Người ta cầm tay Chức, đưa Chức tới bên hồ nước dưới thung lũng. Chức biết cái hồ này, đây từng là ao cá mà trước khi được ban cho thánh ân, giáo chủ đã từng nuôi. Bây giờ Chức mới nhận ra, thánh Đại Ngàn đã khiến lũ súc sinh bẩn thỉu trong nhà giáo chủ đột ngột lăn ra chết. Cái chết của chúng cũng là một sự thanh tẩy cho nơi này.
Chức bước một chân xuống hồ, nước hồ lạnh toát, dù ánh nắng trên cao thì vẫn chan hòa, nhưng nước lan tới đâu, mực trên người Chức tan ra tới đó. Làn da phút trước đen bóng như dầu lúc này đã trắng ra, sáng ra, trong sạch như gột hết bụi trần. Chức càng khóc lớn, những giọt nước mắt hạnh phúc nhất cuộc đời, có lẽ còn sung sướng hơn vạn lần những giọt nước mắt đầu tiên ngày Chức mới ra đời.
Chỉ một lúc mực đã trôi đi, những đôi mắt cũng đã quen dần với ánh sáng mặt trời trên cao làm cho hình tượng của bậc thánh nhân bỗng trở nên gần gũi, thân thuộc, hiền từ.
Chức tiến lên một cây cầu nhỏ làm bằng những thanh tre cật ghép vào nhau.
Giáo chủ đứng trên cầu, mỉm cười gật đầu chào Chức. Bên cạnh ngài là một cái khay nứa. Trên đó để một cái bát, một chai rượu, và một con dao.
Chức đang lúng túng chưa biết làm gì thì bất ngờ, ngài cầm con dao lên rồi cứa một đường giữa lòng bàn tay.
Chức rùng mình.
Máu của ngài đỏ thắm, nhỏ vào miệng của chai rượu thủy tinh, rồi loang ra thành những đám mây đỏ rực giữa chất cồn trong vắt, cho đến khi rượu trong chai đã đổi hẳn thành màu đỏ thì giáo chủ dừng lại. Ngài đặt con dao xuống khay, rồi lấy một chiếc khăn tay trong túi áo, lau nhẹ vết thương giữa bàn tay rồi cất cái khăn đi.
Chức một lần nữa kinh ngạc đến gần như á khẩu. Vết thương giữa lòng bàn tay ngài không còn nữa, bàn tay chai sạn ấy đổ rượu ra bát, đưa về phía Chức, nhẹ nhàng nói:
– Uống đi!
Chức vô thức run rẩy giơ hai tay đỡ lấy rồi nhắm mắt uống cạn. Rượu cay nồng, máu tanh lợm giọng, nhưng người Chức thoạt lâng lâng, đầu như nóng bừng lên, mồ hôi túa ra cùng nước mắt.
– Từ ngày hôm nay, con sẽ là con cháu của thánh Đại Ngàn. Thánh ân che chở, dìu dắt vuốt ve, đưa con từ chỗ tối về nơi sáng, để con biết được phải trái đúng sai, dắt lối đưa đường cho con biết đâu là thù đâu là bạn. Uống chén rượu này là hòa máu thánh vào máu con, để một phần trong con cũng thuộc về thánh giới. Chén rượu này là chén rượu thánh ân, là chén rượu mừng. Từ nay về sau con sẽ trọn đời sung sướng ấm no dưới thánh linh che chở.
Chức quỳ mọp xuống để bàn tay của giáo chủ đặt lên trên đầu, cứ thế những người khác cũng tiến lên để nhận được thánh ân Đại Ngàn.
Nhớ lại những ngày ấy, Chức vẫn còn thấy mình rạo rực, có lẽ vì vậy mà trong số hàng trăm tín đồ, chỉ có vài người như Chức là được giáo chủ hết sức tin tưởng, giao cho trọng trách như một trong ba thánh quan cai quản tam giới cho ngài. Tam giới ở đây là thiên, địa, nhân. Chức là người cai quản nhân giới trong ba cõi. Hai người còn lại là Báu và một người nữa tên Long, lần lượt chịu trách nhiệm về địa giới và thiên giới.
