Người thứ nhất bước xuống xe và bước thẳng về con đường mòn dẫn xuống suối. Đó là một nam nhân bận trang phục màu xám sang trọng, đầu đội mũ phớt kiểu Châu Âu. Đặc biệt trên môi ông ta có ngậm chiếc tẩu thuốc đắt tiền đang phì phà khói.
Người thứ hai cũng là nam nhân. Nhưng cách ăn mặc thì khác hẳn. Ông ta bận bộ y phục đặc trưng của người dân tộc thiểu số, với khố và áo bằng thổ cẩm, miệng cũng ngậm tẩu thuốc, nhưng là loại tẩu bằng thân tre dài hơn hai tấc. Loại tẩu thuốc của hầu hết người dân tộc vùng rừng núi hay dùng.
Người thứ ba là một nữ nhân. Đúng hơn đó là một cô gái rất đẹp, mặc chiếc váy màu trắng tinh khiết, nổi bật giữa cây xanh đất đỏ vùng Tây nguyên này.
Cả ba người cùng đi về một hướng, trước sau và chỉ thoáng chốc đã không còn thấy bóng. Bỏ lại sau lưng chiếc xe hơi bóng lộn. Người chứng kiến từ đầu sự việc là một cậu trai mười bảy tuổi tên gọi là A Miên. Cậu mê mẫn ngắm nhìn những người sang trọng kia, đặc biệt là với cô gái đi sau cùng. Đã từ lâu lắm rồi, A Miên chưa hề thấy người con gái thị thành nào đẹp như thế tới đây, nên mê nhìn mà quên cả giỏ cá vừa bắt được dưới suối, đang nhảy ra khỏi giỏ, biến vào bụi rậm!
Chợt Miên kêu khẽ:
– Cô ấy đánh rơi chiếc khăn tay!
Anh chàng thiếu niên tốt bụng vội quên giỏ cá, chạy tới nhặt chiếc khăn lên nhìn ngắm, lạ lẫm…
Chiếc khăn tay màu hồng nhạt thơm lừng mùi nước hoa khiến A Miên phải buột miệng:
– Thơm quá!
Trên một góc khăn có thêu hình đóa lan rừng và một con bướm, cả hai đều cùng một màu tím nhạt, cùng hai chữ L Đ lồng vào nhau, mềm mại, xinh xắn.
Định chạy theo trả lại cho cô gái, nhưng vừa bước được hai bước thì tự dưng A Miên khựng lại. Hương thơm dịu từ chiếc khăn đang làm cho anh chàng chùn bước, lưỡng lự… Cuối cùng thay vì đem trả, Miên lại đút chiếc khăn vào túi áo rồi quay lại chỗ giỏ cá. Hai con cá vừa bắt được đã xổng mất, nhưng chưa kịp tìm thì A Miên đã giật mình khi nhìn lại không còn thấy chiếc xe hơi đâu nữa.
– Mới đây mà?
Lúc nãy A Miên đã quan sát kỹ, chính người đàn ông mặc âu phục màu xám lái xe, hai người kia ngồi, kẻ trước người sau, ngoài ra không còn ai, vậy ai lái xe đi chỉ trong nháy mắt?
Nhìn xuống phía trước, nơi dẫn xuống vực sâu mà đã đôi lần A Miên nghe kể chuyện có vài chiếc xe đã tuột thắng lao xuống đó. Anh chàng còn đang ngẩn ngơ thì bỗng nghe một tiếng rầm vang lên từ phía vực!
– Chiếc xe rơi xuống vực!
Bỏ chiếc giỏ nằm lăn lóc đó, A Miên cắm đầu chạy về nhà. Vừa tới trước hàng rào cổng, cậu ta đã kêu to:
– Tai nạn ba ơi!
Ông A Mạn đang làm cỏ sau vườn, nghe kêu thì ngẩng lên hỏi:
– Gì mà như ma đuổi vậy?
A Miên lắp bắp:
– Xe rơi xuống vực!
