21.
Liễu ngả mình xuống bãi cỏ biếc, ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời, cô thấy an yên đến lạ…
Cuộc sống công việc bộn bề, đã rất lâu rồi cô lại mới tìm được chốn bình yên, có được phút giây thư thái tự tại như thế…
Bà Thanh-chủ quán ăn cũng ngồi xuống cạnh cô rồi nói:
– Cô thấy cảnh quê tôi có đẹp hơn nơi thị trấn không?
Liễu cười đáp:
– Đẹp lắm cô ạ, sao người xưa khéo chọn chỗ mà thờ phụng, ngôi đền nằm đây đúng là kì quan.
Sóc cũng ngả lưng xuống bãi cỏ nói hùa vào:
– Chỗ quê mình cũng có nhiều bãi cỏ nhưng toàn phân bò thôi, không có chỗ nào đẹp mà sạch như ở đây.
Cô Thanh phá cười lên nói:
– Cỏ ở đây tốt thế nhưng người dân không thả bò vào bao giờ. Đền thờ Tử Hậu tướng quân thiêng lắm.
Liễu hỏi:
– Đền này dựng ở đây đã mấy trăm năm vẫn được gìn giữ trang nghiêm như vậy, hẳn là người được thờ phải có công lao sâu dày cô nhỉ? Thế sao cháu học lịch sử không có nghe qua tướng quân Tử Hậu?
Cô Thanh liền trầm giọng, đoạn giảng giải cho Liễu nghe:
– Tướng quân Tử Hậu là phiêu kị tướng, hữu tướng quân dưới trướng Võ Viễn Hầu, vào thời vua Lăng Chính nhà Trần, tướng quân tài năng vang dội, dùng binh như thần, lập đươc nhiều công lao trong cuộc chiến chống giặc mông nguyên xâm lược nước ta, thế nhưng khi về thời bình, thì gặp phải đảo chính, thành Lăng Cô gặp hỏa hoạn cháy mất, võ viễn hầu cũng qua đời do chính biến, triều đình ra lênh tróc nã thân quyến của võ viễn hầu vì tội mưu phản, những ai là thuộc hạ cũ nếu hàng đều được tha cho, phong cho quan chức, nhưng Tử Hậu tướng quân khi ấy không hàng triều đình mà tiếp tục đi theo bảo vệ cho chính thất phu nhân của võ viễn hầu, hai người lẩn tránh sự tróc nã rất cực khổ, lưu lạc tới huyện này. khi ấy không còn được cầm quân, nhưng phu nhân của viễn hầu thì lại là pháp sư, từ đó tướng quân mới lộ ra tài lạ về huyền thuật, do vậy trong sử sách tránh không ghi. Khi tướng quân và phu nhân của viễn hầu qua đây đã giúp đất đai vùng này yểm lại long mạch, rồi trừ tà ma giữ cho thôn xóm nơi Đình Trạch yên bình, công lao hai ngài đối với vùng đất này rất lớn nên nhân dân tự lập miếu lên mà thờ, thực ra trong làng tôi vẫn còn một ngôi miếu khác thờ vị phu nhân của võ viễn hầu, nhưng trong thời chiến tranh chống mỹ bị bom đạn phá nát không khôi phục được, chỉ giữ lại được đền Tử Hậu.
Liễu nghe cô Thanh kể chuyện, trong lòng thầm cảm thán người xưa, thật là một lòng tận trung vì quốc gia xã tắc, khi chủ chết thì không màng vinh hoa, từ bỏ tiền tài danh vọng, địa vị chức tước tiếp tục theo hầu cho vợ của chủ.
Liễu lại hỏi:
– Thế vị phu nhân kia là ai? Người nữ mà cũng giỏi thế sao?
Cô Thanh lại đáp:
– Người ngày xưa khổ lắm cháu ơi, nếu người nữ mà làm pháp sư là bị người ta dị nghị dày vò rất ghê, nên thời ấy tuy có công lớn nhưng người ta đâu dám lập đền thờ, chỉ dám xây một miếu nhỏ, rồi thờ tế trong thầm lặng vậy thôi.
Phải rồi…vào thời ấy e là vẫn còn trọng nam khinh nữ, đâu được như bây giờ?
