Liễu Thi gật đầu, xách tay nải chạy vội về phía cổng chợ. Canh tư chợ đã vãn dần, chẳng còn mấy bóng người, Liễu Thi chạy một mạch ra bìa rừng khi nãy. Sương mù đã tan dần, Liễu Thi đánh liều không rải tiền vàng nữa mà chạy thẳng. Cô đi được tầm nửa cánh rừng thì tiếng ngựa, tiếng la hét từ xa truyền đến:
– Người dương kia, còn không mau đứng lại chịu tội.
Liễu Thi cắm đầu chạy thục mạng, không dám quay đầu lại nhìn. Tiếng vó ngựa càng lúc càng dồn dập. Sức chân của Liễu Thi không lại với sức ngựa, hơn nữa cô mới bị thương chưa lành, càng không chạy nhanh được. Đám người kia như cưỡi mây vượt gió, chỉ một thoáng đã đuổi ngay sát Liễu Thi. Chợt gần đến bờ sông thì Liễu Thi không may vấp phải hòn đá nhỏ, té ngay ra đất.
Đám người trên ngựa mặc áo giáp sắt, đầu đội mũ trụ, ai nấy sắc mặt đều hung dữ, bốn người giăng tấm lướt sắt, chuẩn bị vây chặt Liễu Thi. Đúng lúc này, tiếng chèo thuyền cùng giọng nói của ông lão lái đò vang lên:
– Khoan khoan, xin các vị quan sai chớ vội bắt lầm người.
Người cầm đầu thấy là ông lão hay lái đò ở đây thì giơ tay ra lệnh cho đàn em dừng lại, không vui nói:
– Ông là người dương, nơi đây là địa phận của người âm chúng ta, chớ có xen vào chuyện kẻo chịu tội lây.
Ông lão cọc thuyền vào bờ, chắp hai tay cầu xin:
– Các vị quan sai xem xét cho, đây là cháu gái tôi, nó mới từ kinh thành Thăng Long về chơi vài hôm, tôi sai nó ra chợ mua ít đồ, mong chư vị giơ cao đánh khẽ.
Ông lão cũng đã chèo thuyền ở đây ngót ba mươi năm trời, coi như có chút quan hệ với người cầm đầu kia, gã cau mày một lúc liền ra lệnh cất lưới lại:
– Thôi được rồi, lần này tôi bỏ qua, lần sau nhớ chấp hành luật lệ.
Đợi đến khi đám quan binh đi xa, ông lão mới đỡ Liễu Thi dậy, hỏi:
– Cô không sao chứ?
Liễu Thi lắc đầu, khẽ đáp:
– Dạ, cháu không sao ạ.
Ông lão giải thích:
– Đó là lưới tỏa hồn, dùng để bắt, giam giữ các linh hồn phạm tội, ngay cả ác linh hay quỷ mà bị vây trong đó, không cẩn thận là bị đánh cho hồn phi phách tán. Thôi cô lên thuyền đi không trễ giờ của lão.
Liễu Thi ngồi lên thuyền mới dám thở mạnh, nguy hiểm quá.. Suýt chút nữa cô bị họ bắt lại rồi.
– Người nhà không dặn cô phải về trước canh ba sao?
Liễu Thi gắng gượng nói:
– Dạ có ạ, là lỗi do cháu quên.
Ông lão lại tiếp tục rải thịt vụn cho đám cá quỷ đang loi nhoi trên mặt nước. Lần này Liễu Thi ngửi thấy mùi máu tươi nồng nặc, một suy đoán táo bạo hiện lên, Liễu Thi lắp bắp hỏi:
– Đây, đây là thịt…
Ông lão vừa rắc thịt cho lũ cá, vừa bình tĩnh đáp:
– Phải, đây là máu thịt của tôi. Cô sợ à?
Liễu Thi đã hiểu tại sao ông lão lại gầy guộc đến vậy, cả người chỉ như tấm da bọc xương, cô lắc đầu:
– Cháu không sợ, ông vừa cứu mạng cháu, cháu biết ơn ông còn không hết. Nhưng mà tại sao ông lại làm thế ạ.
Ông lão vén ống quần vải lên, để lộ cẳng xương đỏ hỏn, có bám cả thịt lẫn xương trắng. Liễu Thi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng đến thế. Cô lấy tay che miệng, suýt chút nữa hét lên.
– Cô gái à, mọi điều trên đời đều có nhân quả. Khi còn trẻ tôi đã làm sai nhiều, có lần vô tình gây tội với thần sông ở đây, ngài ấy đã bắt mất vợ tôi, hồn bà ấy còn bị nhốt dưới tầng sông sâu nhất, ngày ngày chịu trăm quỷ gặm nhấm dày vò, so ra thì nỗi đau khoét thịt này có đáng là bao.
