Sáu giờ tối hôm ấy, bà Ngạc lật đật bước từng bước khó nhọc trên triền đê, nhắm hướng một ngôi làng cách đây chừng một dặm mà tiến tới. Tiết trời mùa đông lạnh thấu da, thấu thịt làm mỗi bước chân của bà thêm phần nặng nề vì cơn mưa phùn quái ác làm mặt đường lầy lội như đổ mỡ. Bà Ngạc đã ngã dúi dụi mấy lần, lớp áo mưa làm bằng mấy tấm lá cọ đã dính đất bùn, loang lổ ra cả một mảng. Hơi lạnh luồn qua manh áo nâu sờn cũ làm bà rùng mình, hắt hơi liên hồi
Chiếc gậy dò đường làm bằng thứ gỗ tầm vông đang khua khoắng loạn xạ, tựa hồ sức gió lồng lộng lùa trên triền đê có thể làm bà loạng choạng mà ngã bất cứ lúc nào. Bà Ngạc bặm môi, xốc lại cái gùi to như cái nơm cá, được đan bằng tre rồi cố gắng rảo bước hơn. Cơn mưa phùn có phần nặng hạt, nếu không nhanh tìm đến ngôi làng này có lẽ bà chết cóng trên đê chứ chẳng đùa.
Sau một hồi dò dẫm, bà Ngạc sung sướng khi cổng làng hiện ra trước mặt. Cây Đa cổ thụ với tàn lá lớn lúc này chỉ trơ ra những cành gỗ khẳng khiu. Cổng làng xiêu vẹo mất một mảng, tường rào đổ ụp làm chỗ cho đám cỏ dại thi nhau mọc um tùm càng làm khung cảnh ngày mưa gió tăng thêm độ cô tịch, âm u. Giờ này, con đường độc mộc dẫn vào làng chẳng có bóng ai qua lại. Hai bên đường, dãy hàng quán và nhà dân mọc san sát. Những tấm cửa gỗ đóng im ỉm, vài tấm đèn lồng đặt trên mái cổng cũng lụi dần đi như sắp tắt.
Giờ này có cho tiền cũng chẳng ai dại gì mà mò mặt ra để hứng cái lạnh đến tím tái da thịt, đến bật cả máu môi. Nhưng bản thân bà Ngạc lại là một lang y, xui rủi làm sao đúng lúc cứu người thì tủ thuốc tại gia lại hết mấy vị thuốc quan trọng. Vì lẽ đó bà Ngạc chẳng ngại ngày mưa rét mướt mà khoác áo đi ngay, chẳng nề hà gì cả.
Gia đình bà Ngạc bao đời nay đều hành nghề y thuật. Truyền đến đời vợ chồng bà tính ra cũng ngót nghét gần hai trăm năm. Bà Ngạc luôn ghi nhớ lời dạy của tiền nhân ấy là cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Cũng vì lẽ đó mà ông Sửu chồng bà trong một lần đi chữa bệnh ở nơi xa, xúi quẩy thế nào lại bị hổ vồ mất xác. Bà Ngạc nén lại nỗi đau mà kế tục sự nghiệp cứu người còn đang dang dở của chồng mình.
Nhưng ngặt nỗi con tạo xoay vần, thời buổi miếng ăn khan hiếm hơn sinh mạng nên dù có bệnh cũng chẳng có người chịu bỏ tiền ra mà chạy chữa. Thành thử từ đó, tiệm đông y của bà Ngạc cứ lụi dần, đến nay có phần sa sút lắm. Bản thân bà Ngạc vừa đóng vai cha, vừa đóng vai mẹ, lại có hai thằng con trai đang tuổi ăn tuổi lớn nên gánh nặng cơm áo gạo tiền làm bà quay quắt
Bà tạm thời gác lại cửa tiệm mà lao vào làm đủ thứ nghề nhằm kiếm miếng cơm, manh áo. Dần dà, bà chỉ coi việc bốc thuốc chữa bệnh là làm phước chứ tuyệt nhiên không lấy của dân làng một đồng, một cắc nào. Thành thử dân làng đa phần là cùng đinh đó chịu ơn bà lắm. Hôm nay cũng như nhiều lần trước, bà Ngạc đang rào lại cái chuồng gà thì có người đến chữa bệnh. Ngặt nỗi mấy vị thuốc trong nhà lại hết nên bà Ngạc đội mưa gió đến làng này mà tìm mua.
Nhìn ngôi làng im lìm dưới làn mưa có vẻ tiêu điều, hoang phế nhưng ít ai biết đó gần như là ” thủ phủ” của những người hành nghề thầy lang như bà. Nơi đây có rất nhiều tiệm thuốc cổ, chứa đựng hàng trăm ngàn vị thuốc mà bất cứ ai hành nghề đông y đều đặt chân đến đây ít nhất một lần. Bà Ngạc xốc lại manh áo mưa, tay cầm cây gậy gỗ rồi chầm chậm tiến vào con lộ. Đang tính gõ cửa một tiệm thuốc quen thuộc thì bà nghe thấy tiếng khóc rưng rức phát ra ở tiệm thuốc, cách tiệm bà đứng tầm mười bước chân.