Ông Mạn vừa rồi cũng đã nghe tiếng rầm vang lên nên không ngạc nhiên lắm!
– Có ai việc gì không?
A Miên đem mọi chuyện thuật lại và kết luận:
– Cũng may cả ba người trong xe vừa rời khỏi xe đi về phía suối Máu.
– Rồi họ đã biết xe bị tuột xuống vực chưa?
A Miên lắc đầu:
– Lúc con chạy về đây thì chưa thấy họ trở lên. Có cả một cô gái nữa.
Nghe con kể không đầu đuôi thì ông Mạn lắc đầu:
– Cái thằng, vẫn cái kiểu kể chuyện tào lao. Đang nói chuyện chiếc xe chưa xong, lại cô gái nào đó nữa…
A Miên, chợt thọc tay vào túi rồi lôi ra chiếc khăn tay thơm phức. Vừa trông thấy, bỗng ông Mạn nhào tới chụp lấy xem ngay.
– Cái… cái này… ở đâu con có?
Miên định giấu, nhưng vốn tính thật thà, nên cậu ta đành nói ra:
– Con nhặt được của một người.
– Của ai?
– Của cô gái đi trên chiếc xe vừa rơi xuống vực.
Vừa rồi khi nghe con trai thuật chuyện có mấy người kinh đi trên xe đi về phía suối, ông Mạn chưa kịp hỏi, giờ ông hỏi kỹ hơn:
– Họ là ai?
Miên đáp:
– Con cũng không biết. Lúc vừa ở suối lên thì con thấy có một người đàn ông bận âu phục, đầu đội mũ phớt, ngậm ống điếu kiểu Tây, một người dân tộc và một cô gái mặc váy đầm trắng. Cô ấy là chủ nhân chiếc khăn tay này.
Bỗng dưng Miên thấy cha mình run rẩy, làm rơi chiếc rựa chặt cây trên tay xuống đất:
– Cha bị sao vậy?
Sắc mặt ông Mạn biến đổi xanh dờn. Ông nói mà như nói với ai đó trong cõi vô hình:
– Không lẽ… họ về sao? Cả Hậu, già làng B’Râu và Tuyết Lan nữa? Họ đó sao?
A Miên phải chụp tay cha, hỏi lại:
– Cha nói ai vậy?
Ông Mạn giờ mới bừng tỉnh, ông vẫn lảm nhảm:
– Nếu thật là họ thì… trời ơi!
Rồi bất thần ông vụt chạy ra cửa trước, nhắm hướng suối Máu mà lao tới. A Miên không hiểu chuyện gì cũng tức tốc chạy theo. Hai cha con kẻ trước người sau theo con đường cũ lúc nãy mà A Miên đã đi, chạy thật nhanh. Chỉ chưa đầy mười phút sau thì hai cha con tới bên dòng suối, nước đang chảy xiết, bốn bề im ắng, không một bóng người.
Đang còn nhìn quanh, bỗng A Miên reo lên:
– Có vật gì của ai kìa cha!
Trước mặt họ, cách chừng chục bước chân, có một bộ áo váy trắng, một đôi giày Tây cao gót cũng màu trắng, nằm phơi trên cỏ.
Lần này thì ông Mạn gào lên:
– Tuyết Lan!
Trên ngực chiếc váy có cài một đóa lan màu tím, mà nếu ai sành về lan ắt biết đó là lan Hồ Điệp. Hình như đây là một biểu tượng mà chỉ có ông Mạn mới biết. Cho nên, gần như ông đã khẳng định:
– Chính là nàng ấy! Tuyết Lan ơi, em ở đâu?
Ông Mạn gọi thật to, khiến tiếng ông vang vọng cả một vùng, trôi theo dòng suối nước đang cuồn cuộn chảy. Một lần… Hai lần… và đến cả chục lần như vậy, ông Mạn vẫn gọi đúng cái tên Tuyết Lan! Nhưng đáp lại lời ông chỉ có tiếng gió rừng và âm thanh róc rách của nước suối chảy.
