Trời đã về chiều, Diệu Thiện liền xin phép trụ trì cho ra về, trụ trì tiếc nuối lắm cứ muốn níu giữ lại núi chơi lâu hơn, cho chú cháu có dịp mà hàn huyên trao đổi về đạo pháp nhưng hắn cứ nhất định xin đi cho được việc, lấy lý do rằng còn vị tam thúc chưa mời, sợ rề rà lâu lỡ có chuyện gì xấu xảy ra ở nhà với thầy Đại Trí thì sẽ ôm hận trong lòng, phụ lời ủy thác. Hắn nói như thế thì các sư đành cứng lưỡi không dám giữ nữa, tiễn hắn ra đi mà lòng ai cũng ngậm ngùi, người chỉ đến chơi có một ngày mà làm cho hết thảy tăng đoàn đều thương mến tài đức, trí tuệ và sự khiêm nhường, bấy giờ các sư đều hiểu vì sao trụ trì lại nói đạo hắn thường cao khó người hiểu được, đạo đức nhẫn nhịn từ bi của hắn cả chùa ai ai cũng cảm thấu được chính là vì như thế…
Tiến ra đến cổng chợt thấy mây đen gió lạnh, sấm chớp vũ vần ngỡ như trời sắp đổ cơn mưa lớn, ai nấy đều sốt ruột giục hắn ở lại, Diệu Thiện lòng cũng lung lắm, cứ ngước lên nhìn trời lo lắng, nhưng bỗng từ nơi cây si ngay ở cổng chùa xuất ra một bóng nữ quỷ trông xinh đẹp muôn lần, chính là Kinh Tâm đã đợi ở đây cả buổi, vừa hiện ra liền kêu lớn lên:
– mưa thế nào được mà mưa, đám sư sãi lúc nào cũng chỉ lo hão.
Bấy giờ Diệu Thiện nghe thấy mách như thế thì liền quyết chí rời chùa đi.
Chợt nhiên thấy có vô số bóng vong ma bay lên đứng xung quanh lộn xộn cả người cả sư, Diệu Thiện kinh hãi liền quay sang Đại Tuệ mà hỏi:
– nhị thúc thấy gì không?
Trụ trì cười đáp:
– Đây là các vong ma chưa được siêu sinh, lâu nay đứng nơi cổng chùa hưởng hương hoa bổn tự.
Rồi thầy quay sang nói :
– sao các ngươi ra cả đây thế này? Ma quỷ cũng biết chào đón khách của chùa sao?
Bọn chúng thấy có đông người liền mạnh dạn thưa:
– bạch trụ trì, chúng tôi đang trú nghỉ trong gốc cây chờ tới giờ đọc kinh sám hồi buổi chiều, tự nhiên có con ma nữ ở đâu tới gào thét chửi bới um xùm rồi đuổi hết chúng tôi ra, xong nó cướp lấy gốc cây đi ngủ, chúng tôi bị đuổi ra, bị ánh nắng chiếu cho nhạt cả hồn, suýt thì tan mất phách, may có hộ giáo già lam cho nương nhờ trong chiếc hài nơi chân trái mới khỏi chết, giờ thấy có thầy ra đây chúng tôi mới dám ra đòi lại công bằng.
Kinh Tâm nghe thế đùng đùng nổi giận quát thét lên:
– chúng mày gọi ai là ma nữ?
Nói đoạn hung kềnh tuốt kiếm ra định chém chết hết bọn chúng thì Diệu Thiện mới lên tiếng nói:
– thôi phu nhân chớ có mà trẻ con, tám thức chỉ còn một thì đánh được ai mà hơi tý là cáu loạn lên, sao người thiên cổ đã sống qua mấy trăm năm mà chẳng đứng đắn chút nào?
Bấy giờ các bóng vong ma sợ quá nấp hết sau lưng Đại Tuệ, thầy liền cười nói:
– thôi phu nhân bớt giận.
Kinh Tâm liền thu kiếm lại nói:
– thôi tao chẳng chấp gì bọn vong ma ngạ quỷ chúng mày, ví như chúng mày gặp bổn cung ngày xưa thì tan hồn cả.
Đoạn lại quay qua Đại Trí mà nói:
– nhìn điềm thiên văn thế kia, các người không thấy được, thế nhưng bổn cung có thiên nhãn thông thượng cảnh giới thì liền mới biết, chỉ nay mai các ngươi lại có khách.
