Nhân lúc bà Lý còn đang khóc lóc kể lể, Liễu Thi lẻn rời khỏi linh đường. Ra tới cửa, cô gặp ma đói đang đứng chờ cô. Liễu Thi vẫy tay bảo nó đi theo mình.
Nhà họ Hồ có thần giữ cửa, Liễu Thi dặn ma đói đứng ngoài chờ mình vào lấy đồ rồi sẽ mang ra cho nó. Liễu Thi lấy chút gạo, muối, chuối xanh thêm ba bó giấy vàng to, đi tới nửa đường thì bị Lý Nguyên Vũ bắt gặp. Cô có chút chột dạ nhìn anh ta.
Lý Nguyên Vũ thấy bộ dáng thậm thọt của cô thì cười bảo:
– Theo cô từ lúc đến nhà bà Lý rồi, cô cũng thật nghịch, còn giả ma dọa bà ta.
Chuyện xấu mình làm bị người ta bắt tận tay, Liễu Thi thấy hơi túng quẫn, cô hừ nói:
– Không ngờ con nhà danh gia vọng tộc như anh lại có thói xấu nhìn lén người khác cơ đấy.
Lý Nguyên Vũ không những không xấu hổ mà còn tự hào nói:
– Kệ tôi, cô còn không mau ra đi, cái con ma đói kia sắp chết vì đói rồi đó!
Liễu Thi nghe vậy thì há miệng kinh ngạc:
– Anh, anh có thể thấy vong hồn sao?
Lý Nguyên Vũ không đáp, coi như ngầm chấp thuận. Liễu Thi cũng không hỏi nữa, cô ra một ngã ba vắng, đổ gạo vào một cái chén nhỏ để làm bát nhang, xong bày bẽ gạo, muối, hoa quả vào một cái tàu lá chuối ta, cô nhìn con ma đói, hỏi:
– Họ tên ngày tháng năm sinh của em là gì?
Ma đói đọc xong thì Liễu Thi thắp nhang, khấn họ tên ngày tháng năm sinh của nó để quan dưới âm biết được, nó mới nhận được tiền vàng.
– Lần sau đầu thai vào nhà tốt hơn nhé.
Liễu Thi vẫy tay chào ma đói rồi quay người rời đi. Trời đã gần sáng, trong thôn lác đác tiếng gà gáy, Lý Nguyên Vũ đuổi theo Liễu Thi, nói:
– Cô đi chậm chút, dù sao tôi cũng có ý tốt, nửa đêm thấy cô phận gái lén ra ngoài một mình, định đi theo để bảo vệ cô, ai dè đến ma còn sợ cô, đúng thật thô lỗ.
Lúc đầu gặp người này còn thấy chút hảo cảm, sau người này toàn nói lời cay đắng với cô, cô đâu có gây tội gì với anh ta đâu chứ. Vì vậy Liễu Thi mặc kệ Lý Nguyên Vũ, quay về phòng mình.
Cô đặt lưng xuống giường mà trong lòng nặng trĩu tâm tư, liệu giấc mơ kia có phải chỉ là sự tình cờ không, hay có người trong bóng tối đang âm thầm giăng bẫy để dụ cô lột hố.
Liễu Thi ôm lấy một cái gối trúc, thầm nghĩ giá như bây giờ có cậu cả ở bên thì tốt. Không biết từ khi nào, cô đã coi cậu thành bờ vai vững chãi để nương tựa, phải chăng hai con người cô đơn, chìm trong bóng tối quá lâu mới có thể sưởi ấm được cho nhau…
Ngày hôm sau Liễu Thi tổ chức tiệc, nói là làm tiệc tẩy gió cho quan khâm sai Lý Nguyên Vũ, bà cả, cậu mợ ba, Bảo Tú, ngay cả một số người thuộc chi thứ của nhà họ Hồ đều có mặt.
Tiệc không được tổ chức ở nhà chính như mọi lần mà Liễu Thi xin phép bà cả được bày bẽ ở Tây Viện, nơi đình hồ trăng thanh gió mát.
