Chùa Lôi Tích tọa trên đỉnh Phật sơn, thuộc đất quảng hà, đông ánh, quảng trị, được xây từ pháp thuộc, theo lối phong thủy, kiết hướng non bộ, chọn thế hổ ngồi, chùa có sáu dãy lớn, mỗi dãy có bốn đến bảy chái nhà, sư trong chùa tính đến gần năm mươi người, đại đức Thích Đại Tuệ là người chủ nhiệm, sư trụ trì duy trì cho chùa.
Bấy giờ đã quá nửa giờ Tỵ, chuẩn bị sang Ngọ, cả chùa đang chuẩn bị thọ trai chợt có người sư chú chạy vào hốt hoảng bạch:
– bạch thầy, có người thanh niên lạ mặt chẳng biết chúng sinh ở đâu tới chùa, tóc để dài, ăn mặc lôi thôi lếch thếch nên tăng cản lại, con hỏi tới việc gì thì không nói, chỉ nói vào thưa thầy có cháu đến từ Thanh Trúc tới xin được hầu chuyện thầy.
Sư Đại Tuệ đang ngồi nghỉ ngơi thưởng thanh trà chờ cơm nơi lục giác lầu cùng với ba bốn vị tăng đệ, nghe trò bẩm thế thì đứng phắt dậy, làm rơi cả li trà trên tay.
Các sư đều cười phá lên mà trêu thầy:
– bạch thầy trụ trì đạo hạnh đã cao, tứ đại oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) đều thanh tịnh nho nhã tựa như Phật đà, mà sao nay nghe tên một người chúng sinh mà sợ tới rơi cả li trà?
Sư trụ trì liền cười nói:
– các ông chớ có cười chê, nghe tên người ấy sợ các ông cũng như tôi thôi, thay vì ngồi đó mà vui thú thì cùng mau đứng dậy theo tôi ra cổng nghênh đón người.
Các sư thấy trụ trì nói nghiêm túc liền thôi không cười nữa, đoạn sư đệ hỏi:
– thế vị ấy là ai? Ông có cháu nào ở chùa Thanh Trúc thế? Đừng nói là trụ trì Nhất Quang lại hạ giá tới đây nhé?
Đại Tuệ cười nói:
– Nhất Quang trụ trì chùa ấy thực là cháu tôi, các ông không biết hay sao?
Sư đệ lại đáp:
– sao lại không biết, tôi nói trêu thế thôi, chứ thầy trụ trì chùa lớn mà tới thăm chùa nhỏ hẳn phải có tin báo từ lâu, lẽ nào lại là thầy ấy thật?
Đại Tuệ bấy giờ ung dung bước đi ra cửa chùa, vừa đi vừa ngoái lại nói:
– tất nhiên không phải, trụ trì lo chăm công việc đi lại đâu tiện, tôi vẫn còn người cháu nữa, các ông quên rồi sao?
Sư đệ bấy giờ giật mình đứng lên nói:
– chẳng lẽ là Diệu Thiện tiên sinh?
Thầy Đại Tuệ cười không đáp, cứ thế bước đi.
Các sư thấy vậy biết là đúng, giật mình cùng đứng dậy, vội vã đi theo.
Ra đến cổng nhìn nhà ghế khách thấy có người thanh niên trẻ tuổi đang ngồi uống trà chờ, người ấy năm nay đã hai mươi chín tuổi nhưng khuôn mặt trông chỉ tựa vừa mới đôi mươi, trẻ trung thanh tú muôn phần, mặc áo chúng rộng, chân đi dép nhựa, tay đeo chuỗi tràng hạt, vai quàng tay nải như thể người từ thời xưa.
Đại Tuệ kêu lên:
– đúng là Diệu Thiện rồi.
Trụ trì tiến lại, hai người thấy nhau thì tay bắt mặt mừng, ôm nhau hỏi han hớn hở, đủ điều không thôi, đoàn tăng nhìn người ấy xưng tên đều vui vẻ hoan hỉ, cứ thế chuyện trò vui như hoa nở.
Đoạn Đại Tuệ quát một tiểu tăng nói nó lại đỡ hành lý, rồi hỏi:
– sao không mua cái va li mà đẩy cho nhẹ, lại dùng tay nải thế này?
Diệu Thiện cười nói:
– dạ chú hai, Kinh Tâm thích thế này nên cháu chiều.
Sư liền hỏi:
– ồ thế chuyến này đi thăm, chẳng biết thánh cô có cùng đi không?
Bấy giờ liền có giọng nói vang lại:
– bà nội ở đây, lừa trọc hỏi gì ta đó?
Các sư ở đó duy chỉ có hai chú cháu nghe được tiếng Kinh Tâm, Diệu Thiện liền quát:
– Kinh Tâm chớ có vô lễ chú hai tôi.
