Cho đến nay đã hơn 2 năm nhưng những tín đồ theo Vũ thì càng lúc càng đông đảo.
Nhìn lại những đổi thay to lớn trong khu vực, Huân càng lúc càng cảm thấy băn khoăn và gã còn băn khoăn hơn nữa khi vừa mới đây một tờ báo lớn dưới Hà Nội, đại diện cho một tổ chức truyền thông còn lên tận Toàn Hà này để làm phóng sự về Trịnh Văn Vũ, tức giáo chủ thánh giáo Đại Ngàn tự xưng.
Huân ngồi xuống trước bàn làm việc, cái ghế ọp ẹp kêu lên răng rắc hòa âm cùng với chiếc chân gỗ của Huân như muốn nhắc nhở ông bí thư đương nhiệm về sự bất ổn của một khu vực và rộng hơn là cả một vùng hoang vu thăm thẳm vốn đã đầy rẫy những tiêu cực như xã Toàn Hà này.
Giở tờ báo ra xem, hiện ra ngay ở những trang đầu tiên là bức ảnh chụp giáo chủ Đại Ngàn – Trịnh Văn Vũ.
Trịnh Văn Vũ bây giờ đã rũ bỏ hoàn toàn vẻ ngoài của một kẻ khố rách áo ôm, vá vai giật gấu thuở nào. Đạo mạo diện trên người một chiếc áo đũi kiểu tàu màu trắng, quần cũng trắng, chân đi dép cao su. Vũ để râu dài, ngồi bên một chiếc bàn con, với một bộ ấm chén và một bức tượng điêu khắc một gã đàn ông đang ngồi xếp bằng, cũng có râu dài nhưng nhắm mắt. Đó là bức tượng thánh Đại Ngàn mà một nhà điêu khắc đã dựa trên chính hình tượng của Vũ để sáng tạo nên. Vũ chống cùi chỏ lên mặt bàn, ngón tay đỡ lấy vầng trán rộng, ánh mắt tự tin nhìn thẳng về máy ảnh, sáng rực lên như mắt của một người đang trong cơn sốt rét.
Ở bên dưới là một dòng chữ do tờ báo chú thích
“Đức thánh Đại Ngàn (tự xưng) – Trịnh Văn Vũ”
Và kế bên đó là một bài phỏng vấn chi chít chữ in đầy mặt báo.
Huân không đọc bài phỏng vấn vì gã đã đọc gần như thuộc lòng.
Câu đầu tiên là lời chào có phần lịch sự của người phóng viên, và sau đó là màn giới thiệu dạo đầu như một buổi công khai giới thiệu cử tri trong một phiên họp đại hội đồng nhân dân các cấp.
– Xin ông cho biết thêm về tôn giáo của mình!
Đó là câu hỏi kế tiếp của người phóng viên, và đáp lại là biểu hiện của Trịnh Văn Vũ được nhà báo ghi trong hai dấu ngoặc đơn như cố gây sự chú ý cho người đọc, lịch sự, nhã nhặn và ôn hòa.
Hai chữ ôn hòa khiến Huân phải rùng mình. Hai chữ ôn hòa luôn đi kèm với những thế lực muốn khuếch trương thanh thế với những âm mưu đội lốt tổ chức này tổ chức kia ngõ hầu gây sức ép lên chính phủ.
Sau đó là đoạn trả lời của Vũ, không biết tay phóng viên có thêm thắt gì không nhưng quả thật cách trả lời vô cùng nhã nhặn.
– Dạ thưa anh nhà báo, quả thật nếu nói những gì tôi đang theo đuổi là một tôn giáo thì hơi quá đáng. Bởi chúng tôi chỉ là những người theo đuổi một dạng thức niềm tin tín ngưỡng mà thôi.
Câu hỏi của phóng viên:
– Nghĩa là Thánh Đại Ngàn không phải là tôn giáo? Vậy cụ thể là gì, có liên quan gì tới những tôn giáo khác như công giáo hay đạo mẫu không thưa ông?
Một lần nữa vẫn là những chú thích để gây dựng vẻ đạo mạo cho kẻ trả lời phỏng vấn.
