Lần này nạn nhân là một gã thanh niên trong xóm.
Hùng và Hoàng đều là bộ đội đang được nghỉ phép sau thời gian công tác. Về làng đúng dịp đi đâu cũng thấy người ta xôn xao chuyện con ma nữ khỏa thân dưới giếng. Vốn là thanh niên, lại còn là bộ đội, không sợ giời không sợ đất, Hùng và Hoàng đều quyết tâm rủ nhau đến xem mặt ngang mũi dọc con ma nó thế nào.
Tối hôm đó sau khi ăn xong bữa cơm chiều, hai gã rủ nhau mua một chai 75 với mấy quả xoài vừa ăn vừa uống cho tới khoảng mười giờ đêm mới khật khưỡng trở về làng, khi ấy Hùng đã xách theo một cái gậy và Hoàng thì chuẩn bị sẵn một sợi dây để đánh và trói ma.
Hai thằng lại ngồi canh bên một gốc cây mọc gần miệng giếng xem liệu có ma thật hay không. Nhưng ngồi mãi chẳng thấy gì, đêm đã khuya, sương xuống dày, muỗ lại lắm, hai thằng bắt đầu không chịu được nữa rủ nhau về.
Trước khi về, Hùng bảo Hoàng đợi mình một lát để xuống giếng đi tiểu. Hoàng nghe lời đứng ở trên đường, còn Hùng thì ra tận bờ giếng tụt quần xả nước. Nhưng đang nghe thấy tiếng xè xè bỗng Hoàng giật bắn mình khi nghe thấy Hùng kêu toáng lên một tiếng thất thanh:
– Chết tôi rồi!
Sau đó là một tiếng bộp rất khô khan và trước mắt Hoàng, Hùng cứ như vậy mà chìm xuống nước.
Hoàng kinh hãi vội vã tri hô, người dân trong làng nghe tiếng hò hét cũng cầm đèn cầm đuốc lao ra. Đêm hôm ấy, thanh niên làng hầu như mất ngủ vì thay phiên nhau nhảy xuống để mò tìm thi thể của Hùng.
Mãi cho đến khi trời gần sáng người ta mới vớt được Hùng lên.
Bấy giờ Hùng đã chết cứng, sau gáy còn có một vết thương rất lớn trùng với vết máu ở trên bậc thang dẫn xuống giếng, kinh dị nhất là có cả một vết bàn tay tím đen in hằn trên cổ chân của gã thanh niên dại dột.
Khi đó người ta mới kháo nhau rằng Hùng bị ma nữ dưới giếng kéo chân nên mới trượt ngã đập gáy vào bậc đá dẫn xuống giếng như vậy.
Cái chết đầu tiên liên quan đến hồn ma cô gái chửa hoang khiến cả xã đều xôn xao rúng động. Trước đây khu vực quanh giếng luôn là nơi tụ tập rất đông người, không chỉ là nơi sinh hoạt chung mà còn là chỗ buôn bán của người dân trong xã.
Từ ngày ông Hàn gặp ma và Hùng mất mạng, người ở đây cứ vãn dần, họ tự chuyển chỗ tụ họp buôn bán ra một khoảnh đất xa xa, người dân cũng không có ai còn dám đến cái giếng này để lấy nước về sinh hoạt.
Ai cũng sợ rằng giếng đã bị ám, con ma da dưới giếng sẽ phải kéo chân một người khác thế chỗ thay mình thì mới có thể đầu thai.
Nỗi sợ ấy kéo dài cho đến khi Trịnh Văn Vũ xuất thế, cũng là ngày mà y mặc áo dài trắng, đầu đội khăn, trịnh trọng cắp tay nải đến trước bờ giếng của làng.
