Sau khi thằng Tùng ra viện trở về nhà. Trong một lần đi làm nó đã ghé lại quán bún riêu mà con Quyên chỉ cho trước kia. Bà cụ điên vẫn ngồi ở đó. Nhìn thấy nó bà ấy cười. Nụ cười của bà ấy quả nhiên khác với những người còn lại.
Thằng Tùng không hiểu sao nó lại muốn tìm đến bà cụ ấy. Nó thực tâm muốn xoá bỏ hết tất cả mọi chuyện trong quá khứ đầy bi thương kia. Nó từng ước có thể đào một nấm mồ chôn tất cả kí ức đau buồn xuống dưới ấy giống như bao nhiêu nấm mộ chôn chặt người thân nó vào trong lòng đất thời gian qua vậy.
– Này! Anh bạn nhìn quen quá! Chẳng hay tôi đã gặp anh chưa?
Bà cụ điên hỏi làm nó giật mình. Nó khẽ cười: đây là lần đầu tiên cháu tới quán bún riêu của bà.
– Kì lạ! Sao tôi thấy cậu quen lắm ấy. Cậu rất giống một người!
– Cháu giống ai hả bà?
– Cậu giống với bố cậu.
– Bà biết bố cháu hay sao ạ?
Bà ấy cười. Nụ cười không ngây dại như lúc ban đầu: ấy chà chà! Tôi thế mà già rồi! Suýt nữa tôi quên mất. Cậu là con ông Bộ đúng không?
Bà ấy lại ngó nghiêng một hồi rồi lắc đầu: không phải! Ông Bộ chết lâu rồi! Sao con ông ấy trẻ thế này được nhỉ?
Thằng Tùng toan lên tiếng giải thích thì người phụ nữ chừng 50 tuổi bước lại quán đáp: mẹ kìa! Suốt ngày mẹ nhận khách làm người quen không à!
Người phụ nữ quay lại nói với Tùng: cậu đừng để ý nhé! Bà nhà tôi cái chỗ này không được bình thường.
Con gái bà ấy nói rồi chỉ tay lên đầu ra hiệu cho thằng Tùng biết. Tùng cũng chỉ mỉm cười nhàn nhạt. Nó đón lấy bát bún riêu nóng hổi với từng vầng gạch thơm nức quện vào rau muống với rau rút trụng nước sôi. Bà cụ điên lại lên tiếng: con đừng tưởng thấy mẹ già mà bảo đầu óc mẹ không bình thường nhé! Mẹ đây còn minh mẫn lắm ấy.
Cô con gái tươi cười: vâng mẹ ạ! Mẹ con lúc nào cũng khoẻ mạnh và minh mẫn như bây giờ là con mừng lắm rồi!
Bà cụ điên thở dài: ít ra mẹ cũng sống qua cả mấy chế độ rồi. Các cụ tầm tuổi mẹ đâu còn ai sống với cả đống hồi ức muốn quên mà không tài nào quên đi được.
Một người khách ghé quán tươi cười đáp lại lời cụ: cụ Ca hôm nay lại nói chuyện thời sự hay thời chiến tranh thế?
Bà cụ cười: ô hay cái nhà chị Lượn này hay nhỉ? Nếu không có tôi thì các chị có được nghe chuyện thời xưa hay không?
Người khách gật đầu như búa bổ: phải rồi! May nhờ có cụ mà chúng con được mở mang tầm mắt ấy chớ. Phải nói là các câu chuyện của cụ gây cấn hơn cả xem phim người đẹp tây đô.
Bà cụ cười móm mém. Đôi mắt cụ nhíu lại rồi chậm chạp đáp: cuộc đời tôi suốt ngày chỉ biết đi đỡ đẻ cho người ta. Đỡ từ con quan, con dân đến cả mấy thằng con Tây con tàu…
Bà cụ sực nhớ ra liền quay lại nhìn chằm chằm vào Tùng rồi đáp: nhớ rồi! Tôi nhớ ra cậu thanh niên này rồi! Cậu là con của cái anh đã mấy lần đến đây ăn bún. Anh ấy là con của ông địa chủ Bộ đây mà!
Tùng nghe bà cụ nhắc đến bố bỗng dưng sựng lại. Tự nhiên mắt nó như có lớp sương mỏng bao phủ lấy nhanh chóng. Nó hít mạnh một cái ra vẻ bún nóng làm nó bị thay đổi cảm xúc. Nó là muốn giấu đi cái nỗi bi thương trong lòng.
Con gái bà cụ đáp: mẹ cứ nhìn ai cũng ra người quen hết. Người giống người giờ có thiếu gì?
Bà cụ trừng mắt nhìn con gái: con thì biết cái gì? Có những cái chỉ có mẹ con với nhau thì mới thấy nhé. Thằng bé này giống cái anh kia như tạc. Anh ta lại giống ông Bộ như đúc một khuôn.
