Một tuần sau thì anh Tí được xuất viện, ngày anh về nhà tôi và anh Tường cùng với nhỏ Hân sang thăm anh. Nhìn thấy anh đã không còn đáng ngại nữa, tôi, anh Tường và nhỏ Hân thở phào nhẹ nhõm trong lòng. Chỉ có điều chân và tay anh vẫn phải bó bột nên sinh hoạt cá nhân vẫn chưa làm một mình được. Anh Tường tiến lại ngồi xuống bên cạnh anh Tí, anh cất giọng hỏi:
– Anh chạy kiểu gì mà té nặng thế này vậy anh Tí, suýt tí nữa là em không còn gặp được anh nữa rồi.
Anh Tí cười cười:
– Nói chú không tin, anh không nhớ được gì chuyện hôm đó cả. Chỉ biết lúc anh thấy trời mưa anh định không đi rồi, nhưng chẳng hiểu tại sao như có ai đó thì thầm vào tai dụ dỗ anh phải đi vậy ấy. Lúc dẫn xe ra khỏi nhà là anh không còn nhớ gì được nữa rồi. Chỉ biết là lúc anh có ý thức lại thì anh đã nằm trong bệnh viện. Nhưng anh cũng nghe bà nội kể lại rồi, nhờ có chú giúp, không là anh cũng chẳng còn cái mạng này nữa.
Anh Tường đưa tay lên gãi đầu cười ngại, anh nói:
– Anh em mình mà cảm ơn chi cho khách sáo anh ơi, gia đình anh cũng giúp em lúc khó khăn cơ mà, em đền ơn không hết.
Chúng tôi nán lại một lúc nữa rồi ra về để cho anh có thời gian nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Ra khỏi nhà bà ba, nhỏ Hân nhìn quanh một lượt rồi bảo:
– Mà Linh này, nay mày tính đi đâu không?
Tôi lắc đầu:
– Tao cũng không biết nữa, chưa có kèo gì cả mày ạ.
Hân cười mỉm chỉ tay vào cái xuồng được cột dưới bến sông anh Tường, nó đề nghị:
– Hay nay tao, mày với anh Tường đi ra chợ nổi của huyện chơi cho biết không?
Tôi nghe thế thì hào hứng đáp:
– Được, được, tao cũng muốn đi cho biết nữa.
Nhỏ Hân quay sang nhìn anh Tường, nó hỏi:
– Nay anh có bận gì không, nếu không thì anh bơi xuồng đưa tụi em đi chợ nổi với.
Anh Tường nghĩ nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Nay anh cũng không bận gì, đi cùng các em cũng được thôi.
Nói rồi chúng tôi đi lên xuồng, nhổ xào rồi bơi đi. Đường lên chợ huyện phải đi qua một con kênh dài, hai bên là những rặng dừa nước và những bè cá của người khá giả trong làng. Thỉnh thoảng lại có vài đám lục bình trôi sượt qua hai bên mạng xuồng. Đi được một đoạn sẽ có một cây còng già ngã thân tỏa bóng mát xuống mặt nước. Bây giờ chỉ mới tám giờ kém nên nắng vẫn còn chưa gay gắt lắm, không khí buổi sáng ở làng quê dễ chịu vô cùng. Do là ở đây sông nước nhiều nên phương tiện đi lại của mọi người phổ biến vẫn là xuồng ghe. Từ xa có một chiếc tàu to tiến lại, tôi nhìn chiếc tàu đó rồi nhìn xuống chiếc xuồng của mình mà trong lòng đánh lô tô. Chiếc tầu ấy phải to chắc cở gấp mười lăm lần chiếc xuồng của tôi. Nhìn chiếc tàu ấy ngày một gần hơn với mình, tôi toát cả mồ hôi tay. Nhỏ Hân ngồi ở đầu xuồng nhìn xuống thấy tôi có vẻ hơi sợ nên nó trấn an:
– Cái đó là chiếc sà lang, mày đừng sợ,xuồng mình không đi ngang qua nó đâu mà lo. Mày thấy cái ngã ba kia không, mình bơi tới đó là quẹo phải rồi.
Tôi nhìn theo hướng tay nhỏ Hân chỉ mà trong lòng thở phào, bởi cái ngã ba ấy chỉ cách chúng tôi vài mét. Sau khi đã rẽ phải rồi, tôi mới thực sự nhẹ nhõm. Nói thật, khi thấy chiếc sà lang to đùng thế kia, tôi đứng trên bờ đã thấy ái ngại rồi huống chi giờ lại đang ở trên sông. Nó mà đăm vào xuồng của chúng tôi chắc tôi đi đầu thai luôn chứ sống sao nổi.
