… Sau năm 1975 …
Cuối cùng thì cái ngày đó cũng đã tới, cái ngày mà bom thôi rơi, đạn ngừng lạc. Cái ngày mà đất nước Việt Nam này không còn phải chịu cảnh phân kỳ, không còn chịu cảnh đường về chia 2 lối cũng đã đến. Thế nhưng cái niềm vui hòa bình đó cũng xin tạm gác lại khi mà nước ta vừa trải qua một cuộc bể dâu kéo dài đằng đẵng, giờ chúng ta phải chuyên tâm vào lao động và sản xuất. Phải phấn đấu vươn lên, để xây dựng lại từ đầu, để làm lại từ đầu. Bây giờ đang là mùa măng trong khu Rừng Câm, Ông Vinh lại rủ thằng con trai mới lớn 12 tuổi của mình tên Tú lên rừng bẻ măng măng mang xuống chợ huyện bán. Và cũng như mọi lần, cứ khi nào bố nó rủ nó đi là thằng Tú sốt sắng hẳn lên. Vốn dĩ nhà nó cũng khá là gần rừng, chỉ đi bộ có hơn một tiếng là đến, mà cứ mỗi mùa măng tới, là nó có thể phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Chưa nói đến việc, thằng Tú cũng thường hái thêm cả nấm và một số đặc sản rừng khác để có tiền tiêu vặt.
Hai cha con bắt đầu tiến sâu vào rừng, trên lưng ông Tú đeo một cái túi vải to, quanh mình đeo một số thứ đồ lặt vặt khác gồm một cây nỏ mà ông đổi được của người dân tộc, một cây quắm cán dài to và cái thuổng. Thằng Tú cũng đeo một cái tui vải tương tự, nó được bố mình trang bị thêm một số thứ khác cùng với một con rựa và một cái thuổng nữa. Ông Vinh đi trước cầm cây quắm to phạt cành cây để mở đường cho hai cha con, thằng Tú cứ lúi húi đi theo sau. Hai cha con họ cứ đi mãi, đi mãi cuối cùng cũng đã vào được khu rừng vầu thuộc địa phận Rừng Câm. Thằng Tú đi sau cố vểnh tai lên nghe ngóng khắp cả rừng, ngoài tiếng cây quắm của bố nó phát cành cây ra thì quả nhiên là không hề có một thứ tiếng chim muông gì khác, thằng Tú hỏi:
– Bố bố… sao không có nghe tiếng chim hay như là muông thú kêu nhỉ? Không lẽ nào rừng này quả thật không hề có một con thú hoang nào?
Ông Vinh vẫn đi trước tay phạt cành ngó nghiêng nói:
– Bộ con quên ta bảo con đây là Rừng Câm rồi hay sao? Đã gọi là câm thì sao có tiếng động được con?
Có lẽ ông Vinh cũng không trách thằng Tú khi hỏi câu đó, đơn giản là vì đây mới là lần thứ 3 nó lên rừng bẻ măng cùng với ông. Thằng Tú tiếp lời:
– Con tưởng cái đó chỉ là truyền thuyết thôi chứ?
Ông Vinh cười thành tiếng, thế rồi ông nói:
– Đôi khi truyền thuyết lại là thật đó con trai ạ.
Thằng Tú nhanh nhẩu tiến lại cạnh bố nó hỏi:
– Nếu bố khẳng định là có thật thì tại sao bố còn mang ná và dao với mấy thứ đi săn làm gì ạ? Chẳng phải bố vừa bảo là không có một con thú hoang nào hay sao?
Ông Vinh nghe cái câu hỏi đó thì ngẫm nghĩ trong giây lát, rồi ông quyết đinh là sẽ nhân cơ hội này để rèn tính can đảm cho thằng con trai mới lớn của mình. Ông Vinh đổi giọng:
– Phải mang những thứ đó là để phòng thân con trai ạ. Rừng thiêng nước độc, không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra đâu, nên chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị kĩ khi đi rừng con nhớ chưa?
Thằng Tú nghe cái giọng bố mình thì nó có hơi rờn rợn, nó hỏi:
– Chuẩn bị cho thứ gì hả bố? Trong rừng này làm gì có gì ngoài cỏ và cây? Và hai bố con mình?
Thầy rằng bản thân mình đã kích thích được trí tò mò của thằng con tới cực độ, ông Vinh làm tới:
– Chuẩn bị cho những thứ cứ tưởng rằng không thật nhưng lại rất thật. Con có sợ ma không?
