= 2 =
Thầy cúng Giàng Lý Cháo đã múa xong bài khèn Khua Kê để chỉ đường cho vong hồn người chết, bên tai Giàng Mùa Pao vẫn văng vẳng tiếng hát:
– Mình chết thật hay mình chết giả
Mình chết giả thì mình dậy đi
Ngoài kia vũ trụ u mờ
Nơi thiên đàng tôi dắt mình đi chơi mọi chỗ…
Trước đôi mắt đã nhòe đi vì nước của Pao, thầy cúng Cháo đang run run bón từng thìa cơm, thìa rượu vào miệng cái xác cứng đờ, tẩm liệm sơ sài trong vài bộ quần áo rồi treo lên chiếc cáng sát với tường nhà. Người chết mắt đã nhắm nghiền, khuôn mặt tái nhợt đã không còn huyết sắc sẽ treo xác ở đấy cho đến ngày thứ ba, theo lời dặn dò của thầy cúng Cháo và cũng là tục lệ của người Mông xứ Sa Kha này. Trên mâm cúng cho người chết, đã có một chiếc nỏ, một con dao và một con gà trống để chỉ đường cho người chết được về với nước thiên đàng.
Tiếng hát Khuê Kê lại vang lên cùng điệu khèn tiễn ma réo rắt như xoáy vào những vết thương còn rỉ máu trong lòng Pao.
Thầy cúng ngừng khấn, liếc mắt nhìn Pao rồi đi tới chỗ ông già đang ngồi gục bên bàn đèn thuốc phiện. Ông lão thấy thầy đến, điếu thuốc phiện trên đầu kim đã nở phồng, mòng mọng, đen nhánh. Phóng điếu thuốc vào lỗ tẩu, ông lão nghiêng người đưa điếu cho thầy Cháo.
thầy cúng dí miệng tẩu vào ngọn lửa, hóp má hít. Pập pập pập… mấy hồi. Thuốc cháy, không một sợi khói nhưng thầy Cháo đã vội vàng ngồi dậy, rũ rượi ho khi tay vẫn đang lần tìm ấm nước.
Ông lão nhìn thầy Cháo, thầy Cháo dụi đôi mắt đỏ ngầu vì sặc khói, phều phào nói:
– Hơi thuốc đắng quá!
Ông lão gật đầu nhưng không nói gì, ông cũng thấy thuốc phiện hôm nay đắng ngắt, dẫu rằng đấy vẫn là thuốc từ nương của nhà, ông tự trồng, tự lấy mảnh đồng cứa nụ hoa lấy nhựa. Người ta bảo, thuốc phiện là thuốc thử người, xem người lành hay người tật. Khi nào thấy hơi thuốc đắng ngắt, nghĩa là người đã ốm.
Ông ốm rồi, đã quá sáu mươi, bao nhiêu sức vóc đã đều hao hút. Đã thế, mấy ngày nay, cái chết của đứa con dâu lại ám ảnh ông, làm ông mãi vẫn không hết bàng hoàng., ba tiếng súng kíp do con trai ông bắn báo hiệu trong nhà có người vừa chết vẫn còn văng vẳng bên tai như một lời nguyền rủa.
thầy Cháo nhìn ông lão, rồi khò khè nói:
– Hố Pẩu à!
Ông lão không quay lại, khuôn mặt vẫn bần thần, nhưng đầu thì vẫn nghe những lời thầy Cháo đang rót vào tai:
– Hố pẩu à! Năm nay nhiều chuyện xui xẻo quá!
– Ừ! Cả làng năm nay…
– Tôi định bỏ làng Sa Kha đi hố pẩu ạ!
Ông lão giật mình quay sang:
– Ông đi đâu? Sao lại đi?
thầy Cháo lắc đầu:
– Không ở Sa Kha được nữa đâu hố pẩu à! Việt Minh về đây thì người Mông mình không ở được nữa!