Hôm ấy đúng ngày họp chợ, cả xã mấy trăm hộ dân đều tề tựu ở đây, Vũ đi chân đất nhưng áo quần trắng toát, dáng điệu hạc cốt tiên phong, khuôn mặt cực kì trịnh trọng dải một tấm vải nâu xuống đất, để trước mặt một cái mõ, một đoạn thân chuối, một cái bát con có một quả trứng luộc và một nải chuối xanh. Trước những con mắt ngơ ngác của dân làng, Vũ quỳ xuống tấm vải nâu, mặt hướng về miệng giếng, mắt nhắm nghiền lâm râm vừa khấn, vừa gõ mõ. Cả làng khi ấy ai cũng ngạc nhiên không hiểu Vũ định làm gì, nhưng chỉ độ nửa tiếng sau, người ta thấy Vũ bắt đầu đứng dậy, bước xuống từng bậc đá rồi rút ra từ trong tay nải một tấm vải trắng.
Gã đứng trên bờ, cầm một đầu rồi cứ như thế để tấm vải rơi trùng xuống rồi chìm dần trong lòng giếng. Nước từ bên dưới ngấm vào thước vải lần từ dưới lên trên, gã cũng chầm chậm bước lùi về sau, kéo căng tấm vải.
Cho đến khi tới chỗ bát cơm cúng thì Vũ dừng lại, để tấm vải xuống đất.
Trước mắt dân làng, trên tấm vải bỗng hiện lên những dấu chân đen kịt, dấu chân ấy nom khá lớn, giống dấu chân của đàn ông, đi từ dưới giếng lên chỗ bát cơm cúng để trên bờ.
Khi đó quanh Vũ có nhiều người đã nhận ra được mục đích của buổi lễ này, vội vàng quỳ mọp xuống, chắp tay khấn nam mô, những người hiếu kì khác cũng lẩy bẩy giương mắt ngơ ngác nhìn, không ai có thể tưởng tượng được rằng họ lại có thể tận mắt chứng kiến một buổi cầu vong thế này.
Những dấu chân đen kịt ấy vừa đến gần chỗ bát cơm cúng thì lập tức mấy que hương cắm trong thân chuối tự nhiên cháy bùng lên, ngọn lửa rất lớn nhưng cũng rất nhanh tắt lịm
Nhìn ánh lửa phừng phừng, ai cũng rợn người run rẩy, những người chắp tay khấn vái lại càng lúc càng đông, trong đám những kẻ hiếu sự hình như đã có ai nhớ lại được mấy chữ gã thốt ra lúc mới từ cõi chết trở về
– Thánh gửi ta về… thánh gửi ta về… thánh gửi ta về…
Mọi việc vẫn chưa dừng lại mà ngay sau khi tự thu dọn đồ lễ, gã lại đến từng nhà dân có gia súc đang bị bệnh. Mấy tháng trời từ lúc sống lại cho đến nay hắn không ra khỏi nhà nhưng không hiểu vì sao Vũ lại cứ đi như có người cầm tay chỉ lối, biết từng gia đình đang có súc vật ốm đau, đến nhà ai, hắn cũng im lặng không chào không hỏi, mà đi thẳng vào chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà. Nhét cho con này ăn một túm cỏ, cho con kia ăn một vốc cám, hoặc là giải ít thóc của chính gia chủ cho đàn gà.
Chỉ có thế mà trâu dê bò lợn gà vịt những con vật đã nhịn đói mấy tuần lễ, chỉ chực chết nay lao ra mà ăn, mà hốc, mà mổ. Tưởng chừng như bàn tay của Vũ đã được ban một thứ phép màu có thể cải tử hoàn sinh, có thể biến độc thành lành, có thể lôi cả những con vật về cửa sống.
Và một điều nữa khiến cả xã hết sực ngạc nhiên, là trong suốt buổi lễ cầu vong, hay trong suốt cả ngày đến từng nhà dân, Vũ đều không nói gì, hoặc có thì rất ít, hắn luôn cúi đầu, chắp tay hành lễ như một vị chân tu, rũ bỏ hoàn toàn thái độ bất cần vô học thuở trước.
Và mỗi khi kết thúc, tạm biệt gia đình nào, Vũ đều nhắn nhủ một câu:
– Thánh gửi ta về…
Tiếng tăm của Vũ nổi lên từ ngày ấy.