Chức thu lại chỗ cạp lồng mang ra ngoài trước khi khép lại hai cánh cửa gỗ nặng nề, ở bên trong các tân tín đồ vẫn đang vật vờ lắng nghe những lời kinh cầu của giáo chủ cất lên từ cái đài cát sét chạy băng.
Chức xách đống cạp lồng về phía ngọn đồi của nữ tín đồ rồi trở lại ngọn đồi chính nơi mà giáo chủ nghỉ ngơi, cũng là chỗ để giáo chủ thuyết giảng vào những ngày chính lễ. Tới nơi đã thấy hai thánh quan đang ngồi trong sảnh trên ba chiếc ghế thái sư sau tấm mành tre.
Chức gật đầu chào Báu và Long, cả hai đáp lặng lẽ đáp lại như một thói quen cố hữu của giáo chúng tại đây. Chờ giáo chủ xuất hiện, Chức lâu lâu lại nhìn xuống cái chân tập tễnh của Long.
Cách đây vài năm, trong một trại giam, Long gặp một tai nạn nghiêm trọng khi khai thác đá. Kể từ sau vụ tai nạn, Long bị liệt nửa người, từ thắt lưng trở xuống không thể nào cử động được, nghĩa là đời Long sẽ mãi mãi gắn bó với cái xe lăn như một vật bất li thân. Vì vết thương quá nặng, Long nằm trong tù như một cái xác chờ đem chôn, hàng ngày nhờ bạn tù chăm sóc. Thế nhưng với vết thương chí mạng đã gây ra căn bệnh không thuốc chữa, Long được giảm án và ra tù sớm gấp đôi thời hạn.
Từ ngày ra tù, Long và gia đình đi khắp nơi tìm thuốc chữa, hết châm cứu lại đến bấm huyệt, từ đông y, nhảy sang tây y, bó thuốc nam đến loét cả lưng, uống thuốc bắc đến nỗi suýt thủng dạ dày mà liệt vẫn hoàn liệt.
Cái ngày mà nhà Long đã hoàn toàn tuyệt vọng cũng là ngày mà Long được người nhà đưa đến gặp giáo chủ thánh giáo Đại Ngàn.
Giáo chủ nhìn Long cười hiền từ rồi chạm tay vào đầu gối, bảo Long ở lại vì ngài sẽ chữa được bệnh cho gã.
Một tuần, hai tuần, ba rồi bốn, giáo chủ hàng ngày chỉ đến nói chuyện, xoa đầu gối, cho Long uống nước và ăn cơm. Có người tâm sự Long bỗng tự nhiên vui vẻ hẳn lên, rồi đùng một buổi sáng, Long thấy giáo chủ hầm hầm chạy vào, tay cầm một cái kéo, Long chưa kịp định thần thì giáo chủ chọc mạnh mũi kéo vào chân Long.
Cơn đau khủng khiếp chạy thẳng lên đầu, Long luống cuống chống tay lùi lại rồi nhảy lò cò ra sân vì vết thương ở chân vẫn đang rỉ máu.
Bản tính ngỗ nghịch, lại từng vào tù ra tội, Long gào kêu chửi bới, chỉ khi thấy giáo chủ cầm cái kéo cười tươi, rồi giang tay ra ngửa mặt lên trời thì Long mới sực nhớ ra mình đang đứng giữa sân.
Kể từ ngày ấy, Long không về nhà nữa, bệnh chữa khỏi nhưng Long cũng trở thành tín đồ của thánh giáo.
Chức bây giờ vẫn còn trông thấy vết sẹo ở chân Long đỏ hồng và lồi lên một cách dị thường.
Chợt có tiếng lách cách của cánh cửa ở gian sau, cả ba vị thánh quan đều ngồi thẳng người, giữ vẻ nghiêm trang. Giáo chủ bước vào, mắt ngài sáng rực, đôi đồng tử long lanh, hắt ánh sáng của những bóng đèn đỏ lủng lẳng treo cao.
Bóng tối bị chặn lại trước cửa căn nhà, vì ở đây, giáo chủ chính là ánh sáng.