19.
Đoạn sư thầy ngần ngừ rồi nói:
“Trò này tôi chẳng bỏ được, thần xem có cách nào giúp cho, ví như bần tăng chữa khỏi mắt cho thần thì thần có tha nó được chăng?”
Rồng nói ngay:
“Mệnh nó đã định xong, nếu tôi đây mà tha nó thì cả họ tôi phải chết, thêm nữa nó có tội với tôi, thân tôi đây cũng căm hờn khôn xiết, tuyệt đối không thể tha được, thầy là người hiểu đạo thì chẳng nên làm khó tôi mà về ngay đi cho, lo tang ma cho nó siêu độ.”
Thầy Đại Trí nghe thế thì bực lắm, liền đổi giọng quát lên:
“Mệnh nó ai định? Chẳng phải chỉ do quỷ thần các vị định thôi chăng?”
Rồng nghe xong, tức khí phun trào, chẳng thèm đáp lời mà bay vút lên khỏi ngai, uốn mình một vòng, bay sát mặt sư, thở ra một luồng gió lạnh buốt, rồi gầm lên mà rằng:
“À, vậy ra ông muốn bảo vệ cho nó mà chống lại thần linh sao? Sư tăng các ông ta đây nào muốn đụng? Nhưng ta đã nói cho vậy mà còn chấp mê không tỉnh, muốn dùng công phu mà đối chọi ta thì nếu có hại gì đến thân tu hành, khi đi về nước Phật* cũng đừng trách ta nhé.”
(*Nước Phật: cõi cực lạc.)
Đoạn rít một tiếng ghê người, cả cõi lòng sông sóng dữ rền vang, các bóng ma đen quây lại quanh sư, thần Rồng hét một tiếng lớn, há mỏ ra mà phun một luồng nước mạnh về sư, nước xoắn thành vòi lao xuyên qua sư Đại Trí, tức thì sư tan đi ngay…
Trên mặt sông lúc này bỗng có gió thổi, đẩy sóng xô dập dềnh, cỏ lau hai bên bờ nghiêng ngả, sư Đại Trí đang ngồi im như tượng giữa đàn tràng bỗng ngay lúc đó phun ra một ngụm máu tươi rồi đổ gục xuống, thần thức dưới lòng sông đã bị đánh tan nhưng nhờ đặt trước lá bùa Biến di* mà thần thức theo bùa về lại xác, thầy hồi tỉnh lại, nhìn xuống lòng sông đang động sóng, miệng niệm chú râm ran, tức thì lòng sông yên bình trở lại.
(*Bùa Biến di: bùa giúp hồn của hành giả luyện bùa dịch chuyển khỏi vùng không gian nhất định.)
Bà con dân chúng thấy cảnh tượng đó ai cũng kinh hãi, biết chắc rằng nơi sông này có ma, vừa lo vừa sợ nhốn nháo cả lên hỗn loạn cả khúc sông, ai nấy cứ sợ thầy có chuyện, các sư dợm lao cả về thầy nhưng thầy chỉ giơ tay ra hiệu không sao, yêu cầu chúng ngồi im.
Phương chạy vào vòng tròn trận giới, lo lắng hỏi ngay:
“Thầy có sao không?”
Thầy Đại Trí rút khăn lau sạch vệt máu trên khóe miệng, lắc đầu rồi quay sang Phương cùng chúng đệ tử mà rằng:
“Dưới sông này có con rồng lớn đang ám lên trò ta.”
Rồi thầy đứng dậy bước đi, đoàn tăng lại đi lục tục theo thầy, dân chúng hiếu kì đổ xô theo sau, thầy chẳng nói gì, đi một mạch đến nơi bờ đông cách cầu bốn mươi mét, Phương hấp tấp chạy theo:
“Thầy ơi nơi đó có khí rất lạ, thầy có nhận ra chăng?”
Bấy giờ Phương mới bỏ dây đeo lá bùa ra mà đưa cho thầy, Phương bỏ dây đeo ra thì các bóng vong ma ngạ quỷ dưới sông vốn ban nãy nhìn rất rõ, giờ lại chỉ thấy loáng thoáng lờ mờ.
Chuyện là từ khi nhận lá bùa từ tay người ăn xin nọ, Phương cứ đeo lên thì đầu đau dữ dội, bỏ bùa ra thì lại hết đau. Hơn nữa cứ đeo bùa đó đi ngoài đường thì lại thấy cơ man la liệt nào những hồn vong bóng quế, những Tột Khốc lởn vởn trên đầu những người xa lạ, Phương đâm ra thất kinh ám ảnh, do vậy đi đâu cũng bỏ đạo bùa vào túi nhưng tuyệt nhiên chẳng đeo lên.
