Vậy là mọi chuyện đã xong. Con gà tinh biến mất khỏi làng biệt tăm biệt tích, ít ra là đến bây giờ em chẳng nghe ai nói gì về nó nữa các bác ạ. Sau đợt lạm phát đầu năm 1999, 2-3 năm sau, khó sống, dân làng tản đi tứ xứ làm ăn, chỉ còn một số người giàu tình cảm, không nỡ bỏ quê ở lại. Nhiều nhà chuyển đến, cũng có nhiều người là con cháu, mong muốn quê mình phát triển, bỏ chốn thành thị xa hoa quay về cống hiến cho quê nhà. Quê em giờ đây khác xưa nhiều, đêm đêm cứ nghe nhạc xập xình ở tận đâu đâu, chạy ra đầu ngõ ngó quanh quất chỉ nhận ra được vài người quen. Mà kín cổng cao tường lắm. Người ta chuyển tới, làm bữa tiệc, đi thăm làng xóm 1-2 lần gì đó là thôi, chẳng ai thèm duy trì tình làng nghĩa xóm. Bây giờ mà hỏi cậu 3 xem nhà bên kia là nhà ai thì đố cậu biết được. Thành thị hóa rồi!
Nhưng cái thuở ấy còn ít, tức là mới chỉ vài người đi, và vài người đến. Trong số những người dọn đến có một người phụ nữ ôm theo một đứa bé, ở trong một túp lều nhỏ dựng cạnh sông Tam Quan. Cô tên P, rất xinh, là dân Quy Nhơn. Cô rất kín tiếng, sống trong làng nhiều người còn chả biết cô là ai. Sau vì vài nguyên do, người ta mới biết, cuộc đời của cô là một chuỗi đau thương và bất hạnh…
Cô P là dân gốc Huế, từ nhỏ theo ba mẹ vào Quy Nhơn sống. Cô là con một, gia đình lại thuộc dạng khá giả nên tuổi thơ trôi qua khá êm đềm. Năm 21t, bất hạnh ập xuống gia đình cô: Ba mẹ cô bị tai nạn xe hơi! Mẹ mất, ba thì liệt nửa người dưới, thần kinh bất ổn lúc tỉnh lúc mê. Năm đó cô đang học năm cuối ĐHSP Quy Nhơn, nghe hung tin cô phải bỏ học để chăm sóc cho ba. Ban đầu viện phí của ông nhiều lắm, cũng may là có trợ giúp của cơ quan ba mẹ, họ hàng, bạn bè… kèm theo bán đi căn nhà ba mẹ cô tích góp bao nhiêu năm mới mua được, mới giữ được ông. Còn dư một ít, cô thuê tạm căn nhà nhỏ, tiếp tục đi học nốt phần dở dang. Nhưng miệng ăn núi lở, tiền thuốc men, tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt v…v… Loáng cái số tiền dành dụm chẳng còn bao nhiêu. Nhưng không sao, luận án tốt nghiệp cũng xong rồi. Giờ chỉ còn đợi bằng TN thôi. Cô giấu ba, để tạo sự bất ngờ cho ông. Ai ngờ…
Người cha tuy rằng không còn được minh mẫn, nhưng khi tỉnh táo ông vẫn biết được hoàn cảnh bây giờ. Ông không còn kiên nhẫn và nghị lực muốn sống tiếp. Giống như nhiều người thường nói, sống mà như chết. Ông không muốn làm gánh nặng cho con gái. Thế là một buổi tối, người ta thấy cô con gái khóc đến lả người bên vũng máu, xác người cha đã lạnh ngắt, trên tay còn vết cứa bằng dao gọt trái cây kèm theo mảnh giấy “Ba yêu con, con gái của ba”.