Đêm nay mặt trăng sáng tỏ treo trên mái đình, Liễu Thi đã cho người chuẩn bị những khay trầu đặt trên bàn. Trong khay có đĩa đựng trầu, đĩa dựng cau, hủ vôi, hộp thuốc xỉa, dao, đĩa đựng vỏ giấy, vỏ cau… dưới chân bàn có thêm một ống nhổ lớn để khách nhổ bã trầu, nước trầu.
Bà cả nâng miếng trầu đã được têm nhìn Lý Nguyên Vũ:
– Miếng trầu là đầu câu chuyện, mời ngài nhá.
Lý Nguyên Vũ khách khí nâng miếng trầu đáp lễ:
– Sớm đã nghe danh quý phủ từ lâu, nhà họ Hồ nổi tiếng với giàu nhất xứ Lạng với nghề buôn vải, hai ngày nay có dịp được thăm thú, thật trăm nghe không bằng mắt thấy, mời bà Hồ.
Bà cả nghe vậy thì vội xua tay khiêm tốn đáp:
– Ấy chết, cậu Vũ nói thế, nhà họ Hồ chúng tôi chỉ là tiểu thương mà thôi, cậu quá lời rồi.
Bà cả là chủ nhà, vì vậy mời trầu khách là lễ nghĩa bắt buộc. Cũng may cho Liễu Thi là phận dâu cho nên không cần mời trầu, bởi cô đã dị ứng với trầu cau từ bé, chỉ cần ăn một miếng nhỏ là cả người nổi mề đay, mẩn người, sốt tới mấy ngày mới khỏi.
Lý Nguyên Vũ nghe nói Liễu Thi dị ứng với trầu cau thì cười nói:
– Nếu không phải mợ cả đây có lai lịch rõ ràng, tôi còn tưởng Liễu Nhan có em gái thất lạc từ bé đấy.
Liễu Thi chỉ mỉm cười, đáp vài câu lấy lệ. Ăn trầu là một phong tục cổ truyền của người Việt có từ thời Hùng Vương. Ngoài dùng trầu để mời khách, dùng trong lễ ăn hỏi, vu quy, trầu còn giúp người ăn bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau giúp hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Chính vì vậy không riêng các dịp lễ tết, ngày thường mọi người vẫn hay ăn một hai miếng trầu.
Riêng Liễu Thi thì chịu, chỉ có thể ngồi nhìn mọi người nhai trầu. Hà Chi cười tươi rói, têm một miếng trầu cánh phượng hai tay dâng lên cho cậu ba. Những người họ hàng thuộc chi dưới cũng vui vẻ cười nói têm trầu mời nhau, Thoáng chốc Liễu Thi cảm giác khung cảnh đầm ấm này có chút không quen.
Ngoài Liễu Thi, Bảo Tú cũng không đụng tới khay trầu mà chỉ ngồi trò chuyện cùng mọi người. Có người mời cô ấy thì cô ấy cười đáp:
– Xin lỗi bác Ba, cháu cũng dị ứng trầu như mợ cả ạ.
– Thật trùng hợp. Tôi với mợ Bảo Tú đây xem ra thật có duyên, cứ tưởng mợ dị ứng với vôi cơ.
Liễu Thi cười nhìn Bảo Tú nói. Hiếm khi mợ cả niềm nở với mình như vậy, Bảo Tú có chút không quen, chỉ cúi đầu cung kính đáp:
– Dạ. Em dị ứng trầu giống mợ ạ.
Những cậu thuộc chi dưới nhìn Liễu Thi với Bảo Tú mà tức đỏ cả mặt, thầm mắng cậu cả tốt số, đã chết còn cưới được hai cô vợ vừa đẹp lại dịu dàng hiểu chuyện, không như trong viện của bọn họ, mấy cô vợ suốt ngày đấu đá lục đục, hãm hại lẫn nhau.
– Mợ Bảo Tú lên đây ngồi với tôi đi.
Bà cả cùng Lý Nguyên Vũ ngồi mâm trên cùng, bên dưới là một mâm cho Liễu Thi, một mâm khác cho cậu mợ ba, Bảo Tú phận lẽ chỉ có thể chung mâm cùng chi dưới, thấy Liễu Thi gọi mình thì mặt ngơ ngác nhìn cô.
– Cậu cả không có ở đây, mợ ngồi cùng tôi cho đỡ buồn.
