Ông Ninh tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. Đầu dây bên kia vẫn giọng nói mà ông đã nghe mấy hôm nay:
– Hãy tới mà đón họ về!
– Họ ở đâu?
– Ở đúng căn phòng 415 khách sạn tân hôn bữa trước!
Bất kể giờ giấc, lúc đó là hai giờ sáng, ông Ninh đi ngay tới khách sạn M. Nhân viên lễ tân rất đỗi ngạc nhiên khi nghe ông nói, họ quả quyết:
– Căn phòng đó hiện đang bỏ trống, đến sáng mai thì mới có khách đã đăng ký trước.
– Nhưng con tôi đang ở đó!
Thấy ông Ninh có vẻ căng thẳng, họ đành phải cho người dẫn lên đến tận nơi. Trước khi mở cửa người bồi phòng nói:
– Chính tôi mới vừa mở cửa vào dọn dẹp hồi đầu hôm nay, làm gì có ai trong đó.
Nói thế nhưng cô ta vẫn mở cửa phòng. Và cô đã tròn xoe mắt khi thấy hai người đang ngủ say trên giường!
Ông Ninh reo lên:
– Tuấn đây mà!
Cả hai, Tuấn và Thu Nguyệt choàng tỉnh. Họ vẫn chưa biết mình đang ở đâu, khi trông rõ cha Tuấn vẫn chưa tin:
– Ba, có phải ba không?
Thu Nguyệt thì như kẻ mộng du, cô nhìn lơ mơ mọi người, miệng nói lảm nhảm như đang mơ… Ông Ninh phải lay con trai:
– Ba đây, còn mẹ con đâu, các con có gặp bà ấy không?
Nghe nhắc đến mẹ, Tuấn mới hoàn hồn:
– Mẹ bị nguy rồi ba ơi!
– Mẹ con làm sao, Tuấn?
Tuấn không nói gì thêm, trở lại trạng thái lơ mơ giống như Thu Nguyệt. Dù ông Ninh có hỏi thêm gì họ cũng im lặng…
Mãi đến khi theo cha về tới nhà Tuấn mới nói một câu không rõ ràng:
– Ngôi nhà hoang, biệt thự Thùy Dương ở Long Hải…
Riêng Thu Nguyệt thì ôm mặt khóc, thần kinh chừng như bị kích động mạnh nên nỗi một tiếng động xung quanh cũng làm cô giật mình kêu thét lên!
Ông Ninh nhìn các con mà lo lắng vô cùng. Ông ngồi cạnh bên chúng, chờ Tuấn tỉnh lại hỏi cho rõ đầu đuôi. Mãi đến sáng hôm sau, vô tình nhặt được mẫu giấy nhỏ rơi ra từ túi áo của Tuấn. Trên tờ giấy ghi dòng chữ viết tháu: “Hãy đưa họ ra khỏi đó, nếu không thì những người còn lại cũng sẽ giống như họ…”
– Chẳng hiểu gì cả!
Ông Ninh thở dài, bởi dòng suy nghĩ của ông bị bế tắc ở đó…
Nhưng cuối cùng, ông nhớ lại câu nói của Tuấn lúc ở khách sạn, ông lẩm bẩm:
– Biệt thự Thùy Dương, ngôi nhà hoang ở Long Hải…
Ông reo lên:
– Đúng rồi!
Việc tìm ra ngôi nhà không khó lắm với ông Ninh. Nhưng khi bước vào sân thì đúng là gay go đối với một người chưa từng giáp mặt với nỗi sợ hãi như nhà nghiệp chủ vốn hiền lương như ông này…
Ngôi nhà hoang vắng như thế này sao gọi là biệt thự Thùy Dương. Cũng may là trước lúc vào đây ông đã được một chủ quán nước ở cách đó hơn cây số đã nói khá rõ:
– Cái tên biệt thự Thùy Dương là người chủ đặt cho hơn hai mươi năm trước, lúc họ còn lui tới nơi đây. Chớ còn sau này khi họ bỏ hoang thì chỉ có rắn rết, dơi, chuột chọn làm nơi cư trú không một ai bén mảng tới.