Bà cụ nói với Tùng: ai ta có thể nhầm chứ riêng mấy người này ta cả đời không bao giờ nhầm. Ta khẳng định chắc chắn là như vậy. Ta có già thật những chuyện này làm sao có thể lẫn.
Thằng Tùng gật đầu: vâng ạ! Cháu là cháu nội của ông Bộ.
Bà cụ cười: nào nào nào, mấy người thấy rõ chưa nào? Người ta thừa nhận rồi kia kìa. Tôi nhớ sai làm sao được?
Con gái bà cụ tròn mắt lên ngạc nhiên: vậy là mẹ tôi nói đúng sao? Vậy chứ bố cậu đúng là con riêng của ông địa chủ đấy thật hả?
Thằng Tùng lần này tròn mắt lên ngạc nhiên. Nó đáp: cô nói chuyện gì lạ vậy? Bố cháu sao là con riêng của ông cháu được ạ?
Cô con gái đáp: à, xin lỗi cậu. Có lẽ tôi nghe nhầm. Mẹ tôi ấy à! Có chuyện thì nhớ rất kĩ nhưng có chuyện lại chả nhớ chút gì! Thậm chí bà ấy còn hay kể các câu chuyện lặp đi lặp lại.
Bà cụ bấy giờ mới lên tiếng: mấy đứa không ở trong thời ấy thì sao mà hiểu?
Người con gái bảo mẹ: vâng! Chúng con ở thời bình nên không chứng kiến những chuyện kinh dị thời của mẹ. Ví như cái bà Sen bị mổ bụng ấy thì quả là quá kinh hãi.
Thằng Tùng nghe cô gái kia nhắc tới bà Sen bị mổ bụng thì lập tức thấy người nóng lên nhanh chóng. Nó ngồi thẳng người lấy cái tay quạt quạt lên khuôn mặt đang đỏ dần lên vì hận. Trong thâm tâm nó vẫn hận người đàn bà thâm độc và nguy hiểm ấy. Bà ta chính là thủ phạm gây ra bao mất mát bi thương cho gia đình cậu trong suốt thời gian qua.
Tiếng bà cụ chầm chậm kể lể: nghĩ cũng thương nhưng cũng đáng giận cho bà ta. Người ta nói ở hiền thì gặp lành, ác giả thì ác báo. Âu cũng là cái số của mấy kẻ không ra gì.
Dường như bà ấy quên ngay sự hiện diện của Tùng ở đó lại tiếp tục kể lể: tôi chỉ thương cho cái bà Lân thôi. Người gì đâu mà vừa đẹp lại vừa tốt bụng. Giờ không biết bà ấy ra sao rồi? Tuy nhiên nhìn thằng con trai hôm đến đây ăn bún tôi nghĩ chắc bà ấy có cuộc sống giàu sang phú quý.
Thằng Tùng ăn xong rút tiền ra trả rồi nhanh chóng đứng dậy. Phía bên kia bà cụ vẫn chầm chậm kể chuyện xưa: bà Lân ấy cũng thật tội nghiệp. Cũng bởi quá thương người nên đã mất đi đứa con gái mang thai chín tháng mười ngày. Bà ấy cứu được một mạng cũng mất đi một mạng. Đau đớn là phải đánh đổi mạng sống của chính đứa con mình mà cứu lấy con trai tình địch. Hơn thế nữa bà ấy can đảm đủ tình thương nuôi dạy đứa bé trai kia lớn lên thành người chứ phải người khác chắc một tay bóp chết thằng bé cùng mẹ nó cho rồi.
Thằng Tùng bỗng đứng sững lại. Một ý nghĩ lướt qua trong đầu nó: có chuyện gì thế này? Sao bà nội lại cứu con trai tình địch mà đổi mạng con gái ruột thịt của chính mình?
Nó quay lại hỏi: bà vừa nói chuyện gì thế? Chẳng phải bà nói với bố cháu là bà nội cháu sinh đôi một trai một gái hay sao? Cô con gái không may đã qua đời lúc vừa mới sinh ra.
Bà cụ ngẩng đầu nhìn thằng Tùng rồi đáp: đúng mà! Bà nội cậu sinh đôi được hai đứa con một trai một gái. Chính cái thằng sát nhân kia nó dùng dao rạch bụng bà ấy đem hai đứa đi chôn sống nên con bé con kia mới chết. Bố cậu may mắn được bà Lân kịp thời cứu giúp nên thoát chết đó thôi.
Khuôn mặt nó bỗng dưng co cứng lại. Mắt nó giãn căng tròn ra khi nghe cái bí mật tày đình bà cụ vừa nói.
Cô con gái bà ấy mau mắn: đấy! Mẹ tôi kể chuyện này tới hàng trăm lần rồi. Bởi vậy lúc nãy tôi vui miệng mới muốn xác nhận xem có đúng bố cậu là con riêng của ông địa chủ hay không?
