Chương 4: tiếng hát trong đêm
Đến xế chiều trấn Rừng Thông đã hiện ra trước mặt. Khác với tưởng tượng của ông, nơi này bây giờ còn tiêu điều xơ xác hơn cả 20 năm trước lúc ông vẫn còn đến đây để buôn vải.Trấn Rừng Thông là một trấn sầm uất, lúc bấy giờ nơi đây vốn được mệnh danh là kinh thành thu nhỏ. Từ ngoài vào đến đầu trấn sẽ gặp ngay khu phố chợ sầm uất. Hai bên đường nhà cửa mọc san sát lên như nấm. Những cửa tiệm bày bán đủ thứ đồ, những quán nhậu luôn sáng đèn bất kể ngày đêm. Ngoài đường người dân đi chợ, trẻ con nô đùa chạy nhảy đến tối mịt mới về nhà.
Ấy vậy mà nay cảnh vật điêu tàn. Trời còn chưa tối hẳn, ngoài đường đã chẳng còn một bóng người qua lại. Những người bán hàng đang tất bật thu dọn đồ vào trong nhà với điệu bộ gấp gáp. Thi thoảng mới có người dừng tay lại nhìn ông Hai một cách tò mò rồi lại tập trung vào công việc của mình. Đi vào sâu bên trong mới thấy, có những cửa hàng lớn trước đây nay đều đã đóng cửa, tấm biển hiệu bên ngoài bụi đã che mờ hết những con chữ.
Đi sâu vào trong thêm một đoạn, ông Hai dừng chân trước cửa tiệm vải có tấm biển hiệu gỗ đã nhuốm màu thời gian đề hai chữ Hoa Gấm. Bên trong có hai người một nam một nữ, áng chừng khoảng hơn 30 tuổi đang thu dọn những tấm vải treo bên ngoài hiên nhà vào cái sạp ở phía trong. Đã 20 năm trôi qua, cửa hàng không có gì thay đổi so với trước đây khi mà lần cuối cùng ông đặt chân đến. Có chăng chỉ là những tấm vải được bày bán giờ đây đã chẳng còn nhiều màu sắc sặc sỡ như trước. Và chủ tiệm cũng không còn là ông chủ Trần Trạch của ngày xưa.
Hai người bên trong thấy ông Hai cứ đứng nhìn vào cửa hàng của mình mãi, không vào hỏi mua hàng, cũng chẳng có ý định rời đi. Người đàn ông dừng tay lại, nhìn ông Hai rồi hỏi:
“Xin hỏi, quan bác cần mua gì sao? Tiệm chúng tôi sắp đóng cửa rồi.”
Ông Hai bị hỏi bất ngờ, lúc này mới sực nhớ đến lý do mình đến đây. Ông tiến lại gần hơn phía vợ chồng chủ tiệm rồi nói:
“Chẳng hay cậu đây có phải là Trần Dương, con trai của ông chủ tiệm Trần Trạch năm xưa hay không?”
Chủ tiệm vải nhìn ông Hai từ đầu đến chân, vẫn không nhận ra người đàn ông này là ai. Cậu nghi hoặc hỏi lại:
“Phải rồi, tôi là Trần Dương đây. Chẳng hay ông là ai mà lại biết cả ông cụ nhà tôi, ông cụ mất lâu rồi.”
Ông Hai khẽ vuốt chòm râu bạc của mình, mỉm cười rồi đáp lại:
“Cậu có còn nhớ người lái buôn vải tên là Hai Thiêm hơn hai chục năm trước vẫn thường qua đây giao hàng cho cha cậu rồi ở nhờ lại đây không? Lúc ấy cậu hẵng còn là một cậu nhóc, còn ta thì trạc tuổi cậu bây giờ.”
Chủ tiệm nghe vậy thì khẽ reo lên:
“Ông chính là Hai Thiêm người lái buôn năm xưa đó sao? Tôi nhớ chứ! Mãi đến tận trước khi qua đời ông cụ nhà tôi vẫn còn nhắc đến ông suốt đó. Tại sao suốt từng ấy năm ông không quay lại đây để giao hàng? Mà thôi tối rồi đừng đứng ở ngoài nữa, mời ông vào trong nhà chúng ta nói chuyện.”
Rồi cậu ta lại quay qua giới thiệu với người phụ nữ bên cạnh mình:
“ đây là người lái buôn vải, cũng là người bạn mà cha rất chân quý, lúc sinh thời cha vẫn thường hay nhắc đến đó mình còn nhớ không? Nhanh tay dọn xong rồi mình vào chuẩn bị tiệc rượu hôm nay đãi khách quý.”
Người vợ nghe vậy thì quay qua cúi chào ông Hai, rồi nhanh tay thu hết chỗ vải còn lại vào trong quầy. Ông Hai theo chân chủ tiệm vào ngồi ở cái bàn trà ở gian nhà phía trong. Sau khi xong việc, người vợ tiện tay đóng sập cánh cửa gỗ bên ngoài lại, cẩn thận cài then chắc chắn rồi mới đi ra sau nhà bếp. Bấy giờ vừa lúc bóng tối buông xuống nuốt chửng cả khoảng không bên ngoài. Những nhà khác ở dọc hai bên đường cũng đã đóng cửa im ỉm từ lâu. Ngoài đường không còn một bóng người qua lại.