Thấy cha mình càng lúc càng bị kích động, A Miên phải gọi giật ngược:
– Cha! Đâu có ai mà cha gọi hoài vậy?
Bấy giờ ông Mạn mới ngừng gọi, cầm chặt chiếc váy trong tay, ông thảng thốt:
– Nàng về đây rồi sao lại biến đi đâu! Dòng suối ư… lại dòng suối này ư?
Lúc ấy Miên lại phát hiện thêm chiếc mũ phớt và đôi giày nam hai màu nâu và trắng, liền gọi cha:
– Còn cái này nữa đây, cha!
Ông Mạn nhìn thấy là nhận ra ngay:
– Của thằng ấy. Thằng Hậu đây mà!
Miên nhớ lại, lúc nãy nó thấy mấy người trên xe hơi mặc những quần áo này. Nó hiểu ra:
– Ba đang nói tới mấy người lúc nãy!
Quay sang chụp tay con, ông Mạn hỏi dồn:
– Họ đâu rồi?
A Miên lắc đầu:
– Con đâu biết, có thể họ xuống suối tắm…
Bỗng ông Mạn ôm đầu gục xuống, giọng ông thê lương đến lạ lùng:
– Họ đã tắm suối gần chục năm rồi mà đâu có lên!
Miên chẳng hiểu, hỏi lại:
– Cha nói ai?
Ông Mạn khóc nức nở, vai run lên từng hồi. Bỗng một cơn gió mạnh bất ngờ thổi xoáy ngay chỗ cha con ông đang đứng. Miên phải bám lấy cha mới giữ cho cả hai không bị cơn lốc xoáy xô đi. Nhưng những quần áo ông Mạn cầm trên tay và mấy món còn nằm trên cỏ đã theo gió bay tung theo gió, lùa ra giữa dòng suối!
Ông Mạn hốt hoảng bất kể hiểm nguy, đã vùng tay ra khỏi con, lao về phía trước. A Miên bằng bản năng tự nhiên, chụp lấy áo cha, kéo lại nên giữ không để ông lao xuống suối. Mà cú lao đó đồng nghĩa với sự tự sát, bởi bên dưới là những tảng đá nhô lên chẳng khác gì cái bẫy giết người.
Kéo cha mình ra bờ suối, Miên trấn an:
– Có thể họ đã trở lên rồi.
Nhưng ông Mạn hầu như không còn nghe con trai nói. Ông cứ nhìn ra giữa suối rồi lẩm bẩm:
– Tuyết Lan, em nhẫn tâm với anh quá…!
Chợt có tiếng ai đó phía sau lưng hai cha con:
– Ông Mạn ơi, nhà có khách tìm!
Quay lại thấy Liêng Lây, người hàng xóm, Miên hỏi:
– Khách nào vậy?
– Không biết. Có ba người khách sang trọng lắm. Họ đứng chờ nãy giờ. Về nhanh lên đi, hình như trong số họ có một cô gái đang bị té sông, đang mê man bất tỉnh.
Nghe đến đó tự nhiên ông Mạn vụt đứng lên, hỏi dồn:
– Họ còn ở đó không?
Không đợi đáp, ông ta chạy trước, A Miên theo sau hỏi Liêng Lây:
– Họ có nói tìm cha tui về chuyện gì không?
Liêng Lây lắc đầu:
– Tui hổng biết. Có một người B’Râu cùng đi, hình như biết cha Mạn của mày là thầy lang, họ muốn chữa trị cho người bệnh sao đó.
Lúc họ về tới nơi thì chẳng có người khách nào.
Liêng Lây quả quyết:
– Mới rồi họ còn đứng đây. Họ có ba người, hai người đàn ông khiêng một cô gái mình mẩy ướt sũng nước.