Thầy không nói gì, rồi cứ thế bước đi thẳng tới bụi lau sậy, Phương cũng lẽo đẽo đi theo chẳng dám hỏi thêm. Người dân và các sư đều tò mò đi theo sát thầy.
Hóa ra thầy cảm nhận được khí lực phát ra từ đây, đoạn sai đệ tử gạt hết cây cỏ ra, thì lộ ra một đạo bùa chú đỏ được gắn dưới một cây kiếm đang cắm sâu trong đất, trên kiếm có khắc chữ “Vu” rất to. Mọi người cả dân cả sư nhìn thấy đều kinh sợ.
Thầy lại soi kĩ đạo bùa đỏ thấy trên có chữ “Hoành Liêu”, rồi quay sang nói với chúng đệ tử:
“Đây là bùa gọi âm binh, nhưng âm binh này không phải binh thường mà là thần, thuộc giống Thiên Nhân, Người đặt trấn yểm ở đây hẳn phải là kì nhân. Nơi đây lại có bùa trấn trạch vậy thần này được đặt ở đây để trị an chứ không phải là để hại, đây chính là phép thiện của người hiền nhân…”
Mọi người nghe xong đều thở phào nhẹ nhõm…
Rồi sư chẳng nói gì nữa, quay lại ra hiệu bảo mọi người về hết đi, chúng tăng thì theo thầy về lại nhà Hạ, Phương cũng lặng lẽ đi cùng.
…
Về tới nhà Hạ, thầy vào buồng thăm Hạ, thấy em gái đang ngồi bên giường thì ra hiệu cho nó đi ra, phòng chỉ còn hai thầy trò. Hạ vẫn đang nằm im lìm, bộ ngực xẹp lép cứ phồng lên xẹp xuống, đôi mắt đã thâm đen, da thịt tím tái cả, người nửa tỉnh nửa mê, thần trí chẳng rõ nữa…thầy thấy bóng các quỷ vẫn cứ bay lảng vảng trên đầu, đoạn thầy lật lưng Hạ lên, khai thị nhìn lại lưng, thì hiện giờ tử là ba giờ sáng mai.
Vậy tức là không qua khỏi đêm nay rồi…
Thầy nhìn mà lòng đau đớn vô cùng tiếc thương một thân công phu sâu dày, căn sâu số tốt, lại có nhân có nghĩa. Đoạn trầm tư hồi lâu rồi bước ra ngoài, gia quyến bạn bè xóm giềng chúng tăng đều đang đứng đông đen ở sân, thầy lại xua người dân ai về nhà nấy, chỉ còn lại chúng tăng, và những người thân cận của Hạ.
Đoạn quay qua Phương, nắm tay mà ôn tồn nói trước toàn thể chúng tăng:
“Theo ngày giờ ghi trên bùa yểm nơi lưng Diệu m em các con, thì chỉ đêm nay là mất… thầy xót lắm cũng chẳng nỡ nào, giờ chỉ còn một cách đem thân tàn rồi xin oai lực chư Phật mà giết yêu ma ở bến sông kia đi, thì bùa chú yểm Hạ mới tan, nó mới sống được. Thầy chẳng biết đạo hạnh được bao nhiêu, có đủ hay không nhưng cũng quyết chí đêm nay sẽ mang thân cô này ra, đem hết pháp lực mà cứu giúp cho em các con, thiện ác chẳng chung đường, quỷ này căn cơ sâu dày đã hóa thành thần rồng, cơ may ăn được nó cũng chỉ cỡ ba phần, nếu việc không xong, đêm nay không thu phục được nó thì chắc ma quỷ cũng chẳng tha thầy. Mạng trần này nào có tiếc gì, chết cũng chỉ về cõi hư không, chỉ thương cho chúng môn đệ về sau không còn người dẫn dắt, và lỡ thầy có chuyện xấu thì ai đủ đức sâu dày mà chở che được đứa trò khốn khổ của ta…”
Nói đoạn nhìn sang Phương, mặt buồn rượi.