– Sao lại không?
Ông lão hỏi, thầy Cháo khe khẽ mím môi lặng đi một vài giây rồi mới nói:
– Hố pẩu là người to nhất của họ Giàng ở Sa Kha, hố pẩu không thấy à? Từ ngày Việt Minh đến, mang theo bao nhiêu điều đen đủi, con bò, con lợn ăn mà không lớn, con người ăn mà cứ chết dần chết mòn.
Ông lão im lặng. Giàng Seo là hố pẩu, là người có danh vị nhất của họ Giàng ở làng Sa Kha này. Mọi gia đình họ Giàng ở đây đều phải nghe lời ông, các con ông ba người thì cả ba đều là du kích, chiến đấu làm việc và hi sinh cho lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc. Giàng Mùa Pao, thằng con trai cả của ông là đứa duy nhất còn sống sót sau những năm chống Quốc Dân Đảng, hiện đang là chỉ huy của cả đội du kích trong làng, là phó ban quân vụ. Được Việt Minh tín nhiệm. Tại sao lúc này lão mo lại nói rằng không thể sống đươc với Việt Minh?
Bên tai Giàng Seo, lão thầy Cháo lại tiếp:
– Việt Minh đến, không cho ta trồng thuốc phiện! Bắt người Mông ta phải trồng lúa, trồng ngô! Mà hố pẩu còn lạ gì đất ở Sa Kha này nữa? Ngô lúa thì còi cọc, mà thuốc phiện thì chỉ cần nghe tiếng mưa, tiếng gió gọi về là đã xanh mướt khắp sườn đồi. Việt Minh không cho người Mông họ Giàng trồng thuốc phiện, thì người Mông họ Giàng lấy gì để đổi lấy muối, lấy ngô?
Hố pẩu Giàng Seo vẫn im lặng, lão mo lại tiếp:
– Người Mông ta khổ biết bao đời! Ngày xưa có đất, có ruộng, người Mông ta sung sướng. Thua giặc Hán rồi, người Mông phải chạy về phương Nam. Lau mồ hôi rát cả mặt mới tới được đất này. Đất không ba thước bằng, trời không được ba ngày nắng, hạt muối khi có khi không. Từ ngày có cây thuốc phiện, người Mông ở Sa Kha mới nở mặt nở mày. Bây giờ Việt Minh lại bắt người Mông ta bỏ cây thuốc phiện…
– Việt Minh là người tốt! Việt Minh cho mình được tự do!
– Tự do? Tự do của Việt Minh có khác gì tự do của thổ ti người Nùng? Người Mông ta vẫn phải làm, vẫn phải đóng thuế cho chúng nó thôi hố pẩu à!
Hố pẩu Giàng Seo lắc đầu:
– Hôm nay là ngày tang của cháu, tôi không muốn nói chuyện này thầy cúng ạ!
thầy Cháo đáp lại bằng một hơi thuốc phiện:
– Phải rồi! Phải rồi! Tôi quên mất, xin lỗi hố pẩu à! Nhưng từ ngày Việt Minh về, tôi đã phải cúng đến chín cái đám ma rồi… Việt Minh về là con ma ngũ hải cũng về theo!
Nghe đến đây, hố pẩu giật mình, quay phắt trợn mắt nhìn sang:
– thầy Cháo à!
thầy Cháo im lặng không nói nữa, langwrl ặng đứng lên đi về phía cái cáng treo xác chết của Sao Mây sát vách nhà, Giàng Mùa Pao vẫn ngồi khóc ở cột nhà, thầy Cháo đến gần lại vỗ vào vai Pao một cái.