– Dạ thưa anh, không ạ! Đây là một tín nghưỡng địa phương, không hề liên quan gì tới các vị thánh trong thiên chúa giáo hay bà chúa thượng ngàn trong đạo mẫu của nước nhà. Nếu như anh phóng viên có tìm hiểu về Toàn Hà chúng tôi, chắc sẽ biết về truyền thuyết lập đất dựng nhà của vùng này. Truyện xưa kể rằng nơi đây trước vốn là một vùng hoang vu biệt lập, dân cư thưa thớt, con người yếu đuối chống trọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Một năm nọ, từ trong núi sâu có một người xuất hiện, dạy dân cách trồng cây lúa cây ngô, khơi thông thủy lợi, cùng mọi người rời non phá núi, tạo ra sinh kế cho bách tích muôn dân, từ đó ruộng đồng bạt ngàn, gia súc sinh sôi nảy nở, con người có cuộc sống hạnh phúc ấm no. Sau khi đã tạo lập được cảnh thái bình thịnh trị, người ấy lại trở vào trong núi rồi sau đó không bao giờ quay lại. Người dân cảm phục mới tôn phong người ấy là thánh vì thánh từ nơi đại ngàn xuất thế nên mới gọi người là thánh đại ngàn. Vâng thưa anh phóng viên, xét về tầm vóc và quy mô, có lẽ thánh đại ngàn chỉ tương đương như một vị thành hoàng ở dưới xuôi. Nhưng nếu không có công lao của ngài, thì chắc hẳn bách tính trăm dặm quanh đây chẳng có được cuộc sống hạnh phúc đủ đầy như ngày hôm nay. Vì vậy mà chúng tôi hết sức tôn sùng và quả quyết tin theo sự chỉ lối đưa đường của ngài, mong ngài vuốt ve che chở.
– Vâng thưa ông, tôi cũng đã có tìm hiểu về truyền thuyết nói trên, quả thật rất hấp dẫn nhưng nếu như theo cách nói của ông thì bản thân ông không phải là thánh Đại Ngàn.
– Dạ thưa anh, không phải ạ! Mặc dù hết sức tôn thờ nhưng bản thân tôi chỉ là kẻ người trần mắt thịt, vì cơ duyên mà được thượng thánh khai nhãn rỉ tai, chứ bản thân tôi không dám nhận mình ngang hàng với ngài, chứ đừng nói là việc tự xưng tới hàng thần thánh. Danh xưng Thánh Đại Ngàn chỉ là do những tín đồ trong thánh giáo chúng tôi quý mến đặt cho mà thôi, thưa anh. Có thể coi tôi như một phát ngôn viên chính thức của ngài. (cười)
– Vâng, vậy thời gian sắp tới, thánh giáo của ông có những hoạt động cụ thể gì thưa ông?
– Dạ thưa anh phóng viên, thời gian sắp tới, đại bộ phận thánh giáo sẽ vẫn tiến hành tu tập theo những thánh ý bản giáo, chuyên tâm lao động, xây dựng thánh giáo ngày một vững mạnh, đồng thời cũng tích cực làm kinh tế, một là để đảm bảo cuộc sống của các tín đồ, hai là để có được tầm vóc cũng như năng lực để ra tay giúp đời, cứu người. Vâng thưa anh, như anh đã biết Toàn Hà là một khu vực còn rất nhiều khó khăn, nên thánh giáo của chúng tôi muốn giúp đỡ những hoàn cảnh còn cơ cực, những em nhỏ và những gia đình có thể thoát nghèo.
– Vâng, thêm một câu hỏi nữa, hiện tại thánh giáo của ông chưa được nhà nước cấp phép hoạt động, ông có ý kiến gì về hiện trạng này không?
– Dạ thưa anh phóng viên, về việc này thì quả thật rất đúng. Tuy nhiên, chính vì thế mà thánh giáo chúng tôi lại càng quyết tâm xây dựng đường lối hoạt động phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước, 100% tín đồ có công ăn việc làm ổn định, tích cực tổ chức những hoạt động thiện nguyện theo chủ trương, sống tốt đời đẹp đạo, thượng tôn pháp luật. Trên cơ sở đó, các tín đồ trong thánh giáo mong rằng sẽ được Đảng và nhà nước xem xét tạo điều kiện hoạt động.
– Vâng cảm ơn ông về buổi trò chuyện hôm nay! Xin chào ông, chúc ông và thánh giáo Đại Ngàn ngày một lớn mạnh và phát triển.
Đó là toàn văn bài phỏng vấn mà Huân gần như đã thuộc nằm lòng. Suốt cả bài báo, có đến 90 phần trăm là những lời quảng cáo của Trịnh Văn Vũ. Tay phóng viên nọ mặc nhiên không hề nhắc nhở gì tới những vấn đề và những tin đồn do giáo phái này tạo nên suốt thời gian hoạt động.
Bản thân cả bài phỏng vấn gần như chỉ là sự quảng cáo, tô vẽ hình ảnh cho chính Vũ, gây dựng cho hắn một hình tượng giáo chủ đạo mạo và tốt đẹp, không hề nhắc nhở gì tới xuất thân có nhiều uẩn khúc của Trịnh Văn Vũ.
Nghĩ đến Trịnh Văn Vũ, Huân lại càng đứng ngồi không yên, trời nắng như đổ lửa, nhìn ra mảnh sân trụ sở ủy ban vắng vẻ trong một chiều cuối tuần, gã khẽ thở dài, đứng lên cố lết chiếc chân gỗ ra hiên làm một bi thuốc lào, ở góc sân cái xe đạp khung ngang trùng xích vẫn còn dựng đấy, đơn độc như Huân vì người chủ tạm thời của nó, cậu văn thư kiêm kĩ sư nông lâm học mới về xã này được mấy tháng đã bỏ việc để trở thành tín đồ của thánh giáo Đại Ngàn.