Anh văn thư tốt nghiệp đại học nông nghiệp 3 nhưng ở thành phố không tìm được việc, thế mà chẳng biết móc nối ra sao mà Báu lại được giới thiệu về công tác tại đây. Xã miền núi này ngoài những thửa ruộng bậc thang, những nương ngô èo uột thì có cơ sở gì để phát triển cây trồng vật nuôi nữa đâu, nên chỉ sau một thời gian Báu đã phải chuyển sang làm công tác văn thư đồng thời vừa đi khảo sát địa hình tìm vị trí thích hợp để phát triển một giống cây trồng nào đó, phù hợp với khu vực.
Công việc văn thư dường như không phù hợp với Báu, thân thể to cao vật vã, bị nhét trong chiếc ghế gỗ ọp ẹp sau cái bàn con con lúc nào cũng khiến cho Báu có một vẻ gì đấy chật vật và khổ sở.
Báu nói nhiều, đôi khi còn khiến người ta cảm thấy Báu hơi phiền nhiễu, nhưng được cái tính Báu vui vẻ, hoạt ngôn, ngày đầu tiên có mặt ở đây Báu đã mang đến cho mọi người rất nhiều bánh kẹo, chè nước miền xuôi. Rồi kể từ đó trở đi, Báu luôn có mặt trong những đám giỗ lạt, cưới xin, thậm chí là cả đám ma đám hiếu. Làm văn thư mà Báu chẳng mấy khi có mặt ở trụ sở ủy ban, thường thường Báu vẫn lấy lí do là đi khảo sát thực địa, nhưng có mấy lần chính Huân cũng bắt gặp Báu đang khề khà uống rượu ở nhà dân.
Có lẽ cũng vì cái tính ham vui của mình mà Báu mới bị những tín đồ của thánh giáo Đại Ngàn rủ rê, rồi cuối cùng cũng trở thành một trong số họ.
Huân buồn lắm, bởi gã cũng quý tay văn thư trẻ tuổi này. Có lần gặp Báu trên đường, Huân sửng sốt nhìn Báu như nhìn thấy một âm hồn.
Túm lấy vai Báu, Huân kinh ngạc:
– Ôi giời! Cậu làm gì mà người như cái xác ve thế này hả Báu? Tu tập kiểu gì thế này?
Báu hất tay Huân ra, mắt tự nhiên long lên sòng sọc rồi lững thững bỏ đi như một kẻ mất hồn, để lại Huân đờ đẫn nhìn theo cái bóng khòng khòng và khuôn mặt xám xanh, đôi mắt tối tăm thiên địa với cái mồm dẩu hẳn ra như một kẻ hô răng bẩm sinh. Nhìn Báu, Huân không thể nào tin được đã từng có thời Báu ngồi chật vật sau cái bàn con, áo sơ mi căng phình vì những khối cơ bắp cuồn cuộn ở cánh tay. Bây giờ, Báu chỉ còn lại như một cái xác ve, như một người chết đói được hình tượng hóa trong những thước phim từ năm Ất Dậu.
Nhớ đến Báu cổ họng Huân ứ lại, khói thuốc lào đắng ngắt xộc lên khiến Huân ho sặc sụa, cái chân gỗ cũng vì thế mà rung lên bần bật, đập lộp cộp xuống nền nhà.
Trời đã về chiều, nền trời thâm đen như màu tiết đọng lờ nhờ chút sắc đỏ vẩn lên những áng mây đặc quánh nặng nề. Oi bức quá, Huân đưa tay quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán, rồi bất giác nhìn ra ngoài lộ bởi vừa thấp thoáng có một bóng người lặng lẽ đi qua.
Nuốt khan nước bọt, Huân loạng choạng đứng lên, nhưng khi ra tới cổng thì cái bóng áo trắng đấy đã khuất sau một rặng tre. Đó là Mùi! Vợ của giáo chủ Trịnh Văn Vũ.
Vượt qua rặng tre, Mùi ngơ ngác quay lại vì có cảm giác như ai đó đang ở phía sau mình, nhưng không có ai cả. Trời muộn quá, Mùi bị lỡ chuyến xe khách cuối cùng từ huyện về vì người ở chợ cứ níu tay Mùi lại để mà hỏi han về thánh giáo, làm thế nào để được gia nhập, Mùi chỉ ậm ừ đáp cho qua chuyện rồi khuyên bà con nên đến tận nơi. Lúc về, cái xe Hải Âu cuối cùng đã ra khỏi bến nên Mùi đành lếch thếch vừa đi vừa vẫy xe cầu may. Ai ngờ lại có một người cùng xã, đi xe đạp qua rồi nhận ra Mùi. Đấy là ông Tước, một người có con trai đang là tín đồ của thánh giáo. Thấy Mùi tay xách làn, chân mệt mỏi bước đi, ông Tước dừng xe lại kêu lớn:
– Ơ kìa! Thánh mẫu!
