Buổi tối đêm ba mươi, trời tối ngửa bàn tay không nhìn thấy, nên bác Ba chủ nhà gọi con gái:
– Đốt cho ba cây đèn coi, con út.
Lát sau cây đèn dầu loại lớn được mang lên đặt giữa bàn. Quanh bàn đã có năm người, nhìn một lượt, bác Ba ngạc nhiên hỏi:
– Ủa, thằng Sáu Sự đâu không thấy?
Một người lên tiếng:
– Hồi nãy nó nói mình nhậu nhưng ít mồi quá nên nó xách chĩa ra đồng kiếm vài con ếch về nướng.
– Có lý à nghen!
Vừa lúc đó đã có tiếng từ sau vườn vọng tới:
– Mấy cha ở đó nói dóc hoài, chẳng ai đi kiếm mồi hết!
– Thằng Sáu Sự về kìa!
Sự bước vô với xâu ếch khá nặng. Bác Ba khen:
– Thằng giỏi đa! Tao mà còn con gái lớn cũng dám gả cho thằng này lắm a!
Sự chỉ vô trong:
– Còn chớ sao không, bác Ba.
– Hết rồi mày. Con Tư tao gả gồi năm ngoái, giờ chỉ còn con út, nó mới có 15 tuổi…
Ai đó nói thêm:
– Thằng Sự giỏi làm, kiếm chừng vài chục giạ lúa là nuôi con út đủ lớn gồi, lo gì chú Ba!
Mọi người cười ồ, chợt Út chót bước ra với dĩa khô nướng, miệng chẩu ra:
– Ai thèm lớn!
Chú Ba điểm mặt từng người:
– Đứa nào muốn có mồi nhậu bữa nay thì đừng có lộn xộn với nó!
Lại một tràng cười nữa vang lên. Sáu Sự xách xâu ếch đi thẳng ra nhà sau định cùng làm với Út chót thì bị phát hiện, nhiều người cùng la lên:
– Bác Ba làm trọng tài mà thiên vị quá, ai chịu!
Chú Ba trợn mắt:
– Ai thiên vị ai tụi mày?
– Thì chú thiên vị thằng Sáu Sự. Nó ỷ kiếm được mồi rồi rút ra sau bếp làm với cô Út, sướng quá vậy!
Chú Ba cười khì:
– Nó bắt được ếch đem về thì cùng làm với con Út là hợp lý, chớ còn sao nữa? Hổng lẽ cả bọn bây đều muốn xuống bếp sao, hả?
Họ đồng thanh:
– Thà cùng xuống, cùng làm, vậy mới công bằng.
– Thôi đi mấy ông con, cái bếp có chút xíu, cả đống cùng xuống cho nó sập nhà sập cửa người ta!
– Vậy thì phải xí xùm thôi, ai thắng thì được làm ếch cùng Út, ai thua thì ngồi đây chờ ăn.
– Ờ, nghe cũng có lý, vậy kêu thằng Sự lên đi!
Chợt chú Ba lên tiếng:
– Tao có ý này hay hơn. Thằng Sự mày lên đây tao nói.
Chờ mọi người đông đủ, chú bảo:
– Ở trại đóng hòm phía sau nhà tao đang có sáu chiếc quan tài vừa đóng xong, vậy lần lượt sáu thằng bây có dám ra ngoài đó không?
Họ đều là thợ mộc, chuyên đóng quan tài gia công cho nhà chú Ba, vậy thì việc này đâu có gì là ghê gớm… Sáu Sự cười to:
– Chú Ba không nhớ là có lần trời lạnh quá con còn chui vô đó nằm rồi ngủ quên hay sao. Nhằm nhò gì chú!
– Việc ban ngày ban mặt tụi bây là làm ngoài đó thì khác, còn bây giờ là đêm tối. Tao đố sáu thằng bây, mỗi thằng cầm một cây đèn cầy ra đặt vào trong quan tài rồi vô đây, đèn của ai không tắt và đặt đúng tâm điểm nhất thì người đó thắng cuộc, tao sẽ xem xét để mai mốt gả con Út cho đứa đó!
– Dễ ợt!
Sự dành đi trước và được mấy người kia đồng tình. Anh cầm theo đèn và tự tin bước ra phía sau. Xưởng mộc cách nhà ở khoảng năm mươi bước chân buổi tối không thắp đèn nên khi ánh nến rọi vào nhìn thấy những chiếc quan tài nằm san sát bên nhau, nếu ai yếu bóng vía ắt phải rùng mình. Nhưng đã quá quen, nên anh đi thẳng tới chiếc quan tài trong cùng, để chứng tỏ mình không sợ, rồi bình tĩnh giở nắp quan tài ra, đặt cây đèn vào giữa tâm điểm và lùi bước.
Đi qua một, hai, đến cái quan tài thứ ba thì chợt có một bàn tay mềm mại, lạnh như băng từ trong nắp áo quan thò ra và nắm chặt lấy Sự!
Sáu Sự chưa kịp có phản ứng gì thì đã bị kéo ghị về phía quan tài. Sức kéo của bàn tay nhỏ nhắn kia vậy mà mạnh đến đỗi Sự bổ nhào và rơi tõm vào bên trong chiếc quan tài đã mở nắp sẵn!
