I.
Lưỡng lự rất lâu, cuối cùng Tiến cũng đồng ý để các bạn bày bàn cầu cơ ra. Sinh, người bạn khá rành chuyện này đề nghị:
– Cầu cơ cần một không gian yên tĩnh, một quãng thời gian thích hợp thì có rồi, bây giờ là 11 giờ đêm, rất tốt cho việc này, còn phòng này thì e không đạt.
Anh ta đưa tay chỉ lên lầu trên:
– Lầu thượng có ai ngủ không?
Tiến lắc đầu:
– Trên đó chỉ để lâu lâu lên ngắm trăng thôi. Phòng bỏ trống.
– Tốt, ta lên đó đi.
Cả bọn lỉnh kỉnh dọn đồ nghề lên phòng trên sân thượng. Có tất cả bốn người tham dự, ngoài Tiến và Sinh, còn có Hương và Lộc. Là người nữ duy nhất nên Hương được soi rất kỹ, bị Sinh hỏi thẳng thừng:
– Tôi hỏi điều này có hơi kỳ một chút, nhưng theo lệ của một buổi cầu cơ thì… không được dơ mình. Chẳng biết bà…
Hương thẹn đỏ mặt:
– Nhiều chuyện! Nhưng… người ta đâu phải lúc nào cũng… dơ đâu!
Sinh cười lớn:
– Vậy là ổn rồi, ta có thể tiến hành buổi cầu cơ!
Rồi anh ta quay lại Hương nói thêm:
– Cái này không phải do anh vẽ ra, mà bắt buộc nó như vậy. Đã mấy lần rồi, tụi anh cầu mà không linh, bởi trong số người tham dự có cô đang bị kẹt…
Hương xua tay:
– Hiểu rồi, nói rồi, tiến hành đi!
Tiến chen vào nói đỡ:
– Mày nói tới nói lui hoài. Hương đã gồng mình ngồi dự vụ này đã là quá cỡ rồi, hãy để cho cô ấy còn dũng khí để mà tiếp tục chứ.
Hương thấy có đồng minh thì tự tin hơn:
– Có anh Tiến em chẳng sợ gì!
Mấy người bạn đều nheo mắt cười. Bởi ai cũng biết Hương là người yêu của Tiến.
Lộc nói nhẹ nhàng:
– Người ta có băng đảng với nhau đó nghen, thằng Sinh liệu hồn!
Sinh yêu cầu mọi người cùng khấn theo công thức anh đưa ra, sau đó anh hỏi:
– Hôm nay ai muốn trực tiếp cầu?
Tiến nhìn Lộc, rồi nhìn sang Sinh, anh bảo:
– Một trong hai đứa bay làm đi.
Lộc nhìn Tiến:
– Sao không phải là mày?
Sinh thì lại nói:
– Theo tao thì người thích hợp nhất để đứng ra trực tiếp cầu là Hương. Tụi bay biết sao không, cầu cơ phải theo tuần trăng, đêm nay trăng sáng là thuộc âm vượng, như vậy người phụ nữ cầu là thích hợp nhất.
Hương nghe vậy xua tay lia lịa:
– Thôi, em không làm đâu.
Nhưng bất ngờ Tiến lại nói:
– Hương thử đi.
Trố mắt nhìn Tiến, Hương ngạc nhiên:
– Sao anh muốn em làm?
Tiến nghiêm giọng:
– Em là người nữ duy nhất ở đây, lại là thời điểm thích hợp nữa, sao lại không thử?
Hương lưỡng lự:
– Nhưng mà em… em sợ.
Tiến động viên:
– Cứ thử một lần xem sao.
Mấy người kia đều tán thành:
– Ý kiến hay, Hương làm đi!
Chẳng còn cách nào hơn, Hương đành rụt rè nói:
– Mấy anh xúi đó nghen, nếu có gì thì…
Lộc cười to:
– Thì thằng Tiến chịu!
Sinh hướng dẫn:
– Em cứ đặt tay lên con cơ này, như vậy đó, ngồi ngay ngắn lại, tập trung tư tưởng thật thành tâm, đừng nghĩ gì khác ngoài cầu cho ai đó về để mình hỏi.
– Nhưng… biết hỏi ai?
– Nếu không nhắm hỏi người nào cụ thể, thì cứ thành tâm cầu, không cần nói tên, có người nào hợp vía mình sẽ về giúp mình ngay!
Hương vẫn hơi sợ:
– Em ngại quá… hay là em cầu vong ba em vậy!
Cô đặt tay lên miếng cơ nhắm mắt lại và lâm râm khấn:
– Từ ngày ba mất, con chưa một lần thấy ba về, vậy nay ba thử về với con, nói cho con nghe xem ba đang cần gì?
Lần đầu tiên tham gia trò này, nên Hương rất nghiêm túc thành tâm, nhắm mắt thật lâu mà chưa dám mở ra. Gần hai phút trôi qua vẫn chưa thấy có gì lạ. Bỗng ngay sau đó ở ngón tay đặt trên cơ có dấu hiệu tê tê nhẹ, rồi như có luồng điện năng chạy qua và con cơ chuyển động lướt rất nhanh trên tờ giấy có những ô chữ từ A đến Z. Ban đầu con cơ dừng rồi chạy và lại dừng… chưa rõ là muốn dừng ở đâu, muốn nói gì.