Thằng Tùng gần như mất cảm xúc tạm thời. Nó ngây ngô tựa như như bị trúng gió khiến con gái bà cụ hốt hoảng: này cậu thanh niên trẻ. Cậu không sao chứ? Mau vào nhà ngồi một lát cho khoẻ rồi đi đâu hãy đi.
Nó lảo đảo bước vào nhà trong vô thức. Trong đầu nó những mong cái chuyện nó vừa mới nghe được kia chỉ là lời nói nhăng cuội của bà cụ không bình thường hay theo người ta vẫn gọi là bà cụ điên. Tuy nhiên nó lại muốn biết chắc cái bí mật thực sự đằng sau là gì nên nó quyết vào nhà để được nghe phần sau câu chuyện.
Nó bước đến cửa rồi đứng sững lại. Hình ảnh bà nó đứng ngay góc vườn thì thầm to nhỏ một năm về trước bỗng hiển hiện trong đầu. Nó còn nhớ chính miệng bà nó nói: mẹ xin lỗi con. Mẹ có tội lớn lắm! Giờ con chắc đang giận mẹ bỏ con lại, nhưng quả thực thằng Dũng đáng được sống.
Lúc ấy nó đã nghĩ ngay tới chuyện bà nó sau khi chết đi sống lại thường xuyên nói năng lung tung không rõ đầu cuối. Bà nó nói tới rất nhiều chuyện lạ. Tuy nhiên cả nhà nó ai cũng nghĩ bà bị lẫn do tuổi già mà thôi. Nó tự lẩm nhẩm trong miệng: hoá ra nhiều chuyện bà nói đều là sự thật. Có thể nào bố không phải con ruột của bà hay không?
Nó ngồi xuống chiếc ghế gục đầu xuống bàn. Bà cụ đưa chai dầu cho cô con gái: mau xức dầu cho cậu ấy đi. Có lẽ cậu ấy trúng gió. Có người trúng gió độc còn méo cả miệng, liệt cả chân tay chứ chẳng đùa.
Thằng Tùng đột ngột ngẩng lên hỏi bà cụ: sao bà lại biết tất cả mọi chuyện đã xảy ra trước kia ạ? Có thật là như vậy không?
Bà cụ đáp: ô hay cái cậu này hỏi chuyện hay nhỉ? Tôi sống ngần này tuổi rồi, có chuyện gì mà tôi chưa trải qua đâu. Mấy cái chuyện ấy thi thoảng mang kể cho người ta nghe như kiểu kể chuyện cổ tích ấy mà.
Người phụ nữ con gái của bà cụ bật cười: mẹ tôi có lúc nhớ, lúc quên. Chuyện mẹ tôi trải qua quá nhiều nên đôi khi bản thân chúng tôi cũng không dám chắc đúng bao nhiêu phần. Mẹ tôi thích kể thì chúng tôi nghe cho vui. Cậu cũng đừng bận tâm quá nhiều.
Bà cụ cáu: con với chả cái. Sao cái nhà chị lại bảo tôi lúc nhớ, lúc quên được? Gì chứ chuyện của ông bà địa chủ tôi nhớ như in trong đầu.
Thằng Tùng đáp: vâng! Cháu tin bà còn nhớ! Cháu khẳng định rằng bà cực minh mẫn nên chỉ gặp cháu lần đầu đã nhận ra người quen.
Bà cụ móm mém nhả miếng trầu ra cái lon sữa bò từ từ ngồi xuống ghế. Bà giơ tay kéo chiếc túi đựng bộ cối giã trầu bày lên trước mặt: đây này, cái cối giã trầu này là của bà địa chủ cho tôi đấy. Cậu nhìn cho kĩ xem, nó có giống cái cối giã trầu của bà Lân hay không?
Thằng Tùng quả nhiên phát hiện ra hai chiếc cối giống hệt nhau. Nó gật đầu: vâng, quả thật là giống đồ của bà nội cháu.
Bà cụ gật đầu: tôi là Ca, thời ngày trước mẹ tôi làm cái nghề bà đỡ nên tôi được mẹ dạy truyền nghề. Mẹ tôi ngày ấy tự tay đỡ ông nội cậu chào đời. Đời tôi thì tự tay đỡ hết lượt mấy đứa con của ông ấy. Cái ngày tôi đỡ đứa con lớn của bà Lân là cậu Phụng ấy. Bà địa chủ thích quá tặng tôi chiếc cối này làm quà kèm theo một xâu tiền.
– Nghĩa là bà rất thân thiết với gia đình ông bà nội cháu đúng không ạ?