Sự không còn hay biết gì nữa.
Ở trong nhà mọi người chờ. Năm phút, mười phút rồi gần hai chục phút…
Sốt ruột quá nên có ai đó nói:
– Thằng này sợ quá dám trốn về nhà luôn lắm a!
Chú Ba có vẻ bênh Sự:
– Thằng trời đánh bảy búa không chết như nó thì sợ gì. Chắc là…
Chờ đến nửa giờ vẫn không thấy Sự trở ra, lúc ấy mỗi người một cây đèn, cùng chạy ra xưởng mộc. Họ nhìn thấy cây đèn cầy vẫn còn cháy, nhưng không thấy Sự đâu. Chợt có người kêu lên:
– Có cái gì ló ra từ quan tài này nè!
Mọi người nhìn thì thấy chiếc quan tài thứ ba ló ra một vạt áo trắng. Chú Ba có linh tính chẳng lành, chú nhanh tay kéo nắp áo quan ra và mọi người đều kêu lên:
– Thằng Sự!
Sáu Sự nằm im trong quan tài, trên mình còn phủ một chiếc áo phụ nữ tỏa hương thơm phức!
Cũng may, sau khi được trở vô bệnh viện, Sự được cứu sống. Tuy nhiên kể từ lúc ấy đầu óc Sự không còn được bình thường như trước. Vừa mở mắt ra, Sự đã hốt hoảng chụp vào khoảng không, kêu gào rất lạ:
– Nàng đâu rồi, nàng ở đâu? Kìa, hãy lại đây cùng ta… lại đây đi.
Bà Hai, mẹ của Sự lo sợ gọi con:
– Má đây con. Má đây.
Nhưng hầu như Sự không còn nhìn thấy ai, mắt hướng về khoảng không như tìm kiếm ai đó. Và bất ngờ, như vừa nhớ ra, Sự gọi to:
– Thắm ơi!
Ai nấy đều ngơ ngác, bởi đâu biết Thắm là người nào? Còn Sự, sau khi kêu, anh nhảy xuống đất và chạy bay ra cửa, rồi cứ thế mà cắm đầu chạy như điên. Những người đuổi theo phía sau chẳng tài nào đuổi kịp.
Sự chạy về hướng Tây, hết xóm nhà đông đúc, cuối cùng rẽ vào một đường vắng rất ít nhà cửa. Tuy nhiên, như có lực vô hình nào đó đưa đường, Sự quẹo vào ngõ một ngôi nhà ngói ba gian nằm lọt giữa những hàng cây um tùm.
Người trong nhà bước ra hỏi:
– Anh kiếm ai?
Sự đáp rất ngang tàng:
– Thắm đâu?
Người nhà vừa hỏi là một phụ nữ trung niên, vừa nghe Sự hỏi tên Thắm đã quay vào trong gọi lớn:
– Chị Tươi ra coi nè!
Người đàn bà lớn tuổi hơn, chừng như là chủ nhà, từ trong bước ra nhìn Sự từ đầu đến chân, cất tiếng hỏi:
– Cậu kiếm ai?
– Thắm đâu? Kêu Thắm ra đây cho tôi, tôi cần gặp Thắm!
Bà chủ nhà trợn tròn mắt nhìn Sự, trong lúc người phụ nữ còn lại thì bước lui mấy bước, vẻ sợ hãi. Thấy họ chưa trả lời, Sự lại la lớn:
– Đưa Thắm ra đây cho tui!
Và không kiên nhẫn nữa, anh ta đi thẳng vào nhà. Lúc này bà chủ nhà vừa bước lui vừa kêu lên:
– Ông ơi, ra coi ma quỷ gì đây nè!
Tuy gọi vậy nhưng bà thừa biết giờ ấy ông chồng đâu có mặt ở nhà. Sự chẳng màng đến sự kêu la hoảng hốt kia, anh bước gần hơn đến chỗ chiếc bàn thờ và nhìn lên đó, một bức ảnh chân dung… hình của Thắm đặt trên đó!
Trước sự bất ngờ của hai người đàn bà, Sự nhảy tới chụp lấy bức ảnh thờ rồi ôm chặt vào lòng như ôm người thân thương của mình!
– Thắm ơi, anh tìm được em rồi, hãy về nhà với anh, má đang đợi, mọi người đang chờ để dự lễ cưới của tụi mình!
Người phụ nữ nhỏ tuổi lùi sâu vào trong, ôm chặt người kia, giọng như lạc thần:
– Gặp ma quỷ rồi chị Tươi! Lạy đi, nhanh lên!
Hai người cùng sụp xuống lạy lấy lạy để. Trong lúc đó, thì Sự cứ ôm khư khư tấm ảnh và lui bước đi ra ngoài…
Bà Hai, má của Sự và khoảng gần chục người nữa đi theo gần rụng giò mà vẫn không theo kịp Sự. Anh chàng cứ chút chút lại quay lại nói:
– Ráng chút nữa đi, sắp tới nhà rồi đó.