Sinh là người rành, nên nhìn là biết ngay cuộc cầu cơ đã có kết quả! Anh bảo khẽ vào tai Tiến:
– Đừng ai lên tiếng, để cho Hương cứ tự nhiên.
Sau vài giây chưa ổn định, mấy vòng sau thì con cơ theo ngón tay của Hương đã bắt đầu chậm lại và ngừng lại ở ô chữ B. Sinh lấy giấy ra ghi lại trên đó những chữ mà cơ dừng lại. Tiếp theo là chữ A, rồi chữ M, chữ U, chữ N, chữ G. Ngập ngừng một lúc nữa, tay của Hương lại chạy tiếp đến chữ G, chữ A, chữ P, chữ L, chữ A, chữ I, chữ C, chữ O và chữ N. Ngừng lại một lúc lại tiếp ở chữ C, chữ O, chữ N, chữ L, chữ O, chữ N, chữ Q, chữ U , chữ A.
Sinh ráp lại và đọc nhỏ cho hai bạn nghe:
– Bài cơ vừa rồi cho mấy chữ như thế này: BA MỪNG GẶP LẠI CON, CON LỚN QUÁ.
Tiến giật mình, anh hỏi khẽ:
– Ba của Hương về thật hả?
Ra dấu cho bạn không hỏi lớn, sợ kinh động đến Hương. Anh bảo khẽ:
– Hãy để cô ấy cầu, tao sẽ ghi đầy đủ rồi chuyển dịch lại cho tụi bay nghe!
Hương như quên chung quanh, cô chú tâm vào và con cơ lại tiếp tục chuyển động. Cứ hết chữ này lại sang chữ khác. Chợt đến một lúc thì tay của Hương run lên, cô suýt làm văng con cơ ra ngoài bản chữ! Lúc này toàn thân Hương như bị kích động theo cái gì đó, mà thoạt nhìn Tiến hốt hoảng kêu lên:
– Hương, sao vậy?
Nghe tiếng kêu của Tiến, bỗng dưng Hương ngã bật ra phía sau! Vừa lúc Sinh tiếc rẻ:
– Phải chi Hương cố gắng một chút nữa thì có thêm chi tiết lạ lắm!
Anh ta cầm tờ giấy ghi được lúc Hương chuyển động nhanh trước khi ngã, đọc cho mọi người nghe:
– Sau câu BA MỪNG GẶP LẠI CON, CON LỚN QUÁ là đến câu: BA NHỚ NHÀ LẮM, MUỐN VỀ MÀ KHÔNG ĐƯỢC. BỮA NAY MUỐN NÓI MÀ BỊ… BỊ… HỌ GIÀNH, HỌ KHÔNG CHO…, GẶP EM RỒI! GẶP ĐƯỢC NGƯỜI MÀ ANH ĐỢI LÂU NAY…
Tiến lo cứu tỉnh Hương, cũng may là sau đó Hương tỉnh lại, cô kêu nhức đầu, chóng mặt. Cho cô uống ly nước xong, Sinh hỏi liền:
– Lúc nãy Hương thấy gì vậy?
Hương lắc đầu:
– Có thấy gì đâu, chỉ cảm giác như ai đó lôi ngón tay mình đi, khiến mình không tự chủ được, vậy mình làm gì lúc nãy?
Đưa cho cô xem bảng chữ Sinh ghi được, Tiến hỏi:
– Cái này là ý gì vậy?
Hương lại lắc đầu:
– Em không biết.
Sinh giải thích:
– Lúc đó là thần giao cách cảm. Giữa âm dương được nối với nhau bằng con cơ. Người chết muốn nói gì đó thì nhập vào con cơ và tay người sống tiếp nhận thông tin từ người chết qua thần giao ấy. Ở đây có điều lạ là giữa lúc ba của Hương đang nói, chẳng hiểu sao lại có ý khác chen vào? Đúng là bác ấy đã bị hồn nào đó khống chế, chen để nhập vào cơ, khiến cho Hương chịu không nổi phải ngã ngang!
Hương xác nhận:
– Em đang lâng lâng thì tự nhiên điện trong người như bị chạm, khiến đầu óc em quay cuồng, không làm chủ được bản thân!
Tiến trách Sinh:
– Hương không quen chuyện này, mày làm cho cô ấy bị thế này…
Hương gượng cười:
– Không sao đâu. Giờ thì em khỏe lại rồi. Thôi, mấy anh tiếp tục làm đi, em ngồi coi.
Lạ là từ phút đó chẳng một ai cầu cơ được nữa kể cả Sinh cũng chịu thua. Anh ta nói:
– Thôi mình để hôm khác. Bữa nay bày ra nhậu một chầu đi!
Hương cũng tham gia, nhưng tự dưng cô mất vui. Đầu óc Hương như có cái gì đó lởn vởn…
Đến gần nửa bữa nhậu thì Hương đòi về, Tiến phải đứng lên đưa người yêu ra tận cửa. Anh chuẩn bị dắt xe ra thì Hương ngăn lại:
– Em hơi chóng mặt, để em về xích lô tốt hơn.
Tiến lo lắng hỏi lại:
– Em có sao không?
– Không, chẳng sao cả. Em về đây.
Tiến cứ nhìn theo, anh lo lắng cũng phải, bởi rõ ràng trong sắc diện của Hương thì dường như đã có điều gì đó không ổn. Anh tự trách là lúc nãy đã không ngăn chuyện Hương tham gia cầu cơ.
