Tất cả những chi tiết, những sự việc, những biến động xảy ra trong nội tại văn bản và bối cảnh câu chuyện này đều chỉ nằm trong trí tưởng tượng của người viết, không có thật ngoài đời. Mọi sự giống nhau đều chỉ là trùng hợp.
PHẦN 1 – THÁNH GIÁO
Vào những năm năm mươi của thế kỉ trước, vùng đất này vẫn còn thuộc sự cai trị của thực dân cho tới khi chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, chấm dứt sự tồn tại của lá cờ Tam Tài ba màu xanh, trắng, đỏ. Xã Toàn Hà ngày đó vẫn là một khu vực có đến hơn chín chục phần trăm diện tích được bao phủ bởi những khu rừng nguyên sinh rậm rạp hoặc những mảnh đất trống bạt ngàn cỏ lau cao đến đầu người. Cái thâm u tịch mịch của núi rừng, cái hoang sơ huyễn hoặc chứa đầy huyền bí của một vùng nước độc rừng thiêng, chẳng phải chỉ xuất phát từ cảnh vật. Nó còn đến từ cái truyền thuyết xa xưa khi những người đầu tiên đến đây để khai phá nên vùng đất này. Câu chuyện truyền khẩu đó kể rằng, thuở hồng hoang từ cả trăm năm trước, khi những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này để khai hoang. Đã nhận thấy nơi đây cảnh vật ban sơ hoang hoải, xung quanh chỉ có những ngọn núi đá vôi phơi thân dưới cái nắng nung người, cây cối xao xác tiêu điều, ngoài những đồng cỏ lau cao quá đầu người thì khắp cả một vùng đều vật vạ điêu linh, sự sống phảng phất rã rời dưới ánh nắng hanh vàng chết chóc. Nhưng một ngày nọ, từ một hang núi bỗng hiện ra một vị thượng thánh, ngài thương xót những người dân xứ này, nên đã nhón tay làm phúc, hóa thành một con rồng khổng lồ cuộn tròn tấm thân dài đến hàng trăm dặm rồi lao xuống thung lũng. Mưa rơi ào ạt nhiều ngày, xua đi cái nóng thiêu người, làm mảnh đất này bỗng như có thêm sự sống, cây cối tốt tươi, thú rừng bắt đầu xuất hiện, cuộc sống con người cũng từ đó mà trở nên tốt đẹp.
Truyền thuyết ấy thực hư ra sao thì không ai biết, nhưng cuộc sống tốt đẹp mà người ta đồn đại hình như cũng chỉ có trong truyền thuyết mà thôi. Bởi lẽ, cái vùng bán sơn địa này, đã từ lâu là nơi quần ngư tranh thực, thuở xưa đây là chốn nước độc rừng thiêng, dễ thủ khó công, chỉ có một con đường độc đạo chạy xuyên qua hẻm núi để vào trong xã. Bởi thế cho nên nó đã trở thành một địa điểm chiến lược mà bất kì vị chúa đất nào cũng nhăm nhe chiếm hữu. Hết những vị chúa đất, thổ ti phong kiến, lại tới những cánh thảo khấu lục lâm, thay nhau xưng bá xưng hùng. Sau những thế lực cát cứ, là tới quân đội lê dương, người Pháp tới đây xây dựng nên những đồn điền, trường học, nhà thờ. Thiết lập nền cai trị thực dân và biến nơi đây thành một cứ điểm chiến lược để thâu tóm và thống trị cả một vùng bán sơn địa hoang vu, thông qua thuế má và thuốc phiện.
Thuốc phiện, không bao giờ tự bản thân nó xuất hiện và tồn tại một mình. Đi kèm với thuốc phiện, không bao giờ thiếu đi cờ bạc, đĩ điếm và súng ống. Cái quá khứ hỗn mang thiên địa với đủ thứ tệ nạn ghê gớm đã trở thành con bài tẩy của đám thực dân và nghiễm nhiên cũng là một mối lo gan ruột đối với chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhưng quá khứ xa xưa dù thế nào cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhất là sau những năm tháng lửa đạn mưa bom, để rồi giờ đây nó quay trở lại với vẻ bình yên vốn có, lặng lẽ như những đỉnh núi chót vót xung quanh, nhưng dường như sự im lặng luôn chất chứa những điều thần bí, như chính truyền thuyết về vị thượng thánh đại ngàn từng gieo sự sống trên mảnh đất này.
Sự im lặng cũng phủ trùm lên trụ sở ủy ban nhân dân, nơi làm việc của Huân, bí thư xã Toàn Hà. Huân cúi thấp người, giương đôi mắt đã đục màu thời gian nhìn xuống cuốn vở ô li ghi tên những người dân đăng kí hộ khẩu. Hầu như đều là những cái tên quen thuộc, khu vực này bao quanh hầu hết là những ngọn núi đá vôi, những cánh rừng thưa, người dân sống túm tụm lại giữa thung lũng nên rất dễ nhận ra nhau.
Huân lắc đầu, bất giác, vết sẹo dài vắt ngang qua đuôi mắt, khoét một vệt sâu hoắm qua lông mày của Huân khẽ giật lên, làm mắt gã cau lại, khiến gã vội vàng phải quay nhìn sang bên cạnh. Quai hàm vuông vắn, hiện lên trên khuôn mặt gầy càng làm nổi rõ hai gò má cao và sống mũi dọc dừa, khiến bí thư Huân càng có một vẻ khắc nghiệt và khổ hạnh.