Ông Hai đưa mắt quan sát khắp một lượt căn nhà, mọi thứ dường như không có nhiều thay đổi. Vẫn là ngôi nhà gỗ 2 lầu rất rộng, có lầu dưới để làm cửa tiệm buôn bán, lầu trên là phòng nghỉ ngơi cho chủ nhà và nhân viên. Phía sau lầu 1, đi sâu vào bên trong là khu bếp dành riêng cho việc nấu nướng và tắm rửa. Hơn 20 năm trước khi mà ông Hai vẫn thường tới đây giao hàng thì Hoa Gấm chính là tiệm vải lớn nhất ở trấn Rừng Thông. Ngoài chủ tiệm ra còn có thêm bốn, năm người ở phụ giúp trông coi hàng hoá và bán hàng. Khách hàng ra vào nhộn nhịp như đi trẩy hội. Ấy vậy mà giờ đây, nhìn số lượng hàng hoá được treo ở trong quầy ông Hai cũng nhận thấy một phần sự sa sút của cửa tiệm. Thật là đáng tiếc.
Đợi khi vợ của chủ tiệm đi khuất xuống gian nhà dưới, ông Hai mới hỏi:
“Bây giờ căn nhà này chỉ có vợ chồng cậu ở thôi sao? Tôi nhớ lần trước khi mà tôi đến ở đây có rất đông người phụ việc.”
Rót một chén trà đẩy về phía ông Hai, Trần Dương cười buồn rồi đáp:
“Đã lâu lắm rồi ông không còn ghé qua đây để giao hàng nữa nên không biết tình hình ở đây cũng phải. Những năm gần đây việc buôn bán ế ẩm lắm không còn được như trước nữa. Những người phụ việc cũng vì thế mà phải nghỉ dần. Đến giờ chỉ còn lại hai vợ chồng tôi lo liệu tất cả mọi thứ. Ông cụ thì mất rồi, bây giờ cửa tiệm này thuộc sự quản lý của hai anh em tôi. Trần Lực, ông vẫn còn nhớ nó chứ? Ngày ông đến đây nó mới chỉ 10 tuổi, vẫn là một đứa trẻ.”
Nghe nhắc đến Trần Lực, ông Hai ngạc nhiên hỏi lại:
“Nói vậy là bây giờ hai anh em cậu cùng nhau quản lý cửa hàng sao? Đúng là thời gian không chờ một ai cả, mới ngày nào các cậu còn là một đứa trẻ, nay đều đã trưởng thành. Còn ta, nay đã là một ông cụ rồi.”
Nói rồi ông đưa ánh mắt nhìn khắp căn nhà như muốn tìm kiếm ai đó. Trần Dương khoát tay trước mặt rồi nói:
“Thực ra tạm thời Trần Lực chú ấy không có ở đây, nhưng mà tôi tin sớm thôi chú ấy sẽ quay về. Vợ chồng tôi vẫn luôn dành một nửa cửa tiệm này cho chú ấy.”
Ông Hai nhìn người đàn ông trước mặt mình nhắc đến em trai với đôi mắt ầng ậng nước. Ông toan nói một câu gì đó nhưng rồi lại thôi. Ông đỡ chén trà lên nhấp một hơi, khẽ tận hưởng hương vị thanh đượm mà ngụm trà mang lại. Vị trà ở đây vẫn thế, thanh đượm một hương vị riêng chứ không đắng chát như trà ở những nơi khác. Đoạn rồi ông mới thong thả nói:
“Đã 20 năm rồi tôi chưa đặt chân lại nơi này, nay có dịp ghé qua đây muốn gặp lại cố nhân ôn chuyện cũ. Thật tiếc là cha của cậu lại không còn nữa. Khu này không còn tấp nập như xưa, ở đây đã xảy ra chuyện gì sao?”
Chủ tiệm khẽ thở dài một hơi rồi đáp:
“Phải rồi, ở đây có rất nhiều biến cố đã xảy ra. Nhiều người đã bỏ đi nơi khác sinh sống rồi. Chỉ những người không biết phải đi đâu như chúng tôi mới phải bám trụ lại nơi này để mong chờ một điều kì diệu thôi.”
Dường như không muốn nhắc đến những chuyện buồn ấy, chủ tiệm vội chuyển chủ đề:
“Tôi vẫn nhớ trước đây khi ông đến đây hẵng còn là một người đàn ông khôi ngô tuấn tú tràn trề nhựa sống cơ mà. 20 năm nói ngắn thì không phải là ngắn, nhưng cũng không đủ dài để một người có thể thay đổi ngoại hình nhanh đến như vậy. Nói ông bỏ quá cho, sở dĩ ban đầu không nhận ra ông vì ông khác quá. Nhìn ông bây giờ phải trạc tuổi ông cụ nhà tôi cũng nên.”
Ông Hai cất tiếng cười khà khà, vuốt bộ râu của mình rồi nói:
“Suốt 10 năm qua, ta nghe những lời nói như vậy cũng đã quen rồi. Người ta thường hay nói, tâm sinh tướng đúng không? Vẻ bề ngoài của ta già nua như vậy, cũng chính là bởi trong tâm hồn ta mọi thứ đã cằn cỗi đi nhiều rồi. Mà phải rồi, có thể đây sẽ là lần cuối ta đặt chân lại mảnh đất này, sau này không biết có còn cơ hội quay trở lại nữa hay không. Chắc có lẽ ta sẽ ở lại đây mấy hôm để ôn lại chuyện cũ.”