Chợt nhìn thấy chiếc váy trắng và đôi giày cao gót, Miên kêu lên:
– Cái này mới hồi nãy đây…
Ông Mạn ngồi sụp xuống ngay ngạch cửa, ông đã hiểu, nên bảo Liêng Lây:
– Anh không phải nói gì về họ nữa, tôi biết họ rồi. Họ không còn ở đây nữa…
A Miên cố hỏi, nhưng cha vẫn im thin thít. Khi Liêng Lây về rồi ông mới bảo con trai:
– Con ở nhà, đừng đi theo cha. Để cha làm cho xong việc này đã…
Ông bảo thêm A Miên:
– Con đem cái áo, đôi giày này cất vào chỗ cha cất các giấy tờ, cả chiếc khăn tay nữa, đừng giữ trong mình.
Nói xong ông đi nhanh ra ngoài. A Miên không dám đi theo, nhưng rất lo lắng, đứng ngồi không yên.
Nghe lời cha, Miên đem cất các đồ vật. Nhưng khi cậu cầm đưa tới chỗ cất giữ thì đột nhiên tất cả biến mất! Duy chỉ có chiếc khăn tay thì còn lại, Miên sợ nó biến mất nên vội nhét vào túi áo. Điều làm cho cậu ngạc nhiên là hương thơm phát ra nhiều hơn, hình như không phải từ chiếc khăn tay. Miên có cảm giác như cô gái chủ nhân chiếc khăn tay đang hiện diện trong nhà, bởi hương thơm nức mũi ấy chỉ có thể phát ra từ chính thân thể cô ta?
A Miên nhìn quanh và bỗng dưng rùng mình. Một cảm giác sợ hãi đang lan dần trong đầu của Miên. Và cũng lúc này anh nhớ những lời cha khi nhắc tới người nào đó tên là Tuyết Lan. Tuyết Lan là ai? Bỗng dưng Miên chợt hiểu, kêu lên:
– Dòng suối máu!
Một lần nữa Miên đuổi theo cha.
A Miên đi dọc theo bờ suối một đoạn dài mà vẫn không thấy bóng dáng của cha nên lo lắng vô cùng. Lúc đi ngược trở lại, về hướng chỗ vực sâu, nơi chiếc xe rơi lúc nãy, thì phát hiện hương thơm càng lúc càng gần.
Cuối cùng Miên lần xuống những bậc đá nhấp nhô, leo xuống vực sâu, nơi đã từ lâu Miên chưa một lần đặt chân tới.
Trời chiều dần…
Bất chợt Miên nhìn thấy một bóng người đang ngồi phục trước một mô đất giữa hai phiến đá to. Bước tới gần thì Miên hốt hoảng kêu lên:
– Cha!
Ông A Mạn hầu như không hay biết khi Miên bước tới gần. Ông vẫn ngồi bất động.
– Cha!
A Miên lay vai cha thì càng kinh hãi khi phát hiện ông đã ngất đi.
– Cha!
Ôm chầm lấy cha, nhận ra người còn nóng, nghe vẫn còn nhịp nhẹ, Miên định cõng cha lên lưng chạy về nhà.
Nhưng vừa khi ấy anh nhận ra chiếc váy trắng và đôi giày cao gót đang nằm trước mô đất giống như ngôi mộ. Thì ra hương thơm phát ra từ chỗ này.
Miên ngẩn người một lúc, nếu không phải vác cha trên vai thì chắc anh đã còn đứng đó thêm một lúc nữa.
Cõng cha về tới nhà thì ông tỉnh lại. Câu đầu tiên ông thốt lên là hỏi:
– Con thấy gì ở chỗ ấy?
– Chỗ ngôi mộ?
– Có phải chỗ nấm đất vừa rồi?
Ông Mạn thở dài:
– Là cô Tuyết Lan và hai người đàn ông?
Ông Mạn gật đầu, giọng buồn bã:
– Cả ba người họ ở trong đó. Mà đáng lý ra chính ta phải chôn họ tử tế, mỗi người một mộ mới phải…
Biết con không hiểu, ông tiếp tục kể:
– Ba người mà con nhìn thấy đi chung xe sáng nay chính là ba người nằm trong ngôi mộ đó!
Miên giật nảy người:
– Họ là… hồn ma?