Đang miên man nghĩ ngợi thì anh Tường ngồi phía sau tôi chợt lên tiếng:
– Linh, em nhìn dưới nước kìa.
Tôi giật mình, vội đưa mắt nhìn theo hướng tay anh chỉ. Tôi vừa kinh ngạc vừa thích thú khi thấy cả một đàn cá chừng mấy chục con đang nổi lên mặt nước, cách chỗ chúng tôi chừng một mét.Tôi cũng chẳng biết chúng là loại cá nào, chỉ biết trong đó có một con cá đủ mọi màu sắc. Tôi đoán chắc con đó bị đột biến gen mới có nhiều màu như thế, chứ những con cá bình thường làm sao có bộ dạng sắc sảo như vậy được.
Đi thêm một đoạn nữa thì cũng đã đến chợ nổi của huyện. Ở đây nhộn nhịp vô cùng. Họ bán đủ mọi mặt hàng, chợ ở trên bờ có bán gì là chợ trên sông bán cũng đầy đủ như thế. Họ treo mặt hàng mà mình bán trên một cái cây để mọi người biết được, cây đó được gọi là cây bẹo. Ở đây bán rất nhiều nông sản, đặc biệt là giá cả thì lại rẽ vô cùng, gần như là rẽ hơn một nửa so với thành phố. Tôi háo hức hết nhìn trước rồi lại nhìn sau, ước gì mình có tận hai đôi mắt để nhìn cho nhanh và bao quát mọi thứ. Tôi chỉ tay vào ghe bún nước riêu gần đó, tôi trố mắt ngạc nhiên hỏi anh Tường:
– Ở đây họ cũng có bán bún riêu nữa à anh?
Anh Tường gật đầu:
– Tất nhiên rồi em, ở đây cái gì cũng có cả, trên bờ có bán là dưới này cũng có bán luôn.
Tôi vui mừng vỗ tay bảo:
– Hôm nay em khao tất cả, anh với Hân cứ thoải mái mua những gì mà mình thích nhé.
Chúng tôi bơi lại ghe bún riêu kêu ba tô. Cô bán bún cũng là người trong làng nên thấy chúng tôi cô niềm nỡ lắm. Sau khi đã ăn xong, chúng tôi bơi lòng vòng để tìm mua những gì mà tôi cần và những gì mới lạ để tôi làm quà khi về lại thành phố.
Lúc chúng tôi chuẩn bị bơi về thì trời cũng đã gần giữa trưa. Đồ mà tôi, anh Tường và nhỏ Hân mua chất đống giữa xuồng. Vẫn như lúc đi, anh Tường và nhỏ Hân, người ngồi đầu xuồng, người ngồi cuối xuồng cùng nhau cầm dầm chèo. Đi ngang cây còng già, chẳng hiểu sao tôi lại đưa mắt nhìn lên ngọn cây. Tôi điếng hồn khi thấy có một bà già ngồi vắt vẻo trên ấy. Thấy tôi đang nhìn, bà ta cười phá lên rồi nhảy ùm xuống nước. Tôi sợ hãi hét toán. Anh Tường và nhỏ Hân lo lắng nhìn tôi, anh Tường hỏi vội:
– Em bị sao vậy Linh, sao đang yên đang lành em lại la hét thế?
Tôi chỉ tay lên ngọn cây còng, miệng lắp bắp nói không thành tiếng. Nhỏ Hân nhìn theo hướng tay tôi chỉ, nó chợt à lên một tiếng như hiểu ra gì đó, nó nói:
– Có phải mày nhìn thấy vong hồn của một bà già ngồi trên ngọn cây còng không?
Tôi ngạc nhiên mở tròn mắt:
– Ơ đúng rồi, sao mày biết, bộ mày cũng thấy à?
Nhỏ Hân lắc đầu:
– Không, tao không thấy, chỉ là tao nghe mọi người bảo là khi đi ngang đây lúc giữa trưa hay chiều tối, ai yếu vía sẽ trông thấy vong hồn của bà già ngồi trên ngọn cây còng. Thấy người ta nhìn mình bà ta sẽ cười phá lên rồi nhảy ùm xuống nước. Mà mày không nghe ông bà xưa bảo cây còng với cây me có ma trú ngụ hay sao mà mày còn dám nhìn lên đó lúc giữa trưa nữa.