– Lên nhậu tiếp chứ anh chàng si tình, đứng ngẩn ngơ hoài vậy!
Bị các bạn giục mãi nên Tiến đành phải trở lên tham gia cuộc vui, nhưng đầu óc nghĩ mãi về thần sắc không bình thường của người yêu. Một lúc sau, Tiến vẫn còn nhắc lại với Sinh:
– Cậu quá vô ý, Hương mà có chuyện gì mình không cho cậu yên đâu!
Sinh phải trấn an:
– Làm gì có chuyện mà lo cho mệt! Cả triệu người cầu cơ chứ có riêng gì Hương đâu.
– Nhưng Hương thì khác. Nhất là chuyện ba cô ấy lúc nãy, mình sợ sợ…
Lộc là anh chàng vô tâm nhất trong bọn, chen vào nói:
– Cầu cơ chỉ là chuyện đẩy một miếng ván đi tới đi lui, các cậu quan trọng hóa nó chi cho mệt!
Sinh là người cuồng tín về cầu cơ, nghe Lộc nói vậy anh ta chĩa mũi dùi sang Lộc:
– Cậu biết gì mà bình với luận! Cậu có biết miếng cơ làm bằng gì không? Nó làm từ miếng ván lấy ở nắp hòm chôn người chết lâu năm! Phải là ván nắp hòm mới linh nghe chưa!
Thấy hai người sắp cãi vả căng thẳng Tiến xua tay:
– Thôi, dẹp chuyện đó qua một bên đi. Cũng dẹp luôn vụ nhậu này, tao mất hứng!
Tiến bỏ đi về phòng mình ở tầng dưới và ở luôn, mặc cho các bạn muốn làm gì thì làm…
Tuy bị Tiến bỏ ngang buổi nhậu, nhưng bởi chỗ quá thân tình, từng ngủ nhà của nhau bao nhiêu lần, nên sau khi Tiến bỏ đi về phòng riêng thì Sinh và Lộc vẫn tiếp tục cuộc vui. Sinh nói:
– Để cho thằng Tiến nó ngủ đi, tao với mày chơi tới sáng. Mà nếu hứng thì một lát mình lại cầu cơ xem thử coi có gặp hồn ma nữ nào mình mời về.
Lộc tròn mắt nhìn bạn:
– Mày ăn nói không giữ mồm giữ miệng gì hết!
Sinh cười xòa:
– Nói chơi vậy chứ cỡ bợm nhậu như tao với mày thì cầu cơ ai về mà cầu cho mất công! Muốn cầu thì phải trai tịnh, phải lòng thành. Mày thấy con Hương không, nó còn con gái, lại trong sáng, nên vừa cầu là ứng ngay! Chính tao cũng hoảng hồn vì vụ hồi nãy!
– Theo mày thì con Hương nó bị gì vậy?
Đang bô bô cái miệng do men rượu, vậy mà khi nói tới chuyện này Sinh cũng hạ thấp giọng:
– Nó gặp cái vong của ai đó!
– Tức hồn người chết chứ gì?
– Tao tin là chuyện đó có thật! Mày thấy mắt con Hương lúc đó không?
– Phải, xanh mét! Lúc ấy tao sợ điếng hồn luôn!
– Có điều là khi thằng Tiến hỏi, tao phải giả vờ là không có chuyện gì. Thật ra cho tới lúc này tao vẫn còn run!
Lộc uống một hơi cạn ly rượu trong tay:
– Từ nay dẹp cái chuyện cầu cơ đi, tao không thích cái trò này!
Thay vì gật đầu tán thành, Sinh lại đáp ỡm ờ:
– Nhưng nó lại có cái hay riêng. Thú vị thì đúng hơn. Tao vẫn thích chơi nó, bởi không không gì có thể vừa sống ở cõi đời này lại có thể hiểu được người ở thế giới bên kia!
Lộc đang định nói gì đó thì chợt nghe tiếng la lớn từ tầng dưới! Sinh hốt hoảng:
– Tiếng của thằng Tiến!
Khi họ chạy xuống thì thấy Tiến nằm dài trên sàn nhà trong phòng anh ta, ở cổ vẫn còn sợi dây thòng lọng bị đứt!
Họ tức tốc vực Tiến dậy rồi thay nhau cõng Tiến chạy ra cửa, đưa đi trạm xá gần đó. Bởi nhà Tiến lúc ấy không có ai khác, mà việc cấp cứu thì Sinh và Lộc đều không rành, và lại thấy tình trạng của Tiến như vậy họ đều sợ thất thần, đâu dám tự lo ở nhà.
Cuối cùng, người ta cũng giúp cho Tiến tỉnh lại. Người mừng nhất là Lộc, người được phân công ngồi trực suốt mấy tiếng đồng hồ ở trạm xá.
– Lạy trời, mày tỉnh lại rồi!
Tiến nhìn bạn mà mãi một lúc sau mới nhận ra:
– Ủa, mày hả Lộc? Mày làm gì ở đây hả?
Lộc vừa đáp vừa ngáp dài:
– Sợ mày chết, nên ngồi canh từ tối qua tới giờ chứ làm gì!
Tiến ngồi bật dậy, nhưng phát hiện cổ mình bị đau, kêu lên:
– Cổ tao…!