– Đúng rồi! Nhà tôi ngày ấy chịu ơn của bà địa chủ. Bà Lân ngày trẻ đẹp lắm, lại đảm đang và hiền hậu. Tuy nhiên thế gian được vợ, hỏng chồng. Ông địa chủ lại ngược hẳn với vợ. Bề ngoài ông bảnh bao, phong độ. Tuy ở nhà ông cứ một mực nịnh nọt, yêu chiều vợ nhưng sau lưng lại giở đủ trò làm bà địa chủ cũng vài phen lao đao theo. Bà ấy tin yêu chồng hết mực nên nhiều khi người ta gièm pha bà lại cứ mắng át đi và ra lệnh ai dám nói xấu ông ấy bà phạt cơm, phạt tiền công.
– Vậy bà kể cho cháu nghe những chuyện bà biết về ông bà cháu ngày ấy có được hay không ạ? Cháu nghe bác Phụng nói ngày bé bác ấy có quen một người tên Sen. Bà biết người ấy không?
Bà cụ đứng dậy ngó sang cái tai của thằng Tùng rồi đáp: giống! Quả nhiên là giống!
Thằng Tùng sững sờ: bà nói cái gì giống ạ?
Bà cụ đáp: nốt ruồi bên tai của cậu giống với cô ta.
Thằng Tùng đưa tay lên sờ vào nốt ruồi bên tai mà thắc mắc: nốt ruồi này có gì lạ hả bà? Cô ta bà nhắc tới là ai?
– Là Sen, người tình của ông địa chủ, cũng là mẹ đẻ ra cậu Dũng chứ ai? Bà ta có nốt ruồi giống y như vậy. Có lẽ đó là điểm duy nhất của cậu Dũng giống với mẹ đẻ, còn lại tất thảy cậu ấy giống ông Bộ.
Bà cụ quay trở về ngồi xuống chiếc ghế đối diện, đôi mắt nhìn về phía cửa gật gù chậm rãi kể lại.
*****
Một buổi sáng tại chợ thôn, bà Lân đi chợ mua đồ chuẩn bị nhà có cúng. Bà ghé qua hàng mã mua một ít giấy tiền vàng.
Người chủ quán đon đả: chào bà địa chủ, bà cần mua gì để tôi lấy giúp cho nhanh ạ?
– Tôi cần giấy tiền chuẩn bị cúng.
Chủ quán nhanh chóng lấy giấy tiền cuộn lại một cuộn lớn đưa cho bà Lân.
– Tôi muốn mua phần giấy tiền vàng này(một cô gái xinh đẹp xuất hiện chỉ tay vào bịch giấy tiền vàng của bà Lân mà nói với chủ quán)
Chủ quán đáp: cô từ từ, chúng tôi sẽ lấy cho cô ngay.
– Tôi đang vội lắm! Tôi muốn lấy ngay bây giờ. Chờ chị xếp tới khi nào?
Bà Lân đáp: tôi không vội, cô lấy của tôi đi. Tôi sẽ chờ bà chủ lấy phần khác cũng được.
Cô gái vui vẻ nhìn bà Lân: chị thật tốt bụng. Vậy tôi không khách sáo nhá.
Cô ấy cầm lấy cuộn giấy tiền vàng rút tiền trả chủ quán rồi nhanh chóng rời đi. Khuôn mặt tươi như hoa vì mua được giấy tiền sớm.
Chủ quán ngó cái đầu nhìn theo bóng cô gái: người này chắc ở đâu mới tới đây. Tôi chưa thấy cô ta đi chợ này bao giờ.
Con Đào lên tiếng: thảo nào! Cô ta vậy mới dám tranh đồ của bà nhà con. Đáng ghét!
Bà Lân cười hiền: là ta nhường cô ấy đấy chứ? Chúng ta cũng không có vội.
Bà Ca bấy giờ ngồi quán bún ngay cạnh bèn lên tiếng: đó là cô Sen. Gia đình họ mới chuyển đến đây sống đấy bà địa chủ.
Chủ quán gật đầu: biết ngay mà, chắc chắn là người mới.
Chủ quán hướng về phía bà Ca hỏi chuyện: thế gia đình họ mua nhà của ai ở đây chị có biết không?
Bà Ca đáp: là mua lại nhà của cụ Ốc. Đây là con gái lớn. Dưới cô này còn một cô con gái nữa. Cô em không xinh bằng cô chị nhưng được cái hiền dịu, nết na lắm.
Con Đào đáp: eo ôi, người ta mới đến nhà chị Ca biết rõ thế. Nghe cứ như người nhà ấy nhỉ?
Bà Ca cười: ở cái làng này có chuyện gì mà Ca này không biết đâu? Mà công nhận cô Sen này đẹp thật, tóc thì dài, da thì trắng, mắt thì to… Đẹp! Quá đẹp!
Con Đào nhận bó giấy tiền từ tay chủ quán vui vẻ nhìn bà Lân lên tiếng: thua bà nhà con hết. Ở cái làng này bọn Tây còn phải khen bà nhà con đẹp mà!