Nghe vậy và nhất là khi giáp mặt, nhìn vẻ hoang sơ tối tăm của ngôi nhà, ông Ninh định quay ra. Nhưng nghĩ đến vợ và cú điện thoại của ai đó, ông thu hết can đảm bước sâu vào nhà.
Và cũng không lạ khi chỉ có một phòng duy nhất trong ngôi nhà hoang là mở cửa. Do cửa mở rộng, ánh sáng bên ngoài lùa vào nên tầm mắt ông Ninh nhìn suốt được mọi vật ở trong đó…
– Trời ơi!
Ông kêu lên thảng thốt khi nhìn thấy có hai bộ xương người nằm sóng đôi trên sàn nhà!
Vốn không quen với những chuyện gây cảm giác mạnh nên ông Ninh định bước lùi, nhưng chợt ông nhìn thấy ở cổ tay một bộ xương có đeo một chiếc vòng cẩm thạch có bọc vàng với hình chạm khắc đặc trưng. Vật mà vừa thoạt nhìn thấy ông đã nhận ra ngay, bởi chính ông đã mua nó từ Hồng Kông về tặng vợ?
– Trời ơi, Thu Dung!
Vật chứng thì đã chắc, nhưng ông Ninh lại không tin đó là hài cốt của vợ, bởi từ lúc bà ra đi đến nay mới mấy ngày, nếu có chết thì đâu đã phân hủy trơ xương như thế?
Còn đang phân vân thì ông Ninh nghe vọng ra từ căn phòng đóng kín cửa phía sau ông, giọng của một phụ đứng tuổi:
– Hài cốt của chính vợ ông đó, hãy đem về chôn cất đi. Người nằm bên cạnh là cha ruột của đứa con mà ông đang nuôi dưỡng, đem đi hay không là tùy ông. Nhưng tôi nói cho ông rõ, nếu xương cốt mà để đây thì đời đời sẽ luân phiên trong nhà ông và nhà người kia rồi sẽ lần lượt bị kết cục bi thảm như thế này! Hãy đưa họ đi…
Thấy ông Ninh còn lưỡng lự, người đó nói tiếp:
– Ông muốn biết tôi là ai mà lại giúp ông trong việc này? Tôi chính là người đã gọi điện cho ông sáng nay. Tôi cũng chính là mẹ đẻ ra Lan Ngọc và cũng chính tôi, vì tôi mà ngày trước cách đây hai mươi lăm năm tụi nó mới gây rắc rối cho nhau, dẫn đến oan khốc như vầy ngày hôm nay. Tôi ân hận quá và ước muốn duy nhất bây giờ là chấm dứt sự hận thù ở đây. Rồi đây tôi và con Lan Ngọc sẽ rời xa vĩnh viễn… Ông hãy mau đi đi, trước khi con Ngọc trở về đây vào trời tối!
Không chút chần chừ, ông Ninh quơ vội tấm trải giường xé ra bọc riêng hai bộ xương rồi vội vã đưa hài cốt vợ ra xe, chạy một mạch về Sài Gòn… Từ trong phòng kín cái bóng lướt nhẹ như sương khói của người phụ nữ, mẹ của Lan Ngọc bước ra. Bà nhìn bộ xương cốt còn bỏ lại, khẽ lắc đầu thở dài…
Đúng là oan nghiệt! Bởi nếu để bộ xương ở lại, như bà nói lúc nãy với ông Ninh, thì mãi mãi hồn phách của người này sẽ lệ thuộc vào con gái bà. Anh chàng Quang sẽ vĩnh viễn chịu sự sai khiến của Lan Ngọc và rồi đời đời kiếp kiếp sẽ nối tiếp những chuyện hận thù, báo oán không dứt…
Vậy phải làm sao?
Hồn phách của người đàn bà đã một đời chịu oan khổ nay lại đứng trước điều khó… Bởi nếu bà không tự tay đem bộ hài cốt ra khỏi đây, mà điều đó là không thể trong thế giới cõi âm, nếu phạm phải thì hồn bà sẽ là hồn ma bóng quế, là oan hồn uổng tử không chốn dung thân, nhưng thêm một điều ác nữa đối với Quang thì lòng bà không muốn.
