U Minh Lộ
________
Chương 3
________
Tôi chưa nói về thôn này. Trước đây nó gọi là làng định cư, do những người lúc chia cắt hai miền di cư đến lập. Vài năm sau thì được cấp địa chánh thành thôn, thuộc xã cấp huyện. Lúc hai miền giao tranh, nơi này trở thành ấp, phía ngoài có xây hàng rào, trước có đồn bốt đóng quân. Tuy gọi là ấp, nhưng người dân ở đây quen miệng gọi là làng, là thôn; chỉ đến lúc ra làm giấy tờ thì mới ghi là ấp. Nói là có hàng rào, nhưng dân ở đây cảm thấy tù túng, nên hàng rào nhiều chỗ cũng bị cắt mất để làm lối thông qua nơi khác cho tiện.
Làng này giáp lưng là núi, trên đó là cánh rừng trải dài, đi thêm khoảng hơn 100 cây số về phía tây là đến vùng biên giới với Cam. Cạnh làng có con sông chảy qua, nói là sông vì nó giống vậy, chứ ban đầu nó là kênh do người tây xây dựng để chở gỗ từ đây về các tỉnh khác, sau này họ không khai thác nữa, đất hai bên bồi lở do lụt lội, lâu dần trở thành nhánh sông. Sau này khi chiến tranh kết thúc, người ta lấp lại để xây cho kiên cố nên con sông đó cũng biến mất. Nói ra nhiều người biết nơi tôi ở là đâu, nhưng vì nhiều lý do, tôi không tiện nói ra.
Ngọn núi kia có nhiều loại cây, nhưng lúc quân Nhật đến có trồng tre ở trên ấy, nên thỉnh thoảng cũng có người vào đó tìm tre già về để dựng nhà. Cô Xẩm ngày đó cũng vào trong đó tìm tre, vì ở ngoài làng tuy có mấy bụi tre nhưng nó lại còn non, lúc hong khô thì cong veo hết cả. Cô đi theo đường dẫn vào núi, chui qua hàng rào vào trong. Lúc đi cô không quên chít khăn trên đầu, cái đó là dấu hiệu cho du kích ở trên núi biết không phải là lính quốc gia hay mật thám mà bắn nhầm. Nhưng ký hiệu ấy thì lính quốc gia cũng biết, vậy nên hai bên cứ bắn nhau ầm ĩ cả, do đó khi vào núi, tốt nhất là chịu khó đưa hai tay lên cho họ thấy, vào được khoảng lưng chừng thì yên ổn, bỏ tay xuống bình thường.
Cô Xẩm vào núi từ lúc sáng, có nói lại với tôi, nhưng đi đến đầu giờ chiều thì mới về. Tất nhiên là trong lúc cô chưa về, ông Hai sốt ruột lắm, vì ông thương cô Xẩm, mấy lần đòi vào núi tìm nhưng bà tôi trấn an, vì dù sao bà cũng chưa nghe thấy du kích bắn nhầm dân mà không nói lại bao giờ. Kể cả có đi vào ban đêm thì cũng không sợ gặp cướp, vì dưới có lính quốc gia giữ, trên có du kích quần thảo, cướp nó còn không dám bén mảng đến nữa là. Vì thế nên ông Hai hết đi vào trong lại ra ngoài nhà, thậm chí còn ra cả nghĩa trang quỳ lạy mộ ông tôi, vì ông Hai biết ông nội tôi linh lắm.
Lúc cô Xẩm về tới nhà, ông Hai thấy mặt cô lấm la lấm lét, trông thấy ông thì tái xanh mặt mày nên sinh nghi. Ông liền kiểm tra thì thấy áo cô có dính máu, nghĩ là bị thằng nào hại đời, ông thét om tỏi rồi nói bà Hai xem thử thế nào. Bà Hai thấy ông giận liền chạy ra đưa con gái vào phòng, hai người tỉ tê gì đó rồi ra nói với ông. Lúc này mặt ông từ giận dữ bỗng chùng xuống, mắt cứ đảo liên hồi, chốc chốc lại chửi cô Xẩm là đồ ngu. Bà tôi thấy có chuyện chẳng lành, liền đẩy cả nhà ông Hai vào trong phòng nói chuyện, để lại tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Từ trong phòng có tiếng năn nỉ, tiếng gằn giọng, rồi tiếng bà tôi trầm ấm. Một lúc sau thì mấy người đi ra, khuôn mặt giãn xuống. Bà nói tôi về nhà mà ngủ, còn bà và ông Hai đi ra khỏi nhà, dần biến mất sau màn đêm chốc chốc rực lên bởi pháo sáng tỏa trên bầu trời.