Trần Dương cười xoà rồi đáp:
“Đấy bác xem cả căn nhà rộng thế này chỉ có vợ chồng tôi ở, trên lâu hẵng còn nhiều phòng trống lắm bác cứ tuỳ ý ở lại bao lâu cũng được hết.”
Đúng lúc này thì bụng ông Hai sôi lên ùng ục, suốt từ trưa hôm qua đến giờ ông chưa có một chút gì bỏ bụng, nay được dịp ngửi thấy mùi xào nấu đồ ăn ở dưới bếp bay lên liền biểu tình dữ dội. Ông Hai ngượng ngùng nhìn Trần Dương, hiểu ý Trần Dương liền đáp:
“Tôi đúng là vô ý quá, ông đi bộ được đến đây cũng phải mất cả ngày đường chắc hẳn lúc này đã đói lắm rồi. Giờ mời ông lên lầu tắm rửa thay đồ rồi xuống ăn cơm, lúc khác chúng ta lại trò chuyện tiếp vậy.”
Ông Hai lúc này toàn bộ cơ thể đã nhệu nhạo không còn chút sức lực, bụng lại đói cồn cào nên không khách khí nữa. Dù sao ông cũng có ý định nán lại đây thêm vài ngày, cứ từ từ rồi sẽ tìm hiểu ngọn ngành mọi chuyện sau, việc cấp thiết nhất lúc này là giải quyết cái bụng đói trước đã. Có câu nói có “thực” mới vực được đạo còn gì?
Theo Trần Dương lên lầu hai, cậu dẫn ông vào một căn phòng ở đầu hành lang nơi có cửa sổ nhìn xuống phố chợ trước mặt. Căn phòng đơn sơ rộng rãi, mọi đồ vật đều đã cũ nhưng lại khá sạch sẽ và ngăn nắp. Trần Dương liền nói:
“Tạm thời ông cứ ở căn phòng này đi. Đây vốn dĩ là phòng của Trần Lực, tuy hiện tại chú ấy không có ở nhà nhưng vợ tôi vẫn dọn dẹp quét tước căn phòng mỗi ngày rất sạch sẽ. Ông với ông cụ thân sinh ra chúng tôi cũng không phải chỗ xa lạ gì nên nếu biết ông ở đây chú ấy cũng không giận đâu.”
Ông Hai nghe vậy thì lấy làm mừng ở trong lòng. Vốn dĩ suốt dọc đường tìm đến đây ông vẫn luôn suy nghĩ không biết phải làm cách nào vào được phòng của Trần Lực để lấy những món đồ mà cậu đã dặn, nay lại được sắp xếp ở trong chính căn phòng ấy. Xem như giải quyết thêm được một việc. Suốt 10 năm qua Trần Lực không về nhà, căn phòng của cậu vẫn sạch sẽ gọn gàng y như có người ở chứng tỏ Trần Dương và vợ mình cũng rất quan tâm đến cậu ta. Để thăm dò ý của Trần Dương, ông Hai liền thuận đà hỏi tới:
“Vậy bây giờ Trần Lực cậu ấy đang ở đâu?”
Trần Dương lắc đầu buồn bã đáp:
“Tôi cũng không biết chính xác hiện giờ chú ấy đang ở đâu, nhưng tôi tin sẽ có ngày chú ấy sẽ trở về thôi.”
Rồi cậu lại cất tiếng giục:
“Ông tắm rửa thay đồ đi rồi xuống nhà ăn cơm. Để tôi xuống bếp bảo nhà tôi làm thêm vài món nhậu.”
Ông Hai đáp:
“Phiền cậu nhắn với chị nhà tôi đã lâu chỉ quen ăn chay không ăn mặn, chỉ cần cơm trắng và rau củ thanh đạm là được rồi không cần cầu kì đâu.”
Sở dĩ ông phải dặn như vậy vì ông nhớ trước đây mỗi lần ông cùng tuỳ tùng của mình ghé tiệm đều được ông chủ Trần Trạch và gia đình tiếp đón rất chu đáo, ngày nào cũng tiệc rượu linh đình đủ thứ món. Tuy nói bây giờ việc làm ăn của tiệm vải không còn được như xưa nhưng với cơ ngơi hiện tại cũng là cả một gia tài khổng lồ. Trần Dương lại mến khách nên chuyện bày vẽ cơm nước cũng là chuyện dễ hiểu.
Đúng như ông Hai đoán, bữa cơm được soạn ra với khá nhiều món, bên cạnh cá thịt còn có vài món rau chay theo lời dặn của ông. Mùi đồ ăn toả ra ngào ngạt, tuy nhiên ông Hai chỉ tuyệt nhiên ăn những món chay mà không hề đụng đũa đến những thứ còn lại. Bên cạnh ghế ngồi của ông còn đặt thêm một bát cơm trắng và đôi đũa. Ban đầu vợ chồng Trần Dương cứ nghĩ do ông đi đường xa mệt lại đói nên phải lấy một lần hai bát cơm mới đủ, nhưng xem chừng không phải. Cả buổi ông không đụng đến bát cơm ấy dù chỉ một lần. Tuy tò mò nhưng hai người cũng không tiện hỏi.
Sau vài câu chuyện phiếm, lúc này cũng đã lưng lửng bụng, cơ thể cảm thấy dễ chịu khoan khoái hơn nhiều, ông Hai liền hỏi:
“Phải rồi cái nhà Trò ở trong chợ lúc này vẫn còn hoạt động chứ hả?”