***************
Cầm tấm bằng ĐH trên tay cùng hơn 10tr còn lại, cô gái 22 tuổi quyết tâm vào SG lập nghiệp. Hành lý của cô vỏn vẹn chỉ là 1 túi đồ cá nhân cùng một tấm ảnh gia đình ngày xưa…
Vào SG, nhờ một người quen cũ của ba, cô P được vào làm ở một công ty vận tải. Cuộc sống khó khăn, đồng lương ít ỏi, phải tằn tiện mấy năm trời cô mới tích cóp được chút tiền, định ra ngoài kinh doanh. Nhưng ông trời luôn thích trêu người, cô P ngã bệnh, chạy chữa thuốc thang hết sạch! Cầm tờ giấy ra viện mà nước mắt chỉ chực chớm ra ngoài. Đúng lúc ấy thì T, một đối tác cũ của công ty cô xuất hiện mang theo một viễn cảnh tốt đẹp về tương lai, mở ra cho cô bé 24-25 tuổi đầu chưa có nhiều kinh nghiệm một cánh cửa tới thế giới toàn màu hồng. Cô yêu hắn, và sau 1 thời gian, cô có bầu…
Dài dòng quá, thôi em xin tóm tắt lại là sau khi dính bầu thì thằng sở khanh này kiên quyết bảo cô nạo, cô ko chịu v…v… và động chạm gì đó đến lòng tự trọng của ng con gái nên sinh xong cô bỏ việc, xách hành lý về quê. Về QN cô lại được một ông bạn của ba tuyển vào làm thư ký, trong 1 lần đi tiếp khách cô đã bị chuốc rượu và bị ép tiếp khách cho sếp, từ đây cô P mới hiểu được tâm địa con người, cô muốn tránh xa cái thế giới tởm lợm này, nên cô đi tìm nơi nào vắng vẻ, và cô về Tam Quan…
***************
Hàng ngày mọi người vẫn đi qua túp lều nhỏ ấy, vẫn nghe tiếng hát ru của người mẹ trẻ. Giọng hát ngọt ngào nhưng nao lòng. Cô P ít khi ra ngoài. Cô ở nhà chăm con và may vá. Cô vá rất khéo, nhìn không ra vết vá đâu! Cứ đến tầm chiều tối là cô bế con ra chợ mua thức ăn. Mọi người ai cũng muốn ôm thằng bé nhưng nó nhất quyết không chịu. Á cái dcm, mày không chịu à, bố cứ giằng mày ra đấy thì sao? Đừng tưởng bở, thằng nhóc khôn lắm. Nó khóc ré từ trước khi tay anh chạm vào nó cơ. Và cứ lúc ấy thì cô P lại ôm rúc nó vào lòng dỗ kèm theo cái nhìn sắc lẹm. Bố anh nào dám động tới ông trời con, nhé.
Thời gian như thể thoi đưa, thấm thoát cũng đã 4 năm. Thằng cu con cô P cũng đã biết đọc. Nhưng giống cô, chưa có ai thấy nó ra ngoài chơi với lũ trẻ hàng xóm. Chỉ quanh quẩn ở nhà. Ai tới thì nó chào, hỏi thì nó cười cười. Người ta khuyên cô P nên cho nó đi chơi với đám nhóc, cô cũng lắc đầu cười buồn. Nói không được, thế là cho tụi nhóc sang nhà cô P chơi. Sang đến nơi đứa nào cũng khóc ré, chạy tán loạn. Cô P cũng chỉ cười, vẫn cái điệu cười buồn quen thuộc…
Gần nhà cô P có thằng Lao, mới chuyển về làng. Cũng chẳng rõ tên nó viết như thế nào, đọc sao thì viết vậy thôi. Nghe nói thằng này là người dân tộc, dân bản cho nó xuống miền xuôi học cái chữ, nhưng thằng này không học được, mà chỉ học được cái xảo trá của người xuôi đem về lừa gạt mọi người. Thế là nó bị đuổi. Thằng này thì được cái cao to đen hôi, làm việc như trâu, nhưng đểu. Nó thèm thuồng cô P lâu rồi, ý nó ai cũng hiểu. Dưới này đâu ai khờ như dân trên bản? Nó có đểu thì chỉ đểu được với người ngu hơn nó thôi. Cũng không dưới chục lần thanh niên trong làng dằn mặt nó, bảo tránh xa cô P ra, nhưng chứng nào tật nấy. Hôm ấy nó nhậu say, một ông trong làng cũng bí tỷ rồi, theo kiểu “3 say chưa chai”, dắt về. Qua nhà cô P, nó quay lại táng cho ông này một cú bất tỉnh. Chẳng ai biết nó đi đâu cho đến sáng hôm sau, người ta tìm được xác nó trôi theo dòng Tam Quan…
Tối cái hôm thằng Lao chết, người làng cho dù ở mé trong, cách nhà cô P gần 1km, cũng nghe được tiếng ru não nề của cô…
Công an về điều tra không phát hiện được gì.