Không cần phải dài dòng thì ai cũng đoán được là cô Xẩm lên núi gặp phải du kích. Người này trong đợt truy quét của lính quốc gia may thoát được, nhưng thương tích nặng nề. Lúc cô Xẩm vào rừng thì trông thấy người này, anh ta giơ súng lên thị uy nhưng thấy cô là người dân bình thường thì hạ súng xuống, nhờ cô đem lá thư anh ta viết vội cất giữ, sau này có cơ hội thì gửi lại cho đồng đội anh ta đem về quê. Cô Xẩm thấy thương hại, liền tháo khăn trên đầu xuống băng bó cho anh ta, vì cô Út tôi vốn là y sĩ nên có chỉ cho cô chút ít. Sau khi để anh ta vào chỗ an toàn, cô Xẩm chạy về nói cho cả nhà nghe.
Ông Hai tức giận không phải là vì cô giúp người ta, mà là vì cô xin ông Hai đem anh ta về chăm sóc, bởi nếu để đấy mà không liên lạc được với bệnh viện dã chiến thì anh ta cầm luôn cái chết. Ông Hai nào dám mang anh ta về, vì đấy là trọng tội, bị bắt được thì cả nhà này mang họa. Đến bà tôi thì khi nghe chuyện, bà ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo.
“Cả hai bên đều có lý tưởng của mình, chỉ là tư tưởng của họ khác biệt nhau. Mình là người dân ở giữa chiến tuyến, cả hai bên cũng không hại gì mình, đến cô Út còn giúp họ, để vậy sao đành? Nhà này có cái hầm tránh bom, đem anh ta về cũng không khó, thôi thì cứ coi như giúp người ta làm phước.”
Tất nhiên ông Hai đâu có chịu. Nhưng bà tôi nói nếu ông Hai tin tưởng ông tôi, thì cả nhà ra mộ ông với bà Tư xin thử, nếu họ nói thế nào thì làm theo thế ấy. Vậy là đêm hôm, mấy người nhà tôi đến mộ ông với bà Tư xin chỉ hướng. Bà tôi kể lại rằng khi ấy thắp nhang cho hai người, ông Hai khấn rằng nếu hai người đồng ý thì để cho nhang cháy hết, còn không thì cứ cho tắt ngúm đi. Lúc ấy trời có sương, nên có khi ông Hai muốn vậy để khỏi mang vạ vào người. Nhưng lúc ấy dù có sương thì tự dưng lại có gió lớn, mấy cây nhang đổ vào nhau thành khóm, bùng cháy lên hóa tro đến tận gốc. Như vậy ý của hai người đã quyết, ông Hai thở dài, theo bà tôi cùng chú Út, chú con ông Tư là cái chú lúc đầu tôi kể, tên thường gọi là Hổ cùng ông Tư, ông Út đi ra núi lén mang người du kích kia về.
Từ ngày anh du kích kia sống trong hầm trú bom nhà tôi, thì cô Xẩm ngày nào cũng mang cơm đến cho anh ta, còn cô Tình, là cái cô đi quân y ấy, cứ 2, 3 ngày thì từ bệnh viện huyện về xem vết thương giúp, cũng mang theo thuốc về cho khỏi bị lộ. Anh ta có vẻ như chịu khổ quen, được hơn hai tuần thì khỏe lên trông thấy. cô Xẩm thấy anh bị nhốt trong hầm lâu ngày cũng tội, thi thoảng không có lính quốc gia đi tuần thì mở hầm cho anh ta leo lên ngắm trởi ngắm đất, còn tôi thì nhận nhiệm vụ canh gác dùm.
Khoảng một tháng sau thì anh ta khỏe hẳn, vết thương đã liền lại. Anh ta cảm ơn cả nhà tôi, tặng cho bà tôi bó hoa ly ép khô mà anh ta cất trong túi, lạy ông Hai vì đã chịu giúp anh ấy, còn cô Xẩm thì anh ta tặng cho cô một sợi dây đeo tay bện tỉ mỉ bằng rơm. Cô Xẩm thích sợi dây ấy lắm, đến nỗi không dám đeo vì sợ hư mất, cứ treo lên bậu cửa sổ, chốc chốc lúc thêu thùa may vá thì lại ngắm rồi cười.
___________
Nhưng người ta nói con gái đẹp thì khổ. Cô Xẩm lúc ấy mới biết khổ như thế nào. Lúc ấy cô Xẩm đẹp có tiếng trong làng, đến cả binh lính vốn xuất thân từ Sài Gòn mỗi lần cô đi qua cũng phải ngắm nhìn. Trong số lính đóng đồn ở đây, có binh trưởng tên Tân thường xuyên ghé nhà hỏi han, nhưng ai cũng biết là chỉ muốn gặp cô Xẩm. Người này tính tình không xấu, mặt mũi cũng xán lạn, nghề nghiệp thì ổn định. Nhưng bị cái là luôn nói xấu bên kia, phân biệt vùng miền nên ông Hai không thích, mà ông Hai không thích thì cô Xẩm cũng chả ưa. Người này mấy lần đến nhà cũng bị từ chối khéo, tôi trông thấy cũng tội, nhưng có lần anh ta rủa là dân Bắc khó tính thì tôi cũng không ưa anh ta nốt.