Ông Mạn gật đầu:
– Những oan hồn về đòi mạng!
Miên càng kinh ngạc hơn:
– Đòi mạng… ai?
– Ta!
Ông Mạn đáp lạnh lùng. Rồi bất ngờ đứng lên đi thẳng vào trong. Từ bên trong ông hỏi vọng ra:
– Chiếc áo và đôi giày đâu?
– Đã biến mất ngay lúc cha vừa ra khỏi nhà. Mà vừa rồi con thấy chúng ở chỗ ngôi mộ.
Ông Mạn nhẹ thở dài:
– Ta quên khuấy mất.
Rồi ông chợt nhớ ra:
– Ta hiểu rồi! Sáng nay con nhìn thấy cảnh chiếc xe lao xuống vực là cách mà Tuyết Lan muốn con hiểu là có người chết bằng cách đó. Chiếc xe lúc sáng lao xuống là xe không, nhưng mười tám năm trước thì trong xe có đến ba người! Cả ba đều đã chết. Trong đó có Tuyết Lan.
Miên thắc mắc:
– Sao cha rành chuyện ấy?
Giọng ông Mạn như tiếng kêu ai oán:
– Bởi ta chính là người làm cho chiếc xe mất thắng, lao xuống vực, trong lúc họ vô tình không hay biết?
Miên ngơ ngác:
– Cha nói thế có nghĩa là… là…
– Là kẻ giết người!
A Miên lần đầu tiên nghe cách nói chuyện đầy xúc động của cha. Anh đưa mắt nhìn thẳng vào cha. Ông Mạn hạ thấp giọng hơn:
– Mà kẻ giết người có dự mưu. Nạn nhân lại chính là người yêu của mình. Còn gì ác và đáng nguyền rủa hơn!
Ông bất ngờ hỏi:
– Chiếc khăn tay còn không?
A Miên móc nó ra khỏi túi:
– Còn đây, cha.
Ông cầm lấy, mở rộng chiếc khăn ra, nhìn vào hình thêu, nấc lên:
– Đóa lan Hồ Điệp là tên của nàng ấy, còn ba chính là con bướm này. Ba là Điệp chớ không phải A Mạn như con và mọi người biết giờ đây.
Không để cho Miên hỏi lôi thôi, ông chủ động kể tiếp:
– Mười tám năm trước, trên chiếc xe nhà của Tuyết Lan, trên đường đi Đà Lạt, có cả thảy bốn người: Cha, Tuyết Lan, Hậu và ông già B’Râu. Ông già B’Râu là quản gia đồn điền trà cho nhà Tuyết Lan, theo xe lên Đà Lạt tiếp quản công việc thay người quản gia cũ vừa nghỉ việc. Và đó là chuyến đi cuối cùng của ông ta…
A Miên sốt ruột, chặn ngang lời cha:
– Nhưng tại sao những người kia chết còn cha thì không?
Ông Mạn hơi lưỡng lự, một lúc sau mới lấy từ trong áo ra một tập giấy đã nhàu nát qua thời gian, đưa cho con trai:
– Cha viết ra kể hết mọi việc, đợi khi con đủ mười tám tuổi mới đưa con đọc. Bởi khi đó con mới đủ trưởng thành để tiếp quản cơ ngơi này của cha và cũng là thời điểm cha ra đi. Đi để đền tội… Tuy nhiên…
Ông ngừng lại như để lấy can đảm:
– Hiện nay phải còn gần một năm nữa con mới đủ tuổi. Nhưng không còn kịp nữa rồi, e rằng nếu cha không cho con biết thì cha sẽ không còn sống trên cõi đời này nữa. Cha muốn con hiểu hết mọi việc và lập tức rời khỏi nơi này. Con hãy đọc một mình. Còn cha, cha cần nghỉ ngơi một lát…
Ông đi vào trong. A Miên cầm xấp giấy đã úa vàng, lòng bồn chồn không yên…
…”Tuyết Lan rủ đi đồn điền chơi mấy hôm, mình nhận lời ngay. Bởi đây không phải lần đầu, mà đã vài lần rồi, Lan và mình thường lợi dụng những chuyến đi như thế này để hẹn hò và hưởng với nhau những giây phút tuyệt vời nhất của cuộc tình đã kéo dài ngót ba năm, dù cha mẹ Lan không đồng tình chuyện mình và Tuyết Lan yêu nhau, nhưng Lan thì không màng tới điều đó. Nàng thường nói với mình rằng khi yêu thì con tim có lý lẽ riêng của nó, không phải cha mẹ quyết định là được!