Phương nghe đến bất giác ôm chặt lấy thầy mà khóc vang, các chúng tăng chẳng ai nén được đau thương cùng quỳ quanh sư phụ, ôm lấy chân thầy khóc rống lên. Gia quyến của Hạ cũng chẳng nén nổi mà đều sụt sùi rơi lệ, chẳng ai bảo ai cùng quỳ xuống mà lạy thầy. Cả sân toàn người khóc nghe ai oán vô cùng, xóm giềng đứng ngoài cổng trông vào, người hiểu người không hiểu, nhưng mà cũng đều bùi ngùi…
Chúng tăng lạy lục xin thầy nghĩ lại kẻo lỡ dở chuyện gì thì mang họa vào thân, uổng cả công đức một đời tu hành nhưng thầy nghiêm nghị mà dạy rằng:
“Ý thầy đã quyết, Phật pháp có đức hiếu sinh, lẽ nào vì an nguy già này mà bỏ rơi chúng đệ côi cút, chẳng phải riêng Diệu m hay Diệu Thiện mà bất cứ ai trong chúng tăng, hay kể cả như chúng sinh hữu duyên gặp chuyện thầy cũng đểu chẳng tiếc thân. Sống chết đã có nghiệp định đoạn, các ngươi đừng cố can mà làm giảm công đức thầy…”
Các sư chẳng ai dám nói gì, chỉ cứ im lặng mà khóc…
Thật là,
Đạo Phật từ bi cứu khổ nạn
Chẳng mong lộc phúc hưởng an nhàn
Lo việc chúng sinh thân đành bỏ
Đạo hạnh bao trùm khắp thế gian.
…
Mười giờ tối, Phương và mẹ vào giường nằm nhưng chẳng ngủ được, hai mẹ con trò chuyện mãi về việc của Hạ.
Lẽ ra phải ở lại nhà Hạ nhưng các thầy lại dặn dò không cho một ai ở lại, chỉ được mình mẹ Hạ ở lại để rửa ráy trông nom, còn em gái Hạ cũng phải sang tạm nhà Vy ngủ nghỉ. Đêm nay các thầy sẽ làm lễ tụng kinh xuyên đêm ở nhà Hạ.
Thầy Đại Trí dự đoán đêm nay yêu ma sẽ theo bùa Tử gắn trên lưng Hạ mà lên, nên sẽ lập trận pháp chờ nó lên mà tróc lấy, Phương xin cùng đi xem việc nhưng thầy không cho, thầy nói thần lực tuy có nhưng chưa đủ, lại thêm có bóng ma bên trong mình, nếu lỡ đêm nay nó cảm ứng với yêu ma ở sông thì hậu họa khôn lường chẳng sao kiểm soát được.
…
Tắm rửa trai giới sạch sẽ, thầy Đại Trí thắp một nén hương lên bệ thờ Phật Tổ, tụng kinh đủ ba hồi rồi lẳng lặng đứng dậy bước ra cửa chùa.
Đêm nay chùa đóng cửa, không tiếp khách thập phương, các sư không phận sự gì ai ở yên phòng nấy, chỉ những sư được thầy giao việc là đang lặng lẽ chuẩn bị những đồ cần, cả chùa vắng lặng tịnh không một tiếng nói cười, một sự căng thẳng bao trùm lên khắp cả.
Thầy Đại Trí đã dặn dò việc sau này, giao ấn trụ trì cho thầy Nhất Nguyên, chuẩn bị kín kẽ mọi bề, rồi thơ thẩn nơi sân chùa mà nghĩ về việc chết.
Thật là,
Đời đã lắm đau thương
Sống chết tựa vô thường
Mai này về với Phật
Là hết kiếp gió sương.
Nghĩ quanh một hồi rồi đi ra cửa chùa lúc nào chẳng hay, thầy đứng nơi cổng ngắm nhìn đường xá, xe cộ, hai cây đa bên cổng, rồi ngắm nhìn cổng tam quan, là những cảnh vật thầy gắn bó đã lâu, mai này không còn được nhìn thấy…
Chợt thầy ngước mặt lên, thấy có ba bóng đen bay trên đầu, biết à đến bắt mình…thầy cười chua chát, đoạn bắt tay niệm chú, rồi xua vạt áo lên không trung, ba bóng đen tan đi. Thầy đứng lặng ngước lên bầu trời đêm, khẽ thở dài đến não lòng.
Bất ngờ nhìn lại, thấy một bóng hình đang đứng trân trân nhìn mình nãy giờ, nhìn kĩ thì ra là một vị đạo sĩ. Vị đạo sĩ đó mặt vuông chữ điền, dáng vẻ uy nghi thanh thoát, mắt sáng rất rõ, mặc chiếc áo chùng dài tới mắt cá chân, bên hông đeo thanh kiếm đào, người đi qua lại đều nhìn vị này mà khúc khích cười chê.
