Ba ngày sau là lễ cưới giữa con gái phú hộ của làng Xuyến và hậu duệ nhà quan lớn họ Lê ở Đông Kinh (*). Năm nay cái rét đến sớm, mới tháng Bảy mà đã có gió heo may rải đồng. Gió lạnh se se cộng với mưa ngâu rả rích làm người ta não cả lòng.
(*) Đông Kinh là kinh đô Đại Việt thời Hậu Lê.
Vào một đêm mưa gió như thế, người làng Xuyến vẫn phải xắn ống quần lên mà đến nhà phú hộ để dự lễ cưới. Kể cũng lắm sự lạ. Mặc dù từ trước đến nay làng Xuyến vẫn lưu truyền tục rước dâu vào ban đêm, nhưng đó là chuyện từ rất xa xưa rồi. Sau mấy chục năm bị giặc Minh xâm lược, ma giờ còn nhiều hơn người, những nhà làm theo tục lệ này cũng vãn hẳn đi, vì chẳng ai muốn con gái mình bị gả đi trong cảnh màn trời chiếu đất cả. Đấy là điều không may mắn. Huống hồ gì, việc tổ chức hôn lễ vào tháng Bảy âm lịch là điều cực kỳ cấm kỵ, không chỉ với làng Xuyến mà bất cứ nơi nào cũng vậy. Thứ nhất vì đây là tháng mưa gió dầm dề. Thứ hai nói gở, kèn trống thường dễ thu hút đám oan hồn dã quỷ, nếu không may gặp phải thì đám cưới dễ biến thành đám tang không biết chừng.
Nói không xa, ngay đầu làng Xuyến có một bãi bắn của quân Minh. Bọn chúng buộc người già trẻ nhỏ lên đó để ép người trong làng đầu hàng, rồi lấy cúng tên bắn từng phát một vào người họ. Có những đứa trẻ bị bắn xuyên tim trào máu chết ngay, có những người già cắn lưỡi tự tử chứ cũng không muốn liên lụy con cháu mình. Máu nhuộm cổng làng như chốn địa ngục, làm người ta chết cũng không quên.
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.”
Những câu thơ này đều nói đến sự kiện kinh hoàng trong những năm tháng ấy. Còn linh hồn của những người chết oan thì cứ vất vưởng, không có cách nào giải thoát.
Nhắc đến cô hồn dã quỷ, lão Tuần lột một con tôm nhai nhồm nhoàm rồi chợt nói:
– Các bà có biết cái nhà lão Tư ở phía Nam thôn không?
– Có có. Ai chẳng biết lão chứ? Ối giời ạ, có trời làm chứng. Mấy người như lão ai đã gặp một lần thì không đời nào quên được. Mặt mũi như người chết, quần áo đầy mùi người chết. Làm nghề mai táng thì làng nào chẳng có một hai người. Nhưng làm gì có kẻ nào giống kền kền như lão, chỉ chực chờ rủa người ta chết để bu vào.
– Chính tai tôi nghe thấy lão nguyền ông Hạnh ở xóm bên mau chết đi. Hôm sau ông Hạnh chết thật thì lão hớn hở mang theo con nuôi đến để kiếm cơm. Kệ cũng tội nghiệp, ông Hạnh là người đức độ mà có học, cuối đời lại dính phải tiểu nhân.
Lão Tuần chỉ nói một câu thôi, mấy cái miệng đã bâu vào liến thoắng. Lão liền mất hứng, gõ cái đũa lên bát ra hiệu mọi người im lặng:
– Im nào nghe tôi kể. Chắc mấy người không biết. Lão chết rồi! Chết cả nhà luôn.
– Chết rồi? Sao mà chết? Tôi có nghe thấy tin gì đâu.
– Vừa mới thấy xác chiều nay. Chẳng biết chết từ bao giờ, mùi nồng cả lên, máu nhuộm đen cả hai cái giường, lão với thằng Huân. – Lão Tuần chép chép miệng. – À nhắc mới nhớ, cái Tâm đi đâu thì không thấy. Nhưng xem chừng là bỏ nhà đi theo trai. Đáng đời cái nhà đó. Tháng cô hồn mọi năm toàn ăn của vong, giờ biến thành cái xác lạnh bị quẳng ra đường chẳng ai chôn.
Mọi người nghe đến đây vội hít sâu một hơi. Đúng lúc đó, mấy ngọn nến chợt tắt mất. Gió lạnh thổi vào sân hun hút hun hút, kèm với tiếng gió reo “vùn vụt” làm cho quan khách trong nhà nháo nhào cả lên. Lão Tuần thì cứ ung dung, chậc chậc trong miệng:
– Đúng là cái tập tục rước dâu buổi tối này nên bỏ đi thôi. Nhà giàu còn chẳng đủ nến mà…
Cạch…
Đột nhiên, chiếc đũa trên bàn lão Tuần đột nhiên rơi xuống đất lăn mấy vòng. Trong nhà lúc này yên tĩnh lạ kỳ, lão nhìn xung quanh, nghĩ nghĩ rồi cúi xuống nhặt nó lên. Kỳ lạ là lão không chạm phải đất, mà động vào một cái gì đó mềm mềm, lạnh như băng.