Huân đóng quyển vở ô li rồi cất vào trong ngăn kéo, trước khi kéo lê một cái chân bằng gỗ trên nền nhà để ra ngoài hút thuốc lào.
Toàn Hà là một địa phương có diện tích rất nhỏ vốn chỉ có chưa đến hai trăm hộ dân, những người sống bám trên những quả đồi, những triền núi bằng nghề chăn thả gia súc và trông ngô khoai. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khốn khó, khả năng canh tác của đất đai hạn chế nên bà con đa phần đều thuộc hộ nghèo, điều kiện chất lượng sống và giáo dục đều không đảm bảo. Sự nghèo khó của địa phương còn đặc biệt khắc họa trên những bức tường chát vôi cũ kĩ của ủy ban, những chiếc ghế băng đóng bằng những bàn tay thủ công thô kệch, những cuốn vở học trò đóng bằng những tờ giấy cũ ngả màu, bức tượng Hồ chủ tịch được huyện trao tặng và cả chiếc áo bộ đội sờn vai trên người ông bí thư xã.
Bí thư Huân ngồi bệt đít dưới mái hiên trụ sở ủy ban, vân vê một nhúm thuốc lào rồi gật đầu chào một người lớn tuổi đang rảo bước đi qua.
Huân đã định nhét nhúm thuốc lào vào trong nõ, nhưng chợt gã khựng lại khi thấy người kia bỗng nhìn mình qua cổng ủy ban, ra vẻ vẫn tần ngần chưa cất bước. Huân chớp con mắt bên kia lành lặn nhìn ra phía cổng, rồi buông cái ống điếu xuống dựa vào cây cột chống mái hiên, lững thững đứng dậy chào lễ phép:
– Bác Xoan! Bác đi đâu thế?
Bà cụ Xoan, một nông dân năm nay đã gần ngót bảy mươi nhưng có vẻ hay chữ, cúi thấp người nói:
– Dạ! Không dám! Chào ông bí thư ạ!
– Ôi dào! Bác đừng có gọi cháu thế? Cháu giận đấy!
– Dạ! Bẩm vâng ạ!
– Ơ kìa! Cái bác này! Cứ thưa với bẩm mãi, mà sao bác đi đâu giữa trưa nắng thế này?
Bà Xoan bấy giờ mới ngước mắt lên, thở hắt ra khó nhọc:
– Tôi đi lùa trâu về, ông bí thư ạ!
Huân cau mày, kéo tay bà đứng vào trong một bóng râm phía sau cổng ủy ban nhân dân rồi hỏi:
– Mấy thằng nhà bác đâu mà để bác phải đi lùa trâu thế này? Nắng lắm rồi, bác có tuổi phải ở nhà nghỉ trưa chứ!
Bà Xoan lại được dịp, bà thở dài như một tiếng rên, đoạn bà lắc đầu cắt nghĩa:
– Giời ơi! Chúng nó thì có còn biết gì đến việc nhà việc cửa nữa đâu! Lại đi nghe giảng kinh rồi đấy cơ! Bảo là nghe giảng nhiều thì sau này mới được đến Khe Đại Ngàn, mới được thượng thánh Đại Ngàn vuốt ve che chở!
Vết sẹo trên khóe mắt bí thư Huân lại giật lên khiến bà Xoan giật mình, bất giác ngưng ngang câu nói như thể sợ sệt uy quyền của một kẻ có chức phận. Bí thư Huân nhận ra nét mặt ấy, vội vàng quay đi tay vô thức xoa xoa vết sẹo trên đuôi mắt, chiếc chân gỗ lục cục khẽ kéo lê lại phía sau. Huân hắng giọng, cố nở một nụ cười:
– Lại chuyện thánh Đại Ngàn à? Các con bác theo cái ông thánh Đại Ngàn ấy từ bao giờ?
– Mới theo! Nhưng mà xem chừng tin lắm! Chúng nó về cứ bảo nhau là chính quyền Sô Viết tan rã rồi, anh cả Liên Xô sụp đổ rồi, chín năm nữa, đúng năm 2000, người Nga sẽ bắn bom hột nhân để trả thù nước Mỹ, trả thù bọn tư bản đế quốc! Người Nga chết hết, người Trung Quốc không sợ ai, sẽ lại tràn sang đánh Việt Nam, giết sạch đàn ông, bắt cóc đàn bà, trẻ con thì moi gan cắt lưỡi. Cả thế giới sẽ đánh nhau, tận thế sẽ diễn ra, nếu không chuẩn bị thì thượng thánh Đại Ngàn sẽ không vuốt ve che chở, không để người ta vào trốn trong Khe Đại Ngàn! Ai ở bên ngoài sẽ chết, sẽ bị nhiễm độc hột nhân.
– Hạt nhân bác ạ! Không phải hột nhân đâu!
– Thế hột với hạt không phải là một à?
Huân lắc đầu, cố gượng cười nhưng vẫn phải thở hắt ra, gã nuốt khan nước bọt trước những câu trần thuật có phần ngô nghê nhưng đều là sự thật mà bà Xoan vừa mới nói.
Truong Tuan Nha
rất hay