– Mày bị ai đó cột cổ, hay tự mày treo cổ tự tử, mà lúc tao với thằng Sinh chạy xuống thì thấy sợi dây thòng lọng còn dính trên cổ mày. Sao vậy Tiến?
Từ từ Tiến nhớ lại, anh đưa tay sờ nhẹ lên cổ và rùng mình:
– Nó muốn giết tao!
– Mày nói ai?
Giọng của Tiến vẫn còn run:
– Thằng nào đó kỳ lạ lắm, nó như từ dưới nước chui lên, người nhớp nháp, tay chân lạnh như băng và chẳng hiểu sao tự dưng nhào tới ôm chầm lấy tao, đè tao xuống rồi rít lên: “Mày phải chết! Mày không được quyền yêu nàng ấy!”.
Tiến cứ sờ lên chỗ đau ở cổ và kể tiếp:
– Tao cũng chẳng hiểu sao thằng đó nó nhấc nổi tao chỉ với một tay, còn tay kia thì cột tao lên cây quạt trần trong phòng. Tao ngạt thở quá nên kêu thét lên, đồng thời vùng vẫy dữ dội, thế rồi…
Lộc tiếp lời:
– Tao và thằng Sinh nghe mày kêu nên chạy xuống thì kịp nhìn thấy mày nằm dài trên sàn, ở cổ còn sợi dây thòng lọng bị đứt. Chắc là do dây mục, mày vùng vẫy mạnh quá nên nhờ vậy mày mới thoát chết!
– Tụi bay có gặp thằng đó không?
Lộc ngạc nhiên:
– Thằng nào?
– Thì cái thằng đã treo cổ tao!
– Có thấy ai đâu. Hay là mày nằm mơ?
Tiến chợt nhớ lại từng lời hắn nói, anh bỗng đứng phắt dậy, kêu lên:
– Không xong rồi, Hương của tao!
Lộc không hểu:
– Hương bị sao?
Tiến vọt chạy ra cửa, vừa nói vọng lại:
– Tao phải đi tìm Hương, cô ấy nguy mất!
Lộc chạy theo nhưng không còn kịp, bởi tuy mới vừa tỉnh lại, nhưng Tiến chạy nhanh như một vận động viên điền kinh, chỉ loáng một cái, anh ta đã mất hút phía trước…
Khoảng hơn mười lăm phút sau thì Tiến đã có mặt ở trước nhà của Hương, anh không theo thông lệ gọi cửa từ tốn, lại dộng cửa ầm ầm:
– Hương ơi Hương!
Gọi tới lần thứ hai thì nghe có tiếng dép lê từ trong đi ra, giọng của mẹ Hương:
– Ai mà kêu réo như giặc vậy?
Tiến quên cả lịch sự:
– Hương. Hương có nhà không?
Bà Thoa nhìn Tiến với vẻ ngạc nhiên:
– Có chuyện gì vậy Tiến?
– Dạ, con hỏi Hương có nhà không?
Bà Thoa nghiêm giọng:
– Bác đang trông đứng trông ngồi nó đây. Tối qua cháu tới đây chở nó đi mà đến khuya vẫn không thấy về, cả nhà không ai ngủ nghê gì được vì chờ nó. Sao bây giờ cháu còn hỏi?
Tiến điếng hồn:
– Hương đâu còn ở nhà cháu. Hương… Hương…
Vừa lúc ấy, Phượng, em gái của Hương từ trong nhà bước ra nói:
– Hồi gần sáng em với thằng Hải qua nhà anh gọi cửa mà chẳng có ai ở nhà, đèn trong nhà tắt tối thui. Chị Hương từ lúc đi với anh thì đâu có về đây!
Tiến giục:
– Biết đâu tối qua Hương về mà khuya quá không dám gọi cửa, em thử vào phòng cô ấy xem.
Bà Thoa cũng nói:
– Con vào coi thử thế nào!
Phượng chạy vào lát sau trở ra hốt hoảng nói:
– Không có chị Hương trong đó, nhưng có bộ đồ chị ấy mặc tối qua khi đi với anh!
Tiến nhìn thì đúng là bộ đồ Hương mặc tối qua. Anh lặng người đi…
Bà Thoa cứ hết ngồi khóc rồi lại nằm khóc. Đã ba ngày rồi con gái bà vẫn chưa trở về. Mà Hương có thể đi đâu được chứ, khi mà từ nào đến giờ cô chưa một mình rời khỏi nhà bao giờ, cũng chẳng có bà con thân thuộc nào khác ngoài những người mà mấy hôm nay bà và Phượng đã chia nhau đi tìm mà chẳng có kết quả gì.
Thằng Hải, đứa em út trong nhà rất thương chị Hương, nên cũng bị suy sụp theo mẹ. Nó cũng nằm vùi, nhưng mỗi khi nhớ ra điều gì, nó đều bật dậy và chạy đi tìm. Vẫn là sự thất vọng, bởi kể cả những người bạn thân, sơ gì của Hương đều quả quyết:
– Từ ba ngày qua không hề thấy Hương tới.
Phượng thì cứ cầm bộ quần áo Hương cởi bỏ lại trước khi biến mất và thắc mắc hoài:
– Chị ấy mặc gì để đi mà bộ đồ này bỏ đây, trong khi quần áo khác không thiếu bộ nào?