Bà Lân cười: cái con nhỏ này, cứ nịnh hót. Nói nhiều bà trừ tiền công đấy nghe chưa?
Con Đào xị mặt: con khoá miệng lại, chìa khoá con bỏ vào túi áo cài kim băng. Bà đừng trừ tiền công của con nhé.
Mọi người nghe Đào nói mà phá lên cười vui vẻ. Bà Lân mang tiếng là bà địa chủ nhưng lại hoà đồng với tất thảy mọi người như thế.
Trên đường về, bà Lân với con Đào gặp lại bà Ca. Bà Ca bước nhanh chân tới bên bà Lân: ôi, may quá tôi đuổi kịp bà rồi.
Bà Lân hỏi: có chuyện gì mà chị đuổi theo tôi?
Bà Ca ghé tai bà Lân: chuyện ông địa chủ bà không nghe người ta đồn à?
Bà Lân cười: ối dào! Tôi sống với ông ấy tôi hiểu hơn ai hết. Chồng tôi tôi không tin mà nghe lời thiên hạ sao? Họ chui gầm bàn, ngủ gầm giường nhà tôi hay sao mà rõ ông nhà tôi thế?
– Trời ạ! Tôi có thương bà tôi mới nhắc. Bà có ơn lớn với nhà tôi nên tôi phải có trách nhiệm nói cho bà nghe. Không có lửa thì làm sao có khói hả bà?
Bà Lân cười: được rồi! Cám ơn nhà chị Ca nhé! Tôi sẽ lưu tâm.
– Cứu! Cứu tôi với! Có ai không?(Tiếng kêu cứu vang lên không xa)
Bà Lân vội vã hỏi: chuyện gì vậy? Ai đó đang kêu cứu?
Con Đào bật lên phía trước nhìn ngó. Bà Lân cũng bước nhanh chân về phía có tiếng kêu. Bà Lân hô lên: mấy người làm gì thế?
Hai tên ăn mặc rách rưới đang giằng co với cô Sen kia dừng tay nhìn bà Lân. Cô gái lên tiếng: cứu! Cướp! Bọn họ cướp đồ của tôi.
Con Đào lao lại phía bà Lân: bà ơi! Con bảo vệ bà.
Một thằng lên tiếng: không phải việc của mấy người, mau cút đi, nếu không đừng có trách.
Bà Lân lên tiếng: ban ngày ban mặt mà mấy người chặn đường cướp bóc. Mấy người không sợ bị đi tù sao?
Một thằng cười phá lên: doạ chúng tôi sao? Bọn này lại không sợ đi tù.
Sen gào lên: cứu tôi với! Chị ơi!
Bà Ca lúc bấy giờ đã nhanh chân hô hoán gọi người tới giúp. Hai tên kia tức giận: được lắm! Cứu thì chết này.
Một tên rút con dao đâm thẳng về phía bà Lân. Cả bà Lân và con Đào bị ngã vật xuống đất. Con Đào hét lên: máu… bà ơi! Bà đừng chết! Bà chết rồi con ở với ai?
Mấy thanh niên từ đằng xa chạy lại nhanh chóng. Hai tên kia lập tức bỏ chạy. Một tên còn nhanh tay giật sợi trang sức bà Lân đeo trên cổ mới chạy trốn.
Bà Lân thấy máu loang ra nhưng không hề bị thương. Bà nhìn lại thì thấy Sen kia cũng gục bên cạnh bà. Máu chính xác từ người cô ấy đang tuôn ra. Bà Lân hốt hoảng: có người bị thương rồi, mau, mau gọi thầy thuốc cứu.
Bà Ca chạy tới nơi thấy Sen mặt tái đi. Miệng cô ấy lắp bắp: đau! Đau quá!
Tiếng bà Lân trách móc: cô gái ngốc, cô đỡ dao thay ta mà làm gì?
Cô ta đáp khẽ: bà vì cứu tôi mới gặp nguy hiểm. Tôi không thể không làm thế.
Con Đào cũng cuống lên: bà ơi! Giờ làm sao? Liệu có chết người không bà?
Bà Lân lừ mắt: đừng nói vớ vẩn, mau giúp dìu cô ấy đi gặp thầy thuốc cho bà.
Sen nhanh chóng được băng lại vết đâm. Cũng may tên cướp kia đâm trượt nên vết thương không sâu, không nguy hiểm. Bà Lân bèn lên tiếng: nhà cô ở đâu? Chúng tôi đưa cô về.
Cô Gái bỗng sợ sệt khi nghe bà Lân nhắc tới chuyện đưa về nhà. Cô đáp: chị đừng bận tâm tới em. Em không sao! Em sẽ tự về.
Bà Lân tinh ý phát hiện ra vẻ lo sợ của Sen nên hỏi nhỏ: em có chuyện khó nói sao? Chị tuy người ngoài nhưng em vì cứu chị mới bị thương. Em có chuyện gì cứ nói. Chị sẽ giúp em!