Liễu Thi đã mời như vậy, Bảo Tú đành đứng dậy lên mâm trên ngồi cùng cô, cúi người nói:
– Vậy để em hầu mợ hôm nay ạ.
Liễu Thi nắm lấy bàn tay của Bảo Tú, cười hiền từ:
– Đừng khách sáo vậy. Trước đây tôi nghĩ không thông, sau này chúng ta cùng chung sống hòa thuận hầu hạ cậu nhé.
– Dạ, thưa mợ.
Liễu Thi vừa vuốt ve bàn tay của Bảo Tú, vừa nói:
– Tay mợ đẹp thật đấy, mợ có biết đánh đàn tranh không?
– Dạ, em có ạ.
– Vậy khi nào có dịp mợ dạy tôi với nhé, cầm kỳ thi họa tôi chẳng tinh thông cái nào. Mợ ăn chút trái cây cho đẹp da này.
Bảo Tú đưa hai tay nhận lấy miếng bưởi Đoan Hùng từ Liễu Thi, luôn miệng vâng dạ cung kính.
– Thế còn mợ Hà Chi thì sao?
Hà Chi không ngờ Liễu Thi không những không giận mình chuyện trộm ngải lần trước mà còn chủ động bắt chuyện với cô ta thì hơi kinh ngạc, thở dài đáp:
– Em cũng không biết đánh đàn đâu.
Liễu Thi gật đầu, bảo sao ngón tay của Hà Chi cụt ngủn, thông thường các tiểu thư xuất thân cao quý đều có thói quen nuôi móng tay, một số cho rằng để móng tay rất tao nhã, số khác thì nuôi móng tay để luyện cầm, như Bảo Tú chẳng hạn. Riêng Liễu Thi cũng không hiểu tại sao mình có thói quen nuôi móng tay từ lúc nào.
Chẳng mấy chốc ông trăng đã đi qua cành liễu, đêm đã khuya, người người đều lần lượt xin phép bà cả ra về. Liễu Thi cũng đứng dậy chào bà cả rồi đi về Nam viện. Lý Nguyên Vũ thấy vậy thì cáo lui rồi đuổi theo Liễu Thi. Anh ta hỏi:
– Cô đột nhiên làm tiệc tẩy trần cho tôi, tôi hơi bất ngờ đấy. Mau khai ra đi, cô có ý đồ gì phải không?
Liễu Thi nghe vậy chỉ đáp:
– Cậu Vũ là quan khâm sai triều đình, tôi nào dám có xấu gì, mở tiệc tẩy trần đón cậu là chuyện lên làm mà.
– Sớm không mở, hai ngày sau mới mở, cô nghĩ tôi ngốc chắc.
Liễu Thi đột nhiên quay lại nhìn Lý Nguyên Vũ cười, cô không biết được nụ cười của mình còn rực rỡ hơn ánh trăng trên đỉnh đầu, đôi mắt ánh lên tia tinh nghịch, còn sáng hơn những ngôi sao trên cao.
– Tôi từng nghe người xưa có câu: không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Nếu muốn bắt được kẻ địch thì chính bản thân mình phải là con mồi mới được cậu nhỉ? Mà thôi nay tiệc mệt rồi, cậu về phòng nghỉ ngơi đi, tôi xin phép đi trước nhé.
Lý Nguyên Vũ gật đầu lia lịa, ngơ ngẩn nhìn theo bóng lưng cô rời đi…
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc mà tới mồng một tháng chín. Nửa tháng nay Liễu Thi không gặp được cậu cả, cũng không thấy bà cả gọi cô tới la mắng hay trách mắng gì cô về việc làm cậu bị thương nặng. Ngày đó, trước khi đi dưỡng thương, cậu có đưa cô một lá bùa, dặn là khi nào có việc thì chỉ cần đốt nó, cậu sẽ lập tức tới chỗ cô. Cậu còn nhắc cô không có việc gì thì hạn chế tới khi nhà mồ, đặc biệt dãy núi đằng sau nhà mồ thì tuyệt đối không được bước chân tới.