Sư chả biết nói gì, đành chỉ lắc đầu cười khổ rồi nói:
– thánh cô giờ cũng là đệ tử Phật môn rồi, chớ có hỗn nhé, thế muốn vào thăm chùa không?
Bấy giờ người nữ mới liền hiện lên bên cạnh Diệu Thiện, là người mặc y phục trắng cổ xưa, sắc đẹp hoa nhường nguyệt thẹn, liền nói với trụ trì:
– gọi tôi là Thiên phu nhân thì tôi mới trả lời.
Sư liền cười nói:
– phu nhân muốn vào thăm chùa tôi không?
Kinh Tâm đáp:
– tôi mà vào các ông lại phải đọc kinh giữ hồn, yểm hồn, bắt bay vào lư hương mang đi mới xong, thủ tục lằng nhằng rắc rối, thôi tôi ở ngoài này chờ, tiên sinh chóng vào chóng ra, chớ có cà kê mất thời gian.
Hai chú cháu nghe thế liền cười phá lên, tăng sĩ đứng xung quanh chả hiểu gì cả, cũng cười hùa lên theo, thế rồi tăng đoàn cùng đón khách vào trong.
Bấy giờ nơi cửa hiện lên vị thần, da đen như than, mắt trợn trừng trừng, tay cầm thanh kiếm, chính là hộ pháp già lam, đoạn trỏ vào gốc cây si rất to ngay ở cổng chùa nói:
– mời phu nhân nghỉ lại ở kia.
Kinh Tâm liền đi lại chỗ gốc cây, thấy trong đó lúc nhúc vong hồn ma quỷ đang sợ sệt ngó ra, Kinh Tâm đành hanh, quát thét đuổi hết chúng nó đi ra ngoài đứng nắng, còn mình chiếm nguyên cả cây rồi thì trèo vào trong nằm ngủ…
Ma quỷ ra nắng con nào con nấy nhăn nhó như sắp chết khô đến nơi, hộ pháp lắc đầu chán nản, thấy thế thì thương chẳng đành, liền rút một chiếc giày đế cao mang dưới chân ra, xá cho chúng nó nhập vào giày ấy tạm nghỉ tránh nắng…
…
Lại nói Diệu Thiện bước vào trong chùa, sư tăng liền thỉnh đi dùng bữa cơm trước giờ trưa (ngọ trai), bấy giờ có vị sư đệ pháp danh Minh Hải nghe tiếng Diệu Thiện đã lâu, nhưng thấy đầu vẫn còn xanh, chưa có xuống tóc, lại thấy các sư có vẻ săn đón như thế thì trong lòng không phục, sợ chỉ là hư danh liền muốn thử tài xem thế nào, liền bạch với trụ trì cho khách duy trì nghi thức, Đại Tuệ vội vàng gạt đi nhưng Diệu Thiện liền biết ý, thế là xin nhận làm nghi thức thọ trai, cúng bái đâu ra đấy, ăn uống xong xuôi, xử rất đúng các phép khi dùng bữa không bắt lỗi vào đâu được, lúc ấy mới cảm phục đứng ra xin lỗi, vậy là các sư đều nhất nhất tin chính là người biết việc đạo chứ không chỉ như tin đồn.
Dùng bữa xong đâu ra đấy thì sư Đại Tuệ dẫn Diệu Thiện lên nơi lục giác lầu nghỉ ngơi, cùng mình hàn huyên tâm sự, còn các sư khác ai muốn theo đi thì theo, ai không muốn thì cứ về nghỉ, nhưng tất thảy đều háo hức muốn được chuyện trò cùng, liền đều đi theo, chỉ có vài vị sư ông sư bác già cả, và các bác cư sĩ già yếu, buổi trưa mà không đi nằm là mệt không chịu được thì họ mới xin cho đi nghỉ.
Bấy giờ mọi người đều ngồi quanh lục giác lầu mà nhìn ngắm núi rừng xung quanh, rồi cùng nhau chia trà mà thưởng, trụ trì và Diệu Thiện ngồi đối nhau, các sư phân phó theo vị trí từ cao đến thấp mà ngồi, trà được hai tuần mọi người liền bắt đầu thăm hỏi nơi ăn chốn ở, cuộc sống đi lại…
Đại Tuệ liền hỏi:
– lâu nay cháu sống ra sao? Có phu nhân kề bên như thế thì sống trong chùa có đặng được không?