“Lan Ngọc, hiểu cho mẹ, mẹ phải làm một việc mà con sẽ không hài lòng. Nhưng mẹ đành phải thôi… Mẹ muốn con siêu thoát, đừng lo cho mẹ.”
Bà cúi xuống xách bộ hài cốt và bước nhanh ra ngoài, hướng về phía sân sau ngôi nhà. Bộ hài cốt được bà đặt dưới gốc cây sứ già, nơi mà ngày xưa Quang và Thu Dung bắt đầu cuộc tình.
Ý của bà rất rõ: Bà dành bộ xương này để đến một ngày nào đó cô vợ của Quang trở lại mang đi, hay làm gì đó tùy cô ta. Nó thuộc về người đàn bà ấy chứ không phải là Lan Ngọc con gái bà. Lan Ngọc phải siêu thoát, chớ không thể vướng hệ lụy tình ái linh tinh…
Đào một hố sâu cạnh gốc sứ, đặt bộ hài cốt vào đó xong, bà đứng lặng người khá lâu. Bà hiểu đây là lần cuối cùng bà còn lảng vảng nơi đây. Bởi sau vài khoảnh khắc nữa thì một lần nữa tuy cùng là hồn phách, nhưng giữa bà và Lan Ngọc sẽ không còn bao giờ gặp lại nữa.
Ở khách sạn bãi biển Long Hải có một người phụ nữ đến thuê phòng nói là chỉ ở qua đêm với chồng, nhưng đã qua ba ngày, kể từ khi người chồng đi đó không thấy trở lại, thì bà ta ở miết trong phòng không hề thấy bước ra ngoài nửa bước. Mỗi ngày các hầu phòng vào làm vệ sinh phòng có hỏi chuyện thì bà ta chỉ ra hiệu là không cần gì, rồi sống lặng lẽ như vậy…
Qua ngày thứ tư thì quản lý khách sạn trực tiếp lên phòng hỏi vị khách nữ này coi bà có bệnh gì không, thì phát hiện bà ta nằm bất động. Người ta vội chở bà đi bệnh viện.
May mà cứu kịp thời. Các bác sĩ ở bệnh viện kết luận:
– Bệnh nhân ngất do suy dinh dưỡng, có lẽ mấy ngày liền do không ăn. Ngoài ra còn triệu chứng bị sốc nặng nên thần kinh không ổn định.
Ngày hôm sau thì bà ta tỉnh lại, nhưng cứ luôn mồm gọi tên chồng là Quang và đôi khi còn chấp tay lạy tứ phương tám hướng với lời van lơn một người nào đó tên là Lan Ngọc!
Trong lúc bệnh viện chưa kịp làm thủ tục xuất viện thì các y tá đã phát hiện ra người phụ nữ đó đã biến mất.
Bà ta cũng không trở lại khách sạn. Vài tuần sau, người ở quanh ngôi nhà hoang rất ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà đó sáng đèn. Ban ngày người ta còn thấy một phụ nữ trên bốn mươi tuổi, dáng vẻ rất sang trọng, nhưng lại ăn mặc toàn đen, rất giản dị, thường ra ngồi im lặng ở sân nhà, đưa mắt nhìn ra xa xăm…
Chiều chiều, nếu ai tinh ý nhìn vào sân sau ngôi nhà sẽ thấy người này ngồi trước ba ngôi mộ mới đắp, thành kính khấn vái. Những ngôi mộ ấy có lý do chính bà ta đắp lên… Trong những lúc lâm râm khấn, từ miệng bà ta cứ phát ra những cái tên “Quang… Lan Ngọc…”
Người phụ nữ ấy chính là vợ sau của Quang. Bà ta làm công việc này hình như là theo một mệnh lệnh của ai đó, hoặc cũng có thể là do tự nguyện…
Có điều lạ mà chính những người ở xung quanh cũng nhận ra, ngôi nhà hoang mà trước đây họ thường gọi là ngôi nhà ma, thì nay lại chẳng có một hiện tượng nào khác thường, kỳ bí…
Người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày lặng lẽ sống và không hề thấy bà ta bước ra khỏi cổng nhà. Thỉnh thoảng có người mang thức ăn tươi sống tới cung cấp, rồi ra về, chứ không bao giờ được cho vào nhà…