Đoạn trỏ tay vào bụi cỏ gần đấy, thấy cỏ ngả một màu, lại chỉ tay vào một gốc cây, thấy đã bạc trắng, có kiến bò ra, rồi nói:
– kẻ sắp tới thăm căn cơ chẳng phải thường nên có điềm thiên tượng báo cho, nhưng điềm này héo úa chứng tỏ thân hắn mang bệnh, thôi chẳng hiểu ra sao nhưng bổn cung tặng cho câu thần chú, lừa trọc dùng nó mà cứu giúp cho hắn nếu hắn cần.
Nói đoạn niệm cho sư trụ trì nghe ba cầu thần chú, lần lượt như sau:
Thứ nhất, thần chú sạch khẩu nghiệp, yếu quyết là: Án tu lị tu lị, ma ha tu lị, tu tu lị tát bà ha.
Thứ hai, thần chú sạch thân nghiệp, yếu quyết là: Án tu đa lị, tu đa lị, tu ma lị, sa bà ha.
Thứ ba, thần chú sạch ba nghiệp, yếu quyết là: Án sa phạ, bà phạ truật đà sa phạ, đạt mạ sa phạ, phạ truật độ hám.
Rồi còn dặn thêm:
– nếu là giống yêu ma hãy dùng bài chú Lăng Nghiêm mà tróc là phải chịu.
Đoạn truyền cho sư bài chú lăng nghiêm, lời thần chú rất dài, không tiện viết ra trong tiểu thuyết.
Xong việc liền tan đi, nhập vào thân Diệu Thiện.
Các sư bấy giờ không thấy được Kinh Tâm, chỉ nghe Diệu Thiện và sư Đại Tuệ nói chuyện qua lại thì kinh hãi, trong lòng bán tín bán nghi không dám lên tiếng, mãi sau Diệu Thiện cáo từ đi khỏi khá xa vẫn còn cứ đứng tần ngần, lúc lâu mới quay trở vào trong.
Diệu Thiện thì chẳng hiểu sao trong lòng thấy bồn chồn chẳng yên, không hiểu do đâu, nhưng Kinh Tâm cứ giục đi vội vã gấp rút, nên quẩy bước, hướng về tây mà đi rất gấp.
…
Lại nói tới Gấu, đem việc muốn tới chùa chữa bệnh ra nói với bố, ông Thái nghe xong lấy làm lạ, lại sang hỏi ý kiến ông Tư, rồi lại ông Tư thêm bớt vào rằng bệnh gì mà liên quan tới căn số cứ lên chùa hỏi là được hết, ông Thái lại hỏi về chùa Lôi Tích, ông Tư cũng quảng cáo rất tích cực rằng chùa đó rát giỏi, thầy trụ trì là anh em đồng khóa với thầy Đại Trí, là trụ trì chùa Thanh Trúc chuyên về bắt ma ở miền bắc…
Nghe như thế xong thì ông Tư cũng lấy làm mừng, ngặt nỗi quảng hà xa xôi, đường đi tốn kém, công việc chữa chạy có khi lại mất nhiều tiền nên còn đang đắn đo, về sau mới quyết định lấy số tiền ba mươi triệu thầy bình đưa cho dạo nọ làm lệ phí đi đường, trước khi đi thầm nhủ trong lòng chuyến này nếu Gấu khỏi bệnh thì tốn kém hết bao nhiêu, còn dư bao nhiêu sẽ xin cúng hết cho chùa làm công đức.
Riêng đoạn nhìn sang Sóc ngần ngại, đang vào tháng tám kì nghỉ hè nên con bé không phải đi học, thế là quyết định mang nó đi gửi nhà Liễu, cho nó lên thành phố chơi một chuyến coi như thưởng nghỉ hè.
Sóc thoạt đầu cứ nằng nặc đòi đi với anh, nhưng sau đó nghe bố dụ cho lên thành phố sống chơi với cô Liễu thì lại đổi ý, vậy là ông Thái đưa lên phố gửi ở nhà Liễu ở mấy hôm. Liễu đang có chuyện buồn, mệt trong người, lại muốn tránh mặt không gặp một số người khó ưa, nên tạm nghỉ làm ở viện, do đó chỉ có ở nhà, cũng lủi thủi một mình bốn góc căn phòng nên có Sóc lên cũng là có người cho khuây khỏa, do đó cô Vui vẻ đồng ý ngay…
Hôm ông Thái chở Sóc đi lên phố, Gấu ôm hôn em rất lâu, đoạn nói:
– em lên phố ở nhà cô Liễu nhớ ngoan nhé, khi nào về anh sẽ lên đón về, chớ có làm gì sai quấy.