Sen rưng rưng: em bị thương mà về nhà thế này mẹ em giết em mất. Bà ấy đáng sợ lắm!
Bà Lân ngạc nhiên: có chuyện gì? Sao mẹ em lại giết em? Mẹ nào mà không thương con cơ chứ? Em có tâm sự đúng không?
Sen khóc! Giọt nước mắt thi nhau chảy xuống ướt cả vạt áo. Bà Lân thở dài: được rồi! Em về nhà với chị. Trước mắt chúng ta lo cho em chữa lành vết thương. Sau này mọi chuyện sẽ từ từ giải quyết.
Bà Lân nói là làm. Bà đưa Sen về nhà coi như khách quý. Người làm trong nhà cũng một dạ hai vâng với Sen tự như với ông bà chủ. Bà Lân cũng khéo léo đánh tiếng sang nhà của Sen nói chuyện Sen cứu mình một mạng nên bà đưa về nhà chăm sóc. Bà mẹ của Sen bấy giờ ngạc nhiên lắm. Bà suy nghĩ hồi lâu rồi bảo: con bé Vụ nhà tôi đỡ một nhát dao thay bà địa chủ nhưng bà đã đưa thầy nó đi khám và lấy thuốc rồi. Bà không cần phải giữ nó lại nhà làm gì? Con gái tôi nó khó tính, khó chiều lại nhỏ tuổi sợ làm ảnh hưởng tới gia đình bà.
Bà Lân đáp: chúng tôi làm vậy cũng là phải phép. Gia đình không có gì phải đắn đo, suy nghĩ.
Ánh mắt bà mẹ Sen hơi trầm xuống. Bà ấy thở dài: tôi chỉ e con bé lại không hiểu phép tắc làm cho bà đau đầu thôi.
Bà Lân ra về thì gặp cô Phai (là mẹ cô Yên, bà ngoại Tùng). Cô Phai thấy bà Lân thì ngạc nhiên nhưng cũng gật đầu chào cho phải phép. Bà Lân khẽ mỉm cười: cô là em gái của Sen sao? Hai chị em chắc người giống mẹ, người giống bố; mỗi người một nét riêng.
Cô Phai đáp: vâng ạ! Chị ấy khoẻ chưa bà?
– Tôi già thế sao mà em gọi bằng bà? Sen đã khoẻ lên rất nhiều. Vài ngày nữa cô ấy có thể lành vết thương thôi.
– Chị ấy không muốn về nhà hay sao ạ? Lẽ ra bị thương chị ấy nên về đây để mọi người chăm sóc mới đúng. Gia đình tôi làm phiền gia đình bà địa chủ quá rồi.
Bà Lân cười: có gì đâu mà khách sáo hả em? Chị thấy nên làm mà.
Cô Phai muốn nói gì đó nhưng lại ngưng lại. Cô đáp: thật sự là khó cho ông bà quá! Chúng tôi sẽ sang đón chị ấy về ạ!
Bà Lân đáp: được rồi! Gia đình không cần lo. Chúng tôi muốn làm tròn trách nhiệm của mình với cô ấy. Dẫu gì Sen cũng cứu tôi một mạng.
– Có chuyện này… hơi khó nói… nói ra thì bà lại cười. Tuy nhiên bà cẩn thận một chút nhé. Người ta nói hoa đẹp luôn có độc.
Bà Lân ngạc nhiên khi nghe cô Phai nói như vậy. Tự nhiên bao nhiêu ấn tượng đẹp của bà về người con gái trước mặt bỗng dưng biến mất. Bà tự thấy cô gái này xấu tính và ích kỉ.
Một thời gian sau Sen lành vết thương. Theo đúng lí vết thương đã lành Sen phải chuyển về nhà. Tuy nhiên con trai bà Lân là cậu Phụng lại muốn giữ Sen lại bởi cậu rất thích chơi với Sen. Hai chị em ríu rít cả ngày. Thậm chí cậu Phụng ngày bé lại nghiện chị Sen hơn là bám theo mẹ. Cậu chạy tới năn nỉ mẹ cho phép chị Sen được ở lại nhà mình. Bà Lân thấy khó nghĩ nhưng chiều con mới đánh liều hỏi chuyện với Sen: em này, thời gian qua em ở nhà chị có thấy chỗ nào không vui, không hài lòng không?
– Em ở nhà chị sướng như bà hoàng thì có gì mà không vui ạ? Em cứ ngỡ như mơ đấy chị ạ!
– Thời gian qua có em bầu bạn chị cũng thấy vui. Ông Bộ thì tối ngày bận bịu buôn bán làm ăn nên chị nhiều lúc cũng buồn.
Sen cười phá lên: chị mà buồn á? Chị xem trên đời này có ai sướng như chị chưa? Nhà thì giàu, có tiền bạc đầy kho tiêu cả đời không hết, chồng thì hiền lại chiều vợ như bà hoàng.