Nghe thế, bà Thoa càng lo sợ thêm:
– Có khi nào… nó chết rồi không?
Phượng trấn an mẹ:
– Không đến nỗi đâu mẹ. Chỉ có điều…
Chính Phượng cũng không tìm ra một nguyên nhân đủ thuyết phục để nói cho mẹ mình hết lo.
Bà Thoa nhớ ra, vội hỏi con:
– Con nhớ đường tới chùa Bảo Thiên không?
– Dạ nhớ. Mẹ muốn tới đó?
– Mẹ muốn đốt nhang cầu nguyện cho nó. Sẵn dịp mẹ hỏi sư thầy xem…
Trong lúc hai mẹ con đang chuẩn bị để đi thì chuông điện thoại reo vang. Phượng đứng gần nên cầm ống nghe.
Tuy nhiên, bên kia đầu dây chẳng có ai lên tiếng. Phượng cáu lên, hỏi lớn:
– Ai vậy?
Chẳng ai đáp. Phượng bực quá định đặt máy xuống, thì nghe có giọng ồ ồ như người bị đàm chặn ngang cổ:
– Sẵn sàng chưa, mau đi!
Phượng hốt hoảng quay vào gọi mẹ:
– Mẹ ra nghe coi cái gì nè!
Bà Thoa chạy ra cầm lấy ống nghe:
– Alô, ai…
Bên kia đầu dây vẫn cái giọng ồ ồ đó:
– Tôi đây…
Rồi cúp máy. Bà Thoa quay sang con:
– Ai vậy?
Phượng lắc đầu:
– Con đâu biết. Ông ta giục mình mau đi? Nhưng ông ta là ai?
Bà Thoa đang gấp đi nên bảo:
– Chắc là ai đó gọi nhầm số, hoặc mấy người rảnh việc quấy phá đó thôi.
Bà vừa định quay đi thì chuông điện thoại lại reo. Lần này Phượng vẫn là người nhấc máy lên:
– Ai vậy?
Vẫn cái giọng như không còn hơi nữa cất lên:
– Mau đi…
Cô quay sang mẹ, nói thật nhỏ:
– Cái ông hồi nãy.
Bà Thoa chụp lấy máy:
– Ông muốn gì? Coi chừng…
Đầu dây bên kia nói gì đó mà tự dưng bà xanh mặt, lắp bắp:
– Ông… ông đó sao?
Phượng kinh ngạc:
– Ai vậy mẹ?
– Ba con!
Câu nói của bà khiến cho Phượng sững sờ:
– Sao lại là ba con? Ba chết cả chục năm rồi…
Giọng bà Thoa lạc thần:
– Ba con đó…
– Nhưng…
– Ba con bảo mình hãy mau đi ra khỏi nhà, nhưng đừng tới chùa. Bảo tới nghĩa địa nào đó… rồi cúp máy, giống như ba con bị ai đó bóp cổ không cho nói!
– Sao má biết là ba. Người chết sao nói chuvện được? Hay là…
– Hồn ma của ba con!
Phượng điếng hồn:
– Ba hiện hồn! Sao ba không nhận ra con?
Bà Thoa nhẹ lắc đầu:
– Làm sao mẹ quên giọng nói của ba con được, dẫu là hơn mười năm rồi… Ba con nói vậy là có ý gì đó muốn bảo chúng ta, mà sao câu nói lại không trọn vẹn?
Chuông điện thoại lại reo lần nữa. Lần này vẫn là Phương chụp nhanh ống nghe:
– Alô, ông… ủa, ai như chị Hương vậy? Chị Hương!
Bà Thoa mừng lên:
– Lạy trời, con Hương!
– Chị Hương, chị đang ở đâu vậy, cả nhà đang lo cho chị đây…
Bỗng Phượng khựng lại, giọng hốt hoảng:
– Chị bị sao vậy? Ai làm gì chị vậy, chị Hương?
Bà Thoa kinh hãi giật lấy ống nghe:
– Hương, con ở đâu?
Trả lời bà là một loạt những tiếng ặc… ặc như người bị bóp cổ! Khiến cho bà Thoa rú lên:
– Con ơi, ai làm gì con?
Máy bị cúp. Ống nghe trên tay bà Thoa rơi xuống. Bà như người mất hồn, chỉ thều thào:
– Cha con… nó… bị… bị…
Phượng cầm lại ống nghe kề vào tai, bên kia máy chưa cúp, nhưng có lẽ bị gác hay treo lửng lơ, nhiều tiếng động rất kỳ lạ nghe như ở một nơi hoang vắng nào đó…
Phượng nghe kỹ rồi la lên:
– Giống như tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu vậy!
Bà Thoa không còn đủ sức lên tiếng nữa, bà ngồi bệt xuống sàn, giọng nhừa nhựa:
– Cha con nó…
Rồi bà ngoẹo sang một bên, Phượng hốt hoảng:
– Mẹ! Mẹ!
Nhưng bà đã ngất đi người lạnh ngắt.
II.
Hương lặp lại lần thứ hai mà vợ chồng ông bà già vẫn chưa nghe rõ:
– Cô nói gì? Cô là…
– Dạ, cháu là Hương, cháu là người mà anh Tòng đã rước về.
