Trong xóm của chú thím có một vài người khơ – me sang Việt Nam buôn bán. Một trong số họ rất rành những trò về tâm linh như cầu cơ, gọi hồn, bùa ngãi … Thực ra đây không phải là một trò cho những người tò mò hay không hiểu gì về nó. Và thật chẳng may, chú em vừa tò mò lại vừa chằng hiểu biết gì cả.
Chú em cơ bản cũng là một giáo viên như mẹ em nhưng chú dạy trường cấp 3 trên huyện. Thường ngày thì chú đi dạy tối về chăm đàn dê rồi đi ngủ vì ở cái xứ này cũng chẳng có việc gì để làm. Mọi việc cứ trôi đi bình thường cho đến một ngày đàn dê bị mất trộm. Sáng hôm đấy chú vẫn thức dậy sớm sửa soạn tài liệu đi dạy thì phát hiện cổng chuồn dê bị phá. Chú chạy ra lùa hết dê vào rồi đóng cổng lại. Hôm đó chú với thím ở nhà kiểm kê lại tài sản thì thấy mất hai con. Chuyện vẫn tiếp diễn khi cứ ba ngày một con dê lại ra đi không rõ nguyên nhân mặc dù những lần mất sau cổng không hề bị phá khoá và chú vẫn luôn túc trực trong nhà. Lần thứ tư thì chú bắt được kẻ trộm : một kẻ trộm hoàn toàn không phải con người. Tối đó chú và thím đi ngủ với cái đèn măng sông thắp sáng và cây gậy sắt để sẵn ở đầu giường. Thỉnh thoảng chú lại ngồi dậy cho đỡ cơn buồn ngủ. Hôm nay chú đã giăng một cái bẫy làm từ dây đan lưới và lon sữa bò để gây tiếng động khi có biến. Đang thiu thiu thì nghe tiếng động, chú bật dậy với vận tốc ánh sáng, một tay cầm gậy một tay cầm đèn băng ra chuồng dê, thím chạy đằng sau yểm trợ. Vì chuồng dê nằm cạnh nhà nên chú và thím lao ra kịp lúc, dưới ánh trăng mờ mờ và chiếc đèn tù mù, một cảnh tượng ghê gớm đã hiện ra : Một sinh vật vừa giống người lại vừa giống quỷ một tay ôm con dê đang nhe răng ra cười trêu ngươi chú thím. Cả hai người quá hoảng hồn không kịp hành động và sinh vật kì lạ trên nhảy ra hàng rào, đâm sầm xuống sông tẩu thoát (nguyên văn). Sau này chú kể lại rằng đôi mắt của con vật đó hoàn toàn không giống với bất kì một đôi mắt của loài vật nào trên thế giới này, một đôi mắt mà nhiều năm sau chú còn bị ám ảnh. Mắt nó to tròn như mắt bò nhưng full một màu đen các bác ạ Hôm đó khoảng ba giờ sáng, hai vợ chồng chú thất thần đi vào nhà không nói với nhau câu nào.
Ánh mặt trời lơ đễnh chiếu qua từng vùng dừa nước mọc thành đụn quanh sông, thỉnh thoảng lại rọi sang phía bãi bồi không có người ở. Ánh sáng mùa th lúc tù mù lúc lại chập chờn không rõ nguyên nhân. Chẳng biết có vị thi nhân nào tức cảnh buồn làm thơ hay không nhưng em biết rằng đang có hai con người rất buồn đang ngồi trong nhà. Họ vừa buồn lại vừa sợ, buồn cảnh bóng tối và sợ sinh vật ngày hôm qua. Chú em vốn là một kẻ vô thần, tay cầm bút phấn, tay phê học bạ nên những chuyện huyền bí này chú chẳng bao giờ tin. Nhưng kể từ hôm đó chú trở thành một con người khác: dè dặt và hay giật mình đêm khuya.