– Đấy là người ngoài nhìn thấy sẽ nghĩ thế em ạ! Có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
– Em thấy chị là nhất. Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Sau này em lấy chồng chỉ mong người đàn ông của em bằng một phần ông địa chủ là em mừng lắm rồi đấy.
– Được rồi! Đừng nói chuyện đó nữa. Chị có chuyện muốn hỏi em này. Sắp tới em dự định gì chưa?
Khuôn mặt Sen bỗng dưng cứng lại. Sen lắp bắp: ý chị…là…em sắp không được chơi với cu Phụng nữa rồi phải không?
– Chị đâu có ý đấy. Thằng bé quấn em hơn cả mẹ. Chị thấy em cũng thật thà, dễ thương. Nếu em có dự định thì em cứ làm; còn không em giúp chị trông coi thằng bé. Chị trả công cho em. Coi như chị thuê em kèm con chị. Chẳng hay ý em thế nào?
Sen ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt đang ngân ngấn sương mờ đáp: chị… chị thật tốt bụng. Mà… em… em sợ… lại làm phiền chị.
Sen nói rồi bật khóc thành tiếng: chỉ sợ họ lại không để em yên thôi.
– Ai cơ? Gia đình em á? Em lớn rồi. Em có quyền tự quyết định mà.
– Chuyện nhà em dài lắm! Chị người ngoài sẽ không hiểu được đâu. Em không phải con đẻ của họ nên họ mới toàn nghĩ cớ ngược đãi em rồi tống cổ em ra đường.
Bà Lân ái ngại nhìn Sen: có chuyện đó sao?
Sen đáp: họ cướp mất mọi thứ của em. Bố mẹ em và họ là bạn thân, nhà ở gần nhau. Mẹ em vì chạy đi tìm bà đỡ tới giúp bà ấy sinh dì Phai không may trượt chân xuống kênh qua đời . Bố em phải một mình nuôi em. Nhưng chuyện bất ngờ khó nói lắm chị ạ! Nhà họ bị cướp, đêm hôm bố em chạy sang giúp. Bố em vì cứu cả nhà họ mà bị bọn cướp nó giết chết. Lúc bố còn hấp hối họ đã hứa cả đời sẽ yêu thương đùm bọc em. Tuy nhiên họ chỉ nói cho sang cái miệng. Em chẳng khác nào kẻ ở nhờ, kẻ dư thừa cả. Hôm gặp chị là ngày giỗ bố em mà em không dám làm đám giỗ cho tử tế ở nhà. Em lén họ chạy đi mua tiền vàng rồi ra bãi đất hoang mà đốt khấn cho bố em thôi. Ai dè em gặp phải hai tên cướp đó rồi có duyên gặp chị.
Bà Lân nghe Sen kể chuyện mà mắt cũng rưng rưng. Bà nghèn nghẹn đáp: khổ thân em! Hoá ra em mồ côi từ nhỏ.
– Vâng chị! Em sống ở đó như kẻ dư thừa. Nói thì bảo nói xấu nhưng họ không muốn em hơn con gái họ. Có cái gì em cũng phải nhường cho em ấy. Chuyện kham khổ em không dám than nhưng trên đời này tội to nhất chính là bất hiếu. Bọn họ đến cả cái đám giỗ của bố mẹ em cũng không cho phép em làm cho tử tế. Em sợ họ lắm chị ạ!
Bà Lân ôm lấy Sen: khổ cho Sen của chị quá! Vậy em ở lại đây với chị nhé. Em biết chữ thì kèm cho cu Phụng giúp chị. Thằng bé rất quý và nghe lời em. Chị đảm bảo sẽ không ai dám bắt nạt em. Em ở đây không phải chịu bất cứ thiệt thòi nào hết.
Sen oà khóc như một đứa trẻ: chị… chị tốt quá! Đời này em trả làm sao hết nghĩa tình của chị?
Bà Lân ôm lấy Sen an ủi: được rồi, âu cũng là cái duyên của chị em mình. Chị vốn chẳng có chị em bạn dì, giờ có em cũng vui.
Liệu ai dám tin một người đường đường là bà địa chủ miệng hét ra lửa lại có tấm lòng bồ tát bao dung và tình thương bao la như thế? Bà Lân vậy mà lại kết thân với Sen, giữ Sen lại bên mình bầu bạn và chăm sóc cho Phụng.
Lúc nghe tin ông Bộ cũng phản đối gay gắt lắm. Ông bảo: bà thương cô ấy thì cho ít tiền giúp người ta có vốn làm ăn là được rồi. Trong nhà giữ người lạ mà bà cứ ỷ y như người nhà. Bà không thấy lo lắng sao?