Thằng Tú nghe thấy bố mình hỏi có sợ ma không thì nó có hơi xoắn, thế nhưng bản năng của một thằng con trai mới lớn trỗi dậy, nó nói:
– Ma làm gì có thật mà sợ hả bố?
Ông Vinh mỉm cười nói:
– Nếu không có thật sao tối tối con vẫn phải lên nằm giữa bố mẹ làm gì? Mà ma rừng là nó khác với cả ma nhà đó con.
Thằng Tú bắt đầu sởn gai ốc, nó đi sát lại hơn vào người bố nó, mắt bắt đầu nhìn quanh. Ông Vinh thấy điệu bộ con mình như vậy thì cố nhịn cười, ông tiếp lời:
– Trước trong rừng này từng có một lữ đoàn pháo binh đóng quân. Nghe đâu trong suốt thời gian họ ở đây, năm nào cũng có một chiến sĩ bộ đội biến mất cho tới khi lữ đoàn pháo binh rời đi. Người ta bảo rằng họ biến mất do bị ma rừng bắt đi đó.
Thằng Tú càng nghe bố nó nói thì càng sợ hơn nữa, nó nói:
– Thôi bố đừng dọa con nữa.
Bố nó đứng lại vuốt đầu nó nói:
– Nếu con không muốn bị ma rừng bắt đi thì phải ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ và chăm chỉ học hành nghe chưa?
Nó gật đầu lia lịa, và rồi hai bố con bắt đầu công việc bẻ măng. Trong suốt thời gian thu hoạch măng, ông Vinh để ý thấy thằng con mình cứ quẩn quanh mình mà không hoạt bát hay chạy đi ra xa như mọi khi thì có hơi áy náy, ông ta sợ rằng lúc nãy dọa thằng Tú hơi quá đà mà bây giờ nó đâm ra còn nhát hơn. Thấy vậy ông Vinh giả vờ hỏi:
– Thế con không đi tìm nấm nữa à?
Thằng Tú hý hoáy đào măng nói:
– Thôi để sau bố ơi.
Ông Vinh lúc này mới nói:
– Con không phải sợ ma rừng đâu, chỉ cần con ngoan ngoãn là nó không bắt được con, chưa kể đến việc con rựa bố đưa cho con là của người dân tộc. Đó là thứ bùa hộ thân khi đi rừng đó.
Thằng Tú vẫn hí hoáy đào và bẻ măng, nó vờ như không nghe thấy bố mình nói gì. Bất ngờ một tiếng “răng rắc” phát ra rõ mồn một, rất gần. Thằng Tú đứng hình, hai tay bất động, nó ngẩng đầu mắt liến láo nhìn quanh. Ông Vinh đang đào măng gần đó thấy thằng con mình khi không như vậy thì hỏi:
– Sao đấy Tú?
Thằng Tú vẫn nhìn lên trên những thân cây vầu cao vun vút kia mà nói:
– Bố có nghe thấy cái gì không?
Ông Vinh hỏi mặt nghi hoặc:
– Nghe thấy gì là nghe thấy gì?
Thằng Tú khi không bẻ nốt măng ở đó rồi nó tức tốc chạy ngay ra gần bố mình đào tiếp, ông Vinh thấy vậy thì nghĩ rằng thằng con mình chắc đang sợ sun cả vòi nên cũng kệ.