Hố pẩu Giàng Seo nhìn thấy cả, thầy Cháo vừa nói ra một điều khủng khiếp nhất với người Mông ở xứ này. Người Mông quan niệm rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn, mỗi một ngọn núi, cánh rừng, gốc cây, hòn đá đều có ma cai quản. Ma thiện thì ít, còn ma ác thì nhiều, chúng luôn rình rập để bắt hồn người sống. Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp chuyện gì không may thì người Mông cho rằng đó là do ma làm. Trong các loại ma., ma ngũ hải là ma nguy hiểm nhất, nó thường gây ra những cái chết đột ngột, chẳng hạn như ngạt thở hoặc hộc máu mồm mà chết. Người nào đã bị thả ma ngũ hải thì ốm đau quặt quẹo hoặc đột tử, gia đình không làm ăn được gì. Đàn bà bị thả ma ngũ hải sẽ không đẻ được con, ốm đau quặt quẹo mãi.
Từ sau ngày Sao Mây ốm liệt giường, người ở Sa Kha cũng đồn rằng cô bị kẻ khác thả ma ngũ hải. Bởi vì Sao Mây lấy con trai hố pẩu đã ba năm mà không sinh nở, mặc cho Pao đưa vợ đi bao nhiêu thầy thuốc, lẫn thầy cúng mà cái bụng của Sao Mây vẫn cứ phẳng lì như thời con gái. Từ lúc ấy, người ta đã đồn Sao Mây bị thả ma ngũ hải. Pao không tin, hố pẩu Giàng Seo cũng không tin. Nhưng vợ Pao thì cứ ốm, cái miệng trong bản nó cứ đồn. Bị thả ma ngũ hải sẽ chết. Rồi Sao Mây chết thật, chết không có con thì khi mình chết, không ai cúng ma cho mình.
Bây giờ thì thầy Cháo lại bảo ma ngũ hải theo Việt Minh về, thế nghĩa là sao? Việt Minh là người tốt, ít nhất là hơn thổ ty họ Nùng, hơn bọn Quốc Dân Đảng và hơn lũ Nhật Lùn ngày xưa.
Ông Seo không muốn tin và cũng chẳng thể tin rằng Việt Minh lại có dính dáng gì đến ma ngũ hải. Người Kinh làm gì biết nuôi ma! Cái chính yếu là chỗ đấy!
Vừa nghĩ, hố pẩu Giàng Seo vừa nhìn ra ngoài sân, ở đấy, ba bốn thanh niên họ Giàng đang cùng với một tay cán bộ dưới xuôi làm thịt một con lợn của một gia đình mang tới làm đồ cúng ma. Tay cán bộ ấy đến đây cũng được hai năm rồi, bắt đầu nói sõi tiếng Mông, cũng biết hút thuốc phiện và cũng biết múa khèn. Có điều cán bộ Vũ không liếng thoắng như nhiều cán bộ Việt Minh khác lên đây chỉ cốt để tuyên truyền. Hố pẩu Giàng Seo thấy ở y dường như có điều gì u uẩn, và hàng ngày, hố pẩu vẫn thấy hắn cặm cụi gánh nước tưới rau hoặc thong dong cùng con ngựa trên mấy sườn đồi để bắn chim. Vũ im lặng như hòn đá, nhưng trong ánh mắt màu lá úa, hố pẩu thấy phảng phất một thứ khí chất của núi rừng, ẩn tàng một tâm hồn thổ mán mà chính y có lẽ cũng chẳng nhận ra.
Y cũng là Việt Minh, y đâu có xấu xa như lời thầy Cháo?
Nghĩ đến thầy Cháo, hố pẩu nhìn về đàn cúng, thầy Cháo đang thủ thỉ điều gì với Pao. Hố pẩu Giàng Seo thấy con trai mình chỉ lắc đầu quầy quậy rồi lại gục mặt xuống hai đầu gối mà nức nở.
Bên tai hố pẩu Giàng Seo lại văng vẳng cất lên thứ tin đồn lâu nay vẫn truyền tai nhau ở làng Sa Khá:
– Con dâu hố pẩu bị thả ma ngũ hải rồi!
[CÒN TIẾP]