Anh ta cứ đến, cô Xẩm thì cứ tìm cách từ chối gặp, anh ta mặt buồn thiu ra về. Nhưng đến ngày nọ, cô Xẩm lại phải đến tìm anh ta. Chả là năm ấy có đợt tòng quân, nhà tôi không còn ai là con trai đến tuổi đi lính, chỉ còn mỗi ông Hai và ông Tư. Mà ông Hai thì lúc ấy cũng hơn 60, ông Tư thì cách ông Hai đến 20 tuổi, nên đi nghe ngóng thì ông Tư chuẩn bị có giấy nhập ngũ. Cô Tình và chú Hổ nghe tin có đi xin, vì ông Tư mà đi nữa thì nhà này vắng người luôn, nhưng cái người thân quen kia lại bận đi công tác không liên lạc, lúc đang khó thì cô Xẩm nhớ đến Tân, anh ta là người tìm quân cho đơn vị, chắc cũng giúp được.
Quả nhiên là anh ta chịu giúp, nhưng đổi lại thì cô Xẩm phải chịu đi nghe nhạc cùng anh ta. Cô Xẩm biết anh ta thích cô, nhưng không phải hạng người đê tiện, nên đồng ý. Anh ta sốt sắng xin lên cấp trên, trình bày lý do đủ kiểu, cuối cùng họ cũng cho gạch tên ông Tư ra. Vài ngày sau thì cô Xẩm mặc quần áo đẹp đi cùng anh Tân, dù không thích anh ta nhưng cô nói đi cùng người ta thì cũng phải ăn mặc đàng hoàng, không tùy tiện được.
Anh Tân mượn được xe jeep chạy đến, chở cô Xẩm đi lên tỉnh nghe nhạc. Họ đi từ lúc gần trưa, nhưng đến đêm khuya vẫn chưa thấy về. Lần này thì ông Hai sốt ruột thật, chạy đến ngay đồn để hỏi tin con gái thì thấy anh Tân đang bận bịu sắp xếp quân lính. Hỏi ra mới biết đầu giờ chiều họ đi nghe nhạc xong thì có vào quán ăn, cô Xẩm có đến hiệu thời trang ở tỉnh để xem cách thiết kế. Do có việc gấp ở đơn vị nên anh ta về, sau đó có lên đón cô nhưng chủ tiệm bảo cô Xẩm bắt xe ra về rồi.
Biết chuyện cô Xẩm chưa về, anh Tân nhờ người binh phó giúp sắp xếp công việc, lấy xe jeep cùng ông Hai chạy lên tỉnh tìm cô Xẩm. Hai người họ chạy đi, lúc về thì thấy anh Tân sa sầm nét mặt, ông Hai thì chảy nước mắt đang ôm cô Xẩm khóc dựa vào ông. Lúc ấy không ai kể với tôi chuyện gì, tôi chỉ có sợ anh Tân thôi, vì hôm sau anh ta lấy súng của đồn chạy đến tỉnh, xả súng giết sạch cả nhà tiệm thời trang kia. Sau này lớn lên, mới được ông Hai kể lại rằng tên chủ hiệu thấy cô Xẩm đẹp nên lừa cô vào nhà rồi cưỡng bức, đến khuya khi cùng anh Tân làm khó thì tên này mới nhận, thả cô Xẩm ra. Hắn còn trơ tráo nói rằng quen biết cấp trên, không ai làm gì được. Ông Hai nói rằng anh Tân tức lắm, lại thương cô Xẩm nên hóa điên, ngày đó cầm súng đến nhà tên kia giết vợ con hắn cho hắn đau khổ rồi mới giết luôn hắn, sau đó thì bị tòa quân sự xử án tử hình, trước lúc chết anh ta có nhờ người đến đưa cho cô Xẩm món quà anh chưa kịp trao, đó là mấy cuộn chỉ Pháp mà anh ta kiếm mãi mới ra. Nhiều lúc nhớ lại, ông Hai bảo ác cảm với anh ta không còn nữa, kể ra có ảnh làm rể nhà này thì cũng là tốt cho cô Xẩm. Vì vậy mà sau này, ông Hai không gây khó dễ cho cô Xẩm lấy chồng nữa.