Lão rùng mình, cố vững dạ mà sờ nắn, thì thấy đó là một bàn tay người.
– Tay… tay… – Lão ú ớ không thành tiếng rồi ngẩng đầu lên.
Vài cây nến đã được thắp lên, nhưng chỉ chiếu sáng vài quầng nho nhỏ, khiến cho lão nhìn thấy một phần khuôn mặt trắng bệch đang đứng trước mình. Đó là khuôn mặt của một người con gái rất xinh đẹp. Mặt cô ta cắt không còn một giọt máu, đôi môi đỏ chót rỉ máu tươi vằn vện. Cô ta nhìn chòng chọc vào lão với đôi mắt xanh lét, rồi nhe bộ răng nhuốm máu của mình ra.
– Các vị dùng bữa tự nhiên đừng phí phạm. Làm quỷ đói thì chỉ thiệt thân thôi. – Khóe miệng người con gái phát ra những tiếng rời rạc, như tiếng gọi từ âm ti địa ngục.
Lão Tuần thấy thế ngã lăn ra sàn sùi bọt mép:
– Ma! Cứu tôi với, có ma!
– Ma ở đâu vậy?
– Lão Tuần dở rồi đi?
Nến trong nhà lúc này đã được thắp sáng hết lên. Mọi người vẫn dùng bữa như thường. Nếu có gì khác là thì đó là bàn của lão Tư vừa có thêm một người. Cô gái mặc áo đỏ cúi xuống nhặt chiếc đũa từ dưới chân bàn, rồi cẩn thận đặt lên mâm cơm, đoạn nói:
– Xin lỗi đã dọa chú. Để cháu sai người làm lấy đôi đũa khác.
Cô gái vừa nói vừa lấy tay lau vết son đang bị lem ở khóe miệng mình, đồng thời ra hiệu cho người làm đỡ lão Tuần dậy. Cả người lão Tuần mềm như bún, dù có dựng dậy bao nhiêu lần cũng không vững.
– Chú Tuần trúng gió rồi. Mọi người cứ dùng bữa, cháu sẽ gọi thầy lang đến xem bệnh cho chú ấy. – Cô gái lại quay sang bảo.
Lúc này thì người trong làng hầu hết đã nhận ra người này chính là cô dâu ngày hôm nay, Uất Lan.
***
Uất Lan là con gái duy nhất của Uất Văn Hòa, là phú hộ giàu có nhất của làng Xuyến. Từ rất xa xưa rồi, hầu hết người trong làng đều họ Đặng, chỉ có một hai nhà họ Dương, Văn. Người trong làng thường lấy nhau nên những người khác họ càng hiếm. Uất Văn Hòa và lão Tư được coi như kẻ ngoại lai. Mà quả thực, vốn dĩ tổ tiên của Uất Văn Hòa là thương lái Trung Quốc đến Đại Việt từ thời nhà Trần rồi lấy vợ sinh con ở đây.
Uất Lan từ nhỏ đã được người ta yêu mến với vẻ ngoài xinh xắn. Mà cả đời Uất Văn Hòa chỉ có một người con nên hết sức cưng chiều, muốn gì được nấy. Nhưng cô gái này cũng là người số khổ, vừa mới sinh ra đã bị bệnh triền miên, hơn nữa còn không nói được. Thầy lang trong vùng đều bảo cô bé chỉ sống đến năm mười tuổi mà thôi.
Thật ra chuyện này sẽ chẳng có ai nhớ đến nếu không có chuyện lạ vào mười năm trước. Lúc ấy, Uất Lan mới có bảy tuổi, do mải chơi nên đã bị ngã xuống sông, khi vớt lên thì người cô bé đã lạnh ngắt trong đám rong rêu, thậm chí còn trào máu mắt máu mũi. Uất Văn Hòa khóc chết đi sống lại mới chấp nhận một điều rằng con mình đã chết rồi. Nhưng lúc chuẩn bị cho người khâm liệm cho con gái thì đứa trẻ đột nhiên sống lại, gọi ông ta là “cha”.
Sau chuyện lạ này, Uất Lan ngày càng khỏe mạnh, sống đến năm mười bảy tuổi vẫn không có vấn đề gì cả. Người ta bảo cô là người hiền lành nên nhờ họa được phúc. Nhưng cũng có người đồn đại cô là quỷ nhập tràng, là điềm xui rủi nên tránh xa thì hơn. Chẳng ai biết thế nào mà lần.
Thứ mọi người không biết là người đứng trước mặt họ lúc này đã không còn là Uất Lan. Không phải là quỷ nhập tràng, mà là thay thịt đổi da.