Trần Dương tay đương gắp thức ăn chợt khẽ khựng lại sau câu hỏi ấy, nhưng rồi cũng mỉm cười đáp lại:
“Chà ông Hai cũng có hứng thú với hát cô đầu sao? Đã lâu không quay lại đây mà ông vẫn nhớ nơi này có nhà trò tức là ấn tượng phải sâu đậm lắm.”
Ông Hai lắc đầu đáp:
“Không phải, ta muốn tìm người thôi. Ở đây chắc cô cậu có nghe qua danh của cô đào Xuân Nương rồi chứ? Chẳng hay giờ cô ta còn hát ở đó không?”
Sau câu hỏi ấy, cái bát trên tay vợ Trần Dương rơi xuống mâm tạo thành một âm thanh rất lớn. Thị lúng túng nhặt bát lên, ánh mắt nhìn chồng đầy bối rối. Gương mặt Trần Dương đang vui vẻ liền tối sầm lại, cậu vô thức đập tay xuống bàn rồi gằn lên:
“Lại là Xuân Nương. Rốt cuộc thì cô ta có gì mà lại khiến đàn ông mê mệt đến như vậy, ngay cả một người như ông đây cũng nghe đến danh của cô ta rồi sao?”
Rồi như nhận ra thái độ quá khích của mình, Trần Dương thu ánh mắt của mình lại, lảng nhìn đi chỗ khác. Ông Hai đã biết trước Trần Dương vốn không ưa gì Xuân Nương nên mới để xảy ra bi kịch của Trần Lực, chỉ là không ngờ thời gian lâu như vậy rồi mà khi nhắc tới cô ấy thái độ của cậu vẫn gay gắt như vậy. Ông Hai nói:
“Cậu không thích cô ấy thì phải? Trước đây ta có từng nghe nhiều người ca ngợi về giọng ca của cô ấy, nay đến đây nên muốn một lần mục sở thị xem có đúng như lời đồn không, dù sao thì rất có thể đây đã là lần cuối cùng ta đặt chân đến trấn này.”
Trần Dương khẽ vén môi của mình lên, hỏi bằng giọng mỉa mai:
“Họ đã kể về cô ta như thế nào?”
“Là một người tài sắc vẹn toàn, giọng ca hay nhất ở trấn Rừng Thông này, và chỉ bán nghệ chứ không bán thân.”
Trần Dương cười nhạt rồi đáp:
“Tiếc là ông sẽ chẳng còn cơ hội để nghe cô ta hát nữa đâu. Cô ta đã rời khỏi trấn này đi lấy chồng từ năm năm trước rồi.”
Lần này đến lượt ông Hai làm rơi đôi đũa trên tay xuống. Ông tròn mắt ngạc nhiên hỏi lại:
“Cô ấy đã có người chuộc thân rời khỏi đây rồi sao?”
Trần Dương gằn giọng:
“Phải, loại gái mạt hạng như cô ta cũng chỉ đến nước đi làm lẽ cho người ta ở nơi biệt xứ chứ người đàng hoàng nào ai dám rước vào.”
Có vẻ như nhận thấy lời nói của chồng mình có phần hơi cay độc, vợ Trần Dương liền lên tiếng thêm vào:
“Ông bỏ quá cho, sở dĩ chồng tôi anh ấy dùng những lời lẽ không được hay ho gì cho cô đào Xuân Nương cũng là có lý do cả. Chuyện cũng qua lâu rồi chả giấu làm gì, khoảng 10 năm trước Trần Lực nhà tôi cũng chết mê chết mệt bởi giọng hát và nhan sắc của ả ta, về đây sống chết đòi chia gia tài để chuộc thân ả về làm vợ. Nhưng một gia đình gia giáo như nhà tôi làm sao có thể chấp nhận được một cô gái bán hoa như vậy bước chân vào cửa cơ chứ? Thế rồi chú ấy cứ nghĩ là cha chết đi rồi mình anh Dương muốn độc chiếm gia tài làm của riêng nên mới không chia tài sản cho chú ấy. Tức giận chú đã bỏ nhà đi suốt 10 năm nay chưa thấy quay về.
Còn phần cô đào Xuân Nương kia, người ta cứ đồn là bán nghệ chứ không bán thân nhưng nào đâu có phải. Phận làm anh chị, chúng tôi cũng chỉ muốn dành những điều tốt nhất cho em mình, chú ấy đi rồi anh Dương cũng có cho người qua thử thăm dò xem Xuân Nương là người như thế nào, nếu chỉ vì sa cơ mà phải bán thân vào nhà trò lấy giọng hát mua vui cho thiên hạ chứ không chịu bán thân như lời người ta vẫn nói thì anh ấy sẽ giúp cô ả chuộc thân ra ngoài. Nhưng nào ngờ đâu chú Lực bỏ đi chưa được bao lâu cô ta đã chửa ễnh ra rồi. Đến nay chú Lực vẫn chưa trở về nên anh Dương mới càng sinh hận ả ta, mỗi lần nghe ai nhắc tới là lại cảm thấy căm phẫn.”