– Tôi ngơ ngác, quả là tôi không biết chuyện đó. Nếu biết rồi thì cho tôi thêm mười lá gan tôi cũng không dám làm chuyện dại dột như thế.
Sau vụ bị vong hồn bà già đó dọa cho một trận, tôi không dám đưa mắt nhìn lung tung cho đến khi về tới nhà nữa. Về đến bến anh Tường, chúng tôi cùng nhau bê đồ lên trên bờ. Anh Tường và nhỏ Hân phụ tôi mang đồ về nhà ngoại rồi cả hai mới chào tôi ra về. Ngoại nhìn đống đồ trên tấm phản mà ngạc nhiên hỏi:
– Con mua gì mà nhiều thế?
Tôi cười đáp:
– Con mua cho ngoại với ba mẹ luôn ấy. Tại con thấy ở đây cái gì cũng rẽ, đồ thủ công lại đẹp vô cùng nên con mới mua nhiều thế ấy ạ.
Tôi với ngoại ngồi phân loại đống đồ ấy xong cũng đã gần một giờ chiều. Ngoại tôi chỉ tay xuống bếp rồi bảo:
– Hồi nãy ngoại có nướng mấy củ khoai lan, con xuống ăn đi rồi ngủ trưa một lúc cho khỏe người.
Tôi dạ với bà rồi xuống bếp lấy mấy củ khoai trong lò ra ăn. Ăn xong tôi vào phòng ngoại đánh một giấc dài. Lúc tôi tỉnh dậy thì cũng đã gần bốn giờ chiều. Đi ra nhà trước thấy ngoại đang tưới nước cho mấy luống rau, tôi vừa định đánh tiếng gọi ngoại thì bà đã từ ngoài nói vọng vào:
– Hồi nãy con Hân có sang tìm con, nhưng thấy con ngủ rồi nên nó về. Con qua nhà nó đi, coi nó tìm con có gì không.
Tôi dạ dạ rồi đi nhanh sang nhà nhỏ Hân. Đi được nửa đường thì tôi đã thấy nó. Nó đang ngồi chơi nhà chồi với mấy đứa con nít trong làng. Nhìn thấy tôi, nó đưa tay vẫy vẫy . Tôi đi lại ngồi xuống bên cạnh nó, mấy đứa nhỏ thấy tôi thì lễ phép chào:
– Chúng em chào chị ạ.
Tôi mỉm cười đáp:
– Chị chào mấy đứa, mấy đứa đang chơi gì đó?
Con Nhi, em của nhỏ Hân nhanh nhẩu đáp:
– Dạ tụi em đang chơi bán đồ hàng ạ, chị có muốn chơi cùng tụi em hong ạ?
– Tụi em chơi đi, chị ngồi xem là được rồi, chứ chị cũng có biết gì đâu.
Con Nhi thấy thế cũng không mời mọc nữa. Nhìn mấy đứa nhỏ một lúc rồi tôi quay sang hỏi nhỏ Hân:
– Mà tụi nhỏ đi học ở đâu thế mày, sao tao không thấy trường đâu cả?
Nhỏ Hân thở dài đáp:
– Tụi nó có đi học đâu, trường học tuốt ở trên huyện lận, phải nhà nào có điều kiện thì mới cho con đi học được.
Tôi nhìn tụi nhỏ ngây thơ mà thương vô cùng. Đứa nào cũng gầy, áo quần thì đã cũ sờn hết cả. Miếng ăn còn khó huống chi là chuyện cắp sách đến trường. Tôi đưa tay khều một đứa trong đám nhỏ, tôi hỏi:
– Em có muốn đi học không bé?
Thằng bé thật thà gật đầu đáp:
– Dạ muốn ạ, nhưng nhà em nghèo lắm, ba mẹ em không có tiền cho em đi học chị ạ.
Tôi hỏi tiếp:
– Thế bây giờ chị dạy cho tụi em biết đọc chữ, biết viết chữ nhưng không lấy tiền thì em với các bạn có muốn học không?
Thằng bé ngạc nhiên hỏi lại:
– Thật ạ, chị dạy tụi em không lấy tiền ạ?
Tôi gật đầu trước những cặp mắt trông mong của tụi nhỏ. Thấy tôi xác nhận thì cả đám chợt vỗ tay hoang hô. Tôi nhìn nụ cười hồn nhiên trên mặt tụi nhỏ mà cũng thấy vui vui trong lòng, vì bản thân cũng phần nào góp sứcđể tụi nhỏ có một tuổi thơ hạnh phúc. Chờ cho tụi nhỏ đã yên lặng rồi, tôi mới nói tiếp:
– Mấy em hỏi xem trong làng mình có bao nhiêu em muốn học rồi báo lại cho chị biết nhé, để chị sắp xếp tuần sau bắt đầu dạy mấy đứa luôn.