Bà Ngạc chau mày, kéo cao vành nón lá thì nhận ra bóng dáng một ông lão tóc tai bạc phơ mới bị đẩy ra khỏi một cửa tiệm. Ông lão gầy yếu loạng choạng thế nào ngã chúi mặt ở nền đường. Quần áo, râu tóc dính đầy thứ đất bùn bẩn thỉu. Cảnh tượng lạ lùng này rất nhanh làm bà Ngạc chú ý. Bà rụt tay lại rồi chậm bước tiến lại quan sát.
Ông lão rất nhanh lại vùng dậy, chẳng hề để ý vết máu đang rơm rớm trên trán và nước mưa chảy thành dòng trên khuôn mặt khắc khổ mà lập tức chắp tay vái, miệng luôn mồm cầu xin:
– Tôi xin ông, tôi lạy ông! Ông làm ơn làm phước ông đến khám cho bà nhà tôi với. Ông mà không tới…khéo… khéo bà nhà tôi chết mất!
Đứng chặn ngay cửa tiệm là một lão thầy lang trong bộ đồ người Hoa. Lão thầy lang ngó chừng ngoài sáu mươi tuổi, ánh mắt lươn đang ánh lên cái nhìn liên láo. Lão nhổ toẹt con cá ngựa đang ngậm trong miệng rồi rít lên:
– Ơ hay cái nhà ông này! Tôi nói bao nhiêu lần rồi ông không hiểu à? Bà nhà ông làm sao mà sống được, ông cứ lằng nhằng là tôi gọi người đến gô cổ ông đấy!
Ông già tội nghiệp khẽ rên vì vết thương có lẽ ngấm lạnh. Nhưng vẫn cố gắng nài nỉ:
– Tôi xin ông! Ông chưa qua thăm khám thì làm sao biết có cứu được hay không? Ông làm ơn làm phúc cứu bà nhà tôi với!
Ông già nói rồi chộp lấy bàn tay lão lang y mà khẩn khoản. Vô ý thế nào để bùn đất trên người văng đầy bộ áo của lão. Lão lang y điên máu hất mạnh tay làm ông già lảo đảo suýt ngã. Đoạn lão điên máu cầm luôn cây gậy gỗ Lim mà dứ dứ về phía ông lão mà gằn giọng:
– Đồ nghèo nàn mạt rệp có cút ngay không? Ông đã bảo không đi là không đi! Có biến mau không? ông dần cho mày trận giờ !
Nói rồi lão thầy lang đóng sầm cửa lại, bỏ mặc ông lão tội nghiệp đứng giữa làn mưa gió lạnh lẽo và tiết trời xám xịt màu cỏ ủa. Ông lão chán nản quay đầu tính bỏ đi thì bắt gặp ánh mắt tội nghiệp của bà Ngạc. Bà Ngạc vốn là một lang y với tay nghề tổ truyền có tiếng, lại cực kì khinh ghét việc này. Thấy ông lão bị đối xử như thế thì lật đật chủ động đón đầu và lên tiếng:
– Ông lão ơi! Có chuyện gì thế? Tôi giúp được gì ông không?
Ông lão khóc rưng rức, lấy vạt áo lau qua lớp nước mưa trên mặt rồi nhìn bà Ngạc bằng ánh mắt thảm não. Đoạn thở dài bảo:
– Bà nhà tôi đổ bệnh đã ba ngày nay, nhà tôi ở tận sâu trong cánh rừng già kia nên thầy thuốc chẳng chịu thăm khám. Đã vậy lão còn đòi những năm quan tiền thì tôi đào đâu ra. Cứ thế này bà nhà tôi chỉ có nằm chờ chết thôi bà ạ!
Đoạn người đàn ông mắt ầng ậng nước tiếp tục sụt sùi:
– Tôi với bà nhà tôi không con, không cái. Chỉ biết nương tựa nhau mà sống qua ngày. Giờ bà ấy mà chết thì tôi cũng chẳng thiết sống nữa! Thôi, chào bà tôi về!
Bà Ngạc vốn là một lang y trung hậu, bản thân bà thường đi khắp hang cùng ngõ hẻm và chẳng lấy một đồng tiền công thăm bệnh nào. Bà nào có ngại việc lặn lội xa xôi, mưa gió cho cam. Đời bà ghét nhất là loại lang y không có y đức, nghe thấy ông lão kể rõ sự tình thì mau mồm khẩn khoản:
– Tôi cũng là một lang y. Ông đừng lo, đưa tôi về nhà tôi khám xem bà cụ ở nhà bị làm sao. Nhà ông lão ở đâu? Dẫn đường cho tôi! Đi nhanh kẻo bà cụ đổ bệnh thì nguy to!
Ông lão không tin vào tai mình. Cả ngày nay ông gõ cửa biết bao cửa tiệm, ấy thế mà toàn gặp những cái lắc đầu từ chối thẳng thừng. Đang lúc trắc trở lại gặp được bà Ngạc tự xưng là lang y, ông lão như chết đuối vớ được cọc, lạy lục bà như tế sao và luôn mồm cảm ơn. Đoạn ông gạt nước mắt, chỉ tay về phía bên kia ngọn núi cao, có cánh rừng đang chìm trong làn sương mỏng mà bảo:
– Nhà tôi ở bên kia cánh rừng, xin thầy đi nhanh kẽo trễ!