Ông Hai nghe xong những lời vợ Trần Dương nói thì ngay lập tức rơi vào trầm ngâm suy nghĩ. Đầu óc ông rối như tơ vò, không biết tiếp theo mình nên làm gì. Ông nhận lời nhờ vả của Trần Lực mà tìm tới tận đây để thực hiện lời hứa giúp Xuân Nương chuộc thân ra ngoài, nhưng mọi chuyện đến cớ sự này chắc có lẽ Trần Lực cũng chưa một lần nghĩ tới. Nhớ đến ánh mắt khẩn thiết của Trần Lực lúc tiễn ông ở bìa rừng làm ông lại thấy chua xót. Trần Lực yêu cô tha thiết đến như vậy, vì để có tiền chuộc thân cho cô ra ngoài mà cậu ta không tiếc bản thân mình, thậm chí ngay cả khi chết đi rồi vẫn luôn canh cánh về lời hứa năm xưa. Tâm nguyện cuối cùng của linh hồn cậu ta cũng chỉ là chuộc thân cho người thương của mình. Vậy mà sự thật lại phũ phàng đến như vậy sao? Ông không dám nghĩ đến linh hồn của Trần Lực sẽ bị tổn thương đến nhường nào khi biết đến chuyện này.
Không khí bữa cơm cũng vì thế mà trùng xuống, từ đó về sau gần như không ai ăn thêm gì nữa. Ông Hai cũng tuyệt nhiên không nhắc đến Xuân Nương thêm một lần nào nữa. Trò chuyện thêm một vài câu qua loa ông Hai xin phép lên phòng đi ngủ.
Mặc dù nói là đi đường xa mệt mỏi lấy cớ để về phòng nghỉ ngơi cho sớm, tuy nhiên ông Hai vẫn không thể ngủ ngay được. Ông cứ ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ, trong lòng buồn man mác như chính bản thân mình vừa đánh mất đi một cái gì đó. Dẫu biết rằng đã hơn 10 năm kể từ ngày Trần Lực chết, chuyện Xuân Nương đi lấy chồng cũng khó lòng tránh được. Ngay cả Trần Lực khi nhờ vả ông cậu cũng không có chắc là Xuân Nương có còn ở đó hay không, và chính cậu cũng mong muốn Xuân Nương sẽ tiếp tục sống thật hạnh phúc. Chỉ có điều, chính Trần Lực cũng không thể ngờ được cậu mới chỉ đi chưa được bao lâu Xuân Nương đã vội trao thân cho người khác. Giới ca kĩ vẫn thường bạc tình như vậy, còn tiền thì kẻ đón người đưa, hết tiền đi sớm về khuya một mình. Ông chỉ tiếc cho Trần Lực, một đời si tình mà lại hi sinh vì một người không xứng đáng như vậy.
Nhớ lời Trần Lực dặn, ông tìm kiếm phía sau tủ quần áo trong phòng ngủ của cậu, thì quả nhiên phát hiện ra một ngăn bí mật, giống như là một mật thất nhỏ ở sau bức tường. Đó chỉ là một lỗ hổng nhỏ ở trong tường to bằng viên gạch bát, được che chắn cẩn thận bằng một miếng gỗ hình vuông, sau đó thì đè cái tủ quần áo ở phía trước mặt. Nếu không dịch chuyển tủ quần áo đi thì sẽ không ai phát hiện ra được chỗ giấu bí mật này. Theo lời của Trần Dương thì suốt hơn 10 năm qua căn phòng này vẫn không có ai vào ở, mọi thứ vẫn được giữ y nguyên như ngày Trần Lực còn ở nhà. Vậy chắc chắn những món đồ mà Trần Lực cất giấu vẫn còn nguyên ở đó.
Nạy miếng gỗ chắn phía trước ra, ông Hai tìm thấy ở bên trong bức tường một cái hộp hình vuông nặng trĩu. Cái hộp không có khoá, bên trong chứa đầy những thỏi vàng ròng chói loá, đây là toàn bộ số tiền mà Trần Lực đã cướp được từ những thương vụ trước đây với hi vọng có thể chuộc thân cho Xuân Nương. Ngoài ra trong hộp còn có một chiếc khăn tay bằng lụa màu hồng phấn thêu hoa rất tỉ mỉ. Vốn là người có kinh nghiệm trong việc buôn tơ lụa, vừa cầm vào ông Hai đã biết ngay chiếc khăn được làm bằng lụa tơ tằm thượng hạng. Chắc hẳn đây là khăn của Xuân Nương, cô là ca kĩ số 1 ở nhà trò lúc bấy giờ nên chuyện dùng những món đồ xa xỉ như vậy cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa cái khăn được cất cẩn thận như vậy cùng với số vàng dành để chuộc thân cho cô, có lẽ đây là tín vật định tình của hai người.
Cầm nguyên cái hộp vừa tìm được trên tay, ông Hai cứ mãi ngồi thả hồn suy nghĩ mông lung như vậy một lúc lâu mới sực nhớ đến lý do mà mình tìm đến trấn Rừng Thông này. Trước là vì nhận lời nhờ vả báo tin giúp Trần Lực. Nay việc cậu nhờ giúp chuộc thân cho Xuân Nương đã không cần thiết nữa, ngay cả số tiền Trần Lực đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình mới có được cũng không thể trao lại cho Xuân Nương, bởi lẽ cô đã được gả ra khỏi trấn từ hơn 5 năm trước, đến nay không ai biết cô đang ở đâu sống chết ra sao.