Rồi Sóc chợt hỏi:
– Mà sao Gấu vào thắp hương lâu ra vậy nhỉ?
Liễu nghe mới sực nhớ ra thì giật mình, lại vội đứng dậy đi lai phía đền tìm Gấu.
…
Nói tới Gấu, mọi người vào trong đền thắp hương xong xuôi thì tản ra đi bộ trong đồng cỏ để vãn cảnh, bấy giờ Gấu mới vào thắp hương sau.
Gấu đứng trước ngôi đền một mình khá lâu, anh thầm lặng im quan sát…
Ngôi đền rêu phong cổ kính những dấu ấn của thời gian, thế nhưng nét phiêu linh hãy còn đọng nguyên ở đó…
Đền cũng nhỏ thôi, đã được tu sửa lại nhiều, nhưng vẫn giữ được hai câu đối khắc trên hai cây cột lớn hai bên bằng mực đỏ xưa.
“Trông trời xanh, tận trung cho xã tắc
nhìn đất thẳm, tận nghĩa với gia môn.”
Trên là hàng mái ngói, có chạm hình rồng uốn quanh, hai bên chân cột là hai con nghê lớn, miệng con nào con nấy đều ngậm một thanh kiếm bằng đá xanh.
Kết quanh đền không dùng tường bao, mà là một hàng Liễu rủ, bước qua hai cột lớn tiến vào trong thì thấy trồng hai cây tùng lớn hai bên cửa đền, nơi bên trái cửa đền là tượng một con đại bàng được chạm bằng đã cũ, trông đã mài mòn không còn được nét tinh xảo, nhưng khí chất từ đại bàng toát ra vẫn thâm nhập bao trùm, hút mắt người nhìn…
Quả là một nơi anh linh tôn nghĩa mang một vẻ đẹp kì diệu phiêu linh lắm thay…
Gấu hít một hơi dài, mạnh dạn tiến tới trước cánh cửa gỗ đã cũ, định bước vào thắp cho người trong đền một nén nhang.
Thật là,
Đền thiêng giữ bóng anh linh
Thờ người quân tử bỏ mình vì dân
Tháng năm đã ngấm bụi trần
Nay duyên hội đủ huyền nhân đến chào.
Đoạn Gấu toan bước vào trong thì chợt nơi đồng cỏ thanh vắng im lìm, bốc chốc gió lốc từ đâu nổi lên ầm ầm, cát bay đá chạy, giông giật mịt mù ngỡ như trời sắp đổ cơn mưa lớn.
Rồi bỗng một cơn gió mạnh xô từ bên ngoài thốc vào cánh cửa, cửa đền chợt đóng sầm một cái, gió lại đẩy ngược Gấu ra xa cửa…
Rồi bỗng từ nơi tượng con đại bàng đá đặt trước cửa đền bốc lên một làn khói bạc, nó tụ hình dần dần lại thành hình một con đại bàng, đậu ngay vào nơi giữa cánh cửa, đại bàng ấy trông to lớn hơn người, sải cánh rất rộng, móng vuốt sắc lẻm, đôi mắt hau háu nhìn chăm chăm vào Gấu, rồi đại bàng lên tiếng nói như người:
-Tiên sinh kia là ai, tới đây có việc gì?
Gấu không thấy được đại bàng, chỉ thấy chợt nổi lạnh khắp thân, lại thấy cánh cửa đền bị gió quật cho đóng lại thì hoảng sợ còn chưa biết ra sao, đi cũng chẳng được, tiến cũng không được, lại như chẳng muốn nhúc nhích, nên lại đứng im quan sát.
Bấy giờ từ nơi con dao vu giắt bên hông Gấu xuất ra một làn khói đen, tụ dần thành hình quỷ lửa Hỏa Thiên Di, quỷ khấu đầu chào đại bàng rồi nói:
– Chủ tôi nay muốn thăm vị thần trong đền chứ không có ý phá, xin cho chủ vào thì tôi cảm kích.
Đại bàng lại hỏi:
– Người huyền nhân kia sao không trả lời?
Quỷ lửa đáp:
– Chủ tôi gặp nạn thần thức mất cả, không thể nghe biết được ngài nên cho tôi xin thay lời.