Mùi giật nảy mình, vội xua xua tay, mặt nhăn nhó đáp:
– Ôi giời! Bác Tước, bác đừng gọi cháu thế, cháu có biết gì đâu mà thánh với thần!
Ông Tước gượng cười như chữa ngượng:
– À thì tôi vẫn thấy thằng con tôi gọi cô là thánh mẫu nên cũng thành quen, mà sao cô lại đi bộ thế này?
– Dạ cháu bị lỡ xe, vào chợ mà mải mua bán, quên cả giờ về bác ạ!
Ông Tước bảo Mùi lên xe mình đèo về, chứ đi bộ thế thì thịt thà hỏng hết. Đi được một quãng, ông ngoái lại nhìn Mùi rồi chép miệng bảo:
– Thế sao không bảo chồn… à… xin… xin giáo chủ một cái xe mà đi! Lếch thếch đi bộ thế này cho khổ ra?
Mùi đưa tay lên gãi gãi sau tai, cố nở một nụ cười như mếu:
– Tiền đâu ra mà mua xe hả bác? Mang tiếng là giáo chủ, mà… mà người chẳng bao giờ có nổi năm nghìn, con dân thì cứ tụ tập nườm nượp nườm nượp, người ta cúng tiền quyên góp thì nhất định không nhận, nuôi báo cô hơn mấy chục người bao nhiêu lâu nay.
Ông Tước kinh ngạc:
– Thật không? Giời ơi, thế tiền đâu ra mà cô đi chợ nấu ăn cho bao nhiêu người như thế?
– Cháu phải xin của người ta đấy ạ! Khổ lắm bác ạ! Thánh có lòng thương thì thánh mới cho chồng cháu về. Nhưng cứ thế này thì chả mấy mà nhà cháu ra đường hết.
Ông Tước có vẻ thông cảm, đoạn ông chép miệng đổi chủ đề:
– Thế… thế thằng Chức nhà tôi dạo này thế nào rồi hả cô? Nó vào trong đấy cũng cả tháng nay rồi, đi cũng đi người không… chẳng biết… chẳng biết nó sinh hoạt ăn uống thế nào?
Mùi đáp:
– Cậu Chức chăm chỉ lắm ông ạ, sáng học thánh lý, giáo lý chiều thì đi lao động tăng gia sản xuất với người ta. Đấy đang canh tác thêm mấy đồi chè nữa, cũng may mà có cái cậu kĩ sư nông học gia nhập, không thì nhà cháu đúng là chết đói, có điều trồng chè cũng không thu được lại vốn ngay nên lo lắm bác ạ!
Ông Tước nghe đến đấy thì lại chép miệng như một thói quen, đoạn ông nói lầm bầm:
– Bố tiên sư nhà nó, con với cái, lát nữa để tôi về tôi bảo bà nhà tôi gửi lên mấy tải gạo…
– Thôi bác ơi! Bác đừng làm thế… nhà cháu không nhận đâu!
– Giời ơi! Không nhận thì nhà cô lấy đâu ra thóc gạo mà nuôi ngần ấy người, cô Mùi này tôi nói thật, có thực thì mới vực được đạo các cụ nhà ta dạy thế rồi, giáo chủ nhận dạy dỗ thằng con tôi, rồi lại nhận bao nhiêu trẻ mồ côi với tín đồ nữa chúng tôi cảm động lắm, ở ngoài thì cứ nghĩ là bên trong đấy mọi người no đủ, chứ ai biết được là lại để cô phải đi xin người ta thế này? Thôi cô ạ, để tôi về bảo bà nhà tôi tải lên đấy mấy yến gạo…
– Nhưng… nhưng mà…
– Ơ cái cô này hay nhể? Thế đấy là tấm lòng của chúng tôi mà giáo chủ lại nỡ khước từ hay sao?
Ông Tước nói to như quát, nhưng ông thấy trong lòng nhẹ nhõm lắm, chở Mùi ngồi trên cái xe đạp xăm nhét rơm vá chằng vá đụp mà không mệt một tẹo nào.