#5 Con ấn ở đâu?
Hôm nay, ông địa chủ Từ mới đi đám thất nhà ông địa chủ Hương về, con người sao mệnh yểu quá, mặc dù to con khoẻ mạnh lắm. Về đến nhà, ông Từ cũng nằm nghỉ ngơi cho khoẻ, dù sao cũng là bạn bè, rồi chỗ làm ăn lâu năm với nhau nên ông không thể không đi được. Chứ cái chuyện ngày mai táng, x.ác ông Hương bật dậy rồi cắn chết con trai độc đinh , chuyện đó nó đồn rần rần khắp nơi, ai mà không biết. Nên lúc làm cúng có bao nhiêu người đến dự đâu, một lúc giỗ đến 2 người kia mà.
Nằm đâu được lúc thì người làm mới lại trước cửa phòng mà thưa:
— Dạ con mời ông ra ăn cơm.
Ông Từ nói vọng ra:
— Tao biết rồi.
Ông Từ cho người làm ngưng quạt, ngưng bóp chân, rồi ông ngồi dậy xỏ guốc đi ra ngoài. Bên ngoài vợ con ông đều ngồi đợi đông đủ hết. Ông Từ thì may mắn hơn ông Hương, ông từ cũng ba người vợ, nhưng ai nấy cũng con cái đuề huề, trai có gái có. Nhà ông Từ ăn cơm phải 1 cái bàn lớn mới đủ cho mọi người ngồi cùng. Nhưng ông Từ được cái nghiêm lắm, bà nào trong nhà mà có ý lộn xộn là ông xử thẳng tay, biết tính ông nên ai cũng an phận.
Ông Từ đi tới phòng ăn, vợ con ông đều đứng sẵn đó, chỉ đợi ông ngồi vào bàn thì họ mới dám ngồi vào bàn. Bữa cơm đầy đủ món, và đặc biệt không bao giờ thiếu món cá trê kho lá nghệ. Đó là món khoái khẩu của ông Từ, cá trê mà cho lá nghệ nè nghen, cho thêm ớt nè nghen, ông ăn mấy chén cơm cũng được. Sau nhà ông còn đào sẵn 1 cái ao nuôi cá trê nữa mà, vừa có có ăn mà còn có cái ao sen nở đẹp nữa. Bà Thu – vợ lớn của ông mới hỏi:
— Mình qua đó thấy sao mình?
— Thấy ghê ghê, không có mấy người dám tới đâu. U ám lắm, tưởng chừng nghe tiếng khóc bên tai.
— Gì mà thấy ghê vậy mình, mà cũng đúng thôi, c.h.ế.t cái kiểu đó sao không u ám cho được. Thôi mình ăn cơm xong, lát tôi nói tụi nó nấu nước xả chanh cho mình tắm xông tẩy uế.
— Ừa, tôi biết rồi.
Đang ăn cơm một ngon, tự dưng ông Từ thấy có gì nó mắc nơi cổ, ông nhíu mày, khạc khạc vài cái. Bà Thu nhìn qua biết ngay ông lại mắc xương cá đây mà, bà lấy miếng chanh cắt sẵn trên bàn rồi cố nhỏ vào miệng ông. Bà lại vuốt ngực cho ông mà quan tâm:
— Sao rồi mình.
Ông Từ vẫn khó chịu lắm, chỉ biết lắc đầu, ông lại tiếp tục khạc cho xương cá trôi ra. Bà Thu mới đút cục cơm to cho ông Từ nuốt cho trôi xương xuống như mọi khi. Cục cơm vừa trôi qua cổ, mọi người thấy mặt ông có vẻ ổn hơn. Nhưng bỗng nhiên ông Từ ngước mặt lên trời, mắt mở to thô lố, miệng há hốc cực độ, thở mạnh vài cái rồi tay chân buông thõng, lăn đùng ra. May bà Thu với bà hai Huệ ngồi kế bên đỡ lấy ông, nhìn ông bất động họ hoảng gọi ríu:
— Mình ơi… mình bị sao vậy mình… mình ơi…
Cậu hai Tùng nhìn sắc mặt cha rất tệ nên thúc giục người làm:
— Đứa nào chạy qua kêu ông thầy Hậu coi. Coi mời cả bác sĩ nữa.
Bởi vì thầy Hậu là thầy thuốc gần nhà nên được gọi qua trước, còn bác sĩ ở xa hơn, phải lấy xe ngựa đi rước mới được. Chứ cái gì gần thì ưu tiên, chứ lúc cấp bách vậy ‘’ nước xa sao cứu được lửa gần’’.