Bấy giờ đại bàng liền nói vọng vào trong đền:
– Thưa chủ công, có người huyền nhân vào đảnh lễ.
Tức thì ngay khi ấy kì lạ lắm thay, lại có gió lạnh từ đâu nổi lên ào ào, thốc từ trong đền trở ra, đẩy mở tung cánh cửa.
Đại bàng liền nói:
– Mời huyền nhân vào, âm binh xin ở ngoài đợi.
Ngay khi ấy chợt thấy có bóng người từ trong đền bước ra, điệu bộ đi không vững, có gậy chống bên, tay người ấy giữ lấy cánh cửa, chân đá lấy miếng gỗ kê vào cửa, thì ra là một người già cả tuổi đã ngoài tám mươi, đầu tóc bạc phơ cả. hóa ra là người được địa phương giao cho việc giữ đền. ông lẩm bầm:
– Gió lớn ở đâu xô xém gãy cả cửa…
Đoạn người coi đền nhìn thấy Gấu liền nói:
– Anh kia vào đền thắp hương đi, sao còn đứng đực ra đấy làm gì?
Đại bàng bấy giờ tan đi về nhập lại nơi tượng, Hỏa Thiên Di thì nhập về nơi tượng con nghê ở cổng đền chờ đợi, từ nơi cánh tay trái băng trắng của Gấu cũng bốc ra một làn khói đen mờ không ai nhìn thấy, cũng bay theo Hỏa Thiên Di nhập vào tượng con nghê còn lại đợi chủ vào thắp hương.
Gấu nghe cụ già nói vậy thì bước vào trong…
Ngay khi vừa bước vào thì liền quan sát một hồi xung quanh khắp đền, ngôi đền đặt nhiều hoa nhang ngũ quả năm màu, hương khói đủ đầy, hai bên đền là hai giá gỗ, trên giá treo nhiều thứ binh khí minh họa đúc bằng sắt đầy đủ từ trường côn, đoản côn, trường kiếm, đại đao,cung tên, roi mây, treo giăng đầy lên hai cái giá để binh khí.
Cụ già liền nói:
– Đây là các binh khí tướng quân dùng khi còn sống. chúng chẳng phải nguyên bản, chỉ làm tượng trưng thôi.
Gấu không đáp, đoạn lại nhìn vào ngay giữa đền thì thấy là một tượng người mặc áo giáp chiến, tóc dài ngang vài, khuôn mặt đỏ lử quắc thước, không có để râu, dáng cũng nhỏ người thanh mảnh, chân mang giày cao, tay cầm thanh kiếm xanh, người ấy được tạc đôi mắt long lanh, trông như thư sinh chứ không giống tướng, nhãn quan rất cao, miệng khẽ cười mỉm, dưới chân tượng có tấm bia ghi hàng chữ:
“Phiêu kị tướng quân- Nguyễn Tử Hậu.”
Gấu cứ vậy đứng nhìn đăm đăm tượng, ông cụ cứ đứng bên để thuyết giảng về lịch sử vị danh tướng cũng như những chiến tích của ngài nhưng trong tai anh chẳng nghe được gì cả, anh cứ nhìn chằm chằm lên bàn thờ nghiêm trang giữa đền dưới tượng, rồi chợt nhiên anh thốt lên:
– Tướng quân này đẹp quá, hình như cháu gặp ở đâu rồi…
Cụ già ngưng tiếng, nhìn Gấu rồi cười ồ lên nói:
– Anh nói sao? Tướng quân sống cách thời của anh cả mấy trăm năm sao anh gặp được? Hay ý anh là thấy tượng tướng quân ở đâu rồi?
Gấu lặng thinh không đáp…rồi chợt trong tai nghe mơ hồ lùng bùng những giọng nói không rõ thanh âm…
– Hắn là người có căn số U Ẩn…
– Thưa chủ công, hắn không ý thức được gì, hắn đang bị ma quỷ ám theo…
– Tội nghiệp hắn quá, ma quỷ bám vào thân trùng trùng thế kia tùy cơ sai khiến thân hắn…
– Nay ta giúp gì cho hắn được chăng?…
…
Tiếng nghe lúc được lúc mất chẳng biết từ đâu vọng ra, lại cứ lao xao như thể có rất nhiều người đang nói chuyện với nhau, Gấu lo lắng nhìn ngó xung quanh nhưng chẳng thấy còn ai chỉ thấy có mình đang đứng với cụ già giữ đền…
Thế rồi cụ già chợt ghé vào tai Gấu nói:
– Này, anh đọc được chữ hán nôm không?