Vài ngày sau và mọi chuyện trở về đúng mức bình thường của một ngày bình thường, hai chú thím đi làm và đàn dê không bị mất một con nào nữa. Trước đó một đêm, không biết nghe ai mách bảo, chú em tìm đến đám người khơ me trong vùng xin về một cái lọ bằng sành có nắp đậy, sau đó chú em chôn nó sau cổng chuồng dê, đúng cái chỗ con vật kì lạ hôm trước nhe răng cười. Hôm đấy mẹ em ghé qua nhà chú thím chơi, tình cờ mẹ và thím thấy cái lọ sành kì lạ ấy. Thím em hỏi là chú em mang cái gì về đấy nhưng chú không nói, chỉ lẳng lặng ra vườn. Chôn xong một lúc thì bỗng nhiên chú em giật mình, mặt lạnh như tiền, rồi chuyển xanh như tàu lá chuối, tay chân cứ ngúng nguẩy liên hồi… Chú vứt bỏ cái xẻng chạy một mạch vào nhà như bị ma đuổi, phi lên giường, trùm chăn như người bị sốt rét, chỉ để lại cặp mắt vô hồn nhìn vào xó nhà. Hôm đó mẹ em cũng chứng kiến cảnh này. Mẹ và thím tưởng chú bị sốt rét nên vội vàng chạy đôn chạy đáo cho chú. Định bụng lên trạm y tế thì chú em gọi phắt lại, tiếng gọi vọng ra từ một cõi xa xăm nào đó chứ không phải từ thanh quản của một người bình thường: “ Ư… ứ, ứ … không sao đâu, chẳng sao đâu … ư, ư…” và một loạt câu nói vô nghĩa khác nữa, trông không giống người bình thường chút nào. Lát sau chú bật dậy đi lại như chưa có chuyện gì xảy ra nhưng đôi mắt lại hoá lờ đờ và đỏ lè kè, hình dung giống người đau mắt đỏ ấy. Tối hôm đó và rất nhiều hôm về sau nữa, đàn dê đã có thể ngủ yên trong cái chuồng thân thương của mình, sáng dậy điểm danh quân số không còn thiếu một đồng chí dê nào nhưng điều đó không làm thím em vui vì chú em hoàn toàn trở nên kì lạ.
Vì đang mùa hè nên không có việc gì ở trường thì chú lại ở nhà. Con người mới nửa tháng trước còn hoạt bát, năng nổ thì giờ đây lại ngồi ru rú trong xó nhà, trông như hết sức sống. Thấy chồng như vậy nên thím em cũng buồn vì không biết giúp chồng như thế nào. Mẹ em đành đánh điện lên cho bố em ở Đồng Nai về nhà có việc gấp, ba ngày sau bố em về nhà và mọi chuyện dần dần được sáng tỏ.
Chơi ngải về căn bản cũng giống như chơi dao, nếu chúng ta làm trò với một con dao hai lưỡi thì chúng ta sẽ bị thương và vết thương đó là vết thương có thể cảm nhận được. Còn khi chơi bùa ngải, chúng như những thứ vũ khí vô tình làm tổn thương không chỉ bản thân mình mà còn tới tất cả những người xung quanh, vết thương ấy chúng ta khó có thể cảm nhận bằng những giác quan của con người được. Quay lại câu chuyện của chú em, Bố em thấy chú bỗng chốc hoá lầm lì như vậy thì không an tâm chút nào, có lẽ bố biết một thế lực vô hình nào đó đang hoành hành. Nghe bà nội em kể lại thì ngày xưa chú em bị vong nhập một lần lúc còn nhỏ, lúc đấy bố em còn đang học ở trường cấp 2. Chuyện lâu rồi nên chẳng ai còn nhớ rõ, em chỉ nghe bà kể lại là ông nội em phải nhờ một ông thầy cúng lâu năm ở trong làng đến trục vong. Cái vong đấy nghe đâu là của một ông giáo dắt cả gia đình đi chạy đói năm 45, sau đó cả nhà dạt về làng này rồi chết thảm, vong nói do hợp căn nên nhập vào chú em thôi, cúng xong thì vong cũng đi, không biết có liên quan gì không mà đến giờ chú em lại theo nghiệp cầm phấn . Điều này chắc cũng do căn nguyên mà ra cả. Nhìn vào ánh mắt vô hồn của chú, bố em linh cảm ngày đến chuyện chẳng lành. Hôm sau bố em xuôi đò xuống Cà Mau, đem về gói thuốc bột màu vàng gì đó rồi mang rải khắp nhà chú em, rải ở cả chuồng dê nữa. Tối hôm đó ba mẹ em ngủ lại luôn nhà chú thím. Một cơn mưa lâm thâm về đêm kéo đến, chẳng cuốn đi được tí trĩu lòng nào.
