Chương 3:
Trời vừa tờ mờ sáng, ông Hoà đã hớt ha hớt hải chạy sồng sộc vào cái chòi trong bãi tôm, ông thấy Hiểu vẫn đang nằm trên võng mở mắt trừng trừng nhùn cái trần nhà. Ông Hoà chưa kịp thở dốc đã vội vàng đến bên cạnh vỗ vào vai Hiếu, liên tục hỏi cậu đêm qua có gặp phải chuyện gì lạ hay không, trông cái trán đầy mồ hôi hột kia cũng đủ biết cả một quãng đường từ nhà ra bãi tôm ông đã liều mạng chạy như thế nào.
Cả đêm hôm qua Hiếu không tài nào chợp mắt được, cậu cứ vậy mà nằm trằn trọc trên võng mãi, cậu đưa ra vô số giả thiết để giải thích cho tình huống mà bản thân vừa gặp phải, ấy nhưng cho dù có nghĩ như thế nào đi nữa thì vẫn cảm thấy không hợp lý.
Hiếu đinh ninh trong lòng rằng chờ trời sáng cậu sẽ về nhà hỏi ông Hoà thử xem, rốt cục gần đây bãi tôm nhà bọn họ có xảy ra mấy chuyện kì quái gì đó hay không. Ai mà ngờ được trời chưa sáng thì ông Hoà đã chạy tới đây, thấy bộ dáng hớt ha hớt hải cũng như gương mặt lo lắng của ông Hoà, Hiếu cũng không biết có nên kể chuyện đêm qua cho ông nghe hay không.
Ông Hoà thấy con trai cứ như người mất hồn nhìn mình càng nóng ruột, liên tục đặt câu hỏi. Mãi sau Hiếu mới đem chuyện thằng Kha vô tình ngã xuống cái vuông tôm cũ kể cho ông Hoà nghe, song cậu lại giấu nhẹm cái chuyện đêm qua mình gặp phải. Sắc mặt ông Hoà sau khi nghe câu chuyện thằng Kha ngã xuống cái vuông tôm cũ cứ như thể con kì nhông liên tục đổi màu ấy, miệng thì cứ liên tục bảo không song rồi không song rồi. Kết là chưa để Hiếu kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông Hoà đã vội vàng kéo tay cậu chạy về nhà, sau đó thì lôi lôi kéo kéo bà Hoà đi đâu đó cả một ngày trời.
Nghe xong câu chuyện của Hiếu, ông Hoà gật gù uống một hơi cạn sạch chén chè xanh, mất một lúc sau thì mới thở dài nhìn Hiếu nói.
– Cha cứ tưởng cho bây đi học thành phố bây sẽ ở trên đó làm việc, tốt xấu gì cũng sẽ giúp bây tránh khỏi một kiếp dính phải cái nghiệp như cha mẹ… chỉ là không ngờ bây lại về quê để giúp bà con trong xã mình nuôi tôm… ôi thôi, âu cũng là cái số cả rồi.
Từ sau hôm đó cho dù ông Hoà không cho Hiếu đi trông bãi tôm vào ban đêm nữa, nhưng với cái thói tò mò của mình thì Hiếu nào có dễ mà bỏ qua. Mỗi đêm Hiếu đều nhân lúc người trong nhà đi ngủ, xách đèn pin chạy đến bãi tôm, nói đúng hơn là cậu đến chầu trực bên cái vuông tôm cũ kia. Quả nhiên, mấy đêm liên tục Hiếu nhìn thấy người con gái có mái tóc dài cùng gương mặt quỷ dị kia lập đi lập lại hành động nhảy xuống vuông tôm, và tất nhiên là sau đó khi kiểm tra vuông tôm cậu chẳng hề phát hiện ra dấu vết gì chứng minh đêm qua đã có người nhảy xuống cái vuông tôm kia.
Được tận mắt chứng kiến khiến cho Hiếu, từ một người chỉ tin vào khoa học phút chốc tin tưởng những chuyện mà cậu cho rằng không có căn cứ, là mê tín dị đoan. Bởi ngay lúc này đây, ngay chính trong bãi tôm nhà cậu, ngay trước mắt của cậu, ma quỷ đang hằng ngày hằng ngày hiện ra. Đấy cũng là lý do mà cậu chẳng thèm chấp nhặt với gã đầu tư mang vẻ mặt khinh khỉnh khi nhìn thấy cha mẹ cậu cúng kiếng cái vuông tôm cũ lúc chiều, vì chuyện tâm linh không phải ai muốn là cũng gặp được.