Gấu nheo mắt hỏi ông ta:
– Hán nôm là chữ gì?
Cụ già thở dài nói:
– Thế chắc không phải rồi.
Đoạn cụ mới ung dung kể lại cho Gấu nghe…
Thì ra chuyện là cụ già này tên Phi, người Đình Trạch, nay gần tám mươi rồi mà đầu óc hãy còn minh mẫn tỉnh táo, lại thông thuộc lịch sử địa lý địa phương, ở nhà nhàn rỗi không có gì làm, cụ mới xin chính quyền cho ra trông giữ đền Tử Hậu, thường thì cụ nghỉ ở nhà với con cháu, nếu không kể những ngày lễ, ngày tưởng niệm, ngày rằm hoặc mùng một thì một tuần chỉ lên đền có ba ngày, mỗi ngày lên đền thì mở cửa đền ba tiếng buổi sáng, hai tiếng buổi chiều để lau chùi dọn dẹp, đón khách thập phương, số là hôm qua ở nhà đang nằm ngủ, thì chợt mơ thấy một vị tướng quân uy nghi rực rỡ, khuôn mặt đường nét trông lại giống với tượng tướng quân Tử Hậu, nhập vào trong mộng mà nói:
– Ngày mai ngươi lên mở đền, có khách quý của ta đến thăm, là người trai tráng, nếu hắn mang theo con dao, thì ngươi đưa sách của ta cho hắn, nói là tướng quân tặng hắn nhé…
Gấu nghe thấy thế thì liền như sực nhớ ra, liền rút trong thắt lưng ra con dao vu, đưa cho ông cụ xem rồi nói:
– Dao mà thần ấy nói có phải là dao này không?
Cụ già nhìn xong thì lấy làm lạ…
Từ sáng đến giờ đã xế chiều sắp hết ngày rồi cũng chẳng có ai tới đền, chỉ có chiều nay có gia đình nọ thì hết ba người kia là nữ, chỉ mình hắn ta là trai tráng, mà thường người lễ đền nào có ai mang theo dao làm gì? Có phải hắn là người được thần mộng hay không?
Ông cụ từ từ chậm chạp bước lại sau ban thờ của đền, lôi một cuốn sách ra tiến lại đưa cho Gấu.
Cuốn sách đó làm bằng giấy ngày xưa, bìa được bọc vàng để bảo quản, các trang sách đều đã ố vàng, một số góc cạnh bị chuột gặm cho nát, trên bìa sách ghi một hàng chữ bằng tiếng hán nôm gì đó mà ông không hiểu, cụ ông liền đưa vào tay Gấu rồi nói:
– Thế thực là anh rồi, vậy anh cầm sách này đi.
Gấu hỏi:
– Cháu không lấy đồ lạ đâu, Sóc sẽ la cháu mất.
Cụ già hỏi:
– Sóc là ai.
Gấu đáp:
– Là em cháu.
Cụ già nghe thế thì nheo mắt hồ nghi…em nó thì chắc là con bé ban nãy rồi…nhưng nó cũng tới ba chục tuổi đầu rồi sao ăn nói ngô nghê như thế? Sao nó lại sợ con bé rầy la?
Cụ cũng thấy là lạ nhưng thôi gạt đi rồi nói tiếp:
– Thôi cậu cứ cầm đi, sách này tôi chỉ biết cái tên chứ không biết chữ này nên không đọc được nội dung, nghe cha tôi nói là tên: “Tử ca binh phù lục thuật.” Cũng không biết sách này nói về cái gì, chỉ biết xưa kia đã rất lâu rồi, từ thời cha tôi còn trẻ có một vị đạo sĩ đi qua đây, nghỉ chân vào trong đền này thắp hương, rồi tự xưng là Tứ tổ Huyền Ảnh của núi Vu, sau đó cung kính dâng sách này lên cho thần Tử Hậu, thế rồi sách ấy cứ để đây tới nay, tuổi nó còn lớn hơn tuổi tôi nhiều lần. nay tôi mới được giấc mộng như thế, lại ứng vào cậu là người cầm con dao tới, thôi cậu cứ nhận đi cho tôi được việc trên giao.
