Tấm tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên giường. Cám ngồi bên cạnh nhìn chị. Thấy mẹ Cám đem thuốc vào, Tấm òa lên mà khóc.
Mẹ Cám ôm tấm vào lòng. Lúc này, thị đã cảm nhận được hơi ấm trong người Tấm. Lần đầu tiên trong mười sáu năm, trên khuôn mặt Tấm ánh nên nét hồng hào, không còn nhợt nhạt vô hồn nữa.
Người mẹ xoa đầu Tấm, rồi nói với con:
“Đã đến lúc ta phải đi rồi.”
Tấm ngạc nhiên.
“Trước trận chiến, có người đã báo về kinh về việc con bị ám hại. Nhà vua đã cho người dán cáo thị khắp nơi. Ta và Cám nay đã phạm trọng tội. Có lẽ, từ nay không thể ở bên con được nữa.”
Tấm cầm tay mẹ, nói rằng mình có thể khuyên can nhà vua.
“Ta không muốn làm khổ con. Hơn nữa, trên người Cám hiện đang mang một vật quí giá. Cám đã nhận ý chỉ của thần linh, ta phải đưa Cám đem thần vật về nơi cất giữ.”
“Con hãy về bẩm với nhà vua, mẹ con ta đã chết trong trận chiến. Như vậy sẽ tốt cho đôi bên. Con giờ không còn bị ác linh chiếm giữ nữa, cũng không còn là cô Tấm bé bỏng ngày nào, là một vương phi, hãy khuyên can nhà vua làm điều thiện, trở thành vị vua anh minh mà tốt cho dân.”
“Dù thế nào đi nữa, hãy nhớ rằng ta rất yêu thương con. Từ lúc con sinh ra đến giờ, ta vẫn mong được con gọi một tiếng “mẹ”.”
Tấm đang mở miệng định nói, thì bên ngoài tiếng ngựa xe rầm rập. Sau khi nhe tin, nhà vua đã lập tức rời cung, đem theo hàng trăm tinh binh đến tận đây, chỉ để đảm bảo Tấm được an toàn.
“Đã đến lúc ta phải đi rồi.” – mẹ Cám đứng dậy, Cám cũng đứng dậy theo
Giữa hai người xuất hiện một làn khói ngập cả căn phòng, Cám nhìn Tấm mỉm cười, sau đó biến mất trong làn khói ấy.
Khi quân lính xông vào. Chỉ thấy Tấm trơ trọi một mình, tay đưa ra trước mặt.
Một giọt nước mắt khẽ rơi.
“Con… còn chưa kịp gọi mẹ mà…”
___
Một tháng sau
Từ ngày Tấm về cung, hôm nào cũng ủ rũ, thẫn thờ nhìn ra khoảng sân vắng. Trong cung nhiều hoa cây cỏ lạ, mà sao lạnh lẽo vô tình.
Nhà vua tìm đủ mọi cách để làm cho Tấm cười. Vua cho rằng, Tấm vẫn bị tổn thương từ đợt bị dì ghẻ ám toán, cho bao nhiêu người đem của ngon vật lạ, đủ thứ dị thường, khi thì con vàng anh, khi thì khung cửi cho Tấm giải khuây, nhưng tất cả đều vô hiệu.
Một hôm, vua gọi Tấm đến, mặt hồ hởi:
“Ta biết nàng vẫn buồn. Nhưng hôm nay, cuối cùng ta đã nghĩ ra món quà quí giá nhất để tặng nàng.”
Tấm nhìn nhà vua, vẻ mặt không hiểu.
“Đi theo ta.”
Vua dẫn Tấm đến một căn nhà lớn, bên trong hàng chục người đang chấm mực đen rồi ngồi viết, những chồng giấy cao được đóng thành từng quyển. Vua quay sang bảo với Tấm:
“Từ hồi ta đưa nàng về. Khắp nơi lũ tiện dân nghị dị, nói những điều không hay. Một vương phi như nàng cớ sao phải chịu những lời đơm đặt như thế?”
Rồi nhà vua lấy một quyển rồi đưa cho Tấm.
“Vậy là ta đã viết nên một câu chuyện cho riêng nàng. Hồi mới vào cung, nàng kể với ta về mụ dì ghẻ, về con cá bống nàng nuôi. Ta đã dùng những chi tiết đấy, viết lại thành truyện. Từ nay sẽ cho người giả trang đi tra hỏi, kẻ nào kể khác, lập tức bắt đem vào ngục, đánh cho đến bao giờ hắn nói đúng những gì ta viết thì thôi.”
Tấm quay sang nhà vua:
“Bệ hạ không thể làm thế.”
Nhà vua xua tay rồi quay đi:
“Nàng không muốn, thì ta vẫn cứ làm. Việc này, ta đã quyết rồi. Thể diện của nàng, cũng là thể diện của ta. Vương phi một nước mà chúng không coi ra gì, thì còn coi nhà vua ta ra thể thống gì nữa?”
Nói xong, vua phủi áo đi mất, để lại Tấm trong căn phòng với những câu chuyện còn đang viết dở. Tấm cầm quyển sách trước mặt lên, trên đó có ghi: “Cổ tích Tấm Cám.”
Không lâu sau, chiếu chỉ được ban ra, mọi người dân đều phải thuộc lòng câu chuyện này. Một câu chuyện kể một lần người dân coi đó là đơm đặt, kể mười lần thì kẻ bán tính bán nghi, kể đến một trăm lần thì người ta tin đó là sự thật.
Vậy là từ đó, trên thiên hạ, bà kể cho cháu, mẹ kể cho con, từ đời này sang đời khác. Trên các nẻo đường làng quê, người dân vẫn nghe tiếng của những đứa trẻ hát đồng dao:
“Ngày xửa ngày xưa
Có một cô Tấm
Hiền dịu, nết xa
Sống cùng mẹ ghẻ
Độc ác, xấu xa
Bị hại bao lần
Tấm đều trở lại
Tấm là chim hót
Tấm là cây xoan
Tấm trong khung cửi
Tấm thực rất ngoan
Tấm trong quả thị
Tấm là cô Tấm
Tấm là cô tiên…”
Cũng có một số dị bản xuất hiện, của những bà mẹ kể cho những đứa con hư:
“Đứa trẻ nào hư
Sẽ bị Tấm bắt
Đi cướp chồng người
Tấm sẽ khoét mắt
Đừng nhắc đến Tấm
Vào lúc nửa đêm
Tấm buông tóc xõa
Xuất hiện bên thềm…
Đôi mắt trắng dã
Tấm đứng mỉm cười
Chị nuôi cá bống
Em muốn cùng chơi?
Bống bống bang bang
Bống bống bang bang…”
Rồi nhân gian kể nhau những câu chuyện được viết nên như thế, có kẻ truyền tai nhau, có kẻ ghi chép lại, kẻ thì bảo cô Tấm hiền dịu nết na, lại có kẻ cho rằng Tấm thật độc ác đáng sợ. Cuối cùng, Việc Tấm có sống hạnh phúc cùng nhà vua đến hết đời không, cũng chẳng ai biết.
Và đó là cách câu chuyện cổ tích Tấm Cám được kể lại cho đến ngày nay.