Đúng sớm hôm sau, chỗ thuốc màu vàng ấy chảy đi đâu hết, còn lại một chút bột ở ngay cái chỗ mà chú em chon cái lọ, bố em lấy mai ra đào ( Cái mai giống cái xẻng nhưng mà nó hình bán ống ấy ạ ) Đào lên thì thấy cái lọ sành hôm trước nhưng cái nắp lọ đã bị vỡ, ba em mang vào nhà hỏi thì thím nói là đồ của mấy gã người khơ me trong xóm, hôm trước chú em mang về … Tức tốc bố em cầm cây lao phi sang nhà mấy lão người khơ me. Mặc dù không cưỡi ngựa trắng nhưng bố em lúc đó trông như Triệu Tử Long các bác ạ .
Cầm vũ khí thì cầm cho vui vậy thôi chứ bố em tính tình hiền lành chẳng bao giờ múc vô cớ bố con thằng nào cả, nhưng có kẻ nào xâm phạm hay lợi dụng người nhà mình thì bố em cứ thế lao vào mà phang thôi. Chuyện sắp diễn biến như nào thì các bác biết đấy, may sao cho cái đám khơ me đó hôm đó có mỗi một ông ở nhà, còn đám kia chắc là té về Cam Pốt hết. Nhẹ nhàng và thanh thoát để cái lọ sành lên trên bàn cùng với lời nói trìu mến không kém : “Cái này là cái l… gì” ? Bố em vừa nói vừa lăm lăm cái lao. Ông Khơ me nói tiếng Việt xì xà xì xồ, tóm lại đại ý là như này : “ Thằng Th. (chú em) có nói về việc đàn dê bị bắt trộm, nhưng không biết là do người hay do con vật gì ?Nghe bảo trong làng thì các ông người Khơ me có bùa giữ của, liệu có thể cho chú em về dùng được không ? Có hiệu quả chú sẽ đền đáp ngay lập tức”. Rồi lão kể tiếp : “Bùa thì không làm được, muốn làm cũng phải mất thời gian, luyện bùa chú cũng phải do người có kinh nghiệm làm lâu năm mới thành công, nhưng sẵn thì cũng có, ngải nuôi dễ hơn luyện bùa nhưng đồ này lại nguy hiểm và không dễ dùng một chút nào, không cẩn thận bị ngải hại thì chỉ có nước sống mà như chết…”
Nghe xong thì bố em cũng ngộ ra nhiều điều, đặc biệt là loại ngải này dễ làm mà cũng dễ tháo bỏ. Việc cần làm chỉ là lấy một cái khạp sành mới, bỏ 1 con cá lóc sông còn sống vào trong, thêm 9 đồng tiền gì mà có cái lỗ vuông ở giữa ấy, đồng xu này mua trên chùa nhiều lắm rồi đổ tiết gà sống với vài giọt máu của người bị ngải hại vào. Tiếp đến đập bỏ cái lọ cũ rồi đọc thần chú tiếng người Na mếch ( Ông Khơ me bảo là tiếng Khơ me cổ ) rồi đóng nắp khạp, đợi 108 ngày, ngải tự động tiêu tan, còn không thì đợi 54 ngày, ngải sẽ tự chết, nhưng sau này thầy pháp nào gọi nó sống dậy thì nó sẽ sống, sẽ còn đi hại người ta nữa…