Diệu Thiện trả lời:
– thưa chú hai, Kinh Tâm không được vào chùa sống, thần thức lại yếu đuối không xa cách cháu được lâu, nên trụ trì xây cho một chái nhà nhỏ ở bên sát hông chùa, gần khu địa thanh giới ( mồ Phật tử), cháu ngày ngày ở đó tu tập, có việc thì mới vào chùa hỏi ý, nhưng độ hai năm lại đây thì việc tu tập cũng đã an, thì cháu ít khi ở lại, thường đi đây đó, đa phần là ở tỉnh xa, xin tá túc tại các tịnh xá, có việc mới về chùa Thanh Trúc.
Bấy giờ có vị sư đệ Minh Hải lên tiếng hỏi:
– anh Diệu Thiện chúng em nghe tiếng đã lâu rồi, nhưng anh chưa cạo đầu, không biết có phải thọ hai trăm năm mươi giới như chúng em hay không?
Diệu Thiện biết sư đệ này hỏi thế có ý xem thường tiên sinh chưa xuất gia, nên chỉ cúi đầu không đáp, sư Đại Tuệ cũng nhận ra, liền nghiêm trang mà nói:
– chớ có vô lễ, huynh trưởng các ngươi mang đại thượng căn U Ẩn, đệ tử Bồ Tát phổ hiền, kiến thức của hắn ngay đến bọn ta là người tiền bối cũng không nắm bắt được hết chứ các ngươi đã là gì? Tuy hắn chưa cạo đầu nhưng sư đều phải gọi một tiếng tiên sinh, chưa xuất gia được là do có uẩn tình khác, chứ không phải không đủ căn cơ, bọn trẻ ranh các ngươi sao hiểu được, những giới hắn phải thọ đã lên đến Bồ Tát giới rồi, các ngươi không thể sánh bằng đâu.
Sư đệ nghe thế thì xấu hổ cúi mặt không đáp.
Bấy giờ Sư quay sang Diệu Thiện nói:
– chuyến này cháu tới tịnh xá ta chơi có ở lâu được không? Có công việc gì gấp mà tới chẳng lời báo trước?
Diệu Thiện buồn rầu nói:
– cháu thưa với thúc, nay thầy cháu bệnh đã nhập vào tàng, năm ngoái còn đi lại, ngồi thiền tụng kinh được, sang đến năm nay thì sức khỏe yếu hẳn đi, mắt mờ cả đi, lại còn phải dùng tinh khí thần nuôi dưỡng thất bộ bảy con, nên đâm ra cũng mệt mỏi, mà theo tuổi trời thì cũng tránh không được già yếu, thầy cháu năm nay đã già rồi, chắc cũng chẳng còn được bao lâu, nhị ca cháu sai đi các nơi mời các thúc về cho thầy cháu dặn dò việc sau, lại bắt cháu phải tự đi cho các thúc biết hết mặt. cả thay có năm người nay cháu đã mời hết, chỉ còn mình tam thúc tiện trên đường về cháu chưa mời, đường đi xa giờ cháu mới ghé qua chỗ thúc được ạ.
Đại Tuệ thở dài nói:
– bệnh anh Đại Trí tôi nghe cũng lâu rồi, có lẽ trong năm nay sẽ đi, sai cháu đến tận nơi thế này Nhất Quang chu đáo quá.
Diệu Thiện nói:
– anh cháu còn muốn tự đi nhưng hiềm chùa không thể thiếu vắng lâu ngày, lại rơi vào rằm tháng bảy, nên đâm ra công chuyện rất nhiều, chỉ ngày kia là đã lễ Vu lan bồn, sao nay vẫn chưa thấy quý chùa chuẩn bị gì cả?
Sư cười đáp:
– trụ trì chùa lớn tất nhiên nhiều việc, Nhất Quang không đi được mà còn cẩn thận phó thác cho cháu đi thì còn ai chê trách vào đâu được, đây là tỉnh nhỏ, huyện cũng huyện làng sao so được với chùa Thanh Trúc, đến lễ Vu lan chúng tôi cũng chỉ chuẩn bị ào chút là xong thôi.
Diệu Thiện cười không nói gì, sư lại như thể mới nhớ ra liền hỏi:
– mà cử cháu đi mời chắc đều vào hàng thúc, chúng tôi có sáu anh em đồng tu, đã chết mất một, trừ thầy cháu ra chỉ còn bốn thúc, sao cháu lại còn đi mời năm người là sao?
Diệu Thiện đáp:
– thầy cháu dặn dò việc sau muốn mời năm người từ phương xa, chính là bốn thúc và còn một người nữa…
Sư hỏi:
– ai vậy? Ai mà phải cử cháu đi mời?
Diệu Thiện đáp:
– là người muốn mời nhưng không mời được. chú có còn nhớ nhà ta vẫn còn một người?
Sư hỏi:
– cháu nói…Diệu m à?
Diệu Thiện không đáp, chỉ lặng lẽ gật đầu, mắt buồn nhìn về nơi xa vắng…