Hai bố con cứ mải miết đào măng, tới khi cả hai túi đã nặng chĩu. Ông Vinh ngồi bóc lớp vỏ ngoài của măng ra và cho vào túi, vừa bóc ông vừa mừng thầm, “măng mùa này múp như vậy chắc bán được giá lắm đây”. Ông Vinh cứ ngồi đó bóc măng mà không để ý tới thằng Tú đã đi xa ông từ lúc nào. Không hiểu vì sao mà đột nhiên trong rừng vầu bỗng tắt nắng, sương bắt đầu dầy lên đến lạ thường. Thằng Tú đang đi loanh quanh như để tìm xem còn măng không, bất ngờ nó để mắt thấy có một con chim mầu sắc khả đẹp. con chim này cất lên cái tiếng hót thánh thót như mê hoặc thằng Tú. Thằng Tú tiến tới và đưa tay vuốt ve và nâng con chim này lên, con chim rừng này không hề bay đi mà để im cho thằng Tú vuốt ve. Được một lúc, con chim lại nhẩy khỏi ta nó và bay ra phía xa hơn, thằng Tú cứ thế đi theo con chim này như bị nó làm cho mê hoặc vậy. Ngay khi mà ông Vinh nhét nốt búp măng cuối cùng vô túi thì bên tai ông khẽ phát ra tiếng “răng rắc”. Ngay lập tức ông Vinh ngửng đầu lên nhìn, và tai thì tiếp tục nghe ngóng cái thứ âm thanh lạ. Ông nghĩ rằng chắc là có cây vầu nào già rồi nên thân nứt tự tạo ra tiếng, thế nhưng khi ông ta vừa đứng lên thì bất ngờ một cây vầu bắt đầu cong thân và đổ cái rầm xuống ngay trước mặt ông. Ông Vinh bắt đầu cảm thấy sợ hãi, sợ hãi là vì ông nhìn vào thân cây vầu này thì thấy nó còn khá tươi tốt. Đột nhiên trong đầu nhớ ra thằng Tú, ông Vinh nhìn quanh giữa làn sương khá dầy mà hét lớn:
– Tú! Tú ơi!
Không có tiếng trả lời, trên đầu ông Vinh, nơi những cây vầu cao lừng lững kia là một loạt tiếng kếu “răng rắc” bắt đầu xuất hiện. Ông Vinh sợ hãi quăng cái túi măng xuống gọi:
– Tú! Con ở đâu?!
Vẫn không có tiếng thằng Tú trả lời, thay vào đó là một loạt thân vầu bắt đầu gẫy “răng rắc” và đổ xuống nền rừng. Ông Vinh như linh tính được chuyện gì đang xảy ra, ông ta rút cây ná ra lên dây và để tên. Quả nhiên như ông Vinh nghĩ, trên đầu ông, trên những ngọn vầu cao kia là tiếng loạt soạt như thể có con vật gì đó đang di chuyển. Chỉ trong tích tắc, ông Vinh như nhìn ra được sau cái lớp sương mù là bóng một con vượn đang di chuyển từ cành này qua cành kia. Ông Vinh cầm ná và bắt đầu bắn về phía con vật đang di chuyển đó, thế nhưng chỉ nghe tiếng tên “vun vút” lao đi trong không trung. Con vật này bắt đầu đu cây đi xa dần, ông Vĩnh nghĩ rằng nó đang đuổi theo thằng Tú bèn cầm ná lao theo con vật đó, vừa đi ông vừa hét lớn như thể ra hiệu cho thằng Tú:
– Tú! Mau chạy đi! Tú….!
Ông Vinh cứ chạy ở dưới đuổi theo mãi, cho tới khi ra khỏi khu rừng vầu, thoát khỏi lớp sương mù. Phía xa xa kia, trước mặt ông Vinh là thằng Tú con mình, nó đang đứng im ở đó bất động. Ông Vinh mừng rỡ chạy vội tới, thế nhưng ông ta kinh hãi khi nhìn thấy con vượn đen kia đang đu người từ trên cành cao mà với tay xuống. Giờ thì ông Vinh đã nhìn rõ, đây là một con vượn to lớn khác thường, toàn thân đen xì, cái mặt không rõ mồm mũi chỉ có hai con mắt sáng quắc nhìn ông. Tứ chi của nó thì dài khác thường, con vượn tinh đang với một cái chi xuống như để túm lấy thằng Tú. Ông Vinh chĩa ná về phía con vượn đen hét lớn:
– Tú!!!
Thế nhưng không còn kịp nữa, con vượn túm nhanh cổ thằng Tú lôi lên cao, thằng Tú giãy dụa hét lớn:
– Không! Bố Ơi!
Con vượn túm cổ thằng Tú lôi lên, thế rồi nó há cái miệng đen ngòm với răng lởm chởm ra mà nuốt trọn thằng Tú. Ông Vinh nghiến răng hét lớn:
– Không!!!
Thế rồi ông bắn ná về phía con vượn đen. Có lẽ con vượn tinh này vừa nuốt chửng thằng Tú xong nên nó di chuyển khá chậm chạp. Chẳng trách mà cuối cùng ông Tú cũng đã bắn ná trúng người con vượn tinh, máu nó tứa ra và chỉ đến phát thứ 3 là con vượn này đã rơi khỏi cây đổ cái “rầm” trên nền rừng. Con vượn tinh này cố bò đi trên mặt đất, ông Vinh thì vứt ná và bắt đầu lôi con quắm ra mà hét lớn:
– Trả con cho tao!