Bà Lân đáp: ông lại cứ lo bò trắng răng. Thời gian qua tôi quan sát Sen rất kĩ rồi. Cô ấy hiền hậu lại hoà nhã với mọi người. Tôi cũng cho người tìm hiểu chuyện xưa kia. Sen quả nhiên đáng thương lắm. Mẹ chết đuối khi con mới hai tuổi. Vài năm sau bố lại bị bọn cướp đánh chết. Tôi thấy tội nghiệp cho Sen quá!
– Nhưng lòng người khó đoán. Suy cho cùng cô ấy cũng đâu phải người nhà mình. Cô ấy cũng còn có gia đình cơ mà.
– Họ cũng là bố mẹ nuôi thôi. Tuổi thơ cô ấy chắc sẽ gặp nhiều khó khăn lắm.
– Vậy bà có thấy đứa con nuôi nào bị bạc đãi mà được học hành tử tế, mặt hoa da phấn như thế không? Bà cứ thử nhìn mấy cái nhà ông bà địa chủ quanh đây mà so ra. Đến như cả con bà cả với con bà hai còn bị so bì. Có khi con trai bà hai còn chẳng được học hành đàng hoàng chứ đừng nói đến một đứa con gái lại là con nuôi.
Bà Lân đáp trả: ông thì biết cái gì? Tôi gặp trực tiếp hai mẹ con nhà bà ấy rồi. Bà mẹ thì lấp lửng nói cứ như thể Sen là đứa vô học thiếu hiểu biết ấy. Còn riêng cái cô em tên Phai kia thì tôi ghét. Cô ấy ích kỉ lắm. Em gái lại đi nói về chị mình với người ngoài là Hoa đẹp có độc.
Ông Bộ chỉ biết lắc đầu: bà lại suy nghĩ đơn giản quá rồi. Sao tự nhiên bà lại bênh cô Sen ấy đến thế? Ngộ nhỡ ra có uẩn khúc gì thì sao?
Bà Lân gạt phắt cái suy nghĩ của ông Bộ đi bằng câu như thể vừa làm nũng vừa ra lệnh: tôi không biết. Tôi quyết rồi đấy! Ông thương tôi thì theo ý tôi đấy nhá! Bao nhiêu ngày ông đi làm ăn xa, mình tôi ở nhà cô đơn lắm. Tôi là cứ giữ Sen ở nhà đấy. Ông muốn làm gì thì làm nhưng Sen phải ở đây.
Ông Bộ kéo bà Lân lại mà đáp: được rồi! Tôi lúc nào chẳng nhất vợ nhì giời. Bà nói sao thì tôi nghe vậy. Nhưng mà bà phải để ý tới cô Sen ấy đấy.
Ông Bộ vẫn cẩn thận dặn dò bà Lân khi đồng ý cho Sen ở lại nhà. Bà Lân được thoả mãn yêu cầu thì vui mừng lắm. Bà đáp: vậy là từ nay cu Phụng có người trông nom, thằng bé lớn lại khó chiều, cả nhà này chục đứa ở mà nó có ưa ai ngoài Sen đâu. Đáng lẽ ông phải mừng vì điều ấy chứ?
Ông giả bộ nguýt bà một cái rõ dài: Nhà này thiếu người ở hay sao mà bà đã lo.
– Không thiếu! Nhưng có cũng không thừa. Mấy đứa kia có vú nuôi cả rồi. Tôi tính con Lan lớn một chút sẽ sinh thêm cho ông thằng con trai. Tôi mới đi xin quẻ cho ông trên chùa. Quẻ giải sang năm ông có con trai đấy.
Quả nhiên ông Bộ được chạm tới ước mơ liền khoái chí lên hẳn. Ông có mong ước gì nhiều đâu, chỉ là muốn sinh được thật nhiều con phá vỡ đi cái gen di truyền độc đinh của dòng họ.
Gia đình ông bao đời làm địa chủ phát canh thu tô, của cải tiêu không hết nhưng tiếc là mỗi đời chỉ sinh được duy nhất một người con trai. Đời ông may mắn lấy bà Lân lại sinh một lúc hai đứa con trai cùng hai cô con gái liền làm ông sung sướng nở mày nở mặt. Người ta nói con hơn cha là nhà có phúc nên ông thấy quả đúng là đời ông phúc lộc dồi dào.
Bà Lân lúc bấy giờ bàn với chồng: tôi sẽ sinh thêm cho ông vài đứa con nữa luôn. Nếu ông muốn tôi sẽ sinh cả chục đứa cho ông vênh mặt tự hào cả thể. Sau này có chết đi tôi với ông cũng ngẩng cao đầu mà gặp các cụ.
Không gian trong căn phòng bỗng nóng dần lên theo những âm thanh ái muội. Phía bên ngoài cửa có bàn tay cào lên cánh cửa ken két. Đôi mắt thâm trầm kia nhanh chóng loé lên chớp nhoáng rồi vụt tắt.