Bà già Hai trố mắt:
– Thằng… Tòng? Cô… cô có điên không vậy? Cô là… là…
Ông Hai thì bình tĩnh hơn:
– Thời buổi này lắm mưu ma chước quỷ, nhưng cô giở trò này thì chứng tỏ cô còn non lắm, không gạt được vợ chồng già chúng tôi đâu!
Hương vẫn cố nói:
– Cháu nói thật mà, anh Tòng cho cháu địa chỉ này, bảo cháu về… hầu hạ hai bác. Anh ấy nói sẽ cưới cháu mà. Hai bác đừng nghi ngờ…
Bà Hai la lên:
– Cô còn nói nữa thì tôi kêu làng xóm tới bây giờ!
Hương rút ra một chiếc lắc đeo tay, đưa cho bà Hai:
– Anh Tòng bảo con đưa cho hai bác làm tin. Chính anh ấy…
Vừa nhìn thấy tín vật, bà Hai kêu lên liền:
– Đúng là của thằng Tòng rồi ông ơi.
Ông Hai cầm lấy và nói:
– Hồi nó chết, chính tôi đã chôn vật này theo với nó đây mà!
Bà Hai quay sang Hương, hỏi trong sự hoài nghi:
– Sao cô với nó lại…?
– Dạ, cháu mới gặp anh ấy đây, nhưng chúng cháu đã phải lòng nhau ngay. Cháu về đây là theo ý anh ấy. Anh Tòng nói, do chết sớm nên không kịp báo hiếu cho cha mẹ, nhờ cháu về ở đây và làm giúp anh chuyện ấy!
Ông Hai bắt đầu tin:
– Cô gặp nó trong dịp nào?
Hương nói thật:
– Dạ, khi cầu cơ. Anh ấy về và không rời cháu nửa bước. Cháu bỏ nhà ra đi vì anh ấy và chính anh đã đưa cháu về tận đây….
Bà Hai hỏi dồn:
– Sao nó không vào nhà? Nó đâu?
– Dạ, anh Tòng nói âm dương cách trở, nên anh ấy chưa về được. Đợi khi nào cháu được hai bác chính thức công nhận là con dâu rồi thì anh sẽ tìm cách về thăm hai bác.
Quay sang chồng, bà hỏi ý:
– Bây giờ ông tính sao đây?
Ông Hai nhìn kỹ Hương, rồi nhẹ giọng:
– Biết sao bây giờ khi nó đã muốn như vậy. Chuyện này chính tôi cũng đã mơ thấy thằng Tòng bảo như vậy.
Bà hỏi lại Hương:
– Nhà của cháu ở đâu?
– Dạ, ở Gia Định. Nhưng hiện giờ cháu không được phép liên lạc về nhà. Cháu bị…
Cô muốn nói đang bị cái vong của Tòng ngăn cản, nhưng ngại không dám nói thẳng ra.
Thấy thái độ lúng túng của cô, bà Hai đoán được phần nào:
– Nếu chưa muốn nói thì thôi.
Hương phấn khởi trước sự dễ dãi của bà:
– Dạ, như vậy hai bác cho phép cháu ở lại đây phải không ạ?
Trong khi họ chưa trả lời thì chính Hương lại thở dài:
– Bây giờ hai bác có đuổi cháu cũng chẳng biết phải đi đâu, bởi anh Tòng nghiêm cấm cháu trở về nhà, cấm không cho ở nơi nào khác!
Bà Hai thở dài, thổ lộ:
– Thằng Tòng lúc còn sống tính nó ghen dữ lắm. Lúc nó và con Huệ thương nhau…
Hương xen vào hỏi:
– Huệ là ai vậy bác?
– Là vợ sắp cưới của nó. Ngày ấy hai đứa nó thương nhau sáu bảy năm, chuẩn bị đám cưới thì bỗng con Huệ bỏ nó ra đi! Chỉ vì chịu không nổi tính ghen tuông quá độ của nó. Con Huệ đi và sau đó tự tử chết, sau đó Tòng cũng chết theo.
Ông Hai cũng thở dài, nói tiếp:
– Từ đó trong làng này ai cũng đồn rằng, hễ có cô gái nào mà dính tới thằng Tòng là sẽ không bao giờ xa được nó! Cũng may là nó đã chết, chứ không thì vợ chồng tôi sẽ mang tiếng là dạy con kiểu ghen tuông kỳ quặc đó!
Bà trách ông:
– Nó là con mình, sao ông cho rằng nó chết là may!
Ông Hai tỏ ra thông thoáng:
– Mình trong nhà nói với nhau mà. Vả lại cô này đây, chẳng hiểu số phận sao lại dính tới thằng Tòng. Tôi nói thật, tôi lo nhiều hơn mừng.
Nhưng Hương vẫn bình thản:
– Cháu chấp nhận.
Bà Hai lại thở dài, rồi bà nhìn sang Hương, nói:
– Cháu cứ ở lại đây. Nhưng bác nói trước…
Hương phấn khởi, đi thẳng ra nhà sau, nhanh chóng hòa nhập như một thành viên trong nhà. Vợ chồng ông Hai nhìn nhau, bàn riêng:
– Tôi tội nghiệp con nhỏ này. Chắc cha mẹ nó đau khổ lắm khi mất đứa con gái như vậy. Bây giờ ông tính sao, chứ không lẽ để thế này coi sao được.
– Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với tụi nó, nhưng việc chứa chấp một đứa như con nhỏ này tôi e là sẽ rắc rối đây. Nhìn cung cách cũng biết nó là con nhà đàng hoàng, việc nó bị như vậy đúng là một tai nạn. Tôi tính…
Ông trầm ngâm một lúc rồi nói đủ cho bà nghe:
– Bà thử lén xem giấy tờ tùy thân của nó, xem nhà cửa nó ở đâu. Tôi tính…
Bà Hai gật đầu:
– Thì để từ từ…
Ngay tối hôm đó, trong lúc vợ chồng ông bà chưa ngủ thì chợt nghe có ai gọi rất khẽ ngoài cửa sổ:
– Tôi đây! Tôi là ba của con Hương…
Bà Hai giật mình gọi khẽ chồng:
– Ông ra coi, ba con Hương!
Ông bước ra cửa sổ nhìn thì chẳng thấy bóng dáng ai, toàn một màu đen tối. Ông vừa định quay trở vào thì giọng nói lại vang lên đủ cho họ nghe:
– Thằng con của ông bà nó không cho tôi nói… Ông bà hãy mau mau tìm mộ của nó, dời đi liền nơi khác.
– Mau lên…
Tiếng nói tới đó thì im ngang. Dường như người nói bị chuyện gì hay sợ ai đó nên nín thinh. Rồi sau đó thì chẳng còn nghe nữa…
Bà Hai hốt hoảng:
– Coi chừng, thằng Tòng hại người ta.
Ông Hai gọi Hương đang ngủ ở nhà sau lên và hỏi:
– Ba cháu thế nào?
Hương hơi bất ngờ, đáp nhanh:
– Dạ, ba cháu đã chết rồi!
Hai ông bà giật mình:
– Vậy sao mới rồi…
Ông đưa tay ngăn bà lại:
– Đừng nói, để tôi…
Ông quay sang Hương, hỏi thật nhỏ:
– Mồ mả ba cháu chôn ở đâu?
– Dạ, ở chùa Bảo Thiên.
Bà Hai kêu lên:
– Chùa Bảo Thiên! Thằng Tòng cũng chôn ở đó.
– Dạ, ba cháu….
Cô vừa nói tới đó thì bỗng kêu lên một tiếng đau đớn bởi một bên má hình như vừa bị ai đó tát một cái.
Ông Hai nói riêng với vợ:
– Thằng Tòng nó ngăn không cho con nhỏ nói đó!
Ông bấm tay vợ và ra dấu cho Hương ở yên đó, không nói gì. Khi ra tới ngoài ông cũng chẳng nói lời nào, kêu xe đi mà chẳng biết đi đâu.
Đến khi xe ngừng trước chùa Bảo Thiên, bà Hai ngạc nhiên:
– Ông tới đây làm gì?
Không nói, ông kéo tay bà đi thẳng ra sau chùa, nơi có khoảng đất trống dùng làm nghĩa trang, có khá nhiều mộ. Đến thẳng ngôi mộ xây đề dòng chữ trên mộ bia: Nguyễn Văn Tòng, ông bảo:
– Tôi đoán không sai mà, bà thấy cái cây lớn tàn che khuất cả ngôi mộ kia không?
Bà Hai nhìn và giật mình:
– Năm ngoái vào tiết Thanh minh, mình còn thấy cái cây này nhỏ xíu. Thấy nó có bông đẹp nên tôi không cho đốn, không ngờ cây mau lớn quá, giống như cây trồng năm mười năm không bằng!
Ông Hai chép miệng:
– Đúng là không nên trồng cây lớn gần mộ. Rễ của nó có thể ăn xuống quan tài, không nên!
Ông nhìn kỹ một lúc, vừa định vào chùa hỏi gì đó thì đã nghe giọng hiền từ của vị sư trụ trì:
– Chào ông bà tới thăm mộ. Mô Phật, bần đạo mấy hôm nay có ý muốn tìm người nhà của ngôi mộ này, cũng chỉ vì cái cây đó.
Quay lại xá vị sư thầy, ông Hai nói liền:
– Con đang tính vào chùa xin ý kiến thầy để bứng cái cây này đi, thì may có thầy đây…
Sư thầy bảo:
– Một khi cây lớn nằm giữa hai ngôi mộ thì phải bứng ngay, bởi nhiều khi rễ nó ăn phạm vào mộ nào đó thì không nên.
– Bạch thầy, con sẽ làm ngay. Sẽ bứng cái cây này xin thầy cho phép.
Vừa khi ấy có tiếng người xôn xao sau lưng, sư thầy quay lại, lên tiếng:
– Thiện tai, thiện tai! Tôi mới có ý nhắc tối qua thì bà cũng tới!
Người vừa tới chính là bà Thoa, mẹ của Hương. Bà cùng đi với Phượng. Thấy có ông bà Hai, bà Thoa định hỏi gì đó nhưng chưa tiện lên tiếng thì sư thầy đã hỏi:
– Đã tìm được cô Hương chưa?
Bà Thoa mếu máo:
– Dạ bạch thầy, chưa. Hôm qua nó có điện về, nhưng mới nói được mấy tiếng thì như bị ai đó cấm không cho nói. Con đang lo nên định tới đây hỏi ý thầy…
Trong lúc mẹ nói chuyện với sư thầy thì Phượng ngồi xuống ngôi mộ bên cạnh mộ của Tòng, đưa tay bứt những cọng cỏ mọc che mộ bia. Cô bảo mẹ:
– Mộ của ba hình như bị nứt một bên nè mẹ.