Thế rồi ông bổ nhát quắm đầu tiên vào chi sau con vượn mà lôi nó lại, chỉ nghe thấy tiếng con vượn này hú lên vang rừng khi mà lưỡi quắm cắm xâu vào da thịt nó tóe máu. Ông Vinh chèo hẳn lên trên người con vượn tinh và lật ngửa nó ra. Con vượn tinh đưa hai chi trước lên như thể cố cào cấu và ngăn cản ông Vinh. Ông Vinh trong cơn điện loạn thì cầm quắm mà chém lia lịa vào hai cái chi trước của con vượn nát bét. Con vượn bây giờ bị trọng thương chỉ còn biết nằm đó mà chịu trận. Ông Vinh đưa tay lần mò lên bụng con vượn tinh như thể để tìm kiếm thằng Tú, khi ông ta sờ được phần cứng cứng tròn tròn như đầu người còn đang động đậy thì ông Vinh bắt đầu dùng quắm rạch. Lưỡi quắm cứ thế xé toạc lớp da bụng của con vượn tinh, máu trào ra như xuối, tiếng con vượn hú lên trong đau đớn rung chuyển cả núi rừng. Ông Vinh cứ mãi miết một tay cầm quắm rạch, một tay thì thọc sâu vào bụng nó đề tìm và kéo thằng Tú ra, toàn thân ông Vinh bây giờ từ đầu xuống chân là nhuộm một mầu máu đỏ tươi. Chợt bên tai ông có tiếng kêu yếu ớt:
– Bố…
Và rồi chỉ sau cái chớp mắt, ông Vinh giật thọt người buông rơi cả cây quắm khi mà ông đang đứng đè trên người thằng Tú. Ông Vinh toàn thân run rẩy, mắt mở to không chớp, ông đưa hai cái tay đẫm máu lên cố bịt miệng mình khi trước mắt ông là thằng Tú nằm đó bất động, hai tay bị chém nát, bụng bị rạch lòi hết cả lục phủ ngũ tạng ra. Ông vinh toàn thân run lẩy bẩy, hai mắt cay xè nhìn thẳng vào đôi mắt của thằng Tú đang mở ra nhìn ông như van xin dừng tay. Chợt ông Vinh khóc hòa lên hét lớn:
– Tú! Con ơi!!!
Ông Vinh như hóa điên, ông ta hai tay cố vơ vét nội tạng của thẳng Tú nhét lại vào trong ổ bụng. Thậm chí ông còn cởi phăng cái áo của mình ra mà buộc người thằng Tú lại như thể để cho nội tạng của nó không bị rơi ra ngoài. Ông Vinh điên dại bế phộc cái xác thằng Tú lên chạy ngay về nhà, vừa chạy ông vừa gào khóc vang vọng cả núi rừng mà gọi tên nó:
– Tú ơi! Con đừng chết mà tú ơi!
Cái câu chuyện cha đẻ giết chết con ruột trên rừng vầu như một làn sóng thần làm trấn động cả cái đất Thái Nguyên. Ông Vinh sau cái hôm lên rừng định mệnh đó thì được cho là mắc bệnh tâm thần và đặc biệt nguy hiểm với cộng đồng nên đã bị nhốt lại. Mẹ thằng Tú khóc hết nước mắt mà chôn cất con ruột mình, thế rồi bà ta cũng bỏ xứ mà đi. Lý do và nguyên nhân gì đã khiến cho Ông Vinh giết hại dã man con mình có lẽ tới giờ vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. Cái người duy nhất biết được câu chuyện thương tâm đó có lẽ chỉ mình ông Vinh, một bệnh nhân điên dại lúc nào cũng vừa khóc vừa cười, chân bị xích trong trại mà luôn miệng đòi lên rừng vầu tìm con. Mãi về sau này, còn có một số vụ việc kì quặc có liên quan tới mất tích và án mạng cũng xảy ra ngay tại cái khu Rừng Câm thuộc địa phận Thái Nguyên này. Có lẽ cũng bởi vậy mà người dân Thái Nguyên như hạn chế lui tới Rừng Câm hơn, họ bắt đầu một đồn mười, mười đồn trăm rằng khu Rừng Câm này là nơi đất độc, trong rừng này là một con quỷ khát máu luôn đợi thời cơ để bắt người đi.