Hai mắt nhìn nhau lặng đi hồi lâu, rồi thầy chắp tay mà chào, đạo sĩ cũng cúi chào kính cẩn đáp lễ. Rồi đạo sĩ hỏi trước:
“Chẳng hay thầy là trụ trì chùa này?”
Sư đáp:
“Chính bần tăng, xin hỏi thầy đây là…?”
Đạo sĩ nói:
“Tôi hiệu là Huyền n, là đệ tử núi Vu, cũng chẳng có tiếng tăm gì chắc thầy chẳng biết.”
Sư cười nói:
“Núi Vu nức tiếng cả miền Bắc sao tôi lại không biết. Thế chẳng hay thầy tu trên núi ấy là tu theo đạo gì?”
Đạo sĩ đáp:
“Đạo của tôi là đạo tự sinh, mang sức mình tu luyện mà đi cứu nhân độ thế, còn đạo các ngài là gì? Đại sư chẳng khinh kẻ ngoại đạo thì xin chỉ bảo cho đôi lời để tôi mở mang tri thức chăng?”
Thầy Đại Trí cười hiền từ mà nói:
“Mệnh tôi cũng sắp tàn, chẳng có lẽ nào cuối đời mà thuyết được ông quy đạo Phật thì công đức tôi lớn lắm. Vậy mời ông đạo sĩ cùng vào chùa làm li trà chăng?”
Vậy là một sư một đạo cùng nắm tay nhau mà đi, đạo sĩ dừng ở sân chùa, nói mạng chẳng vào được chốn chính điện linh thiêng, nên chỉ xin ngồi ngoài ghế đá cổng chùa, sư cười ưng thuận, ra hiệu cho đệ tử mang bình trà ra, rồi chỉ tay lên tượng Quan âm Bồ tát trắng to đặt chỗ cổng mà rằng:
“Vị này là quan thế âm Bồ tát.”
Đạo sĩ gật gù khen đẹp.
Đoạn hai người ngồi xuống một ghế đá, có bàn trà bên cạnh, được chốc lát thì chú tiểu cũng mang trà ra, vậy là ung dung mà ngồi uống.
Lúc này sư mới ân cần lấy lời hay ra thuyết đạo sĩ rằng:
“Đạo tôi chẳng phải đạo ỷ lại vào sự che chở của chư Phật, đạo tôi là đạo giải thoát, pháp môn tôi là pháp thanh tịnh, không thích tranh đấu với bên ngoài, mỗi người đều phải tự đấu tranh giành lấy thắng lợi trong tâm mình.”
Đạo sĩ lại hỏi:
“Vậy phép thần từ đạo Phật ở đâu mà ra? Nếu chẳng ham tranh đấu thì các phép chú của các vị phục vụ điều gì? Nếu đấu với nội tâm thì cần gì phép đó?”
Sư lại giảng:
“Phép thần có được là do trong quá trình khổ tu tự nó sinh ra, chỉ là công cụ, không phải mục đích tối thượng, những bậc tu chân chính cầu cho vô ưu, vô ngã, thắng được vô minh, có trí tuệ Bát nhã, không ai cầu cho được thần thông mà đi học đạo Phật. Cứ vô thức mà học rồi có được công phu thần thông lúc nào chẳng hay…”
Đạo sĩ nghe nhưng trong lòng nghi hoặc, liền thưa với sư:
“Thưa đại sư, thứ bần đạo hỏi thẳng, vậy nếu như có người thân quyến, hoặc lỡ như lại thấy kẻ sa cơ, thì có ra tay mà cứu không? Nếu đạo ông là tự tranh đấu, công phu không có thì ông lấy gì mà tranh đấu với đạo tà bên ngoài?”
Sư lại đáp:
“Đạo tôi dùng lời hay mà giảng, mà thuyết cho kẻ đó phải chịu, nếu nó không chịu thì do nghiệp lực sâu dày, nếu gặp vào điều phi luân thường đạo lý, lại gặp kẻ vô tri thuyết chẳng chịu nghe, thì đến sư cũng cầm súng ra trận, chẳng hay ông chưa nghe câu đó sao?”