Hiếu nghe xong mấy lời như than thở của ông Hoà thì cũng lờ mờ đoán được hồn ma ở cái vuông tôm cũ kia nhất định có liên quan mật thiết đến gia đình cậu. Hiếu hỏi tiếp.
– Chẳng lẽ đây là lí do khiến cho cha và mẹ không đồng ý với chuyện con bỏ phố về quê?
Hiếu nhớ khi ấy cậu gọi điện bảo sẽ về quê nuôi tôm cùng ông Hoà, sẵn tiện giúp bà con trong xã luôn thì cha mẹ cậu đều phản đối, bà Láng còn khóc lóc mấy ngày mấy đêm đòi sống đòi chết bắt Hiếu phải ở trên thành phố cho bằng được. May mắn là sau khi Hiếu dở đủ mọi cách thức, năn nỉ hết nước hết cái thì cha mẹ mới đồng ý để cậu về quê.
Lúc đấy Hiếu còn cho rằng cha mẹ cậu có tư tưởng muốn con cái lên thành phố lập nghiệp, trở thành doanh nhân giàu có chứ chẳng phải nuôi con cho đã rồi để nó về quê làm việc chân tay. Giờ nghĩ lại, hẳn là lúc đấy ông bà Hoà không muốn cậu về quê là có lí do cả.
Ông Hoà như nhớ đến chuyện gì đó buồn cười thì bật cười, đáp.
– Chứ chả lẽ bây nghĩ cha chê quê mình nên không cho bây về đây làm việc à?
Hiếu gãi đầu xấu hổ khi bị ông Hoà nói trúng tim đen. Ông Hoà ngoài mặt thì cười cười nói nói nhưng trong lòng lại không tránh được âu lo, nụ cười trên mặt cũng nhạt dần, ông lại nhịn không được mà thở dài nói.
– Cha mẹ thấy trong làng nhiều đứa nó đi lên thành phố học xong thì ở luôn trên để lập nghiệp, thấy tương lai đứa nào đứa nấy cũng sáng lạng, cha mẹ tưởng bây cũng dậy. Lúc nghe bây nói muốn về quê, cha mẹ vừa lo vừ sợ bây về đây lại phải giống như cha mẹ lúc này nên nào có dám cho bây về…
Nhận được tính nghiêm trọng trong chuyện này, Hiếu không còn giữ bộ dáng đùa hớt tọc mạch như ban nãy nữa, cậu nghiêm túc lắng nghe ông Hoà nói, nghe xong thì mới lên tiếng hỏi tiếp.
– Vậy cái vuông tôm nhà mình có chuyện gì? Vong nữ kia rốt cục có quan hệ gì với nhà chúng ta?
Ông Hoà trầm ngâm nhớ đến chuyện xảy ra mấy chục năm về trước, hình ảnh cha mẹ suốt ngày lớn tiếng với nhau, hình ảnh mẹ chửi rủa người phụ nữ đáng thương kia, hình ảnh thầy pháp đến nhà làm lễ, mẹ chết, dì điên, cha thì như người bị hớp mất hồn,… tất cả từng chuyện, từng chuyện một như một thước phim dài chiếu lại trong đầu ông.
– Chuyện này phải kể đến thời ông bà nội bây còn trẻ…
Lúc còn bé ông Hoà thường xuyên nhìn thấy cha mẹ mình là ông bà Hoàng suốt ngày lời qua tiếng lại với nhau, đêm nào cha về khuya là mẹ lại làm ầm lên bảo cha qua bên nhà ả đản bà tên Luyến không biết liêm sỉ kia làm chuyện đồi bại, cho dù cha đã hết lời giải thích nhưng mẹ nào có tin, cứ mồm năm miệng mười mà nói ra mấy lời khó nghe với cha cho bằng được.
Âu thì nào có chuyện chi trên đời mà không có nguyên do của nó, đâu có phải tự nhiên bà Hoàng cứ nằng nặc gán ghép cho ông Hoàng cái tội ngoại tình với bà Luyến. Năm đó nếu không phải do ông bà nội bắt ép ông Hoàng cưới bà Hoàng cho bằng được thì có khi bây giờ bà Luyến mới là là vợ của ông Hoàng cũng nên.