___________
Nói đến chuyện cô Xẩm lấy chồng, cũng có sự giúp sức của ông tôi. Khi ấy trời mưa to, còn cô Xẩm thì sau lần bị người ta hại cứ ru rú trong nhà buồn bã, không tiếp xúc với ai nữa. Bỗng trong đêm, trời đang mưa lại tắt hẳn, trời chưa sáng đã nghe tiếng súng nổ, du kích đánh vào đồn bốt trước làng. Hạ đồn ấy xong, mấy người du kích trốn vào rừng, vì quân họ chết cũng nhiều, mà bên này thì lính chuẩn bị đổ xuống. Nhưng có một người lại chạy đến nhà tôi, là anh Nghĩa, người từng được cô Xẩm cứu trước đó. Anh Nghĩa đến nhà ông Hai xin gặp cô Xẩm, vì lần này anh ấy tập kết lại ra Bắc, có khi không gặp được cô. Ông Hai định đuổi khéo, vì cô Xẩm đang buồn thì thấy cô ra ngoài, cả hai nhìn nhau một lúc rồi cô Xẩm khóc, ông Hai cũng ứa nước mắt rồi cho hai người vào trong nói chuyện. Hóa ra ngày ấy đội du kích nhận lệnh đánh vào đồn cho lính Bắc Việt có thời gian tập kích trên tỉnh, nhưng trời mưa to nên họ sợ đánh vào thì không rút ra kịp, nên nghĩ đây là trận cảm tử. Anh Nghĩa có người bạn mới lập gia đình, cảm thấy thương vì nghĩ người này sẽ không gặp lại gia đình nữa, chợt nhớ bà tôi nhiều lần có kể ông tôi linh thiêng lắm, nên anh lén đến nghĩa trang xin ông. Bất ngờ là anh vừa xin xong thì có trận gió to, mưa biến mất hẳn.
Tôi khi ấy ngủ lại nhà ông Hai, vì cô Xẩm thích tôi nên ông Hai nhờ qua ngủ cùng cho cô Xẩm đỡ buồn. Lúc ấy tôi mới biết là hai người này thích nhau, nhưng sợ ông Hai khó tính nên không dám nói ra. Anh Nghĩa nghe chuyện cũng khóc với cô, cả hai ngồi rủ rỉ cả đêm, rồi bất chợt anh Nghĩa ngỏ ý cô đi cùng anh ấy ra Bắc sống. Thấy người ta không ngại việc mình không còn là con gái, cô Xẩm ban đầu từ chối, nhưng sau thì gật đầu đồng ý.
Ông Hai tất nhiên đâu có chịu, ông nói với cô Xẩm rằng.
“Mày đi như vậy, nhà này họ biết thì mày tính sao?”
Còn cô Xẩm thì khóc, cùng anh Nghĩa cầu xin ông.
“Cha, con thương ảnh mà cha…”
Bà tôi lúc ấy qua nhà, lại lần nữa đưa ông Hai vào trong, khuyên ông nên để cô Xẩm đi, vì giờ cô Xẩm không thương ai nữa, cứ để vậy rồi qua tuổi thanh xuân. u cũng là phận, cứ để cô đi cho toại lòng. Ông Hai cứ phân vân một lúc rồi đi qua nhà tôi, trước bàn thờ ông tôi khấn vái. Tôi lúc ấy thấy ông Hai run run, cắm ngược lại cây nhang đang cháy xuống bát hương, nhưng cây nhang vẫn cháy ngược lại bên trên. Ông Hai khóc, đi cùng bà tôi về mà nói với cô Xẩm.
“Tao chỉ có một con gái, mày là đứa tao thương nhất. Mày đi, tao buồn lắm, nhưng đời mày còn dài, tao không thể để mày như vậy được. Đi thì cứ đi đi, nhưng không được gọi tao là cha nữa, ai nói gì cũng không nói về nhà này. Vì không phải là chỉ có tao, mà còn có mẹ mày, anh em mày, rồi bà con họ hàng nữa. Tao coi như mày đã chết trong trận càn tối qua rồi!!!”
Cô Xẩm và anh Nghĩa hiểu ý ông Hai, cả hai lạy lục xin ông tha thứ, rồi cùng nhau đi. Trước khi đi, cô Xẩm đưa tôi cái dây đeo tay bằng rơm kia mà dặn.
“Quắn, Quắn ở lại với ông Hai, giúp cô chăm ông nha Quắn…”
Tôi ứa nước mắt gật đầu. Lần ấy cho đến hơn 30 năm sau, tôi mới gặp lại cô Xẩm, lúc ấy cô đã già, nhưng bên cạnh cô là gia đình đầm ấm, quá khứ cứ như chỉ còn chuyện tốt đẹp, không còn đau thương gì nữa.
Nhưng đó là chuyện sau này, vì nhà này vẫn còn có chuyện.
____________
Hết chương 3