Cuối cùng họ tới trước cổng ngôi nhà ngói ba gian mà hôm qua Sự đã lấy bức ảnh đem đi. Sự giục:
– Vô nhà đi, đàng gái đang đợi!
Trong nhà vừa trông thấy Sự đã hốt hoảng, may là hôm nay có đàn ông ở nhà. Ông chủ nhà Tư Toàn đứng chận ngang cửa hất hàm hỏi:
– Cái cậu ngang tàng kia, bữa nay tính tới quậy nữa hả?
Chợt nhìn thấy Chú Ba chủ trại hòm cũng có mặt trong đoàn khách. Tư Toàn reo lên:
– Ủa, anh Ba đi đâu vậy?
Nhìn thấy mọi người với mâm, quả trịnh trọng. Tư Toàn ngơ ngác:
– Sao có chuyện này?
Lúc này chú Ba mới lên tiếng:
– Thằng Sự con chị Hai đây là người làm công cho tui, bữa nay nó một hai nói má nó phải đem lễ vật đến đây hỏi vợ cho nó. Tui đâu ngờ là nhà anh.
Vợ Tư Toàn chỉ mặt Sự nói:
– Ngày hôm qua chính thằng này tới đây ăn cắp tấm hình thờ của con gái tui chạy đi, chớ cưới hỏi gì!
Mẹ của Sự ngơ ngác:
– Chuyện đó là sao?
Tư Toàn bình tĩnh hơn, mời mọi người vô nhà rồi mới kể:
– Con gái tui tên Thắm, nó chết hồi năm năm trước lúc vừa tròn mười tám tuổi. Tui chỉ có mình nó, chớ còn đứa nào nữa đâu mà gả với cưới.
Sự vẫn mang bức ảnh thờ theo, vừa chỉ vào ảnh vừa cười nói:
– Vợ người ta ở đây mà nói là chết, chết chỗ nào?
Chú Ba liền thuật lại chuyện Sự chẳng biết thế nào mà nhảy vô quan tài rồi ngất trong đó cho chủ nhà nghe… Vừa nghe xong Tư Toàn kêu lên:
– Dám từ chuyện đó lắm!
– Anh Tư nói vậy… là sao?
Tư Toàn kể:
– Cách đây vài tháng, chỗ chôn con Thắm nhà tui bị ngập nước. Mộ bị sạt lở, nên tui cho bốc mộ, đổi sang quan tài khác, đem mai táng ở chỗ gò cao hơn. Nghe nói có mấy người thợ đào mộ đã lấy chiếc quan tài cũ đem bán cho một trại mộc nào đó và do áo quan lúc chôn con gái yêu của tôi, tôi đã đóng bằng ván loại tốt, lại dầy gấp đôi ván thường, nên có thể thợ mộc nào đó đã xẻ mỏng ván ấy ra rồi đóng thành hai cái quan tài đem bán! Tui nghi chắc là như vậy. Bởi tui nghe nói hễ dùng áo quan cũ mà chôn người mới là sẽ có chuyện…
Trong chuyện này chỉ có chú Ba là rõ. Nghe kể chú muốn lên tiếng xác nhận nhưng ngại nên chỉ im lặng.
Thật ra đúng là mấy tháng trước chú có mua của một người buôn gỗ gần chục miếng gỗ gõ mun cũ nhưng còn rất tốt và đem về xẻ ra để… đóng hai chiếc quan tài mới! Mà một chiếc tối đó Sự đã ngã vào…
Tư Toàn trầm ngâm một lúc rồi nhìn sang Sáu Sự:
– Chú em này chắc là bị con Thắm nhà tui nhập về hoặc là bị nó ám sao đó…
Một người trong đoàn đi rước dâu khá rành chuyện này, cũng xác nhận:
– Nhẹ thì bị hành xác, đau ốm, còn nặng như thằng Sự đây thì bị hồn người chôn trong quan tài trước ám suốt đời cho đến khi nào… chịu làm đám cưới mới thôi.
Bà mẹ Sự hỏi lại:
– Cưới ai?
– Thì cưới người chết đó chớ cưới ai nữa. Như thằng Sự đây thì cưới… con nhà này!
Chuyện nghe cực kỳ vô lý, nhưng cuối cùng cả hai bên đều đồng ý cho tiến hành hôn lễ!
Tất nhiên chỉ là hình thức. Nhưng cũng có đủ lễ lạy bàn thờ tổ tiên, lạy người sống và trao quà cưới, lễ rước dâu. Tất cả đều chỉ một mình chú rể Sáu Sự đóng vai. Trong lễ rước dâu, lần đầu tiên người ta thấy cô dâu đi bên cạnh chú rể chỉ là… bức ảnh chân dung!
Lạ một điều là kể từ sau “lễ cưới” đó, Sự lại tỉnh táo như trước. Mọi người ai cũng mừng. Chỉ có cô Út con chú Ba là hơi buồn. Hiểu ra mới biết, dù âm thầm nhưng Út đã có cảm tình với anh chàng Sáu Sự thật thà như đếm kia. Phải chi không có chuyện oái oăm đêm đó thì…
Cô Út ngồi khóc một mình…