Khoảnh khắc ấy cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh những người từng có mặt ở đám tang của Vũ. Cái xác được quấn chặt trong vải liệm co lại như một cái vỏ bào trước khi giãy lên đành đạch, máu đen từ mồm phun ra tung tóe trên nền đất tạo nên một khung cảnh nháo nhác khủng khiếp ở tang trường. Người ta hoảng loạn bỏ chạy, tru tréo gào lên, hất đổ cả cỗ quan tài và linh vị đã chuẩn bị sẵn cho người quá cố.
Chỉ còn vài người không chạy dược vì quá sợ thì ngồi bệt xuống ở những góc nhà, căn nhà ba gian u uẩn vàng hương khói nến lúc này như đã bị nhấn chìm trong một cảm giác khủng khiếp hoang mang.
Mùi dường như không quan tâm đến bờ môi rách toạc sau cái tát của ông bác họ, thị nhào đến bên cạnh chồng, ôm chặt lấy thi thể rồi xé toạc từng lớp vải liệm quấn chặt người của Vũ. Ông Đại cũng đang co ro ở một góc nhà, bên tai ông có tiếng ai đang mếu máo mà lẩm bẩm:
– Quỷ nhập tràng… quỷ nhập tràng…
Nhưng có lẽ không phải quỷ nhập tràng, vì sau khi nôn hết máu ra ngoài, Vũ lẩy bẩy vịn thành giường đứng dậy, đôi mắt trợn trừng, chòng chọc nhìn từng khuôn mặt đang run rẩy xung quanh:
– Thánh gửi ta về… thánh gửi ta về… thánh gửi ta về…
Đúng ba lần như thế rồi lăn ra ngất lịm.
Đó là lần đầu tiên và duy nhất bí thư Huân tự tay xé bỏ tờ giấy chứng tử, đồng thời vui vẻ viết một tờ khai của những nhân chứng, chứng mình việc Vũ từ cõi chết trở về là có thật. Ông Đại cũng không tỏ ra quá băn khoăn, giải thích với mọi người có lẽ Vũ chỉ chết lâm sàng, là một hiện tượng tương đối hiếm đối với những người ở một địa bàn xa xôi như xã Toàn Hà.
Chính quyền ra mặt, y sĩ chứng minh, thế nhưng điều mà người ta tin tưởng, lại chỉ có bốn chữ mà Vũ nói lúc mới rút chân ra ngoài cửa tử:
– Thánh gửi ta về!
Họ bắt đầu liên hệ những lời nói trong cơn hoảng loạn của Mùi, những hiện tượng xảy ra quanh trang trại của gia đình Vũ và cái chết khác thường của y.
Vũ không chết, thánh đã trả Vũ về.
Sau ngày rút chân về từ cửa tử, Vũ dường như hoàn toàn đổi khác, y không ra ngoài, không tắm rửa, mấy tháng giời chỉ ăn cơm trắng với muối vừng, nhốt mình trong gian nhà kho sau vườn, không chịu tiếp xúc với ai, ngay cả với họ hàng. Người duy nhất hàng ngày đến đưa cơm cho Vũ chính là Mùi.
Ba tháng trôi qua, cái luận thuyết về việc thánh trả Vũ về đã dần tan loãng đi trong lòng dân chúng, để thay vào đó là ý tưởng về một căn bệnh tâm thần, một dạng sang chấn tâm lí. Nhưng bất thình lình, giữa lúc mọi người không ngờ nhất thì Vũ đột nhiên tái xuất giang hồ, tắm rửa sạch sẽ, cả ngày chỉ mặc đồ trắng và bắt đầu giao giảng những tín điều kì lạ thông qua những câu chuyện vãn dưới gốc đa về vị thánh Đại Ngàn – người mở đất mở nước cho dân xứ này được sống.
Vũ nói rằng mình được thánh rỉ tai, được thần khai nhãn, biết trước được tương lai quá khứ, có thể trị cả những căn bệnh nan y.
Nhiều người tin nhưng cũng lắm kẻ ngờ, nhưng danh tiếng của Vũ thì cũng bắt đầu nổi lên từ đó. Với những giáo lí mà Vũ nói rằng được thánh nhân rỉ tai tiết lộ, Vũ đã thu nhận được một số đệ tử chân truyền, những người tin rằng thời khắc chuyển giao giữa năm 1999 và 2000 sẽ cũng là những thời khắc cuối cùng của nhân loại. Chiến tranh hạt nhân sẽ nổ ra giữa các cường quốc, loài người sẽ diệt vong, chỉ ai được thánh nhân chỉ điểm, tin vào thánh giáo mới có thể thoát khỏi cảnh máu chảy đầu rơi, thoát khỏi sự trầm luân trong bể khổ.
Huân đã tưởng rằng ở cái xã hoang vu khổ sở này, người ta sẽ chẳng bao giờ để ý đến thứ gì ngoài miếng cơm manh áo, ngoài cái sinh kế hàng ngày, ấy thế mà dường như một người làm công tác tư tưởng nhưng xuất thân từ cánh nhà binh như bí thư Huân đã quên mất rằng, nghèo đói là khởi nguồn của mọi tai ương.
Trước khi Trịnh Văn Vũ xuất thế thì trong xã Toàn Hà đã phát sinh những điều kì dị, đó là việc trâu bò của một số hộ dân bỏ ăn, lăn ra ốm, những căn bệnh lạ không hề có triệu chứng rõ ràng, gia súc chỉ bỏ ăn, uể oải, luôn nằm lì trong chuồng như sợ nắng khiến nhiều người hết sức lo âu.