Gấu lại chối nói:
– Nhưng cháu không có biết chữ, cũng không đọc được, lấy cũng chẳng làm gì.
Ông già lại nài cầm rồi nói:
– Việc trên tôi cũng chẳng biết đâu, các ngài dặn thế nào thì tôi cứ thế ấy để làm thôi, thôi cậu chớ làm tôi khó xử, thử về tìm người xưa hoặc mấy người chuyên dịch ấy, người ta dịch cho nghe trong sách viết gì.
Thấy cụ già cứ nài, Gấu cũng miễn cưỡng cầm lấy sách, anh tò mò lật mở trang đầu ra xem.
Ngay trang đầu tiên của sách là một hình tròn âm dương có hai màu đen trắng, lại chia về tám cạnh mỗi cạnh đều có chữ lạ…
Gấu nhìn chăm chăm vào hình tròn ấy như người bị thôi miên mải mê không tỉnh, thế rồi chợt thấy tâm như lắng lọng, tiếng lòng thổn thức, lại có niệm cũ ùa về như cơn gió cuối thu, hình tròn như biến hóa kì ảo vô cùng tận, các chấm âm dương như nhảy múa xoay chuyển, Gấu bàng hoàng như chìm vào cơn mê, chợt thấy như đứng trên ngọn núi cao xa vắng, trước mặt có một người cao to, người ấy nghiêm trang quắc thước, khuôn mặt vuông vức đỏ lừ, hàng mày rậm, râu tóc đều dài, đầu đội mũ miện kim nhung, chân đi trần, hông đeo chiếc kiếm đào, mặc áo pháp tu hành, trên tay áo lại cũng có vẽ hình tròn âm dương như thế.
Người đó trỏ mặt Gấu quát lên một tiếng lớn:
– Huyền Vi! Thật đứa bất đạo, sao lại tự tìm cái chết, phụ lời ủy thác, thật có lỗi với ta lắm.
Gấu hoảng hốt vùng ra hét lên:
– Cháu nào có biết gì!
Nhưng rồi anh lại như chìm vào cảnh mê khác, nơi ấy bóng tối phủ đầy, trên không phủ lửa chập chờn huyền ảo, có bóng chim cắt bay lướt qua đầu hô vang:
– Sao Tổ quên lời ước xưa với Ma-na-kiền, sao ngày rằm lễ chẳng cúng cho tôi?
Gấu sợ điếng cả người, chỉ biết đứng im không động cựa.
Rồi bóng chim liền tan đi, lại hóa thành con chim ngạnh xanh nói:
– Tổ ơi, tôi nhớ Tổ lắm…
Nói xong nó cũng lại tan đi.
Rồi lại lù lù hiện ra một bóng đen, rất nhanh hiện rõ ra hình một con khỉ toàn thân đầy vết bỏng cháy xém, lông đã rụng cả, khuôn mặt nó đau khổ vô cùng, đôi mắt bốc cháy lửa hận rừng rực, nó bò lại gần rồi chợt vung hai tay ra nắm chặt lấy bàn chân Gấu mà kêu gào:
– Tổ ơi có nhớ Triết Từ Nghi không? Tổ trả lại mạng đây cho tôi!
Rồi chợt hiện lên trong màn đêm đen trùng trùng những yêu ma lang sói, chúng cùng nhào vào mà xâu xé cơ thể Gấu, chúng rên khóc thảm thiết:
– Tổ trả lại mạng chúng tôi đây! Trả lại mạng đây!
Rồi quẩng lửa trên trời đổ ập xuống đầu, nóng cháy ngùn ngụt, Gấu mụ mẫm cả đi, thịt da tê tái, đầu óc bàng hoàng…
Gấu hét lên một tiếng sợ hãi, miệng anh gào lên:
– Tha cho tôi! Tha cho tôi! Tôi nào có hay biết gì.
Rồi anh đánh rơi cả cuốn sách xuống đất, gục xuống ngất lịm đi, trong mắt còn nguyên vẻ kinh hãi vô hồn…