Lát sau thầy Hậu cũng có mặt, ông liền nhanh chóng bắt mạch rồi kiểm tra con ngươi của ông Từ nữa. Kiểm tra xong mới thở dài thông báo:
— Dạ thưa bà, thưa cậu. Ông mất rồi…
Bà hai Huệ kiểu như không thể chấp nhận điều đó mới hỏi dồn:
— Mất? Sao lại mất được? Có ai bị mắc xương cá mà mất bao giờ. Ông mau kiểm tra lại đi…
— Thưa bà hai, tôi đã kiểm tra kỹ rồi, mạch ngưng đập, đồng tử cũng giãn ra rồi. Tôi xin phép về.
Cả nhà nghe xong câu đó thì bủn rủn hết chân tay, sau đó liền xúm lại chỗ ông Từ nằm mà khóc như mưa. Bà Thu vỗ mạnh lên người ông, bởi xưa nay làm gì có chuyện mắc xương cá mà c.h.ế.t đâu chứ. Điều đó quá vô lý biểu sao ai mà chấp nhận cho được. Ngay trong hôm đó x.ác ông Từ được liệm rồi cho vào quan tài. Mà trước khi liệm, mấy người liệm cũng khổ lắm, mất mấy tiếng mới kéo được cái xương cá mắc ngang cuống họng ông ra. Cái xương cá to dài,cong lên như hình cánh cung, lúc lấy khỏi cổ họng x.ác ông thì nó đã đen mà mùi thúi dữ lắm.
Sau khi liệm x.ác ông Từ xong,cờ tang, khăn tang cũng được treo lên. Không mấy chốc mà căn nhà thoáng đãng lại mang một màu tang thương. Khi mà người ngoài về hết thì những người trong nhà mới bắt đầu họp gia đình.
Cậu hai Tùng là con của bà lớn mới gọi hết mọi người lại, khi tất cả tập trung đầy đủ thì cậu hai lên tiếng:
— Giờ cha chết rồi, tôi là trai lớn lại là con của vợ lớn nên tôi có quyền hưởng hết cái tài sản này. Những người còn lại tự biết mà rời đi sau đám tang của cha.
Cậu ba Bính thấy cậu hai chia vậy nhất định là không được. Tuy cậu là con vợ thứ nhưng ít nhất cậu cũng là con trai, nhất định phải có phần trong đó. Cậu ba ngay lập tức ra mặt không bằng lòng:
— Anh hai, anh nói vậy sao mà nghe cho được? Mà cha cũng vừa mới mất, khăn tang còn chưa phục lên đầu thì anh đã lo chia gia tài.
— Chú nói sao thì mới nghe được? Giờ không chia, sau này cũng phải chia, không chia trước cũng chia sau, có gì khác nhau đâu?
— Tuy anh là anh lớn, lại là con trai thì tất nhiên phần tài sản thuộc về anh nhiều hơn. Còn tôi cũng là con trai, tất nhiên tôi cũng phải được 1 phần chứ làm sao mà không có gì được. Còn chưa kể mấy chị em mai về phục tang cho cha nữa.
— Chú nói sao chứ con gái là con nhà người ta, đã đi lấy chồng thì là hết, coi như người dưng rồi.
— Coi như người nào ra khỏi nhà thì đó là người dưng, cho dù con gái không có thì con trai phải có. Cha mới c.hết còn chưa chôn mà anh đã lạm quyền rồi.
Cậu hai nắm lấy cổ áo cậu ba, tay cũng đưa sẵn lên nắm đấm và đấm thẳng vào mặt của cậu ba. Bà Thu cũng không cản con, thong thả ngồi xem diễn kịch. Bà hai Huệ thì xót con nên lại đỡ con lên, nhìn con bị chảy cả m.áu miệng nên tức lắm. Chỉ mặt cậu hai mà trách móc:
— Nè, cậu lấy cớ chi mà đ.ánh con tôi, nó nói đúng cái tâm của cậu quá phải không? Nếu ổng còn sống thì cậu cũng đừng có mơ mà đòi chiếm hết gia tài.
— Giờ tôi thích chiếm thì sao, mấy người làm được gì tôi?
— Tôi nói cho cậu biết, cậu không có quyền nào mà chiếm được hết tài sản đâu. Ngày mai ngày mốt, kiểu gì thì mấy đứa kia cũng về phục tang, tôi xem cậu chiếm kiểu gì? Tuy tôi là vợ thứ nhưng cấp bậc và quyền hạn vẫn cao hơn cậu, gia thế nhà tôi cũng không phải loại tầm thường.
Thấy con trai có phần bất lợi, bà Thu mới chen ngang:
— Đủ rồi, không cãi nhau nữa, tôi thấy bình thường ai đó cũng ôn nhu nhịn nhục lắm. Chứ đâu ai ngờ cũng tham tài sản quá chớ.