Tuy nhiên, sáng nay khi Lan lái xe tới nhà đón mình đi thì con tim mình như vỡ tung ra, khi trên xe còn có một người con trai khác! Tuyết Lan vẫn hồn nhiên giới thiệu người đồng hành mà mình không mong đợi…
– Đây là Hậu, người bạn thuở thơ ấu của Lan. Anh ấy du học ở Pháp vừa về. Hậu sẽ cùng chúng ta lên đồn điền…
Trong suốt đường đi, khi Tuyết Lan lái xe, thỉnh thoảng Hậu lại quàng tay qua vai nàng, thân mật quá trớn ngay trước mặt mình. Vậy mà Lan chẳng có một phản ứng gì dứt khoát. Đôi lúc nàng lại lên tiếng:
– Văn minh phương Tây thoải mái hơn tập quán cổ hủ của ta nhiều, phải không Điệp!
Nàng còn cố ý chọc tức mình nữa! Mình đã bắt đầu nóng mặt. Nhưng cũng chưa lên đến đỉnh điểm, cho đến khi xe dừng lại uống nước ở một quán bên đường. Tuyết Lan đi nhà vệ sinh, anh chàng Hậu đi theo và mình có linh tính không hay nên cũng đứng lên theo sau họ. Và chuyện động trời đã xảy ra. Nó diễn ra ngay trước mắt mình: Mình bắt gặp hai người đang hôn nhau trước cửa phòng vệ sinh. Tuyết Lan hơi lúng túng, nhưng vẫn cười chống chế.
– Tụi em vẫn hôn nhau từ nhỏ. Anh em, bạn bè mà!
Mình tức đến nghẹn cả lồng ngực, nhưng cố làm ra vẻ bình tĩnh, mình cười gượng rồi đi nhanh lên xe ngồi ngay chỗ tay lái. Khi họ trở ra, mình đề nghị:
– Ngồi không anh bức rứt quá, vậy em và anh Hậu ngồi băng sau, để anh lái cho.
Mình vẫn lái xe của Lan, nên nàng đồng ý ngay. Tới Định Quán, Tuyết Lan bảo:
– Anh ngừng lại đón ông già B’Râu, ba thuê ông ấy lên giữ đồn điền thay ông Muôn vừa nghỉ việc.
Sau khi rước lão B’Râu lên xe, mình đề nghị:
– Còn sớm vậy mình ghé suối Máu để thư giãn, đồng thời cho anh Hậu ngắm cảnh.
Tuyết Lan từng cùng mình ghé qua thắng cảnh ấy, nên tán thành ngay:
– Hay đấy!
Lúc ghé Suối Máu, mình chủ động đề nghị:
– Các bạn xuống ngắm cảnh, mình ở lại chỉnh lại cái thắng xe, hình như thắng không ăn.
Thật ra mình đã xả bỏ thắng tay, chỉ chêm hờ một cục đá nhỏ dưới bánh xe trước. Sau hơn mười phút ngắm suối, khi họ trở lại xe, mình cố tình mở cửa chờ họ lên trước, tìm cách kéo Tuyết Lan lại. Nhưng Hậu đã giằng mạnh Lan ra, đẩy cô nàng lên xe, chừng như cố không để mình thân mật với Lan! Tuyết Lan hình như hiểu ý mình lúc đó, nên muốn dừng lại, nhưng không còn kịp nữa, nàng đã bị Hậu xô nhanh vào băng sau vừa cười hô hố!