– Vậy ông lái đò ở đây để chuộc lỗi với thần sông sao ạ?
– Ừ, tôi phải làm công đức miễn phí, chở đủ một ngàn khách qua sông, không kể là người sống hay người đã chết, cô vừa hay là người thứ chín trăm chín mươi chín.
Liễu Thi trông thấy nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt già nua, khắc khổ của ông lão:
– Còn khách thứ một ngàn là bà lão nhà tôi. Cuối cùng tôi có thể đưa bà ấy đi đầu thai rồi.
Liễu Thi nghe đến đây thì cảm động, rưng rưng nước mắt.
– Ông bà thật kiên cường, cháu ngưỡng mộ hai người quá.
Ông lão dường như đã trót bỏ mỗi nỗi niềm, tâm sự của mình, không trả lời Liễu Thi nữa. Liễu Thi lên được đến bờ mà lòng buồn vui lẫn lộn. Cô lặng lẽ nhìn bóng lưng của ông lão khuất dần cùng chiếc thuyền nhỏ, chẳng mấy chốc đã biến mất hẳn khỏi tầm mắt Liễu Thi. Phía xa chân trời đang len lỏi một vài sợi nắng báo hiệu trời đã gần sáng. Liễu Thi như thấy được tia hi vọng, dập đầu tạ ơn ông lão đã cứu mạng mình, thầm cầu chúc cho hai người kiếp sau lại được lên duyên vợ chồng.
Liễu Thi đi được vài bước chân thì nghe thấy tiếng cóc nhái kêu ễnh ộp, cô mới nhớ ra một việc quan trọng mà mình chưa làm, vội lại gần ven sông bắt lấy một con cóc lớn. Việc này hết sức suôn sẻ, cũng không biết có phải do Liễu Thi hôm nay số đỏ hay không, cô thầm nghĩ bụng chẳng lẽ thiềm thừ dễ kiếm thế à?
Dọc đường về nhà Liễu Thi thấy lòng mình nhẹ hơn hẳn, cô về tới nhà lúc mặt trời vừa ló dạng. Bà cả còn chưa thấy dậy, người hầu của bà- bà Bích trông thấy Liễu Thi về sớm, lại còn lành lạnh thì chặn Liễu Thi ở cửa, nghi ngờ hỏi:
– Mợ đã mua đủ đồ bà giao chưa đó?
Liễu Thi cầm tay nải, vốn định giao cho bà ta, lại sợ nhỡ bà ta giở trò làm hại cô, liền bảo:
– Tất nhiên tôi mua đủ rồi. Chút nữa tôi sẽ mang tới nhà chính chuộc lỗi với mẹ.
Liễu Thi nói xong liền mặc kệ bà ta, quay về phòng mình, hiện giờ trên người cô khá nhiều bùn đất với mồ hôi, cô quyết định tắm rửa sạch sẽ rồi mới tới thỉnh tội với bà cả.
– Mợ, mợ về rồi ạ!
Con Chanh đang canh sẵn ở cửa, trông thấy Liễu Thi thì vội chạy lại, mừng rỡ hét lên.
– Ui, mợ có biết đêm qua em lo cho mợ chừng nào không, tạ ông bà phù hộ mợ tai qua nạn khỏi.
Liễu Thi cười nói:
– Cảm ơn em, mợ vẫn khỏe re, em đi chuẩn bị cho mợ chút nước tắm với chút đồ sạch.
– Dạ, em đi làm liền, bánh bao nóng em để trong phòng cho mợ, mợ ăn lót dạ trong lúc chờ em nha mợ.
Liễu Thi mở cửa phòng, mới trải qua một đêm thôi mà cô cảm giác như một năm vậy. Cô đặt tay nải cẩn thận ở đầu giường, vừa ăn bánh bao vừa suy nghĩ không biết liệu người kia gửi thiềm thừ cho cô bằng cách nào đây, tốt nhất cô cứ giao con cóc này cho bà cả trước vậy.
Liễu Thi ăn sáng, tắm rửa xong, vừa chuẩn bị ra ngoài gặp bà cả thì có người tới thông báo: bà có việc gấp cần lên tỉnh mấy ngày, khi nào bà về sẽ cho người tìm cô. Liễu Thi nghe thì càng mừng, bảo cô đem con cóc này tới cho bà, cô cũng hơi lo, chờ thêm chút thời gian nữa xem nó có thay đổi gì không.