Bà hai Huệ cười khẩy:
— Ờ thì tôi cũng như ai đó thôi, tiền bạc mà, tài sản mà, không tham thì tham cái gì hả chị lớn.
Bà Thu không nói thêm gì nữa, đằng nào cũng đợi mai mốt con gái, con rể bà về, kiểu gì mà không có phần hơn. Giờ cãi chi cho mệt, bà ra lệnh:
— Giải tán.
Ai nấy cũng về phòng mình, hai mẹ con bà ba Lan chỉ lặng lẽ lủi thủi đi về. Không dám hó hé một lời nào, con của bà là bé Thư mới hỏi:
— Má ơi, cha mất rồi, còn mình sao hả má?
Bà ba Lan mới ngồi xuống, ôm lấy con mà cười:
— Cứ chờ sự định đoạt của bà lớn thôi, có cho thì mình đỡ khổ, không cho thì mình về nhà bà ngoại, có gì ăn đó thôi con.
— Dạ.
Bà ba Lan thì xuất thân hèn kém, chỉ là một con bé người làm mà thôi. Không may lọt vào mắt xanh của ông Từ, rồi bà “ được” cưới làm vợ. Gọi là bà Lan cho nó đúng chức vụ chứ bà Lan chỉ mới tròn 25 tuổi, năm bà được ông Từ lấy làm vợ thì bà chỉ mới tròn 18 tuổi. Vì xuất thân hèn mọn nên bị những người khác ăn hiếp, coi khinh, nhưng cũng may được ông Từ thương yêu hết mực. Giờ ông Từ mất rồi, bà Lan cũng biết thân phận mẹ con bà sẽ đi về đâu.
[…]
Sáng hôm sau, khi mặt trời còn chưa lên, ai nấy cũng ngửi thấy cái mùi inh ỉnh tanh nồng. Rồi đám người làm mới chia nhau ra đi tìm chỗ phát ra mùi hôi. Cuối cùng họ cũng ra cái ao cá trê phía sau nhà, trời còn tối nên họ phải chong thêm đuốc rồi bịt kín mũi mới dám đến gần ao hơn. Những ánh sáng phản chiếu trên mặt ao không khác gì đám lửa ma trơi chênh vênh trong hư không. Những xác cá c.hết nằm ngửa bụng lên mắc len lỏi vào đám lục bình, đám người làm sợ xanh mặt, lắp bắp nói với nhau:
— C.hết… đám cá c.hết từ bao giờ vậy nè?
— Tôi… tôi cũng không biết nữa. Giờ làm sao đây? Sao mới 1 đêm mà cá c.hết thúi dữ vậy ta?
— Hỏi tôi rồi tôi biết hỏi ai? Thôi đi vào báo cho bà lớn.
— Đi đi…
Bọn họ mới nhanh chân vào báo cáo lại tình hình, bà Thu sợ xanh mặt và cũng không hiểu nguyên do vì sao. Nhưng nhanh chóng ra lệnh dọn ao, hút nước, rải vôi, chứ không một hồi khách đến sao mà chịu nỗi.
Đám người làm đã cực lại thêm cực, buổi sáng lại phải g.iết trâu g.iết bò để đãi khách, giờ lại thêm dọn cái ao. Bởi nhà ông Từ cũng thuộc loại giàu có tiếng thì làm sao mà thua nhà ông Hương được. Ta nói cái ao này mà dọn nhanh theo sức người đông cũng phải 2 ngày chứ ít ỏi gì.
Tới gần trưa, con gái lấy chồng xa mới về tới, bọn họ chạy nhanh vào ôm quan tài ông Từ mà khóc tiếng lớn tiếng nhỏ. Khóc xong rồi cùng nhau tiếp khách đến đi tang. Trên nhà trên cũng người ra người vào, bận rộn đủ bề, chứ dưới bếp đám người làm cũng tất bật không kém, việc thì nhiều vậy chứ lương cũng không được tăng lên, may ra có đồ ăn dư thì bọn họ còn được chia nhau mang về cho người nhà.
Đến tối lại, cuộc phân tranh gia sản lại diễn ra, bởi vì ông Từ c.hết bất đắc kỳ tử nên không có tờ di chúc nào được để lại. Nếu có di chúc thì ít nhất sẽ không có cuộc tranh luận này rồi.
Từ bữa ông Từ mất, sáng sớm nào người trong nhà cũng nghe tiếng trâu, bò, heo quéo bị g.iết, những tiếng kêu đau đớn, ai oán đến xé lòng. Đến nỗi mà người làm thì đã thấy sợ, cho đến người nghe thấy tiếng kêu của bọn nó cũng bị ám ảnh mấy phần.