Vừa khi ấy chiếc xe đậu chỗ dốc lại không gài thắng tay, nên tuôn nhanh tới trước. Mình quýnh lên bởi có Lan trong xe, nên lao theo cố giữ chiếc xe lại. Nhưng đã quá trễ, chiếc xe đã lao nhanh xuống vực. Mình nghe những tiếng thét kinh hoàng của Tuyết Lan và cả Hậu nữa! Rầm một tiếng. Âm thanh ghê rợn đó có lẽ ám ảnh mình suốt đời!
Hối hận, bàng hoàng! Mình đã ở lại suối Máu nhiều ngày, cố leo xuống vực sâu tìm thi thể họ, nhưng hoàn toàn vô vọng. Những người quanh vùng bảo rằng có thể cả chiếc xe và thi thể họ đã chìm dưới dòng suối sâu, mà đoạn suối chảy qua đó như một cái hố sâu, nghe đồn là ăn thông ra một nơi nào đó cách vài cây số!
Vừa ăn năn, hối hận lại vừa sợ trách nhiệm, nên mình không trở về nhà. Trốn biệt ở vùng suối Máu này.
Vừa hy vọng kiếm tìm tung tích Tuyết Lan, vừa tránh mọi người. Đó là lý do mình đổi tên thành một người thiểu số, từ nay mình là A Mạn.
Vào một đêm, lúc giật mình tỉnh giấc mình nghe tiếng ai đó gọi vọng vào, bảo mình ra nhận con! Mình còn đang ngơ ngác thì đã nghe tiếng trẻ con khóc bên ngoài! Mình bước ra soi đèn thì bắt gặp một trẻ sơ sinh bọc trong một cái chăn bông ướt đẫm nước. Đứa bé nhìn vào mình và càng khóc lớn. Mình chưa biết phải làm gì thì nghe âm thanh giống như lúc nãy vọng lại:
– Con anh sao còn chưa nhận? Nó bị rơi theo em dưới suối, em chết, nhưng số nó chưa tận, nên đủ ngày tháng em sanh nó ra, gởi lại cho anh nuôi!
Nhớ trước lúc chết, Tuyết Lan từng báo tin là nàng có thai được hai tháng! Vậy ra…
Mình bàng hoàng ôm đứa trẻ sơ sinh vào lòng thấy chung quanh nó ướt sũng, nhưng thân thể nó thì ấm, nên mình ẵm nó đưa ngay vào nhà. Từ hôm đó mình bỗng dưng có con! Để mọi người không dị nghị, mình nói dối rằng nhặt được nó trong rừng, thấy tội nghiệp nên đưa về nuôi. Mình đặt tên cho nó là A Miên.
Tháng ngày trôi qua… chuyện cũ dần trôi vào quên lãng. Hồn phách Tuyết Lan cũng không ám mình nữa. Có lẽ nàng cảm thông và tha thứ cho mình, bởi mình đã cưu mang giọt máu còn lại khá chu đáo.
Lúc A Miên lên mười tuổi thì mình nằm mộng thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ, gọi đúng tên mình và bảo: Khi nào thằng bé A Miên sắp mười tám tuổi thì có chuyện xảy ra đấy! Coi chừng trong hai người, nhà ngươi và thằng bé, sẽ có người mẹ về bắt đi đấy!
Ngày… tháng… năm…
– …………”
Những trang nhật ký viết đến đó thì dứt. Vừa đọc xong A Miên đã gọi lớn:
– Cha ơi!
Không nghe cha lên tiếng, Miên chạy thẳng vào giường. Không có ông A Mạn ở đó.
Linh tính có điều chẳng lành, Miên lại chạy về hướng suối Máu. Leo xuống vực mất hơn hai chục phút và Miên đứng sựng lại vài giây rồi mới thét lên:
– Cha!
Ông A Mạn toàn thân đầy máu, đang nằm ngửa trên nấm đất hình ngôi mộ. Khi Miên tới xem thì biết chắc cha mình đã ngừng thở, cây rựa chặt cây của ông thường ngày đang cắm sâu vào bụng, mũi rựa xuyên thẳng xuống đất!