Liễu Thi nghe cậu nói vậy thì cũng thấy tò mò, nhưng vẫn nghe lời cậu, thời gian này ở yên trong Nam viện học pháp. Nghe nói người khác học càng lên cao thì càng chậm, riêng Liễu Thi có cảm giác mình càng học càng thấy dễ, giống như những thứ này cô đã từng học, bây giờ chỉ ôn lại mà thôi.
Lý Nguyên Vũ dường như không có việc gì làm, ngày nào cũng mượn danh khách quý, làm phiền cô đọc sách, luyện pháp còn mượn danh khách quý bám lấy cô cả ngày. Nếu không phải bà cả dặn cô không được làm phật lòng anh ta, Liễu Thi đã sớm cho người đuổi anh ta ra khỏi phủ.
Buổi tối trước khi đi ngủ con Chanh còn đặc biệt làm cho cô một chén chè hạt sen, nói là cô dùng để giải nhiệt, dưỡng nhan. Con Chanh tuy mới mười ba tuổi nhưng cũng thật chu đáo, hầu như tối nào cũng làm cho cô một món điểm tâm hay chè để cô ăn trước khi đi ngủ.
Liễu Thi bảo con Chanh cứ để chè đó, chốc nữa cô sẽ ăn. Con Chanh cúi người lui ra, trước khi đi còn dặn cô nhớ dùng chè.
Ma cà rồng sẽ có hai cách để tăng tiến sức mạnh, một là hấp thụ tinh hoa Nhật Nguyệt, dùng thảo dược quý. Đây là cách tăng trưởng chậm nhưng sạch, chắc chắn. Bởi vì quá lâu nên có cách hai, đó là dùng con người làm thức ăn, giúp ma cà rồng tăng trưởng cực nhanh, tuy nhiên lại không bền vững, giống như xây nhà lầu trên nền cát, vả lại hại người làm tổn hại đến âm đức, tới một lúc nào đó nhất định phải chịu báo ứng.
Tạm thời Liễu Thi còn chưa tìm ra cách hóa giải được lời nguyền ma cà rồng trong người, chi bằng tạm thời dung hợp với nó, có thể giúp cô tăng được pháp lực. Vì vậy nên từ giờ, cứ đến mồng một và mười lăm hàng tháng, Liễu Thi sẽ ngồi dưới ánh trăng thiền để hấp thụ tinh hoa Nhật Nguyệt. Vào mồng một cô sẽ hấp thụ sự thanh khiết của trăng non để thanh lọc cơ thể, còn mười rằm sẽ mượn sức mạnh của trăng tròn để luyện pháp.
Nửa đêm Liễu Thi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Bên tai cô văng vẳng tiếng sáo trúc, Liễu Thi chỉ cảm thấy đầu đau như có búa bổ, nhưng không mộng mị hay mơ linh tinh như hôm trước nữa. Cô còn đang mê man thì có tiếng người la hét làm cô sực tỉnh.
– Chết người, chết người rồi! Trong phủ có… có quỷ!
– Mau, mau đuổi theo, nó chạy về hướng Nam Viện.
Liễu Thi ngồi dậy, nhìn ra bên ngoài cửa sổ thì thấy ánh đuốc sáng tỏ cùng những bóng người nối đuôi nhau.
– Cô, có thấy thứ gì chạy qua đây không?
Lập tức có tiếng người đáp:
– Cách đây không lâu tôi thấy bóng đen chạy vào phòng mợ cả.
– Mau, mau vào cứu mợ cả. Nhỡ nó làm hại đến mợ.
– Khoan đã, nhỡ mợ đang ngủ thì sao, chúng ta là phận người hầu sao có thể tự ý xông vào phòng mợ được.
– Còn quan tâm nhiều vậy sao được, cứu người quan trọng, bên trong chốt rồi, mấy người đứng tránh ra một bên tôi đạp ra.
– Rầm!
Cánh cửa phòng Liễu Thi bị đạp mở ra, lúc này nhờ có ánh đuốc chiếu rọi Liễu Thi mới trông thấy con Chanh đang nằm sõng soài trước cửa, cả người nó đầy vết máu, quần áo rách tơi tả, cả người chi chít những vết cào rướm máu. Nó nằm thở thoi thóp như sắp chết, cố lắp bắp từng chữ:
– Mợ, mợ cả là quỷ hút máu… Cứu.. mạng…