Vừa nghe Phượng nói, ông Hai hỏi liền:
– Cô đây là gì của cô Hương? Có phải cô Hương có cái nốt ruồi bên mép trái không?
Phượng ngạc nhiên:
– Sao bác biết chị cháu?
Bà Thoa cũng hỏi:
– Ông biết con gái tôi trong trường hợp nào? Đúng là nó có nốt ruồi trên mép. Nó còn…
Bà Hai buột miệng nói:
– Nó đang ở nhà tôi!
Bà Thoa tròn mắt ngạc niên:
– Có đúng không? Lạy trời…
Ông Hai đột ngột bảo:
– Tôi nghiệm ra rồi, mộ này của thằng Tòng, còn mộ này của ba con Hương. Như vậy nguyên nhân là bởi cái rễ cây này!
Ông không nói gì thêm, hỏi sư thầy mượn cây cuốc của nhà chùa, rồi tự tay ông cuốc xuống chỗ gốc cây. Càng đào sâu thì rõ ràng cây có rễ rất dài, chia làm hai nhánh. Một rễ ăn sâu xuống ngay áo quan của Tòng, đâm thủng ván hòm, xuyên vào trong. Còn nhánh kia thì ăn qua ngôi mộ của ba Hương, và lạ lùng làm sao, cả cái rễ dài và to ấy nằm vắt ngang qua quan tài, rồi lại vòng xuống bên dưới trổ đầu rễ trở lên, chẳng khác nào cỗ quan tài bị trói, cột chặt!
Vừa nhìn thấy rõ cảnh đó, ông Hai quay sang sư thầy xá một xá rồi nói:
– Con không tin dị đoan, nhưng những gì được nghe từ nào đến giờ thì xin quả quyết rằng, chính hai cái rễ cây này đã khiến cho hai vong hồn nằm ở hai ngôi mộ này liên hệ với nhau. Thằng con trai tôi nhỏ, nhưng nó lại làm cái việc trói chặt ông anh đây. Bởi vậy…
Bà Thoa nói nhanh:
– Bởi vậy lâu nay vong hồn ông nhà tôi như bị ai đó bóp cổ, không cho nói, không làm theo ý muốn!
Ông Hai lo sợ:
– Bà vào chùa xin sư thầy một bó nhang ra đây, tôi sẽ cúng vong họ.
Sư thầy chừng như không muốn chứng kiến chuyện cúng vái hồn ma, nên ông niệm Phật rồi quay bước vào trong. Ở ngoài này, sau khi vợ đem bó nhang ra, ông Hai đốt lên và khấn:
– Con sống khôn thác thiêng, vốn tính con là hiền lành, đâu muốn hại ai. Chỉ vì con hận con vợ trước bỏ con mà đi nên con muốn trả thù những phụ nữ khác. Nhưng con nên nhớ rằng, người như cô Hương đó không có thù oán gì với con, sao con nỡ hại đời cô ấy. Người ta còn có cha mẹ, gia đình, vậy hãy để cô ấy tự do…
Ông vừa vái xong thì cầm nhanh cây búa lên, dang thẳng tay chặt phụp xuống hai cái rễ cây, làm cho nó đứt lìa khỏi thân cây! Lạ thay, từ chỗ vết chặt đứt có những giọt máu chảy ra, chẳng khác chặt phải thân người.
Đột nhiên ông Hai ngã bật ra ngoài, mặt mày trắng bệch! Bà Hai hoảng hốt:
– Kìa, ông!
Nhưng ông Hai xua tay:
– Tôi không sao. Không sao…
Bà Thoa cũng trong tình trạng như vậy, nhưng bà vẫn còn tỉnh táo, bảo con gái:
– Con đưa má về nhà. Má có linh tính như con Hương nó đã về.
Linh tính của bà Thoa không sai. Lúc họ vừa xuống xe thì đã thấy bóng Hương trong nhà. Cô ngơ ngác:
– Má đi đâu vậy? Mà sao con lại về được đây?
Ôm con vào lòng, bà Thoa nức nở khóc:
– Vậy là tốt rồi! Để rồi mẹ sẽ nói cho nghe. Đi tắm rửa đi, rồi làm ngay mâm cơm cúng ba con!
Phượng phấn khởi lắm:
– Tiền hung hậu kiết chị Hương ơi!
Hương cố hỏi mà mẹ và em gái không chịu nói. Lát sau bà Thoa trấn an:
– Má nói vui thì cứ vui. Từ nay con không còn phải lo sợ gì nữa.
Hương cũng cảm thấy người nhẹ nhõm, cô siết chặt tay mẹ và em, vừa hỏi:
– Thằng Hải đâu?
– Tội nghiệp thằng nhỏ, nó thương con quá nên một mình về quê tìm rồi. Để má nhắn cho nó về.
Hôm sau…
Và những hôm sau nữa… Cuộc sống gia đình bà Thoa yên ổn. Hương ngủ ngon giấc và hầu như không còn bị ám ảnh bởi chuyện lạ lùng kia nữa. Bà Thoa lên kế hoạch dời ngôi mộ của chồng đi nơi khác. Bởi dù sao bà cũng còn rùng mình mỗi khi nghĩ tới hai cái rễ cây nọ…