– Cha ơi!
Tiếng gọi của Miên nghe giống như tiếng của ông A Mạn khi gọi Tuyết Lan. Lần này âm thanh của Miên còn vang xa và vang rất lâu theo gió rừng.
Thay vì chôn ngay xác cha mình, A Miên tự quyết định một mình đào nấm đất giống như ngôi mộ chỗ ông A Mạn nằm chết. Đào xuống không sâu lắm thì gặp ba bộ xương người còn nguyên vẹn, nằm tách biệt nhau. Có một bộ xương nhỏ hơn hai bộ kia, chừng như của người nữ. Miên nhặt được từ cổ của hài cốt một sợi dây chuyền có chiếc mặt ngọc màu xanh còn nguyên vẹn, chiếc mặt ngọc hình cánh hoa Lan Hồ Điệp!
– Bà Tuyết Lan!
Tự dưng có mùi hương thơm quen thuộc bay ra từ bộ xương ấy, khiến Miên buột miệng:
– Chính bà ấy! Chính là… mẹ!
Miên sụp xuống, chấp tay lạy liền mấy lạy, vừa kêu khẽ:
– Mẹ!
Rồi chẳng cần suy nghĩ, A Miên tách bộ xương của mẹ mình ra, đặt nằm cạnh thi thể của cha, chung trong mộ huyệt vừa mới đào. Anh khấn thành kính:
– Con xin cha mẹ hãy ở bên nhau mãi! Con xin mẹ tha thứ cho cha, cha con khổ lắm rồi…
Thế là ở mảnh đất nhỏ dưới vực sâu đó mọc lên hai nấm mộ. A Miên chỉ khắc lên mộ bia hình đóa hoa lan và con bướm, chớ không để tên. Anh nói như một lời thề:
– Con sẽ mãi mãi ở bên cha mẹ!
Một năm sau ngày A Mạn mất thì xóm suối máu hay tin A Miên lấy vợ: Cô dâu là người con gái lạ từ đâu tới chẳng ai biết. Chính A Miên cũng hết sức ngạc nhiên khi vào một đêm anh nghe có tiếng ai gọi tên mình ngoài cửa. Tiếng nghe rất quen:
– Ra mà đón vợ con vào. Phải sống cho thật hạnh phúc, đừng bao giờ như cha mẹ!
A Miên mở cửa ra thì bắt gặp một cô gái đang đứng co ro ngoài cổng. Mở cửa cho cô ta thì cô nàng rất tự nhiên nói:
– Em là Dạ Lan. Em sẽ ở đây cùng anh!
A Miên hỏi nàng quê quán, cha mẹ, thì Dạ Lan chỉ đáp mơ hồ:
– Em cũng không nhớ mình ở đâu nữa. Khi sanh ra được mấy ngày thì em hôn mê cho đến đêm qua mới tỉnh lại, rồi chẳng biết ai đưa em tới đây, nói là về với chồng! Anh là A Miên?
Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, đủ để hai người gắn bó với nhau. Trong thâm tâm họ hiểu là có một nguyên nhân sâu xa nào đó đã đưa họ đến và sẽ bên nhau dài lâu. Nhưng đâu nhất thiết phải hiểu thêm làm gì, khi đã là duyên nợ…
Đôi vợ chồng trẻ sống gắn bó, yêu thương nhau chân thành. Họ thường xuyên ra thăm mộ cha mẹ. Cô con dâu Dạ Lan luôn quỳ trước mộ rất lâu và khấn vái những gì rất thành khẩn mà dù muốn biết, nhưng Miên không làm sao biết được.
Dòng suối Máu vốn lâu đời có màu nước đỏ như máu và cũng chính vì thế nên có tên như vậy. Bỗng dưng nước không còn đỏ nữa. Màu nước trở nên trong xanh như bao dòng suối khác. Cũng chẳng hiểu tại sao…