Ông Hai lại nhớ đến ánh mắt lấp lánh hi vọng của vợ chồng Trần Dương mỗi khi nhắc đến Trần Lực. Mỗi ngày vợ Trần Dương vẫn dọn dẹp căn phòng của cậu chu đáo với hi vọng một ngày nào đó Trần Lực sẽ quay trở lại. Rồi cả ánh mắt căm phẫn của Trần Dương trong bữa cơm buổi tối khi ông hỏi đến Xuân Nương. Có lẽ suốt hơn 10 năm qua Trần Dương cũng chưa một ngày nào được yên ổn trong lòng. Tuy bề ngoài cậu ra sức ngăn cản Trần Lực đến với Xuân Nương, bởi công bằng mà nói trên đời này làm gì có người anh nào lại muốn em mình tiền đồ rộng mở lại quen biết với một cô ca kĩ? Nhưng khi Trần Lực nhất quyết muốn cưới Xuân Nương cho bằng được, chính anh đã cho người âm thầm theo dõi tìm hiểu cô để phát hiện ra sự thật đau lòng kia. Ông không biết mình nên đối diện với Trần Dương thế nào để có thể chuyển lời báo với cậu một tin mà cả đời này có lẽ cậu cũng không muốn nghe, rằng Trần Lực đã bỏ mạng ở trong rừng sâu từ hơn 10 năm trước. Không những thế suốt 10 năm ấy linh hồn của cậu vẫn bị giam giữ ở trong rừng đến nay vẫn chưa thể thoát ra ngoài để về đoàn tụ với gia đình.
Ngoài việc tìm đến trấn Rừng Thông để chuyển lời giúp Trần Lực ra, thì lý do chính để ông Hai thay đổi quyết định không tìm về Vân Điền nữa mà rẽ hướng đến đây lại là nguyên do khác. Bởi dẫu sao linh hồn Trần Lực ở trong rừng cũng đã hơn 10 năm, đợi ông về quê nhà gặp lại gia đình sau đó sẽ quay lại giúp cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Ông đến đây bởi vì câu chuyện nghe được ở ngôi nhà trên cây ở rừng thông tối hôm trước. Đã năm năm rồi ở trấn này không có đứa trẻ nào được sinh ra đời! Và oái oăm thay, vợ người thợ săn ra khỏi trấn đã lập tức mang thai, nhưng khi trở lại để sinh con thì trong một đêm cả mẹ cả con đã mất mạng. Theo lời linh hồn vợ người thợ săn kể lại thì chuyện này là do một lũ tiểu yêu gây nên. Những đứa trẻ ấy rốt cuộc là từ đâu tới? Và chúng có liên quan gì đến trấn rừng thông này mà ở đây lại nhiều oán khí đến mức suốt năm năm trời không có một người phụ nữ nào có thể sinh con? Ngay từ khi bước chân vào trấn, ông Hai đã ngay lập tức cảm nhận được oán khí đang bao trùm lên nơi này. Thêm vào đó sự hoang tàn vắng vẻ so với trước đây lại càng chứng tỏ trong trấn có dị biến. Nhưng rốt cuộc chuyện đó là gì thì đến giờ ông vẫn chưa biết. Lúc chiều ông đã thử gặng hỏi Trần Dương nhưng có vẻ cậu cũng muốn lảng tránh không nhắc đến chuyện này. Thành ra đến bây giờ ông Hai lại như đang đứng ở giữa ngã ba đường không biết nên làm gì tiếp theo.
Lúc này trời đã về khuya, ở dưới nhà đèn đã tắt từ lâu, có lẽ vợ chồng Trần Dương đã say giấc. Ông Hai khẽ nén một tiếng thở dài, đặt cái hộp trên tay xuống bàn rồi tiến tới cửa sổ đẩy mạnh tay khiến hai cánh cửa bật tung ra, gió từ ngoài thổi tràn vào trong nhà mang theo cái se se lạnh của tiết trời mùa thu. Cái không khí này làm ông Hai thấy dễ chịu hơn đôi chút. Phóng tầm mắt nhìn xuống con phố trước mặt, cảnh vật bị bóng tối bao trùm im lìm như đêm 30. Lúc này trấn Rừng Thông giống như một trấn bị bỏ hoang, cảnh vật hoang vắng tiêu điều đến đáng sợ. Tất cả các nhà đều đóng cửa kín mít, trước nhà treo một dãy đèn lồng đỏ nhưng không được thắp sáng giống trước đây mỗi lần ông Hai ghé đến nữa. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, trên trời những đám mây xám nối đuôi nhau dạt về cùng một hướng, có lẽ đêm nay trời sẽ có mưa.
Ông Hai đứng lặng người trước cửa sổ nhìn cảnh vật trước mặt mà trong lòng lại càng thêm nặng trĩu. Cái vòng gỗ trầm trên tay ông lại loé lên những tia sáng như ánh chớp, sau đó một làn khói mỏng khẽ thoát ra từ cái vòng tụ lại thành thân ảnh của bà Ái Liên. Vẫn xuất hiện trong bộ đồ cho nữ ni cô ở chùa, Ái Liên đứng cạnh ông Hai mà lặng im không nói gì, cả hai người hướng mắt nhìn ra bầu trời xám xịt trước mặt qua khung cửa sổ. Được một lúc thì bà mới lên tiếng:
“Sao hồi chiều con không chuyển lời giúp Trần Lực, bộ con còn gì khó nghĩ hay sao?”