Bắt đầu từ đây, hàng loạt vụ chó mèo mất tích trong làng. Người ta bảo: Cứ ra dòng mà tìm. Đúng thật, xác vẫn trôi trên dòng Tam Quan…
Mọi người đồn ầm lên rằng có Hà Bá. Mời sư cụ A về, nhưng ông đang bệnh, thế là lập đàn cúng bái rầm cả lên, mời thầy này thầy kia về, lúc đấy em còn nhỏ nên chẳng để ý nhiều, chỉ biết là bụng ông nào cũng phệ!
Nhưng mọi người đã nhầm. Từ đợt đó, con nít lảng vảng gần sông cũng bị mất tích, mấy ngày mới về. Đứa nào cũng ngơ ngẩn, hỏi gì cũng không trả lời…
Người ta ra khuyên cô P nên chuyển vào trong làng, nhưng cô lắc đầu. Vẫn nụ cười buồn.
Bây giờ thì sự hoảng sợ đã lan rộng ra cả làng. Ai cũng sợ Hà Bá. Thậm chí có người còn thả gà thả bò xuống sông để tế.
Dạo đấy, ông ngoại em thường mộng mị. Ông hay thấy một người phụ nữ ẵm theo một đứa nhỏ, khóc với ông: Con khổ quá. Con đau quá. Giật mình tỉnh dậy, mấy đêm liền cùng một giấc mơ khiến ông không khỏi liên tưởng đến mẹ con cô P…
Lần này ông ngoại gọi ông Ba về. Ra đến bờ sông, ông Ba chỉ vào lều cô P, la lên: Đúng nó rồi! Nói đoạn ông rút bùa đã chuẩn bị sẵn ở nhà, bắt đầu dán lên 4 góc lều. Ông ngoại thấy ông Ba trừ tà không phải chỉ một hai lần, nên kéo lại bảo: Mẹ con nhà nó không xấu đâu… đừng tuyệt đường chúng nó. Ông Ba nhìn căn lều một lúc lâu, thở hắt ra, rồi tháo mấy tấm bùa, dặn ông ngoại gọi sư cụ A về siêu độ…
Khi quay đi, cả ông ngoại và ông Ba đều rùng mình. Tiếng ru ai oán lại cất lên…
Cái kết thì mọi người chắc ai cũng đoán ra, ông ngoại em mời sư cụ A về làng làm tràng siêu độ, cuối cùng không ai nghe được tiếng ru ấy thêm lần nào nữa…
Vài ngày sau, công an trên tỉnh xuống làm cuộc điều tra. Dựa theo mô tả thì họ kết luận: Cô P và cháu bé đã mất trong một vụ tai nạn giao thông trên chuyến xe khách từ QN về Tam Quan 4 năm về trước…
Nửa năm sau, ông ngoại em từ trần, hưởng thọ 81 tuổi. Ông Ba nói vì lúc còn sống ông tiếp nhận quá nhiều âm khí, sống được đến tuổi này đã là hay rồi.
Trong đám tang ông, xen lẫn tiếng khóc là tiếng gà gáy và tiếng hát ru ai oán…