Đạo sĩ lại hỏi:
“Vậy lại hỏi thêm, đạo ông đạo từ bi, nhưng ông không thấy có hèn yếu sao? Lúc nào cũng phải nhún nhường kẻ khác. Hơn nữa tôi thấy việc tốt việc xấu là do ta, tâm lành quả tốt nhưng cũng do ta cả, vậy mà gặp việc khó gì cũng đều đổ do nghiệp là ý làm sao? Vậy không ai sai lầm gì bao giờ mà đều chỉ đổ do nghiệp lực tiền kiếp sao?”
Sư lại thuyết cho đạo sĩ nghe về nghiệp:
“Nghiệp là thứ hiển hiện luân hồi, dù ông cảm nhận được nó hay không thì nó vẫn luôn tồn tại như chân lý, bằng hình thức này hay hình thức khác, dù ông có theo đạo ta hay không, nhưng người tuy biết nghiệp xấu vẫn không ngừng làm điều thiện thì vẫn có thể cải nghiệp, ông theo đạo chắc cũng hay rằng tâm sinh tướng, tướng sinh tài, tài sinh vận, vận sinh mệnh, mệnh đổi nghiệp chứ?”
Sư giải thích như thế, chẳng hiểu ý đạo sĩ ra sao, chỉ thấy khẽ mỉm cười mà uống trà ý tứ không lộ ra nét mặt, cũng chẳng hỏi thêm điều gì.
Sư không thấy đạo sĩ nói gì, chẳng biết có phục không, liền hỏi nữa:
“Vậy đạo pháp núi Vu ra sao?”
Bấy giờ đạo sĩ mới nghiêm trang mà nói:
“Vậy tôi cũng có ít lời trình thầy, đối với tôi tin vào bản thân, tin vào chính đạo, ai nhân nghĩa đều là đồng đạo với tôi, tôi tin rằng chính phải luôn thắng tà, bản thân mình phải tự tôi dưỡng rèn luyện công phu mà lập thân xử thế trên cõi đời này, là một Huyền nhân đi học huyền thuật thì ma thuật cũng được, thần thuật cũng vậy, nuôi âm binh cũng thế, mà nuôi thần binh cũng lại như thế, cứ cốt sao cho chúng nó theo ý chí người luyện mà hành động, mang đạo mang phép ra mà giúp đời, là thỏa sức học đạo của tôi, thỏa chí tu hành của tôi. Nếu công phu không dụng ra mà giúp dân giúp đời, thì học phỏng có ích gì? Một thân công phu như các thầy chôn vùi trong chốn thanh cảnh, thì liệu có ai biết đến? Giúp được ai trong nhân gian? Vậy các ngài cứ bảo độ là độ ai? Độ cái gì?”
Nói đoạn bất giác cười to giữa sân chùa vắng lặng. Sư cũng nhìn đạo sĩ mà cười vang không kìm lại được, hai người lại khoác vai nhau cười rũ ra, chẳng còn phân ngôi chủ khách, lễ nghi trên dưới gì, cứ thế mà dâng trà cho nhau, nói cười vui vẻ…
Thật là,
Phép tu tuy có khác nhau
Nhưng thờ chữ đạo trước sau một đường
Hoặc đạo huyền bí khó lường
Hoặc đạo thanh tịnh nhún nhường thế gian
Đều là đạo giải nguy nan
Cứu nhân độ thế muôn vàn đắng cay
Cả sư cả sĩ ngồi đây
Nâng li trà biếc vui vày với nhau
Thật là chính nghĩa nhiệm màu
Nối liền các đạo cùng nhau giúp đời .
Các chúng đệ tử ban đầu thấy đạo sĩ vào cùng thầy đều lấy làm lạ, cứ lấp ló ở sau vách mà xem, sau thấy hai người cùng hàn huyên như bạn thì mới yên tâm mà tản đi hết. Đạo sĩ đều nhận biết được cả, bấy giờ thấy các người tò mò đều đã đi, mới chợt nghiêm trang, ghé tai lại sát sư mà rằng:
“Ta mang theo ba đạo âm binh, ông có biết hay chăng?”
Sư cười đáp:
“Chính thế, nhưng chúng nó chẳng vào được cửa Phật môn, đều đang đứng ngoài cổng đợi ông rồi.”
Đạo sĩ gật đầu phục tài sư, rồi lại hỏi:
“Vậy lại xin hỏi rằng, phép thầy như thế, chẳng hay có biết quỷ bay trên đầu chăng?”