Tối nay nữa là cuộc phân chia cuối, vì họ cũng muốn khi ông Từ chôn rồi sẽ đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống, của cải của ai người nấy hưởng. Tính tới tính lui cũng phân chia xong, giấy trắng mực đen đã rõ, ai cầm lấy phần giấy tờ của mình cũng nở nụ cười mãn nguyện. Bà Thu mới nói với mẹ con bà ba Lan:
— Hai mẹ con mày là thân phận đày tớ, ở đợ cho cái nhà này, nên tất nhiên sẽ không có gì hết. Nhưng thôi, tao cũng thương tình nên cho mày con trâu để mà mần ruộng.
Biết trước sẽ không có gì nên bà ba Lan cũng không ngạc nhiên lắm, nhưng được cho con trâu thì bà ba Lan cũng mừng, ít nhất cuộc sống sau này cũng bớt phần cơ cực. Bà ba Lan lí nhí:
— Dạ, em đội ơn bà lớn.
Sau đó bà Thu mới nói lớn:
— Lại chỗ tủ lấy con ấn của ổng ra đây.
Cậu hai Tùng nhanh nhảu lại chỗ ban thờ lấy ra cái hộp gỗ, vui vẻ đặt lên bàn. Ánh mắt ai nấy đều tập trung vào cái hộp gỗ, chỉ đợi nó xuất hiện. Nhưng khi cái hộp được mở ra, nó khiến mọi người bất ngờ rồi nhìn nhau. Cậu hai Tùng cũng không hiểu chuyện gì hết, cầm tờ giấy lên mà đọc to:
— Tao ở đâu, cái ấn ở đó.
Họ lại càng ngạc nhiên và sốc hơn nữa, cô Hoa là em gái của cậu hai Tùng lên tiếng:
— Có… có khi nào cha…
Bà Thu đoán được ý con gái bèn cản:
— Đừng nói tầm bậy,ổng còn chưa chôn.
— Vậy trong quan tài thì sao má? Có khi nào….
Bà Thu liền mắng cô:
— Mày biết tính cha mày rồi chứ, khéo ổng quở mày giờ.
Nhắc tới đó cô Hoa run lên bần bật, rồi nhanh chóng im lặng. Bà hai Huệ nói vu vơ:
— Hay là có người biết nên nhân lúc không có ai đã lén lấy con ấn rồi mang đi giấu.
Bà Thu nghe xong ngứa tai lắm:
— Ý cô nói tôi làm chuyện đó?
— Ai có tật nấy giật mình.
Tự nhiên bị gieo tiếng oan, bà Thu đứng lên đi lại chỗ quan tài chồng rồi chắp tay thề độc:
— Lạy ông, nay ông c.hết mà còn chưa chôn đã có người vu oan cho tôi. Nay tôi đứng trước vong linh ông mà thề độc, tôi mà có lấy con ấn của ông thì tôi c.hết khó coi lắm.
Khấn xong dưới sự chứng kiến của mọi người, bà Thu lớn giọng:
— Rồi đó, tao thề độc rồi đó, đứa nào ngon bước lên.
Sau đó lần lượt hết thảy mọi người đều bước lên thề độc. Cuối cùng không có con ấn, họ đành ký từng người vào bảng chia gia tài của nhau. Ai nhìn thấy bảng chia gia tài của mình đều mỉm cười hài lòng. Bởi trong cuộc chiến này, ai cũng có lòng riêng, cứ phải có tiền, có của thì lòng mới an yên vui vẻ được.
Rộc… rộc…rộc… rộc
Bọn họ giật mình, sắc mặt tái mét nhìn vào chỗ quan tài, ai giờ cũng trạng thái như nhau: chân cứng đờ, toàn thân lạnh toát, run rẩy, có người phải bám vào nhau cho đỡ sợ. Cậu ba Bính vuốt trán lau đi những giọt mồ hôi vừa tứa ra, nuốt nước miếng cho qua ngang cái cấn cổ mới dám lắp bắp:
— Mọi… mọi người đều thấy giống… giống tôi… phải không?
Người khác lên tiếng:
— Thôi… đi… đi ngủ. Mai… mai chôn rồi.
Không ai nói ai, họ nhanh chóng rút lui khỏi đó, trong lòng có chút nghi ngờ, có khi nào ai đó đã lấy nên ông Từ mới hiển linh như vậy?
❤️Hẹn mọi người thứ 4 mình gặp lại nè
? Truyện dài kỳ, hơn 100 tập, đọc hơn 3 tháng mới xong. Phí đọc trước 100 ka ạ