Ông Hai khẽ nén một tiếng thở dài rồi mới đáp:
“Nhìn ánh mắt lấp lánh đầy hi vọng của vợ chồng Trần Dương mỗi khi nhắc đến Trần Lực con lại thấy không nỡ mẹ à. Đợi thêm vài hôm nữa khi nào thuận tiện con sẽ nói sau cũng chưa muộn. Hơn nữa đã rất lâu rồi con mới trở lại nơi này, giờ mà nói con gặp hồn ma Trần Lực thì những người thường họ dễ gì mà tin được. Cứ cho rằng có thể khiến vợ chồng Trần Dương tin là thật đi, nhưng chuyện có người nhìn thấy được linh hồn ma quỷ xuất hiện ở trấn này ít nhiều sẽ gây ra xáo trộn. Lý do chính chúng ta đến đây là để tìm hiểu tại sao suốt năm năm qua ở đây không có đứa trẻ nào được ra đời mà. Để từ từ con tìm hiểu nguyên nhân rồi mới quyết định hành động sau, giờ cứ tạm thời im lặng vậy đã.”
“Vậy giờ con tính làm gì tiếp theo?” Ái Liên lại khẽ hỏi.
Hai Thiêm trầm tư suy nghĩ một hồi rồi mới đáp:
“Lúc chiều con đã thử ướm hỏi Trần Dương về chuyện xảy ra ở trấn này nhưng có vẻ như cậu ấy không muốn nói. Tạm thời con vẫn chưa biết mình nên làm gì cả, nhưng nhìn cảnh vật trước mắt đây con chắc chắn rằng chuyện ở trấn này là do ma quỷ mà thành. Đợi ngày mai khi trời sáng con sẽ vào sâu bên trong xem có phát hiện được điều gì hay không. Nói thật là con cũng sốt ruột quá rồi, càng về gần Vân Điền ruột gan con lại càng nóng như lửa đốt. Con e rằng ở nhà cũng có chuyện chẳng lành xảy ra rồi.”
Ái Liên đặt tay lên vai Hai Thiêm khẽ vỗ về rồi nói:
“Bây giờ có lo cũng không giải quyết được gì. Vân Điền đã ở ngay trước mặt rồi, chỉ cần giải quyết xong chuyện ở đây chúng ta sẽ lập tức lên đường về ngay. Đã chấp nhận đặt đại cục lên trên truyện cá nhân thì con phải mạnh mẽ lên, mẹ sẽ luôn ở bên cạnh những lúc con cần. Mấy ngày nay đi lại vất vả nhiều rồi, con gắng nghỉ ngơi cho sớm giữ sức còn lo việc nữa. Để mẹ lại hát ru cho con ngủ nhé?”
Có vẻ như chuyện này đã quá quen thuộc trước đây, ông Hai nghe mẹ nói liền khẽ gật đầu rồi đưa tay kéo cánh cửa sổ khép lại, đoạn rồi trèo lên giường nằm xuống. Ái Liên cũng tiến tới ngồi cạnh giường và bắt đầu hát. Tiếng hát rất khẽ văng vẳng cất lên xé tan màn đêm u tịch. Ông Hai đôi mắt dần nặng trĩu rồi từ từ khép lại chìm sâu vào giấc ngủ, trên khuôn mặt già nua đã đầy nếp nhăn và sự mệt mỏi. Dù là ai và bất cứ ở tuổi nào đi chăng nữa thì trước mẹ chúng ta vẫn mãi chỉ là một đứa trẻ không hơn không kém. Suốt hơn 20 năm qua kể từ khi gặp lại, hai mẹ con vẫn luôn kề vai sát cánh bên nhau mỗi ngày, và sau những ngày tháng rong ruổi trả nghiệp đầy mỏi mệt, tiếng hát của Ái Liên chính là liều thuốc an thần tốt nhất giúp ông Hai có thể dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ. Có sự bảo vệ của mẹ, mọi thứ đối với ông cũng nhẹ nhàng hơn.
Trời về khuya, gió bên ngoài thổi rít lên từng cơn làm cánh cửa sổ khẽ đung đưa qua lại tạo nên những âm thanh kẽo kẹt như có ai đó đang dùng tay mà lay mạnh. Trời cũng đã bắt đầu đổ mưa, những hạt mưa rơi xuống mái nhà tạo nên những tiếng kêu lộp độp. Ông Hai sau hai ngày đường vất vả lúc này quá mệt đã chìm sâu vào giấc ngủ không còn hay biết gì nữa, linh hồn của Ái Liên cũng tan biến tự bao giờ. Cảnh vật bốn về chìm trong bóng tối đến rợn người.
Cùng lúc ấy ở ngoài đường có tiếng cười khúc khích của trẻ con bắt đầu vang lên. Ban đầu chỉ là những âm thanh rất khẽ hoà lẫn vào tiếng gió rít từ phía đầu chợ vọng lại. Sau đó tiếng cười nói mỗi lúc một to, rõ ràng hơn. Trong bóng tối mập mờ cùng làn mưa ảm đạm, một đoàn phải đến gần hai chục đứa trẻ rồng rắn nối đuôi nhau thành một hàng dài diễu hành trên đường. Đi đến đâu tiếng cười nói của chúng vang vọng khắp nẻo đường. Những nhà dân hai bên đường không biết có ai nghe thấy hay không, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhà nào có động tĩnh gì cả. Không gian im lặng đến đáng sợ.
Dẫn đầu đám trẻ là một đứa bé gái mới chỉ tầm năm tuổi, nó mặc trên mình độc bộ quần áo cũ đã rách bươm tơi tả, tay chân mặt mũi chỗ nào cũng nhướm máu. Gương mặt nó vàng khè như nghệ, đôi mắt màu đỏ như phát sáng giữa đêm tối. Những đứa trẻ phía sau nó thì bé hơn, gương mặt vàng vọt vô hồn. Tất cả đều đi chân trần, nối đuôi nhau thành một hàng dài như cách bọn trẻ vẫn chơi trò rồng rắn lên mây. Vừa đi chúng vừa nghêu ngao hát bài đồng dao quen thuộc:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trò
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho lê đi học
Cho sóc ở nhà
Cho hà bới bếp
Xì xà xì xụp
Ngồi thụp xuống đây.”