Sóc cười nói:
– Gấu cứ yên tâm chữa bệnh đi, em ở với cô Liễu cũng thích lắm, chuyến này Gấu về, em sẽ dẫn đi chơi đồng cỏ lau cho biết quê ta.
Thế nhưng chẳng hiểu vì sao Gấu cứ ôm em rất lâu, bịn rịn mãi không rời, cứ nhìn mãi, lại mân mê lọn tóc em, sờ Vuốt khắp mặt khắp tay chân em, không nỡ rời xa, về sau còn ngần ngừ muốn cùng đưa em đi, nhưng việc đã định xong rồi, cứ lưu luyến không nỡ thì lại sợ bị chúng quỷ chê cười, mà đưa em đi cũng chẳng giúp được gì, chỉ bận tay ông Thái săn Sóc, nên sau đành thôi. Ông Thái và Sóc vẫn biết xưa nay Gấu chỉ để tình cảm trong lòng, ít khi thể hiện ra như thế nên thấy vậy đều lấy làm lạ, nhưng lại cũng mừng, cho là tâm tính thay đổi.
Khi ông Thái chở Sóc ra đến cửa, Gấu còn chạy theo ôm em, mắt cứ ngân ngấn nước, nói:
– lần này đi chẳng biết bao giờ cho gặp lại được em, không biết có còn gặp lại được không mà sao trong lòng cứ xốn xang lo lắng chẳng yên, ruột cứ cộn cả lên, hay thôi không đi nữa?
Ông Thái nghe thế giật mình nạt:
– cái thằng này sao mày gở mồm thế? đi đến chùa chứ có phải đi ra chiến trường đâu mà mày nói như trăn trối vậy? thôi đừng nói tào lao nữa, chuẩn bị đồ dùng đi tao chở soc lên phố xong về cái là khởi hành luôn nghe.
Sóc còn ngoái lại cười nói:
– Gấu yên tâm đi, thày chùa tốt lắm, hiền lắm, còn có ba đi cùng nữa, không ai hại Gấu đâu, Gấu về nhà lúc nào em cũng chờ ở nhà, Gấu cứ về là sẽ thấy em.
Nói đoạn cười tươi như hoa nở, Gấu thấy thế thì lại ôm hôn thắm thiết, rồi mãi mới để cho đi.
…
Đoạn ông Thái và Sóc đi rồi, còn mình Gấu liền mới dặn dò:
– chuyến này đi tôi mang theo hai ông Kỷ Như và Kinh Ma Lạc, còn lại tiểu cẩu tiểu miu thì ở lại giữ nhà, giữ hương khói lư thờ cho tôi, các ông ở nhà làm được việc chăng?
Chúng đáp:
– Tổ cứ yên tâm, gì chứ trông nhà chúng tôi làm được, Tổ nhớ đi sớm, được việc hay không xin cũng chóng về nhé.
Gấu liền xoa đầu bọn chó và mèo trong nhà mà âu yếm chúng nó, đoạn nói:
– sao lòng dạ tôi cứ bất an chẳng yên thế này? Tôi lo cho em tôi ở nhà lắm, các ông hãy nhớ, nếu như nhà bên ấy có không tốt đuổi em tôi về, thì trẻ thơ ở nhà một mình các ông phải ra sức mà bảo vệ.
Bọn chúng lại nói:
– nữ Bồ Tát tốt lắm, lại có tình ý với Tổ thì không bạc với cô tiểu chủ đâu, Tổ chớ lo.
Gấu cũng biết thế, lại im lặng không nói gì, việc cơm nước cho bọn chó mèo đã nhờ ông Tư hàng xóm trông coi, đoạn phân phó hết công việc trong ngoài đâu ra đó thì sáp xếp tư trang hành lý cẩn thận, rồi thắp hương khấn vái, cầu bình an, sau đó ngồi chờ ông Thái về để đi.
———————-