy quan Trịnh còn đang do dự thì mặc kệ ông ta, chạy tới kéo bà Trịnh ngồi dậy, rồi cõng bà ấy ra ngoài sân. Sở dĩ cô dám cõng bà Trịnh mà không sợ đám trùng thi bởi cậu đã nói ban ngày chúng sẽ ngủ say, chỉ có ban đêm mới thức dậy mà thôi.
– Cô! Cô thật to gan!
Trước hành động mau lẹ của Liễu Thi, cả quan Trịnh và đám người hầu trong phủ đều không kịp phản ứng, chỉ nghe thấy tiếng Liễu Thi truyền đến:
– Ngài mau cho người đi chuẩn bị những thứ tôi bảo, tôi nhất định sẽ cứu được bà Trịnh.