Khắp bốn bề tiếng hát, tiếng cười đùa của lũ trẻ vang vọng, tuy nhiên cảnh tượng này chỉ khiến bất kì ai vô tình chứng kiến phải sợ hãi mà chết khiếp đi chứ không mang lại cảm giác vui vẻ dễ chịu như thường thấy. Bởi lẽ đã năm năm rồi ở trong trấn này không có đứa trẻ nào được sinh ra cả. Hơn nữa lúc này trời đã quá khuya chuyển sang gần sáng, không có đứa trẻ nhà dân bình thường nào lại ra đường chơi đùa giữa trời mưa gió như thế này.
Bọn trẻ đến trước cửa ngôi nhà gỗ hai lầu có treo tấm biển hiệu “Hoa Gấm” thì dừng lại, tiếng hát cũng lập tức im bặt. Những đứa trẻ phía sau phá hàng nhôn nhao như một bầy ong vỡ tổ, chúng vây lấy đứa bé gái dẫn đầu nhao nhao hỏi:
“Có phải nhà này không chị Sún?”
“Mẹ chúng ta đang ở trong ngôi nhà này phải không?”
“Đúng là nhà này rồi, ban nãy em vừa nghe tiếng mẹ hát từ trong này vọng ra mà!”
“Mau gõ cửa gọi mẹ chúng ta ra ngoài này gặp đi.”
Mỗi đứa một câu không ai chịu nhường ai, sau cùng đứa bé lớn nhất tên Sún mới giơ tay ra hiệu cho cả lũ im bặt lại. Nó dùng vẻ mặt như bà cụ non của mình nhìn chằm chằm vào cánh cửa gỗ một hồi lâu như để dò xét, hai hàng lông mày khẽ nheo lại, nó nói:
“Ban nãy tao cũng nghe thấy tiếng hát từ trong này vọng lại, bây giờ thử gõ cửa xem có mẹ ở bên trong không nhé?”
Cả bọn lập tức gật đầu lia lịa, hướng ánh mắt háo hức nhìn về phía cánh cửa gỗ vẫn đóng im lìm trước mặt. Đầu tóc mặt mũi đứa nào đứa nấy đều ướt sũng nước nhưng dường như chúng không để tâm đến chuyện đó. Con bé Sún tiến lên đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình đập vào cánh cửa. Từng âm thanh lộc cộc, lộc cộc khẽ phát lên. Những đứa trẻ phía sau lúc này im lặng chờ đợi. Độ được mươi phút sau thì quả nhiên trong nhà có tiếng động, tiếng bước chân của ai đó loẹt quẹt vang lên, sau đó cánh cửa từ từ được hé mở. Là vợ của Trần Dương, lúc này thị như người bị mộng du, đôi mắt vẫn mở to nhưng lờ đờ vô hồn, khuôn mặt đờ đẫn không có sinh khí. Cánh cửa vừa mở, lũ trẻ đã vội nhao nhao lên:
“Không phải mẹ! Người này không phải mẹ!”
Con bé Sún cất cao giọng rồi hỏi:
“Mẹ chúng tôi có ở trong nhà này không?”
Vợ Trần Dương lắc đầu trong vô thức như thay cho câu trả lời. Bọn trẻ phía sau lại gào lên:
“Bà ta đang nói dối, rõ ràng ban nãy tiếng hát từ nhà này phát ra cơ mà. Mau trả lại mẹ tôi đây, trả lại mẹ tôi đây.”
Một số đứa phấn khích còn tiến tới túm tay túm chân của thị mà cào cấu cắn xé. Chúng hung giữ như những con thú hoang chưa được thuần phục. Vợ Trần Dương chỉ biết đứng im không thể kháng cự, khuôn mặt cũng không lộ chút cảm xúc. Con bé Sún khẽ hắng giọng một cái, khuôn mặt đăm đăm khó chịu, ngay lập tức lũ trẻ đã buông thị ra nhưng vẫn nhìn với ánh mắt hằm hè. Nó lại hỏi:
“Ban nãy là ai đã hát ở trong căn nhà này?”
Vợ Trần Dương lại lắc đầu mà đáp:
“Không có ai cả. Nhà này ngoài tôi ra không có ai là phụ nữ nữa.”
Con bé Sún quay lại nói với những đứa trẻ còn lại:
“Cô ta không thể nói dối đâu. Có lẽ chúng ta đã nghe nhầm rồi. Để tránh rắc rối chúng ta đi về thôi.”
Dứt lời nó lại quay về phía vợ Trần Dương thì thầm nói một điều gì đó, thị khẽ gật đầu rồi từ từ đóng cánh cửa lại. Đôi mắt đờ đẫn vô hồn lại lần đường tìm về giường ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra. Lũ trẻ nối đuôi nhau thành hàng dài sau lưng con bé Sún rồng rắn nhau đi ngược vào trong. Trong không gian lại tràn ngập tiếng cười đùa và tiếng hát nghêu ngao của chúng:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trò
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho lê đi học
Cho sóc ở nhà
Cho hà bới bếp….”