Tụi nhỏ đồng thanh dạ rồi xúm xụm lại nói nhỏ gì đó với nhau. Tôi và nhỏ Hân cứ ngồi đó nhìn từng cử chỉ của tụi nhỏ không rời mắt. Một lúc sau thằng bé lúc nãy vừa nói chuyện với tôi đang chơi thì đột ngột đứng dậy, nhỏ Hân thấy thế thì liền hỏi:
– Em đi đâu thế Dương, em không chơi nữa à?
Thằng Dương quay lại nhìn nhỏ Hân, nó đáp:
– Dạ em phải đi về mang cơm qua nhà bà Núp hộ mẹ, tại nay mẹ em bận không đi được ạ.
Nói đoạn nó chào tôi và nhỏ Hân rồi rảo bước đi về. Tôi quay sang hỏi nhỏ Hân:
– Bà Núp là ai thế, sao phải mang cơm cho bà ấy ăn, mà sao cái tên gì kì vậy mày?
Nhỏ Hân cười khúc khích đáp:
– Đó là một bà già bị điên, không biết từ đâu mà đi lạc tới làng mình nữa. Ai hỏi gì cũng không đáp mà cứ điên điên dại dại, lúc khoc luc cười. Gặp người lạ là bà ấy sẽ núp sau bất kì thứ gì. Từ đó mọi người gọi bà là bà Núp. Do là không ai nuôi nên người làng cứ thay phiên nhau mang cơm cho bà ăn để sống qua ngày.
Tôi nghe thế thì cũng tò mò, tôi kéo tay nó nài nĩ:
– Mày dẫn tao sang đó xem được không, tao tò mò quá, tao muốn xem bà ấy một lần, mày đi với tao nghen Hân.
Nhỏ Hân chần chừ một lúc rồi cũng gật đầu đồng ý. Tôi với nó chào tạm biệt tụi nhỏ rồi dắt nhau sang nhà bà Núp. Đi được một lúc thì tôi thấy thằng ku Dương. Tôi và nhỏ Hân đi nhanh đến bên nó. Nhìn thấy tôi và nhỏ Hân, nó ngạc nhiên hỏi:
– Hai chị tìm em có gì không ạ?
Tôi lắc đầu:
– Không, không, chị không tìm em, chỉ là chị muốn sang xem bà Núp thôi. Sẵn tiện gặp em nên đi cùng thôi ấy.
Thằng ku Dương khẽ dạ rồi bê tô cơm trên tay cẩn thận đi tiếp, tôi và nhỏ Hân cũng im lặng đi bên cạnh. Trời bây giờ đã về chiều, hoàn hôn dần nhuộm dần lên mọi vật. Trên trời, những đàn chim cứ nối tiếp nhau bay về tổ. Chúng tôi cứ thế đi mãi về phía cuối làng. Ngay lúc tôi sắp hết kiên nhẫn nữa thì thằng ku Dương chợt dừng lại trước một ngôi nhà lá sụp xệ, chỉ cách lối vào của bãi thay ma khoảng ba mươi bước chân.Nó đẩy cửa bước vào trong, tôi và nhỏ Hân cũng đi theo sau. Thằng Dương cẩn thận đặt tô cơm lên ngay cái bàn bên cạnh cửa sổ. Tôi đưa mắt nhìn qua khe hở của hai cánh cửa sổ. Bên trong tối đen như mực, chẳng thể thấy được gì. Tôi cố căng mắt nhìn cho thật kĩ nhưng vẫn không thấy bà Núp đâu. Thằng Dương đặt tô cơm lên bàn rồi quay người rời đi. Tôi thất vọng vừa định thu mắt lại ra về thì đúng lúc đó tôi trông thấy một gương mặt xám ngoét với đôi mắt đỏ ngầu của một người đàn bà từ từ nhô lên ở dưới cửa sổ. Tóc tai của bà ta rối như tơ vò, hai hàm răng thì ố vàng như mấy năm rồi không đánh răng vậy. Tôi sợ hãi run rẫy cả người, mồm miệng cứng đờ không nói được gì, âm thanh phát ra chỉ là mấy tiếng ú ớ vô nghĩa.