Nghiêm trọng hơn, xã Toàn Hà bắt đầu truyền tai nhau về sự tích con ma ở giếng làng đang tác yêu tác quái.
Trong địa bàn của xã Toàn Hà có một cái giếng cổ, lịch sử khởi nguồn của cái giếng này có từ khi nào thì không ai rõ, chỉ biết rằng nguồn nước nơi đây là sinh kế của cả làng, bởi nước giếng rất trong, không bao giờ cạn, mùa nóng cũng như mùa lạnh, nước giếng luôn trong mát.
Miệng giếng rộng chừng hai chục mét, sâu bao nhiêu thì không ai biết, có điều nhiều người nói rằng đã từng cắm thử mấy cây tre cật nhưng chưa cây nào chạm đáy.
Người dân trong làng tin rằng miệng giếng này ăn thông với một mạch nước ngầm dưới đất, nhưng từng có một đoàn khảo sát tới đây những năm 75 thì nói rằng đây không hẳn là một cái ao, hay đầm mà là một miệng núi lửa cỡ nhỏ đã hoàn toàn nguội lạnh, những mạch dung nham thuở hồng hoang đã trở thành mạch nước, nước từ dưới lòng đất đẩy lên dần dần lấp đầy miệng núi lửa này.
Nói qua như vậy về cái giếng là đủ, đúng ra thì chẳng có gì để phải suy nghĩ về cái giếng này. Có điều một biến cố đã xảy ra khi có một cô gái chửa hoang đã đầm mình tự vẫn ở giếng làng cách đó hơn chục năm. Người ta truyền tai nhau rằng kể từ sau khi cô gái ấy trầm mình tự vẫn, cái giếng hóa thiêng, nhiều người đi đánh dậm đêm hay sáng sớm gánh hàng rong qua giếng đều nghe thấy những tiếng khóc than ai oán, hoặc thậm chí là thấy có cả bóng người vơ vẩn đứng gội đầu.
Họ tin rằng đó là hồn ma của cô gái chửa hoang năm nào.
Tin đồn rùm beng một thời nhưng khi chính quyền vào cuộc, dân phòng tới kiểm tra thì lại chẳng có gì.
Cho tới tận bây giờ khi gia súc gia cầm trong làng lăn ra ốm, thì chẳng hiểu từ đâu người ta lại liên hệ câu chuyện ma giếng cổ với những chứng bệnh khó hiểu của giống súc sinh.
Dân làng liên hệ với những câu chuyện cũ cũng không phải không có lí, bởi dạo gần đây rất nhiều người đã trông thấy những hiện tượng quái dị diễn ra bên miệng giếng.
Đầu tiên phải kể đến ông Hàn, ông Hàn trước là bộ đội phục viên, nay về làng làm công tác về kế hoạch hóa gia đình, nôm na là đi tuyên truyền vận động bà con nên dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Tối hôm ấy cũng như thường lệ mỗi tuần, ông Hàn vừa đi một vòng quanh xã, đến từng nhà một để phát áo mưa. Tới khi đi qua giếng làng, ông Hàn mệt quá muốn xuống vớt nước để rửa mặt. Thời tiết vùng này tuy cao nhưng luôn oi bức, dẫu đã về đêm nhưng chỉ đạp xe một vòng quanh làng nhưng mồ hôi mồ kê ông đã nhễ nhại cả người.
Ông Hàn xắn quần, bỏ lại đôi dép dâu trên bờ rồi lội xuống giếng, nhưng còn chưa thò tay vục nước thì chợt ông Hàn sững người chết lặng, vì ở bờ bên kia vừa có tiếng khua nước ì oạp và tiếng người con gái khúc khích cất lên.
Ông Hàn ngạc nhiên ngẩng đầu trông lên thì lập tức đờ ra, kinh hãi.
Bởi trước mắt ông, là một đứa con gái không áo không quần, cả người quấn một tấm vải trắng dính sát vào da thịt. Dưới ánh trăng xanh, cái hình ảnh mát mẻ ấy không hề mời gọi mà trái lại khiến ông Hàn cảm thấy rùng mình.
Ông vội vã định thần rồi quay đi chỗ khác, miệng quát lớn:
– Đứa nào kia! Con cái nhà ai mà lại tồng ngồng như thế hả? Mày có mặc ngay quần áo vào không? Sao lại hủ hóa như thế cơ chứ?
Nhưng đáp lại ông không phải những lời vâng dạ mà là tiếng cười khùng khục của một giọng nửa đàn bà nửa đàn ông:
– Anh Hàn… anh Hàn ơi… xuống đây tắm với em… xuống đây tắm với em… ở dưới này lạnh lắm… anh Hàn! Anh Hàn ơi!
Ông Hàn khi ấy chỉ trông thấy từ cổ kẻ kia trở xuống, phần mặt của nó đã bị mái tóc xõa dài rủ ra che kín, bầu ngực lồ lộ trắng ngần như sứ khuất sau mảnh lụa ướt nước như mê như mị khiến ông Hàn cứ đờ ra, đờ ra rồi bắt đầu thò chân bước về phía trước, đi như một kẻ bị thôi miên.
Thình lình ông ngã sấp, nước bắn tung lên, cả người ông chìm nghỉm trong làn nước lạnh băng của giếng làng. Cứ ngỡ là vong mạng ấy thế nào mà trời phật phù hộ độ trì, ông Hàn lại ngoi lên được, quẳng cả đôi dép dâu ở bờ giếng rồi bước thấp bước cao phóng xe đạp trở về nhà.
Việc ông Hàn bị ma đưa suýt nữa chết đuối dưới giếng làng còn đang xôn xao dư luận thì ngay sau đấy độ một tuần, một biến cố nữa lại xảy ra