Lúc này sư mới thở dài, cầm tay đạo sĩ mà nói:
“Tôi biết mạng tôi chỉ nguy trong sớm tối.”
Đạo sĩ liền an ủi:
“Thầy đừng lo buồn làm gì. Theo như tôi thấy, cứ mặc vận mệnh xoay rời. Đêm tôi xem thiên văn, ngắm nhìn tinh tượng tôi thấy nhiều sự lạ không có lợi, tốt nhất nên tránh đi thì hơn, nếu mang thuật mình ra mà thay đổi càn khôn thì là chống lại mệnh trời rồi, tôi nói có đúng không?”
Sư Đại Trí thất sắc mặt. Quay sang nhìn đạo sĩ kinh ngạc:
“Thầy biết tôi đêm nay làm việc gì ư?”
Đạo sĩ cười trả lời:
“Nói thật với thầy tôi đã theo dõi khúc sâu đó lâu ngày chứ chẳng phải ngẫu nhiên nói bậy. Cũng chẳng phải vô duyên mà tối nay tôi đến gặp thầy, hôm nay thầy lập đàn tràng cầu thần sông, tôi đã lén để ý được cả. Tôi chính là người đã đặt thần binh nơi bờ sông đây.”
Đại Trí nghe nói xong thì kính ngưỡng vô cùng, đoạn thầy nắm lấy tay đạo sĩ mà nói ân cần tha thiết:
“Vậy ra ông đã biết việc từ lâu. Chẳng hay ông có phép gì giúp cho thầy trò tôi, thì tôi lấy làm biết ơn lắm. Tôi thì chẳng tiếc mạng, nhưng chỉ sợ thân này tàn, chẳng phải đối thủ của quỷ thần lại đâm hỏng cả việc.”
Đạo sĩ liền nói dò:
“Ông công phu đầy mình, pháp hạnh nhập tàng người ngoại môn như tôi đây nhìn qua cũng biết, vì sao mà cứ khiêm tốn quá như thế? Quỷ thần nơi con sông đó sao mà chống nổi ông?”
Sư Đại Trí nghe thế liền nghiêm nghị mà rằng:
“Xin ông chớ nói thế mà tổn phước của tôi. Chẳng hay ông không nghe câu “đạo cao một thước, ma cao muôn trượng”? Chúng nó trong tối ta ở ngoài sáng, núi cao còn núi cao hơn, ta không biết thực lực nó ra sao nhưng đã là thần thì pháp lực hẳn phải vô biên, đây chẳng gọi là khiêm tốn mà gọi là biết mình biết người. Hơn nữa ông cũng đã nhìn thấy bóng quỷ Tột Khốc trên đầu tôi, hẳn ông phải thừa hiểu quỷ đó không thấy mùi máu tanh thì không đến, nó đến chưa chắc đã chết nhưng nếu đã chết chắc chắn nó đến, đều chẳng phải điềm tốt đẹp gì. Tôi hiềm ông là người có đạo nên mới giãi bày việc riêng mà sao ông lại cứ nghi hoặc tôi thế? Hay ông ngại phạm uy quỷ thần? Hay ông sợ lo việc không đâu làm tổn hại tính mạng?”
Đạo sĩ nghe sư nói trúng tim đen, xấu hổ tái mặt, biết mình nói lỡ lời liền dịu đi mà rằng :
“Thầy trách tôi rất phải, nhưng việc này tôi cũng đã cố hết sức rồi, thần đó tôi liệu trừ không được nên mới phải lập miếu mà thờ, đạo tôi chẳng cho tùy ý mà can thiệp vào việc người khác, phải biết giữ mình còn lo việc sau này.”
Sư nghe thế thở dài. Nghĩ đến Hạ lòng lại thêm buồn, chẳng nói năng gì chỉ lặng lẽ uống nước trà.
Đạo sĩ thấy vậy lại buồn, lại ra sức mà an ủi:
“Nói thật với ông tôi gieo một quẻ đã thấy kinh hãi rụng rời, tôi chẳng biết ra sao chứ yêu ma tróc quỷ lần này thầy trò ông gặp phải chẳng phải kẻ thường, đừng nói là học trò ông, ngay cả đến ông đêm nay mà đi cũng khó mà giữ mạng. Ông không sợ nó hay sao?”
Thầy nghiêm nghị mà rằng:
“Sống chết tựa vô thường, có gì mà sợ…”
Thật là,
Chốn sân chùa, tri âm ngồi đàm đạo
Tu khác lối, nhưng chính nghĩa chung đường.