Với một người phụ nữ xuất thân giàu có, tính tình kiêu ngạo như bà Hoàng thì làm sao có thể chấp nhận được việc chồng mình có tình cảm với một người đàn bà khác, đặc biệt người đàn bà kia còn không có cái gì để so sánh hơn thua với bà. Vậy nên, người đàn bà tên Luyến kia phút chốc trở thành cái dằm trong tay, cái gai trong mắt bà Hoàng.
Vào một đêm hè oi bức mấy chục năm trước đó, khi mà ông Hoà vẫn còn là một đứa nhỏ năm tuổi đang cầm trên tay con cào cào làm bằng lá dừa chạy vòng quanh sân nhà, vừa chạy vừa quay đầu hỏi bà Hoàng đang nằm trên cái chỏng tre xem con cào cào bay có cao không thì từ ngoài cửa lớn… ông Hoàng dắt theo bà Luyến quay về.
Gương mặt ông Hoàng lúc đó rất kiên định trông giống như thể ông đã hạ quyết tâm làm chuyện gì đó, bà Luyến thì bộ dáng rụt rè nấp phía sau lưng ông Hoàng. Bà Hoàng thì khỏi phải nói, vừa nhìn thấy ông Hoàng cùng bà Luyến tay trong tay thì nụ cười trên mặt ngay lập tức biến mất, thay vào đó là khuôn mặt đỏ ửng vì tức giận.
Hoà đứng giữa sân nhìn ông Hoàng cùng bà Luyến, sau đó dường như cậu nhóc cảm nhận được có chuyện gì đó không ổn bèn nhào vào lòng bà Hoàng kêu lên.
– Mẹ ơi…
Bà Hoàng nghe Hoà gọi thì nét mặt mới nhu hoà lại chút ít, bà đưa tay nắm lấy bả vai Hoà nói.
– Con vào trong bếp kêu bà Tư nấu nước ấm cho con tắm, sau đó dẫn vào buồng ngủ sớm đi nhé, hôm nay chơi thế đủ rồi đó đa!
Bình thường giờ này bà Hoàng vẫn để cho Hoà chơi cho đã rồi đích thân tắm rửa sạch sẽ rồi cùng cậu đi ngủ mới đúng. Song từ nhỏ chứng kiến cha mẹ gây gỗ nên Hoà so với những người bạn đồng lứa hiểu chuyện hơn rất nhiều, linh tính mách bảo cho cậu biết có chuyện không lành sắp đến, vậy là Hoà chẳng hỏi thêm mà chỉ mím chặt môi, gật gật đầu rồi chạy về phía gian bếp, nghe theo lời bà Hoàng chạy đi tìm bà Tư.
Ánh mắt bà Hoàng dõi theo bóng dáng nho nhỏ của Hoà, mãi cho đến khi bóng dáng cậu nhóc khuất hẳn bà mới quay sang nhìn ông Hoàng và bà Luyến vẫn đứng ngay cửa lớn. Trong đôi mắt hạnh xinh đẹp vừa rồi còn chứa đầy sự nhu hoà thì lúc này lại hiện lên một tia ngoan độc.
Ông Hoàng nhìn bà Hoàng, tay siết chặt tay bà Luyến, hít một ngụm không khí thật sâu, lấy hết can đảm nói.
– Tôi có chuyện muốn nói với bà!
Bà Hoàng xỏ đôi guốc gỗ vào chân rời khỏi cái chõng tre, mắt chẳng thèm nhìn đến đôi nam nữ đang nắm tay nắm chân đứng trước cửa lớn nhà mình quay lưng đi thẳng vào trong gian chính. Thái độ của bà Hoàng trông chẳng khác gì vừa nhìn thấy thứ gì đó dơ bẩn nên cần dời mắt đi ngay lập tức, kẻo lại làm dơ mắt bà ấy vậy.
Ông Hoàng gọi với.
– Bà có nghe tôi nói không đấy?
Bà Hoàng vẫn một mực im lặng không trả lời.
Ông Hoàng biết không phải là bà Hoàng không nghe thấy ông nói mà là bà không đem những lời ông nói để vào tai. Cảm thấy bản thân không được tôn trọng ông Hoàng bèn quát lớn.
– Này bà bị điếc à?
Bà Luyến đứng phía sau nghe ông Hoàng quát lớn, lời lẽ lại chẳng nề hà gì thì có chút bối rối, song ở chỗ này làm gì có chỗ cho bà Luyến lên tiếng, cuối cùng cũng bà chỉ có thể đưa tay kéo kéo áo ông Hoàng thay cho lời khuyên ngăn.