Mấy ngày sau chú em đi lại, hoạt bát như bình thường, ai hỏi chú cũng bảo là khoẻ khoắn như người vừa ngủ đông dậy vậy. Chuyện này chỉ có bố mẹ em, thím và ông người Khơ me biết. Còn chú em thì trở lại là một người vô thần như xưa … Dẫu biết cố quên là sẽ nhớ và có những điều chúng ta không hề muốn nhớ nó một chút nào, nhưng quên có lẽ là một kĩ năng mà khó có người nào dễ dàng học được. Bố em sau này kể lại chuyện như ông chưa bao giờ có ý định quên nó. Loại ngải trên được gọi là “Nhi Huyết Ngải” (không phải cái ngải trong phim của ông Bùi Thạc Chuyên đâu). Ngải này luyện 324 ngày, người khơ me lên rừng đào được cây ngải về đem trồng ở nhà mình, sau đó tìm một cái thai chết lưu, tức là em bé chết trong bụng mẹ đem về chôn cất rồi trồng cây ngải lên trên mộ đó. 81 ngày sau đem cây bỏ vào khạp, hằng ngày nhỏ máu mình vào trong khạp, sau 324 ngày thì lấy ra. Ngải này dùng trong việc giữ nhà, giữ của, tránh cho trẻ sơ sinh bị ma quỷ làm hại. Em nghe nói muốn ngải đó giúp mình làm việc như một người nô bộc trong nhà thì phải dùng cả cái xác em bé làm đồ ăn cho ngải, nhưng sau một thời gian mình không để ý tới nó thì nó sẽ quay sang hại mình. Nếu ngải này mà luyện thường xuyên cho tới mức thành công thì chẳng bao lâu sẽ có cả một gia tài to lớn, không thua gì người làm ăn, buôn bán lâu năm. Chú em trúng loại nhẹ nên chỉ bị như vậy thôi, còn loại nặng đô thì chắc bây giờ cũng xanh cỏ rồi. Sở dĩ chú em bị ngải hại là do ổng không phải là người nuôi ngải mà lại tự ý mở nắp đựng ra, ngải nuôi lâu năm thấy người lạ đụng tới mình là auto chiến đấu thôi.
Còn “con quỷ trong truyền thuyết” bắt trộm dê nhà chú em thì em không biết nó có thật không hay chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Chắc là có một số con giời nào đó thèm thịt dê lẻn vào vườn ăn trộm, chú em không bắt được tức quá nên mới chơi trò bùa ngải này. Sợ bố em mắng vì làm mấy cái trò linh tinh nên chắc chú thím quay tay ra nó thôi . Nhưng mà mẹ em thì tin, mẹ em bảo có đứa học trò của mẹ nhìn thấy nó rồi, dân sông nước gọi nó là abc gì đấy, thỉnh thoảng nó lại mò đến nhà nào có gia súc, gia cầm bắt về ăn. Đổi lại thì con cái nhà người ta nếu đi tắm sông thì sẽ không bao giờ bị chết đuối, bao giờ rảnh em hỏi lại mẹ em cho. Miền Tây thì lắm chuyện lạ vô cùng, nhưng phải nói rằng có nhiều chuyện mà tính trung thực của nó thì chẳng một ai kiểm chứng được. Xa rời vùng sông nước thân yêu, bố mẹ em thực hiện một cuộc di cư mang tính cách mạng vì đến bây giờ thì cả nhà em vẫn ở chỗ đấy.
tối mai up tiếp